Tải bản đầy đủ (.pdf) (166 trang)

Cấu tạo và chức năng thông báo của đề trong câu đơn tiếng việt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.11 MB, 166 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
********

NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

CẤU TẠO VÀ CHỨC NĂNG THÔNG BÁO CỦA ĐỀ
TRONG CÂU ĐƠN TIẾNG VIỆT

Chuyên ngành: Lý luận ngôn ngữ
Mã số: 62.22.02.40

LUẬN ÁN TIẾN SỸ NGÔN NGỮ HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC

GS.TS. HOÀNG VĂN VÂN

HÀ NỘI -2015


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố
trong bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả luận án

Nguyễn Thị Hồng Vân

1




LỜI CẢM ƠN

Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới GS.TS. Hoàng Văn Vân, thầy
giáo trực tiếp hướng dẫn tôi, đã chỉ bảo tôi trong từng giai đoạn nghiên cứu để
tôi có thể hoàn thành luận án này.
Tôi xin được gửi lời cảm ơn tới các thày, cô giáo và cán bộ văn phòng
khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học
Quốc gia Hà Nội, những người đã tận tình chỉ bảo tôi, dìu dắt tôi qua các khóa
học và đã giúp đỡ tôi những thủ tục hành chính cần thiết để tôi hoàn thành luận
án.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban giám hiệu, bạn bè, đồng nghiệp đang
công tác tại Trường Phổ thông Trung học Phùng Khắc Khoan, Thạch Thất,
Hà Nội đã động viên, khích lệ và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện và
hoàn thành luận án.
Sau cùng, tôi cảm ơn gia đình đã tạo mọi điều kiện để tôi hoàn thành
luận án này.

2


MỤC LỤC
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục

MỞ ĐẦU..............................................................................................

5


1. Tính cấp thiết của đề tài..................................................................

5

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.....................................................

5

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu....................................................

6

4. Phương pháp và thủ pháp nghiên cứu................................................

7

5. Cái mới của luận án...........................................................................

7

6. Bố cục của luận án.............................................................................

8

CHƢƠNG 1. TỔNG QUAN ...........................................................................................................

10

1.1 Dẫn nhập......................................................................................................


10

1.2. Lịch sử nghiên cứu về Đề ngữ.....................................................

11

1.3. Các cách hiểu về Đề ngữ - Thuyết ngữ.........................................

13

1.3.1. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo nghĩa phân đoa ̣n thực tại câu....... 13
1.3.2. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Lưu Vân Lăng.... 16
1.3.3. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của UBKHXH…..

16

1.3.4. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Trần Ngọc Thêm
và một số nhà Việt ngữ khác................................................................

17

1.3.5. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Diệp Quang Ban

20

1.3.6. Đề ngữ - Thuyết ngữ trong các công trình so sánh - đối chiếu...

22


1.3.7. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Cao Xuân Ha ̣o...

23

3


1.4. Đề ngữ - Thuyết ngữ trong ngữ pháp chức năng của Halliday......

26

1.4.1. Dẫn nhập ………………………………… …………………………… 26
1.4.2. Mô hình ngữ pháp chức năng của Halliday ……………………………

27

1.4.3. Mô hình Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Halliday .........

27

1.4.3.1. Quan niệm về Đề ngữ của Halliday …………………………………

27

1.4.3.2. Tiêu chí nhận diện Đề ngữ và các kiểu Đề ngữ trong câu ..................

32

1.4.3.3. Chức năng của Đề ngữ ………………………………………………


35

1.5. Tiểu kết ………………………………… ………………………………. 36

CHƢƠNG 2. ĐỀ NGỮ TRONG CÂU ĐƠN TIẾNG VIỆT CÓ TRẬT
TỰ THÔNG THƢỜNG (CHỦ NGỮ ĐỨNG TRƢỚC VỊ NGỮ) ............

38

2.1. Dẫn nhập ………………………………… …………………………… 38
2.2. Khái quát về hệ thống Đề ngữ trong câu tiếng Việt ………………

38

2.2.1. Xác định Đề ngữ trong câu ………………………………………....

38

2.2.2. Ba loại Đề ngữ ……………………………………………………… 39
2.2.3. Ý nghĩa của Đề ngữ ………………………………………………....

40

2.2.4. Đề ngữ đánh dấu và Đề ngữ không đánh dấu …………………..

43

2.2.5. Kiểu cấu tạo của phần đề: Đề ngữ đơn thành phần và Đề ngữ đa
thành phần ……………………………………………………………..


45

2.3. Đề ngữ trong dạng chủ động của câu đơn tiếng Việt ……………..

49

2.3.1. Đề ngữ đơn thành phần …………………………………………

51

2.3.1.1. Đề ngữ không đánh dấu – Cấu tạo và tần số xuất hiện ……….

51

2.3.1.2. Đề ngữ không đánh dấu – Chức năng thông báo ……………..

56

2.3.1.3. Đề ngữ đánh dấu – Cấu tạo và tần số xuất hiện ………………

57

2.3.1.4. Đề ngữ đánh dấu – Chức năng thông báo …………………….

66

2.3.2. Đề ngữ đa thành phần ……………………………………………… 71

4



2.3.2.1. Đề ngữ đa thành phần – Cấu tạo và tần số xuất hiện …………

74

2.3.2.2. Đề ngữ đa thành phần – Chức năng thông báo ……………….

87

2.4. Đề ngữ trong dạng bị động của câu đơn tiếng Việt ………………

88

2.4.1. Cấu tạo ………………………………… …………………………… 89
2.4.2. Chức năng thông báo ……………………………………………….

90

2.5. Đề ngữ trong quan hệ với Thức của câu ………………………….

92

2.5.1. Đề ngữ trong câu nghi vấn ………………………………………… 92
2.5.1.1. Đề ngữ trong câu nghi vấn dùng các đại từ nghi vấn …………

92

2.5.1.2. Đề ngữ trong câu nghi vấn dùng kết từ lựa chọn hay…………

93


2.5.1.3. Đề ngữ trong câu nghi vấn dùng các tiểu từ chuyên dụng ……

95

2.5.1.4. Đề ngữ trong câu nghi vấn dùng phó từ ....................................................

95

2.5.2. Đề ngữ trong câu cầu khiến ………………………………………... 97
2.5.2.1. Đề ngữ trong câu cầu khiến dùng những từ chuyên dụng hãy,
đừng, chớ, không được…………………………………………….

97

2.5.2.2. Đề ngữ trong câu cầu khiến không dùng những từ chuyên
dụng hãy, đừng, chớ, không được ………………………………
2.5.3. Đề ngữ trong câu cảm thán ………………………………………....

98
99

2.5.3.1. Đề ngữ trong câu cảm thán dùng thán từ ……………………... 100
2.5.3.2. Đề ngữ trong câu cảm thán dùng tiểu từ thay ………………… 100
2.5.3.3. Đề ngữ trong câu cảm thán dùng các phụ từ cảm thán ……………….

