Tải bản đầy đủ (.docx) (9 trang)

Tìm hiểu một số khía cạnh văn hóa tâm linh của người bố y (1)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (90.5 KB, 9 trang )

Một số khía cạnh văn hóa tâm linh của người Bố Y
được thể hiện qua âm nhạc dân gian
Trần Quốc Việt, trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Tóm tắt: Bằng phương pháp tiếp cận âm nhạc dân gian, bài viết nêu lên một số khía cạnh văn
hóa tâm linh của người Bố Y, được khai thác qua âm nhạc cổ truyền của họ như vũ trụ quan, nhân
sinh quan và tín ngưỡng về một số vật phẩm dùng trong cúng lễ. Nét độc đáo trong văn hóa tâm
linh của người Bố Y được nổi rõ qua phân tích và so sánh với văn hóa tâm linh của các tộc người
lân cận với họ. Những tư liệu văn hóa tâm linh này không thể tìm được hoặc rất mờ nhạt nếu sử
dụng các phương pháp tiếp cận khác. Nguồn tư liệu trong bài viết được khai thác chủ yếu bằng
phương pháp điền dã.
Từ khóa: người Bố Y, văn hóa tâm linh, âm nhạc dân gian.

1. Dẫn nhập
Khi nghiên cứu về văn hóa tâm linh, các nhà khoa học thường hay quan tâm tới những nơi
thờ tự, các nghi tục, hiện vật trong lễ cúng, tang ma, gia phả, truyện cổ... Tuy nhiên, trong quá
trình về âm nhạc dân gian của người Bố Y, chúng tôi thấy cũng có thể tiếp cận âm nhạc dân gian
để nghiên cứu về văn hóa tâm linh. Đặc biệt, những khía cạnh văn hóa tâm linh được bộc lộ trong
âm nhạc dân gian đôi khi khá độc đáo và không thể tìm được hoặc rất mờ nhạt trong các tài liệu
khác.
Để tìm những khía cạnh về văn hóa tâm linh trong âm nhạc dân gian, ngoài lời ca, điệu
nhạc, chúng tôi chú ý đến cả các yếu tố liên quan như môi trường - phương thức diễn xướng, đạo
cụ - vật phẩm được sử dụng trong quá trình diễn xướng.
Sau đây, chúng tôi xin trình bày, phân tích chi tiết một số khía cạnh văn hóa tâm linh đã thu
nhận được qua nghiên cứu âm nhạc dân gian của người Bố Y.
2. Nội dung
Người Bố Y là một tộc ít người thuộc nhóm ngữ hệ Tày – Thái, sống ở vùng núi phía
Bắc nước ta chủ yếu ở hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai. Dân số khoảng hơn 2000 người (điều tra
dân số năm 2009). Hiện nay, rất ít người biết về văn hóa nói chung và văn hóa tâm linh nói riêng
của họ. Vốn có truyền thống rất yêu âm nhạc, người Bố Y sử dụng âm nhạc dân gian – đặc biệt



