Săn "quái vật" sông Đà
Những con cá to như cây chuối, nặng vài chục kg, thậm chí
có con nặng cả tạ, thường sống ở những thác nước lớn,
hang đá dưới lòng những con sông chảy xiết, là loài ăn
thịt, rất hung dữ và món khoái khẩu của chúng chính là
xác động vật...
Mấy năm trước, ngồi trò chuyện với GS-TSKH Đặng Vũ Khúc, chuyên gia địa chất hàng
đầu Việt Nam, tại Bảo tàng Địa chất, tôi nhớ mãi lời ông nói: “Sông Đà chảy qua vùng đá gốc
cổ với nhiều cấu tạo địa chất, nhiều tầng đá có tuổi khác nhau. Ở những vùng này, nền đá
cứng ép lòng sông nhỏ lại, hai bên sông vách đá cao vút, con sông trở nên hung dữ như quái
vật, ầm ào lao đi như tên bắn”.
Tôi ấn tượng mãi về câu nhận xét con sông Đà như quái vật của TSKH Đặng Vũ Khúc, bởi
không phải là người từng bỏ lại cả tuổi thanh xuân dưới những gềnh thác sông Đà, thì không
thể có được lời nhận xét chí lý đến thế. Và, nếu ai không một lần ngược sông Đà bằng những
con thuyền độc mộc nhỏ xíu vượt sóng dữ, thì cũng không thể thấm thía được câu so sánh
đó.
Tuy nhiên, người mô tả kỹ càng nhất con sông này và đưa nó vào những áng văn bất hủ phải
kể đến cụ Nguyễn Tuân. Cụ Nguyễn Tuân gọi sông Đà là con ngựa bất kham. Đôi lúc, cụ gọi
nó là con sông “Ma-cà-rồng”.
Góc thanh bình của con sông Đà.
Với cụ Tuân, hình ảnh “con sông Ma-cà-rồng” đầy chất thi ca, hình ảnh, nhưng với đồng bào
Thái, Mường, Khơ-mú… sống ven sông Đà, thì con sông Đà là một con Ma-cà-rồng thực sự,
khi mỗi năm nó “ăn thịt” không biết bao nhiêu mạng người.
Trong nhiều chuyến lang thang ngược lên phía đầu nguồn sông Đà, sống với đồng bào ven
sông, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện rùng rợn về những con thác dữ được đồng bào gọi
là “quái vật” giết người, còn những loài cá lăng, cá chiên khổng lồ dưới lòng sông là những
“quái vật” chúng ăn xác động vật và cả xác những người xấu số bị chết đuối.
Tôi cứ ám ảnh mãi với câu chuyện về lão Pàng, sống ở Nậm Cà Nàng, ngay ven sông Đà,
vùng đất sơn cùng thủy tận của Quỳnh Nhai, giáp với Sìn Hồ và Than Uyên (Lai Châu). Nơi
đây, dòng sông ép lại như cái máng nước, tạo thành thác lớn, nước xối như tên bắn, tạo
thành một vũng xoáy khổng lồ.
Lão Pàng chỉ Vũng Pót nuốt người.
Vũng xoáy khổng lồ này được người dân Quỳnh Nhai gọi là Văng Pót. Theo tiếng Thái cổ,
văng là vũng, pót là phổi, do đó Văng Pót có nghĩa là “vũng phổi”. Người Thái nơi đây tin
rằng, nó là lá phổi của người đẹp, khi nàng tự mổ bụng ném tim gan phèo phổi của mình ra
tứ phía để phản đối chuyện cha mẹ, bản làng ép duyên...
Con đường duy nhất từ huyện lỵ Quỳnh Nhai lên xã là đường sông, dài chừng 20 km. Mùa lũ
năm nào cũng vậy, thác nước này lại nuốt chửng những chiếc thuyền mỏng manh của những
lái đò chưa có nhiều kinh nghiệm, cuốn những mạng người xấu số xuống vụng xoáy, rồi nhấn
chìm trong những vách đá, hang ngầm dưới lòng sông.
