Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

TIẾP NHẬN TIỂU THUYẾT BIÊN NIÊN ký CHIM vặn dây cót của HARUKI MURAKAMI từ góc NHÌN của THIỀN học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (236.49 KB, 13 trang )

TIẾP NHẬN TIỂU THUYẾT BIÊN NIÊN KÝ
CHIM VẶN DÂY CÓT CỦA HARUKI MURAKAMI
TỪ GÓC NHÌN CỦA THIỀN HỌC
NGÔ VIẾT HOÀN(*)

aruki Murakami là một cái tên lớn của văn chương đương đại xứ sở mặt trời
Hmọc
cũng như toàn thế giới. Dù đã từng bị xem là “quái thai” của nền văn
học dân tộc, người ta không thể phủ nhận rằng, chính Murakami chứ không phải bất cứ
nhà văn Phù Tang nào khác đã mang văn hóa, văn học Nhật Bản ra ngoài ranh giới
lãnh thổ của đất nước ấy. Đã có rất nhiều bài viết, bài nghiên cứu, công trình khoa học
khảo sát các tác phẩm của ông dưới nhiều góc độ khác nhau: hệ thống trần thuật, không
gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật,… hay soi chiếu từ điểm nhìn của triết học hiện
sinh, phân tâm học, chủ nghĩa hậu hiện đại,… tất cả những điều ấy đã cùng góp phần
khẳng định văn tài độc đáo của một nhà văn lớn ở Haruki Murakami. Trong bài viết
này, chúng tôi đặt hệ thống nhân vật của Murakami trong hệ quy chiếu của Thiền học
để giải mã tư tưởng của ông. Đây hoàn toàn không phải là sự sắp đặt khiên cưỡng. Bởi
như chính V.V. Ôtrinnicôp trong bài Những quan niệm thẩm mỹ độc đáo về nghệ thuật
của người Nhật đã từng khẳng định: “Người Nhật có bốn tiêu chuẩn để đánh giá cái
đẹp, trong đó ba cái bắt nguồn từ tôn giáo cổ xintô (xabi, wabi, xibui) và cái thứ tư bắt
nguồn từ triết lý Phật giáo (yugen)”(1). Người ta có thể biện minh rằng Haruki
Murakami đã có thời gian dài sống và sáng tạo nghệ thuật trên đất Mỹ, rằng ông chịu
ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa đại chúng Mỹ, rằng ông đã dịch các tác phẩm của
Fitzgerald, Carver, Irving, Theroux,... và chịu ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của các
cây viết ấy. Sự thật là như thế. Nhưng có một sự thật quan trọng hơn cả và không gì có
thể phủ định - Haruki Murakami là người Nhật, có một dòng máu Nhật đang sôi sục
trong ông dù ông có đi đến bất cứ nơi đâu trên địa cầu này. Và cũng giống như Cao

(*)

NCS – Trường Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc).




116

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2017

Hành Kiện luôn đau đáu về một quê hương cách biệt của chính mình, cái mà
Murakami thể hiện và mong muốn hướng đến chính là linh hồn Nhật Bản. Bên dưới
lớp băng của văn hóa đại chúng Mỹ, của thủ pháp nghệ thuật được “Tây hóa” là cả một
suối nguồn văn hóa - những lớp trầm tích văn hóa Nhật Bản.
1. Sự tìm kiếm “cái tôi đích thực” hay một biểu hiện của “Ngã chấp”
Tôi đang sống đây, trên mặt đất này giữa những người đồng loại của tôi nhưng
có thực sự tôi đang tồn tại? Các nhân vật của Haruki Murakami đã luôn tự đặt ra cho
mình những câu hỏi như thế. Không phải đến Biên niên ký chim vặn dây cót hay
Người tình Sputnik mà ngay trong các tác phẩm trước đó, đặc biệt là trong Rừng
Nauy, câu hỏi này đã vang vọng và để lại những ám ảnh sâu sắc trong tâm trí độc giả.
Một Nagasawa hay Toru xác nhận sự hiện diện của chính mình bằng những cuộc tình
chớp nhoáng và việc quan hệ với rất nhiều cô gái; một Reiko với cuộc tìm kiếm để
xác nhận những vấn đề về giới tính; Kizuki, chị gái của Naoko và cả chính Naoko đã
xác thực sự tồn tại của họ qua những cái chết,… Tất cả họ đều rất mơ hồ về bản thể,
họ mong muốn có một ai đó nói thật lớn vào mặt họ rằng anh hay chị thực sự đang
hiện hữu. Nói một cách ngắn gọn, họ đều là những con người bất bình thường. “Là
những sinh linh cô độc, họ khép mình trước thế giới, tự dựng lên những hàng rào tâm
lí, tự buộc mình cách ly với cộng đồng. Nhìn bên ngoài, cuộc sống của họ chẳng có gì
không ổn, nhưng vẫn thiếu một cái gì đó”. Nhà nghiên cứu Patricia Welch đã viết
như vậy trong bài Thế giới truyện kể của Murakami(2). Chính sự “thiếu một cái gì đó”
này đã tạo thành những nét bất bình thường ở các nhân vật của Haruki Murakami. Họ
thiếu một niềm tin đầy đủ và chắc chắn - một xác tín - về ý nghĩa của sự tồn tại của
chính mình trong tư cách một thành viên của xã hội loài người. Thiếu cho nên phải
tìm. Tất cả các nhân vật của Biên niên ký chim vặn dây cót đều đi tìm, mỗi người mỗi

cách khác nhau, và đều tạo nên những ấn tượng bất bình thường đối với độc giả những người luôn tin chắc vào ý nghĩa sự tồn tại của mình hoặc chẳng bao giờ đặt
vấn đề về nó cả. Cảm giác xác thực về tồn tại - đó là cái đích mà các nhân vật trong
Biên niên ký chim vặn dây cót đi tìm.
Cô thiếu nữ trẻ Kasahara May mới mười sáu tuổi, nhưng luôn thường trực trong
mình những nghi vấn về cuộc đời, về con người mà đặc biệt là về cái chết: “Thỉnh
thoảng em tự hỏi chết dần từng tí một suốt một thời gian dài đằng đẵng thì như thế
nào…Nhưng chẳng phải đời là vậy sao, hở Chim vặn dây cót? Chẳng phải tất cả
chúng ta đều bị nhốt trong bóng tối ở đâu đó, người ta lấy đi hết đồ ăn nước uống của
ta, thế là ta chết từ từ, chết dần chết mòn…”(3). “Bị nhốt trong bóng tối ở đâu đó” hay
có một vùng bóng tối nào đó luôn thường trực trong mỗi chúng ta, một cách bí ẩn mà


Tiếp nhận tiểu thuyết...

