Tải bản đầy đủ (.pdf) (218 trang)

Nghệ thuật tiểu thuyết diêm liên khoa

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.31 MB, 218 trang )

VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH

NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT DIÊM LIÊN KHOA

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC NƢỚC NGOÀI

NĂM 2019


VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ THÚY HẠNH

NGHỆ THUẬT TIỂU THUYẾT DIÊM LIÊN KHOA

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Mã số:

9 22 02 45

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC NƢỚC NGOÀI

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS NGUYỄN THỊ MAI CHANH


NĂM 2019


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu
trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chuẩn xác cao nhất có thể. Các tài liệu tham
khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình
nghiên cứu của mình.

Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2019
Tác giả luận án

Nguyễn Thị Thúy Hạnh


LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Khoa Văn học – Học Viện KHXH đã tạo
điều kiện cho tôi hoàn thành luận án.
Đặc biệt, xin gửi đến PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh lòng biết ơn chân thành.
Cô đã tận tình chỉ dẫn, hỗ trợ tôi trong quá trình thực hiện đề tài.
Xin cảm ơn Ban lãnh đạo Viện Văn học, các thầy cô, đồng nghiệp của tôi tại
phòng Văn học nước ngoài, phòng Lí luận văn học đã động viên, tạo điều kiện,
nhiệt tình trao đổi, chia sẻ cùng tôi những ý kiến chuyên môn quý báu.
Xin cảm ơn nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước với những hỗ trợ đáng quý
về mặt tư liệu cho nghiên cứu sinh.
Cuối cùng, xin cảm ơn gia đình đã luôn đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ tôi trên con
đường học tập và nghiên cứu.

Nguyễn Thị Thúy Hạnh



MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ................................................................................................................. 3
LỜI CẢM ƠN....................................................................................................................... 4
MỞ ĐẦU.....................................................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài .......................................................................................................1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ......................................................................................2
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu .......................................................................................3
4. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu của luận án .........................................4
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án..............................................................................5
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài ........................................................................ 5
7. Cấu trúc của luận án.............................................................................................................5
CHƢƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ QUAN ĐIỂM,
PHƢƠNG HƢỚNG TIẾP CẬN CỦA LUẬN ÁN ............................................................ 7
1.1. Các giai đoạn nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa ở Trung Quốc ......................7
1.2. Phiên dịch, nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa ở một số nƣớc trên thế giới ..15
1.3. Nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa ở Việt Nam .................................................21
1.4. Những tranh luận quanh tiểu thuyết Diêm Liên Khoa ..............................................23
1.5. Quan điểm và phƣơng hƣớng tiếp cận của luận án ....................................................28
Tiểu kết chƣơng 1............................................................................................................... 30
CHƢƠNG 2: “CHỦ NGHĨA THẦN THỰC”: ................................................................ 31
TỪ QUAN NIỆM ĐẾN THỰC HÀNH ............................................................................ 31
2.1. Quan niệm về “chủ nghĩa thần thực”............................................................................31
2.1.1.“Thần là cây cầu, thực là bờ bên kia” .............................................................. 31
2.1.2. “Vô nhân quả”, “bán nhân quả” và “nội nhân quả” ..................................... 33
2.2. Quá trình chuyển biến trong quan niệm nghệ thuật của nhà văn: từ “hiện thực”
đến “thần thực” .......................................................................................................................37
2.3. “Chủ nghĩa thần thực” của Diêm Liên Khoa trong quan hệ với truyền thống văn
học Trung Quốc .......................................................................................................................41

2.3.1. Gia nhập dòng văn học hương thổ .................................................................. 41
2.3.2. Nối tiếp dòng văn học “Phản tỉnh dân tộc”..................................................... 45
2.3.3. Tiếp thu phương thức tự sự truyền thống .......................................................... 47
2.3.4. Khúc xạ tư tưởng “Đạo” gia ............................................................................ 49


2.4. Tiểu thuyết Diêm Liên Khoa trong sự tiếp thu và sáng tạo từ văn học phƣơng Tây
....................................................................................................................................................52
2.4.1. Tiếp thu kỹ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại ............................................ 52
2.4.2. Ảnh hưởng của tư tưởng hiện sinh chủ nghĩa ................................................... 58
Tiểu kết chƣơng 2 ................................................................................................................ 63
CHƢƠNG 3. KỸ THUẬT TỰ SỰ .................................................................................... 64
3.1. Dụ ngôn hóa tự sự và phi lý hóa tự sự...........................................................................64
3.1.1. Dụ ngôn hóa tự sự ............................................................................................ 64
3.1.2. Phi lý hóa tự sự ................................................................................................. 69
3.2. Điểm nhìn và kết cấu tự sự .............................................................................................74
3.2.1. Đa dạng hóa điểm nhìn .................................................................................... 74
3.2.2. Các dạng thức kết cấu tự sự ............................................................................. 83
3.3. Siêu tiểu thuyết và gián cách hóa tự sự .........................................................................92
3.4. Mộng nhƣ một tự sự ........................................................................................................96
Tiểu kết chƣơng 3............................................................................................................. 101
CHƢƠNG 4. DIỄN NGÔN TỰ SỰ VÀ NGÔN NGỮ TIỂU THUYẾT ..................... 102
4.1. Diễn ngôn tự sự .............................................................................................................. 102
4.1.1. Diễn ngôn song trùng ..................................................................................... 102
4.1.2. Viết chính trị trong bối cảnh hậu Mao .......................................................... 109
4.1.3. “Phản Utopia” như một bản sắc trần thuật .................................................. 114
4.2. Đặc sắc ngôn ngữ tiểu thuyết ....................................................................................... 120
4.2.1. Ngôn ngữ nhại ................................................................................................ 120
4.2.2. Sử dụng và sáng tạo phương ngữ .................................................................. 134
4.2.2.1. Ý thức tái xác lập địa vị phương ngữ .......................................................... 134

Tiểu kết chƣơng 4............................................................................................................. 146
KẾT LUẬN ....................................................................................................................... 147
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ............................................... 1
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................................... 2
PHỤ LỤC............................................................................................................................ 22


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nhà văn Diêm Liên Khoa 阎连科 sinh năm 1958 tại tỉnh Hà Nam, Trung
Quốc. Ông từng có quá trình phục vụ trong quân đội, tốt nghiệp khoa Văn học Học
viện Nghệ thuật Giải phóng quân, hiện nay là giáo sư của Viện Văn học, đại học
Nhân dân Trung Quốc. Từ 1979-2019, ông đã công bố hơn 11 tiểu thuyết, 10 tập
truyện vừa và truyện ngắn, 5 tập tản văn và tiểu luận; đạt được gần 30 giải thưởng
văn học khác nhau trong và ngoài nước như: Giải thưởng Lỗ Tấn lần thứ nhất và lần
thứ 2; Giải thưởng Lão Xá lần thứ 3; Giải thưởng văn học Hoa ngữ quốc tế; Giải
thưởng Văn học Kafka… Cho đến nay, mặc dù xung quanh tác phẩm của Diêm
Liên Khoa vẫn tồn tại những nhận định trái chiều, bên cạnh sự ca ngợi hết lời cũng
có những ý kiến hoài nghi phê phán, nhưng không ai phủ nhận sức hút và sự mới lạ
trong tiểu thuyết của ông. Điều này càng cho thấy, Diêm Liên Khoa là một hiện
tượng văn học cần phải được nghiên cứu.
Diêm Liên Khoa đã thử sức mình trên nhiều thể loại văn học, bao gồm: tiểu
thuyết, truyện ngắn, truyện dài, tạp văn, tản văn, tiểu luận về sáng tác văn học…
nhưng tiểu thuyết mới là thể loại tạo nên tên tuổi của nhà văn. Vì vậy, tiểu thuyết
xứng đáng là lĩnh vực đầu tiên để khai thác khi nghiên cứu văn nghiệp Diêm Liên
Khoa. Mặt khác, nghệ thuật tiểu thuyết là một khía cạnh không thể bỏ qua khi đánh
giá tác phẩm, đây đồng thời cũng là phương diện thể hiện phong cách, tư duy nghệ
thuật của nhà văn, sức hấp dẫn của tiểu thuyết. Nói cách khác, nghiên cứu nghệ
thuật tiểu thuyết có thể xem như chìa khóa để giải mã văn bản.
Trong việc nghiên cứu nghệ thuật tiểu thuyết thì vấn đề tự sự luôn là yếu tố là

