Tải bản đầy đủ (.docx) (21 trang)

Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh ký hợp đồng đại lý bán hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty cổ phần Bảo An

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.74 KB, 21 trang )

ĐỀ BÀI SỐ 12 :
Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh ký hợp đồng đại lý bán hoa
quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty cổ phần Bảo An. Trong hợp đồng các bên
thỏa thuận như sau:
- Công ty cổ phần Bảo An chỉ giao đại lý trên địa bàn Hà Nội đối với
mặt hàng hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty TNHH 1 thành viên Nam
Khánh;
- Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh được quyền tổ chức một hệ
thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc bán hoa quả sấy khô Đà Lạt cho
Công ty cổ phần Bảo An.
- Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này được giải quyết bởi trọng
tài thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành.
1. Xác định hình thức đại lý?
2. Ngày 10/9/2017, Công ty cổ phần Bảo An đã giao đầy đủ 1000 gói hoa quả
sấy khô Đà Lạt (200g) theo như thỏa thuận của hai bên. Ngày 25/9/2017, kho chứa
hàng của Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh bị cháy, 700 gói bị hỏng. Xác
định thiệt hại thuộc về bên nào?
3. Để xúc tiến việc bán hàng, Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh tiến
hành chương trình khuyến mại bốc thăm trúng thưởng trên toàn hệ thống các đại lý
của mình.
Hỏi: Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh cần thực hiện những thủ tục
gì?
4. Hợp đồng đại lý được giao kết bởi ông Minh (Giám đốc công ty cổ phần
Bảo An) và anh Khánh (Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh). Hãy

1


cho biết hiệu lực của thỏa thuận trọng tài? Nếu một trong hai công ty khởi kiện ra
Tòa án thì Tòa án có thể thụ lý đơn khởi kiện không?


MỞ ĐẦU
Các hoạt động thương mại trên thực tế hiện nay diễn ra ngày càng nhiều.
Cùng với đó là chủ thể, hình thức và rất nhiều khía cạnh khác trong các hoạt
động này cũng ngày càng đa dạng. Một trong các đặc trưng quan trọng và phổ
biến trong lĩnh vực thương mại hiện nay đó là giao kết hợp đồng giữa các thương
nhân và các vấn đề phát sinh từ hợp đồng trước, trong và sau khi giao kết. Để
việc thực hiện hoạt động giao kết hợp đồng hiện nay được diễn ra hiệu quả và có
trật tự, bảo vệ được một cách tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể thì
pháp luật cần có những quy định linh hoạt và bám sát thực tiễn. Vì vậy, em xin
được thực hiện bài tiểu luận với Đề bài số 12. Trong quá trình làm bài, có những
vấn đề do còn hạn chế trong nhận thức, cho nên không thể tránh khỏi những
thiếu sót. Em rất mong được các thầy cô xem xét và góp ý để có thể hoàn thiện
được bài làm của mình.
Em xin chân thành cảm ơn!

2


NỘI DUNG
I. MỘT SỐ KHÁI NIỆM CƠ BẢN
1.1. Các hoạt động trung gian thương mại
Các hoạt động trung gian thương mại là hoạt động của thương nhân để thực
hiện các giao dịch thương mại cho một hoặc một số thương nhân được xác định,
bao gồm hoạt động đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác mua
bán hàng hoá và đại lý thương mại.1
1.2. Xúc tiến thương mại và khuyến mại
Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng
hoá và cung ứng dịch vụ, bao gồm hoạt động khuyến mại, quảng cáo thương
mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.2
Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc

tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng
những lợi ích nhất định.3
1.3. Thỏa thuận trọng tài
Thoả thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng
Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.4
II. BÀI TẬP TÌNH HUỐNG
2.1. Xác định hình thức đại lý?
* Xử lý dữ kiện:
1 Khoản 9 Điều 10 Luật thương mại 2005
2 Khoản 10 Điều 10 Luật thương mại 2005
3 Khoản 1 Điều 88 Luật thương mại 2005
4 Khoản 2 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010

