Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Chuyên đề ôn thi HS giỏi sử mối liên hệ giữa lịch sử thế giới với lịch sử việt nam từ năm 1919 đến năm 1945 su07

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (129.9 KB, 21 trang )

CHUYÊN ĐỀ: MỐI LIÊN HỆ GIỮA LỊCH SỬ THẾ GIỚI VỚI LỊCH SỬ VIỆT NAM
TỪ NĂM 1919 ĐẾN NĂM 1945

A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong quá trình dạy học lịch sử ở trường phổ thông, tôi nhận thấy nổi lên một vấn đề là
chương trình dạy học môn lịch sử được xây dựng mang tính tách biệt giữa lịch sử thế giới và lịch sử
Việt Nam. Điều này khiến cho học sinh khó xác định được mối liên hệ giữa các sự kiện, vấn đề lịch
sử.
Hiện nay dạy học theo định hướng phát triển năng lực đang là xu thế chung của thời đại. Một
trong những năng lực chuyên biệt mà các nhà giáo dục hướng đến cho học sinh khi tiếp cận với môn
lịch sử là năng lực nhân thức và tư duy lịch sử. Muốn phát triển được năng lực này cần phải phát
triển tư duy logic, biện chứng cho học sinh. Cách tốt nhất để làm được điều này là nên tạo những vấn
đề để kết nối các sự kiện lịch sử. Sự kết nối không chỉ diễn ra theo hình thức tiếp nối, sự kiện trước
là tiền đề cho sự kiện sau, mà còn phải kết nối giữa lịch sử quốc gia dân tộc với lịch sử khu vực và
thế giới.
Xuất phát từ những vấn đề đó, tôi đã lựa chọn nghiên cứu đề tài “Mối quan hệ giữa lịch sử
thế giới và lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1945”.
2. Mục đích nghiên cứu





Làm rõ những sự kiện, vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới giai đoạn 1919-1945.
Làm rõ những sự kiện, vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919-1945.
Xác định mối liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919-1945.
Định hướng phát triển năng lực tư duy logic cho học sinh phổ thông.


B. PHẦN NỘI DUNG


1. Những vấn đề lớn của lịch sử thế giới từ năm 1919 đến năm 1945
1.1. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga (1917) và sự ra đời, phát triển của nhà nước Xô Viết
Năm 1917, ở nước Nga đã diễn ra hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai
và Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười. Thắng lợi của các cuộc cách mạng này có ý nghĩa lịch
sử trọng đại đối với nước Nga và thế giới.
Một kỉ nguyên mới đã mở ra làm thay đổi hoàn toàn tình hình đất nước và số phận hàng triệu
người ở Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Nga, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân
tộc được giải phóng, thoát khỏi mọi gông xiềng nô lệ, đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh
của mình. Lịch sử nước Nga đã sang trang: một chế độ mới được thiết lập với mục đích cao cả là xóa
bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội tự do, hạnh phúc và công bằng cho người lao
động.
Cách mạng tháng Mười có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử và cục diện thế giới.
Cuộc cách mạng này đã phá vỡ trận tuyến của chủ nghĩa tư bản, làm cho không còn là một hệ thống
hoàn chỉnh bao trùm thế giới. Sự xuất hiện của nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới
đã tạo ra một chế độ xã hội đối lập với hệ thống xã hội tư bản chủ nghĩa.
Cách mạng tháng Mười đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân
quốc tế, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Thực
tiễn của Cách mạng tháng Mười không những đã thức tỉnh, cổ vũ ý chí đấu tranh mà còn mở ra con
đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.
Vấn đề cơ bản của một cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền, giành chính quyền đã khó, giữ
chính quyền còn khó hơn. Sau Cách mạng tháng Mười, nước Nga Xô viết phải chiến đấu chống thù
trong giặc ngoài, tiếp đó là công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh (1921 –
1925) và xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật cho chủ nghĩa xã hội (1925 – 1941). Những thành tựu Liên
Xô gặp hái được trong quá trình này đã thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, tiếp tục cổ vũ
nhân dân lao động, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh, đồng thời tạo tiềm lực
vững chắc để Liên Xô có thể bước vào cuộc chiến tranh vệ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình
thế giới.


1.2. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 và hậu quả

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 bùng nổ đã chấm dứt thời kì ổn định của chủ
nghĩa tư bản cùng với ảo tưởng về một kỉ nguyên hòa bình. Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ nước Mĩ
ngày 24/10/1929, đã nhanh chóng tràn châu Âu, bao trùm toàn bộ thế giới tư bản chủ nghĩa, để lại
những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.
Tiếp sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, vòng xoáy của Đại suy thoái lan rộng ra toàn
bộ các ngành kinh tế Mĩ và đật đến đỉnh cao vào năm 1932. Khoảng 5000 ngân hàng đóng cửa, tổng
giá trị sản lượng công nghiệp giảm sút 50% so với năm 1929. [4; 85]
Đức là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất ở châu Âu. Năm 1930, chỉ trong vòng một tuần lễ, 5
ngân hàng lớn nhất nước Đức bị phá sản, kéo theo sự sụp đổ của hệ thống tài chính quốc gia. Đến
năm 1932, sản xuất công nghiệp giảm sút 50% so với năm 1929. [4; 86]
Ở Anh, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến sản xuất công nghiệp giảm sút 16%, trong khi
ngoại thương giảm sút đến 60%. Khủng hoảng kinh tế ở Pháp nổ ra muộn nhất với mức độ thiệt hại
ít nhất nhưng lại kéo dài so với các nước tư bản châu Âu khác. Khủng hoảng bắt đầu từ giữa năm
1930, kéo dài đến năm 1936, làm sản xuất công nghiệp giảm sút 28%, thu nhập quốc dân giảm trên
30%.[4; 86]
Đại suy thoái kinh tế không chỉ đem đến hậu quả nặng nề về kinh tế mà còn làm rung chuyển
nền tảng chính trị - xã hội của chủ nghĩa tư bản. Hàng chục triệu công nhân thất nghiệp, nông dân bị
phá sản và gia đình của họ rơi vào tình trạng đói khổ, túng quẫn. Hàng nghìn cuộc biểu tình, tuần
hành, “đi bộ vì đói, vì việc làm”…đã diễn ra ở hầu khắp các nước tư bản phương Tây, lôi cuốn trên
17 triệu người lao động tham gia trong những năm 1929 – 1933.[4; 89]
Thành phố Chicago – thủ đô của nền công nghiệp vốn là niềm tự hào của nước Mĩ, trở thành
thành phố của những người thất nghiệp và những cuộc bãi công. Chính phủ Hoover ở Mĩ phải đối
mặt với làn sóng bãi công của 3.5 triệu công nhân trong những năm khủng hoảng. Những biện pháp
đối phó của chính phủ Hoover nhằm bảo vệ lợi ích của chủ nghĩa tư bản chẳng những không cứu vãn
được tình thế mà còn làm khủng hoảng ngày càng trầm trọng hơn. Đó cũng là lí do dẫn đến sự thất
bại của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1930 và cuộc bầu cử tổng thống năm 1932.