100

2.6. Sự nổi bật mang tính kinh nghiệm của Đề ngữ ………………………….. 100
2.7. Tiểu kết ……………………………………………………………


107

CHƢƠNG 3. ĐỀ NGỮ TRONG CÂU ĐƠN TIẾNG VIỆT CÓ TRẬT TỰ
ĐẢO (VỊ NGỮ ĐỨNG TRƢỚC CHỦ NGỮ) VÀ TRONG MỘT SỐ KIỂU
CÂU CỤ THỂ …………………………..................................................................

109

3.1. Dẫn nhập ………………………………… …………………………… 109
3.2. Đề ngữ trong câu đảo ngữ ……………………………………………. 109

5


3.2.1. Cấu tạo ………………………………… …………………………… 110
3.2.2. Chức năng thông báo ………………………………… ……………. 114
3.3. Đề ngữ trong một số kiểu câu cụ thể .................................................................

118

3.3.1. Đề ngữ trong câu hiện hữu ………………………………… ………….. 120
3.3.1.1. Cấu tạo ………………………………… …………………………. 120
3.3.1.2. Chức năng thông báo ....................................................................................

124

3.3.2. Đề ngữ trong câu đẳng thức ............................................................................

126


3.3.2.1. Cấu tạo ............................................................................................................

127

3.3.2.2. Chức năng thông báo .................................................................

129

3.4. Tiểu kết ………………………………… ……………………………... 132
CHƢƠNG 4. ĐỀ NGỮ VÀ VIỆC SỬ DỤNG ĐỀ NGỮ TRONG MỘT
NGÔN BẢN THUYẾT MINH BÓNG ĐÁ TRONG TIẾNG VIỆT
.................................................................................................................................

133

4.1. Dẫn nhập ………………………………… …………………………...

133

4.2. Kiểu Đề ngữ trong ngôn bản tường thuật trực tiếp bóng đá .........

135

4.3. Đề ngữ đánh dấu ..........................................................................

141

4.4. Phương thức phát triển Đề ngữ trong ngôn bản .....................................


142

4.5. Những kết quả thu được .......................................................................

145

4.6. Tiểu kết ..................................................................................................

146

KẾT LUẬN …………………………………………………………...

148

DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN…………………………………………………………………

152

TÀI LIỆU THAM KHẢO…………………………………………………….

153

6


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Khoảng hơn năm thập niên trở lại đây, ngôn ngữ học đã chứng kiến sự
phát triển mạnh mẽ của ngữ pháp chức năng hay còn gọi là chức năng luận,

với đối tượng nghiên cứu đã được xác định rõ ràng: ngôn ngữ như là một
phương tiện thực hiện sự giao tiếp giữa người với người (Halliday [28], [107],
[109]; Dik [98]; Hoàng Văn Vân [84], [86]). Ngữ pháp chức năng đã đặt
nhiệm vụ nghiên cứu cho mình miêu tả và giải thích các qui tắc chi phối của
ngôn ngữ trên bình diện của mặt hình thức và mặt nội dung trong mối liên hệ
có tính chức năng trong các tình huống giao tiếp xã hội (Cao Xuân Hạo [29]).
Bản chất của ngữ pháp chức năng là xem xét ngôn ngữ như một sự tương tác
xã hội. Tiêu điể m của ngữ pháp chức năng là sự sử du ̣ng ngôn ngữ . Ngữ pháp
chức năng không phải là ngữ pháp hình thức , nó không hướng về phân tích
câu mà là ngôn bản.
Nế u trước đây do ảnh hưởng của chủ nghiã cấ u trúc, câu, về cơ bản chỉ
đươ ̣c xem xét ở bin
̀ h diê ̣n ngữ pháp với cấ u trúc Chủ -Vị. Khi ngữ pháp chức
năng ra đời, câu đươ ̣c xem xét từ nhiề u phương diê ̣n với các chức năng khác
nhau. Song, nế u thành phầ n Chủ ngữ của câu đã đươ ̣c khai thác mô ̣t cách tố i
đa thì Đề ngữ trong cấu trúc Đề ngữ -Thuyế t ngữ chưa đươ ̣c nghiên cứu triê ̣t
để, đă ̣c biê ̣t là theo khung lí thuyế t của Halliday . Đó là lí do luâ ̣n án cho ̣n
“cấ u ta ̣o và chức năng thông báo của Đề ngữ tr ong câu đơn tiế ng Viê ̣t làm đề
tài nghiên cứu.
2. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Luận án vận dụng lí thuyết của Halliday về cấu trúc Đề ngữ - Thuyết
ngữ (Theme-Rheme) để nghiên cứu cấu tạo và chức năng thông báo (chức
năng ngôn bản) của Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt. Nói một cách cụ thể
7


hơn, luận án sẽ nghiên cứu Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt trong mối tương
quan với cấu tạo của câu và trong mối tương quan với chức năng thông báo
của câu. Cuối cùng, luận án sẽ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào phân tích Đề
ngữ của một ngôn bản cụ thể để chỉ ra khả năng ứng dụng mô hình Đề ngữ Thuyết ngữ của Halliday vào phân tích một ngôn bản cụ thể trong tiếng Việt –

ngôn bản tường thuật bóng đá trực tiếp.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
a. Mục đích nghiên cứu
Vâ ̣n du ̣ng khung lí thuyế t của Halliday để triể n khai vào cú pháp câu đơn
tiế ng Viê ̣t để thấ y sự đa da ̣ng của Đề ngữ trong câu đơn tiế ng Viê ̣t.
b. Nhiê ̣m vụ nghiên cứu
Luận án đề ra bốn nhiệm vụ nghiên cứu chính dưới đây:
 Tổng quan về lịch sử nghiên cứu về Đề ngữ - Thuyết ngữ; trình bày
quan điểm về Đề ngữ của các nhà nghiên cứu ngữ pháp tiêu biểu; và
đặc biệt, trình bày quan điểm về Đề ngữ do Halliday và các nhà ngôn
ngữ học chức năng hệ thống phát triển để tạo khung lí thuyết phục vụ
cho việc miêu tả về cấu tạo và xác định chức năng thông báo của Đề
ngữ trong câu đơn tiếng Việt.
 Khảo sát Đề ngữ và chức năng của Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt có
trật tự thông thường (Chủ ngữ đứng trước Vị ngữ) ở cả hai dạng chủ
động và bị động.
 Khảo sát Đề ngữ và chức năng của Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt có
trật tự không thông thường hay trật tự đảo (Vị ngữ đứng trước Chủ
ngữ) và trong một số kiểu câu cụ thể.

