Tải bản đầy đủ (.pdf) (294 trang)

GIÁO TRÌNH CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM - LỊCH SỬ MỸ THUẬT VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (6.51 MB, 294 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

VIỆN ĐẠI HỌC MỞ HÀ NỘI

KHOA TẠO DÁNG CÔNG NGHIỆP

PGS.TS Phạm Lan Oanh (Chủ biên)
PGS.TS Phạm Lan Oanh – ThS Trần Quốc Bình

GIÁO TRÌNH
CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM – LỊCH SỬ MỸ THUẬT VIỆT NAM

HÀ NỘI, THÁNG 12-2017

0


LỜI NÓI ĐẦU
Môn học Cơ sở văn hoá Việt Nam và Lịch sử mỹ thuật Việt Nam cung
cấp cho sinh viên một số khái niệm cơ bản về văn hoá và những kiến thức làm
nền cho việc tiếp nhận những tri thức liên quan đến văn hoá Việt Nam. Môn
học lựa chọn và phân tích những yếu tố cơ bản tác động lẫn nhau để hình
thành môi trường văn hóa Việt Nam, giúp sinh viên thấy được những đặc
trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử và theo không
gian lãnh thổ. Từ đây có thể hiểu được con người Việt Nam qua việc sáng tạo
các giá trị văn hóa cổ truyền và hiện đại. Môn học có ý nghĩa thiết thực về
khoa học và hoạt động thực tiễn, góp phần hệ thống, bổ sung những vấn đề về
lý thuyết và phương pháp tiếp cận nghiên cứu văn hoá Việt Nam,c giúp sinh
viên có những nhận thức đúng đắn về vai trò của văn hóa Việt Nam trong sự
phát triển của cá nhân và cộng đồng, nhận thức rõ bản sắc văn hoá dân tộc, bản
lĩnh của dân tộc, tin tưởng vào sự phát triển sự trường tồn của văn hoá dân tộc.


Phần kiến thức về Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam sẽ cung cấp cho sinh viên
những kiến thức cơ bản về lịch sử mỹ thuật Việt Nam, giúp sinh viên cảm thụ,
hiểu và phân tích những nét đẹp độc đáo của mỹ thuật Việt Nam từ trước tới
nay qua một số hiện vật, và một số các tác phẩm tiêu biểu. Đồng thời cũng
khẳng định những đặc điểm riêng biệt của nền mỹ thuật Việt Nam. Nền mỹ
thuật đó chịu ảnh hưởng một số nền văn hóa xung quanh, tiếp nhận có chọn
lọc, kết hợp với văn hóa bản địa, tạo nên một phong cách sáng tạo mang đặc
điểm riêng của mỹ thuật Việt Nam.
Trong quá trình biên soạn tài liệu này, chúng tôi kế thừa tri thức của
các giáo trình liên quan đã được Bộ Giáo dục và đào tạo, các nhà xuất bản uy
tín như nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhà xuất bản Đại học sư phạm Hà

1


Nội, nhà xuất bản Khoa học xã hội, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.v.v…
kiểm định chất lượng và xuất bản thành giáo trình và sách chuyên khảo, tham
khảo. Bên cạnh đó, một số bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành
cũng được nhóm tác giả tham khảo trên tinh thần kế thừa tư liệu. Nội dung
biên soạn chắc không tránh khỏi sơ xuất, xin chân thành cám ơn ý kiến đóng
góp của các bạn đọc xa gần quan tâm đến nội dung công trình này.
Xin trân trọng cám ơn!
Nhóm biên soạn
PGS.TS Phạm Lan Oanh, Th.S Trần Quốc Bình

2


MỤC LỤC
PHẦN I: CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM

Chương 1
CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ VĂN HÓA
1.1. Khái niệm văn hóa và các khái niệm liên quan

6

1.2. Đặc trưng của văn hóa

10

1.3. Cấu trúc của văn hóa

14

1.4. Chức năng của văn hóa

20

1.5. Loại hình văn hóa

22
Chương 2

TIẾP XÚC VÀ GIAO LƯU VĂN HÓA
2.1. Khái niệm tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến văn hóa