117

chính ta cũng không hay biết. Có lúc nó ngủ yên, có lúc lại trỗi dậy mạnh mẽ và bắt ta
phải gặm nhấm từ từ cái cảm giác khủng khiếp mà nó mang lại. Kasahara May đã
luôn băn khoăn về những điều như thế và vì thế, cô luôn có một ham muốn: “Em ước
gì có con dao mổ. Em sẽ rạch chỗ này ra mà nhìn vào trong. Không phải nhìn thịt của
người chết đâu… mà nhìn vào cái chết”(4).
Tại sao ta hiện hữu trên cõi đời này, và tại sao ta phải chết? Cô thiếu nữ trẻ ấy đã
cố gắng đi tìm những lời giải đáp cho những băn khoăn đó của mình, khi thì trong
những sách triết học, tâm lí, tôn giáo hay văn chương; khi thì qua những hiện tượng
mà cô bắt gặp trong đời sống của mình như những cái đầu hói,… Khát khao xác thực
cảm giác mình được là chính mình, làm chủ cuộc sống của mình chứ không phải là
một vật ghê sợ nào khác, Kasahara May đã cố ý đẩy mọi chuyện tới những giới hạn
cuối cùng của nó: bịt mắt người bạn trai khi cả hai đang đi xe máy với tốc độ cao hay
bỏ mặc Toru Okada dưới đáy giếng trong sự tuyệt vọng,…Thế nhưng cô gái trẻ ấy đã
thất bại, không có cái gì thoát ra như cô mong muốn, bạn trai cô đã chết và Toru

Okada cũng suýt nữa thì bỏ mạng. Cô chạy trốn “Chim vặn dây cót”, chạy trốn ngôi
nhà của chính mình để hòng tìm thấy một chút bình an trong tâm hồn. Kasahara May
đã đến một nơi xa xôi, hẻo lánh và làm việc trong một công xưởng chế tạo tóc giả. Cô
những tưởng rằng, tách biệt mình ra khỏi thế giới xung quanh là cách tốt nhất để thấy
lại chính mình, nhưng cô đã sai, hoàn toàn sai. Chính tại thế giới của sự khác biệt ấy,
cô cảm nhận rõ rệt hơn nỗi cô đơn, sự lạc lõng của số kiếp mình: “đột nhiên em òa
khóc… Rồi em nhận ra rằng cái bóng của em cũng đang khóc… Chính khi đó em lại
sực nghĩ, biết đâu nước mắt mà cái bóng của em đang tuôn mới là thực, còn nước mắt
em đang tuôn thì chỉ là cái bóng…”(5). Những bức thư cho “chim vặn dây cót” là sợi
dây duy nhất gắn kết Kasahara May với thế giới bên ngoài - với cộng đồng của mình.
Và cũng chính từ những bức thư với cái địa chỉ người nhận rất hú họa ấy, cô thiếu nữ
trẻ cảm nhận được - dẫu còn rất mơ hồ - mình đang tồn tại!
Kumiko, một cô gái yêu thích các loài sứa, và bất cứ khi nào nhìn thấy chúng,
cô luôn suy nghĩ về một cái gì đó xa xăm: “Cái mà ta thường thấy trước mắt mình
chỉ là một phần nhỏ nhoi của thế giới mà thôi. Ta vẫn quen nghĩ: Thế giới của ta là
thế này đây, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Thế giới thực nằm ở một nơi tối và
sâu hơn thế này nhiều(6). Hồ nghi về thế giới mà cô đang hiện diện, nhìn tất cả mọi
thứ với ánh mắt xa lạ, ngay cả với chính người chồng của mình; Kumiko đã bỏ nhà
ra đi. Cô không tìm được một lí do hợp lí nào cho sự có mặt của mình giữa chốn
nhân gian này, cô luôn cảm thấy mình như một kẻ rỗng tuếch, vô nghĩa, không chút
giá trị gì. Kumiko căm thù tất cả những cái gì đã làm cho cô trở nên như vậy và


118

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2017

giống như cô từng tự thú: “Em muốn biết chính xác nó là cái gì. Em phải biết chính
xác nó là cái gì. Em phải tìm cho ra cội rễ của nó, phán xử và trừng phạt nó”(7).
Kasahara May nghi ngờ về sự xác thực của bản thể mình, cô kiếm tìm nó, tuyệt