8


 Ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào phân tích Đề ngữ, kết cấu và
chức năng của Đề ngữ trong một ngôn bản tường thuật bóng đá trực tiếp.
4. Phƣơng pháp và thủ pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu chủ đạo của luận án là phương pháp miêu tả
ngôn ngữ và phương pháp phân tích. Phân tić h ở đây là phân tić h ngữ pháp ,
phân tić h ngữ nghiã -ngữ du ̣ng và phân tić h diễn ngôn dựa trên cơ sở thu thâ ̣p ,
phân tić h ngữ liê ̣u . Dựa trên hai phương pháp này , luận án tiến hành miêu tả

và phân tích cấu tạo, chức năng và ý nghĩa của các yếu tố đảm nhận chức
năng Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt.
Bên cạnh hai phương pháp nêu trên, luận án còn sử dụng thủ pháp luận
giải bên trong như phân loại , mô hình hóa và thủ pháp luâ ̣n giải bên ngoài là
thủ pháp thống kê để tìm ra các kiểu Đề ngữ, thống kê để xác định tần số xuất
hiện của từng kiểu Đề ngữ trong khối liệu mà luận án thu thập được, v.v.
Do phạm vi luận án được giới hạn ở phạm vi hẹp là câu đơn tiếng Việt
cho nên ngữ liệu mà luận án lấy để minh họa chủ yếu là các câu đơn, được
lấy từ các tác phẩm thơ ca, truyện ngắn, tiể u thuyế t, khẩu ngữ hằng ngày. Tuy
nhiên, khi thực hành khảo sát tầ n số xuấ t hiê ̣n của các kiể u loa ̣i Đề ngữ , luâ ̣n
án sẽ dựa vào một khối liệu cụ thể (corpus), đó là toàn bô ̣ 311 câu đơn trong
truyê ̣n ngắ n Vợ chồ ng A Phủ của Tô Hoài.
5. Cái mới của luận án
Luận án có một số điểm mới, trong đó ba điểm mới dưới đây là cơ bản:
 Luận án có lẽ là cố gắng đầu tiên trong việc sử dụng khung lí thuyết về
Đề ngữ - Thuyết ngữ trong mô hình ngữ pháp chức năng của Halliday
vào nghiên cứu một cách có hệ thống về cấu tạo và chức năng của Đề
ngữ trong câu đơn tiếng Việt ở các loa ̣i ngôn bản khác nhau (văn xuôi,

9


thơ, ngôn bản truyề n hiǹ h, khẩ u ngữ,...) đóng góp mô ̣t phầ n nào đó cho
nghiên cứu ngữ pháp nói chung , ngữ pháp văn bản nói riêng và mô ̣t
phầ n của ngôn ngữ ho ̣c ứng du ̣ng
 Hướng ứng du ̣ng lí thuyế t ngữ pháp chức năng của Halliday 9vowis bô ̣
năm tiêu chí do luâ ̣n án đề xuấ t và
trong các loa ̣i ngôn bản

o nghiên cứu câu đơn tiế ng Viê ̣t


(báo viết , ngôn bản truyề n hiǹ h , ngôn bản

chính luận, ngôn bản khoa ho ̣c...)
 Dựa trên tinh thầ n đi từ khảo sát chung đế n khảo sát trường hơ ̣p, căn cứ
vào những kết quả nghiên cứu, luận án đã vận dụng vào thực tiễn, phân
tích một ngôn bản tường thuật bóng đá trực tiếp trong tiếng Việt . Đây
đươ ̣c xem như mô ̣t nghiên cứu trường hơ ̣p (case study) trong ngôn ngữ
học xã hội.
6. Bố cục của luận án
Luận án bao gồm các phần và các chương chính sau đây:
Phần mở đầu giới thiệu tên đề tài và thống nhất một số thuật ngữ chủ
chốt sử dụng một cách nhất quán trong luận án, lí do chọn đề tài, đối tượng
nghiên cứu của luận án, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án, phương pháp
nghiên cứu của luận án, ngữ liệu minh họa trong luận án, cái mới của luận án,
và bố cục của luận án.
Chƣơng 1. Tổng quan (Lịch sử vấn đề) &Cơ sở lí thuyết – trình bày
cơ sở lí thuyết của luận án, trong đó tổng quan về lịch sử nghiên cứu về Đề
ngữ - Thuyết ngữ trong và ngoài nước, quan điểm về Đề ngữ của các nhà
nghiên cứu ngữ pháp tiêu biểu, quan điểm về Đề ngữ của Halliday, và đề xuất
cách hiểu của luận án về Đề ngữ.

10


Chƣơng 2. Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt có trật tự thông thường
(Chủ ngữ đứng trước Vị ngữ) – nghiên cứu cấu tạo và chức năng của Đề ngữ
trong câu đơn tiếng Việt, đề xuất và sử dụng một bộ gồm 5 tiêu chí để miêu
tả, phân tích và giải thích cấu tạo và chức năng của Đề ngữ. Trong quá trình
miêu tả, phân tích và giải thích, chương 2 thực hiện một số thống kê về tần số

xuất hiện của các loại Đề ngữ và nghiên cứu Đề ngữ trong mối liên hệ với cấu
trúc Thức thuộc bình diện liên nhân và chỉ ra sự nổi bật của Đề ngữ nhìn từ
bình diện kinh nghiệm.
Chƣơng 3. Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt có trật tự đảo (Vị ngữ
đứng trước Chủ ngữ) và trong một số kiểu câu cụ thể – khảo sát và phân tích
cấu tạo và chức năng của Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt có trật tự đảo (Vị
ngữ đứng trước Chủ ngữ) và trong một số kiểu câu cụ thể khác của tiếng Việt.
Chƣơng 4. Đề ngữ trong một ngôn bản thuyết minh bóng đá trong
tiếng Việt – khảo sát và phân tích Đề ngữ trong ngôn bản thuyết minh bóng
đá; phân tích các phương thức mà người nói (người tường thuật) sử dụng để
phát triển ngôn bản.
Phần kết luận tóm lược lại những nội dung đã nghiên cứu, trình bày
một số kết quả nghiên cứu về các mặt lí luận và thực tiễn, nêu hạn chế của
luận án và gợi ý hướng nghiên cứu trong tương lai.

