Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Từ biệt chuyen khong don gian

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (50.24 KB, 4 trang )

Từ biệt - Chuyện không đơn giản
Thứ ba, 09 tháng 6 2009 02:00
Trong đời một con người, có biết bao sự kiện xảy ra. Thế nhưng, ta thường chỉ nhớ
một phần rất nhỏ. Những sự kiện khởi đầu và kết thúc bao giờ cũng dễ nhớ và có ảnh
hưởng rất lớn trong cuộc đời ta.
Một số sự việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn khi nó đã kết thúc. Bởi vì nó không còn ảnh hưởng
đến cuộc sống hiện tại của ta nữa. Một khi chuyện cũ đã khép lại, người ta sẽ thanh thản cho
phép mình theo đuổi những mục tiêu khác.
Bạn có thể tránh né kết thúc một công việc hay một tình cảm không? Thông thường, ai
cũng sợ chia tay. Người ta thường nghĩ đến sự kết thúc bao giờ cũng đi cùng những thay đổi
và đổ vỡ - điều đó không sai. Tuy nhiên, nếu biết nhìn sự việc một cách lạc quan hơn, ta sẽ
thấy mình cũng gặt hái được nhiều kinh nghiệm từ mỗi cái kết thúc. Bên cạnh sự đổ vỡ, ta
cũng nhận lại được những cơ hội để học hỏi, trưởng thành.
Điều chúng ta có thể học đầu tiên là rèn luyện thử thách khi đối diện với những mất mát. Đó
chính là những trải nghiệm tình cảm phức tạp: sự lo lắng, sự mạo hiểm, sự gay gắt...
Nhiều người rất ngại những cuộc trò chuyện "cho ra ngô ra khoai". Họ thà sống trong mệt
mỏi còn hơn mạo hiểm chịu đựng một giai đoạn căng thẳng ngắn. Chính quan điểm tránh né
hoặc chịu đựng ấy khiến họ sống lay lắt trong những công việc tẻ ngắt hay mối quan hệ
nhàm chán.
Ngược lại, có những người tỏ ra cứng rắn khi cảm thấy cần phải kết thúc một việc gì đó. Họ
thà nói lời tạm biệt và đi tìm sự nghiệp mới hoặc chia tay với người bạn đời còn hơn là sống
lay lắt trong mơ hồ. Típ người này thích cuộc sống có trật tự, mọi chuyện có thể dự đoán
được. Họ rất quả quyết và cư xử khá lý trí.
Điều thứ hai không kém phần quan trọng là từ những kết thúc rõ ràng, bạn sẽ có khả năng
tìm đến những cơ hội mới tốt đẹp hơn. Sự e sợ và tránh né một kết thúc gay gắt, đổ vỡ sẽ
khiến bạn phải tìm ra một giải pháp tạm thời nào đó để đối phó. Có thể lúc đầu, bạn sẽ cảm
thấy dễ chịu. Thế nhưng, những giải pháp ấy không bao giờ có thể giải quyết vấn đề một
cách thấu đáo.


Như vậy, làm sao để biết khi nào quyết định ra đi của mình là đúng đắn?


Điều này không khó. Hãy chú ý đến những cảm giác lo âu, tuyệt vọng và hoảng loạn xuất
hiện trong tâm hồn khi bạn quyết định thay đổi. Những cảm giác ấy có thường đến không?
Sau đó nên quan sát dấu hiệu ở những người xung quanh bạn. Thái độ của cấp trên hay gia
đình bạn trong những giai đoạn cuối cùng của mối quan hệ có biến chuyển gì? Họ có quan
tâm đến cảm xúc của bạn hay không?
Một khi bạn đã thật sự muốn dứt áo ra đi, hãy tham khảo những lời khuyên cụ thể cho từng
tình huống. Từ đó, nên tìm cách để có cuộc chia tay êm đẹp nhất.
Hãy chia tay với cấp trên và đồng nghiệp một cách tốt đẹp
Có thể bạn đang nghĩ đến cách trả thù là nói thẳng vào mặt sếp rằng bạn sẽ bỏ việc? Bạn
muốn nói rằng mình đã chán ngấy cách làm việc và đối xử của ông ta?
Vì những cảm giác tổn thương khi bị đối xử bất công trong quá khứ, vì cảm giác có lỗi khi
quyết định bỏ việc, nhiều người đã cư xử thiếu bình tĩnh. Sau đó, họ phải trả giá bằng những
dòng đánh giá không tốt của cấp trên trong hồ sơ xin việc. Kết quả là họ sẽ gặp khó khăn
khi tìm công việc mới. Đó là chưa kể với cách hành xử như thế, họ có thể để mất nhiều mối
quan hệ quan trọng.
Thế giới này rất chật hẹp, rất có thể bạn sẽ lại chạm mặt đồng nghiệp cũ. Hơn nữa, nếu vẫn
tiếp tục làm công việc trong ngành nghề ấy, sẽ có lúc bạn cần đến sự giúp đỡ hay hợp tác
của họ. Thế nên, nếu bình tĩnh suy nghĩ lại, bạn sẽ thấy tốt nhất là chia tay với sếp hay đồng
nghiệp cũ mà vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp.
Dưới đây là sáu nguyên tắc cư xử đơn giản giúp mọi người nhớ tới bạn với ấn tượng
tốt sau khi bạn ra đi:
- Thông báo trước khi nghỉ: điều này giúp công việc có liên quan đến mọi người ít bị gián
đoạn. Thường thì bạn nên thông báo trước khoảng hai đến bốn tuần. Nhưng nếu có thể,
khoảng thời gian này nên dài hơn.
- Giúp sếp tìm người khác thay thế chỗ bạn và nhận trách nhiệm đào tạo người đó.


