Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

So sánh khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở Châu Âu với chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề ở Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.15 MB, 9 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8D, pp. 99-107
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0260

SO SÁNH KHUNG NĂNG LỰC DÀNH CHO GIÁO VIÊN
DẠY NGHỀ Ở CHÂU ÂU VỚI CHUẨN GIÁO VIÊN,
GIẢNG VIÊN DẠY NGHỀ Ở VIỆT NAM
Bùi Thị Thúy Hằng
Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Tóm tắt. Bài viết này so sánh khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu với
chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề ở Việt Nam nhằm mục tiêu tăng cường sự hiểu biết,
đối chiếu yêu cầu đối với giáo viên dạy nghề ở châu Âu và ở Việt Nam trên cơ sở đó rút ra
một số bài học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong nước. Phần nội dung bài
viết sẽ giới thiệu khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu trên bốn lĩnh vực
chính: Quản lí, Đào tạo, Phát triển và Đảm bảo chất lượng, Mạng công việc tiếp đó so sánh
khung năng lực này với chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của Việt Nam. Phần kết luận
sẽ đề cập đến một số bài học rút ra từ khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu
Âu.
Từ khóa: Khung năng lực, chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề, châu Âu, Việt Nam.

1.

Mở đầu

Với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và sự minh bạch về năng lực và trình độ của
người giáo viên dạy nghề, Trung tâm châu Âu về phát triển đào tạo nghề (The European Centre for
the Development of Vocational Training, CEDEFOP) đã công bố một khung năng lực dành cho
các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề bao gồm các giáo viên, đào tạo viên và các cán bộ quản
lí. Khung năng lực này được xây dựng dựa trên kết quả của hai dự án phát triển đào tạo nghề của


châu Âu được thực hiện vào năm 2006 và 2007 [8, 11, 9].
Ở Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành thông tư quy định chuẩn giáo
viên, giảng viên dạy nghề áp dụng đối với giáo viên, giảng viên dạy nghề tại các trường cao đẳng
nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các cơ sở khác có tham gia hoạt động dạy
nghề [1]. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo viên trung
cấp chuyên nghiệp được ban hành áp dụng đối với giáo viên giảng dạy trình độ trung cấp chuyên
nghiệp [2]. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trong giáo dục nghề nghiệp được xây dựng dựa trên mô
hình hoạt động của giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mà các nhà nghiên cứu về khoa
học giáo dục đã thực hiện trước đó [5]. Sự ra đời của chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên dạy nghề
chính là cơ sở cho việc đổi mới quản lí nhà trường và nâng cao năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo
viên [3, 4].
Ngày nhận bài: 15/7/2015 Ngày nhận đăng: 01/10/2015
Liên hệ: Bùi Thị Thúy Hằng, e-mail:

99


Bùi Thị Thúy Hằng

Cả khung năng lực dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nghề ở châu Âu và chuẩn
giáo viên và giảng viên dạy nghề của Việt Nam đều hướng đến những mục tiêu chung:
- Làm cơ sở để thiết kế các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy
nghề.
- Hỗ trợ giáo viên, giảng viên dạy nghề tự đánh giá từ đó xây dựng kế hoạch phát triển cá
nhân và sự nghiệp.
Nội dung của bài báo này sẽ tập trung giới thiệu khung năng lực dành cho giáo viên dạy
nghề ở châu Âu, so sánh khung năng lực này với chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề ở Việt Nam
từ đó rút ra một số bài học đối với giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam.

2.

2.1.

Nội dung nghiên cứu
Khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu

Trong bốn lĩnh vực hoạt động và năng lực chính của người giáo viên (quản lí, đào tạo, phát
triển và đảm bảo chất lượng, mạng công việc), thì đào tạo được coi là là trọng tâm. Mặc dù vậy, với
xu hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và trách nhiệm của hệ thống giáo dục và đào tạo, người
giáo viên phải tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực hoạt động khác nữa.

2.1.1. Quản lí

Hình 1. Các hoạt động quản lí và những kiến thức,
kĩ năng cần có của người giáo viên dạy nghề
Ngày nay, do áp lực nâng cao hiệu quả giáo dục và sự phát triển của các công cụ quản trị
trên mạng, một phần các hoạt động hành chính đã được chuyển giao cho đội ngũ giáo viên (theo
100


So sánh khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu với chuẩn giáo viên, giảng viên...

dõi sự tiến bộ của người học; ghi lại quá trình học tập của người học, qúa trình hoạt động của
người dạy. . . .). Bên cạnh đó, nguời giáo viên có thể còn phải quản lí dự án (điều hành hoặc quản
lí tài chính). Các công việc hành chính, các kiến thức và kĩ năng cần thiết trong lĩnh vực quản lí
được mô tả ở Hình 1.

