Tải bản đầy đủ (.pdf) (8 trang)

Hình thành kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học cho sinh viên sư phạm Hóa học ở trường Đại học Sư phạm

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (104.11 KB, 8 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Educational Sci., 2015, Vol. 60, No. 8, pp. 59-66
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1075.2015-0145

HÌNH THÀNH KĨ NĂNG THIẾT KẾ KẾ HOẠCH BÀI HỌC CHO SINH VIÊN
SƯ PHẠM HÓA HỌC Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
Kiều Phương Hảo1 , Đặng Thị Oanh2
1 Khoa

Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

2 Khoa

Tóm tắt. Thiết kế kế hoạch bài học hay soạn giáo án đều là công việc không thể thiếu của
người giáo viên trước khi lên lớp. Thiết kế kế hoạch bài học được xem như là nguyên tắc
trong hoạt động dạy học, là khâu có ý nghĩa góp phần tạo nên một giờ dạy thành công. Đối
với sinh viên sư phạm, việc rèn luyện các kĩ năng dạy học trong đó có kĩ năng thiết kế kế
hoạch bài học thông qua các giờ học bộ môn phương pháp dạy học, rèn luyện nghiệp vụ sư
phạm thường xuyên là việc vô cùng quan trọng. Nếu như một giờ dạy được chuẩn bị chu
đáo, kế hoạch bài học được thiết kế khoa học, cụ thể, chi tiết sẽ giúp sinh viên tự tin hơn
trong những giờ tập giảng, thực tập sư phạm và tiến tới quá trình dạy học ở phổ thông sau
này. Bài báo trình bày hệ thống các kĩ năng bộ phận trong nhóm kĩ năng thiết kế kế hoạch
bài học Hóa học cần rèn luyện cho sinh viên sư phạm, đồng thời đề xuất quy trình và cấu
trúc kế hoạch bài học được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực người học.
Từ khóa: Kĩ năng dạy học, kế hoạch bài học, mục tiêu bài học, phương pháp.

1.


Mở đầu

Dạy học là một hoạt động phức hợp bao gồm các khâu như chuẩn bị cẩn thận, lên kế hoạch
các đối tượng/hoạt động theo các lịch trình tiết/ngày/tuần [5]. Theo quan điểm hoạt động, dạy học
là quá trình điều khiển hoạt động học tập của học sinh nhằm thực hiện các mục tiêu dạy học. Xuất
phát từ mục tiêu đồng thời cùng với nội dung bài học, giáo viên (GV) cần phát hiện những hoạt
động liên hệ với nội dung để chọn ra một số hoạt động dạy học cũng như các phương pháp dạy
học hiệu quả. Các kết quả của hoạt động nghiên cứu này đều cần được thể hiện ở kế hoạch bài học
(KHBH) hay còn gọi là giáo án cho một tiết lên lớp của GV. Trong báo cáo “Nghiên cứu đề xuất
các giải pháp cải cách đào tạo ở các trường sư phạm hiện nay” đã chỉ ra: thiếu hụt kĩ năng sư phạm
được thể hiện rõ nét ở kĩ năng soạn giáo án, phân bố thời gian dạy học, giao tiếp sư phạm, xử lí
tình huống, xây dựng mối quan hệ với học sinh, lập kế hoạch dạy học, giao tiếp sư phạm... [1] đã
cho thấy tầm quan trọng của việc hình thành, trang bị cho sinh viên sư phạm kĩ năng thiết kế kế
hoạch bài học. Khi các em (sinh viên sư phạm) có sự chuẩn bị kĩ càng trước mỗi buổi lên lớp thông
qua việc thiết kế kế hoạch bài học một cách cụ thể, khoa học sẽ giúp các em tránh khỏi những bỡ
ngỡ, thêm tự tin khi lần đầu đứng trên bục giảng, thực tập tại trường phổ thông. Và như vậy, song
song với việc rèn luyện các kĩ năng dạy học khác thì việc rèn luyện cho sinh viên kĩ năng thiết kế
kế hoạch bài học là thực sự cần thiết.
Ngày nhận bài: 20/7/2015. Ngày nhận đăng: 25/10/2015.
Liên hệ: Kiều Phương Hảo, e-mail: phuonghaosp2@gmail

