Tải bản đầy đủ (.docx) (4 trang)

7 KHUNG GIỜ VÀNG của CON TRẺ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (121.87 KB, 4 trang )

7 KHUNG GIỜ VÀNG CỦA CON TRẺ & CHÍNH TA,
ĐỪNG “MÙ TỊT” MÀ “ĂN CƯỚP GIỮA BAN NGÀY”
“Trẻ con có cách NHÌN, NGHĨ và CẢM NHẬN RIÊNG của chúng. Và chẳng có điều nào ngu dốt hơn bằng việc
lấy cái cách của người lớn chúng ta để nhồi nhét hay thay vào cách nhìn, nghĩ và cảm nhận của
chúng.”
Jean-Jacques Rosseau, nhà văn thế kỷ 19, đã viết như thế trong tác phẩm Emile, được xem là mở đầu
cho sự thay đổi trong tư duy giáo dục của nhiều người về nuôi dạy con trẻ. Thế nhưng, cùng với sự lên
ngôi của nền kinh tế thị trường là:
- các ông bố bà mẹ bận rộn làm việc nhiều hơn nuôi dạy con,
- trường học và công ty giáo dục chăm lo cạnh tranh thị phần,
- các ngành công nghiệp luyện thi và đồ chơi “thông minh” nhập cuộc và marketing không phanh về
những sản phẩm và dịch vụ nhiều khi không mang nhiều giá trị giáo dục lâu dài và sâu sắc,
- mạng xã hội bùng nổ với bao thông tin gây nhiễu và đôi khi là chỉ dựa trên 1-2 trường hợp “cá biệt”.
Thế là, không ít trẻ con bị “ăn cướp trắng trợn” giữa ban ngày, đôi khi là vô tình chứ chẳng phải cố ý,
chỉ để phục vụ mục tiêu của người lớn hơn là thật sự vì trẻ con. Và thế là quỹ thời gian 24 tiếng một
ngày trong cái tuổi thơ vốn dĩ đã ngắn ngủn của chúng bị can thiệp, lập trình một cách “sân si” và “tù
mù”.
Tuổi thơ của chúng bị đốt cháy thô bạo, lắm lúc chỉ là để làm vui lòng người lớn hơn là xây dựng hạnh
phúc và thành công thật sự cho con trẻ. Gần như chẳng mấy ai chịu nhìn một cách tổng thể về CHIỀU
SÂU và LÂU DÀI để hiểu là ngần ấy thứ gộp lại đang hại não tụi trẻ ra sao.
“Trong mấy thập kỷ qua, chúng ta làm rất nhiều và thay đổi rất nhiều trong giáo dục nhưng không hiệu
quả mấy, mà lắm khi lại PHẢN TÁC DỤNG, vì rất ít người chịu tìm hiểu và áp dụng 30 NĂM nghiên cứu
về não bộ và cách cỗ máy tuyệt vời ấy phát triển ra sao.” Giáo sư Tâm lý William Stixrud của Đại học
George Washington đã “chốt hạ” như thế khi phải tận mắt chứng kiến quá nhiều “bộ não” của lũ trẻ bị
tàn phá ra sao, bất kể chúng giàu hay nghèo, thông minh hay chưa thông minh, “thành công” hay
“thất bại”.
Nếu như người ta chịu tìm hiểu về những gì bộ não – cái cỗ máy quyết định cách mỗi người học tập,
làm việc và sinh sống – thật sự cần gì để phát triển cân bằng và tốt đẹp nhất, thì có lẽ sẽ rất dễ cân
bằng 7 khung giờ vàng trong “cái mâm” thời gian mà mỗi đứa trẻ – và cả người lớn chúng ta – nên có,
cần có và… PHẢI CÓ.
Vì đó là QUYỀN LỢI của lũ trẻ.


----1. GIỜ TẬP TRUNG CHÚ TÂM
Cái khung giờ một đứa trẻ tập trung học tập ở trường và ở nhà, cái lúc chúng chú tâm làm một việc gì
đó đòi hỏi suy nghĩ, tư duy là lúc bộ não chúng đang được lớn lên. Vùng não kiểm soát cảm xúc, lập kế
hoạch, tư duy logic, sức tập trung,… sẽ được khỏe mạnh để sau này dẫu có kiến thức khó, bài tập
khủng hay công việc “khó xơi”, thì cái não của chúng cũng đủ khỏe để gánh gồng và nhiều khi là xử lý
nhẹ nhàng.
Thế mà giờ đây, dường như khung giờ tập trung chú tâm này đã bị lập trình rút ra khỏi thời gian ở nhà.
Về đến nhà là tụi nhỏ cứ được tẹt ga cầm cái máy tính chơi game, điện thoại bấm bấm hay xem phim
youtube mái thoải. Thảo nào mà đến trường, chúng khó tập trung học được cái gì cho ngon lành tử tế.
----2. GIỜ NGỦ