then chốt (tự sự ở đây chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp ở bình diện văn học, một
hoạt động biểu nghĩa dựa trên đặc thù ngôn ngữ). Nhận diện đặc trưng khu biệt của
các kiểu tự sự, hình thức và hoạt động hành chức của văn bản tự sự - được thể hiện
cụ thể qua quan điểm nghệ thuật và thực tiễn sáng tác của nhà văn Diêm Liên Khoa
- là mục đích của chúng tôi khi thực hiện luận án này. Mặt khác, tìm hiểu tác phẩm
của Diêm Liên Khoa giúp người đọc thấy được sự vận động của văn học sử Trung

1


Quốc; hiểu rõ hơn bản chất chiều sâu của xã hội Trung Quốc, khuynh hướng của
tiểu thuyết Trung Quốc đương đại; đồng thời qua đó soi chiếu vào đời sống của xã
hội Việt Nam để có thể rút ra được những kiến giải về lịch sử và nhân sinh.
Trước những vấn đề đặt ra trên, luận án của chúng tôi có nhiệm vụ làm rõ đặc
sắc tư tưởng thẩm mỹ, nghệ thuật tự sự, ngôn ngữ tiểu thuyết Diêm Liên Khoa dựa
trên nền tảng lý thuyết tự sự học phương Tây và những đặc trưng riêng của tự sự
học Trung Quốc; lý giải những cách tân, sự đan quyện truyền thống và hiện đại
trong nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa; đồng thời cho thấy những nét độc đáo
của phong cách nhà văn so với các tác giả văn học Trung Quốc trước và cùng thời.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi đặt ra những mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu sau:
Mục đích nghiên cứu:
Nhận diện đặc sắc nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa (tư tưởng nghệ
thuật, kỹ thuật tự sự, ngôn ngữ nghệ thuật) so với những nhà văn trước và đương
thời, qua đó chỉ ra những đóng góp của nhà văn đối với văn học Trung Quốc hiện
đại.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
Dựa trên lý thuyết tự sự học, thi pháp học, luận án sẽ làm rõ quan niệm về
―chủ nghĩa thần thực‖ của Diêm Liên Khoa thể hiện ở các bình diện khác nhau của
nghệ thuật tự sự; đồng thời, hệ thống hóa, cụ thể hóa đặc trưng nghệ thuật tiểu

thuyết của nhà văn qua việc phân tích những tác phẩm tiêu biểu.
Mặt khác, chúng tôi sẽ chỉ ra sự tiếp thu của Diêm Liên Khoa đối với truyền
thống văn học Trung Quốc cũng như những ảnh hưởng của nghệ thuật tiểu thuyết
phương Tây hiện đại đến tư tưởng và bút pháp tự sự của nhà văn. Cùng với việc
tham khảo nhiều nguồn tư liệu khác nhau, chúng tôi thể hiện những quan điểm riêng
dựa trên cơ sở đối thoại với những công trình nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên
Khoa ở nước ngoài, nhằm đáp ứng các tiêu chí thiết yếu của một đề tài nghiên cứu
khoa học.

2


3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa.
Đương nhiên, nghiên cứu nghệ thuật không có nghĩa là tách rời nội dung, bởi đây là
hai mặt biện chứng, có mối liên hệ hữu cơ của chỉnh thể tác phẩm. Do đối tượng
nghiên cứu như vậy, luận án sẽ trả lời những câu hỏi chính: Nghệ thuật tiểu thuyết
của Diêm Liên Khoa có đặc trưng gì? Nên lựa chọn những phương diện nào của
nghệ thuật tiểu thuyết để nghiên cứu? Từ đó, chỉ ra những điểm độc đáo của nghệ
thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa so với các nhà văn trước và đương thời, cũng như
sự đóng góp của Diêm Liên Khoa đối với nền văn học Trung Quốc.
Tóm lại, luận án tập trung nghiên cứu các phương diện chính sau: Quan niệm
sáng tác và tư duy nghệ thuật, kỹ thuật tự sự, diễn ngôn tự sự và đặc điểm ngôn ngữ
tiểu thuyết.
Phạm vi khảo sát của luận án tập trung vào các tiểu thuyết nổi bật nhất của
Diêm Liên Khoa từng đạt giải thưởng trong nước và quốc tế, bao gồm những cuốn
đã dịch và chưa được dịch ra tiếng Việt. Các thao tác phân tích, khảo sát dựa trên
văn bản gốc: Ngàn năm trôi mãi (Nhật quang lưu niên, Nxb Hoa Thành, 1998),
Kiên ngạnh như thủy (Nxb Văn nghệ Trường Giang, 2001), Làng Thụ Hoạt (Thụ
Hoạt, Nxb Văn nghệ Xuân Phong, 2004), Giấc mộng làng Đinh (Đinh trang mộng,

Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 2006), Phong Nhã Tụng (Nxb Nhân dân Giang Tô,
2008), Tứ thư (Nxb Mạch Điền, 2011); đồng thời có đối chiếu, tham khảo các bản
dịch tiếng Việt của Vũ Công Hoan (Người tình phu nhân sư trưởng, Nxb Văn hóa
thông tin, 2012; Phong Nhã Tụng, Nxb Dân trí, 2010), Nguyễn Thị Minh Thương
(Kiên ngạnh như thủy, Nxb Hội nhà văn, 2014; Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn,
Nxb Tao Đàn, 2018; Đinh trang mộng, Nxb Tao Đàn, 2019) và Châu Hải Đường
(Tứ thư, Nxb Tao Đàn, 2019).
Ngoài ra, trong quá trình phân tích các tác phẩm, chúng tôi cũng mở rộng khảo
sát, liên hệ với các cuốn tiểu thuyết khác của nhà văn như: Ngục tình cảm (Tình cảm
ngục, Nxb Văn nghệ giải phóng 1991), Kim Liên, xin chào (Nxb Văn học Trung
Quốc, 1997), Bài hát Bá Lâu (Bá Lâu thiên ca, Nxb Văn nghệ Bắc Nhạc, 2001),
Ngày tháng năm (Niên nhật nguyệt, Nhà xuất bản Nhân dân Tân Cương, 2002), Tạc