là dân ca trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống như trong sinh hoạt đời thường, lễ nghi phong
tục và lễ nghi tín ngưỡng.
2.1. Những nét đáng chú ý trong vũ trụ quan
Mặc dù người Bố Y có một truyền thuyết về vũ trụ, trong đó có cung cấp một số thông tin
về các tầng Trời, Đất và Âm phủ. Tuy nhiên, khi nghiên cứu lời ca trong các bài hát cúng cổ
truyền của họ, chúng tôi đã có thêm nhiều thông tin mới liên quan tới các tầng vũ trụ trong quan
niệm của người Bố Y. Không những thế, những thông tin này còn cho thấy những nét độc đáo rất
đáng chú ý trong vũ trụ quan của họ:
2.1.1. Những khía cạnh liên quan đến cấu trúc tổng thể của vũ trụ
Trong quan niệm của nhiều tộc người, vũ trụ thường có ba tầng là Trời - Đất - Âm phủ.
Trong truyền thuyết và lời kể của người Bố Y cũng miêu tả vũ trụ có ba tầng như vậy. Tuy nhiên,
lời ca của các bài hát cúng lại bộc lộ nét khác biệt với quan niệm được thể hiện trong truyền
thuyết và lời kể của họ:
Theo quan niệm phổ biến của các tộc người, khi con người chết đi, hồn của người chết sẽ đi
sang thế giới bên kia. Nếu thế giới bên kia của người Kinh là tầng Âm Phủ thì thế giới bên kia
của người Bố Y - được thể hiện trong hát cúng, lại là tầng Trời.
Một số thầy cúng và nhà sư người Kinh mà chúng tôi đã phỏng vấn cho biết: hồn của người
Kinh sẽ phải qua một con sông lớn là ranh giới giữa cõi dương và cõi âm khi sang thế giới bên
kia. Tuy nhiên, không có tài liệu nào cho biết hồn của họ đi đường nào để đến được con sông này.
Trong khi đó, lời ca các bài hát cúng và các nghi tục kèm theo trong lễ cúng ma của người Bố Y
thể hiện rất rõ con đường mà hồn phải đi để sang thế giới bên kia:
Xuất phát từ tầng Đất, hồn của người Bố Y phải vượt qua một khoảng không gian để tới
tầng Trời. Con đường lên tầng Trời của họ có hướng từ mặt đất lên cao. Vì thế, trong những lời
hát của bài cúng có tên Thùa Quắng Chảy, do thầy cúng người Bố Y, ông La Tiến Tài dịch, có
câu hát chỉ hướng đi cho hồn như sau: “Mày theo đường đi lên1”.
Trong lễ cúng ma, con đường lên trời được tượng trưng bằng một cây tre gai cắm thẳng
đứng ở bên ngoài nhà. Thầy cúng La Tiến Tài cho biết: “Hồn người chết không được ra khỏi nhà
theo lối đi qua cửa ra vào mà phải ra khỏi nhà bằng lối đi được mở ở trên mái nhà rồi leo cây tre


1 Thầy cúng La Tiến Tài giải thích “đi lên” tức là “đi lên cao, đi lên Trời”, phỏng vấn ngày 11/11/2012 tại nhà ông ở
thôn Đống Tinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.


gai mà lên trời”2. Câu hát dẫn ở trên chính là câu được thầy cúng hát khi làm nghi tục mở lối cho
hồn đi xuyên qua mái nhà.
Ngoài ra, cũng lời hát của bài cúng này cho thấy con đường lên tầng Trời của hồn phải qua
một vùng rộng lớn. Vùng này có rừng, nương, ruộng, vườn và sông to: “Không rẽ trái, rẽ trái
vướng phải ruộng, nương”, “Không rẽ phải, rẽ phải lạc lối vào rừng”, “Không đi vào mép đường
nhỡ dẫm lên vườn tỏi”, “ Có sông to tự mày không qua được”.
Không những vậy, cái vùng mà hồn phải vượt qua để di chuyển từ tầng Đất lên tầng Trời
còn có cả cư dân sinh sống. Những cư dân này là các hồn ma được lời ca trong bài hát cúng ám
chỉ bằng từ “ai”3: “Ai hỏi mày đừng nói”, “Ai xin tiền mày đừng cho”, “Ai xin ăn, mày đừng đưa”
(lời hát trích trong bài Táng).
Như vậy, qua các bài hát của người Bố Y, có thể thấy vùng không gian giữa tầng Đất và
tầng Trời mà hồn phải đi qua là một vùng bao la, có tất cả các yếu tố liên quan tới môi trường
thiên nhiên và cư dân - tương tự như tầng Đất. Do đó, đây cũng là một vùng không gian riêng, có
thể xem là tương đương với tầng Đất. Bởi nó nằm ở giữa tầng Đất và tầng Trời, nên chúng tôi
tạm gọi là tầng Trung Gian.
Như vậy, qua những gì đã nêu ở trên, vũ trụ được thể hiện trong các bài hát cúng của người
Bố Y chí ít cũng có bốn tầng chứ không chỉ là ba tầng như trong truyền thuyết. Ngoài ba tầng
chính là Trời, Đất và Âm phủ, còn có tầng Trung Gian nằm ở giữa tầng Đất và tầng Trời – được
ngăn cách với tầng Đất bằng một khoảng không gian và với tầng Trời bởi một con sông lớn. Do
đó, tính theo trục dọc từ trên xuống vũ trụ được nhận thức qua các bài hát cúng sẽ có cấu trúc
tổng thể như sau:
Tầng Trời
Con sông lớn
Tầng Trung Gian
Khoảng không gian
Tầng Đất