2.1.2. Đào tạo

Hình 2. Các hoạt động đào tạo và những kiến thức,
kĩ năng cần có của người giáo viên dạy nghề

Nếu như Đào tạo đã từng được hiểu một cách đơn giản là, nói cho người học một cách đơn
giản mọi điều như thế nào (kiến thức) và chỉ cho họ cách làm mọi việc ra sao (kĩ năng), thì ngày
nay một số thay đổi đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động đào tạo:
- Xuất hiện các nhóm đối tượng mới trong đào tạo nghề.
- Các dạng thức trong lí thuyết giáo dục được thay đổi.
- Môi trường học tập càng ngày càng trở nên đa dạng hóa.
- Cơ cấu giáo dục và các ưu tiên cho thị trường lao động được thay đổi nhanh chóng.
So với trước đây, giáo viên dạy nghề không chỉ phải làm việc với các nhóm đối tượng đa
dạng hơn (khác nhau về độ tuổi, nền tảng học tập, công việc và văn hóa. . . ), mà quan niệm về học
tập cũng thay đổi (người học đóng vai trò trung tâm của quá trình học tập, người dạy trở thành
“người trợ giúp”).
101


Bùi Thị Thúy Hằng

Không chỉ có vậy, các môi trường học tập ngày nay được sắp xếp từ môi trường học tập ảo
đến môi trường thực tế tại các doanh nghiệp. Do đó, người dạy không chỉ quan tâm đến các bài
học, mà thật sự phải quan tâm đến “quá trình học tập” hoặc "các sự kiện học tập". Hơn nữa, để có
thể cung cấp các chương trình học tập thích hợp và trang bị cho người học những kĩ năng có giá
trị, người dạy cần phải nắm thêm thông tin về các doanh nghiệp và có thể hỗ trợ việc đào tạo diễn
ra tại các doanh nghiệp.
Những nhiệm vụ trong lĩnh vực đào tạo của người dạy có thể xếp vào các nhóm hoạt động:
lập kế hoạch, tạo điều kiện và đánh giá các sự kiện hoặc quá trình học tập (Hình 2).

2.1.3. Phát triển và đảm bảo chất lượng

Hình 3. Phát triển và đảm bảo chất lượng và những kiến thức,
kĩ năng cần có của người giáo viên dạy nghề
Lĩnh vực phát triển và đảm bảo chất lượng bao gồm sự phát triển nghề nghiệp của cá nhân

người dạy và sự phát triển của nhà trường. Trong đó, trách nhiệm phát triển sự nghiệp của cá nhân
là một phần công việc dài hạn của họ. Vì vậy, người giáo viên cần phải liên tục cập nhật các
phương pháp và kĩ thuật mới.
Đảm bảo chất lượng thường được coi là lĩnh vực khó. Bởi vì, sự gia tăng khối lượng công
việc cho việc đảm bảo chất lượng thường khiến người dạy tham gia một cách miễn cưỡng, thiếu
ủng hộ. Đảm bảo chất lượng cũng thường được coi là lĩnh vực mang tính lí thuyết. Thực tế lại cho
102


So sánh khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu với chuẩn giáo viên, giảng viên...

thấy, đảm bảo chất lượng là những việc thực tế. Ví dụ, để đáp ứng được nhu cầu của học viên hoặc
nhu cầu của khách hàng, người dạy cần phải thường xuyên xem xét lại các tài liệu giảng dạy và
đào tạo. Người giáo viên cũng được tham gia vào hoạt động kiểm toán và đánh giá tại các cơ sở
đào tạo.
Các năng lực chính liên quan đến đảm bảo chất lượng cho giáo viên dạy nghề gồm có: khả
năng lập hồ sơ chính xác, khả năng đóng góp vào việc kiểm định chất lượng hàng năm, khả năng
phản ánh và đánh giá hiệu quả chuyên môn (Hình 3).