3


Theo đề bài:
Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh ký hợp đồng đại lý bán hoa
quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty cổ phần Bảo An. Trong hợp đồng các bên
thỏa thuận như sau:
- Công ty cổ phần Bảo An chỉ giao đại lý trên địa bàn Hà Nội đối với
mặt hàng hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty TNHH 1 thành viên Nam
Khánh;
- Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh được quyền tổ chức một hệ
thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc bán hoa quả sấy khô Đà Lạt cho
Công ty cổ phần Bảo An.
Về mặt nội dung, hợp đồng được giao kết ở đây là hợp đồng đại lý thương
mại, trong đó hai bên giao kết bao gồm:
- Bên giao đại lý: Công ty cổ phần Bảo An (gọi tắt: Công ty Bảo An)
- Bên đại lý: Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh (gọi tắt: Công ty

Nam Khánh)
Hai bên thỏa thuận về việc Công ty Nam Khánh sẽ nhân danh Công ty
Bảo An bán hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty Bảo An để Công ty Nam
Khánh được hưởng thù lao. Cụ thể:
- Bên giao đại lý – Công ty Bảo An sẽ giao hàng hóa là hoa quả sấy khô
Đà Lạt của công ty mình cho Công ty Nam Khánh.
Ngoài ra, Công ty Bảo An chỉ giao đại lý trên địa bàn Hà Nội đối với mặt
hàng hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty Nam Khánh.
- Bên đại lý – Công ty Nam Khánh sẽ nhận hàng hóa từ Công ty Nam
Khánh để bán.
4


Công ty Nam Khánh được quyền tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc
để thực hiện việc bán hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty Bảo An.
* Cơ sở pháp lý:
Căn cứ vào khoản 2 và 3 Điều 169 Luật thương mại 2005:
“2. Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất
định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng
hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định.
3. Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà
bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán
hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc
hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý.”5
* Phương án giải quyết:
Theo thỏa thuận các bên:
Thứ nhất, Công ty Bảo An chỉ giao đại lý trên địa bàn Hà Nội đối với mặt
hàng hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty Nam Khánh. Như vậy, tại một khu
vực địa lý đó là địa bàn Hà Nội, Công ty Bảo An chỉ giao đại lý để bán mặt hàng

hoa quả sấy khô của mình cho một đại lý duy nhất đó là Công ty Nam Khánh.
Công ty Nam Khánh sẽ là chủ thể duy nhất được bán mặt hàng hoa quả sấy khô
của Công ty Bảo An trên địa bàn Hà Nội. Điều này phù hợp với quy định tại
khoản 2 Điều 169 Luật thương mại 2005.
Do đó, Công ty Nam Khánh chính là đại lý độc quyền của Công ty Bảo An
trong trường hợp này.
5 Khoản 2 và 3 Điều 169 Luật thương mại 2005

5


Thứ hai, Công ty Nam Khánh được quyền tổ chức một hệ thống đại lý trực
thuộc để thực hiện việc bán hoa quả sấy khô Đà Lạt cho Công ty Bảo An. Thỏa
thuận này phù hợp với khoản 3 Điều 169 Luật thương mại 2005: “Tổng đại lý …
là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực
hiện việc mua bán hàng hóa… cho bên giao đại lý.”
Như vậy, Công ty Nam Khánh theo thỏa thuận sẽ là tổng đại lý của Công
ty Bảo An.
Tóm lại, theo thỏa thuận của các bên giao kết trong hợp đồng đại lý và
theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 169 Luật thương mại 2005, Công ty
TNHH 1 thành viên Nam Khánh là đại lý độc quyền và tổng đại lý bán hàng hóa
cho Công ty cổ phần Bảo An.
2.2. Ngày 10/9/2017, Công ty cổ phần Bảo An đã giao đầy đủ 1000 gói
hoa quả sấy khô Đà Lạt (200g) theo như thỏa thuận của hai bên. Ngày
25/9/2017, kho chứa hàng của Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh bị
cháy, 700 gói bị hỏng. Xác định thiệt hại thuộc về bên nào?
* Xử lý dữ kiện:
- Ngày 10/9/2017, Công ty cổ phần Bảo An đã giao đầy đủ 1000 gói
hoa quả sấy khô Đà Lạt (200g) theo như thỏa thuận của hai bên.
Theo thỏa thuận của hai bên, Công ty Bảo An sẽ giao 1000 gói hoa quả