Tầng Âm Phủ
2.1.2. Những khía cạnh liên quan đến tầng Trời
a) Về đất ở trên tầng Trời
2 Phỏng vân thầy cúng La Tiến Tài ngày 10/11/2012 tại nhà ông ở thôn Đống Tinh, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ,
tỉnh Hà Giang.
3 Theo thầy cúng La Tiến Tài: Ai là ma – tức các hồn của những người chết chưa được làm lễ cúng ma mà hồn gặp
trên đường đi.


Các bài hát cúng của người Bố Y cho thấy họ quan niệm trên tầng Trời cũng có đất. Đất này
được phân thành các loại khác nhau. Tiêu chí phân loại đất của họ là khả năng sử dụng đất để
chăn nuôi, trồng trọt và làm nhà ở cho hồn như thế nào. Theo lời ca của bài Táng4, đất trên tầng
Trời được chia làm 6 khu – xếp theo thứ tự từ dưới lên trên, phân thành 3 loại: loại đất hồn không
thể chăn nuôi, loại đất hồn không được làm nhà ở đó và loại đất hồn được làm nhà để ở. Cụ thể
là:
Khu đất 1 và 2 đều là nơi không thể chăn nuôi: “Khu một nuôi gà vịt không lớn”, “Khu hai
nuôi trâu bò không được”.
Khu 3, khu 4 và khu 5 tiếp theo lại không được làm nhà bởi: “Khu ba vướng nương rẫy”,
“Khu bốn vướng ruộng vườn”, “Khu năm của bên nội và bên ngoại”.
Khu 6 là khu đất duy nhất hồn có thể làm nhà: “Khu sáu là nơi có vàng, có bạc, nuôi trâu
bò, lợn gà tốt hãy làm nhà mà ở”.
Quan niệm về đất trên trời của người Bố Y như trên là độc đáo bởi theo tìm hiểu của chúng
tôi, các tộc người khác trong khu vực không có quan niệm này.
b) Về cấu trúc hành chính của tầng Trời
Theo quan niệm của người Bố Y về cấu trúc hành chính ở các tầng vũ trụ được thể hiện qua
hát tang ma, ngoại trừ tầng Trung Gian không chia thành làng, hai tầng Trời và Đất của người
Bố Y đều được phân chia làm nhiều làng khác nhau. Đặc biệt, các làng trên tầng Trời có những
nét riêng. Lời ca bài Táng nêu rõ Trời có 10 làng như sau:
- 6 làng đầu được phân chia theo chức năng - trồng trọt, chăn nuôi hoặc tín ngưỡng, bao
gồm: “Làng thứ nhất là làng để làm nương”, “Làng thứ hai là làng để làm ruộng”, “Làng thứ ba

là làng để nuôi cá”, “Làng thứ tư là làng để cúng bái lễ tết”, “Làng thứ năm là làng để bày cỗ bên
trái và “Làng thứ sáu là làng để bày cỗ bên phải”.
- 1 làng tiếp theo được phân chia theo đặc điểm môi trường thiên nhiên: “Làng thứ bảy là
làng có nhiều đồi, núi cao, cây to”.
- 3 làng còn lại - theo sự giải thích của một thầy cúng người Bố Y khác, ông La Xuân
Thàng, được phân biệt theo số lượng người đông dần mà hồn gặp ở đó: “ Làng thứ tám có anh
con trai dắt trâu về”, “Làng thứ chín có hai đoàn người đi hai bên” và “Làng thứ mười có nhiều
người ở đó”.