Ở Anh, chính phủ Công đảng do MacDonald đứng đầu do không có được những biện pháp
hữu hiệu giải quyết khủng hoảng đã lâm vào tình trạng chia rẽ nghiêm trọng, buộc phải từ chức vào

tháng 8/1931 và nhường chỗ cho một chính phủ liên minh dân tộc lên cầm quyền. Chính phủ mới
bao gồm những đại biểu của Đảng Bảo thủ, Công đảng và Đảng tự do phải duy trì chính sách liên
hiệp các đảng phái để đối phó với khủng hoảng.
Đại suy thoái đã dẫn tới những bất ổn của nền chính trị Pháp trong thập niên 1930 với các
cuộc bãi công chốn Chính phủ của công nhân và người lao động đã liên tiếp bùng nổ. Trong khí đó,
ở Đức, Italia, khủng hoảng chính trị đã tạo điều kiện cho các thế lực phát xít trỗi dậy.
Trong bối cảnh đó đã hình thành hai xu hướng khác biệt trong việc tìm kiếm con đường phát
triển giữa các nước tư bản. Các nước không có, hoặc có ít thuộc địa, gặp nhiều khó khăn về vốn,
nguyên liệu và thị trường đã đi theo con đường phát xít hóa bộ máy chính trị, thiết lập nền chuyên
chính khủng bố công khai, thực hiện chính sách xâm lược thuộc địa nhằm cứu vãn tình trạng khủng
hoảng nghiêm trọng của mình. Italia, Đức và Nhật Bản là ba nước điển hình cho xu hướng này.
Trong khi đó, các nước Anh, Pháp, Mĩ tìm cách thoát ra khỏi khủng hoảng bằng việc thực
hiện những cải cách theo hướng tăng cường sự can thiệp của nhà nước vào đời kinh tế - xã hội trong
khi vẫn duy trì nền dân chủ tư sản đại nghị. Về đối ngoại, các nước này chủ trương duy trì nguyên
trạng hệ thống Versailles – Washington để bảo vệ lợi ích của mình trong trật tự thế giới được xác lập
sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Thực trạng trên đã khiến quan hệ giữa các cường quốc tư bản trong thập niên 30 chuyển biến
ngày càng phức tạp. Sự hình thành hai khối đế quốc đối lập – một bên là các nước phát xít Đức,
Italia, Nhật Bản với một bên là các nước tư bản dân chủ Mĩ, Anh, Pháp và cuộc chạy đua vũ trang
giữa hai khối đã phá vỡ hệ thống thỏa hiệp tạm thời Versailles – Washington, dẫn tới sự xuất hiện các
lò lửa chiến tranh, báo hiệu nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới mới.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của tình hình, tháng 7/1935, Quốc tế cộng sản đã họp Đại
hội lần thứ VII tại Moscow, xác định kẻ thù nguy hiểm trước mắt của giai cấp vô sản và nhân dân lao
động thế giới lúc này chưa phải là chủ nghĩa đế quốc nói chung mà là chủ nghĩa phát xít. Nhiệm vụ
trước mắt của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới lúc này chưa phải là đấu tranh lật đổ
chủ nghĩa tư bản, giành chính quyền, mà là đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ hòa
bình dân chủ. Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách đó, các đảng cộng sản và nhân dân các nước trên thế


giới phải thống nhất hàng ngũ của mình, lập mặt trận nhân dân rộng rãi chống phát xít và chống

chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, hòa bình và cải thiện đời sống.
1.3. Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945)
Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất trong lịch
sử nhân loại. Chiến tranh bùng nổ trước hết do những mâu thuẫn về quyền lợi, về lãnh thổ hết sức
gay gắt giữa các nước đế quốc với nhau. Sự phân chia thế giới theo hệ thống Versailles – Washington
chứa đựng những mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa các nước đế quốc.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 đã làm sâu sắc thêm mâu thuẫn của chủ nghĩa
đế quốc, dẫn tới việc lên cầm quyền của các thế lực phát xít ở Đức, Italia, Nhật Bản. Trước nguy cơ
của chủ nghĩa phát xít, các cường quốc phương Tây đã thi hành chính hai mặt tạo điều kiện cho các
lực lượng phát xít gây chiến.
Ngày 1/9/1939, Đức bất ngờ tấn công Ba Lan. Hai ngày sau, chính phủ Anh, Pháp tuyên chiến
với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Từ tháng 5/1940, quân Đức tràn vào Bỉ, Hà Lan,
Pháp…Chiến sự ở Mặt trận phía Tây chính thức được khởi động. Đến tháng 6/1940, nước Pháp bị
phát xít Đức chiếm đóng.
Sau khi làm chủ phần lớn Tây Âu, từ cuối năm 1940, để xây dựng bàn đạp chiến lược ở Đông
Nam Âu chuẩn bị cho kế hoạch tấn công Liên Xô, Hitler dùng những thủ đoạn chính trị kết hợp với
sức ép quân sự để lôi kéo Rumani, Hunggari, Bungari gia nhập Hiệp ước Tay ba, đồng thời đưa quân
tiến vào ba nước này.
Ở Viễn Đông, khi chiến tranh bùng nổ, Nhật Bản đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc và Viễn
Đông. Tháng 6/1940, chính phủ Nhật công bố chính sách xây dựng “Khu vực thịnh vượng chung
Đại Đông Á”, thể hiện rõ tham vọng bành trướng của mình. Tháng 9/1940, Nhật vào Đông Dương,
bắt tay với Pháp để biến Đông Dương thành chiếc cầu nối để mở rộng xâm lược xuống phía Nam
châu Á.
Ngày 22/6/1941, Đức tấn công Liên Xô. Tính chất chiến tranh thế giới thứ hai có sự thay đổi.
Trên thế giới dần hình thành hai trận tuyến: một bên là các nước phát xít Đức, Italia, Nhật Bản, một
bên là các lực lượng hòa bình dân chủ đứng đầu là Liên Xô. Cuối năm 1941, quân Đức mở 2 cuộc


tấn công mãnh liệt vào Moscow hòng kết thúc chiến tranh nhưng đã bị thất bại. Chiến lược “Chiến
tranh chớp nhoáng” của Đức bị phá sản hoàn toàn.

Trận Trân Châu cảng (7/12/1941) mở đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương giữa Nhật Bản
với Mĩ – Anh. Hạm đội Nhật đã bất ngờ tấn công hạm đội Thái Bình Dương của Mĩ tại Trân Châu
cảng. Mĩ buộc phải tham gia chiến tranh thế giới.
Sau thất bại ở Moscow, mùa hè năm 1942, quân Đức chuyển mũi nhọn tiến công xuống phía
nam nhằm chiếm vùng lương thực và dầu mỏ quan trọng nhất của Liên Xô ở đây, đồng thời cắt đứt
nguồn tiếp tế chủ yếu của Hồng quân. Muốn làm chủ được vùng này, quân Đức phải chiếm được
thành phố Xtalingrat. Cuộc chiến đấu bảo vệ Xtalingrat diễn ra vô cùng ác liệt suốt hơn 2 tháng.
Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô trong trận chiến đã tạo nên bước ngoặt xoay chuyển tình thế của
cuộc chiến tranh thế giới: ưu thế chuyển từ phe Trục sang phe Đồng minh. Từ đây, quân Đồng minh
chuyển sang tấn công trên khắp các mặt trận.
Từ cuối năm 1944, chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ở châu Âu, liên
quân Anh – Mĩ đổ bộ lên bờ biển Normandie (Bắc Pháp) mở mặt trận thứ hai, tấn công quân Đức ở
phía Tây. Từ đây phát xít Đức lâm vào tình thế nguy ngập, buộc phải chiến đấu cùng một lúc trên cả
hai mặt trận. Ở mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, liên quân Đồng minh liên tiếp mở các cuộc tấn
công vào các vị trí then chốt của Nhật Bản. Anh vào Miến Điện, Mĩ chiếm Philippin, ném bom cắt
đứt con đường biển xuống các thuộc địa Đông Nam Á.
Đến tháng 5/1945, trận tấn công Berlin của Hồng quân Liên Xô đã đập tan mọi sự kháng cự
của phát xít Đức. Ngày 2/5/1945, Berlin treo cờ trắng đầu hàng. Ngày 9/5/1945, nước Đức kí hiệp
định đầu hàng không điều kiện, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc ở châu Âu. Ở châu Á – Thái
Bình Dương, trong hai ngày 6 và 9/8/1945, Mĩ đã ném hai qua bom nguyên tử xuống Hiroshima và
Nagasaki. Ngày 8/8/1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản và tổ chức cuộc tấn công đạo quân
Quan Đông ở Mãn Châu. Trước những thất bại nặng nề, ngày 15/8/1945, Nhật Bản chính thức đầu
hàng Đồng minh không điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
2. Mối liên hệ giữa lịch sử thế giới với lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1945
2.1. Tác động của cuộc cách mạng tháng Mười Nga (1917) và sự ra đời của nước Nga Xô Việt
đến việc lựa chọn con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam.


- Đất nước bị xâm lược, giải phóng dân tộc là yêu cầu cấp thiết.
Năm 1884, triều đình Nguyễn kí với thực dân Pháp bản Hiệp ước Patenotre. Việt Nam từ một

nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Các mâu thuẫn trong xã hội
phát triển gay gắt, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp
và tay sai. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra vô cùng cấp thiết.
- Cuộc khủng hoảng về đường lối -> yêu cầu tìm kiếm một con đường cứu nước mới.
Để giải quyết bài toán độc lập tự do, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đấu tranh kiên cường,
bất khuất với tinh thần “người trước ngã xuống, người sau đứng dậy”. Tuy nhiên tất cả các phong
trào đấu tranh này đều bị thất bại. Phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX bị đàn áp đã chứng tỏ
ngọn cờ phong kiến không còn đủ sức giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ. Độc lập dân
tộc không gắn liền với chế độ phong kiến. Đầu thế kỉ XX, các sĩ phu tiến bộ đã phát động một phong
trào cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản nhưng hướng dân chủ tư sản nhưng cũng không
thành công. Thực tế này chứng tỏ Việt Nam đang lâm vào cuộc khủng hoảng về đường lối, “mò mẫm
trong đêm tối như không có đường ra”. Yêu cầu lịch sử đặt ra là phải tìm kiếm một con đường cứu
nước mới phù hợp để đủ sức giúp nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc.
- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã mở ra một hướng đi mới cho dân tộc Việt
Nam, có tác động đến nhiều nhà yêu nước Việt Nam trong đó có Nguyễn Ái Quốc.
Giữa lúc đó, Cách mạng tháng Mười Nga (1917) nổ ra và giành thắng lợi đã mở ra một hướng
đi mới cho dân tộc Việt Nam. Vì Cách mạng tháng Mười không chỉ là cuộc cách mạng vô sản khi
giải phóng được giai cấp vô sản và nhân dân lao động ở Nga, mà còn giải là cuộc cách mạng giải
phóng dân tộc khi giải phóng các dân tộc thuộc địa trong đế quốc Nga khỏi ách thống trị của Nga
hoàng, mang lại cho họ quyền tự quyết có thể liên hiệp với nước Nga Xô viết hoặc phân lập để thành
lập quốc gia độc lập.
- Tác động của Luận cương của Lênin, Quốc tế cộng sản đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở
Việt Nam
+ 1920
Cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã có tác động đến nhiều nhà cách mạng yêu nước Việt
Nam trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất


những luận cượng của Lênin về vấn đề dân tôc và thuộc địa. Luận cương của Lênin đã đã chỉ ra con
đường đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, sự phối hợp hành động giữa phong trào

công nhân quốc tế và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Lenin đã phát triển khẩu hiệu của Mác “Vô
sản toàn thế giới liên hiệp lại” thành khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn
kết lại”. Bản Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định “muốn cứu nước, giải phóng dân tộc,
không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”. Sự kiện này đã đánh dấu bước
mở đường cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối ở Việt Nam đầu thế kỉ XX.
+ 1930
Sau khi đến được với chủ nghĩa Mác – Lênin, xác định một con đường cứu nước mới cho dân
tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực học tập, nghiên cứu để hình thành lý luận giải phóng dân
tộc theo con đường cách mạng vô sản và truyền bá lý luận đó về Việt Nam. Những quan điểm đó của
Nguyễn Ái Quốc được thể hiện trong các bài viết ở báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Đời sống công
nhân…các tác phẩm như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Người cùng khổ (1927); các bài tham
luận ở Hội nghị quốc tế nông dân (1923), Đại hội V của Quốc tế cộng sản (1924)…với nội dung căn
bản như sau:
Bản chất của chủ nghĩa thực dân là “ăn cướp”, và “giết người”. Vì vậy chủ nghĩa thực dân là
kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Cách mạng giải phóng dân tộc ở trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản
và là một bộ phân của cách mạng vô sản thế giưới. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng
nhân dân lao động, giải phóng giai cấp công nhân.
Cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ
khăng khít với nhau, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cách mạng giải phóng dân tộc có thể bùng
nổ và giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc.
Cách mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mệnh”, đánh đuổi bọn ngoại xâm,
giành độc lập, tự do.
Ở một nước nông nghiệp lạc hậu, nông dân là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, bị đế
quốc, phong kiến bóc lột nặng nề. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành được thắng lợi
cần phải thu phục, lôi cuốn được nông dân đi theo, cần xây dựng khối công nông liên minh làm động


lực cho cách mạng. Đồng thời, cần phải thu hút, tập hợp rộng rãi các giai tầng xã hội khác vào trận
tuyến đấu tranh chung của dân tộc.

Cách mạng muốn thành công trước hết cần phải có Đảng lãnh đạo. Đảng phải theo chủ nghĩa
Mác – Lênin và phải có một đội ngũ cán bộ sẵn sàng hi sinh, chiến đấu vì lý tưởng của Đảng, vì lợi
ích và sự tồn vong của dân tộc, vì lý tưởng giải phóng giai cấp công nhân và nhân loại.
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân chứ không phải việc của một người. Vì
vậy, cần phải tập hợp, giác ngộ và từng bước tổ chức quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao. [1; 4142]
Những quan điểm trên đã trở thành ánh sáng soi đường cho những lớp thanh niên yêu nước
Việt Nam đang đi tìm chân lý, ngọn cờ hướng đạo cho phong trào giải phóng dân tộc trước khi Đảng
ra đời và là sự chuẩn bị về tư tưởng chính trị cho sự thành lập của Đảng cộng sản việt Nam đầu năm
1930.
Đến năm 1929, những điều kiện thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam đã chín muồi. Chủ
nghĩa Mác – Lênin đã được truyền bá và có ảnh hưởng sâu rộng trong các phong trào đấu tranh.
Phong trào công nhân đang chuyển dần từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác. Phong trào yêu
nước cũng ngả dần từ quỹ đạo tư sản sang quỹ đạo vô sản. Trong bối cảnh đó, ở Việt Nam đã lần
lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương cộng sản Đảng (6/1929), An Nam cộng sản đảng
(8/1929) và Đông Dương cộng sản liên đoàn (9/1929). Ba tổ chức cộng sản ra đời đã đánh dấu bước
phát triển nhảy vọt của phong trào cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên các tổ chức này lại hoạt động
riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng của nhau, thậm chí công kích lẫn nhau, tạo ra nguy cơ chia rẽ lớn.
Yêu cầu lịch sử đặt ra là phải thống nhất các tổ chức cộng sản lại thành một chính đảng duy nhất để
tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.
Trước yêu cầu lịch sử đó, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản có quyền quyết định
mọi vấn đề liên quan đến cách mạng Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động từ Xiêm về Trung
Quốc để triệu tập các đại biểu của Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản đảng đến Cửu
Long (Hương Cảng – Trung Quốc) để bàn về việc thống nhất đảng. Hội nghị bắt đầu họp từ ngày
6/1/1930. Ngày 7/2/1930, các đại biểu dự Hội nghị về nước.
Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã phê phán những quan điểm sai lầm của các tổ chức cộng sản
riêng rẽ và nêu chương trình Hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận và nhất trí thống nhất các tổ chức


cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn
tắt, Sách lược vắn tắt…Tác phẩm được đánh giá là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc

sáng tạo, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Độc lập tư do là tư tưởng cốt lõi của
cương lĩnh.
Rõ ràng, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp
quyết liệt của nhân dân Việt Nam, là sự sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử trên con đường đấu tranh
trong 3 thập niên đầu thế kỉ XX. Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách
mạng Việt Nam. Nó chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối ở Việt Nam, chứng tỏ giai cấp vô sản
đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận
khăng khít của cách mạng thế giới. Đây là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những
bước phát triển nhảy vọt mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.
2.2. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 đến phong trào đấu tranh giải
phóng dân tộc ở Việt Nam.
Dưới tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 và chính sách trút gánh
nặng của thực dân Pháp, từ năm 1930, kinh tế Việt Nam bước vào thời kì suy thoái, bắt đầu từ nông
nghiệp. Giá lúa gạo sụt giảm nghiêm trọng. Năm 1929, giá 1 tạ gạo là hơn 11 đồng, nhưng dến năm
1933, mức giá chỉ còn hơn 3 đồng. Ruộng đất bị bỏ hoang ngày càng nhiều. Năm 1933, diện tích đất
canh tác bị bỏ hoang lên tới 370.000ha. Sản xuất công nghiệp đình đốn. Hàng hóa khan hiếm, giá cả
đắt đỏ.
Hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế là làm trầm trọng thêm tình trạng đói khỏ của
các tầng lớp nhân dân lao động. Một phần ba số công nhân bị thất nghiệp. Riêng Bắc Kì có 25.000
công nhân bị sa thải. Những công nhân có việc làm lương bị giảm từ 30 – 50%. Nông dân phải chịu
sưu cao, thuế nặng và nạn cho vay nặng lãi. Một suất sưu năm 1929 bằng giá 50kg gạo, đến năm
1932 đã tăng lên 100kg và năm 1933 là 300kg. [3; 298] Các tầng lớp nhân dân lao động khác cũng
không tránh khỏi tác động xấu của khủng hoảng kinh tế. Thợ thủ công bị phá sản, nhà buôn nhỏ phải
đóng cửa hiệu, viên chức bị sa thải…Một số đông tư sản dân tộc gặp nhiều khó khăn trong kinh
doanh.


Tình hình trên đã làm cho mâu thuẫn xã hội phát triển gay gắt, với hai mâu thuẫn cơ bản là
mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, tay sai và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ
phong kiến, trong đó chủ yếu là mâu thuẫn dân tộc.

Trong khi đó, từ đầu năm 1930, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, chính quyền thực
dân đã tăng cường các hành động khủng bố, đàn áp dã man những người yêu nước, khiến cho tình
hình chính trị trở nên căng thẳng, ngột ngạt.
Giữa lúc đó, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với tổ chức lãnh đạo thống nhất, đường lối đấu
tranh đúng đắn đã kịp thời nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, làm bùng lên một phong
trào đấu tranh quy mô rộng lớn, hình thức đấu tranh phong phú trong hai năm 1930 – 1931. Phong
trào đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với
cách mạng các nước Đông Dương. Từ trong phong trào, khối liên minh công – nông hình thành đã
đảm bảo một nhân tố cho thắng lợi của cách mạng; những bài học kinh nghiệm về công tác tư tưởng,
xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh…Đây là cuộc tập
dượt đầu tiên của của Đảng và quần chúng cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này. Phong trào cách
mạng 1930 – 1931 được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Quốc tế cộng
sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ độc lập trực thuộc Quốc tế cộng sản.
Triển khai tinh thần Đại hội VII của Quốc tế cộng sản (7/1935), căn cứ vào tình hình cụ thể
của Việt Nam, tháng 7/1936, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương do
Lê Hồng Phong chủ trì họp ở Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị xác định nhiệm vụ chiến lược của
cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến. Nhiệm vụ trực
tiếp trước mắt là đáu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống nguy cơ chiến
tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình
thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận thống
nhất nhân dân phản đế Đông Dương.
Những chủ trương của Hội nghị tháng 7/1936 đã thổi bùng lên phong trào đấu tranh mới ở
Việt Nam trong những năm 1936 – 1939 với nhiều hình thức đấu tranh phong phú như phong trào
Đông Dương đại hội, đón phái viên và toàn quyền mới, đấu tranh nghị trường, đấu tranh báo chí, các
cuộc bãi công của công nhân, mít tinh, biểu tình của quần chúng nhân dân lao động, tiêu biểu là cuộc
mít tinh tại khu Đấu Xảo (Hà Nội) ngày 1/5/1938.