59


Kiều Phương Hảo, Đặng Thị Oanh

Trong bài viết này chúng tôi trình bày hệ thống các kĩ năng bộ phận trong nhóm kĩ năng
thiết kế kế hoạch bài học cần rèn luyện cho sinh viên sư phạm, đồng thời đề xuất quy trình và cấu
trúc kế hoạch bài học được xây dựng theo định hướng phát triển năng lực người học.


2.
2.1.

Nội dung nghiên cứu
Kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học

Trước khi đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) chúng ta thường gặp cụm từ “Soạn giáo
án” trong đó cấu trúc của giáo án tuân theo năm bước lên lớp của người GV. Còn “Thiết kế kế
hoạch bài học” là thuật ngữ được sử dụng khi thực hiện đổi mới PPDH - đây là bản thiết kế những
hoạt động học tập mà học sinh (HS) cần phải thực hiện để đạt được mục tiêu của bài học dưới sự
điều khiển, hướng dẫn, tổ chức của GV. Kĩ năng thiết kế KHBH gồm nhiều kĩ năng bộ phận, có
mối quan hệ mật thiết với nhau, gồm các kĩ năng sau:
- Kĩ năng xác định mục tiêu bài dạy.
- Kĩ năng xác định cấu trúc nội dung dạy học.
- Kĩ năng lựa chọn và sử dụng phối hợp các phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học.
- Kĩ năng xác định phương tiện dạy học và hình thức tổ chức dạy học (cá nhân, nhóm...)
Ngoài các kĩ năng chủ yếu trên đây thì khi thiết kế KHBH cần chú ý đến những yêu cầu
khác như:
- Biết xây dựng và sử dụng khéo léo hệ thống câu hỏi cho từng đối tượng HS.
- Có kiến thức thực tiễn phong phú để minh họa cho bài giảng (vận dụng kiến thức hóa học
vào thực tiễn).
- Biết phân phối thời gian hợp lí cho từng hoạt động.
- Trình bày bản thiết kế bài học một cách khoa học, logic, sạch đẹp, rõ ràng, chi tiết...

2.1.1. Kĩ năng xác định mục tiêu bài học
Mục tiêu đó là đích đặt ra cho HS cần đạt được sau khi học xong một bài, một chương hoặc
một môn học. Mục tiêu bài học là một trong các thành tố của quá trình dạy học ở trường phổ thông,
chỉ đạo toàn bộ nội dung, phương pháp dạy học, nội dung, hình thức tổ chức dạy học và phương
pháp đánh giá.
Việc xác định mục tiêu đúng, cụ thể thì mới có căn cứ để lựa chọn nội dung dạy học, từ mục

tiêu dạy học và nội dung dạy học để lựa chọn phương pháp dạy học. Khi xác định mục tiêu cần
tuân theo chuẩn kiến thức – kĩ năng (dựa vào tài liệu Chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Hóa học) và
phải tính đến việc đánh giá. Theo quan điểm dạy học “ hướng vào học sinh” (hay còn gọi là “lấy
học sinh làm trung tâm”) phát huy vai trò tích cực của chủ thể người học thì mục tiêu dạy học phải
hướng vào học sinh, do học sinh thực hiện, đồng thời cần thể hiện rõ mục tiêu phát triển năng lực
nào cho người học.
* Yêu cầu:
- Nêu đầy đủ các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ (hay còn gọi là giáo dục tư tưởng
– đạo đức) và qua bài học sẽ phát triển những năng lực nào cho học sinh.
- Mục tiêu dạy học phải cụ thể, được diễn đạt bằng các động từ (nêu, phát biểu, trình bày,
giải thích...), có khả năng đo được, đánh giá được [2].
- Mục tiêu mỗi hoạt động học phải xác định được mức độ thành công của học sinh sau mỗi
bài học đó.
* Kiến thức: Mục tiêu về mặt kiến thức gồm có 3 mức độ:
60


Hình thành kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học cho sinh viên sư phạm hóa học...