sấy khô Đà Lạt (200g) cho Công ty Nam Khánh để Công ty này bán số hàng hóa
đó với vai trò là đại lý của Công ty Bảo An. Ngày 10/9/2017, Công ty Bảo An đã
giao đầy đủ số hàng theo đúng thỏa thuận.
- Ngày 25/9/2017, kho chứa hàng của Công ty TNHH 1 thành viên
Nam Khánh bị cháy, 700 gói bị hỏng.

6


Ngày 25/9/2017, kho chứa hàng của Công ty Nam Khánh bị cháy. Đám
cháy đã gây ra thiệt hại làm cho 700 gói hàng trong số 1000 gói mà Công ty Bảo
An đã giao trước đó.
Vì nơi xảy ra thiệt hại là kho chứa hàng của Công ty Nam Khánh, cho nên
vụ cháy này có thể do nguyên nhân khách quan, sự kiện bất khả kháng hoặc do
lỗi của Công ty Nam Khánh.
* Cơ sở pháp lý:
Về nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại,
khoản 1 Điều 11 Luật thương mại 2005 có quy định:
“Các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp
luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ
của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các
quyền đó.”6
Về quyền sở hữu trong đại lý thương mại, Điều 170 Luật thương mại
2005 quy định:
“Bên giao đại lý là chủ sở hữu đối với hàng hoá hoặc tiền giao cho bên
đại lý.”7
Về rủi ro đối với tài sản, khoản 1 Điều 162 Bộ luật dân sự 2015 quy
định:
“Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định

khác.”8
6 Điều 11 Luật thương mại 2005
7 Điều 170 Luật thương mại 2005
8 Khoản 1 Điều 162 Bộ luật dân sự 2015

7


Về nghĩa vụ của bên đại lý, khoản 5 Điều 175 Luật thương mại 2005
quy định bên đại lý có nghĩa vụ:
“Bảo quản hàng hoá sau khi nhận đối với đại lý bán hoặc trước khi giao
đối với đại lý mua; liên đới chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa của đại lý
mua bán hàng hóa, chất lượng dịch vụ của đại lý cung ứng dịch vụ trong trường
hợp có lỗi do mình gây ra.”9
Về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ, khoản 1 và khoản 2 Điều
351 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
“1. Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự
đối với bên có quyền.
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng
thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung
của nghĩa vụ.
2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện
bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”10
Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khoản 1 và
khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 có quy định:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt
hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy
định khác.


9 Khoản 5 Điều 175 Luật thương mại 2005
10 Khoản 1 và Khoản 2 Điều 351 Bộ luật dân sự 2015

8


2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn
do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy
định khác.”11
* Phương án giải quyết:
Trước hết, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng,
tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại tại
Điều 11 Luật thương mại 2005. Do đó, nếu giữa Công ty Bảo An và Công ty
Nam Khánh có thỏa thuận về việc bên nào phải chịu rủi ro đối với thiệt hại do vụ
cháy này gây ra, pháp luật sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Họ có thể tự
do thương lượng để đảm bảo lợi ích, sự công bằng và ý chí chủ thể của mình.
Nếu không có thỏa thuận, thì căn cứ theo quy định pháp luật, thiệt hại đối
với 700 gói hàng sẽ được giải quyết như sau:
Để xác định chủ thể phải chịu thiệt hại, trong tình huống này, đối với
nguyên nhân dẫn đến thiệt hại, có thể có hai giả thiết như sau:
1. Giả thiết 1: Thiệt hại xảy ra do trở ngại khách quan, sự kiện bất khả
kháng:
- Điều kiện để sự kiện gây ra thiệt hại là được coi là sự kiện bất khả
kháng:
+ Không do lỗi của các bên trong hợp đồng
+ Là một sự kiện khách quan không thể lường trước được, không thể khắc
phục mặc dù đã được áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.