vọng và chạy trốn nó; Kumiko cũng vậy, nàng không lừa dối Toru Okada, không phải
nàng bỏ đi vì một người đàn ông khác như cái lí do mà nàng đã viện ra trong lá thư gửi
cho chồng mình. Chẳng qua, Kumiko ra đi kiếm tìm một cái gì đó, cái mà cô không thể
mô tả bằng lời lẽ cụ thể, cũng chẳng biết nó có phải là một cái gì đó có thực hay không.
Kasahara May và Kumiko là hai bản thể khác biệt hoàn toàn không có một mối liên hệ
trực tiếp nào với nhau. Thế nhưng cả hai đều đang đi tới một khẳng định dường như
chắc chắn rằng: mỗi con người tồn tại và hiện hữu trên thế gian này chỉ là những cái vỏ
trống rỗng, cái diện mạo mà ta có thể nhìn thấy được, sờ thấy được, tức là có thế cảm
nhận được bằng trực giác lại là những cái phi thực, thậm chí giả tạo. Cái bản thể đích
thực của mỗi chúng ta nằm ở một thế giới nào đấy xa xăm, nơi tận cùng sâu thẳm của
bóng tối. Ta chỉ có thể cảm nhận được rằng nó đang tồn tại, đang điều khiển ta, nhưng
ta không biết làm cách nào để thoát ra khỏi nó. Chính vì thế mà những cô gái trẻ ấy đã
hoang mang, lo sợ và chạy trốn. Họ phiêu lãng trên một vùng nào đó thật xa cuộc sống
hiện thường hòng thấy được chính mình, được xác thực rằng Kumiko hay Kasahara
May không phải là những chiếc bóng mà đích thị là những con người tồn tại thực sự.
Và còn rất nhiều nhân vật nữa trong Biên niên ký chim vặn dây cót cũng mải miết
trong những ma trận rối rắm để kiếm tìm cảm giác xác thực về sự tồn tại. Anh chàng
nhạc công kiêm ảo thuật gia mà Toru Okada gặp ở Sapporo đã đốt tay mình trên lửa,
chỉ để cảm nhận được cái đau của thể xác và muốn những người xem cũng có cảm giác
về cái đau như chính anh ta. Hay ông Honda, người “có khả năng nghe thấy lời của các
linh hồn” và tiên tri một cách chuẩn xác về tương lai nhưng lại kiếm tìm con người thực
của chính mình ở quá khứ trong trận đánh ở Nomonhan. Với ông “Chết là cách duy
nhất/ để bạn được bơi tự do”… Tất cả họ - những con người đang sống - song dường
như họ không thể xác định được mình trong những quy ước thông thường của đời
sống, trong cái tọa độ của các mối liên hệ bình thường. Một nỗi bất an ngấm ngầm nào
đó luôn tồn tại và gây hoảng sợ trong họ. Nỗi bất an ấy có thể bắt nguồn từ những xung
động chưa được cắt nghĩa trong vô thức tập thể của cả dân tộc, mà cũng có thể là hệ quả
trực tiếp của sự phát triển của nền kinh tế đại công nghiệp, nơi mà con người bị cuốn đi
trong vòng xoáy của công việc, ăn uống, âu yếm nhau hay mua sắm và ít ai có cơ hội
dừng lại để tự hỏi về mục đích của những hành động của chính mình.

Trong thế giới tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót, mọi thứ trở nên hư
vô và mờ nhạt hơn bao giờ hết. Ranh giới giữa cõi thực và cõi mộng, giữa hữu


Tiếp nhận tiểu thuyết...

119

thức và vô thức mỗi lúc càng mong manh và có xu hướng xóa nhòa. Con người
chới với, bơ vơ và lạc lõng. Họ suy tưởng về thân xác mình và cõi đời này như là
một chốn nương thân, cái tạm thời hữu hạn. Bởi vậy họ luôn khát khao tìm kiếm
cảm giác xác thực ở một thế giới khác - một ngôi nhà thực sự chỉ dành cho riêng
họ. Để thực hiện được điều đó, các nhân vật của Haruki Murakami ai nấy đều
chọn cho mình những con đường khác biệt, bằng những cách thức riêng. Những
con người ấy tin rằng, giữa chốn nhân gian này không ai là người có thể hiểu và
đồng cảm cùng họ, vì thế họ bỏ trốn tất cả, khép kín mình trong những cái hộp
đậy chặt nắp, trong vương quốc ngự trị của bóng tối. Kasahara May, Kumiko,…
và cả Quế nữa cũng đều đã làm như thế, đều đã nhất nhất rằng mỗi người họ là
một cõi riêng biệt không ai liên hệ gì với ai. Nấp vào trong cái đen tối sâu hút của
đời mình, những kẻ ấy suy tư, chiêm nghiệm về bản thể, số kiếp và rồi, phía cuối
những cuộc hành trình, tất cả họ đều nhận ra một điều lớn lao: họ chỉ thực sự tồn
tại, thực sự hiện hữu khi đặt mình giữa đồng loại. Không có cái Ngã riêng biệt
nào ngoài sự hòa hợp với tha nhân.
Bởi thế cho nên, càng tìm kiếm họ càng mơ hồ hơn về chính mình. “Cái tôi
đích thực” mà họ tốn biết bao công sức và cả thời gian cuộc đời nữa để kiếm tìm
hóa ra lại là một sự chấp trước to lớn nhất. Như mặt hồ thu trong xanh dưới nắng
không chút gợn sóng, người ta có thể nhìn xuyên thấu tất cả những gì dưới đáy;
nhưng khi có một cơn gió lớn hoặc giả có một ai đó đem một hòn đá lớn mà ném
xuống thì mặt hồ không còn giữ lại được sự tĩnh lặng ấy nữa, nó trở nên xao động.
Tất cả những con người trong thế giới của Murakami đều như chiếc hồ kia, bị bao

nhiêu tạp niệm, chấp trước che lấp khiến cho họ không thể thấy biết được chính
mình. Những thứ ấy cứ như dây buộc vào tâm can họ, càng gỡ càng chặt, càng tháo
càng rối. Khi tâm không còn tĩnh lự, họ trở nên hốt hoảng và lạc lối.
2. Ba dấu hiệu của hiện hữu Tam Pháp Ấn (Vô Thường, Khổ Không, Vô
Ngã) và hệ thống hình tượng nhân vật trong Biên niên ký chim vặn dây cót
Thiền sư Nhật Dōgen Kigen(8) có một câu nói nổi tiếng về cái gọi là "chân như
bản pháp" như sau: Nghiên cứu con đường Đức Phật là nghiên cứu bản ngã. Nghiên
cứu bản ngã là quên đi bản ngã. Quên đi bản ngã mọi thứ sẽ được khai sáng. Để khai
sáng mọi điều là từ bỏ chính mình - thân xác và tâm trí; xác thân và tâm trí của những
người khác(9). Lâu nay, với hầu hết con người chúng ta mà nói, luôn tồn tại một cái
"Ngã". Người ta càng giàu có, càng thành đạt, công danh càng lớn thì cái "Ngã" càng
to. Cái tôi càng lớn thì sinh ra kiêu ngạo và phân biệt. Chính sự chấp ngã và phân biệt
này khiến cho chúng ta chìm đắm trong màn tối của vô minh.