4 Lời ca của bài Táng do thầy cúng người Bố Y, ông La Tiến Tài dịch.


So sánh với cách phân loại 6 khu đất trên tầng Trời của người Bố Y đã nêu ở tiểu mục
trước, chúng tôi cho rằng khu đất 1 và 2 đều không có làng; khu đất 3 và 4 có làng 1, làng 2 và
làng 3; khu đất 5 có làng 4, làng 5 và làng 6; còn khu đất 6 có làng 7, làng 8, làng 9 và làng 10.
Sự có mặt của loại cấu trúc hành chính này – các làng ở trên tầng Trời, cũng là điểm đặc biệt
của riêng người Bố Y.
2.2. Những khía cạnh liên quan đến tín ngưỡng
Ngoài vũ trụ quan, âm nhạc dân gian còn bộc lộ những khía cạnh tín ngưỡng liên quan đến
con người và một số vật phẩm dùng trong cúng lễ của người Bố Y như:
2.2.1. Một số quan niệm về con người
Những nét độc đáo liên quan tới quan niệm về con người của người Bố Y được bộc lộ qua
các bài hát trong lễ hát với tiên và lễ cúng ma khá rõ ràng:
a) Liên quan đến thể chất của con người
Trong lễ hát với tiên, khi chọn lựa người đi mời tiên trên trời, người Bố Y có tiêu chí chọn
người đặc biệt. Đó là: chọn những người có xương nhẹ hơn những người khác. Đó là những
người cầm tinh các con vật như gà, rồng và khỉ. Theo các thầy cúng, sở dĩ xương của họ nhẹ vì
các con vật mà họ cầm tinh đó có thể bay hoặc leo cây giỏi. Việc chọn lựa này là bắt buộc - bởi
họ phải bay hoặc leo lên cây tre gai để vượt qua khoảng không gian ngăn cách giữa tầng Đất với
tầng Trung Gian, mới có thể lên được Trời.

b) Con người cũng bị coi như một loài yêu tinh
Việc coi con người như một loài yêu tinh là quan niệm tâm linh đặc biệt của người Bố Y.
Quan niệm này được thể hiện trong lễ cúng ma. Đây cũng là lý do vì sao tang gia mổ trâu – bò,
gà, vịt...mời dân làng tới ăn, nhưng bản thân họ và các thầy cúng lại phải ăn chay. Thịt gia súc gia
cầm đó là thịt được dùng để thay thế cho xác người quá cố. Điều này được lý giải quan lời của
bài hát cúng có tên Tả Vình như sau: con người là một loài yêu tinh ăn thịt lẫn nhau; mỗi khi nhà
ai có người chết là cả làng đến xẻ thịt chia nhau về ăn; gia đình này không muốn xác người nhà
mình bị xẻ thịt, nên mổ gia súc, gia cầm thế vào 5. Do đó, nếu con cháu ăn thịt thì cũng như ăn thịt
người thân của mình vậy.
c) Về hồn của con người
Người Bố Y phân biệt hồn của con người thành ba loại: hồn của người sống, hồn của người
quá cố chưa được cúng ma và hồn của người quá cố đã được cúng ma. Cả ba loại hồn đó đều có
những nét riêng không giống với quan niệm về hồn của một số tộc người khác:
5 Thầy cúng La Xuân Thàng dịch ngày 11/11/2012, tại Hà Giang