Khi vừa ngủ và chưa đi vào giấc mơ, bộ não sẽ tự động đào thải một lượng kiến thức thông tin tích lũy
trong ngày, và “nhập cảnh” phần còn lại vào vùng ký ức dài hạn. Còn khi đi vào giấc mơ, não sẽ “tẩy
gội” những cảm xúc tiêu cực không tốt, để trả lại một thái độ tích cực và vui vẻ hơn. Ngoài ra, khi ngủ
cũng là lúc vùng não kiểm soát tư duy logic được gia công để khỏe khoắn hơn, đủ sức điều phối các
vùng não khác. Đó là chưa kể đến muôn vàn lợi ích khác của giấc ngủ đến lục phủ ngũ tạng, tùm lum
tà la thứ.
Con nít 6-13 tuổi thì nên ngủ 9-11 tiếng mỗi ngày, 14-17 tuổi là 8-10 tiếng, còn 18-21 tuổi thì 7-9 tiếng.
Thế nhưng, giờ đây khối lượng bài tập về nhà, việc luyện thi cho hàng tá kỳ thi kiểu “con nhà người ta”,
cùng với facebook mạng xã hội và video games, điện thoại máy tính xâm lăng, khiến cho nhiều đứa trẻ
cấp 1 không được 8 tiếng một ngày, cấp 2-3 thậm chí còn không được 6 tiếng.
Thế thì chẳng khác nào đang phá não của chúng. Chúng ngủ dậy mà gần như không có bao nhiêu kiến
thức lưu lại trong đầu dẫu rằng hôm qua bị thầy cô và bố mẹ, gia sư nhồi cho rất nhiều thứ. Chúng thức
dậy trong cái tâm trạng không thoải mái, vì đâu có được mơ nhiều để não kịp tắm rửa cho các cảm xúc
giận hờn, bực dọc, buồn bã,... Và cái não tư duy logic, kiểm soát cảm xúc của chúng càng ngày càng
suy yếu, thì kiểu gì rồi cũng có lúc… đứt gãy.
----3. GIỜ VẬN ĐỘNG
Vận động, thể dục thể thao là khung thời gian vàng gần như là duy nhất mà ở đó có sự sản sinh đồng
loạt của cả 3 loại "tiên dược" giúp cho con người được tập trung, nhạy bén trực giác, cân bằng và bình

tĩnh, an yên. Đó là chưa kể đến việc sản sinh ra các tế bào não để bổ sung cho bao nhiêu “chú lính” đã
bị sử dụng trong quá trình học tập, làm việc.
Nhưng ôi thôi rồi, nhiều lúc hỏi lũ trẻ là một ngày con vận động, thể dục thể thao bao nhiêu tiếng, tụi
nó ngây thơ trả lời: 2 tiếng, nhưng đó là 2 tiếng cho cả một tuần thầy ạ.
----4. GIỜ KẾT NỐI
Giờ kết nối là những khoảnh khắc tương tác giữa người với người, chứ không phải là giữa người với…
máy. Một bữa cơm gia đình, một cuộc trò chuyện của bố mẹ con cái, một buổi ngồi tâm sự với bạn bè,
… tất cả đều giúp cho trẻ con được phát triển trí thông minh về mặt xã hội, cải thiện các mối quan hệ
và gia tăng hạnh phúc về lâu dài.
Mấy chục năm qua, gần như chẳng có một nghiên cứu khoa học nào ghi nhận tác dụng tích cực của
công nghệ lên trên sự phát triển năng lực tư duy, sáng tạo của lũ trẻ, nhưng lại có vô vàn nghiên cứu
chứng minh điều ngược lại.
Vậy mà giờ đây, dù ai cũng nói là muốn cho con được hạnh phúc, nhưng lại cho chúng nó tương tác với
máy móc, trò chơi và app phần mềm – lắm cái được đóng tem “giáo dục” – còn nhiều hơn là tương tác
với bố mẹ, anh chị em, ông bà, bạn bè. Giờ đây, nhiều đứa trẻ cấp 1 dành hơn 4-5 tiếng một ngày với
công nghệ, còn cấp 2-3 thì tổng cộng là 7-8 tiếng.
----5. GIỜ CHƠI TỰ DO
Chơi tự do là để cho lũ trẻ được tự do nghĩ ra những trò chơi, kiểu chơi trong thế giới tư duy của chúng,
chứ không phải chơi theo sự sắp đặt chặt chẽ, đóng khung luật lệ của người lớn hay của mấy trò chơi
điện tử, phần mềm “gắn mác” giáo dục.
Chỉ khi được chơi tự do, lũ trẻ mới được phát triển tốt nhất về mặt tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết
vấn đề, và tư duy trừu tượng. Ngoài ra, các vận động trong chơi tự do – chứ không phải là mấy cái quẹt


quẹt, bấm bấm trên màn hình điện thoại, bàn phím máy tính – mới thật sự phát triển các thao tác vận
động và giúp cho bộ não trưởng thành.
Sau 30 năm, thời gian chơi tự do của lũ trẻ con bị cắt giảm từ 40%, xuống còn 25% và giờ đây ở nhiều
nơi còn ít hơn 5% một ngày. Thảo nào, học sinh điểm thi có thể ngày càng cao, huy chương ngày càng
nhiều, thành tích ngày càng “khủng”, nhưng sức sáng tạo và năng lực vận dụng kiến thức của chúng
vào các tình huống thực tế lại không tỉ lệ thuận theo điểm số, thành tích hay huy chương mà chúng –