120

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2017

Qua việc khảo sát các nhân vật ở phần trên, chúng ta lại thấy một nhận thức
gần như ngược lại hoàn toàn. Hầu hết con người trong thế giới tiểu thuyết
Murakami đều mải miết xác lập cho mình một "cái tôi". Và dường như, đối với họ,
đó là mục đích sống, là ý nghĩa cứu cánh của sự tồn tại. Đó cũng chính là lý do tại
sao, họ luôn cảm thấy mình chìm đắm trong trạng thái trống rỗng, cô đơn. Tách
biệt, thậm chí biệt lập mình khỏi thế giới đang bao chứa với tất cả những gì gần gũi,
thân thương nhất, họ mong muốn tìm ra được một giải pháp cho tất cả những lạc
lõng đang đeo bám. Nhưng một lần nữa, họ tự đẩy mình vào trốn cùng tận của nỗi
trống vắng, kinh khủng hơn là sự vô cảm.
Biên niên ký chim vặn dây cót không phải là một tiểu thuyết đồ sộ về thế giới
nhân vật. Ta dễ dàng phân chia nó thành các nhóm nhân vật khác nhau gắn với mục

đích sự có mặt của họ trong tác phẩm:
Nhân vật biểu hiện
STT
Kiểu nhân vật
- Kano Malta
- Kano Creta
Nhóm nhân vật với năng lực
- Nhục đậu khấu
1
thần bí
- Quế
- Nhà tiên tri Honda
Nhóm nhân vật xác thực sự
- Kasahara may
2
tồn tại bằng giới hạn của sự
- Chàng nhạc công kiêm ảo thuật gia
chịu đựng
Nhóm nhân vật lấy tiền tài,
- Boris lột da
3
danh vọng là mục đích của
- Wataya Noboru
sự tồn tại
- Toru Okada
Nhóm nhân vật đánh mất ý - Kumiko
4
nghĩa sự tồn tại của chính - Bác sĩ thú y
mình
- Trung úy Mamiya

- Viên trung sĩ nơi vườn thú Tân Cương
Bảng phân loại các nhân vật theo mục đích xuất hiện trong tác phẩm
Qua bảng này, một mặt người ta thấy được sự tồn tại độc lập tương đối của
mỗi nhân vật, đồng thời thấy được những sợi dây ngang dọc đang kết nối họ trong
cái hệ thống phức tạp của xã hội. Toru Okada, Kumiko, Quế hay bất cứ sinh thể
nào không tự nhiên mà có mặt trên cõi đời này, Toru Okada chỉ là một biểu hiện và
Quế là một biểu hiện khác. Tự thân Okada không có sinh diệt và còn mất. Có nghĩa
là cái mà chúng ta đang gọi là Okada đây chỉ là một hình tướng, được biểu lộ ra


Tiếp nhận tiểu thuyết...

121

dưới sự liên kết của muôn vạn những sợi dây nhân duyên, mà nếu thiếu đi dù chỉ
một yếu tố thôi, cái gọi là "tôi", là Okada đây, sẽ không thể hiện hữu.
Trong vô số những "yếu tố cấu thành" ấy, chí ít người ta không thể nào quên những
gì gần gũi nhất, trực tiếp nhất cho sự có mặt của ta giữa cõi đời này - đó chính là cha mẹ.
Và lẽ ra, đó phải là những gì thân thương nhất, ấm áp nhất, hạnh phúc nhất trong tâm
khảm mỗi người. Thế nhưng, hầu hết các nhân vật trong Biên niên ký chim vặn dây cót
đều có những cảm xúc rất khác lạ về đấng sinh thành. Với Kumiko và ngay cả anh trai
của cô – Noboru, cha mẹ là những con người xa lạ và gia đình chỉ là một "môi trường
sống" không hơn. Thế là, cái điểm tựa đầu tiên và vững vàng nhất giữa cuộc đời này khi
ta cảm thấy mình lạc lõng, bơ vơ nhất chưa bao giờ là một hiện hữu đối với họ. Những
lời lẽ của Kasahara May về cha mẹ cô khiến người đọc phải choáng váng: Trước tiên,
thật quá ư lạ lùng là tại sao một đứa con gái như em lại sinh ra bởi một cặp vợ chồng chán
ngắt như hai con ếch ộp thế kia… Tại sao em sinh ra trên đời này lại làm con những kẻ
đầu đất như vậy chứ? Mà tại sao dù được những người như vậy nuôi nấng dạy dỗ nhưng
em vẫn không trở thành một con ếch ộp ngu si như họ?…(10).
Như thế, không chỉ những người đã trưởng thành, đã có những trải nghiệm sâu

