Tải bản đầy đủ (.docx) (25 trang)

Chuyên đề ôn thi HS giỏi sử mối liên hệ giữa lịch sử thế giới với lịch sử việt nam từ năm 1919 đến năm 1945 su11

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (136.03 KB, 25 trang )

MỞ ĐẦU
I. Lý do chọn đề tài
Theo dòng chảy của thời gian, tất cả các sự kiện lịch sử không tồn tại riêng lẻ
mà luôn luôn có mối quan hệ gắn bó, mật thiết với nhau. Tương tự như vậy, lịch sử
của bất cứ một dân tộc nào cũng luôn có sự gắn kết với lịch sử khu vực và lịch sử
thế giới. Trong thế kỷ XX, lịch sử cách mạng Việt Nam nhiều lần ghi dấu mối quan
hệ với các sự kiện lịch sử thế giới. Tuy nhiên, giai đoạn từ 1919-1945 là giai đoạn
mối quan hệ đó được thể hiện rõ nét nhất, những thắng lợi của cách mạng Việt Nam
đều thể hiện rõ việc Đảng ta đã biến những điều kiện khách quan dù thuận lợi hay
không thuận lợi làm động lực mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh ở trong nước.
Tìm hiểu “ Mối liên hệ giữa lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới trong giai
đoạn 1919-1945” là tìm hiểu một giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc, từ
khi Đảng ta chưa ra đời đến lúc đất nước giành được độc lập, nhà nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa ra đời. Trong giai đoạn đó, lịch sử Việt Nam có sự gắn bó chặt
chẽ với lịch sử thế giới, cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách
mạng thế giới.
Đối với các em học sinh trường THPT chuyên nói chung và các em học sinh
giỏi môn Lịch sử nói riêng, việc tìm hiểu các sự kiện với các mối liên hệ của nó có
vai trò hết sức quan trọng. Điều đó giúp các em có được hiểu biết sâu sắc và toàn
diện về các vấn đề lịch sử, từ đó còn áp dụng vào vấn đề của thực tiễn và đời sống
hiện đại.
II. Mục đích của đề tài
Phân tích những ảnh hưởng và tác động của các sự kiện lịch sử thế giới đối với
lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1945. Giúp học sinh ôn luyện các câu hỏi
lịch sử thể hiện mối liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam 1919-1945.


NỘI DUNG
I. Mối liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm
1945
1. Việc thực dân Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương lần


thứ hai ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc đã tác động rất
lớn đến tình hình Việt Nam
1.1. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 của thực dân Pháp(1919-1929)
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp tuy thắng trận, nhưng phải chịu nhiều
tổn thất về kinh tế - tài chính. Chiến tranh phá huỷ nhiều nhà máy, đường sá, cầu
cống, làng mạc của Pháp; nhiều ngành sản xuất công nghiệp bị đình trệ; thương
mại giảm sút; nước Pháp trở thành con nợ lớn, nhất là của Mĩ, năm 1920 nợ 300 tỉ
phơ-răng. Chiến tranh tiêu huỷ hàng triệu phơ-răng đầu tư của Pháp ở nước ngoài,
điển hình cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đã làm mất thị trường đầu tư lớn nhất
của Pháp tại châu Âu. Các vấn đề lạm phát, tăng giá và đời sống khó khăn của các
tầng lớp lao động đã làm trỗi dậy các phong trào đấu tranh chống chính phủ.
Trong hoàn cảnh trên, để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi
phục nền kinh tế, chính phủ Pháp một mặt ra sức khôi phục kinh tế trong nước, một
mặt tăng cường đầu tư, khai thác thuộc địa, trước hết và chủ yếu tại Đông Dương
và châu Phi.
Về thời gian, đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp chính
thức được triển khai từ sau Đại chiến thế giới thứ nhất và kéo dài đến trước cuộc
khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, tức là trong khoảng 10 năm. Tốc độ và
quy mô đầu tư của thực dân Pháp trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai ồ ạt và
rộng hơn nhiều lần so với đợt khai thác lần thứ nhất. Số vốn đầu tư tăng nhanh qua
các năm; riêng năm 1920 đầu tư đạt 225 tỉ phơ-răng. Nếu giai đoạn 1888-1918


Pháp mới đầu tư khoảng 1 tỉ phơ-răng vào toàn Đông Dương (chủ yếu ở Việt Nam),
thì chỉ trong giai đoạn 1924-1929 số vốn đầu tư đã lên đến 4 tỉ phơ-răng. Từ 1931
dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tư bản Pháp vẫn tiếp tục
đầu tư vốn vào Việt Nam. Về lĩnh vực đầu tư trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ
hai cũng khác với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Nếu ở cuộc khai thác thuộc
địa lần thứ nhất, tư bản Pháp chủ yếu đầu tư vào khai mỏ và giao thông vận tải; thì
ở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, tư bản Pháp đổ xô vào kinh doanh nông

nghiệp, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh khai thác khoáng sản.
1.2. Những biến đổi về kinh tế và xã hội Việt Nam sau cuộc khai thác thuộc địa
lần thứ hai là cơ sở quan trọng làm bùng nổ phong trào dân tộc dân chủ sau
Chiến tranh thế giới thứ nhất
Chính sách tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa trên đây của thực dân Pháp
đã làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu và trình độ phát triển của các ngành kinh tế Việt
Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Đánh giá cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp ở Việt Nam
không chỉ dừng lại ở góc độ tăng cường đầu tư vốn và mở rộng quy mô khai thác,
mà còn phải đánh giá ở góc độ yếu tố kỹ thuật và nhân tố con người. Tuy nhiên,
cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp chỉ là sự mở rộng, nhân lên
của tình trạng sản xuất lạc hậu trong các cơ sở kinh tế; số máy móc và tiến bộ kĩ
thuật được áp dụng cực kỳ hạn chế và ít ỏi trong sản xuất.
Do đó, đặc điểm nổi bật của toàn bộ cơ cấu kinh tế Việt Nam thời thuộc địa
là sự phát triển mất cân đối: nền nông nghiệp nặng nề, cổ hủ, bên cạnh nền công
nghiệp mỏng manh, yếu ớt; trong công nghiệp, ngành khai mỏ chiếm phần lớn, các
ngành khác như hoá chất, luyện kim, cơ khí, năng lượng… thì hầu như không phát
triển.