và bố mẹ chúng – thâu gom được.
----6. GIỜ PHẢN CHIẾU
Giờ phản chiếu là khi được lắng đọng suy nghĩ qua một trang sách, đắn đo một bài luận, hoặc trải lòng
trên nhật ký, nghĩ về những gì đã diễn ra trong ngày và cố gắng soi rọi rõ hơn vào tất cả sự kiện, nhìn
ra thế giới bên ngoài và hướng vào thế giới bên trong.
Đó là lúc mà bộ não được tăng cường khả năng kiểm soát và kết nối sự chú tâm, tư duy và cảm xúc.
Đồng thời, khi ấy, năng lực thấu cảm được tăng lên, không chỉ là với chính mình mà với cả người xung
quanh.
Nhưng giờ đây, lũ trẻ nhiều khi cứ “trẻ trâu tăng động”, bạ đâu nói đó, thích gì làm nấy, hoặc cứ chăm
chăm chạy theo những thứ đã được người lớn sắp đặt, lập trình sẵn cho chúng. Thế nên, nhìn vào
chúng thì cảm như cái gì chúng cũng có, nhưng nhiều khi chính bản thân chúng cũng không biết mình
thích gì, muốn gì, ước mơ gì, hay mình là ai và giá trị con người của mình ở đâu. Vậy nên, chúng cứ hòa
tan và đâm đầu “chạy theo số đông” vì nhiều khi bố mẹ chúng cũng thế.
----7. GIỜ XẢ & “MƠ GIỮA BAN NGÀY”
Nghỉ ngơi không làm gì, ngồi nhìn phố xá, ngắm người đi đường hay “mơ mộng” giữa ban ngày, chẳng
chú tâm vào bất cứ một công việc gì cụ thể mà cứ để cho suy nghĩ đến rồi đi,… trong con mắt của
nhiều người “mịt mù” thì cứ như là hâm hâm, dở hơi. Thế nhưng, chính họ lại không biết rằng những
điều đó cũng có tác dụng y chang đi nghỉ resort, du lịch nghỉ dưỡng.
Đó là lúc phần não quá tải công suất được nghỉ ngơi và nạp pin, tránh đứt gánh giữa đường. Đó là lúc
mà các ý tưởng đột phá hay sáng kiến tuyệt vời xuất hiện, như cái cách Newton “ngắm táo rơi” hay
Archimedes “đang tắm mà hét lên… eureka” (nếu như câu chuyện là có thật). Và quan trọng hơn cả,
đó là lúc các nhiễm sắc thể được “hàn gắn”, tránh nguy cơ bệnh tật và gia tăng tuổi thọ.
Thế mà nhìn tụi nhỏ, nhiều đứa còn không có giờ xả hoặc thậm chí được quyền mơ giữa ban ngày, vì
người lớn lắm khi “tham vọng” và nhồi cho chúng rất nhiều thứ để “trái cây nhanh chín sớm” với bao
nhiêu kiến thức và kỹ năng – mà không hiểu là nhiều khi “bơm cho trái cây chín càng sớm, nó thối rửa
càng nhanh”, chẳng khác gì hoa quả “thải ra” từ anh bạn láng giềng Trung Quốc.
----Một ngày 24 tiếng, một tuần 7 ngày, tuổi thơ, tuổi trẻ – và có khi là cả cuộc đời con người – rồi cũng
qua nhanh lắm. Đừng vì “mịt mù” mà “ăn cướp giữa ban ngày” những khung giờ vàng trong cái mâm
thời gian của lũ trẻ, và lắm lúc là của chính bản thân người lớn chúng ta.
Mình cứ mong mỗi ngày, mình có thể bớt thấy, để bớt giận, bớt thương, bớt trách trước cái cảnh bao

nhiêu người đang nhồi nhét, lạm dụng, bơm căng và thui chột bộ não kỳ diệu – và cả cuộc đời về lâu
dài – của lũ trẻ.
Có lẽ ngày đó còn xa xa lắm, vì nhìn hoài mà chẳng thấy đích đến ở đâu. Nhưng cứ phải tin là chỉ cần
mỗi ngày đặt được một bước chân về phía trước, thì thật sự đâu đó đang có một đứa trẻ được tốt đẹp
hơn như đúng cái tâm niệm của bản thân lâu nay vẫn thế.


Ước sao ngày nào chúng cũng được học tốt mà vẫn tràn ngập tiếng cười và niềm vui hạnh phúc bên
mọi người. Ôi tuổi thơ của chúng, khi nào mới được... tự do và tự nhiên phát triển.
Thôi thì cứ phải “điếc không sợ súng”, “tay không đánh cướp”, đánh được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu.
Có lỡ “đánh nhầm” thì mong bà con đừng trách, vì ở ngoài kia có nhiều “cướp giữa ban ngày” lắm.



×