Nhìn chung, cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 là một phong trào quần chúng rộng lớn, có
tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Nó đã buộc chính quyền thực dân phải

nhượng bộ một số yêu sách cụ thể trước mắt về dân sinh, dân chủ. Quần chúng được giác ngộ về
chính trị đã tham gia mặt trận dân tộc thống nhất, trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách
mạng. Đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyên và ngày càng trưởng thành…Còn đối với thế giới,
sự điều chỉnh sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 1936 – 1939 là phù hợp
với bối cảnh lịch sử thế giới, chủ trương của Quốc tế cộng sản. Từ đó gắn cuộc đấu tranh của nhân
dân Việt Nam với cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân thế giới.
2.3. Tác động của Chiến tranh thế giới thứ hai đến cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam
trong những năm 1939 – 1945.
Ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan. Hai ngày sau, Anh, Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến
tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Để ổn định tình hình chính trị và huy động tối đa sức người sức của
Đông Dương phục vụ chiến tranh, thực dân Pháp đã thi hành chính sách thời chiến như thiết lập một
nền cai trị cứng rắn, tăng cường khủng bố phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực hiện
chính sách “kinh tế chỉ huy”. Hành động này đã đẩy nhân dân Đông Dương vào tình cảnh bần cùng
về kinh tế, ngột ngạt về chính trị. Mâu thuẫn dân tộc phát triển gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc
đặt ra vô cùng cấp thiết. Bối cảnh đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải có sự chuyển hướng
đấu tranh.
Hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, từ ngày 6 đến ngày 8/11/1939, Hội
nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng được triệu tập tại Bà Điểm (Hóc Môn – Gia Định), do Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì. Sau khi phân tích tính chất Chiến tranh thế giới thứ hai, nhận định về
tình hình thế giới và Đông Dương, Hội nghị xác định mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng
Đông Dương là đánh đổ đế quốc và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông
Dương hoàn toàn độc lập. Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra
khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, lãi
nặng. Khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công, nông, binh được thay thế bằng khẩu hiệu lập chính
quyền dân chủ cộng hòa.
Về phương pháp cách mạng, chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh
trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp sang bí mật,
bất hợp pháp.



Để tập trung mọi lực lượng dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống chiến tranh đế quốc và
ách thống trị phát xít thuộc địa, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc Phản đế
Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương không còn phù hợp với tình hình và nhiệm vụ
mới.
Nghị quyết của Hội nghị tháng 11/1939 đã đánh dấu bước chuyển hướng quan trọng – đã đặt
nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thể hiện sự nhạy bén về chính trị và năng lực sáng tạo của
Đảng trong việc đánh giá tình hình thế giới và trong nước.
Khi phát xít Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô, đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã về nước để
trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh. Sau một thời gian chuẩn bị, Người đã chủ động triệu tập và
chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Pác Bó (Cao Bằng) từ ngày 1019/5/1941.
Trong bối cảnh thực dân Pháp và phát xít Nhật Bản câu kết bóc lột nhân dân Việt Nam, đẩy
người dân vào tình cảnh một cổ hai tròng áp bức. Quyền lợi của mọi bộ phận giai cấp đều bị cướp
giật. Mâu thuẫn dân tộc phát triển gay gắt chưa từng thấy. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra cấp
thiết hơn bao giờ hết. “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không
đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi
kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. [2; 62].
Hội nghị khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc, tiếp
tục thực hiện chủ trương tạm gác khẩu hiệu ruộng đất; nêu khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại
ruộng công, tiến tới thực hiên người cày có ruộng. Hội nghị chỉ rõ sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp –
Nhật , sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hội nghị quyết định
thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh thay cho Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông
Dương và giúp đỡ việc lập mặt trận ở các nước Lào, Campuchia, thay tên các hội Phản đế thành hội
Cứu quốc. Hội nghị cũng xác định hình thái của cuộc khởi nghĩa ở nước ta là đi từ khởi nghĩa từng
phần tiến lên tổng khởi nghĩa và kết luận: chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng,
toàn dân trong giai đoạn hiện tại.
Như vậy Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã hoàn chỉnh chủ trương
được đề ra tại Hội nghị tháng 11/1939, nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là dân tộc giải


phóng và đề ra nhiều chủ trương sáng tạo thực hiện mục tiêu ấy, động viên toàn Đảng , toàn dân

tham gia vào Mặt trận Việt Nam đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập.
Từ cuối năm 1944, phe Đồng minh mở các cuộc tấn công phe phát xít trên khắp các mặt trận.
Ở mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, quân Đồng minh đã giáng cho Nhật Bản những đòn nặng nề.
Con đường biển để xuống các thuộc địa phía Nam bị cắt đứt. Trong khi đó, quân Pháp ở Đông
Dương ráo riết hoạt động, chờ thời cơ phản công quân Nhật. Vì vậy, để giữ Đông Dương làm cầu nối
xuống các thuộc địa phía Nam và tránh nguy cơ bị Pháp đánh từ phía sau, 20 giờ ngày 9/3/1945,
Nhật bất ngờ đảo chính Pháp. Quân Pháp chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng đầu hàng. Đông Dương
trở thành thuộc địa độc chiếm của Nhật.
Đang lúc Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp tại làng Đình Bảng
(Bắc Ninh), ra bản chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị nhận định:
Cuộc đảo chính đã tạo nên sự khủng hoảng chính trị sâu sắc, nhưng những điều kiện tổng khởi nghĩa
chưa chín muồi. Phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương. Khẩu hiệu “Đánh
đuổi Pháp – Nhật” được thay bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Hình thức đấu tranh được
xác định là đi từ bất hợp tác, bãi công, bãi thị đến biểu tình, thị uy, vũ trang du kích và sẵn sàng
chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa khi có điều kiện. Hội nghị quyết định phát động một cao trào
kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa. Cao trào Kháng Nhật cứu nước đã tập dượt
quần chúng đấu tranhn, khiến cho kẻ thù hoang mang suy yếu, thúc đẩy thời cơ cách mạng nhanh
chóng chín muồi.
Sự kiện Nhật Đồng minh (15/8/1945) đã khiến cho quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, chính
phủ thân Nhật Trần Trọng Kim hoang mang. Điều kiện khách quan cho cuộc tổng khởi nghĩa của
nhân dân Việt Nam đã đến. Ngay từ ngày 13/8/1945, khi nhận được những thông tin về việc Nhật
Bản sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh lập tức thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn
quốc. 23 giờ cùng ngày, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ban bố “Quân lệnh số 1”, chính thức phát lệnh
Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Từ ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Hội
nghị thông qua kế hoạch lãnh đọa toàn dân Tổng khởi nghĩa và quyết định những vấn đề quan trọng
về chính sách đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền.