3


Liệt chí (Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 2013), Ngày tàn (Nhật tức, Nxb Điền Mạch,
2016).
Bên cạnh việc nghiên cứu tác phẩm, chúng tôi đồng thời nhận diện quan điểm
nghệ thuật của tác giả dựa trên ba tài liệu chính: chuyên luận Phát hiện tiểu thuyết,
(Nxb Đại học Nam Khai, 2011), hợp tuyển các bài phát biểu ở nước ngoài - Lời
phát biểu hàm hồ (Nhất phái hồ ngôn, Nxb Trung Tín, 2012), tản văn Tôi và cha
chú (Ngã dữ phụ bối, Nxb Nhân dân Vân Nam, 2009) cùng với nhiều bài trả lời
phỏng vấn, bài phát biểu trong và ngoài nước khác của nhà văn...
4. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu của luận án
Luận án chủ yếu sử dụng những hạt nhân lý thuyết của phương Tây về tự sự
học, thi pháp học để giải mã tiểu thuyết Diêm Liên Khoa. Những lý thuyết nghiên
cứu này cho thấy hiệu quả của nó trong việc lý giải những hiện tượng văn học và
giải mã văn bản. Vì vậy, khi thực hiện đề tài, chúng tôi kết hợp lý luận văn học
Trung Quốc từ truyền thống đến hiện đại với lý luận phương Tây hiện đại trong

việc phân tích đối tượng nghiên cứu. Cách làm này, theo chúng tôi, không xét riêng
tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, mà còn phù hợp với các hiện tượng văn học Trung
Quốc đương đại nói chung.
Trên tinh thần đó, luận án sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
Từ góc nhìn của thi pháp, chúng tôi lựa chọn một số yếu tố mang ý nghĩa thi
pháp điển hình trong nghệ thuật tiểu thuyết của nhà văn, như: bút pháp nghệ thuật,
ngôn ngữ nghệ thuật. Từ đó xác định được đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết của ông,
đồng thời khái quát được những vấn đề có tính chất lý luận về tiểu thuyết Diêm
Liên Khoa nói riêng và tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc nói chung.
- Phương pháp loại hình
Phương pháp loại hình là phương pháp nghiên cứu tổng hợp, dựa trên cơ sở
phân loại sự vật, hiện tượng để xác định danh tính và đặc trưng của chúng trong hệ
thống. Phương pháp này giúp chúng tôi tìm hiểu loại hình (type) cũng như cấu trúc
(structure) bên trong của đối tượng nghiên cứu.

4


- Phương pháp so sánh
Phương pháp so sánh được sử dụng khi nghiên cứu những đặc trưng nghệ
thuật tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa trong mối liên hệ với nền văn học Trung
Quốc và văn học phương Tây từ truyền thống đến hiện đại. Chúng tôi thực hiện
phân tích, so sánh các đặc điểm của nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa như bút
pháp, kết cấu, ngôn ngữ so với các tác gia nổi bật khác ở Trung Quốc và phương
Tây nhằm làm nổi bật đặc trưng nghệ thuật tự sự và những đặc sắc riêng về phong
cách nghệ thuật của nhà văn.
- Phương pháp phân tích – tổng hợp:
Dùng để tiến hành phân tích tác phẩm, đặc biệt chú ý đến các khía cạnh bút
pháp nghệ thuật, phong cách của nhà văn.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Trên cơ sở tiếp thu, vận dụng (đồng thời cũng mang tính chất giới thiệu)
những thành tựu của lý luận tiểu thuyết hiện đại phương Tây kết hợp với đặc trưng
tự sự học Trung Quốc mà Dương Nghĩa, Andrew H. Plaks, Triệu Nghị Hành đã chỉ
ra trong các nghiên cứu của mình, luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam tìm
hiểu nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa một cách chỉnh thể, bao gồm những
tiểu thuyết tiêu biểu đã và chưa được dịch ra tiếng Việt. Trong tình hình nghiên cứu
văn học nước ngoài nói chung, luận án góp phần giới thiệu những khía cạnh đặc sắc về
tư tưởng và nghệ thuật của một trong những nhà văn Trung Quốc đương đại nổi bật
nhất hiện nay. Đồng thời, nghiên cứu nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa không chỉ
giúp nhận chân một hiện tượng văn học nước ngoài đáng chú ý, mà còn có thể thấy
được diện mạo của xã hội Trung Quốc trong những thời kỳ lịch sử nhất định.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
Luận án góp phần vào việc nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa nói riêng và văn
học Trung Quốc nói chung ở Việt Nam.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận
án gồm bốn chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và quan điểm, phương hướng tiếp
cận của luận án
5


Chương 2. ―Chủ nghĩa thần thực‖: Từ quan niệm đến thực hành
Chương 3. Kỹ thuật tự sự
Chương 4. Diễn ngôn tự sự và ngôn ngữ tiểu thuyết

6



CHƢƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ QUAN ĐIỂM,
PHƢƠNG HƢỚNG TIẾP CẬN CỦA LUẬN ÁN
1.1. Các giai đoạn nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa ở Trung Quốc
Tại Trung Quốc, cho đến nay, đã có một khối lượng lớn các luận văn, luận án,
bài báo nghiên cứu về tiểu thuyết Diêm Liên Khoa. Theo thống kê của thư viện học
thuật trực tuyến CNKI (China National Knowledge Infrastructure), truy cập ngày
1/7/2019, từ khóa Diêm Liên Khoa cho ra 2206 kết quả, bao gồm 6 luận án tiến sĩ, 217
luận văn thạc sĩ, 13 hội thảo trong nước, 3 hội thảo quốc tế, 1757 bài tạp chí, 210 bài
báo. Số lượng đồ sộ của các công trình nghiên cứu đã cho thấy phần nào vị trí cũng
như sức hút của nhà văn này trên văn đàn Trung Quốc đương đại.
Sự nghiệp sáng tác của Diêm Liên Khoa bắt đầu từ năm 1980. Trong giai đoạn
1980 - 1994, ông đã có những tác phẩm viết về người lính đăng trên các tạp chí và
Nhà xuất bản Quân đội, nhưng chưa thực sự được chú ý. Sau thành công của Ngày
tháng năm (1997) và Ngàn năm trôi mãi (1998), tên tuổi Diêm Liên Khoa mới bắt
đầu có sức hút trên văn đàn. Từ 2001 - 2016, với hàng loạt tác phẩm được đánh giá
là xuất sắc lần lượt xuất hiện: Kiên ngạnh như thủy (2001), Làng Thụ Hoạt (2004),
Giấc mộng làng Đinh (2006), Phong Nhã Tụng (2008), Tứ thư (2011), Tạc liệt chí
(2013), và gần đây nhất là Ngày tàn (2016), Diêm Liên Khoa ngày càng khẳng định
vị trí của mình trong nền văn học đương đại Trung Quốc, đồng thời mở rộng tên
tuổi ra thế giới.
Tôn Hiểu Đông (Khoa Trung Văn, Đại học Sư phạm Diêm Thành, tỉnh Giang
Tô) đã phân chia tình hình nghiên cứu về Diêm Liên Khoa thành 3 thời kỳ (tính đến
năm 2007 khi bài báo ra đời): Từ 1991 – 1994: thời kỳ bắt đầu nghiên cứu về Diêm
Liên Khoa một cách thận trọng; Từ 1995 – 2000: thời kỳ nghiên cứu phong phú; Từ
2001 – 2007: thời kỳ nghiên cứu về tiểu thuyết Diêm Liên Khoa một cách chỉnh thể
(Nghiên cứu thuật bình về tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, Tạp chí Văn học đương
đại, 2/2007). Tham khảo cách phân chia này của Tôn Hiểu Đông, theo dõi quá trình
sáng tác của Diêm Liên Khoa, đồng thời dựa trên các tài liệu nghiên cứu thu thập