- Vẫn để hết tâm trí vào công việc: có thể bạn đang trong tâm trạng muốn nghỉ ngay, nhưng
bạn vẫn còn là nhân viên của công ty. Hãy làm việc hết sức mình cho đến lúc bạn nghỉ.
- Để lại những ghi chép hoàn chỉnh về công việc, các mối quan hệ hay bất kỳ thứ gì mà

công ty cần biết khi bạn đã đi khỏi.
- Hãy cởi mở: để lại địa chỉ liên lạc cho các đồng nghiệp cũ. Hứa với mọi người rằng họ có
thể tìm bạn khi cần hỏi gì về công việc. Và khi họ cần, hãy giúp đỡ họ hết lòng.
- Đừng bỏ rơi đồng nghiệp cũ: quan hệ tốt là cách hay nhất để tiến thân. Dù bạn có kết bạn
với đồng nghiệp ở công ty hay không, vẫn nên giữ mối quan hệ. Biết đâu, họ sẽ nói tốt về
bạn khi có cơ hội.
Bạn có gặp nhiều khó khăn trong những cuộc chia tay đơn giản?
Một cô bạn gọi điện nhưng bạn cần phải đi gấp. Thế nhưng, cô ấy cứ nói liên hồi về nỗi khổ
của cô ấy ở công sở. Lúc này, nói thẳng và đơn giản là cách tốt nhất cho bạn. Cứ việc cắt
ngang: "Mình xin lỗi, mình có việc phải đi đây. Mình sẽ gọi lại cho bạn sau, được không?".
Bạn không cần phải giải thích kỹ. Nếu cô ấy đòi bạn giải thích rõ, hãy nói thằng bây giờ
không phải lúc.
Trong trường hợp bạn phải dứt khỏi một cuộc điện thoại, một cuộc hẹn hay sự quấy rầy nào
đó, tốt nhất đừng nói dối. Nếu bạn bị phát hiện nói dối, hậu quả sẽ còn tệ hơn nhiều so với
câu "Mình đang rất bận".
Không ai muốn có cảm giác bị xem thường. Sự khéo léo của bạn giúp họ hiểu rằng làm mất
thời gian của người khác cũng là bất lịch sự. Bạn nên tập nói những câu từ biệt đơn giản và
rõ ràng. Như thế, mọi người dễ dàng thông cảm với bạn hơn.
Những lời giải thích giúp người bạn đời dễ chấp nhận thực tế hơn Người yêu hay người
bạn đời làm bạn thất vọng một cách sâu sắc, không thể tha thứ được? Những nhu cầu lớn
của bạn trong mối quan hệ, trong gia đình (như được tôn trọng, yêu thương, chia sẻ...)
không được đáp ứng? Lúc này, chia tay có vẻ là giải pháp hợp lý nhất.
Khi bạn cắt đứt một mối quan hệ nghiêm túc vì một vấn đề mới xảy ra, nỗi đau sẽ lập tức
được xoa dịu. Rồi đến lúc nguyên nhân cụ thể của việc chia tay mất dần tầm quan trọng, bạn


sẽ thấy mình thật trống vắng. Như thế, việc ra đi sẽ không còn đơn giản. Thỉnh thoảng bạn
sẽ suy nghĩ: "Giá mà... Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình đừng nóng nảy...".
Nói cách khác, cái kết thúc ấy vẫn mãi ám ảnh nếu bạn vội vã cắt đứt mọi thứ. Vì thế, bạn
phải suy nghĩ thật kỹ, xem việc chia tay này có cần thiết hay không?

Khi đã quyết định được điều đó, bạn đừng đổ hết lỗi lên đầu người yêu hay người bạn đời
dù cảm giác thất vọng và giận dữ đang bừng bừng trong lòng bạn.
Tùy vào mức độ của mối quan hệ, bạn có thể chọn một trong hai giải pháp sau:
- Can đảm "giải phẫu" sự việc. Nếu đã gắn bó lâu dài, giữa bạn và người ấy cần có một lời
giải thích. Hãy coi đó là sự tôn trọng dành cho cả hai người.
Nếu quyết định chia tay vì không nhận được một điều cơ bản nào đó từ người kia (sự tôn
trọng, trung thực, sự quan tâm, thông cảm...), bạn nên giải thích rõ. Hãy nói: "Em cần điều
đó mà anh không đáp ứng được. Sự hụt hẫng khiến em có cảm giác cô đơn trong chính mối
tình của mình".
Khi trình bày sự việc theo kiểu ấy, bạn đã cho anh những thông tin quan trọng. Anh ta có thể
tiếp nhận và chấp nhận, dù đau đớn. Sau đó, cả anh ấy và bạn có thể tìm được cách cải thiện
cho mình.
- Chia tay nhanh chóng nếu đó là mối quan hệ chưa sâu sắc: Dĩ nhiên, cuộc chia tay có thể
đơn giản hơn. Bạn không cần giải thích rõ ràng với người bạn mới quen biết. Bạn chỉ cần
nói: "Em thấy không phù hợp" hoặc "Với em, bây giờ chưa phải lúc". Bạn phải ân cần, lịch
sự, nhưng không cần bộc lộ tâm hồn mình.
Có một nguyên tắc bạn nên nhớ: hãy ân cần với người mà bạn chia tay. Trong sâu thẳm tâm
hồn, đó là ân cần với chính mình.
(Theo Phong Cách)



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×