2.1.4. Mạng công việc

Hình 4. Các hoạt động mạng công việc và những kiến thức,
kĩ năng cần có của người giáo viên dạy nghề
Mạng công việc có thể xem như là các hoạt động mới nhất của người giáo viên dạy nghề.
Áp lực gia tăng sự hợp tác với thị trường lao động và hợp tác quốc tế trong dạy học khiến cho các
cơ sở đào tạo không thể đơn độc được nữa. Ngoài ra, để có thể tồn tại giữa những yêu cầu và thay
đổi, các tổ chức cần phải lựa chọn nhiều hơn cách tiếp cận hợp tác trong các hoạt động của họ.
Cơ sở giáo dục và đào tạo nghề được mong đợi trang bị cho học viên sau khi tốt nghiệp có
ngay các kĩ năng hữu ích. Để có thể cập nhật với các công nghệ mới, cách thức làm việc mới và xu
hướng tương lai trong nghề nghiệp, người giáo viên cần phải nhận thức được những gì đang diễn

ra trong thị trường lao động và các doanh nghiệp [6]. Giáo dục và đào tạo chất lượng cao đòi hỏi
sự hợp tác quốc tế. Vì vậy, đối với mạng công việc, các lĩnh vực năng lực quan trọng của người
giáo viên bao gồm: kĩ năng ngôn ngữ, kiến thức về nhiều đất nước khác nhau, kiến thức về thương
mại và yêu cầu thương mại của các nước và kĩ năng giao tiếp liên văn hóa [7].
Để các cơ sở đào tạo trở thành tổ chức học hỏi, thì hợp tác nội bộ là điều kiện tiên quyết.Vì
vậy, nâng cao kiến thức và năng lực chuyên môn là vấn đề trung tâm. Theo đó, những thay đổi
về mặt tổ chức đã dẫn đến sự ra đời các cách làm việc mới, ví dụ: sự linh hoạt, sự mô đun hóa
và giảng dạy liên ngành đã tạo ra thách thức đối với vai trò truyền thống của người giáo viên dạy
nghề. Lúc này, vai trò của giáo viên dạy nghề không còn là làm việc một cách độc lập mà là hợp
103


Bùi Thị Thúy Hằng

tác với các đồng nghiệp để lập kế hoạch, điều phối và thực hiện việc giảng dạy cùng nhau.
Chính vì vậy, đối với mạng công việc, các hoạt động của người giáo viên có thể được chia
thành mạng bên trong và mạng bên ngoài. Các mạng bên trong liên quan đến quan niệm về tổ chức
học tập và chia sẻ chuyên môn. Mạng bên ngoài liên quan đến việc liên kết với mạng lưới nghề
nghiệp, thế giới việc làm và sự quốc tế hóa (Hình 4).

2.2.

Đối chiếu với chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của Việt Nam

Chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của Việt Nam gồm 4 tiêu chí: Phẩm chất chính trị,
đạo đức nghề nghiệp, lối sống; Năng lực chuyên môn; Năng lực sư phạm dạy nghề; Năng lực phát
triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học [1].
Chỉ xét riêng tiêu chí về năng lực sư phạm và năng lực phát triển nghề nghiệp, các tiêu
chuẩn cụ thể của chúng đã phủ hết bốn mặt năng lực của người giáo viên dạy nghề được nói đến
trong khung năng lực giáo viên dạy nghề của châu Âu. Có thể sắp xếp các tiêu chuẩn vào bốn lĩnh

vực năng lực như sau:
Năng lực đào tạo: Giống với khung năng lực của giáo viên dạy nghề ở châu Âu, đào tạo là
lĩnh vực trọng tâm đối với người giáo viên dạy nghề ở Việt Nam. Các hoạt động chính trong lĩnh
vực đào tạo được cụ thể hóa ở các tiêu chuẩn 2, 3, 4 và 6 thuộc tiêu chí 3: Năng lực sư phạm dạy
nghề.
Tiêu chuẩn 2: Chuẩn bị hoạt động giảng dạy
- Lập được kế hoạch giảng dạy môn học, mô-đun được phân công trên cơ sở chương trình,
kế hoạch đào tạo của cả khoá học;
- Soạn được giáo án theo quy định, thể hiện được các hoạt động dạy và học;
- Lựa chọn được phương pháp dạy học phù hợp cho các bài học của chương trình môn học,
mô-đun thuộc nghề được phân công giảng dạy;
- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy nghề, nguyên, nhiên, vật liệu
thực hành cần thiết; tự làm được các loại phương tiện dạy học thông thường.
Tiêu chuẩn 3: Thực hiện hoạt động giảng dạy
- Tổ chức dạy học phù hợp với nghề đào tạo và với từng đối tượng người học;
- Thực hiện đầy đủ kế hoạch giảng dạy, đúng chương trình, nội dung;
- Thực hiện các giờ dạy lí thuyết/thực hành/tích hợp theo đúng giáo án, đảm bảo chuẩn kiến
thức, kĩ năng và thái độ theo quy định;
- Biết vận dụng, phối hợp các phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo,
phát triển năng lực tự học của người học;
- Sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học, trang thiết bị dạy nghề để nâng cao hiệu quả
giảng dạy, đảm bảo chất lượng dạy nghề
- Ứng dụng được công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Tiêu chuẩn 4: Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học
- Lựa chọn và thiết kế được các công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học
- Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá toàn diện, chính xác, mang tính giáo dục và đúng quy
định.
104



So sánh khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu với chuẩn giáo viên, giảng viên...