7



được, chúng tôi tạm chia tình hình nghiên cứu về Diêm Liên Khoa ở Trung Quốc từ
1991 – 2015 thành 4 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1991 – 1997:
Năm 1992, Diêm Liên Khoa ra nhập hiệp hội tác gia Trung Quốc. Năm
1997, ông cho xuất bản Ngày tháng năm, tương đối gây được sự chú ý trên văn
đàn. Ngoài ra, có thể kể đến một số tác phẩm khác ra đời trong gian đoạn này
như Ngục tình cảm (1991), Người nữ thanh niên cuối cùng (1993), Vòng sinh tử
(1995), Chào Kim Liên (1997).
Đây là thời kỳ mà từ phương diện chủ đề, nội dung cho đến nghệ thuật của
dòng văn học viết về nông thôn của nhà văn được quan tâm. Lâm Châu (1997) nhận
định: cách nhìn về xã hội nông thôn của Diêm Liên Khoa ―mang sắc thái phê phán
văn hóa‖. Xét về mặt tự sự, ―Ở phương diện mô thức dụ ngôn tự sự, Diêm Liên
Khoa đã bỏ đi những tập quán quan sát thông thường với quan hệ nông thôn/thành
thị, hoang dã/văn minh, từ góc độ sinh mệnh con người để đề xuất những nội hàm
giá trị‖ (Tiểu thuyết hương thổ của Diêm Liên Khoa – tiếng ca khóc thương và sự
bảo vệ quê hương) 124; tr34.
Cùng với xu hướng nghiên cứu chung của thời kỳ này, nhiều luận văn tập
trung phân tích tiểu thuyết Diêm Liên Khoa từ phương diện chủ đề tư tưởng, như: Ý
nghĩa và sách lược miêu tả về nỗi khổ trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa của Dương
Hoài Châu (Đại học Sư phạm Tây Nam, 2005), Nghiên cứu chủ đề khổ nạn trong
tiểu thuyết hương thổ của Diêm Liên Khoa của Lục Tân (Đại học Diên Biên, 2005),
Luận về các ý tượng và mẫu đề trong tiểu thuyết hương thổ của Diêm Liên Khoa
của Đậu Bằng (Đại học Tây Bắc, 2007)... Trong đó, ―Hệ biểu tượng Dao Câu‖
(―Dao Câu hệ liệt‖) là một nội dung trọng tâm được nhiều nhà nghiên cứu khai thác,
chẳng hạn: Tinh thần đi tìm biểu tượng Dao Câu của Diêm Liên Khoa của Thái Quế
Lâm; Sự truy cầu tinh thần của Diêm Liên Khoa trong phả hệ thần thoại Dao Câu
của Nhất Văn Trung... Trong bài viết Thế giới Dao Câu và những vấn đề khác Bình luận về bốn tác phẩm của Diêm Liên Khoa, Trương Đức Tường nhận xét:
―Trong bốn bộ tác phẩm, Diêm Liên Khoa lấy vận mệnh của nhân vật chính Liêm


8


Khoa làm chủ đạo, từ đó vẽ nên thế giới Dao Câu, họa lại phẩm chất và tinh thần
của người Dao Câu‖ 231; tr7. Cũng về bốn tác phẩm trên, Từ Quốc Tuấn cho rằng:
―Nội hàm và chủ đề trong tác phẩm của Diêm Liên Khoa hầu hết đều mang tính bi
kịch‖ (Câu chuyện người nông dân - giấc mộng khó thành - mạn bình về tiểu thuyết
Diêm Liên Khoa 190; tr18. Triệu Thuận Hoành lại tập trung phân tích ―Sự tồn tại
của dục vọng và kết cấu nông thôn‖, ―mộng tưởng cá nhân và mộng tưởng tập thế‖
để chỉ ra những ―bi kịch và hài kịch‖ của người nông dân trong các tiểu thuyết
hương thổ của Diêm Liên Khoa (Tưởng tượng về nông thôn - bàn về những sáng
tác tiểu thuyết gần đây của Diêm Liên Khoa, Phê bình tiểu thuyết, kỳ 6, 1993) 247.
Bên cạnh hệ biểu tượng Dao Câu, nhiều nhà nghiên cứu khai thác hình tượng
người lính - nông dân trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa. Đáng chú ý nhất là bài
của Chu Hướng Tiền: Con cái nông dân và người lính - nông dân: định vị những
sáng tác tiểu thuyết về người lính của Diêm Liên Khoa. Đặt các sáng tác về người
lính của Diêm Liên Khoa vào bối cảnh chung của văn học quân đội thập niên 80, tác
giả nhận định: tiếp nối dòng văn học ―thời đại mới‖ (tân thời đại văn học) của một số
cây bút sinh năm 1960 như Chu Tô Tiến, Trần Hoài Đức, Lưu Đào Lâm...Diêm Liên
Khoa đã bổ sung những khuyết thiếu, đồng thời làm sâu sắc và phát triển thêm chủ đề
―nông dân - người lính‖ của văn học thời kỳ mới 252; tr52-53.
Nhìn chung, các công trình trên chủ yếu đứng từ phương diện lý luận Macxit
để nghiên cứu nội dung tư tưởng, chủ đề, hình tượng, còn phương diện nghệ thuật
tự sự thì chưa được chú trọng.
Giai đoạn 1998 – 2007:
Giai đoạn này đánh dấu bước chuyển biến lớn trong sự nghiệp sáng tác của
nhà văn với một loạt tác phẩm xuất sắc: bắt đầu với Ngàn năm trôi mãi (1998), và
tiếp theo là Kiên ngạnh như thủy (2001), Làng Thụ Hoạt (2003), Giấc mộng làng
Đinh (2006). Trong bài viết Diêm Liên Khoa sẽ như thế nào, Chu Hướng Tiền nhận

xét: ―Có thể thấy ―ước số hiện thực chủ nghĩa‖ thể hiện khắp nơi trong kết cấu chủ
nghĩa hiện thực của Diêm Liên Khoa‖. Bên cạnh đó, nhiều công trình nghiên cứu
Bá Lâu (―Bá Lâu hệ liệt‖) như một hình tượng xuyên suốt trong tiểu thuyết Diêm

9


Liên Khoa, có thể kể đến các bài viết của Cao Nguyên Bảo, Trần Tư Hòa, Lưu Bảo
Lượng, Trình Diễm Hoa, Từ Tụy...
Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những công trình nghiên cứu về thế giới nghệ
thuật của Diêm Liên Khoa, chẳng hạn các bài viết của Cốc Nguyên Ngọc (Luận về
thế giới của Diêm Liên Khoa), Trương Chí Trung (Từ cuồng hoan đến cứu chuộc –
tổng thuật về sự giao thoa giữa hai thế giới của Cách mạng), Thiệu Yên Quân
(Gánh khổ nạn trên vai để sống – Từ Làng Thụ Hoạt của Diêm Liên Khoa nhìn về
truyền thống văn học nông thôn hiện thực chủ nghĩa đương đại)… Nhiều luận văn
khai thác tiểu thuyết Diên Liên Khoa từ phương diện thi pháp và phong cách nghệ
thuật, có thể kể đến như: Luận về tiểu thuyết tranh đấu thập niên 90 của Diêm Liên
Khoa của Trương Diên Quốc, Luận về tự sự Utopia (không tưởng) trong tiểu thuyết
của Diêm Liên Khoa của Lô Tiêu Dao, Tu từ tự sự trong tiểu thuyết Diêm Liên
Khoa của Liêu Tiểu Năng đã nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên khoa qua các
phương diện như đạo đức, cách mạng, sinh mệnh, bút pháp tự sự dụ ngôn và
chính trị kiểu không tưởng (utopia).
So với giai đoạn trước, số lượng bài nghiên cứu về Diêm Liên Khoa ở giai
đoạn này đã tăng lên một bậc, nội dung cũng sâu sắc và phong phú hơn, xuất hiện
một số bài viết xuất phát từ góc độ tư tưởng văn hóa truyền thống Trung Quốc để
soi chiếu tác phẩm. Bên cạnh đó, các tác giả như Tôn Hiểu Đông, Tống Hồng Linh,
Thạch Thự Bình lại nhấn mạnh tính hiện đại trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa.
Nhưng nhìn chung, giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn chủ yếu đứng từ giác độ lịch
sử văn hóa để nghiên cứu về nội dung tiểu thuyết, lấy đó làm thước đo để đánh giá
các giá trị của tác phẩm. Như vậy, rõ ràng việc đi tìm cá tính sáng tạo của nhà văn ở