HS: Nêu được, phát biểu được, trình bày được...
HS: Mô tả được những hiện tượng, giải thích được...
HS vận dụng: Có thể vận dụng kiến thức để giải bài tập hoặc giải thích các hiện tượng trong
tự nhiên, trong đời sống và sản xuất.
* Kĩ năng: Tuỳ vào nội dung, loại bài dạy mà xác định những kĩ năng cần rèn luyện cho
HS như:
+ Viết và cân bằng phương trình hóa học.
+ Quan sát, nhận xét và giải thích các hiện tượng xảy ra khi làm thí nghiệm.
+ Tiến hành một số thí nghiệm đơn giản.
+ Tính toán hoá học, giải các bài tập hóa học có liên quan.
+ So sánh, nhận biết, phân biệt các chất...

* Thái độ: Tuỳ vào bài dạy mà giáo dục cho HS một số đức tính như:
+ Lòng say mê học tập, ý thức chiếm lĩnh khoa học kĩ thuật.
+ Tính cẩn thận, chính xác khi làm việc với hoá chất độc hại.
+ Tinh thần đoàn kết, có ý thức tự giác, tích cực và hợp tác trong học tập.
+ Hình thành thái độ tích cực và ý thức bảo vệ môi trường sống. . .
Định hướng phát triển năng lực: Tùy vào bài dạy sẽ góp phần phát triển năng lực cho HS
trong các nhóm năng lực chuyên biệt của môn Hóa học: năng lực sử dụng ngôn ngữ hóa học, năng
lực thực hành hóa học, năng lực tính toán hóa học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng
kiến thức hóa học vào cuộc sống.

2.1.2. Kĩ năng xác định cấu trúc nội dung dạy học
Cơ sở để xác định cấu trúc nội dung: GV có trong tay sách giáo khoa, hệ thống các tài liệu
tham khảo với mức độ khác nhau, khi đó GV sẽ chọn những gì làm nội dung dạy học? Chúng ta
không thể lấy tất cả những kiến thức đã học được ở bậc Đại học, sau Đại học làm nội dung dạy học,
mà kiến thức dạy cần phải tinh giản trên cơ sở cấu trúc những kiến thức liên quan cần thiết cho
người học, phù hợp với mục tiêu và điều kiện dạy học của nhà trường. Từ nội dung bài học trong
sách giáo khoa, GV cần đọc kĩ để xác định cấu trúc nội dung (bài học gồm các đơn vị kiến thức
nào, đơn vị kiến thức nào là trọng tâm,. . . ). Đồng thời phân chia nội dung kiến thức bài học thành
các đơn vị kiến thức để học sinh tiếp nhận (thông qua các hoạt động được thiết kế trong KHBH).
* Yêu cầu: GV cần phải xác định mối liên hệ giữa kiến thức, kĩ năng HS đã được học với
các kiến thức, kĩ năng HS sẽ được học trong bài (kiến thức/kĩ năng mới cần hình thành cho HS).
Vì đó là cơ sở để GV lựa chọn PPDH cho phù hợp, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của
người học. Từ đó GV có thể thiết kế được câu hỏi kiểm tra, cách đặt vấn đề và thiết kế được các
hoạt động của HS cho phù hợp.
* Ví dụ: Khi nghiên cứu tính chất vật lí, tính chất hóa học của Nhôm – Bài Nhôm, chương
‘Kim loại kiềm, kim loại kiềm thổ, nhôm” SGK Hóa học 12, GV sẽ lựa chọn PP đàm thoại gợi
mở, HS sẽ sử dụng PP suy diễn từ cấu tạo nguyên tử, từ tính chất chung của kim loại đã học ở bài
trước, lớp trước (bài Nhôm ở lớp 9) để dự đoán các tính chất của nhôm, dùng thí nghiệm để xác
nhận tính đúng của dự đoán.