Tính chất mất cân đối, lệch lạc còn thể hiện qua quan hệ giữa các vùng, miền
trong cả nước. Miền Bắc và miền Nam, kinh tế còn ít nhiều phát triển; riêng miền
Trung, chỉ trừ một vài chuyển biến có tính chất cục bộ ở Vinh - Bến Thuỷ, Quảng
Nam - Đà Nẵng…, còn lại các nơi khác hầu như vẫn nguyên trạng trong nghèo nàn,
lạc hậu; các khu vực miền núi hầu như không có chuyển biến gì, người dân vẫn chủ
yếu du canh du cư, sống phụ thuộc chủ yếu vào việc tận dụng các sản vật của thiên
nhiên.
Trên cơ sở biến đổi về kinh tế, các thành phần giai cấp xã hội tương ứng
cũng dần biến đổi theo. Những lực lượng đại diện cho xã hội cũ như địa chủ, nông
dân ngày càng bị phân hoá sâu sắc: địa chủ thì giàu lên nhanh chóng, còn đa số

nông dân thì rơi vào cảnh nghèo đói, bần cùng. Đồng thời các lực lượng xã hội mới
như tư sản, công nhân, tiểu tư sản cũng bắt đầu xuất hiện và từng bước trưởng
thành nhanh chóng cùng với sự mở rộng của các thành phần kinh tế mới – tư bản
chủ nghĩa. Dân số tăng nhanh, các thị trấn và thị xã được mở rộng nhiều so với
trước; bộ mặt thành thị và cả một số vùng nông thôn ven thị cũng thay đổi. Một số
cơ cấu xã hội mới đang trên đường định hình và phát triển theo hướng tư bản chủ
nghĩa.
Tuy nhiên, quá trình tư bản hoá của Pháp ở Việt Nam còn để lại nhiều hạn
chế và những hậu quả nặng nề, mà hạn chế lớn nhất là đã tạo ra một cơ cấu kinh tế
què quặt, mất cân đối và sự chuyển biến quá chậm của nền kinh tế, và do đó dẫn tới
sự phân hoá thiếu triệt để của cơ cấu giai cấp xã hội.
Mặc dù vậy, sự ra đời và phát triển của các lực lượng xã hội mới đã tạo ra
những tiền đề vật chất cần thiết cho sự tiếp thu các quan điểm và tư tưởng mới, làm
cơ sở động lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào dân tộc, đưa xã hội Việt Nam
chuyển biến nhanh vào quỹ đạo vận hành của toàn nhân loại.


Như vậy là, từ những tác động của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất mà
thực dân Pháp đã phải đề ra chính sách cai trị mới đối với các thuộc địa của mình,
trong đó có Đông Dương. Và chính cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực
dân Pháp đã tạo ra những điều kiện cần thiết làm bùng nổ cuộc cách mạng dân tộc
dân chủ ở nước ta sau chiến tranh.
Chiến tranh thế giới thứ nhất là nguyên nhân khách quan tác động và làm
bùng nổ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông và cao
trào cách mạng ở các nước phương Tây.
2. Sự phát triển của phong trào công nhân và cộng sản quốc tế trong và sau
Chiến tranh thế giới thứ nhất có tác động mạnh mẽ đến cách mạng Việt Nam
2.1. Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917
Năm 1917, cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thắng lợi, đã
xoá bỏ ách thống trị của phong kiến và tư sản Nga, thành lập Chính quyền Xô viết,

đưa nhân dân lao động lên làm chủ đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga
không chỉ là cuộc cách mạng vô sản mà còn là cách mạng giải phóng dân tộc.
Thắng lợi đó đã mở ra con đường giải phóng cho giai cấp công nhân và các dân tộc
thuộc địa. Cách mạng tháng Mười Nga làm cho phong trào cách mạng ở phương
Tây và phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông có mối quan hệ mật thiết với
nhau vì cùng chung một kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng tháng
Mười Nga là nguyên nhân khách quan tác động làm bùng nổ phong trào giải phóng
dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh.
Cách mạng tháng Mười Nga có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam:
- Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã tác động đến những người yêu
nước Việt Nam trên con đường tìm chân lí cứu nước, mà trước hết là đối với
Nguyễn Ái Quốc. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười mà Nguyễn Ái Quốc
đã tìm đến với chủ nghĩa Mác Lênin và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn –


con đường cách mạng vô sản. Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đường cho việc
giải quyết tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo cho
cách mạng Việt Nam.
- Cách mạng tháng Mười Nga đã tác động sâu sắc đến con đường cách mạng
của Việt Nam: con đường cách mạng vô sản. Con đường đó là con đường Cách
mạng tháng Mười Nga đã đi và đã thành công. Mục tiêu của cách mạng là độc lập
dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng
giai cấp. Lãnh đạo cách mạng là chính đảng vô sản, đội quân tiên phong của giai
cấp vô sản, “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”. Phương pháp cách mạng
là giành và giữ chính quyền bằng bạo lực cách mạng. Lực lượng cách mạng được
nêu rõ rằng “Cách mệnh Nga dạy chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì
phải lấy công nông làm gốc”.
- Dưới tác động của Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc đấu tranh của cách
mạng Pháp và phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa của Pháp
(trong đó có Việt Nam) có mối liên hệ mật thiết với nhau vì cùng chống kẻ thù

chung là đế quốc Pháp.
2.2. Sự thành lập Quốc tế Cộng sản
Do sự phát triển của phong trào cách mạng ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhiều
tổ chức cộng sản lần lượt thành lập ở các nước châu Âu. Trước yêu cầu mới của sự
nghiệp cách mạng, tháng 3-1919 Quốc tế Cộng sản được thành lập ở Mátxcơva.
Tại Đại hội II (1920), Quốc tế Cộng sản thông qua một loạt cương lĩnh và văn
kiện quan trọng nhằm xác định đường lối chiến lược và sách lược của phong trào
cách mạng thế giới, trong đó đặc biệt là bản Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn
đề thuộc địa của Lênin. Bản luận cương này đã được Nguyễn Ái Quốc đọc và
Người đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta là cách mạng vô
sản.


Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội 18 của Đảng Xã hội Pháp
ở Tua, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba, tham gia sáng lập Đảng Cộng
sản Pháp và trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sự kiện này đánh dấu
bước ngoặt trong tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước
chuyển sang lập trường cộng sản. Nó mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt
Nam một giai đoạn mới - giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong
trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường Cách mạng
tháng Mười.
2.3. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh ở châu Á
Dưới ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga, các đảng cộng sản ở các
nước tư bản chủ nghĩa, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa lần lượt ra đời. Ở châu
Á, Đảng cộng sản Inđônêxia ra đời tháng 5 – 1920, Đảng cộng sản Trung Quốc ra
đời tháng 7 – 1921. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Trung Quốc (7-1921) được thành lập
đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào
cách mạng nước ta.
Như vậy, các sự kiện trên đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cơ bản để truyền
bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin vào nước ta sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Từ đó, hình thành một khuynh hướng cách mạng mới ở Việt Nam – khuynh hướng
cách mạng vô sản.
3. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933 và ảnh hưởng của nó đến
cách mạng Đông Dương
3.1. Vài nét về cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933
Năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ trong thế giới tư bản chủ
nghĩa và kéo dài đến năm 1933 mới chấm dứt. Đây là cuộc khủng hoảng “thừa” do
sản xuất ồ ạt, chạy đua theo lợi nhuận trong những năm 1924 - 1929 dẫn đến tình
trạng hàng hóa ế thừa trong khi người lao động không có tiền mua. Khủng hoảng
kinh tế đã tàn phá nặng nề nền kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa. Mức sản xuất bị


đẩy lùi lại hàng chục năm. Hàng trăm triệu người (công nhân, nông dân và gia đình
họ) rơi vào tình trạng đói khổ.
Một số nước tư bản châu Âu như Anh, Pháp... tìm cách thoát ra khỏi khủng
hoảng bằng những chính sách cải cách kinh tế - xã hội. Trong khi đó, các nước
Đức, Italia (và Nhật Bản ở châu Á) đã phát xít hóa chế độ thống trị và phát động
cuộc chiến tranh để phân chia lại thế giới.
Khủng hoảng kinh tế tàn phá nghiêm trọng nước Đức. Để đối phó lại khủng
hoảng kinh tế và phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, giai cấp tư sản cầm
quyền quyết định đưa Hít-le - thủ lĩnh Đảng Quốc xã Đức, lên nắm chính quyền,
Đảng Cộng sản Đức đã kiên quyết đấu tranh nhưng không ngăn cản được quá trình
ấy. Ngày 30 - 1 - 1933, Hít-le lên làm Thủ tướng và ngay sau đó đã biến nước Đức
thành một lò lửa chiến tranh.
3.2. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 và những chính sách
cai trị của thực dân Pháp là nguyên nhân dẫn đến bùng nổ phong trào cách
mạng 1930 – 1931với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh
Từ năm 1930, do tác động khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nan
bước vào thời kỳ suy thoái, bắt đầu từ trong nông nghiệp: lúa gạo bị sụt giá, ruộng
đất bỏ hoang: năm 1933 là 500.000 hécta. Sản xuất công nghiệp bị suy giảm. Trong

thương nghiệp, xuất nhập khẩu đình đốn, hàng hóa khan hiếm, giá cả đắt đỏ. Cuộc
khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam rất nặng nề so với các thuộc địa khác của Pháp
cũng như so với các nước trong khu vực.
Hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế là làm trầm trọng thêm tình
trạng đói khổ của các tầng lớp nhân dân lao động. Công nhân bị sa thải, đồng
lương ít ỏi. Nông dân phải chịu thuế cao, vay nợ nặng lãi, nông phẩm làm ra phải
bán giá hạ. Ruộng đất bị địa chủ thâu tóm, bị bần cùng hóa. Tiểu thương, tiểu chủ,


các nghề thủ công bị phá sản, bị sa thải, thất nghiệp, tư sản dân tộc gặp khó khăn
trong kinh doanh, nhà buôn nhỏ đóng cửa…
Mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc, lúc bấy giờ xã hội Việt Nam có hai mâu
thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn
giữa nông dân với địa chủ phong kiến.
Phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển lôi kéo nhiều tầng
lớp tham gia. Đầu 1930, khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Pháp khủng bố dã man những
người yêu nước. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kịp thời lãnh đạo nhân dân đứng
lên chống phong kiến đế quốc.
Từ tháng 2 đến tháng 4-1930 nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông
dân nổ ra. Mục tiêu đấu tranh là đòi cải thiện đời sống, công nhân đòi tăng lương,
giảm giờ làm; nông dân đòi giảm sưu thuế. Phong trào đấu tranh do Đảng lãnh đạo,
có khẩu hiệu chính trị rõ ràng.
Nhân ngày Quốc tế lao động 1/5, cả nước bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh, đây
là bước ngoặt của phong trào cách mạng. Lần đầu tiên công nhân Việt Nam biểu
tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động, đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân lao động
trong nước, thể hiện tình đoàn kết cách mạng với nhân dân lao động thế giới.
Từ tháng 6 đến tháng 8/1930, đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân
và nông dân trên cả nước. Tháng 9/1930 phong trào dâng cao ở Nghệ An và Hà
Tĩnh:
- Nông dân biểu tình có vũ trang tự vệ với hàng nghìn người kéo đến huyện

lị, tỉnh lị đòi giảm thuế ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Diễn Châu, Anh
Sơn (Nghệ An), Kỳ Anh (Hà Tĩnh)…Phong trào được công nhân Vinh - Bến Thủy
hưởng ứng. Ngày 12/ 9/1930 đã diễn ra cuộc biểu tình của 8000 nông dân Hưng
Nguyên (Nghệ An) với khẩu hiệu: “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc !”. Đến gần Vinh,
con số lên tới 3 vạn người, xếp hàng dài 4 km. Pháp đàn áp dã man: cho máy bay
ném bom làm chết 217 người, bị thương 126 người.