11


CHƢƠNG 1
TỔNG QUAN
1.1. Dẫn nhập
Trong nhiều thập niên qua, Đề ngữ, một trong những phạm trù miêu tả
quan trọng nhất trong bất kì ngôn ngữ nào, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm
của các nhà ngôn ngữ học. Liên quan đến khái niệm quan trọng này, các nhà
nghiên cứu thường đặt ra một loạt những câu hỏi như Đề ngữ là gì? Đề ngữ
được nhận diện như thế nào? Đề ngữ có cấu trúc như thế nào? Đề ngữ có
chức năng gì? Trong một câu thì Đề ngữ kết thúc ở đâu và Thuyết ngữ bắt
đầu từ đâu? Đề ngữ nên được mô hình hoá theo kiểu nào để có thể thể hiện
được đúng bản chất và chức năng của khái niệm: theo „phân đoạn tính‟ hay
thành tố (như các nhà ngôn ngữ học thuộc trường phái Praha và châu Âu

thường thiết lập) hay theo „làn sóng‟ (như các nhà ngôn ngữ học chức năng hệ
thống thiết lập)? Đề ngữ có phải là một khái niệm phổ niệm cho mọi ngôn
ngữ không? Có phải có ngôn ngữ chỉ có cấu trúc Đề ngữ -Thuyết ngữ và,
ngược lại, có ngôn ngữ chỉ có cấu trúc Chủ - Vị không? Đề ngữ - Thuyết ngữ
và thông tin Cũ - thông tin Mới có là một không? Nếu không phải là một thì
chúng có quan hệ với nhau như thế nào?, và v.v. Những câu hỏi này và có thể
một loạt những câu hỏi khác có thể được đặt ra khi nghiên cứu về Đề ngữ.
Khuôn khổ của công trình này không cho phép luận án đề cập đến tất cả
những câu hỏi đặt ra ở trên. Trái lại, việc mà luận án dự định làm là tổng quan
vắn tắt lịch sử nghiên cứu về Đề ngữ. Mục này được tiếp nối bằng các mục
trong đó luận án trình bày các cách hiểu về Đề ngữ của một số nhà nghiên cứu
ngữ pháp trên thế giới và ở trong nước. Sau đó, luận án sẽ trình bày mô hình
Đề ngữ - Thuyết ngữ trong khung lí thuyết ngữ pháp chức năng do Halliday
và các nhà ngôn ngữ học chức năng hệ thống phát triển – một mô hình được
12


luận án vận dụng, lấy nó làm khung lí thuyết để nghiên cứu về cấu tạo và
chức năng của Đề ngữ trong câu đơn tiếng Việt.
1.2. Lịch sử nghiên cứu về Đề ngữ
Theo Halliday [111], Robins [54], Cao Xuân Hạo [29], Hoàng Văn Vân
[89], [91], khái niệm Đề ngữ có nguồn gốc từ hai cách tiếp cận ngôn ngữ khác
nhau từ thời cổ Hi Lạp: cách tiếp cận từ bình diện tu từ và cách tiếp cận từ
bình diện lôgic. Đại diện tương ứng của hai cách tiếp cận này chính là các nhà
quỷ biện (the sophists) và Aristotle. Các nhà quỷ biện quan tâm đến tu từ, đến
bản chất của lập luận, và do đó họ quan tâm đến cấu trúc của ngôn bản. Ngày
nay, những gì chúng ta biết được về các nhà nghiên cứu ngữ pháp Hi Lạp cổ
đại cho thấy rằng họ đã hoàn toàn quen với các phạm trù ngữ pháp sơ đẳng
như giống, số và cách trong các ngôn ngữ Ấn-Âu. Chúng ta không biết họ
phân tích câu sâu và chi tiết đến đâu, nhưng theo những cứ liệu còn lại ngày

nay thì dường như một trong những thành tựu phân tích ngôn ngữ học có giá
trị nhất của họ là một ngôn bản gồm hai phần óυομα (sự vật/danh từ) và pήμα
(hành động/động từ). Đây là cách phân tích một đơn vị ngôn bản được xem
như là một cái gì đó có thể được tranh cãi, được khẳng định, bị phủ định, bị
bác bỏ, hoặc bị ngờ vực. Nó không phải là cách phân tích câu theo cấu trúc
lôgic, bởi vì nó không nói bất kì điều gì liên quan đến giá trị chân thực. Vậy ý
nghĩa của hai thành phần óυομα và pήμα theo quan điểm của các nhà quỷ biện
là gì? Dưới đây là cách mà Platon, một triết gia Hi Lạp cổ đại giới thiệu hai
thuật ngữ này trong quan điểm của các nhà quỷ biện thông qua lời nói của
một người có tên là Stranger (người lạ) (dẫn theo Halliday [111; 35], Hoàng
Văn Vân [88; 1]): “Có hai cách diễn đạt về sự vật tồn tại trong âm thanh …
Đó là cách diễn đạt hành động được gọi là pήμα. Tín hiệu âm thanh chỉ những
người thực hiện hành động được gọi là óυομα. Và sau đó, “nếu chúng ta kết
hợp pήματα với óυοματα lại với nhau, thì chúng ta không những gọi tên mà
13


chúng ta còn hành động một cái gì đó.” Nét nghĩa này liên quan đến chức
năng LIÊN NHÂN của ngôn ngữ mà một trong những khái niệm chủ chốt của nó
là Chủ ngữ.
Cũng từ những tư liệu của họ và về Aristotle và các nhà quỷ biện, có
thể thấy các nhà quỷ biện đã tiến hành hai bước tiếp theo để hình thành nên
quan điểm của họ về ngôn ngữ, và cũng từ hai bước này, người ta có thể hiểu
được quan niệm của họ về Đề ngữ. Thứ nhất, họ xác định các lớp ngữ pháp
dựa vào ý nghĩa phạm trù: động từ diễn đạt hành động, danh từ diễn đạt kẻ
gây ra hành động; động từ và danh từ là tên gọi của các lớp từ nhưng chúng
lại được định nghĩa thông qua các chức năng của chúng trong sự thể hiện
ngôn ngữ của các hành động và sự kiện. Nét nghĩa này liên quan đến chức
năng


CHUYỂN TÁC

của ngôn ngữ mà một trong những khái niệm chủ chốt của

nó là Hành thể (chi tiết, xin xem Halliday [28], [111]; Halliday &
Matthiessen [112]; Hoàng Văn Vân [86], [89], [91], [124]). Bước thứ hai,
theo quan điểm của các nhà quỷ biện, danh từ đồng thời có chức năng như là
“cái mà ngôn bản nói về”, động từ đồng thời là thành phần “nói về ngôn bản
đó”; hai thành phần này kết hợp lại với nhau hình thành nên một đơn vị mà họ
gọi là “ngôn bản” (λóγοϛ). Halliday [111], Hoàng Văn Vân [89], [91] cho
rằng mặc dù nhà quỷ biện không đặt tên chức năng cho danh từ và động từ
trong nét nghĩa này, nhưng theo những gì được trình bày, có thể khẳng định
rằng chúng liên quan đến chức năng