2.1.3. Kĩ năng lựa chọn, sử dụng phối hợp các phương pháp/kĩ thuật dạy học
Trong quá trình xây dựng kế hoạch lên lớp, một trong những công việc quan trọng GV cần
làm là lựa chọn các PPDH để tổ chức các hoạt động nhận thức và rèn luyện kĩ năng, hình thành và
phát triển thái độ tình cảm của HS thông qua nội dung bài học.
61


Kiều Phương Hảo, Đặng Thị Oanh

Kĩ năng lựa chọn PPDH
Chúng ta cần tránh lựa chọn PPDH chỉ dựa vào kinh nghiệm, sở thích của bản thân hoặc
theo trào lưu của xã hội. Các yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn một PPDH là: mục tiêu,
nội dung bài học, đặc điểm của HS, đặc điểm của GV, cơ sở vật chất của nhà trường...
Tính phù hợp của PPDH được đánh giá theo các tiêu chí sau:
- Khoa học và hiệu quả (phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học...)
- Khả thi (phù hợp với trình độ và đặc điểm của GV và HS, cơ sở vật chất của nhà trường,
thời gian...)
- Hỗ trợ học tập tích cực (tạo cơ hội để dạy học phân hóa, học tập tương tác...)
Kĩ năng phối hợp các PPDH
Mục đích của việc phối hợp các PPDH trong một tiết học nhằm giải quyết được hai vấn đề:
Một là, hướng tới việc đạt được các mục tiêu học tập một cách trọn vẹn. Hai là, tạo ra một giờ học
lôi cuốn được HS với đa dạng các hoạt động dựa trên việc GV sử dụng nhiều PPDH khác nhau.
GV có kinh nghiệm không chỉ chọn một PPDH chủ đạo cho toàn bộ hay phần lớn các hoạt
động học tập cho dù các điều kiện chủ quan và khách quan đều rất phù hợp. Việc lựa chọn các
PPDH chủ đạo khác nhau cho từng hoạt động học tập sẽ giúp HS thay đổi môi trường làm việc,
giờ học sinh động và cuốn hút hơn. Trong mỗi một hoạt động dạy học, chúng ta cần xác định một
PPDH chủ đạo và các PPDH hỗ trợ. PPDH chủ đạo được xác định theo các yêu cầu trên (khoa học,
hiệu quả, khả thi, hỗ trợ học tập), còn các PPDH hỗ trợ lại được xác định chủ yếu dựa vào PPDH
chủ đạo và đặc điểm của HS. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, các PPDH hỗ trợ không phải lúc
cũng được triển khai theo đúng kịch bản đã dựng sẵn (bản thiết kế kế hoạch bài học hay giáo án).