- Chính quyền thực dân, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều huyện, xã.
Nhiều cấp ủy Đảng ở thôn xã lãnh đạo nhân dân tự quản lý đời sống chính trị, kinh
tế, văn hóa xã hội ở địa phương, làm chức năng của chính quyền, gọi là Xô viết.
Phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã
khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân
đối với cách mạng các nước Đông Dương. Khối liên minh công nông hình thành.
Đây là cuộc tập dượt đầu tiên cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này. Phong trào
đã được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Quốc tế
Cộng sản công nhận: Đảng Cộng sản Đông Dương là phân bộ độc lập trực thuộc
Quốc tế Cộng sản.
Phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh để lại
bài học quý về công tác tư tưởng, xây dựng khối liên minh công nông, mặt trận dân
tộc thống nhất, tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh …
4. Đại hội VII Quốc tế Cộng sản (7-1935) có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng
Đông Dương
4.1. Nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản
Những năm 30 của thế kỷ XX, thế lực phát xít cầm quyền ở Đức, I-ta-li-a,
Nhật Bản ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh thế giới.
Tháng 7/1935, Đại hội lần VII - Quốc tế Cộng sản xác định nhiệm vụ chống
chủ nghĩa phát xít, đấu tranh giành dân chủ, bảo vệ hòa bình, thành lập Mặt trận
nhân dân rộng rãi. Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đã định hướng cho
phong trào đấu tranh ở các nước.

Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong tham dự, tiếp thu tinh thần
đại hội để có chủ trương đấu tranh phù hợp với tình hình mới.
Ngau sau Đại hội VII, phong trào đấu tranh thành lập Mặt trận nhân dân
chống phát xít lan rộng ở nhiều nước tư bản châu Âu, đặc biệt là Pháp. Tháng


6/1936, Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, thi hành cải cách tiến bộ ở thuộc
địa: Đối với Đông Dương, Pháp cử phái đoàn sang điều tra tình hình, cử Toàn
quyền mới, nới rộng quyền tự do báo chí … tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.
4.2. Phong trào dân chủ 1936 – 1939 phát triển mạnh mẽ dưới sự soi sáng của
Đại hội VII Quốc tế cộng sản
* Chủ trương của Đảng trong những năm 1936-1939
Tháng 7/1936 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Đông Dương do Lê Hồng Phong chủ trì ở Thượng Hải (Trung Quốc) dựa trên
Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế cộng sản, đề ra đường lối và phương pháp đấu
tranh: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là
chống đế quốc và phong kiến. Nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế
độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống nguy cơ chiến tranh, đòi tự do, dân
sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Phương pháp đấu tranh: kết hợp các hình thức
công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Thành lập Mặt trận thống nhất
nhân dân phản đế Đông Dương. Tháng 3/1938, đổi thành Mặt trận thống nhất dân
chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương.
* Phong trào dân chủ 1936-1939

Năm 1936, Đảng vận động và tổ chức nhân dân thảo ra bản dân nguyện
vọng gửi tới phái đoàn chính phủ Pháp, tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội (81936). Các ủy ban hành động thành lập khắp nơi, phát truyền đơn, ra báo, mít tinh,
thảo luận dân chủ, dân sinh… ). Tháng 9/1936, Pháp giải tán Ủy ban hành động,
cấm hội họp, tịch thu các báo. Qua phong trào, đông đảo quần chúng được giác
ngộ, đoàn kết đấu tranh đòi quyền sống. Đảng thu được một số kinh nghiệm về
phát động và lãnh đạo đấu tranh công khai, hợp pháp. Năm 1937, lợi dụng sự kiện

đó Gô đa và Toàn quyền mới sang Đông Dương, Đảng tổ chức quần chúng mít
tinh, biểu dương lực lượng đưa yêu sách về dân sinh, dân chủ.


Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền sống tiếp tục diễn ra, nhân ngày
Quốc tế lao động 1/5/1938, lần đầu tiên nhiều cuộc mít tinh tổ chức công khai ở Hà
Nội, Sài Gòn có đông đảo quần chúng tham gia.
Đảng đưa người của Mặt trận Dân Chủ Đông Dương ra ứng cử vào Viện dân
biểu Bắc kỳ, Trung kỳ, Hội đồng quản hạt Nam kỳ…. Cuộc đấu tranh này nhằm
mở rộng lực lượng Mặt trận dân chủ và vạch trần chính sách phản động của thực
dân, tay sai, bênh vực quyền lợi của nhân dân.
Từ năm 1937 báo chí công khai của Đảng bằng tiếng Việt: Tin tức, Đời nay,
Phổ Thông, Dân chúng …, bằng tiếng Pháp: Lao động, Tranh đấu….trở thành mũi
xung kích trong cuộc vận động dân chủ, dân sinh. Nhiều sách chính trị – lý luận
xuất bản công khai hoặc đưa từ Pháp về. Nhiều tác phẩm văn học hiện thực phê
phán ra đời như: Bước đường cùng, Tắt đèn, Số đỏ. Thơ cách mạng, kịch Đời cô
Lựu…
Cuối 1937, Đảng phát động phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ giúp quần
chúng đọc được sách báo, nâng cao sự hiểu biết về chính trị và cách mạng. Cuộc
đấu tranh trên lãnh vực báo chí đã thu kết quả to lớn về văn hóa – tư tưởng: đông
đảo các tầng lớp nhân dân được giác ngộ về con đường cách mạng.
* Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của phong trào dân chủ 1936-1939
Là phong trào quần chúng rộng lớn, có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Buộc Pháp phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ. Quần chúng
được giác ngộ về chính trị, trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng.
Cán bộ đựợc tập hợp và trưởng thành. Là một cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị cho
Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này.
Phong trào để lại nhiều bài học quý giá về việc xây dựng Mặt trận dân tộc
thống nhất, về tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp. Đấu
tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng và với các đảng phái phản động. Đảng thấy được