Về hồn của người sống, người Giáy (Hà Giang), Pú Nả (Lai Châu) kể cả Thái Đen (Tây
Bắc) cho rằng, trong số các hồn của người sống, mỗi hồn phụ trách một bộ phận riêng trên cơ thể
và không có hồn nào ở bên ngoài thân người. Khác với họ, người Bố Y quan niệm trong mỗi
người chỉ có một hồn phụ trách toàn bộ cơ thể, còn các hồn khác tản mát ở bên ngoài, quanh
thân người. Vì vậy, theo thầy cúng Bố Y, khi những người sống đến tham dự và làm các công
việc giúp tang gia, các hồn bên ngoài cơ thể của họ sẽ lẫn lộn với các hồn của người quá cố. Để
tránh việc những hồn của người sống cũng đi theo hồn của người quá cố sang thế giới bên kia,
thầy cúng phải làm nghi tục tách hồn người sống ra khỏi hồn người chết. Bài hát cúng trong nghi
tục này có tên Tả Vĩ được hát thầm sao cho người xung quanh không nghe rõ tiếng. Bởi họ quan
niệm rằng, hát thầm thì chỉ hồn người chết mới nghe thấy mà tách ra khỏi hồn người sống đi theo
chỉ dẫn của lời hát sang thế giới bên kia.
Loại hồn thứ hai là hồn của người quá cố chưa được cúng ma. Người Bố Y quan niệm hồn
đó vừa là ma vừa là một loài yêu tinh. Vì vậy, nó được gọi là ma yêu tinh. Loại hồn này vẫn ở
trên mặt đất hoặc ở tầng Trung Gian mà không xuống dưới Âm Phủ. Điều này cũng được nhắc

đến trong lời ca của bài Táng.
Loại hồn thứ ba là hồn của người quá cố đã được cúng ma. Nếu người Thái Đen (Tây Bắc)
quan niệm khi cúng ma, hồn của họ thực hiện cuộc hành trình đi lên trời rồi lại về mặt đất ở cùng
con cháu, thì người Bố Y tin rằng khi cúng ma, trong số nhiều hồn của họ (12 hồn), sẽ có một hồn
xuống Âm phủ; một hồn khác đi lên trời và hồn thứ ba lên bàn thờ tổ tiên ở cùng con cháu. Ngoài
ba hồn nói trên, theo các thầy cúng, chín hồn khác cũng ở lại với con cháu nhưng không lên bàn
thờ. Chín hồn này theo con cháu đi khắp nơi phù hộ cho họ trong mọi công việc hàng ngày.
2.2. Quan niệm về một số vật phẩm dùng trong lễ cúng ma
Trong tín ngưỡng của người Bố Y được thể hiện qua các bài hát cúng, có một số vật phẩm
được dùng trong cúng lễ mang ý nghĩa tâm linh rất khác biệt so với các vật phẩm cùng loại của
các tộc người khác. Đó là cây tỏi, con gà, con vịt và con cá.
Về cây tỏi, theo lời ca của bài Táng được thầy cúng người Bố Y dịch ra tiếng Việt, đây là
loài cây quý được trồng trong vườn của Vua: “Con gà bới đâu không bới lại bới vườn tỏi của Vua
(…) Vua về thấy liền đòi cắt cổ gà”.
Vì vậy, trong các món ăn cúng tổ tiên của người Bố Y, bắt buộc phải dùng tỏi làm gia vị và
có món gà xào tỏi. Hơn nữa ai có tỏi để ăn thì mới được coi là người giàu sang. Theo thầy cúng,
sau lễ Tết Nguyên Đán - khi về trời, hồn tổ tiên của các dòng họ tụ tập chờ nhau ở cổng trời, họ


ngửi miệng nhau, nếu miệng ai có mùi tỏi thì đó là người giàu, còn miệng ai không có mùi tỏi thì
bị coi là người nghèo6.
Như vậy, đối với nhiều tộc người khác, tỏi chỉ đơn thuần là một loại gia vị, thì với người Bố
Y, ngoài vai trò làm gia vị, tỏi còn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Vì vậy, khi Tết đến, vườn nhà
người Bố Y nào cũng có một luống tỏi.
Về con gà, loài gia cầm này vốn được nhiều tộc người – bao gồm cả người Bố Y dùng làm
vật phẩm cúng lễ. Tuy nhiên, điểm khác biệt là ở quan niệm của họ về sự biến hóa và vai trò của
con gà trong tang ma:
Con gà của người Bố Y có thể hóa thành một số loài sinh vật siêu nhiên . Điều này được thể
hiện qua lời ca bài Táng trong sách cúng ma của người Bố Y.
Những câu hát trong bài này cho thấy con gà là tiền thân của một số loài sinh vật siêu nhiên như