Tiếp đó, từ ngày 16-17/8/1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập ở Tân Trào. Đại hộ tán thành

chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân
tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, toàn dân tộc đã nhất tề nổi dậy giành chính quyền
thắng lợi trong vòng 15 ngày và ít đổ máu. Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít
tinh lớn của hàng vạn nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính
phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.
Cách mạng tháng Tám đã mở ra một bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nó đã phá
tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm, ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật
nhào ngai vàng phong kiến ngự trị ngót chục thế kỉ ở nước ta, lập nền nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa – Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, mở đầu kỉ nguyên mới của dân tộc: kỉ nguyên độc
lập, tự do; kỉ nguyên nhân dân lao động nắm chính quyền, làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh dân
tộc; kỉ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong
Chiến tranh thế giới thứ hai, đã chọc thủng khâu yếu nhất trong hệ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc,
góp phần làm suy yếu chúng, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc thuộc địa đấu tranh tự giải phóng, có ảnh
hưởng trực tiếp đến hai dân tộc bạn là Miên và Lào.
3. Một số ví dụ dạng bài tập vận dụng trong giảng dạy HSG về nội dung chuyên đề:

Câu 1.Trước những thay đổi của tình hình thế giới tháng 8 năm 1945, Tổng bộ Việt minh đã
có những hành động gì để phát động nhân dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa.


Hướng dẫn trả lời:
- Trước những đòn tấn công mạnh mẽ của quân Đồng Minh, tháng
8 năm 1945, quân phiệt đã đầu hàng Đồng minh không điều kiện.
- Ngay khi nghe tin Chính phủ Nhật đầu hàng, Ủy ban Khởi nghĩa
toàn quốc được thành lập và ra Quân lệnh số 1 kêu gọi toàn dân nổi
dậy. Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp ở
Tân Trào (Tuyên Quang) từ ngày 14 đến 15-8-1945 đã quyết định

phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền
trước khi quân Đồng minh vào.
- Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945. Đại hội Quốc dân được triệu tập


ở Tân Trào, nhất trí quyết định Tổng khởi nghĩa, thông qua 10
chính sách của Việt Minh, lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam
do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
- Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng bộ Việt Minh đã
lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi từ
ngày 14 đến ngày 28-8-1945;
- Tiến hành Cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam thành
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (28-8)
- Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng vạn đồng
bào Hà Nội Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời
đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.
Câu 2. Nêu những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng 9-1939 đến
tháng 6-1941 và tác động của chúng đến Việt Nam trong thời gian này.


Hướng dẫn trả lời:
1. Những sự kiện chính của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai từ
tháng 9-1939 đến tháng 6-1941
- Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Ngày 3-9-1939, Anh,
Pháp tuyên chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đức
đánh chiếm các nước Tây Âu, trong đó có nước Pháp. Tháng 6-1940
tư sản phản động Pháp đầu hàng Đức. Tháng 6-1941, phát xít Đức tấn
công Liên Xô.
- Khi chiến tranh nổ ra, quân Nhật đẩy mạnh xâm lược Trung Quốc.

Tháng 9-1940, Nhật vào Đông Dương từng bước biến Đông Dương
thành thuộc địa.
2. Tác động đến Việt Nam
- Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp tăng cường chính
sách thống trị ở Đông Dương làm cho mâu thuẫn giữa toàn thể nhân
dân Đông Dương với thực dân Pháp trở nên sâu sắc. Nhiệm vụ giải
phóng dân tộc đặt ra cấp thiết.
- Trước yêu cầu của lịch sử, tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành
Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập, quyết định
giương cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thực hiện chủ trương tạm
gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất…đánh dấu bước chuyển hướng
quan trọng của Đảng.
- Pháp – Nhật câu kết đàn áp và bóc lột nhân dân Đông Dương, mâu
thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp - Nhật phát
triển gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc đặt ra cấp thiết hơn bao
giờ hết.


- Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Đông Dương (5-1941) dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc đã xác
định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân
tộc, tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất,
thành lập Mặt trận Việt Minh…hoàn chỉnh trương được đề ra tại Hội
nghị tháng 11-1939 nhằm giải quyết mục tiêu số 1 của cách mạng là
độc lập dân tộc…
Câu 3. Phân tích điều kiện bùng nổ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.


Hướng dẫn trả lời:
1. Điều kiện chủ quan

- Đến tháng 8-1945, toàn Đảng, toàn dân đã sẵn sàng hành động, kiên
quyết hi sinh phấn đấu giành độc lập tự do:
+ Đảng có sự chuẩn bị đầy đủ về đường lối và phương pháp cách
mạng, biểu hiện tập trung tại hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung
ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5-1941…
+ Lực lượng cách mạng bao gồm lực lượng chính trị, vũ trang, căn cứ
địa cách mạng được chuẩn bị chu đáo và được rèn luyện qua nhiều
phong trào cách mạng, kể từ khi Đảng Cộng sản ra đời, đặc biệt là
trong cao trào kháng Nhật.
+ Tầng lớp trung gian đã ngả hẳn về phía cách mạng…
2. Điều kiện khách quan
- Thuận lợi: Năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai đi tới những ngày
cuối. Ở châu Âu, tháng 5-1945, phát xít Đức bị tiêu diệt. Ở châu ÁThái Bình Dương, đầu tháng 8-1945, quân Đồng minh tiến công
mạnh mẽ vào các vị trí của quân đội Nhật Bản ở châu Á- Thái Bình
Dương. Ngày 6 và 9-8-1945 Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống
hai thành phố của Nhật Bản. Ngày 9-8-1945 quân đội Liên xô mở
màn chiến dịch tổng công kích đội quân Quan Đông của Nhật Bản ở
Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 15-8-1945 Nhật Bản chính thức tuyên
bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện.
- Ở Đông Dương: Quân Nhật rệu rã, chính phủ thân Nhật Trần Trọng
kim hoang mang. Đến đây thời cơ cách mạng đã chín muồi.
- Khó khăn (nguy cơ): quân đội các nước dưới danh nghĩa quân Đồng
minh chuẩn bị và Việt Nam để giải giáp quân đội Nhật…
- Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Hồ Chí Minh kiến quyết phát động
toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít
Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương…