phương diện nghệ thuật chưa được chú trọng. Ngoài ra, việc chưa quan tâm đến lập
trường sáng tác, chưa nghiên cứu kỹ lưỡng bút pháp xây dựng nhân vật của nhà văn
cũng là điểm hạn chế của các công trình nghiên cứu ở giai đoạn này.
Giai đoạn 2008 – 2013
Các tác phẩm của Diêm Liên Khoa lần lượt được xuất bản với lối viết đa dạng
hơn, mang tính thử nghiệm về mặt hình thức như: Phong Nhã Tụng (2008), Tứ thư
(2011), Tạc liệt chí (2013), Ngày tàn (2016) tiếp tục đưa tên tuổi nhà văn vượt ra
khỏi ranh giới Trung Quốc và châu Á để vươn ra thế giới. Năm 2010, Trung Quốc
10


xuất bản một số công trình nghiên cứu về Diêm Liên Khoa tương đối dày dặn, như:
Luận về sáng tác tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa của Trịnh Anh Quân (Nhà xuất
bản Đại học Trịnh Châu, 2010). Công trình này nghiên cứu về sự nghiệp sáng tác
của Diêm Liên Khoa trong vòng 30 năm, chia thành ba giai đoạn: thời kỳ thử bút,
thời kỳ phát triển và thời kỳ cây bút đã lão luyện, trong đó tập trung phân tích yếu
tố tình cảm, tư tưởng và đặc điểm văn thể trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa.
Ngoài ra là công trình Diêm Liên Khoa - Nghiên cứu văn học gồm 2 tập (Nhà
xuất bản Nhân Dân Vân Nam, 634 trang, 2013) do Lâm Kiến Pháp chủ biên, đã tập
hợp những bài nghiên cứu có chất lượng về tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa. Tập
sách chia thành thành ba phần: Phần 1 nghiên cứu về hệ biểu tượng: biểu tượng Dao
Câu (gắn với các bộ tiểu thuyết hương thổ), biểu tượng người lính (gắn với tiểu
thuyết viết về đề tài chiến tranh và hình tượng người nông dân – quân nhân),
biểu tượng không gian Bá Lâu; Phần hai tập hợp các nghiên cứu về một số tiểu
thuyết tiêu biểu của Diêm Liên Khoa như Ngàn năm trôi mãi, Kiên ngạnh như
thủy, Làng Thụ Hoạt, Phong Nhã Tụng. Phần ba ―Luận về Diêm Liên Khoa‖
gồm các bài viết phân tích những biểu hiện của chủ nghĩa siêu hiện thực của
Diêm Liên Khoa, coi ông là ―Lá cờ đầu của chủ nghĩa hiện thực hoang đản
Trung Quốc‖ (Phó Dị Tinh).
Đặc biệt, gắn với sự phát triển của ngành Tự sự học Trung Quốc bắt đầu từ

những năm 80 của thế kỷ trước, giai đoạn này bùng nổ một loạt nghiên cứu về tiểu
thuyết Diêm Liên Khoa dưới góc độ tự sự học. Theo xu hướng trên, nhiều tác giả đã
chọn tự sự làm hạt nhân lý luận để nghiên cứu tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa như
Vũ Diễm Vĩ, Vương Đan Đan, Thường Lệ Nạp, Lâm Linh, Vương Phỉ Phỉ, Tiền
Phương, Mai Văn Bân... Luận văn Bàn về tính đối thoại đa tầng bậc trong tiểu
thuyết hương thổ của Diêm Liên Khoa của Thường Lệ Nạp (Đại học Lan Châu,
2010) khai thác các phương diện tự sự như: tác giả và người khác đối thoại bình
đẳng, biểu tầng ―ngã‖ và ―tự ngã‖ trong đối thoại, tự sự song tầng. Lâm Linh trong
Luận về những đặc trưng chủ yếu hình thành phong cách tự sự trong tiểu thuyết của
Diêm Liên Khoa (Đại học Sư phạm Nam Kinh, 2013) chỉ ra các phương diện của

11


nghệ thuật tiểu thuyết, như: tính trì hoãn, giảm nhịp độ tiết tấu trong tự sự; tính cảm
quan, tính quan phương của ngôn ngữ hội thoại. Tác giả khẳng định, xét về mặt nội
dung tự sự, phương thức kết cấu, phong cách ngôn ngữ, Diêm Liên Khoa đều có sự
cống hiến mới. Ngoài ra, một số luận văn tập trung nghiên cứu phương diện tự sự
như: Tự thuật biểu đạt hiện thực của Vương Phỉ Phỉ (Đại học An Huy, 2014); Luận
về tự sự trong tiểu thuyết hương thổ của Diêm Liên Khoa của Vương Đan Đan (Đại
học Sư phạm Liêu Ninh, 2013); Luận về lối viết dụ ngôn hóa trong tiểu thuyết của
Diêm Liên Khoa của Nghê Tĩnh (Đại học Nam Kinh 2011)...
Cũng nghiên cứu phương diện tự sự, nhiều luận văn đi sâu khai thác một số
chủ đề nổi bật như tật bệnh, cái chết, thân thể... Chẳng hạn, Luận về tự sự tật bệnh
trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa của Hàn Đông Mai (Đại học Sư phạm Hoa
Đông, 2008); Luận về tự sự về cái chết trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa của
Vương Phong Lượng (Đại học Triết Giang, 2011); Luận về tự sự thân thể trong tiểu
thuyết của Diêm Liên Khoa của Vũ Diễm Vĩ (Đại học Khoa Kỹ Hoa Trung, 2009)...
Hướng khai thác này cũng khá đồng dạng với nghiên cứu tự sự ở phương Tây
đương đại (đi sâu vào chủ đề bệnh tật, cái chết, thân thể...), qua đó cho thấy các nhà

nghiên cứu Trung Quốc đã nhanh chóng cập nhật các xu hướng nghiên cứu trên thế
giới, đồng thời vẫn phát huy nền tảng tự sự truyền thống của Trung Quốc.
Bên cạnh việc nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa từ góc độ tự sự học, thì
khai thác từ phương diện phong cách nghệ thuật cũng là một hướng đi được nhiều
nhà nghiên cứu quan tâm. Hà Trường Cửu (Đại học Tây Nam, 2011) dựa vào hình
tượng nông thôn trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa làm đích để nghiên cứu nội
dung. Theo tác giả: trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, sự ―phản thường tắc‖
(ngược lại quy tắc bình thường) là căn nguyên của bi kịch nhân vật; sự ―phản tư‖
truyền thống là tinh thần của tác phẩm; từ tiểu thuyết viết về hiện trạng nông thôn
của Diêm Liên Khoa, có thể thấy được một phương diện ma quái của xã hội nông
thôn Trung Quốc đương đại 102.
Khi nghiên cứu về phong cách tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, nhiều nhà nghiên
cứu thường nhấn mạnh ―chủ nghĩa thần thực‖ (chủ nghĩa siêu hiện thực) như là một