Thần Sấm, ma gà và thuồng luồng: “Một con bay lên rất cao, biến thành con gà sấm7”, “Một con bay
sang ngang, biến thành con gà ma”, “Một con bay xuống nước, biến thành con thuồng luồng”.
Trong khi một số tộc người láng giềng như Tày, Thái… dùng vía của thầy mo dẫn đường cho
hồn người quá cố đi lên trời, thì người Bố Y HG lại dùng gà làm con vật dẫn đường. Có một số câu
hát - được thầy cúng La Xuân Thàng dịch, cho thấy điểm đặc biệt này trong tín ngưỡng của người Bố
Y: “Con gà phạm tội bới vườn tỏi của Vua nên bị Vua bắt phạt. Để chuộc tội, gà nhận việc dẫn đường
cho hồn người quá cố đi lên Trời”. Vì vậy, trong lễ cúng ma của người Bố Y, tang gia bao giờ cũng
cúng một gà còn sống để nó làm nhiệm vụ này. Có lẽ cũng vì việc đi lên trời là quen thuộc với gà,
cho nên trong các lễ hát với tiên của họ, những người cầm tinh gà thường dễ “nhập” để đi lên trời
nhất. Ngoài ra, liên quan đến hiện tượng có trong đời thực là gà hay phá vườn tỏi, thầy cúng La Xuân
Thàng giải thích: “Vì chuyện xưa bị phạt nên bây giờ loài gà rất ghét vườn tỏi. Cứ thấy vườn tỏi là gà
xông vào bới!".
Ngoài con gà, con vịt cũng là loài vật có chức năng đặc biệt không thể thiếu trong lễ cúng
ma Bố Y. Nó có vai trò đặc biệt ở cuối con đường lên trời: nếu người Kinh quan niệm hồn của
người quá cố đến bờ sông phải trả tiền để được một ông lão chở đò đưa qua sông sang thế giới
bên kia, còn người Thái cho rằng hồn người chết mượn thuyền của quan quản lý bến sông để
vượt sông, thì người Bố Y tin là hồn người quá cố được cưỡi lên lưng con vịt và nó chở sang
sông. Lời bài Táng kể lại rằng: “Gà dẫn linh hồn đến bờ con sông. Vì gà không biết bơi nên nhờ
vịt cõng hồn qua sông” 8. Do không làm trọn được nhiệm vụ đưa linh hồn người quá cố lên trời,
6 Phỏng vân thầy cúng La Tiến Tài và nghệ nhân Ngũ Khởi Phượng ngày 10/11/2012 tại thôn Đống Tinh, xã Quyết
Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
7 Thầy cúng La Xuân Thàng dịch ngày 11/11/2012, tại Hà Giang và giải thích “con gà sấm” tức là Thần Sấm.
8 Lời ca do thầy cúng La Xuân Thàng dịch ngày 11/11/2012, tại Hà Giang.


cho nên gà đã có một thỏa thuận với vịt: “Gà hứa ấp trứng cho vịt nếu vịt cõng hồn qua sông giúp
gà”. Đây là nguyên nhân vì sao trong lễ cúng ma, người Bố Y bao giờ cũng nhốt con vịt chung
với con gà trong một rọ đặt trước bàn thờ. Đây cũng là cách giải thích mang tính tâm linh mà
thầy cúng La Xuân Thàng đã dùng để lý giải cho chúng tôi vì sao trong đời sống hiện thực, họ
thường dùng gà để ấp trứng vịt.