Tiêu chuẩn 6: Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy
- Nắm được căn cứ, nguyên tắc, yêu cầu và quy trình xây dựng chương trình dạy nghề ở
trình độ tương ứng (sơ cấp/ trung cấp và cao đẳng nghề)
- Tham gia biên soạn, chỉnh lí chương trình dạy nghề, bồi dưỡng nghề ở trình độ tương ứng
- Tham gia biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy ở trình độ tương ứng.
Năng lực quản lí: Các hoạt động hành chính của người giáo viên dạy nghề ngày càng nhiều.
Trong chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề của Việt Nam, các hoạt động hành chính được cụ thể
hóa ở tiêu chuẩn 5 và tiêu chuẩn 8 thuộc tiêu chí 3: Năng lực sư phạm dạy nghề. Đó là:
- Bảo quản, lưu trữ, sử dụng hồ sơ dạy học theo quy định
- Quản lí được các thông tin liên quan đến người học và sử dụng hiệu quả các thông tin vào
giáo dục, dạy học, quản lí người học;
Năng lực phát triển và đảm bảo chất lượng bao gồm 3 lĩnh vực hoạt động chính là phát triển
bản thân, phát triển nhà trường và đảm bảo chất lượng của nhà trường. Tuy nhiên, chuẩn giáo viên,
giảng viên dạy nghề của Việt Nam chưa đề cập đến các hoạt động đảm bảo chất lượng. Các hoạt
động phát triển bản thân và phát triển nhà trường được cụ thể hóa ở tiêu chuẩn 1 thuộc tiêu chí 4:
Năng lực phát triển nghề nghiệp và nghiên cứu khoa học.
- Trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, giáo dục với đồng nghiệp
- Tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo
đức nghề nghiệp;
- Tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kĩ năng nghề,
công nghệ, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu của dạy nghề.
- Tham gia bồi dưỡng đồng nghiệp theo yêu cầu phát triển của khoa, tổ chuyên môn;
- Bồi dưỡng nâng cao, luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên giỏi;
Năng lực thiết lập mạng công việc được chia thành mạng công việc bên trong và mạng công
việc bên ngoài. Tiêu chuẩn 9 thuộc tiêu chí 3: Năng lực sư phạm bao hàm cả các hoạt động thiết
lập mạng công việc bên trong và bên ngoài.
- Phối hợp với gia đình người học và cộng đồng động viên, hỗ trợ, giám sát việc học tập,
rèn luyện của người học;

- Huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, phát triển cơ sở dạy nghề;
- Xây dựng quan hệ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp nhằm phát triển cơ sở dạy nghề
- Xây dựng phong trào học nghề lập nghiệp trong xã hội.

3.

Kết luận
Một số bài học rút ra từ khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu:

1. Tính quốc tế được đề cao. Khung năng lực này được xây dựng dựa trên các cuộc phỏng
vấn với các chuyên gia trong lĩnh vực dạy nghề thuộc 17 nước và được thử nghiệm trên 21 nước
thuộc châu Âu ([10], trang 5). Do đó nó có thể trở thành một công cụ để so sánh yêu cầu của các
quốc gia và đánh giá về năng lực và trình độ của người giáo viên dạy nghề trong toàn khu vực.
Tính quốc tế được thể hiện từ việc thiết kế chương trình, lựa chọn nội dung giảng dạy đến việc tìm
hiểu các công cụ của châu Âu như khung trình độ của châu Âu (European qualification framework,
105