sắc giữa cuộc đời đầy tham đắm sắc dục mà ngay cả với một cô bé mười sáu tuổi cái tuổi hồn nhiên, trẻ trung và đẹp đẽ nhất của đời người con gái - những cảm xúc
về đấng sinh thành cũng méo mó đến chua xót.
Vậy, có điều gì đang xảy ra với các nhân vật của Murakami? Họ, bằng mọi sự
nỗ lực của mình đang cố gắng chặt đứt tất cả những liên hệ, ngay với chính những
người thân của mình, nhằm xác lập một "cái tôi". Chính sự chấp ngã này đã khiến
họ tự thu mình lại trong cái vỏ ốc của riêng mình. Không phải mọi người xung
quanh đang thờ ơ, xa lánh họ, mà chính họ tự chọn cách sống tách biệt khỏi tất cả.
Họ cho mỗi con người là một hòn đảo riêng biệt, và rằng chẳng cần có bất cứ mối
liên quan nào họ cũng có thể tồn tại, thậm chí tự do hơn. Kết cục là một màu sắc
trống rỗng, vô vị, nặng nề bao phủ toàn bộ tác phẩm và mỗi nhân vật – mỗi con
người cứ dật dờ như những chiếc bóng.
Cùng với phi tự tánh và tương tức, tức vô ngã; vô thường được xem là một trong
Tam pháp ấn. Hầu hết chúng ta đều xác nhận cuộc đời là vô thường. Biết là vô thường
nhưng thấy rõ vô thường lại là một chuyện khác. Bình thường chúng ta ít khi nào thấy
rõ vô thường, chỉ khi nào trong gia đình có người bị tai nạn, bệnh tật, chết chóc thì lúc
đó mới thấy vô thường. Loại vô thường này trong Thiền học gọi là "nhất kỳ vô
thường". Nhưng còn có một loại vô thường thứ hai, tinh vi hơn mà chúng ta cần quán
chiếu, đó là "sát na vô thường", tức sự chuyển biến sinh diệt trong từng sát na, từng


122

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2017

giây, từng phút. Vô thường và vô ngã là điều kiện tất yếu của sự sống; nếu không có vô
thường và vô ngã thì không có biến chuyển sinh diệt, vì vậy không có gì có thể sinh
trưởng và phát triển. Vì vậy, chấp nhận sự sống tức là chấp nhận vô thường và vô ngã.
Khổ đau bắt nguồn từ sự nhận thức vô thường là thường, vô ngã là ngã(11).
Kano Creta tin rằng mình sẽ đau đớn như thế này cho đến khi nào thân xác
mục rữa mới thôi nên cô có ý định tự vẫn trong lần sinh nhật thứ hai mươi của

mình. Quả thực, sau lần tự tử chẳng thành ấy, cái đau đớn đã biến mất khỏi cô,
nhưng thay vào đó là một sự vô cảm. Trở thành “điếm thể xác”, “rồi điếm tinh
thần”,… tất cả đã thay đổi rất nhiều từ lần sinh nhật định mệnh ấy, thế nhưng Creta
vẫn tin rằng cô chưa sống thực với bản thể của chính mình. Chính cái niềm tin cố
hữu ấy đã đẩy cuộc đời cô đi hết bước ngoặt này đến ngã rẽ khác. Nó khiến cô trăn
trở không nguôi về một sự sống, sự tồn tại đích thực.
Nhục Đậu Khấu cứ mãi trăn trở đi tìm nguyên nhân cái chết kinh hoàng của
chồng bà. Chưa một giây phút nào bà chấp nhận một sự thực rằng, chồng bà và một
cuộc sống gia đình nồng ấm, hạnh phúc ấy đã mãi mãi trôi vào dĩ vãng. Khi mẹ bà
mất, bà nhốt mình trong phòng một mình mà khóc. Bà đã trở thành một con người
hoàn toàn khác lạ. Cái niềm đam mê của một nhà thiết kế thời trang - khát vọng
sống mãnh liệt ngày nào của bà - cũng theo đó mà biến mất. Lẽ dĩ nhiên, không dễ
dàng gì chấp nhận những gì ta yêu thương nhất, gần gũi nhất, gắn bó nhất đột nhiên
rời xa vòng tay của ta; nhưng cũng chính vì bám chấp vào cái hình tướng ấy mà bà
cứ mãi nuối tiếc quá khứ hoặc vô tình để những gì thương yêu trôi đi xa mãi rồi
mới giật mình tỉnh thức. Nhục Đậu Khấu đã nhận ra điều ấy chăng? Vì suốt phần
còn lại của đời mình bà đã dành trọn vẹn để quan tâm, chăm sóc cho Quế - cậu con
trai yêu quý của bà và giúp đỡ những người xung quanh.
Rõ ràng, nếu quán chiếu vô thường, dù chỉ một giây phút nào đó thôi để biết
rằng, chúng ta không có quá nhiều thời gian để sống hoài, sống phí, sống vô cảm thì
chắc chắn Okada, Kumiko, Kasahara May,… sẽ không để mất quá nhiều cơ hội
vào việc tìm kiếm và xác lập cho mình một cái tôi trống rỗng như thế. Rõ ràng,
chính vì không quán chiếu được vạn vật đều vô ngã, vô thường nên các nhân vật
của Murakami cứ loay hoay trong cái "vũng bùn ấm nóng" của sự vô minh để mà
tìm kiếm, mà xác thực một "cái tôi" ảo ảnh nào đó. Đấy chính là nguyên do giải
thích cho câu hỏi tại sao các nhân vật trong Biên niên ký chịm văn dây cót lại cô đơn
đến thế và luôn cảm thấy mọi thứ thật buồn chán, tẻ nhạt, thậm chí trống rỗng.
Thấu rõ bản tính vô ngã, vô thường của vạn vật, chúng ta không còn bận tâm
mình là ai, tại sao mình lại là A chứ không là B nữa mà sẽ tìm cách để sống tốt hơn,



Tiếp nhận tiểu thuyết...