12


đặc trưng nổi bật, ca ngợi ông là ―bậc thầy của chủ nghĩa hoang đản hiện đại Trung
Quốc‖. Chẳng hạn các công trình: “Xuất huyễn nhập chân”: Luận về phong cách
thẩm mỹ trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa của Dụ Song (Luận văn thạc sĩ, Đại
học Sư phạm Hồ Nam, 2009); Bàn về lý tưởng tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa của
Lý Kinh Khải (Đại học Sư phạm Thủ Đô, 2012); Luận về sáng tác tiểu thuyết của
Diêm Liên Khoa của Cổ Thần (Luận văn thạc sĩ, Đại học Hắc Long Giang, 2014);
Nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa của Hình Tinh (Đại học Diên Biên, 2015);
Nghiên cứu “Chủ nghĩa thần thực” trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa của
Trương Nguyên (Đại học Diên Biên, 2013); Luận về văn hóa phản tư trong tự sự về
nỗi khổ của tiểu thuyết Diêm Liên Khoa của Ngô Kỳ (Tiểu thuyết bình luận,
1/2014)... Hầu hết, các tác giả đều khẳng định, sự hình thành ―chủ nghĩa siêu hiện
thực‖ trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa dựa trên kế thừa văn hóa truyền thống và
sự tiếp thu các kỹ thuật sáng tác hiện đại của văn học phương Tây.

Trong nghiên cứu phong cách tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, nhiều công trình
khai thác tính hoang đản như một đặc trưng của thủ pháp nghệ thuật. Chẳng hạn các
luận văn Phản kháng hoang đản của Ngô Thục Yến (Đại học Sư Phạm Triết
Giang, 2007); Luận về tính hoang đản của cá thể tồn tại trong tiểu thuyết của
Diêm Liên Khoa của Lý Yên Quân (Đại học Tây Bắc, 2015); Từ ý thức tồn tại
cho đến sự phản tư về tính hiện đại trong tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa của
Ngô Đình Đình (Đại học Tây Nam, 2013)...
Giai đoạn 5 năm gần đây (2014 – 2019)
Đạt giải thưởng văn học Kafka năm 2014, Diêm Liên Khoa nhận được sự
quan tâm hơn hẳn từ truyền thông và độc giả Trung Quốc, số lượng các công trình
nghiên cứu về ông vì thế cũng tăng vọt. Trên biểu đồ thống kê của trang CNKI,
tổng số bài viết về Diêm Liên Khoa năm 2012 là 141 bài, năm 2013 là 189 bài,
riêng năm 2014 là 235 bài. Nhưng từ 2016 trở đi tình hình nghiên cứu Diêm Liên
Khoa tại Trung Quốc lại có dấu hiệu ―giảm nhiệt‖; năm 2016: 174 bài; năm 2017:
145 bài; năm 2018: 87 bài. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân của việc
suy giảm số lượng các bài viết về Diêm Liên Khoa là bởi trong khoảng thời gian từ
2016-2019, nhà văn không xuất bản cuốn tiểu thuyết mới nào, mặc dù Tạc Liệt chí và
13


Tứ thư đều lần lượt được đề cử vào danh sách giải thưởng Man Booker (năm 2016,
2017).
Trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển của ngành văn học so sánh, việc so
sánh phong cách tiểu thuyết Diêm Liên Khoa với các tác giả khác trong và ngoài
nước cũng là một hướng nghiên cứu được nhiều người quan tâm. Lý Doanh (Đại
học Sư phạm Liêu Ninh, 2012) so sánh tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa với dòng
tiểu thuyết hương thổ tả thực Trung Quốc những năm 20 ở các phương diện: nội
dung tư tưởng (phê phán tính nô lệ, vận mệnh bi kịch của nữ giới, sự xuống cấp của
giá trị nhân văn); đặc điểm nghệ thuật (ngôn ngữ, văn thể, ý tượng, ý tại ngôn ngoại)
và phong cách sáng tác (thái độ sáng tác, tinh thần của tác phẩm, thủ pháp nghệ

thuật) 119. Một số luận văn so sánh đặc trưng phong cách tiểu thuyết của Diêm
Liên Khoa với các tác gia văn học khác, như Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, chẳng hạn:
Luận văn So sánh nghệ thuật tự sự thần bí của tiểu thuyết Giả Bình Ao và Diêm
Liên Khoa của Dụ Sướng (Đại học Sư phạm Hồ Nam, 2012), so sánh những nét
tương đồng và khác biệt của Diêm Liên Khoa và Giả Bình Ao ở các phương diện
như: phương thức tự sự, cách thức sáng tạo ra các ý tượng nghệ thuật, ngôn ngữ tự
sự… Luận văn So sách cách nhìn về cái chết trong tiểu thuyết hương thổ của Diêm
Liên Khoa và Mạc Ngôn của Vương Vũ Đan (Đại học Sư phạm Đông Bắc, 2013) từ
góc độ mỹ học và triết học truyền thống Trung Quốc để phân tích sự khác nhau
trong cách nhìn về cái chết của hai nhà văn lớn Mạc Ngôn và Diêm Liên Khoa. Các
nhà nghiên cứu Trung Quốc vận dụng cả lý thuyết của chủ nghĩa hình thức Nga, tự
sự học Genette, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, lập trường văn hóa dân
gian để bình xét tác phẩm Diêm Liêm Khoa. Đây cũng là cách thức mà giới nghiên
cứu Trung Quốc áp dụng với những nhà văn khác như Mạc Ngôn, Giả Bình Ao...
Hướng nghiên cứu này cho thấy tính hợp lý khi có thể nhận diện được Diêm Liên
Khoa ở cả hai mặt ―truyền thống‖ và ―hiện đại‖.
Nhìn chung, nghiên cứu về tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa ở Trung Quốc
càng ngày càng phong phú, càng ngày càng nở rộ và có nhiều thành tựu mới. Các
hướng nghiên cứu ở giai đoạn sau cũng trở nên toàn diện hơn, bổ khuyết những

14


thiếu sót còn tồn tại ở giai đoạn trước. Có thể thấy, con đường sáng tác của Diêm
Liên Khoa còn dài, bút lực của ông còn rất sung mãn, điều đó đồng nghĩa với
việc nghiên cứu về tiểu thuyết Diêm Liên Khoa vẫn đang và sẽ là một mảnh đất
đầy hứa hẹn.
1.2. Phiên dịch, nghiên cứu tiểu thuyết Diêm Liên Khoa ở một số nƣớc
trên thế giới
Tại Đức và Pháp