Nguyên nhân là do có nhiều tình huống phát sinh nằm ngoài dự kiến của GV. Do đó GV cần xác
định rõ ràng mục tiêu cho hoạt động này là gì, đồng thời vận dụng và phối hợp các PPDH một
cách linh hoạt để đảm bảo tính hiệu quả của giờ học. Ví dụ: Khi dạy bài Oxi, chương Nhóm Oxi,
SGK Hóa học 10 nâng cao, chúng ta có thể sử dụng một số PPDH chủ yếu như sau:
- PP trực quan.
- PP vấn đáp tìm tòi.
- Thí nghiệm biểu diễn theo phương pháp kiểm chứng.
- PP thảo luận nhóm.
Trong mỗi hoạt động chúng ta dùng thêm các PPDH hỗ trợ khác nhau hoặc phối hợp các
PPDH khác nhau. Chẳng hạn, ở hoạt động ‘Tìm hiểu tính chất vật lí”, có thể sử dụng phương pháp
vấn đáp tìm tòi và sử dụng phiếu học tập. Ở hoạt động ‘Tìm hiểu tính chất hóa học”, có thể sử
dụng phương pháp đàm thoại kết hợp phương pháp trực quan (sử dụng thí nghiệm theo phương
pháp kiểm chứng), sử dụng kĩ thuật dạy học hợp tác theo nhóm nhỏ.
* Yêu cầu:
- Xác định xem nội dung bài học thuộc loại bài dạy nào trong chương trình nghiên cứu về:
Thuyết và định luật hóa học, Chất và nguyên tố hóa học, Hóa học hữu cơ, dạng bài Ôn tập – luyện
tập, Thực hành... để lựa chọn PPDH phù hợp, xuất phát từ các nguyên tắc dạy học các dạng bài
đó.Ví dụ: Khi dạy bài Lưu huỳnh (chương VI Nhóm Oxi, Hóa học 10 nâng cao), GV xác định đây
là loại bài về chất và nguyên tố hóa học sau khi học lí thuyết chủ đạo. Nguyên tắc 1: Dạy học các
bài về chất - nguyên tố hoá học cần phải sử dụng các phương tiện trực quan, thí nghiệm hoá học
để truyền thụ kiến thức. Từ nguyên tắc này ta có thể lựa chọn được một trong các PPDH khi dạy
bài Oxi đó là phương pháp trực quan.
- Nắm vững cơ sở lí thuyết của các PPDH truyền thống, các PPDH hiện đại, các kĩ thuật
dạy học tích cực.
- Xác định được phương pháp/kĩ thuật dạy học chủ yếu. GV cần dự kiến cấu trúc phương
62


Hình thành kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học cho sinh viên sư phạm hóa học...


pháp dạy học cho phù hợp với mục tiêu, nội dung. Trong mỗi nội dung (mỗi hoạt động dạy học)
sử dụng phương pháp/ kĩ thuật dạy học nào là chủ yếu, phương pháp/ kĩ thuật dạy học nào hỗ trợ?
- Xác định hình thức dạy học (dạy học nội khóa, dạy học ngoại khóa, cá nhân, hợp tác theo
nhóm nhỏ,...).

2.1.4. Kĩ năng xác định phương tiện dạy học
Các phương tiện dạy học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình dạy học: giúp
HS dễ hiểu, hiểu sâu, phát triển các năng lực cho HS, đặc biệt là năng lực quan sát và năng lực tư
duy, làm sinh động nội dung học tập...Đối với môn Hóa học, thường sử dụng các phương tiện dạy
học như các phương tiện nghe nhìn, máy vi tính, máy chiếu, máy quay phim, tranh ảnh, mô hình,
mô phỏng, phiếu học tập... và phương tiện đặc trưng cho bộ môn Hóa học là thí nghiệm hóa học,
dụng cụ, hóa chất, phim thí nghiệm...
* Yêu cầu: GV cần căn cứ mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học được sử dụng trong
bài dạy, trình độ của HS, thế mạnh của bản thân GV (chẳng hạn GV giỏi về công nghệ thông tin,
năng lực HS khá, điều kiện cơ sở vật chất cho phép thì có thể sử dụng internet và khai thác các
công cụ hỗ trợ dạy học trên internet), cũng như điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường để xác định
các phương tiện cho phù hợp.
- Chọn hình ảnh rõ nét, phim thí nghiệm có chất lượng tốt, thao tác thí nghiệm đúng với quy
định về sử dụng các dụng cụ, hóa chất trong phòng thí nghiệm, gắn liền với nội dung bài học.
* Ví dụ: Phần chuẩn bị của GV trong một kế hoạch bài học chính là phần GV cần xác định
được các phương tiện dạy học như: Kế hoạch bài học, bài giảng điện tử, hóa chất, dụng cụ (nếu
như bài đó GV biểu diễn thí nghiệm cho HS), các phim thí nghiệm, các phiếu học tập, giấy A0,
bút dạ, nam châm bảng từ (nếu chúng ta thiết kế các hoạt động theo nhóm và yêu cầu các nhóm
báo cáo kết quả). . .