123

với chính mình và với những người xung quanh. Hiển nhiên khi đó, không nỗi cô
đơn hay sự trống rỗng nào có thể xâm chiếm bạn như chúng đã từng làm với các
nhân vật của Murakami. Bởi bên cạnh họ luôn có những ống ngầm, những dòng
chảy của sự cảm thông, sẻ chia và yêu thương.
3. Sự “chứng ngộ” và trở lại đầy ngoạn mục
Thiền không phải là trốn tránh khổ đau nhân thế. Thiền là đối mặt và không sợ
gánh vác tất cả mọi nỗi khổ hữu hạn. Trong tinh thần thực tiễn không sợ gánh vác tất cả
trọng trách của cuộc đời, mới có thể tìm thấy niềm vui giác ngộ chân thật và sự nhẹ
nhàng của giải thoát. Để làm được điều đó, người ta cần có một tình thương lớn lao.
Nhưng tình thương mà người đời thường nói tới là tình thương giữa cha mẹ và con cái,
giữa vợ và chồng, giữa những người trong cùng họ hàng, cùng thân tộc, cùng giai cấp
hoặc cùng quốc gia. Vì tình thương ấy còn dựa vào ý niệm "tôi" và "của tôi" cho nên
bản chất của nó còn là sự vướng mắc và phân biệt. Người ta chỉ muốn thương cha mẹ
của mình, thương vợ con của mình,… cho nên người ta còn vướng mắc và phân biệt.
Vướng mắc cho nên lo lắng về những bất trắc có thể xảy đến dù chúng chưa xảy đến,
vướng mắc cho nên phải gánh chịu sầu đau và thất vọng mỗi khi những bất trắc xảy ra.
Phân biệt cho nên có thái độ kỳ thị, hờ hững và ghét bỏ đối với những người mình
không thương. Vướng mắc và phân biệt đều là những nguyên nhân của khổ đau, khổ
đau cho mình và cho người. Tình thương mà muôn loài đang khao khát lớn hơn thế
nhiều. Đó là thứ tình thương không điều kiện, có thể mang tới niềm an vui cho kẻ khác
hoặc làm vơi đi những nỗi đau của họ. Song để làm được điều đó, như Thiền sư Đạo
Nguyên từng nói, chúng ta phải quên đi chính mình để dấn thân. Cuộc hành trình ấy ta
phải tự làm, làm một mình, ta phải tự thắp đuốc lên mà đi(12). Không ai có thể cùng đi
với ta, không ai có thể làm thay ta hoặc giúp ta bất kể điều gì. Trung úy Mamiya và
Toru Okada đã chấp nhận quên đi chính mình để dấn thân. Và trong một chừng mực

nào đó, Okada có thể xem như là một sự nối tiếp của Mamiya.
Cả Trung úy Mamiya và Okada đều hoặc bị đẩy vào, hoặc tự đặt mình vào
những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tự mình đối diện với tột cùng của sự đơn độc mà
có những lúc chính họ cũng tưởng chừng như mình kiệt sức và buông xuôi tất cả.
Nhưng cuối cùng trung úy Mamiya, Toru Okada đều đã tuyên chiến, không phải
với bất cứ kẻ thù nào mà là với chính mình.
Là nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối của tác phẩm, điểm xuất phát cũng
như quy tụ những biến cố, sự kiện của tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót,
Toru Okada như một đứa con được nhà văn nâng niu chăm chút và nuông chiều hết
sức. Dù thế Haruki Murakami không phải là một người cha dễ dãi, ông biết đặt


124

NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2017

“đứa con” của mình vào những khó khăn, thử thách, những éo le thậm chí cả những
đau đớn. Có thể nó sẽ khóc gào, tuyệt vọng nhưng từ những vũng bùn đen định
mệnh của cuộc đời ấy, nó sẽ biết tự mình đứng lên và đi con đường mình phải đi.
Và có lẽ đó là món quà có ý nghĩa nhất - hơn hết mọi thứ xa hoa trên cõi đời này mà người cha đã dành cho đứa con thân yêu của mình.
Điểm khởi đầu cho cuộc hành trình ấy của Okada có lẽ là thời điểm anh khám
phá ra chiếc giếng cạn trong khuôn viên một ngôi nhà bị bỏ hoang. Anh đã chọn lựa
nó như một chốn “thiền tập” để chiêm nghiệm lại tất cả những gì đã xảy ra trong
cuộc đời mình. Và cũng như các nhân vật khác, trong bóng tối đơn lạnh nơi đáy
giếng sâu, lần đầu tiên Toru Okada có những cảm giác về sự tồn tại của bản thể
mình: “Thật lạ rằng tôi không thể nào nhìn thấy thân thể của chính mình bằng mắt
tuy biết rõ thân thể mình đang có đó. Càng ngồi im lặng trong bóng tối, tôi càng bớt
tin tưởng rằng bản thân tôi đang hiện hữu... Tôi chợt nghĩ rằng thể xác tôi chẳng
qua chỉ là một cái vỏ bọc được làm ra để ý thức tôi có thể sắp xếp các ký hiệu gọi là
nhiễm sắc thể. Chỉ cần các kí hiệu kia được sắp xếp lại là tôi sẽ thấy mình nằm

trong một cơ thể hoàn toàn khác”(13). Vẫn là những tiếng gọi xa xăm từ một miền
nào đó của vô thức khi con người ta bị tách biệt khỏi sự sống của cộng đồng. Có
những người bị tấm màn ấy làm cho hoảng hốt, sợ hãi và bỏ cuộc. Lại có người
chấp nhận nó như một phần của bản thể, sống cùng và đấu tranh với nó - một cuộc
đấu tranh dai dẳng mà phần thưởng cho người chiến thắng là ý nghĩa sự sống của
chính mình. Toru Okada thuộc về kiểu người thứ hai. Bởi vượt qua những cảm giác
của sự sợ hãi ban đầu, anh ý thức được tại sao mình lại ở đây, giữa chốn hư vô biệt
lập với đất trời, cây cỏ: “Thôi, nghĩ về ý thức thế là đủ. Nghĩ về thực tại đi nào. Hãy
nghĩ về thế giới thực. Thế giới thực của nhục thể. Chính vì thế giới đó mà tôi mới ở
đây. Ở đây là để nghĩ về thực tại…”(14).
Trên hoang mạc Nomohan nơi xứ người xa lạ, trung úy Mamiya cũng đã phải gặm
nhấm những cảm giác ghê rợn của sự chết mòn trong vô vọng. Mọi niềm tin về sự tồn tại
trong ông đều bị xóa sạch một cách cay đắng, dẫu là ông đã đốn ngộ, đã được cứu rỗi bởi
dòng ánh sáng của niềm mặc khải. Toru Okada thì lại khác, anh chủ động xuống giếng,
không chỉ một lần và anh biết mình thực sự muốn gì mà không cần tới một tha lực như
trung úy Mamiya. Ở đây, việc xuống giếng của Okada có ý nghĩa là một hành vi cắt đứt
mối liên hệ với thế giới bên ngoài để một mình đối diện với chính mình, để tự soi chiếu
vào bản thân mình ánh sáng nội quán, và từ đó nhận ra con đường phải đi. Trong trường
hợp này, về mặt chức năng, có thể xem chiếc giếng cạn đối với Toru Okada cũng tương
tự như một không gian thích hợp đối với người hành Thiền. Chỉ có điều, nếu sự giác ngộ


Tiếp nhận tiểu thuyết...