11 Khoản 1 và Khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự 2015

9


Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động
làm cho người có nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp
của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự
của mình.12
- Công ty Bảo An là bên giao đại lý, cho nên có quyền sở hữu đối với hàng
hóa thuộc về Công ty Bảo An theo quy định tại Điều 170 Luật thương mại
2005.
- Trong trường hợp bên đại lý là Công ty Nam Khánh đã áp dụng mọi biện
pháp để ngăn thiệt hại xảy ra do sự kiện khách quan, bất khả kháng, bảo quản
hàng hóa theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 175 Luật thương mại 2005 thì
Công ty Bảo An phải chịu trách nhiệm đối với hàng hóa do mình sở hữu theo
quy định tại khoản 1 Điều 162 BLDS 2015. Công ty Nam Khánh không phải
chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS 2015 vì thiệt hại
phát sinh là do sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, do thiệt hại xảy ra tại kho của
Công ty Nam Khánh và để đảm bảo lợi ích các bên tốt nhất, các bên có thể thỏa
thuận với nhau để chia sẻ rủi ro và pháp luật sẽ tôn trọng sự thỏa thuận đó.
- Trong trường hợp bên đại lý không bảo quản hàng hóa theo đúng quy
định và không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, kịp thời các biện pháp để
ngăn chặn thiệt hại để thiệt hại xảy ra thì lỗi trong trường hợp này là do công ty
Nam Khánh. Do đó, theo khoản 5 Điều 175 Luật thương mại 2005, cả hai bên
sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm.
2. Giả thiết 2: Thiệt hại xảy ra được chứng minh là do lỗi của bên đại lý
Trong trường hợp không có bất kì nguyên nhân khách quan nào dẫn tới
thiệt hại, nếu bên đại lý có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại thì bên
12 truy cập ngày 8/11/2019


10


đại lý sẽ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại. Có thể có hai trường hợp lỗi
thuộc về bên đại lý đó là:
- Thiệt hại xảy ra do bên đại lý cố tình không bảo quản hoặc bảo quản
không tốt hàng hóa được giao theo khoản 5 Điều 175 Luật thương mại 2005
- Thiệt hại xảy ra do ý chí và hành vi gây thiệt hại của bên đại lý
Trong cả hai trường hợp này, bên giao đại lý có quyền yêu cầu bên đại lý
phải chịu trách nhiệm về thiệt hại vì đây là lỗi cố ý của một bên chứ không phải
nguyên nhân trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng. Bên đại lý phải bồi
thường thiệt hại cho bên giao đại lý theo quy định tại khoản 1 Điều 584 BLDS
2015.
2.3. Để xúc tiến việc bán hàng, Công ty TNHH 1 thành viên Nam
Khánh tiến hành chương trình khuyến mại bốc thăm trúng thưởng trên
toàn hệ thống các đại lý của mình.
Hỏi: Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh cần thực hiện những
thủ tục gì?
* Xử lý dữ kiện:
Để xúc tiến việc bán hàng, Công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh
tiến hành chương trình khuyến mại bốc thăm trúng thưởng trên toàn hệ
thống các đại lý của mình.
* Cơ sở pháp lý:
Về thương nhân thực hiện khuyến mại, điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị
định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ có quy định thương nhân thực hiện
khuyến mại gồm:

11



“Thương nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trực tiếp thực hiện
khuyến mại hoặc thực hiện khuyến mại thông qua các thương nhân phân phối
(bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các thương nhân phân
phối khác theo quy định của pháp luật)”13
Về nghĩa vụ của thương nhân thực hiện khuyến mại, điểm a khoản 1
Điều 16 Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định thương nhân phải:
“Thông báo, đăng ký thực hiện khuyến mại với cơ quan nhà nước có thẩm
quyền”14.
Về hình thức khuyến mại bốc thăm trúng thưởng, khoản 6 Điều 92
Luật thương mại 2005 và Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ – CP có quy định về
“Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính
may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ
và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và
giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi)”15
Về thủ tục đăng ký hoạt động khuyến mại, Điều 19 Nghị định
81/2018/NĐ-CP có quy định về thủ tục này đối với “Thương nhân thực hiện thủ
tục hành chính đăng ký hoạt động khuyến mại và phải được cơ quan quản lý nhà
nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện chương trình khuyến mại theo
hình thức quy định tại Điều 13 Nghị định này và các hình thức khác theo quy
định tại Khoản 9 Điều 92 Luật thương mại.”16
Về thủ tục đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại,
Điều 20 Nghị định 81/2018/NĐ-CP có quy định về thủ tục này.
13 Điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ
14 Điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ
15 Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ
16 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ

12



Về thủ tục công bố kết quả, trao thưởng và báo cáo kết quả thực hiện
chương trình khuyến mại, Điều 21 Nghị định 81/2018/NĐ-CP có quy định về
thủ tục này.
* Các thủ tục mà Công ty Nam Khánh cần thực hiện:
Trong trường hợp này, Công ty Nam Khánh là đại lý thực hiện hoạt động
xúc tiến thương mại đối với đối tượng là hàng hóa được giao của Công ty Bảo
An, do đó phải tuân thủ quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ
theo khoản 1 Điều 16 Nghị định này.
Các thủ tục mà công ty Nam Khánh cần thực hiện gồm có:
1. Thông báo và đăng ký thực hiện khuyến mại với cơ quan nhà nước có
thẩm quyền;
2. Đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại (nếu cần
thiết);
3. Công bố kết quả, trao thưởng và báo cáo kết quả thực hiện chương trình
khuyến mại
Theo đó, Công ty Nam Khánh có nghĩa vụ phải thông báo và đăng ký
thực hiện khuyến mại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục được
quy định tại Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Về Cơ quan đăng ký:
+ Sở Công thương sẽ là nơi đăng ký đối với chương trình khuyến mại
mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương;

13


+ Bộ Công thương sẽ là nơi đăng ký đối với chương trình khuyến mại
mang tính may rủi thực hiện trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương trở lên và chương trình khuyến mại theo các hình thức khác.

- Về cách thức đăng ký, hồ sơ, nội dung đăng ký sẽ thực hiện theo quy
định tại Điều này.17
Các thủ tục còn lại được quy định cụ thể tại Điều 20 và Điều 21 Nghị
định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
2.4. Hợp đồng đại lý được giao kết bởi ông Minh (Giám đốc công ty cổ
phần Bảo An) và anh Khánh (Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên Nam
Khánh). Hãy cho biết hiệu lực của thỏa thuận trọng tài? Nếu một trong hai
công ty khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án có thể thụ lý đơn khởi kiện không?
* Xử lý dữ kiện:
Hợp đồng đại lý được giao kết bởi ông Minh (Giám đốc công ty cổ
phần Bảo An) và anh Khánh (Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên Nam
Khánh)
Dựa vào căn cứ là hợp đồng, có thể xác định được hai chủ thể giao kết đó
là: Ông Minh (Giám đốc công ty cổ phần Bảo An) và anh Khánh (Giám đốc
công ty TNHH 1 thành viên Nam Khánh.
* Cơ sở pháp lý:
Về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, khoản 1 và khoản 2
Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định:
“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện
cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của
17 Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ

14


doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa
vụ khác theo quy định của pháp luật.
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc
nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng,

chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của
doanh nghiệp.”18
Đối với Công ty cổ phần, Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định:
“Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội
đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp
luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội
đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn
một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc
hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công
ty.”19
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, nếu thành viên là cá
nhân, chủ doanh nghiệp đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty,
nếu là tổ chức, khoản 2 Điều 78 Luật doanh nghiệp 2014 có quy định:
“Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên
hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.”20
Về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 có
quy định:
18 Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014
19 Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014
20 Khoản 2 Điều 78 Luật doanh nghiệp 2014

15


“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp
với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của
luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch
dân sự trong trường hợp luật có quy định.”21
Về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010
có quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu nếu có thuộc một trong các trường hợp
sau:
“1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của
Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.
2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật.
3. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự
theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều
16 của Luật này.
5. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập
thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
6. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.”22
21 Điều 117 Bộ luật dân sự 2015
22 Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010

16


Cụ thể hơn, tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có quy
định đó là:
“Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định
của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật TTTM là người xác lập thỏa
thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải
là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng
vượt quá phạm vi được ủy quyền.”23
Về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài, Điều 19 Luật trọng tài thương

mại 2010 quy định rằng: “Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng.
Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực
hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài.”24
* Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài:
Để thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, thỏa thuận này không thuộc các trường
hợp tại Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010.
Theo Điều 19 Luật trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài có
hiệu lực hoàn toàn độc lập với hoạt đồng, hợp đồng bị vô hiệu không làm mất
hiệu lực của thỏa thuận trọng tài.
Trong trường hợp này, Ông Minh và anh Khánh đã cùng nhau giao kết hợp
đồng đại lý. Thẩm quyền giao kết hợp đồng sẽ phải dựa vào căn cứ quy định tại
Điều 134 và khoản 2 Điều 78 Luật doanh nghiệp 2014. Người có thẩm quyền
giao kết hợp đồng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Để thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, người xác lập thỏa thuận trọng tài cũng
phải có thẩm quyền giao kết theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật trọng tài
23 Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán
24 Điều 19 Luật trọng tài thương mại 2010

17


thương mại 2010. Người có quyền quyền xác lập thỏa thuận trọng tài được quy
định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP. Theo đó, người
có thẩm quyền xác lập là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy
quyền.
Do đó, trong trường hợp này nếu ông Minh và anh Khánh có thẩm quyền
giao kết thì thỏa thuận trọng tài sẽ không vô hiệu nếu đồng thời không thuộc các
trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu tại Điều 18 Luật trọng tài thương mại
2010. Tuy nhiên, trên thực tế, có trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không
có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng

tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng
tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không
vô hiệu.25
* Nếu một trong hai công ty khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án có thể thụ lý
đơn kiện không?
Căn cứ vào Điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010, trong trường hợp các
bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì
Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa
thuận trọng tài không thể thực hiện được.26
Khi giao kết hợp đồng, hai bên Công ty Bảo An và Công ty Nam Khánh đã
có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Do đó, nếu một trong hai bên
khởi kiện ra Tòa án thì Tòa án sẽ từ chối thụ lý.

25 truy cập ngày 8/11/2019
26 Điều 6 Luật trọng tài thương mại 2010

18


KẾT LUẬN
Hợp đồng được giao kết là dựa trên sự thỏa thuận và ý chí của các chủ thể.
Để các chủ thể đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các
bên cần phải chủ động có những kiến thức và kinh nghiệm thực tế nhất định.
Qua những phân tích trên, bài viết mong muốn làm rõ những vấn đề phát sinh
khi thực hiện việc giao kết một hợp đồng và từ đó, góp phần nâng cao nhận thức
của các chủ thể khi giao kết và góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện các
quy định pháp luật hiện hành./.

19



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật thương mại 2005;
2. Luật trọng tài thương mại 2010;
3. Nghị định 81/2018/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết luật thương
mại về hoạt động xúc tiến thương mại;
4. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn thi
hành một số quy định luật trọng tài thương mại;
5. truy cập ngày 8/11/2019;
6. truy cập ngày 8/11/2019.

20


MỤC LỤC

Trang

21



×