NGÔN BẢN

của ngôn ngữ mà một trong

những khái niệm chủ chốt của nó chính là Đề ngữ (Theme).
Theo Hoàng Văn Vân [89], [91], qua quá trình phát triển của lịch sử ngôn ngữ
học, người ta không thể truy nguyên được khái niệm Đề ngữ một cách liền
mạch. Mãi đến cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930, khái niệm Đề
ngữ mới xuất hiện trở lại trong ngôn ngữ học chính dòng, và người có công
lớn nhất trong việc đem lại vị trí xứng đáng của Đề ngữ trong câu “như là một
14


thông điệp” (Halliday [111]) chính là nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Tiệp
Khắc cũ Vilém Mathesius. Từ đó đến nay, khái niệm quan trọng này không
những được các nhà ngôn ngữ học thuộc trường phái Praha hậu Mathesius

như Daneš [96], [97]; Vachek [123]; Firbas [101] phát triển mà nó còn được
cả các nhà ngôn ngữ học trên thế giới, kể cả ở Việt Nam nghiên cứu từ nhiều
cách tiếp cận khác nhau như Dik [98]; Halliday [28], [107], [110], [111],
Halliday & Matthiessen [112]; Fries [100]; Chafe [94]; Cao Xuân Hạo [29];
UBKHXH [75]; Lý Toàn Thắng [62], [63]; Trần Ngọc Thêm [64], [65]; Diệp
Quang Ban [9]; Hoàng Văn Vân [89], [90]; Dyvik [99]; Thompson [122];
Đào Thanh Lan [39]; Nguyễn Hồng Cổn [13], [14], v.v.. Tuy nhiên, Đề ngữ là
gì và Đề ngữ được thể hiện như thế nào trong các ngôn ngữ trên thế giới, và
thậm chí trong cùng một ngôn ngữ dường như vẫn là những câu hỏi cần phải
nghiên cứu tiếp để làm rõ hơn. Đây là trọng tâm của những phần tổng quan
dưới đây của luận án.
1.3. Các cách hiểu về Đề ngữ - Thuyết ngữ
1.3.1. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo nghĩa phân đoa ̣n thực tại câu
Như trên đã đề cập ở trên, người khởi đầu và đặt nền móng cho việc
nghiên cứu “phối cảnh câu chức năng” (functional sentence perspective) liên
quan trực tiếp đến kết cấu và ý nghĩa của hai thành phần của câu như là một
thông điệp là nhà ngôn ngữ học chức năng nổi tiếng Vilem Mathesius và các
học giả khác thuộc nhóm ngôn ngữ học Praha, mà những nghiên cứu của họ
thường được gặp dưới cái tên lí thuyết phân đoạn thực tại (actual division)
của câu. Thay vì nhằm vào câu, Mathesius nhằm vào thực tại, giải quyết
những mối quan hệ về cú pháp nhưng nằm trong thực tại (Lý Toàn Thắng
[62], Hoàng Văn Vân [89], [90], [91]). Lý Toàn Thắng đã giới thiệu và vận
dụng sự đối lập lưỡng phân Đề ngữ - Thuyết ngữ của trường phái ngôn ngữ

15


học Praha vào phân tích cấu trúc phân đoạn thực tại của câu tiếng Việt. Theo
Lý Toàn Thắng (ibid.), Đề ngữ (ông gọi là chủ đề) có thể đứng trước hoặc sau
Thuyết ngữ (ông gọi là thuật đề) và trật tự đó có thể trùng hay không trùng

hợp với trật tự của Chủ ngữ, Vị ngữ trong câu. Các phân tích của Lý Toàn
Thắng nghiêng về việc coi Đề ngữ là “cái được nói đến” hay là “phần được
giải thích” và Thuyế t ngữ là cái “nói về chủ đề” hay “giải thích cho chủ đề”.
Xét trong mối quan hệ với thông tin người nói định truyền đạt và người
nghe muốn tiếp nhận, cấu trúc câu được phân chia thành hai phần là Đề ngữ
(Theme) và Thuyết ngữ (Rheme), trong đó Đề ngữ là bộ phận biểu thị “cái đã
biết” hay “Thông tin cũ” còn Thuyế t ng ữ biểu thị “cái chưa biết” hay “Thông
tin mới” (Hoàng Văn Vân [89]). Sự phân đoạn cấu trúc thông tin thực tại của
câu thành Đề ngữ - Thuyết ngữ theo tiêu chí “Thông tin cũ - Thông tin mới”
được phân biệt với sự phân đoạn cấu trúc cú pháp của câu thành Chủ ngữ - Vị
ngữ dựa trên các tiêu chí hình thức và/hoặc ngữ nghĩa (xin xem thêm Lê Xuân
Thại [56], [57]).
Tư tưởng của Mathesius và trường phái ngôn ngữ học Praha về sự phân
đoạn thực tại của câu đã được một số nhà nghiên cứu tiếp thu và phát triển
theo những hướng khác nhau, trong đó Li & Thomson [118], Dyvik [99] và
Thompson [122] có thể là tiêu biểu. Trong công trình nghiên cứu của mình có
nhan đề Subject and Topic: A New Typology of Language (Chủ ngữ và chủ
đề: Một loại hình ngôn ngữ mới), Li & Thompson [118] đã thực hiện một sự
phân loại loại hình học mới, phân chia các ngôn ngữ ra thành ngôn ngữ thiên
Chủ ngữ và các ngôn ngữ thiên chủ đề. Các ngôn ngữ thiên chủ đề, theo Li &
Thompson (ibid.), là các ngôn ngữ mà trong đó, các danh ngữ đáp ứng được
một số lượng quá ít ỏi các thuộc tính được dùng làm tiêu chí xác định Chủ
ngữ phổ quát đó tức là chúng ít “ra vẻ là Chủ ngữ” [118; 116]. Các tác giả
đưa ra một bảng tiêu chí để phân biệt ngôn ngữ thiên Chủ ngữ và ngôn ngữ
16


thiên Chủ đề trong câu. Theo cách phân loại này, tiếng Việt, tiếng Hán và các
ngôn ngữ đơn lập khác, thuộc vào ngôn ngữ có cấu trúc thiên Chủ đề (chi tiết
hơn, xem thêm Cao Xuân Hạo [29] ; Hoàng Văn Vân [86], [124]). Li và

Thompson (ibid.) còn đi xa hơn nữa, đề xuất một gợi ý quan trọng rằng có thể
mô tả những ngôn ngữ như tiếng Hán và tiếng Việt không phải bằng cấu trúc
Chủ - Vị mà bằng cấu trúc mà luận án này gọi là Đề ngữ - Thuyết ngữ.
Trong một công trình nghiên cứu có nhan đề Subject of Topic in
Vietnamese (Chủ ngữ của chủ đề trong tiếng Việt), Dyvik [99] cũng chỉ ra
rằng tiếng Việt được xác định là ngôn ngữ thiên Chủ đề. Tuy nhiên, bởi vì
khả năng tiếng Việt có thể có cấu trúc bị động nên người ta hoàn toàn có thể
nghĩ đến việc có một cấu trúc Chủ - Vị song song và tách biệt hẳn với cấu
trúc Đề ngữ - Thuyết ngữ [99; 63]. Như vậy, trong quan điểm nghiên cứu của
mình, Dyvik công nhận trong tiếng Việt có khả năng tồn tại cả Chủ ngữ
(Subject) và Chủ đề (Topic).
Trong một công trình nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt được đánh giá
là một trong những công trình nghiên cứu thấu đáo nhất về tiếng Việt của
người nước ngoài sử dụng khung lí thuyết miêu tả của Mĩ, học giả người Mĩ
Thompson [122] đã có cách nhìn mới về cấu trúc câu trong tiếng Việt (Cao
Xuân Hạo [29], Hoàng Văn Vân [124]). Theo Thompson [122; 81], “tiếng
Việt không có chủ ngữ ngữ pháp mà chỉ có chủ đề lôgic”. Những miêu tả của
ông về câu tiếng Việt thực chất đã tạo cơ sở để một số nhà nghiên cứu tiếng
Việt sau này xếp tiếng Việt vào nhóm “ngôn ngữ thiên chủ đề” (Cao Xuân
Hạo [29]). Phần lớn những gì được ông gọi là Bổ ngữ chủ đề và các thành
phần tiêu điểm (focal elements) khác về sau được những nhà ngữ pháp chức
năng gọi là Đề ngữ trong cấu trúc Đề ngữ - Thuyết ngữ và được coi là “ cấu
trúc cú pháp cơ bản của câu tiếng Việt” (Cao Xuân Hạo [29]).