hạn chế trong công tác mặt trận, dân tộc… Là cuộc diễn tập thứ hai, chuẩn bị cho
Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này.
5. Chiến tranh thế giới và tác động mạnh mẽ của nó đến cách mạng Đông
Dương
5.1. Vài nét về cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai 1939-1945
Nguyên nhân sâu xa của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai là do quy luật
phát triển không đồng đều của chủ nghĩa tư bản và sự mâu thuẫn gay gắt giữa các
nước đế quốc về vấn đề thuộc địa và thị trường. Nguyên nhân trực tiếp của Chiến
tranh thế giới thứ hai là do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 –
1933.
Châm ngòi cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là chủ nghĩa phát xít Đức,
Italia, Nhật Bản nhưng Anh, Pháp, Mỹ cũng phải chịu một phần trách nhiệm vì đã
dung dưỡng, thỏa hiệp với chủ nghĩa phát xít. Thời gian đầu (9/1939-6/1941) là
chiến tranh phi nghĩa với cả hai phe; khi Đức tấn công Liên Xô (6/1941) thì tính
chính nghĩa thuộc về nhân dân Liên Xô và các nước chống phát xít.
Trong toàn bộ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô có vai trò quyết định
và trụ cột trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Hội nghị Ianta (2/1945) tác động
lớn đến vấn đề kết thúc chiến tranh, đồng thời mở đầu cho sự hình thành trật tự thế
giới mới – trật tự hai cực Ianta. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc tạo ra sự
chuyển biến cơ bản trong tình hình thế giới.
5.2. Tác động của Chiến tranh thế giới thứ hai đến cách mạng Đông Dương
* Giai đoạn 1939-1941
Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9-1939), bọn Pháp ở Đông
Dương tiến hành phát xít hoá bộ máy nhà nước, tăng cường vơ vét, bóc lột nhân
dân và đàn áp cách mạng, đẩy nhân dân ta vào cảnh ngột ngạt về chính trị, bần
cùng về kinh tế.



Tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông
Dương họp ở Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) đã quyết định đặt nhiệm vụ giải
phóng dân tộc lên hàng đầu; tịch thu ruộng đất của thực dân đế quốc, địa chủ phản
bội, chống tô cao, lãi nặng; lập Chính phủ dân chủ cộng hoà; thành lập Mặt trận
Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị đánh dấu sự mở đầu cho chủ
trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng, đưa nhân dân ta bước vào cuộc vận động
giải phóng dân tộc,...
Tháng 9-1940, quân Nhật Bản vào miền Bắc Việt Nam, Nhật - Pháp tạm thời
câu kết với nhau để bóc lột nhân dân Đông Dương. Nhật ra sức tuyên truyền lừa
bịp về sức mạnh của Nhật, tìm cách hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương, các đảng
phái chính trị thân Nhật ra sức hoạt động. Pháp – Nhật tăng cường cướp đất, bắt
nông dân nhổ lúa, ngô để trồng đay và thầu dầu, phục vụ chiến tranh.
Pháp ở Đông Dương bị Nhật ép chia sẻ quyền lợi; phải đương đầu với cuộc
đấu tranh của nhân dân Đông Dương ngày càng cao, Pháp thực hiện chính sách
"Kinh tế chỉ huy" và lệnh tổng động viên để vơ vét cạn kiệt sức người và của ở
Đông Dương phục vụ cho cuộc chiến tranh thế giới và đáp ứng yêu cầu của Nhật.
Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng
cực. Tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội nước ta, trừ bọn tay sai đế quốc, đại địa
chủ và tư sản mại bản, đều bị ảnh hưởng bởi chính sách bóc lột của Pháp – Nhật.
Nhiệm vụ giải phóng dân tộc trở nên cấp bách. Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân
nổ ra: khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì, binh biến Đô Lương, song đều thất bại.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (11/1940)
xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là đế quốc Pháp – Nhật; quyết
định duy trì đội du kích Bắc Sơn để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, tiến
tới thành lập căn cứ địa cách mạng ; quyết định đình chỉ khởi nghĩa Nam Kì vì thời
cơ chưa chín muồi.


Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941), giương cao
hơn nữa nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tiếp tục tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng

đất, quyết định thành lập mặt trận Việt Minh và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là
nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân.
* Trong năm 1945
Những thắng lợi của quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhất
là trong năm 1945 có tác động mạnh mẽ đến cách mạng nước ta.
- Tại mặt trận châu Âu:
+ Từ ngày 16-4-1945 đến ngày 2-5-1945, Hồng quân Liên Xô tấn công vào
sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức ở Béclin.
+ Ngày 9-5-1945, nước Đức kí văn kiện đầu hàng không điều kiện, chiến
tranh chấm dứt ở châu Âu. Từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, Hội nghị Pốtxđam
diễn ra nhằm giải quyết các vấn đề của nước Đức sau chiến tranh.
- Tại châu Á – Thái Bình Dương:
+ Ngày 6 và ngày 9-8-1945, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố
Hirôsima, Nagasaki của Nhật Bản, giết hại hàng chục vạn người dân vô tội.
+ Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản và tấn công đạo quân
Quan Đông gồm 70 vạn quân Nhật ở Mãn Châu.
+ Ngày 15-8-1945, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng quân Đồng minh không
điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
+ Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh
không điều kiện, làm cho quân đội Nhật và tay sai ở Đông Dương hoang mang, mất
hết tinh thần. Chúng không thể giữ được quyền thống trị như cũ được nữa. Thời cơ
cách mạng xuất hiện.
- Trước những diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới, Đảng Cộng sản Đông
Dương đã tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính
quyền trong toàn quốc.