Hiện nay, tác phẩm của Diêm Liên Khoa đã được dịch ra trên 20 ngôn ngữ,
xuất bản ở gần 30 quốc gia. Trở thành nhà văn Trung Quốc đầu tiên đạt giải thưởng
Kafka năm 2014, Diêm Liên Khoa đã nhận được sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu
và bạn đọc nước ngoài, đồng thời trở thành tâm điểm của truyền thông trong nước.
Ở Đức, việc dịch thuật các tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa được thực hiện từ
sớm, không bao lâu sau khi tiểu thuyết của ông ra đời ở đại lục. Năm 2007, cuốn Vì
nhân dân phục vụ (tên tiếng Đức: Dem Volke dienen) được dịch sang tiếng Đức.
Năm 2009, Giấc mộng làng Đinh cũng được xuất bản (tên tiếng Đức: Der Traum
meines Groβ-vaters). Hai bộ tiểu thuyết này do dịch giả Hán ngữ nổi tiếng người
Đức là UlrichKautz chuyển ngữ. Nhà phê bình Verena Mayer nhấn mạnh: ―tác
phẩm có nhiều công năng, vừa là một cuốn tiểu thuyết tình ái, vừa cho thấy đặc
trưng văn hóa thú vị của Trung Quốc‖, ―tác giả đã thành công trong việc phê phán xã
hội mà không rơi vào sự dung tục‖. Frankfurter Allgemeine Zeitung nhận ra: ―tính chất
umua tuyệt vời ẩn đằng sau cuốn tiểu thuyết mang bản chất bi thương‖. Mark Siemons
trên tạp chí Frankfurt cho rằng: ―tiểu thuyết Diêm Liên Khoa có tính châm biếm trào
phúng và ái tình chỉ là một hình thức hý kịch mà bên trong nó là vấn đề xã hội‖… Nhìn
chung, giới phê bình Đức đều nhấn mạnh, tiểu thuyết Vì nhân dân phục vụ ―thể hiện
được phong vị Trung Quốc‖, thủ pháp tự sự ―phản truyền thống‖ của Diêm Liên Khoa
khiến câu chuyện trở thành một ―điển hình‖ của ―tự sự Cách mạng‖. Dịch giả
UlrichKautz nhận xét về cuốn Giấc mộng làng Đinh: ―Diêm Liên Khoa khiến cho
người ta ấn tượng sâu sắc về vận mệnh của con người với những nỗ lực không ngừng
nhưng lại vẫn thất bại, sự tồn tại của họ trong một môi trường phi nhân‖. Michael
Müller cho rằng cuốn sách này thể hiện hai đặc điểm của phong cách Diêm Liên Khoa:

15


thứ nhất, ông có thiên bẩm viết nên những tác phẩm vĩ đại; thứ hai, ông có dũng khí
viết tiểu thuyết với những chủ đề làm người đọc cảm thấy bất an (Yan Lianke: Der
Traum meines Groβvaters, Ullstein Verlag, 2009).

Ở Pháp – một quốc gia đã có truyền thống về dịch thuật tác phẩm văn học
Trung Quốc, những tác phẩm mang yếu tố phản truyền thống trong tiểu thuyết của
Diêm Liên Khoa tạo cảm hứng và gây sự chú ý với độc giả Pháp.
Năm 2007, sau khi Giấc mộng làng Đinh (tên tiếng Pháp: Le Rêve du Village
des Ding) được xuất bản tại Pháp, nhà phê bình Nils C. Ahl viết trên tờ Le Monde:
―đây là cuốn sách gây kinh động lòng người (bouleversant), với những tình tiết
khiến cho người ta xúc động (lyrique) và tuyệt vọng (désespéré)‖, ―là thứ văn học
tuyệt hay‖ (de la très belle littérature) (Nils C. Ahl, Au Pays du Sang Malade,Le
Monde, 12.01.2007).
Brigitte Guilbaud dịch giả cuốn Ngày tháng năm (tên tiếng Pháp Les Jours,
Les mois, Les Années) nhấn mạnh: ―Tác phẩm là ngôn ngữ của đức tin, là sự đào
sâu vào nội thâm bí mật nhất của con người, miêu tả sự bần cùng của sinh mệnh:
một trận hạn hán lớn, một người già, một con chó mù, một giống cây ngô. Tất cả
tình tiết câu chuyện đều xuất phát từ sự ―hư tịch‖ và ―trì trệ‖ ấy để triển khai‖. Ngày
tháng năm được đánh giá cao ở Pháp, bản dịch cho tác phẩm cũng được giải thưởng
văn học dịch Amédée Pichot.
Năm 2009, tiểu thuyết Làng Thụ Hoạt được Sylvie Gentil dịch sang tiếng
Pháp với tên Bons baisers de Lénine (Nụ hôn của Lê nin). Phần giới thiệu của cuốn
sách nhấn mạnh, đây là một cuốn tiểu thuyết có trí tưởng tượng sung mãn, ý tưởng
phong phú, hoang đường mà đậm chất umua, thể hiện quan niệm phi truyền thống
của tác giả. Cuốn tiểu thuyết ―là một bi kịch đầy hài hước (umua), nhưng cái hài
hước này, là một nghiền ngẫm sâu sắc về xã hội Trung Quốc‖. Mảnh đất Làng Thụ
Hoạt trở thành một ―phiên bản nhỏ của thế giới‖, có thể du nhập trong nó sự phồn
vinh mới của chủ nghĩa tư bản trên lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn.
Nhìn chung, Diêm Liên Khoa đã có một vị trí tương đối trong văn học dịch tại
Đức và Pháp. Từ thủ pháp nghệ thuật đến đặc điểm phong cách sáng tác, giới phê

16



bình ở hai nước này đều thống nhất, Diêm Liên Khoa là ―bậc thầy của chủ nghĩa
hiện thực huyền ảo ở Trung Quốc‖.
Tại Mỹ và Canada
Bắt đầu từ năm 2010 trở đi, những nghiên cứu về Diêm Liên Khoa bắt đầu
được mở rộng ở Mỹ. Năm 2011, tạp chí Văn học Trung Quốc ngày nay của Đại học
Oklahoma (Mỹ) đưa ra chùm 2 bài nghiên cứu với chủ đề ―Hư cấu và sự thật trong
tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa‖. Một trong số đó là bài Diêm Liên Khoa: Đạo đức
của một nhà văn (Yan Lianke: A write’s Moral Duty) của nhà phê bình gốc Hoa
người Canada Laifong Leung. Trong bài viết, tác giả khẳng định: ―Diêm Liên Khoa
là một ngòi bút có tinh lực dồi dào‖, ―ông đồng thời cũng là nhà văn đương đại
Trung Quốc lớn nhất, thành công nhất và gây tranh luận nhiều nhất‖. Laifong Leung
cho rằng, chính nỗi buồn ―bi thiên não nhân‖ đã khiến Diêm Liên Khoa sử dụng
những ―thủ pháp cách tân‖ để viết về nông thôn Trung Quốc. Theo Leung, ―dũng
khí khiêu chiến với các nhân tố chế ước đó, khiến cho ông - trong phương diện
miêu tả độ sâu và độ rộng của nhân tính - không ngừng khai thác các phương thức
sáng tạo mới mẻ, thu hút cảm hứng và sự chú ý của người đọc. Mặc dù có thể hơi
quá mới, nhưng sự miêu tả về bệnh tật, sự khiếm khuyết của thân thể, cái chết,
khiến ông thường xuyên sử dụng ―tác giả đã chết‖ - tự sự ở nhân xưng ngôi thứ nhất
như một dạng thủ pháp tự sự và phúng dụ. Trong văn học Trung Quốc, đây là một
dạng thức tự sự có một không hai‖. Qua việc phân tích Ngàn năm trôi mãi, Kiên ngạnh
như thủy, L.Leung nhấn mạnh: ―ông dùng cái quái đản, mộng ảo và truyền thuyết dân
gian dung hòa làm một, tạo nên một sinh mệnh mới cho tiểu thuyết Trung Quốc‖, tác
phẩm của Diêm Liên Khoa là ―sự kết hợp của tính trào phúng, châm biếm, phúng dụ;
sự kết hợp của trí tưởng tượng, chất dân gian, chất nghịch dị‖ 263.
Nếu như Laifong Leung nghiên cứu một cách khái quát về phong cách nghệ
thuật Diêm Liên Khoa, thì Thomas Chen (Mỹ) tập trung phân tích tiểu thuyết Làng
Thụ Hoạt trong bài viết Nhạo báng về thời đại hoàng kim, một hàm ý mang tính lật
đổ trong tiểu thuyết Làng Thụ Hoạt của Diêm Liên Khoa. Bài viết nhận định: sự
biến đổi văn hóa đang diễn ra ở nông thôn ―dễ bị tổn thương‖ của Trung Quốc như