17


1.3.2. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Lƣu Vân Lăng
Chịu ảnh hưởng của lí thuyết phân đoạn thực tại cùng những nghiên
cứu về cái gọi là “phối cảnh chức năng‟ của câu, Lưu Vân Lăng [41], [43] đã

sớm áp dụng khái niệm tương đương với hai khái niệm Đề ngữ và Thuyết ngữ
để miêu tả nòng cốt câu tiếng Việt, thay thế cho cấu trúc Chủ - Vị truyền
thống. Lưu Vân Lăng (ibid.) cho rằng, đối với các ngôn ngữ không biến hình
như tiếng Hán hay tiếng Việt, việc “phân biệt Đề ngữ - Thuyết ngữ khác với
Chủ ngữ - Vị ngữ cũng như phân biệt Chủ ngữ khác với Chủ đề, hay Chủ ngữ
tâm lí, phân biệt Chủ ngữ ngữ pháp hình thức khác với Chủ ngữ lôgic, ngữ
nghĩa không những không cần thiết mà còn thiếu căn cứ vững chắc. Lưu Vân
Lăng [41] thậm chí còn đi xa hơn nữa, khẳng định rằng “chỉ cần phân biệt
phân tích ngữ pháp với phân tích thông tin mới” là được.
Lưu Vân Lăng với lí thuyết phân tích câu theo ngữ đoạn tầng bậc có hạt
nhân [41] chủ trương gạt bỏ khái niệm Chủ - Vị mà dùng khái niệm Đề ngữ Thuyế t ngữ. Ông chủ trương phân tích cú pháp nên xét cả hình thức cấu trúc
lẫn nội dung ngữ nghĩa, chức năng. Đề ngữ - Thuyết ngữ là những thành tố
nòng cốt tạo nên mô hình cấu trúc câu, tạo nên cấu trúc hạt nhân của câu [41;
12-15]. Về bản chất, cặp khái niệm mà Lưu Vân Lăng sử dụng không khác
cặp khái niệm Chủ ngữ - Vị ngữ của ngữ pháp truyền thống. Chúng thậm chí
còn khác xa với cặp khái niệm Sở đề - Sở thuyết theo cách hiểu của Cao Xuân
Hạo [29]. Như vậy, mặc dù có một số điểm tương đồng và mặc dù đều coi Đề
ngữ - Thuyết ngữ là câu trúc cơ bản của câu tiếng Viêt, nhưng về cơ sở lí
luận, Lưu Vân Lăng và Cao Xuân Hạo không giống nhau.
1.3.3. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của UBKHXH
Trong công trình nghiên cứu của tập thể các học giả có tên là
UBKHXH (Ủy ban Khoa học Xã Hội) với nhan đề Ngữ pháp tiếng Việt [75],

18


câu cũng được mô tả và phân tích theo cấu trúc Đề ngữ - Thuyết ngữ. Theo
UBKHXH [75; 82], thành phần Đề ngữ xét về quá trình tư duy là một yếu tố
biểu thị một phán đoán, một sự phản ánh tương đối đầy đủ của một thực tại
nhất định vào nhận thức. Đề ngữ thể hiện sự vật hiện tượng, chủ đề được nói

đến xét về quá trình thông báo, Đề ngữ là yếu tố thứ nhất của cấu trúc Đề ngữ
- Thuyết ngữ “nói cái gì”. Về trật tự Đề ngữ luôn đứng trước Thuyết ngữ. Từ
những nội dung trình bày trong công trình nghiên cứu, có thể thấy rằng tên
gọi mà UBKHXH gán cho chức năng của hai thành phân trong câu trùng với
tên gọi của hai thuật ngữ Đề ngữ và Thuyết ngữ trong ngữ pháp chức năng
sau này nhưng về bản chất thì chúng rất gần với hai tên gọi Chủ ngữ và Vị
ngữ trong ngữ pháp truyền thống. Điều này có thể thấy trong cách phân tích
câu Xã bên lúa tốt của UBKHXH. Theo cách phân tích này, Xã bên, thay vì là
Đề ngữ như trong ngữ pháp chức năng, là thành phần tình huống và được cho
là nằm ngoài nòng cốt của câu, lúa là Đề ngữ và tốt là Thuyết ngữ (chi tiết
hơn về điểm này, xin xem thêm Diệp Quang Ban [8], Lưu Vân Lăng [41],
[42], UBKHXH [75], Hoàng Văn Vân [86], [124]).
1.3.4. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Trần Ngọc Thêm và
một số nhà Việt ngữ khác
Trong công trình nghiên cứu công bố lần đầu tiên vào năm 1985, tái
bản năm 1999 với nhan đề Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Trần Ngọc
Thêm [64] đã khái quát sự phân đoạn thông báo (với cấu trúc nêu và báo) vào
trong cấu trúc của mọi câu. Ông chia câu thành hai phần. Phần một là đối
tượng được nêu ra để thông báo, là trung tâm tổ chức (hay trung tâm ngữ
pháp) của câu được gọi là chủ đề. Phần hai là phần thông báo về chủ đề, là
trung tâm thông tin (hay trung tâm ngữ nghĩa) của câu được gọi là thuật đề và
nó (thuật đề) luôn luôn đứng sau phần chủ đề. Trần Ngọc Thêm (ibid.) gọi
cấu trúc này là phân đoạn nội dung của câu. Theo ông, nếu một câu có đủ cả
19


hai phần chủ đề và thuật đề thì nó sẽ hoàn chỉnh về cấu trúc. Như vậy, chủ đề
là một trong hai thành phần chính của nòng cốt câu: chủ đề và thuật đề, trong
đó, chủ đề đứng trước, thuật đề đứng sau, chúng đều là những thành tố bắt
buộc trong câu.Trong các phát ngôn, cấu trúc chủ đề -thuật đề (tức cấu trúc