Ngoài gà và vịt, theo các bài cúng ma, người Bố Y cũng có quan niệm đặc biệt về cá. Đây
là loài vật được nuôi ở cả hai tầng Trời và Đất. Với nhiều tộc người khác, cá là động vật nên
được coi là món ăn mặn. Riêng người Bố Y lại coi cá là một món ăn chay. Theo một số thầy
cúng, “Cá là loài không có mỡ như các loài gia súc, gia cầm nên nó là món ăn chay”. Riêng thầy
cúng La Tiến Tài cho biết thêm: “Cá sống dưới nước chủ yếu ăn rong rêu nên nó là món ăn
chay”. Vì vậy, tang gia và các thầy cúng vẫn được ăn cá khi ăn chay và khác với các tộc người
láng giềng, mâm cơm chay của người Bố Y luôn có món cá.
Trên đây là một số khía cạnh văn hóa tín ngưỡng của người Bố Y liên quan đến âm nhạc
dân gian. Đáng lưu ý là những khía cạnh đó không có hoặc rất sơ lược trong các tư liệu khác.
3. Kết luận
Trong nghiên cứu văn hóa, có những trường hợp nếu tiếp cận theo các phương pháp
phổ biến như tìm hiểu qua hệ thống nơi thờ tự, nghi tục, hiện vật cúng lễ, gia phả... nhà nghiên
cứu sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nguồn tư liệu quá ít hoặc mờ nhạt. Trường hợp văn hóa của
người Bố Y – đặc biệt là văn hóa tâm linh cũng vậy. Hiện nay, các tài liệu về tộc người này rất ít
gây khó khăn cho nhà nghiên cứu. Vì vậy cần khai thác tài liệu bằng nhiều hướng tiếp cận có thể
- kể các các hướng tiếp cận phi truyền thống hoặc ít phổ biến.
Qua các công trình nghiên cứu về văn hóa tâm linh đã được công bố, chúng tôi thấy các nhà
nghiên cứu ít khi chú ý hoặc chỉ lướt qua âm nhạc dân gian. Những khía cạnh văn hóa tâm linh
được chúng tôi khai thác qua nghiên cứu sâu về âm nhạc dân gian của người Bố Y đã trình bày ở
trên cho thấy hiệu quả bất ngờ khi tiếp cận nghiên cứu văn hóa tâm linh bằng âm nhạc dân gian:
có khía cạnh không thể tìm được hoặc rất mờ nhạt trong những tài liệu truyền thống thì lại sáng
rõ thậm chí sâu sắc trong âm nhạc dân gian. Vì vậy, có thể khẳng định: âm nhạc dân gian là một
hướng tiếp cận đáng được quan tâm trong nghiên cứu văn hóa. Ngoài ra, chúng tôi hy vọng bài
viết này cũng là một ví dụ có thể giúp gợi mở cho các bạn đồng nghiệp về cách thức khai thác
các khía cạnh văn hóa liên quan tới âm nhạc dân gian, thông qua trường hợp tìm hiểu văn hóa
tâm linh của người Bố Y bằng cách tiếp cận dân ca cổ truyền của họ, đồng thời góp phần quảng
bá văn hóa của người Bố Y với các tộc người anh em khác.


Tài liệu tham khảo

1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. (2010). Tổng điều tra dân số và
nhà ở Việt Nam năm 2009: Kết quả toàn bộ. Hà Nội.
2. Chu Thái Sơn. (1973). Người Tu Dí ở Lào Cai. Thông báo Dân tộc học số 3/1973.
3. Lồ Lài Sửu. (2011). Dân ca Tu Dí. Viết tay.
4. La Tiến Tài. (1960). Khào xhâu ho. Sách mo. Viết tay.
5. Ngũ Khởi Phượng. (2015). Văn hóa người Pầu Ỳ . Nxb. Hồng Đức.
6. Trần Quốc Việt. (2010). Âm nhạc dân gian của người Bố Y. Nxb. Văn hóa dân tộc.
7. Trần Quốc Việt. (2015). Âm nhạc dân gian của người Bố Y ở Việt Nam và những vấn đề
văn hóa liên quan. Nxb. Thế giới.



×