125

của một Thiền giả chính tông là niềm hạnh phúc được sống trong một thế giới không
phân tách giữa cái này/ cái kia, thì sự giác ngộ của Toru Okada là nhận ra trách nhiệm mà
mình phải gánh vác, đó là cứu người vợ mà anh yêu thương, là "chiến đấu cả vì những
người khác" - như lời Kasahara May từng nói với anh. Rõ ràng, đây là một hành vi dấn

thân của con người thời hiện đại, nó tạo ra sự vượt cấp trong tương quan giữa việc ở trong
giếng của Toru Okada với việc ở trong giếng của Trung uý Mamiya, cho dẫu, việc xảy ra
ở thời gian quá khứ là một gợi ý cho việc xảy ra ở thời gian hiện tại.
Cuộc gặp của Toru Okada với trung úy Mamiya, mà cầu nối là nhà tiên tri
Honda có ý nghĩa như là một định mệnh. Okada đã xuống chiếc giếng cạn sau khi
nghe câu chuyện về phần đời quá khứ của Mamiya trong những năm tháng ông
tham gia binh ngũ trong đệ nhị thế chiến. Bằng hành vi đó, anh khước từ tính chân
xác của cái thực tại này, cái thực tại mà anh bị thất nghiệp, bị vợ bỏ; cái thực tại mà
những người anh gặp đều đánh mất trọng lực của niềm tin. Khước từ thực tại này
để chấp nhận thực tại kia như một sứ mệnh, đó là điều đã đến với Toru Okada sau
khi anh trải nghiệm đến đáy của sự hư vô lúc ở trong giếng cạn.
Trở về với phút giây hiện tại, nhìn thẳng vào chính những đau khổ và bất hạnh
mà ta cũng như những người xung quanh đang trải qua do đó trở nên quan trọng hơn
bao giờ hết. Nhưng chỉ thực tại thôi chưa đủ, chúng ta còn cần đến cả những "hiện
thực nối dài". Chính bởi vậy, hiện thực của Toru Okada đã được nối dài bằng những
giấc mơ, ở đó nhân vật sống tiếp đời sống của mình. Mơ ở đây không phải là mộng
mị mà là “siêu thực”. Okada thường xuyên đi về căn phòng 208, một chốn về được
tạo tác bởi ý thức. Có một điều bí ẩn từ căn phòng kia, anh phải tìm nó như tìm chính
trong đầu óc của mình. Những giấc mơ, cái gậy bóng chày, giếng cạn, vết thương
trên mình Okada… là ẩn dụ mới theo kiểu Murakami. Sẽ chẳng có giấc mơ nào gây
thương tích trong đời thực nhưng vẫn sẽ có những vọng động từ tư tưởng của con
người trong tương tác với tha nhân. Murakami đã gặp Phật giáo, gặp Thiền trong
chính quan niệm này. Okada đi dọc theo hành lang căn nhà trong mơ không phải chỉ
để thoả mãn trí tò mò, hay đi tìm dấu vết người vợ mất tích; có những thôi thúc nội tại
từ trong vô thức buộc anh phải kiếm tìm dù có phải vong thân đi chăng nữa.
Rõ ràng, Toru Okada đang dấn thân vào thế giới của hình sắc và tạp niệm, nơi
ấy, anh tìm thấy được cái “ngã” khác của chính mình. Cái “ngã” ấy ru ngủ anh, nó
làm cho anh trở nên yếu đuối và sợ sệt. Nhưng chính vào lúc mà thể lực cũng như ý
chí anh lu mờ nhất, con người đích thực trong anh đã sống dậy. Đấu tranh với
những hiện thực khác của chính mình là một việc làm rất đỗi khó khăn, thậm chí

với một số người điều đó là không tưởng. Thế nhưng đó lại là cách duy nhất để ta


NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2017

126

soi thấu chính mình, tìm cho mình một con đường đi đúng đắn. Okada đã vượt qua
tất cả những điều ấy trong ghê sợ và đau đớn, để rồi cuối cùng, anh tìm lại được sự
bình yên trong tâm hồn - một sự bình yên tuyệt đối.
Như Haruki Murakami đã từng nói “Không ai là một hòn đảo cả” và chính
nhân vật của ông - Ushikawa - cũng từng phát biểu rằng: “Chứ cứ trơ ra có mỗi
mình anh, không thuộc về đâu cả thì đã gục là gục hẳn, đi đời luôn. Chấm hết”(15);
Toru Okada thấu hiểu điều đó. Anh biết rằng không có thứ hạnh phúc biệt lập nào
dành riêng cho mỗi con người mà chỉ có niềm hạnh phúc được nảy sinh từ sự hài
hòa, cảm thông và chia sẻ của tình đồng loại. Chính vì thế, anh đã không chỉ chiến
đấu để đốn ngộ chính mình, mà còn chiến đấu vì những người quanh anh. Chính họ
là sự sống của anh, là ý nghĩa để anh tồn tại.
Từ vết bầm trên má Toru Okada sau lần đầu xuống giếng đến công việc của anh
tại phòng “chỉnh lý” là một quá trình mà bản thể từ sự tách biệt cá nhân đã dần dần
hòa hợp với “tha nhân”. Okada nhận thấy ngày một rõ hơn những sợi dây vô hình
theo cách này hay cách khác đã gắn kết con người lại với nhau mà trong đó anh là
một mắt xích quan trọng: “Những “khách hàng” này và tôi gắn kết với nhau bởi vết
bầm trên má tôi. Ông ngoại của Quế và tôi cũng gắn kết với nhau bởi vết bầm trên
má tôi. Ông ngoại của Quế và trung úy Mamiya ràng buộc với nhau bởi thành phố
Tân Kinh. Trung úy Mamiya và ông Honda có tài thấu thị gắn kết với nhau bởi cùng
tham gia nhiệm vụ đặc biệt ở biên giới Mãn Châu - Mông Cổ, còn Kumiko và tôi thì
được gia đình Wataya Noboru giới thiệu với ông Honda. Trung úy Mamiya và tôi
gắn bó với nhau bởi cả hai đều đã biết thế nào là ở dưới giếng… Tất cả đều gắn kết
với nhau như một vòng tròn mà tâm điểm là Mãn Châu thời trước chiến tranh, Đông