2.2.

Quy trình thiết kế kế hoạch bài học

Bước 1: Tìm hiểu đối tượng HS và điều kiện dạy học

Để dạy học có hiệu quả, GV cần tìm hiểu đối tượng học sinh trong lớp về phong cách học
tập, các quá trình nhận thức của HS trong học tập, phát triển tâm lí của HS, . . . để có được hệ tương
tác hiệu quả, để trò hứng khởi, hứng thú, kiến tạo tri thức nhiều và ở mức cao nhất [5].
GV cần xác định được chính xác lực học của HS lớp mình dạy học, biết những kiến thức,
kĩ năng mà HS đã có. GV cần xác định được những kiến thức nào HS có thể tự nghiên cứu, kiến
thức nào cần giáo viên giảng giải, kiến thức nào dưới sự hướng dẫn của giáo viên HS có thể hình
thành được,... Qua đó, GV có thể phân tích được đặc điểm hoạt động của HS trong lớp, đồng thời
cần tìm hiểu điều kiện dạy học (phương tiện, cơ sở vật chất...) để có ý tưởng thiết kế kế hoạch bài
học cho phù hợp.
Bước 2: Xác định mối liên hệ giữa kiến thức, kĩ năng HS đã có với kiến thức, kĩ năng cần
hình thành cho HS trong bài dạy
Bước 3: Xác định mục tiêu bài học (theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, định hướng phát triển
năng lực người học)
Bước 4: Xác định phương pháp/kĩ thuật, phương tiện dạy học chủ yếu
GV cần xác định mục tiêu, các PPDH, phương tiện, các hoạt động sẽ tiến hành trong bài
học: hoạt động nào nên sử dụng phương pháp gì, phương tiện nào, dự kiến và hình dung trước
những phản hồi của người học và dự kiến phương án điều chỉnh,... Đây cũng chính là sự chuẩn bị
của GV và HS cho giờ học.
Bước 5: Thiết kế các hoạt động của GV và HS trên lớp học
Khi nghiên cứu nội dung bài học ta sẽ chia nội dung kiến thức thành các hoạt động cụ thể
63


Kiều Phương Hảo, Đặng Thị Oanh

của GV và HS.
- Hoạt động khởi động (Đặt vấn đề): Chúng ta sẽ dự kiến cách giới thiệu bài học như thế
nào? Trực tiếp hay gián tiếp (thông qua việc sử dụng trò chơi dạy học, clip, hình ảnh, phương pháp
kể chuyện. . . ) để đặt vấn đề vào bài như thế nào?...
- GV sẽ vận dụng các PPDH vào tổ chức, điều khiển từng hoạt động cụ thể như thế nào?

Những kĩ thuật dạy học nào, những phương tiện dạy học nào sẽ được sử dụng ở đây? GV sẽ sử
dụng những câu hỏi như thế nào? Dự kiến cách suy nghĩ, câu trả lời của HS? Dự kiến các tình
huống có thể xảy ra và cách xử lí. . .
- Những nội dung nào sẽ được trình bày trên bảng? Dự kiến cách trình bày trên bảng? Cách
phân bố thời gian cho từng hoạt động học tập ở từng đơn vị kiến thức trong một tiết học?
- Hoạt động “Củng cố” (kết thúc bài học) sẽ được thiết kế như thế nào? (sử dụng phương
pháp/ kĩ thuật dạy học nào? Sử dụng các bài tập GV đã chuẩn bị sẵn thông qua trò chơi học tập
hay cho làm bài tập trong sách giáo khoa, tài liệu tham khảo?).
- Đánh giá kết quả học tập của HS như thế nào? (qua phiếu học tập, hoạt động nhóm, sản
phẩm học tập, hay qua sự kiểm tra trực tiếp qua một vài HS do GV chỉ định. . . ).
Bước 6: Kiểm tra và hoàn thiện kế hoạch bài học, làm cơ sở để thiết kế bài giảng điện tử
(nếu có thiết kế bài giảng điện tử).
Bước 7: Tiến hành tập giảng, rút kinh nghiệm và điều chỉnh thiết kế KHBH sau giờ tập.