thông báo - người viết) được cụ thể hóa bằng các cấu trúc ngữ pháp nòng cốt.
Cấu trúc ngữ pháp nòng cốt được cấu tạo từ các thành phần chính của câu.
Nghĩa là trong cấu trúc nòng cốt, chủ đề và thuật đề được thể hiện bằng một
hoặc một số thành phần chính khác nhau. Trần Ngọc Thêm so sánh hai cặp
khái niệm Đề ngữ - Thuyết ngữ và Chủ - Vị. Ông chỉ ra rằng hai cặp quan hệ
này hoàn toàn không đồng nhất với nhau. Theo đó, cấu trúc Chủ - Vị đóng vai
trò như các cấu trúc nòng cốt bộ phận của cấu trúc Đề - Thuyết. Trong công
trình của mình, Trần Ngọc Thêm xác định lại 4 kiểu cấu trúc Đề ngữ - Thuyết
ngữ nòng cốt mà lần lượt được ông gọi là (a) nòng cốt đặc trưng (C-Vđ), (b)
nòng cốt quan hệ (C-Vq-B), (c) nòng cốt tồn tại (Tr-Vt-B), và (d) nòng cốt
qua lại (xV-yV‟) trong đó bao gồm nòng cốt Chủ - Vị hoàn chỉnh (nòng cốt
đặc trưng và nòng cốt quan hệ) và một nòng cốt Chủ - Vị không có Chủ ngữ
(nòng cốt tồn tại).
Từ những gì được trình bày trong công trình nghiên cứu của mình, có
thể thấy rằng giải pháp của ông chỉ khác với cách phân tích theo quan điểm
Chủ - Vị ở chỗ cấu trúc qua lại được coi như là câu đơn có một nòng cốt ĐềThuyết chứ không phải là một câu ghép với hai nòng cốt Chủ - Vị theo quan
điểm truyền thống. Điều đó cho thấy giải pháp của Trần Ngọc Thêm chưa
thực sự thoát li khỏi cách tiếp cận câu theo cấu trúc Chủ - Vị truyền thống.
Hơn nữa, quan niệm phần Đề ngữ là trung tâm ngữ pháp và kết hợp với phần
Thuyết ngữ là trung tâm ngữ nghĩa cho thấy tác giả đã không chọn dứt khoát
đứng ở địa hạt ngữ pháp hay ngữ nghĩa để xác định nòng cốt câu mà có lẽ là
kết hợp của cả hai địa hạt này. Như vậy, có thể khẳng định rằng so với các
20


học giả đã tổng quan ở trên, quan điểm về Đề ngữ - Thuyết ngữ của Trần
Ngọc Thêm mang tính trung gian.
Một số nhà ngữ pháp tiếng Việt khác cũng có xu hướng nghiên cứu cấu
trúc câu tiếng Việt từ quan điểm chức năng. Trong một số bài báo khoa học
của mình, Nguyễn Hồng Cổn [13], [14] đề xuất một giải pháp áp dụng cho

việc phân tích cấu trúc cú pháp tiếng Việt. Đó là việc chấp nhận cấu trúc Chủ
- Vị khi xem xét vấn đề dưới góc độ loại hình và phổ niệm ngôn ngữ. Ông
cho rằng việc phủ nhận hoàn toàn cấu trúc Chủ - Vị đã “vạch ra một ranh giới
quá rạch ròi, thậm chí gần như đối lập giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ được
coi là chỉ có chủ đề mà không có Chủ ngữ với các ngôn ngữ chỉ có Chủ ngữ
mà không có Chủ đề, một sự đối lập mà ngay cả các tác giả đề xuất phân biệt
các loại hình “thiên Chủ ngữ” và “thiên Chủ đề” cũng chưa nói tới” [14; 715]. Từ đó Nguyễn Hồng Cổn xác nhận vai trò của cấu trúc Chủ - Vị với tư
cách là cấu trúc cú pháp của cú nhằm mã hóa nghĩa biểu hiện của nó và vai
trò của cấu trúc Đề ngữ - Thuyết ngữ với tư cách là cấu trúc cú pháp của câu
nhằm tổ chức và truyền đạt một thông điệp. Như vậy kết cấu Chủ - Vị theo
quan điểm của tác giả được đẩy xuống là cấu trúc cú pháp của cú chứ không
còn là của câu nữa.
Trong luận án tiến sĩ và sau đó được in thành sách chuyên khảo có nhan
đề Phân tích câu đơn hai thành phần tiếng Việt theo cấu trúc Đề ngữ - Thuyết
ngữ, Đào Thanh Lan [39], [40] tiếp cận câu tiếng Việt theo hướng chức năng.
Chịu ảnh hưởng của Lưu Vân Lăng [41], [42], [43], Đào Thanh Lan (ibid.)
lấy những quan điểm của ông làm xuất phát điểm cho nội dung nghiên cứu
của mình khi nghiên cứu về Đề ngữ và Thuyết ngữ trong câu tiếng Việt. Mặc
dù khung lí thuyết Đào Thanh Lan sử dựng để nghiên cứu và phân tích cấu
tiếng Việt không mới, nhưng những kết quả thu được từ công trình nghiên
cứu của bà tỏ ra rất đáng khích lệ.
21


1.3.5. Đề ngữ - Thuyết ngữ hiểu theo quan điểm của Diệp Quang Ban
Ngữ pháp chức năng hiê ̣n đa ̣i ra đời là vì những bất cập của ngữ pháp
cấu trúc. Ngữ pháp chức năng thiên về hệ thống, từ bình diện ngôn ngữ sang
bình diện lời nói, vai trò của sự tương tác xã hội (Halliday [28], Hoàng Văn
Vân [84], Dik [98]). Ngữ pháp chức năng là sự kế thừa và phát triể n của ngữ
pháp chức năng luận (trường phái Praha ) [109], [111], [112], [116]. Tại đây,

yế u tố chức năng thể hiê ̣n mă ̣t đô ̣n g của ngôn ngữ . Như đã thảo luận ở những
mục trên, từ những năm 1930, với trường phái Praha, ngữ pháp không thể chỉ
là ngữ pháp sơ đồ hay mô hình biểu thị mặt tĩnh của ngôn ngữ , dù cho đó là
mô hin
̀ h Chủ - Vị có khả năng bao gồm các thành phần phụ như Định ngữ, Bổ
ngữ, Trạng ngữ (Phụ ngữ)... trong lòng nó hay là mô hiǹ h lôgic của mê ̣nh đề ;
mà cả hai thứ mô hình này từng song song ngự trị trong ngữ pháp học châu
Âu và rô ̣ng ra là ngữ pháp ho ̣c thế giới vài ngàn năm trước đó. Ngữ pháp chức
năng chin
́ h là mô ̣t thứ ngữ pháp hành chức , thứ ngữ pháp số ng trong lời nói
và đòi được xem xét trong lời nói