Hễ có vụ Hà Bá nuốt người nào, người ta lại gọi lão Pàng. Lão Pàng sống một mình, không vợ
con. Lão từng có một người vợ trẻ, là người đàn bà chìm sông lạc lối lão vớt được. Do cảm
động ơn cứu mạng mà ở lại với lão, nhưng rồi chỉ ở được một năm chị ta đã bỏ lão đi mất.
Cá chiên - "quái vật" sông Đà. (Ảnh sưu tầm).
Lão Pàng có khuôn mặt rám nắng, làn da đỏ màu phù sa. Không cần ống thở, bình hơi, lão
đâm đầu thẳng xuống vũng xoáy tìm xác người. Có xác mắc kẹt ở chỗ nông thì lão tìm được,
còn mắc kẹt ở hang sâu cả chục mét nước thì lão chịu, phải chờ xác trương thối, nổi lên mới
mong tìm thấy. Nhiều xác bị dòng nước xiết cuốn mạnh, cứ lăn dưới đáy sông, trôi xa vài
chục km mới nổi lên, bị dòng chảy hất văng lên bãi cát, hoặc mắc vào cành cây, bụi cỏ.
Bao nhiêu năm lao xuống vụng xoáy tìm xác người, lão Pàng đã chôn kín một khoảnh đất
ven sông những xác chết vô thừa nhận. Có những xác chết là người miền xuôi, không biết
người thân là ai mà báo tin, có những xác chết là người bản địa, không còn nguyên vẹn, nên
cũng chẳng thể nhận dạng. Lão cứ chôn đại xuống đất, không bia mộ, cũng chẳng hương
khói.
Săn cá trên sông Đà. (Ảnh sưu tầm).
Cái chết chìm sông nào ở vùng đầu nguồn sông Đà này cũng đau lòng ghê gớm. Nhưng,
những cái chết không vớt được xác ngay thì đau đớn hơn nhiều. Nếu xác chết chìm dưới dòng
sông vài ngày, sẽ không còn nguyên vẹn bởi loài cá lăng, cá chiên, loài cá mà đồng bào Thái
ven sông Đà gọi là “quái vật”.
Loài cá này, to như cây chuối, nặng vài chục kg, thậm chí có con nặng cả tạ, chuyên sống ở
những thác nước lớn, hang đá dưới lòng những con sông chảy xiết này là loài ăn thịt, rất
hung dữ và món khoái khẩu của chúng chính là động vật và tất nhiên những xác chết đuối
mà chúng tìm thấy cũng bị chúng xâu xé...
Món ăn khoái khẩu của "quái vật" cá chiên là xác động vật.
Vậy nên, mỗi khi có người chết đuối, đồng bào Thái dọc ven sông đều đổ ra ven bờ, dùng
lưỡi câu giăng ngang sông tầng tầng lớp lớp, rồi lưới bủa vây chặn các luồng nước, để truy
tìm xác chết, những mong tìm thấy xác trước khi bị “quái vật” đến xâu xé. Nhưng nhiều lúc
lúc tìm được xác, thì người sống đều ngất lên ngất xuống khi chứng kiến cảnh người thân của
mình mất tay, mất chân... hoặc rách te tua không còn nhận dạng được nữa.
Một thanh niên ở Quỳnh Nhai săn được cá chiên sông Đà.
Chuyện những người săn cá quăng lưới vớt được những bộ xương còn mới, song thịt thì đã bị
rỉa mất sạch không còn là lạ ở nơi này. Loài “quái vật” lăng, chiên hung dữ kéo đàn rỉa sạch
thịt của nạn nhân chỉ trong chốc lát đã là nỗi kinh hoàng của những người dân sống ven đầu
nguồn sông Đà.