17


là kết quả của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Tác giả nhấn mạnh,
Làng Thụ Hoạt là ―một ví dụ rõ ràng cho thấy tính phi lý cơ bản của chủ nghĩa xã
hội mang đặc sắc Trung Quốc. Làng Thụ Hoạt được xây dựng với ý nghĩa đại diện
cho người nghèo, người bị áp bức trong một xã hội mà chỉ có tầng lớp cán bộ và
loại người làm kinh doanh mới được hưởng tất cả những nguồn lợi phong phú‖ 276;
tr70. Chen cũng chỉ ra tự sự không tưởng (utopia) trong tiểu thuyết Làng Thụ Hoạt:
―Làng Thụ Hoạt đã trở về với ý nghĩa là một vùng đất không tưởng (utopia), không
nơi chốn; cư dân ở đó không có hộ khẩu và thẻ căn cước, không tồn tại, vô thực
thể‖ 276; tr71.
Có thể nhận thấy, các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Canada có năng lực đi đầu
trong việc phát hiện những hướng nghiên cứu mới, vận dụng những lý thuyết mới
để phân tích đối tượng nghiên cứu. Dựa trên thuyết sinh - chính trị (biopolitics) xuất
phát từ lý thuyết của Michel Foucault, trong tiểu luận Về bệnh tật hoặc về sức khỏe:
Diêm Liên Khoa và những sáng tác về hệ thống tự miễn dịch, Chien - hsin Tsai (Đại
học Harvard) nghiên cứu tác phẩm của Diêm Liên Khoa từ sự quy chiếu văn học
sinh - chính trị (biopolitics literature). Tác giả rút ra kết luận: ―Diêm Liên Khoa đã
tìm kiếm không mệt mỏi, thử nghiệm các hình thức và ngôn ngữ trong tính tự miễn
dịch của cơ thể. Tự miễn dịch là một lực lượng chính trị - sinh học (sinh - chính trị)
làm xáo trộn hệ hình miễn dịch xác định trên sự phân đôi nhị phân: cá nhân và vô
ngã, cách mạng và phản cách mạng, năng lực và tàn tật‖ 253; tr99.
Một tác giả khác là Rachel Leng (quốc tịch Singapore, thạc sĩ đại học Harvard)
có những nghiên cứu đáng lưu ý khi soi chiếu Giấc mộng làng Đinh dưới góc độ
văn hóa - xã hội học. Tác giả đưa ra nhiều dữ liệu quan trọng về hiện trạng xã hội
Trung Quốc đầu những năm 2000 - những sự kiện thúc đẩy Diêm Liên Khoa viết
nên tác phẩm này (hàng trăm trạm thu máu được thành lập ở tỉnh Hà Nam để cung
cấp cho thị trường Trung Quốc; quan chức chính quyền địa phương đã đưa ra một
đề án phát triển nông thôn bằng cách để nông dân bán máu; thông qua các đầu nậu

máu (―bloodheads‖), các thủ tục thu máu sai quy định là nguyên nhân gây ra sự lây
lan nhanh chóng của dịch bệnh AIDS…). Dựa trên thuyết bá quyền văn hóa - chính

18


trị của Antonio Gramsci, R.Leng nhận định: ―Diêm Liên Khoa dành cho những đối
tượng ở thang dưới xã hội (dân làng bị bệnh AIDS) một vị trí để phát ngôn - với
những quan điểm khác nhau để bổ sung cho phối cảnh của văn bản‖. Từ góc độ văn
hóa, song song cung cấp những dữ liệu lịch sử - xã hội có thực để soi chiếu tác
phẩm, Leng coi Giấc mộng làng Đinh là ―sự giải ảo những huyền thoại của quan hệ
huyết tộc‖ ở Trung Quốc. Leng cũng không quên nhấn mạnh, trong Giấc mộng làng
Đinh, ―tự sự của người chết (ghosted narrator) trở thành một công cụ diễn ngôn‖.
(Rachel Leng, Những tiếng nói ở địa vị thấp trong giấc mộng của làng Đinh) 272.
Gần đây, tác phẩm của Diêm Liên Khoa đã thu hút sự chú ý của giới nghiên
cứu văn học ở Mỹ. Năm 2016, Xuenan Cao (đại học Duke, USA) từ phương diện
phong cách nghệ thuật đã chỉ ra, ―Diêm Liên Khoa đã kết hợp giữa tính cổ xưa và
chất hiện đại, mang đến một phong cách văn học gọi là chủ nghĩa thần thực
(mythorealism, 神实主义) 279; tr104. Đồng nghiệp của Xuenan Cao, Wang Yu
công bố bài viết Đám cưới ma ở Trung Quốc thế kỷ XX: giữa quá khứ và hiện tại
(2016). Thông qua việc nghiên cứu ―đám cưới ma‖ (ma hôn 冥婚, ghost marrige)
như một chủ đề trong văn học Trung Quốc thế kỷ XX phản ánh các thay đổi trong
nhận thức về thời gian từ thời kỳ tiền hiện đại đến hiện đại, Wang Yu thảo luận về
các khía cạnh của đám cưới ma trong tiểu thuyết Diêm Liên Khoa giữa bối cảnh văn
học rộng lớn của thập niên 1990. Đồng thời, tác giả phân tích một số yếu tố đặc
trưng của tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, trong đó nhấn mạnh việc nhà văn ―sử dụng
đám cưới ma như một điểm nhấn để phân tích sự biến đổi của xã hội Trung Quốc từ
đạo đức truyền thống đến hiện đại‖ 277; tr100.
Cũng trong năm 2016, Clarissa Sebag Montefiore của báo Độc lập (Mỹ) viết:
tác phẩm của Diêm Liên Khoa ―vượt qua chủ nghĩa hiện thực trong việc miêu tả xã

hội và đạt đến đỉnh cao của chủ nghĩa hư vô‖. Nguyên nhân khiến cho tiểu thuyết
của Diêm Liên Khoa được thế giới chú ý, là bởi mỗi tác phẩm của ông đều chọn
một đề tài ―mang tính kích thích‖, nhằm ―miêu tả không khoan nhượng những tệ
nạn xã hội và sự bất lực của con người‖ 286.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu ở Canada và Mỹ có xu hướng áp dụng những
lý thuyết mới, xuất phát từ nhiều góc độ, từ văn bản đến bối cảnh lịch sử - chính trị

19


×