. Đó là nguyên nhân của sự sản sinh ra

phương pháp phân đoạn thực tại câu. Đây là một quan điểm mới , tiến bộ hơn
so với ngữ pháp truyền thống [8]. Các nhà ngữ pháp chức năng hiện đại như
Cao Xuân Hạo [29], Dik [98], v.v. dường như đều nhất trí cho rằ ng ngữ pháp
đươ ̣c quan niê ̣m gồ m có ba bình diện: (a) hình thái cú pháp hay kết học (nghĩa
là, câu được phân ra thành Chủ ngữ - Vị ngữ); (b) ngữ nghĩa - sở chỉ hay
nghĩa học (nghĩa là, câu được phân phân ra thành tham thể và quá trình); và
(c) phát ngôn theo tôn ti hay dụng học (nghĩa là, câu được phân ra thành Đề
ngữ - Thuyết ngữ). Đi theo cách tiếp cận này và sử dụng mốt số quan niệm
của Halliday về cấu trúc Đề ngữ - Thuyết ngữ trong câu, Diệp Quang Ban [9]
đã mô tả và phân tích cấu trúc và chức năng của Đề ngữ - Thuyết ngữ trong
câu tiếng Việt. Khác với nhiều nhà nghiên cứu khác, những người dường như
phân tích câu hoặc theo cấu trúc Chủ - Vị hoặc theo cấu trúc Đề ngữ - Thuyết
22


ngữ, trong công trình nghiên cứu của mình có nhan đề Ngữ pháp tiếng Việt,

Diệp Quang Ban [9] cho rằng câu tiếng Việt được tổ chức theo bốn kiểu cấu
trúc, trong đó ba cấu trúc tương ứng với ba cấu trúc của Halliday và các nhà
ngữ pháp chức năng hệ thống khác: (a) cấu trúc nghĩa biểu hiện được hiện
thực hóa trong các kiểu quá trình; (b) cấu trúc nghĩa liên nhân được hiện thực
hóa qua cấu trúc Thức; và (c) cấu trúc nghĩa ngôn bản được hiện thực hóa qua
cấu Đề ngữ - Thuyết ngữ, và một cấu trúc cú pháp truyền thống - cấu trúc
Chủ - Vị. Diệp Quang Ban (ibid.) cho rằng phân tích phối hợp cả bốn kiểu
cấu trúc sẽ làm rõ thêm ý nghĩa và cấu trúc của câu.
Tiếp nhận cách nhìn các quan hệ trong câu của Halliday, Diệp Quang Ban [9],
đưa quan hệ Đề ngữ -Thuyết ngữ vào chức năng tạo lập ngôn bản. Quan hệ Đề
ngữ -Thuyết ngữ là quan hệ trật tự tuyến tính, phản ánh yếu tố lô gic và yếu tố
kinh nghiệm trong việc tổ chức lời nói của người nói. Cấu trúc Đề ngữ -Thuyết
ngữ là cấu trúc thông báo của câu (cấu trúc của câu xét như một thông điệp).
Nó là một hiện tượng phổ quát có mặt trong mọi ngôn ngữ. Nó là cách tổ chức
ý thông qua việc phân đoạn câu thành những bộ phận thực hiện chức năng nào
đó trong quá trình giao tiếp nói chung. Việc sắp xếp các bộ phận ý trong câu
cho thấy cách nhìn nhận, đánh giá sự việc nói trong câu của người nói. Trong
một câu, nếu được chia thành hai phần thì Đề ngữ bao giờ cũng đứng trước
Thuyết ngữ , vô luân là nó trùng với Chủ ngữ, Phụ ngữ (Trạng ngữ câu, cụm
trạng từ); phần còn lại khi cần thì gọi là Thuyết ngữ. Cấu trúc Đề ngữ-Thuyết
ngữ xét về công dụng trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ thì bám chắc hơn vào
nhiệm vụ diễn đạt trong tình huống dùng câu. Còn cấu trúc Chủ Vị thì bám
chắc hơn vào mối liên hệ lôgic giữa hai thành phần của câu: Chủ ngữ và Vị
ngữ, nghĩa là giữa hai thành tố trực tiếp phản ánh sự việc trong cấu tạo câu.
Mặt khác, Đề ngữ và Thuyết ngữ cũng không thể đồng nhất với cấu trúc Thông
tin cũ-Thông tin mới được. Trong giao tiếp, có những thành phần làm Đề ngữ
23


lại là Thông tin cũ; có những thành phần câu là Thuyết ngữ nhưng lại không

phải là Thông tin mới. Với cách tiếp cận kết hợp giữa ngữ pháp truyền thống
với ngữ pháp chức năng, Diệp Quang Ban đã có những thành công trong việc
mô tả và phân tích cấu trúc và chức năng của Đề ngữ và các kiểu Đề ngữ
trong câu tiếng Việt.
1.3.6. Đề ngữ - Thuyết ngữ trong các công trình so sánh - đối chiếu
Trong các công trình nghiên cứu so sánh - đối chiếu về cấu trức Đề ngữ
- Thuyết ngữ hiện có ở Việt Nam, hai công trình đáng được nhắc tên là luận
án tiến sĩ với nhan đề Đối chiếu phần đề câu tiếng Anh với phần đề câu tiếng
Việt của Nguyễn Thượng Hùng [36] và luận án tiến sĩ với nhan đề Thematic
Structure in English and Vietnamese: A Systemic Functional Comparison
(Cấu trúc Đề ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt: So sánh theo quan điểm chức
năng hệ thống) của Đỗ Tuấn Minh [117]. Trong công trình nghiên cứu của
mình, Nguyễn Thượng Hùng [36] sử dụng một phần những quan niệm về Đề
ngữ trong lí luận tầng bậc hạt nhân của Lưu Vân Lăng [41]. Ông cũng sử
dụng một phần những quan niệm của Halliday [28], [110], [111] và của
Givón [102], [103], [104] rằng đa số trường hợp Đề ngữ và Chủ ngữ trùng
làm một. Dựa vào những quan điểm này, Nguyễn Thượng Hùng [36] đã dùng
khái niệm Đề ngữ mà không dùng khái niệm Chủ ngữ để đối chiếu thành phần
này giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Giống như với nghiên cứu của Đào Thanh
Lan [39], [40], nghiên cứu của Nguyễn Thượng Hùng cũng thu được những
kết quả đáng khích lệ, chỉ ra được những điểm tương đồng và dị biệt về Đề
ngữ trong câu tiếng Anh và tiếng Việt.
Khác với Nguyễn Thượng Hùng, Đỗ Tuấn Minh [117] không sử dụng
nhiều nhiều khung lí thuyết để nghiên cứu cấu trúc Đề ngữ - Thuyết ngữ trong
câu tiếng Anh và tiếng Việt. Áp dụng một cách khá triệt để mô hình Đề ngữ -

24



×