- Đêm 9-3-1945, trong lúc Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương
Đảng họp ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung
ương Đảng ra chỉ thị "Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Hội nghị

quyết định phát động một "cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho
cuộc tổng khởi nghĩa".
– Từ đầu tháng 3-1945 đến giữa tháng 8-1945, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã
lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm
tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.
- Từ ngày 15 đến 20-4-1945, Ban Thường vụ Trung ương triệu tập Hội nghị
Quân sự cách mạng Bắc Kì. Hội nghị quyết định thống nhất lực lượng vũ trang
phát triển hơn nữa lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, mở lớp đào tạo cấp tốc cán
bộ chính trị và quân sự, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng chiến khu để
chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.
- Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị thành lập Uỷ ban Dân tộc giải
phóng các cấp.
- Ngày 15-5-1945, Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
- Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh rời Pác Pó về Tân Trào. Người chọn Tân Trào
làm trung tâm chỉ đạo cách mạng.
- Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc chính thức được thành lập.
- Nhận được thông tin Nhật Bản sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ
Việt Minh thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, 23 giờ cùng ngày, Uỷ ban Khởi
nghĩa toàn quốc ban bố Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh tổng khởi nghĩa trong
cả nước.
- Từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân
Trào (Tuyên Quang), thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa.


- Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, Đại hội quốc dân ở Tân Trào tán thành chủ
trương tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt minh, cử ra Uỷ
ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
- Từ ngày 14-8 đến ngày 28-8-1945, Đảng và Mặt trận Việt minh đã tổ chức
cơ nhân dân cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

- Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh
đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

II. Một số câu hỏi ôn tập
Câu 1. Phân tích những ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga đối với
cách mạng Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
- Năm 1917, cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười Nga thắng lợi, đã xoá bỏ
ách thống trị của phong kiến và tư sản Nga, thành lập Chính quyền Xô viết, đưa
nhân dân lao động lên làm chủ đất nước. Cuộc Cách mạng tháng Mười Nga không
chỉ là cuộc cách mạng vô sản mà còn là cách mạng giải phóng dân tộc. Thắng lợi
đó đã mở ra con đường giải phóng cho giai cấp công nhân và các dân tộc thuộc địa.
Cách mạng tháng Mười Nga làm cho phong trào cách mạng ở phương Tây và
phong trào giải phóng dân tộc ở phương Đông có mối quan hệ mật thiết với nhau vì
cùng chung một kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
- Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã thúc đẩy mạnh mẽ và cổ vũ phong
trào cách mạng thế giới; mở ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc cho giai cấp
công nhân và các dân tộc thuộc địa. Đối với phong trào giải phóng dân tộc, Cách
mạng tháng Mười Nga đã mở ra trước mắt các dân tộc bị áp bức ở châu Á, châu Phi
và khu vực Mĩ Latinh “thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân
tộc”.
- Cách mạng tháng Mười Nga đã nêu lên một tấm gương sáng cho các dân tộc
đang bị chủ nghĩa đế quốc thực dân nô dịch. Một xu hướng mới đã xuất hiện trong


phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều nước. Cách mạng tháng Mười Nga đã tạo
điều kiện khách quan thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát
triển, làm cho kẻ thù của phong trào giải phóng dân tộc suy yếu, còn nước Nga Xô
viết trở thành đồng minh tin cậy, là chỗ dựa vững chắc cho các dân tộc bị áp bức
trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
- Cách mạng tháng Mười Nga có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam:

+ Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã tác động đến những người
yêu nước Việt Nam trên con đường tìm chân lí cứu nước, mà trước hết là đối với
Nguyễn Ái Quốc. Nhờ ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười mà Nguyễn Ái Quốc
đã tìm đến với chủ nghĩa Mác Lênin và tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn –
con đường cách mạng vô sản.
+ Dưới tác động của Cách mạng tháng Mười Nga, cuộc đấu tranh của cách
mạng Pháp và phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa của Pháp
(trong đó có Việt Nam) có mối liên hệ mật thiết với nhau vì cùng chống kẻ thù
chung là đế quốc Pháp.
Câu 2. Trình bày và đánh giá về chủ trương chiến lược và sách lược của
Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Đông Dương tại Hội nghị tháng
7/1936.
* Chủ trương chiến lược và sách lược tại Hội nghị tháng 7/1936:
Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là
chống đế quốc và phong kiến. Nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế
độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống nguy cơ chiến tranh, đòi tự do, dân
sinh, dân chủ, cơm áo, hòa bình. Phương pháp đấu tranh: kết hợp các hình thức
công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Thành lập Mặt trận thống nhất
nhân dân phản đế Đông Dương. Tháng 3/1938, đổi thành Mặt trận thống nhất dân
chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương.