Bùi Thị Thúy Hằng

EQF), các chính sách khu vực và quốc tế, tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế. . . (Năng lực thiết
lập mạng công việc).
2. Sự kết hợp chặt chẽ giữa việc đào tạo nghề với môi trường công việc. Điều đó thể hiện từ
các hoạt động lập kế hoạch đến đánh giá trong đào tạo: phân tích và đánh giá nhu cầu của người
học và thị trường lao động, xây dựng các khóa học với sự hợp tác của doanh nghiệp, tổ chức việc
đào tạo trong môi trường công việc với sự hợp tác của các doanh nghiệp, đánh giá kết quả học tập
của học viên với sự hợp tác của các đào tạo viên trong công ti, giám sát các đào tạo viên. . . (Năng
lực đào tạo).
3. Vai trò của người giáo viên được đề cao. Họ được tham gia vào tất cả các khâu từ việc
thiết kế các khóa học, lập kế hoạch và tổ chức các khóa học, quản lí và cung cấp quá trình học tập

và sự kiện học tập đến việc đóng góp vào việc đảm bảo chất lượng của nhà trường và tham gia vào
việc thiết kế các công cụ đảm bảo chất lượng. . . (Năng lực đào tạo).
4. Tinh thần của khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu khá linh hoạt. “Nó
không nhất thiết là một bản mô tả các năng lực cần có ở mọi giáo viên mà thực chất là một công
cụ hỗ trợ sự đánh giá năng lực của bản thân và của cả tổ chức” [10;17]. Trên cơ sở của những đánh
giá đó, người giáo viên tự xây dựng cho mình các kế hoạch học tập, phát triển chuyên môn, đóng
góp vào sự phát triển của khoa và của nhà trường.
5. Khung năng lực có giá trị như một bản hướng dẫn cho các giáo viên trong quá trình hoạt
động thực tiễn. Đối với cả bốn mặt năng lực của người giáo viên dạy nghề, các lĩnh vực hoạt động
chính, các hoạt động cụ thể, các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng cần có để thực hiện thành công
các hoạt động được nêu rõ. Ngoài các kiến thức về chuyên môn, và kĩ năng dạy học, các kĩ năng
xã hội được đề cập đến rất nhiều, như kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kĩ năng thương lượng. . .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, 2010. Thông tư quy định chuẩn giáo viên, giảng viên
dạy nghề, ban hành ngày 29 tháng 9 năm 2010.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2012. Thông tư ban hành quy định chuẩn nghiệp vụ sư phạm giáo
viên trung cấp chuyên nghiệp, ban hành ngày 5 tháng 3 năm 2012.
[3] Phạm Quang Huân, 2007. Đổi mới quản lí nhà trường và nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo
viên theo ISO 9000 và TQM. Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 20, tr.9-14.
[4] Lưu Đăng Khoa, 2012. Thực trạng và một số giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên
các trường nghề. Tạp chí khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 5, tr.39-46.
[5] Nguyễn Đức Trí, 2001. Xây dựng mô hình đào tạo giáo viên kĩ thuật ở trình độ đại học cho
các trường THCN- DN. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ B99-52-36. Viên Nghiên cứu Phát
triển giáo dục.
[6] Cedefop., 2009. Continuity, consolidation and change. Towards a European era of vocational
education and training. Cedefop Reference series; 73 Luxembourg: Office for Official
Publications of the European Communities.
[7] Cort, P., H¨ark¨onen A, & Volmari K., 2004. PROFF – Professionalisation of VET teachers for
the future. Luxembourg: Cedefop. Cedefop Panorama series; 104.
[8] Frimodt, R, Marsh, K & Volmari, K, 2006. Defining VET Professions Pilot Project. Final

report.
[9] Marsh, K. & Volmari, K., 2009. Defining VET professions in Europe: Rhetoric and Reality.
In Vocational education research and reality, 2009/17.
106


So sánh khung năng lực dành cho giáo viên dạy nghề ở châu Âu với chuẩn giáo viên, giảng viên...

[10] Volmari, K., Helakorpi, S. & Frimodt R. (Eds), 2009. Competence framework for VET
professions: Handbook for practitioners. Finnish National Board of Education.
[11] Volmari, K, Frimodt, R & Marsh, K, 2007. Defining VET Professions. Final report.
Abstract: Keywords:
ABSTRACT
Comparison of competence framework for VET teachers
in Europe and standards for VET teachers in Vietnam
This paper compares the competency of VET teachers in Europe and VET teachers
in Vietnam and compares the requirements for teachers in Europe and Vietnam in order to
understand how the quality of vocational education and training in Vietnam might be improved.
This paper looks at the Competence framework for VET teachers in Europe in four key areas:
Administration, Training, Development and Quality assurance and Networking, and we then
compare this competence framework with Standards for VET teachers in Vietnam. In conclusion,
we present lessons drawn from this examination of the Competence framework for VET teachers
in Europe.
Keywords: Competence framework for VET teachers, Standards for VET teachers, Europe,
Vietnam.

107




×