Á đại lục và cuộc chiến tranh ngắn ngủi ở Nomonhan…”(16).
4. Kết luận
Khảo sát hệ thống nhân vật của Haruki Murakami trong Biên niên ký chim vặn
dây cót, đặc biệt nhân vật Toru Okada, chúng ta nhận rõ quá trình chuyển biến từ sự
vô minh, chấp trước đến đối mặt với chính mình và tìm ra được chân lý cứu cánh
của tình thương. Suy cho cùng, hạnh phúc và niềm an lạc giữa cuộc đời này không
thể nào có được bằng bất cứ con đường nào khác ngoài tình thương và sự hiểu biết.
Hành trình ấy của Okada và các nhân vật của Biên niên ký chim vặn dây cót gần gũi
một cách thú vị với Thập mục ngưu đồ - Mười bức tranh chăn trâu, một giai thoại
trong lịch sử Thiền tông. Theo đó, tiến trình của sự điều phục tâm và quên đi chính
mình được diễn tả qua mười bức tranh, theo ba đoạn đường: sai tâm bắt tâm - tâm vô
tâm - bình thường tâm.


Tiếp nhận tiểu thuyết...

127

Có thể Murakami là một người am hiểu thiền học, cũng có thể ông chưa bao giờ
từng đọc bất cứ cái gì có dính dáng, liên quan đến mỹ học Thiền. Nhưng thật kỳ lạ, cái
cách mà ông thể hiện cuộc hành trình tìm lại “Phật tính”qua mỗi nhân vật lại chính là
con đường mà mỗi thiền giả phải trải qua trên bước đường tu tập để đốn ngộ. Trong Bộ
tiểu thuyết mới nhất của mình – 1Q84, nhà văn viết: “Năm 1926, Thiên hoàng Taisho
băng hà, niên hiệu được đổi thành Showa. Ở Nhật Bản, một thời đại tối tăm, tồi tệ cũng
sắp sửa mở màn. Khúc nhạc xen kẽ ngắn ngủi của chủ nghĩa hiện đại và nền dân chủ
cuối cùng cũng kết thúc, nhường chỗ cho chủ nghĩa phát xít”(17). Dường như không chỉ
các nhân vật của Murakami đang nỗ lực tìm lại “Phật tính” mà cả nước Nhật cũng đang
cố gắng tìm kiếm cái linh hồn bản nguyên của mình. Đối diện với lịch sử, không chỉ
những trang hào hùng mà cả những tháng ngày đen tối – đó chính là sự nhận thức lại,
sự quán chiếu sâu sắc chính bản thân mình của dân tộc Nhật. Như thế, việc đặt hệ thống

nhân vật của Biên niên ký chim vặn dây cót trong khung tham chiếu của Thiền học nói
chung, Mỹ học Thiền nói riêng, đã phần nào giải mã những chiều sâu triết lý, tư tưởng
của Murakami từ một góc độ khảo sát mới
____________________
(1) V.V. Ôtrinnicốp: Những quan niệm thẩm mỹ độc đáo về nghệ thuật của người Nhật
(Phong Vũ dịch). Tạp chí Văn học, số 5-1996, tr.60-63.
(2) Patricia Welch: Thế giới chuyện kể của Murakami, World Literature Today, số 42005, tr.55-59 (dẫn theo Trần Tiễn Cao Đăng: Thế giới chuyện kể của Murakami in trong
Haruki Murakami: Biên niên ký chim vặn dây cót (Trần Tiễn Cao Đăng dịch), Nxb. Hội Nhà
văn, H., 2006, tr.709.
(3) Haruki Murakami: Biên niên ký chim vặn dây cót (Trần Tiễn Cao Đăng dịch). Nxb.
Hội Nhà văn, H., 2006, tr.133-134. Các trích dẫn tác phẩm trong bài đều theo sách này.
(4), (5), (6), (7), (10), (13), (14), (15), (16) Haruki Murakami: Biên niên ký chim vặn
dây cót, Sđd, tr.133-134, 265, 265, 322, 268-269, 268-269, 269, 528, 579.

道元希玄 dōgen kigen), (1200-1253) cũng được gọi
永平道元 eihei dōgen), ông là vị Sư có công khai sáng Tào

(8) Đạo Nguyên Hi Huyền (
là Vĩnh Bình Đạo Nguyên (
Động tông (ja. sōtō) tại Nhật Bản.

(9) Shunryu Suzuki: Zen mind, Beginer's mind - Informal talks on Zen Meditation and
Pratice, Published by Weatherhill, Inc., Printed and first published in Japan, 1970, tr.27.

释印顺 中国禅宗史,中华书局第一版,北京,

(11) Xem
,
2010. Thích Ấn Thuận:
Lịch sử Thiền tông Trung Quốc, Trung Hoa thư cục đệ nhất bản, Bắc Kinh, 2010, tr.37-39.

(12) Xem Daisetz Teitaro Suzuki: Thiền luận - Quyển thượng (Tuệ Sỹ dịch). Nxb.
Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2011.
(17) Haruki Murakami: 1Q84 (Lục Hương dịch). Nxb. Hội Nhà văn, H., 2012, tr.10.



×