2.3.

Cấu trúc kế hoạch bài học

2.3.1. Hình thức trình bày của kế hoạch bài học
Hiện nay, hình thức của kế hoạch bài học rất đa dạng, không nhất thiết phải gò bó theo một
khuôn mẫu nào. Điều quan trọng của mỗi KHBH là GV cần phải thiết kế được các hoạt động của
GV và HS sao cho HS tích cực, chủ động kiến tạo tri thức đạt được các mục tiêu về kiến thức, kĩ
năng, thái độ, định hướng phát triển năng lực, đồng thời đảm bảo tính đặc thù của bộ môn, phù
hợp với trình độ của HS và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
a. Thiết kế có thể được soạn theo trật tự tuyến tính thông thường, không kẻ cột. Ưu điểm
của thiết kế này là tiết kiệm số trang, tuy nhiên GV khó quan sát sự tương ứng giữa hoạt động của
GV, HS và nội dung cơ bản HS cần thu nhận được.
b. Thiết kế có thể được chia thành các cột:
Cách 1: Chia làm 4 cột
Thời gian


Hoạt động của GV

Hoạt động của HS

Nội dung cần đạt

+ Chia làm 3 cột : Thời gian dự kiến được xác định cùng với nội dung hoạt động
Hoạt động của GV

Hoạt động của HS

Nội dung cần đạt

+ Chia làm 2 cột: Thời gian dự kiến được xác định cùng với nội dung hoạt động
Hoạt động của GV - HS

64

Nội dung cần đạt


Hình thành kĩ năng thiết kế kế hoạch bài học cho sinh viên sư phạm hóa học...

Kiểu chia làm 2 cột thường được sử dụng tại các trường phổ thông hiện nay.

2.3.2. Ví dụ một cấu trúc kế hoạch bài học
KẾ HOẠCH BÀI HỌC
Bài. . . ..............................Tiết thứ.............Chương................................
Lớp:. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Trường. . . . . . . . . . . . . . . . . .

Những kiến thức/kĩ năng cũ
có liên quan

Những kiến thức/kĩ năng mới
cần hình thành cho HS

I. Mục tiêu
1. Kiến thức
2. Kĩ năng
3. Thái độ
4. Phát triển năng lực
II. Phương pháp/ kĩ thuật dạy học chủ yếu
III. Chuẩn bị
1. Đối với GV
2. Đối với HS
IV. Tiến trình dạy học
1. Ổn định tổ chức (dự kiến thời gian)
2. Kiểm tra bài cũ (Chỉ nêu câu hỏi) - (dự kiến thời gian)
3. Thiết kế các hoạt động của GV – HS
Hoạt động 1 – Đặt vấn đề (dự kiến thời gian)
Hoạt động 2 – Tìm hiểu về . . . . (dự kiến thời gian)
Nội dung cần đạt

Hoạt động của GV - HS

. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ..
Hoạt động n – Củng cố (dự kiến thời gian)
- GV: Nhắc lại kiến thức trọng tâm của bài (GV có thể sử dụng sơ đồ tư duy để khái quát
thành những nội dung về kiến thức trọng tâm của bài học).
- GV: yêu cầu HS làm một số bài tập (có thể thiết kế dưới dạng Trò chơi dạy học như đố

vui, trò chơi ô chữ, bức hình bí ẩn, con số may mắn . . . ) để củng cố kiến thức cho HS.
- GV: dặn dò HS làm bài tập về nhà, chuẩn bị cho bài học sau.
PHỤ LỤC
1. Đáp án cho các câu hỏi kiểm tra bài cũ.
2. Nội dung và đáp án cho các Phiếu học tập (nếu có).
3. Đáp án cho các bài tập trong SGK.
65


Kiều Phương Hảo, Đặng Thị Oanh

3.