Câu 4. Hội nghị Ianta (2-1945) được triệu tập trong bối cảnh lịch sử như thế nào? Trình bày
và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các cường quốc

Đồng minh tại hội nghị này.


Hướng dẫn trả lời:
1. Hoàn cảnh
- Đầu năm 1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai
đoạn cuối, nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách đặt ra trước các
cường quốc Đồng minh. Đó là: 1- Nhanh chóng đánh bại hoàn toàn
các nước phát xít; 2- Tổ chức lại thế giới sau chiến tranh; 3- Phân
chia thành quả chiến thắng giữa các nước thắng trận.
- Trong bối cảnh đó, tháng 2-1945 một hội nghị quốc tế được triệu tập
tại Ianta (Liên Xô) với sự tham gia của nguyên thủ ba nước đó là Liên
Xô, Mĩ, Anh.
2. Trình bày và nhận xét về sự phân chia khu vực đóng quân và phạm
vi ảnh hưởng giữa các cường quốc Đồng minh tại hội nghị Ianta
a. Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các
cường quốc Đồng minh tại hội nghị Ianta
- Ở Châu Âu: quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Đông nước Đức,
Đông Béclin và các nước Đông Âu; quân đội Mĩ, Anh và Pháp chiếm
đóng miền Tây nước Đức, Tây Béclin và các nước Tây Âu. Vùng
Đông Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô; Vùng Tây Âu thuộc
phạm vi ảnh hưởng của Mĩ.
- Ở Châu Á: Trả lại Liên Xô miền Nam đảo Xakhalin và các đảo
xung quanh, Liên Xô chiếm 4 đảo thuộc quần đảo Curin; Liên Xô
chiếm đóng Bắc Triều Tiên; Quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản và
Nam Triều Tiên. Trừ Trung Quốc, những vùng còn lại ở châu Á thuộc
phạm vi ảnh hưởng của các nước phương Tây.
b. Nhận xét
- Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng giữa các
cường quốc Đồng minh tại Hội nghị Ianta đã tạo ra khuôn khổ của

trật tự thế giới mới, Trật tự hai cực Ianta.
- Sự phân chia khu vực đóng quân và phạm vi ảnh hưởng tại hội nghị
Ianta chủ yếu là sự phân chia giữa hai cường quốc Liên Xô và Mĩ; Sự
phân chia này dẫn đến tình trạng đối đầu căng thẳng Xô-Mĩ, Đông –
Tây.


C. PHẦN KẾT LUẬN
1. Giai đoạn 1919 – 1945 là một giai đoạn đầy biến động của lịch sử thế giới và lịch sử Việt
Nam.
2. Có ba vấn đề lớn của lịch sử thế giới đã tác động đến lịch sử Việt Nam giai đoạn 1919
-1945. Tuy nhiên đây không phải là sự tác động một chiều, mà là sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn
nhau của cả lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Cụ thể
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và sự ra đời, phát triển của nước Nga
Xô viết đã mở ra một con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, sự lựa chọn của
Việt Nam cũng đã cho thấy sự ưu việt của con đường cách mạng vô sản đối với các dân tộc thuộc địa
và làm gia tăng lực lượng cho phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 và những hậu quả toàn diện của nó đã có tác
động mạnh mẽ đến tình hình Việt Nam. Sự sa sút về kinh tế, ngột ngạt về chính trị đã thổi bùng lên
phong trào đấu tranh ở Việt Nam trong những năm 1930 – 1931, hòa chung vào cuộc đấu tranh
chống chủ nghĩa tư bản của nhân dân lao động trên thế giới. Hay sự điều chỉnh sách lược đấu tranh
của Việt Nam trong giai đoạn 1936 – 1939 đã gắn cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân dân Việt
Nam với cuộc đấu tranh chống phát xít của nhân loại tiến bộ.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và lan rộng đã đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh một cổ
đôi tròng áp bức, khiến cho mâu thuẫn dân tộc phát triển gay gắt. Đây chính là động lực để làm bùng
nổ cuộc vận động giải phóng dân tộc trong những năm 1939 – 1945. Chiến tranh thế giới thứ hai kết
thúc đã tạo ra thời cơ ngàn năm có một để nhân dân Việt Nam đứng lên giành chính quyền. Thắng
lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ tạo ra một bước ngoặt vĩ đại cho lịch sử dân
tộc mà còn góp phần vào thắng lợi của quân Đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít, trở
thành một trong những lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới sau chiến tranh thế

giới thứ hai.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ giáo dục và đào tạo, 2014, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị Quốc gia, Hà
Nội.
2. Bộ giáo dục và đào tạo, 2018, Giáo trình đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam,
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ, 2013, Đại cương lịch sử Việt
Nam tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
4. Trần Thị Vinh, 2011, Chủ nghĩa tư bản thế kỉ XX và thập niên đầu thế kỉ XXI – một cách tiếp cận
từ lịch sử, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.



×