* Chủ trương chiến lược và sách lược tại Hội nghị tháng 7/1936 là hoàn toàn
đúng đắn vì:
- Xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử thế giới:
+ Những năm 30 của thế kỷ XX, thế lực phát xít cầm quyền ở Đức, I-ta-li-a,
Nhật Bản ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh thế giới.
+ Tháng 7/1935, Đại hội lần VII - Quốc tế Cộng sản xác định nhiệm vụ
chống chủ nghĩa phát xít, đấu tranh giành dân chủ, bảo vệ hòa bình, thành lập Mặt
trận nhân dân rộng rãi. Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đã định hướng

cho phong trào đấu tranh ở các nước.
+ Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong tham dự, tiếp thu tinh
thần đại hội để có chủ trương đấu tranh phù hợp với tình hình mới.
+ Ngau sau Đại hội VII, phong trào đấu tranh thành lập Mặt trận nhân dân
chống phát xít lan rộng ở nhiều nước tư bản châu Âu, đặc biệt là Pháp. Tháng
6/1936, Mặt trận nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, thi hành cải cách tiến bộ ở thuộc
địa.
- Xuất phát từ hoàn cảnh trong nước:
+ Đối với Đông Dương, Pháp cử phái đoàn sang điều tra tình hình, cử Toàn
quyền mới, nới rộng quyền tự do báo chí … tạo thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.
+ Lúc này ở Việt Nam, nhiều đảng phái chính trị hoạt động, các đảng đều tận
dụng cơ hội đẩy mạnh hoạt động, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Tuy
nhiên chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng mạnh nhất, có tổ chức chặt chẽ
và có chủ trương rõ ràng.
+ Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, thực dân Pháp ở Đông
Dương tập trung đầu tư khai thác thuộc địa để bù đắp sự thiếu hụt cho kinh tế chính
quốc. Nhìn chung, những năm 1936-1939 là giai đoạn phục hồi và phát triển của
kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn lạc hậu và lệ thuộc vào kinh
tế Pháp.


+ Đời sống của các tầng lớp nhân dân vẫn gặp khó khăn do chính sách tăng
thuế của chính quyền thuộc địa. Chính vì thế họ hăng hái tham gia phong trào đấu
tranh đòi tự do, cơm áo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Câu 3. Nêu những sự kiện chính của Chiến tranh thế giới thứ hai từ tháng
9/1939 đến tháng 6/1941 và tác động của chúng đối với Việt Nam.
* Những sự kiện chính của Chiến tranh thế giới thứ hai:
- Ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan; ngày 3/9/1939, Anh và Pháp tuyên
chiến với Đức. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đức nhanh chóng đánh chiếm
các nước Tây Âu, trong đó có nước Pháp. Tháng 6/1940, chính phủ Pháp đầu hàng

phát xít Đức. Từ cuối năm 1940 đến đầu năm 1942, Đức mở rộng chiếm đóng các
nước Đông Âu và Nam Âu.
- Tháng 6/1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô.
- Ở Viễn Đông, quân Nhật mở rộng xâm lược và chiếm đóng Trung Quốc.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, từng bước biến Đông Dương
thành căn cứ chiến tranh và thuộc địa của chúng.
* Tác động của tình hình thế giới đến Việt Nam:
- Khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9-1939), bọn Pháp ở Đông
Dương tiến hành phát xít hoá bộ máy nhà nước, tăng cường vơ vét, bóc lột nhân
dân và đàn áp cách mạng, đẩy nhân dân ta vào cảnh ngột ngạt về chính trị, bần
cùng về kinh tế.
- Tháng 11-1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông
Dương họp ở Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) đã quyết định đặt nhiệm vụ giải
phóng dân tộc lên hàng đầu ; tịch thu ruộng đất của thực dân đế quốc, địa chủ phản
bội, chống tổ cao, lãi nặng ; lập Chính phủ dân chủ cộng hoà ; thành lập Mặt trận
Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Hội nghị đánh dấu sự mở đầu cho chủ
trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng, đưa nhân dân ta bước vào cuộc vận động
giải phóng dân tộc, ..


- Tháng 9-1940, quân Nhật Bản vào miền Bắc Việt Nam, Nhật - Pháp tạm thời
câu kết với nhau để bóc lột nhân dân Đông Dương.
- Nhật ra sức tuyên truyền lừa bịp về sức mạnh của Nhật, tìm cách hất cẳng
Pháp khỏi Đông Dương, các đảng phái chính trị thân Nhật ra sức hoạt động. Pháp –
Nhật tăng cường cướp đất, bắt nông dân nhổ lúa, ngô để trồng đay và thầu dầu,
phục vụ chiến tranh.
- Pháp ở Đông Dương bị Nhật ép chia sẻ quyền lợi; phải đương đầu với cuộc
đấu tranh của nhân dân Đông Dương ngày càng cao, Pháp thực hiện chính sách
"Kinh tế chỉ huy" và lệnh tổng động viên để vơ vét cạn kiệt sức người và của ở
Đông Dương phục vụ cho cuộc chiến tranh thế giới và đáp ứng yêu cầu của Nhật.

- Chính sách vơ vét, bóc lột của Pháp - Nhật đã đẩy nhân dân ta tới chỗ cùng
cực. Tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội nước ta, trừ bọn tay sai đế quốc, đại địa
chủ và tư sản mại bản, đều bị ảnh hưởng bởi chính sách bóc lột của Pháp – Nhật.
Nhiệm vụ giải phóng dân tộc trở nên cấp bách. Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân
nổ ra: khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì, binh biến Đô Lương, song đều thất bại.
- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (11 1940)
xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là đế quốc Pháp – Nhật;
quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng,
tiến tới thành lập căn cứ địa cách mạng ; quyết định đình chỉ khởi nghĩa Nam Kì vì
thời cơ chưa chín muồi.
Câu 4: Sự kiện Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã tạo nên những
điều kiện thuận lợi và khó khăn như thế nào đối với cuộc Cách mạng tháng
Tám năm 1945 ở nước ta?
- Thuận lợi:
+ Đầu tháng 5-1945, phát xít Đức bị Hồng quân Liên Xô tiêu diệt, kể từ đó quân
phiệt Nhật bị cô lập. Ngày 8 - 8 - 1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, ngày 9-8-


1945 quân đội Xô Viết mở màn chiến dịch tổng công kích và đánh tan đạo quân
Quan Đông của Nhật Bản ở Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 6-8 và 9-8 -1945, Mĩ
ném 2 quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki của
Nhật Bản.
+ Ngày 15 - 8 -1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều
kiện. Quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, lo
sợ cực điểm. Điều kiện khách quan thuận lợi cho Tổng khởi nghĩa đã đến. Thời cơ
cách mạng đã xuất hiện.
- Khó khăn:
+ Ngay sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, quân đội các nước đế
quốc với danh nghĩa đồng minh chuẩn bị vào nước ta để giải giáp quân đội Nhật,
song thực chất là tiêu diệt chính quyền cách mạng, đàn áp Đảng Cộng sản.