Kết luận

Thành công của hoạt động dạy học phụ thuộc rất nhiều vào kĩ năng thiết kế kế hoạch bài
học. Muốn dạy tốt trước hết phải thiết kế kế hoạch bài học chi tiết, rõ ràng, cụ thể. Có kế hoạch bài
học tốt là một nửa thành công của giờ dạy [6]. Khi nắm vững được các kĩ năng thiết kế kế hoạch
bài học, quy trình thiết kế kế hoạch bài học, cấu trúc của một kế hoạch bài học, SV sẽ vận dụng
vào việc thiết kế một kế hoạch bài học cụ thể trong dạy học Hóa học ở trường phổ thông. Nhờ đó
mà SV có ý thức rõ ràng về việc dạy cái gì, dạy như thế nào và HS cần học ra sao, sau bài học này
sẽ phát triển cho HS những năng lực nào. . . đồng thời giúp SV tự tin hơn (vì đã có sự chuẩn bị chu
đáo), dự đoán, xử lí được những tình huống có thể xảy ra khi tổ chức giờ học với những đối tượng
HS cụ thể trong quá trình tập giảng, thực tập sư phạm và dạy học ở trường phổ thông sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]
[2]
[3]
[4]
[5]

[6]
[7]

Nguyễn Thị Bình, 2013. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo giáo
viên phổ thông. Đề tài cấp nhà nước, mã số: 01 – 2010.
Bộ giáo dục và đào tạo, 2014. Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học
tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Hóa học cấp THPT.
Nguyễn Thị Hồng Gấm, 2011. Đổi mới phương pháp dạy học môn Hóa học theo hướng phát
huy năng lực sáng tạo cho sinh viên ở trường Cao đẳng sư phạm. Tạp chí Khoa học, Trường
Đại học Sư phạm Hà Nội, Volume 56 số 5/201 Tr. 154 – 161.
Trần Thị Thanh Thủy, 2010. Xác định hệ thống kĩ năng dạy học cho sinh viên ngành sư phạm
Địa lí. Báo cáo toàn văn Hội thảo Địa lí Đông Nam Á, Tr. 303 – 309.
Vũ Quang Tuyên, Hoàng Mai Khanh, 2014. Đào tạo người thầy toàn diện. Kỉ yếu “Hội thảo
Đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục phát triển Việt Nam, Trường ĐHKHXH&NV,
ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Tr. 102 – 118.
Phùng Như Thụy, Kĩ năng lập kế hoạch bài học theo hướng dạy học tích cực. Nguồn:
/>-day-hoc-tich-cuc-phung-nhu-thuy-231654.html
W.Cerbin and B.Kopp, 2006. Lesson study as a Model for Building Pedagogical Knowledge
and Improving teaching. Int Journal of Teaching and Learning in Higher Education, Vol.18,
No.3, ISSN 1812 – 9129, pp.250 – 257.
ABSTRACT
Teaching the skill of lesson plan and design
to chemistry pedagogy students at pedagogical universities

Teachers must be able to design lesson plans and prepare syllabuses. This is considered to
be a principle teaching activity which contributes to successful lectures. Teaching skills, including
lesson design planning, are important for pedagogical students. If a lesson is prepared carefully and
scientifically, students will be more confident when teaching high school students later. This article
suggests that partitive skills are necessary for pedagogical students and suggests a competence
development-oriented procedure and lesson plan structure.

Keywords: Teaching skills, lesson plan, lesson object, teaching method.

66



×