+ Với bản chất đế quốc, chúng sẽ dựng ra một chính quyền tay sai. Trong khi
đó, các thế lực phản động trong nước cũng đang tìm cách thay thầy đổi chủ. Một
nguy cơ mới đang đến gần đối với dân tộc ta. Chính vì thế, vấn đề giành chính
quyền dược đặt ra như một cuộc chạy đua nước rút với quân Đồng minh mà nhân
dân Việt Nam không thể chậm trễ.
Câu5. Trình bày khái quát những thắng lợi của quân Đồng minh trong
Chiến tranh thế giới thứ hai (trong năm 1945). Trong bối cảnh đó, Đảng Cộng
sản Đông Dương đã có những chủ trương và biện pháp gì để tổ chức cuộc đấu
tranh giành độc lập dân tộc ?
* Những thắng lợi của quân Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai (trong
năm 1945)
- Tại mặt trận châu Âu:
+ Từ ngày 16-4-1945 đến ngày 2-5-1945, Hồng quân Liên Xô tấn công vào
sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức ở Béclin.


+ Ngày 9-5-1945, nước Đức kí văn kiện đầu hàng không điều kiện, chiến
tranh chấm dứt ở châu Âu. Từ ngày 17-7 đến ngày 2-8-1945, Hội nghị Pốtxđam
diễn ra nhằm giải quyết các vấn đề của nước Đức sau chiến tranh.
- Tại châu Á – Thái Bình Dương:
+ Ngày 6 và ngày 9-8-1945, Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố
Hirôsima, Nagasaki của Nhật Bản, giết hại hàng chục vạn người dân vô tội.
+ Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản và tấn công đạo quân
Quan Đông gồm 70 vạn quân Nhật ở Mãn Châu.
+ Ngày 15-8-1945, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng quân Đồng minh không
điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
+ Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh
không điều kiện, làm cho quân đội Nhật và tay sai ở Đông Dương hoang mang, mất
hết tinh thần. Chúng không thể giữ được quyền thống trị như cũ được nữa. Thời cơ
cách mạng xuất hiện.

* Những chủ trương và biện pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương
- Trước những diễn biến mau lẹ của tình hình thế giới, Đảng Cộng sản Đông
Dương đã tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính
quyền trong toàn quốc.
- Đêm 9-3-1945, trong lúc Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương
Đảng họp ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung
ương Đảng ra chỉ thị "Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Hội nghị
quyết định phát động một "cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho
cuộc tổng khởi nghĩa".
– Từ đầu tháng 3-1945 đến giữa tháng 8-1945, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã
lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm
tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.


- Từ ngày 15 đến 20-4-1945, Ban Thường vụ Trung ương triệu tập Hội nghị
Quân sự cách mạng Bắc Kì. Hội nghị quyết định thống nhất lực lượng vũ trang
phát triển hơn nữa lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, mở lớp đào tạo cấp tốc quân
sự, phát triển chiến tranh du kích, phát động chiến khu để chuẩn bị cho tổng khởi
nghĩa.
- Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị thành lập Uỷ ban Dân tộc giải
phóng các cấp.
- Ngày 15-5-1945, Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân
thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
- Tháng 5-1945, Hồ Chí Minh rời Pác Pó về Tân Trào. Người chọn Tân Trào
làm trung tâm chỉ đạo cách mạng.
- Ngày 4-6-1945, Khu giải phóng Việt Bắc chính thức được thành lập.
- Nhận được thông tin Nhật Bản sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ
Việt Minh thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc, 23 giờ cùng ngày, Uỷ ban Khởi
nghĩa toàn quốc ban bố Quân lệnh số 1, chính thức phát lệnh tổng khởi nghĩa trong
cả nước.

- Từ ngày 14 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân
Trào (Tuyên Quang), thông qua kế hoạch lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa.
- Từ ngày 16 đến ngày 17-8-1945, Đại hội quốc dân ở Tân Trào tán thành chủ
trương tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Uỷ
ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
- Từ ngày 14-8 đến ngày 28-8-1945, Đảng và Mặt trận Việt Minh đã tổ chức
cho nhân dân cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng
lợi.
- Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh
đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.


KẾT LUẬN
Những ảnh hưởng mạnh mẽ của phong trào cách mạng thế giới trong giai
đoạn 1919-1945 đã giúp cách mạng Việt Nam hình thành con đường cứu nước
đúng đắn: con đường cách mạng vô sản, con đường sẽ đưa dân tộc ta đi hết từ
thắng lợi này đến thắng lợi khác trong thế kỷ XX. Sự kết thúc Chiến tranh thế giới
thứ hai năm 1945 đã tạo nên điều kiện khách quan thuận lợi để nhân dân ta đứng
lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc. Tuy
nhiên những yếu tố khách quan đó chỉ thực sự được phát huy tác dụng khi được
phối hợp với các yếu tố chủ quan. Nói cách khác, lòng yêu nước và ý chí cách
mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới là yếu tố quyết
định làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam từ 1919 đến 1945.
Trong khuôn khổ của chuyên đề, chúng tôi không thể giải quyết được tất cả
các vấn đề liên quan đến nội dung “Mối liên hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt
Nam từ 1919-1945”. Do đó chuyên đề không tránh khỏi những thiếu sót, khuyết
điểm. Bởi vậy, chúng tôi kính mong nhận được sự góp ý chân thành của các thầy,
các cô cùng các bạn đồng nghiệp để đề tài này được hoàn thiện hơn, mang tính khả
thi và hiệu quả thực sự khi áp dụng vào thực tiễn dạy học ở trường THPT chuyên
nói riêng, trường phổ thông nói chung.



×