31

2.2. Giao lưu và tiếp biến trong văn hóa Việt Nam


33

Chương 3
NHỮNG THÀNH TỐ CỦA VĂN HÓA
3.1. Ngôn ngữ

43

3.2. Tôn giáo

47

3.3. Tín ngưỡng

57

3.4. Lễ hội

63
Chương 4
DIỄN TRÌNH VĂN HÓA VIỆT NAM

4.1. Văn hóa Việt Nam thời tiền sử và sơ sử

67

4.2. Văn hóa Việt Nam thiên niên kỷ đầu công nguyên

83


4.3. Văn hóa Việt Nam từ thế kỷ X (năm 938) đến

108

giữa thế kỷ XIX (năm 1858)
4.4. Văn hóa Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945

122

4.5. Văn hóa Việt Nam từ 1945 đến nay

134

TÀI LIỆU THAM KHẢO

145

3


PHẦN II: LỊCH SỬ MỸ THUẬT VIỆT NAM
Chương 1
NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH VIỆT NAM THỜI NGUYÊN THỦY
1.1. Quá trình phát triển mỹ thuật nguyên thủy

141

1.2. Đặc điểm mỹ thuật thời kỳ nguyên thủy

145


Chương 2
NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH THỜI KÌ DỰNG NƯỚC
2.1. Lịch sử văn hóa giai đoạn dựng nước

149

2.2. Thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên

150

2.3. Thời kỳ văn hóa Đồng Đậu

150

2.4. Thời kỳ văn hóa Gò Mun

151

2.5. Thời kỳ văn hóa Đông Sơn

154
Chương 3

NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH VIỆT NAM THỜI PHONG KIẾN
3.1. Nghệ thuật tạo hình thời Lý (1009 - 1225)

158

3.2. Nghệ thuật tạo hình thời Trần (1226 - 1400)


175

3.3. Nghệ thuật tạo hình thời Lê Sơ (1428 - 1527)

188

3.4. Nghệ thuật tạo hình thời Mạc (1527- 1592)

200

3.5. Nghệ thuật tạo hình thời Lê Trung Hưng (1593 - 1788)

214

3. 6. Nghệ thuật tạo hình thời Tây Sơn (1789 - 1802)

227

3.7. Nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn (1802-1945)

235

Chương 4
NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH HIỆN ĐẠI VIỆT NAM (1885 - 1985)
4.1. Tình hình xã hội từ năm 1885 đến năm 1925

247

4.2. Sự ra đời trường cao đẳng mỹ thuật


248

Đông Dương (1925 - 1945)
4.3. Những thành tựu mới của mỹ thuật Việt Nam

249

giai đoạn 1930 - 1945
4.4. Đặc thù mỹ thuật giai đoạn 1930 – 1945

250

4.5. Sự đổi mới về chất liệu, kĩ thuật

253

4.6. Nghệ thuật tạo hình Việt Nam giai đoạn 1945 – 1985

254

4


4.7. Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975

256

4.8. Mỹ thuật Việt Nam giai đoạn từ 1975 đến nay


258

Chương 5
TRANH DÂN GIAN VIỆT NAM
5.1. Lịch sử nguồn gốc tranh dân gian

275

5.2. Kĩ thuật khắc ván – in tranh

276

5.3. Đặc điểm nghệ thuật tranh dân gian

277

5.4. Đề tài và nội dung của tranh dân gian

279

5.5. Những dòng tranh tiêu biểu

280

Tài liệu tham khảo

285

Câu hỏi ôn tập


287

5


Phần I: CƠ SỞ VĂN HÓA VIỆT NAM
Chương 1
CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ VĂN HÓA
Mục tiêu chương 1 đưa ra những khái niệm cơ bản liên quan tới môn
học. Các nội dung về Đặc trưng của văn hóa, Cấu trúc của văn hóa, Chức
năng của văn hóa và Loại hình văn hóa được trình bày để người đọc có thể
dung diện mạo chung của văn hóa.
1.1. Khái niệm văn hóa và các khái niệm liên quan
Văn hoá được giải nghĩa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng có một số
điểm chung mà mọi người đều thừa nhận, rằng: về phương diện cá nhân, văn
hoá là phẩm chất chỉ có ở con người, nó là cái làm phân biệt giữa người và
động vật; về phương diện chủng loại: văn hoá là phương thức tồn tại đặc hữu
của loài người, khác về cơ bản với tổ chức đời sống của quần thể sinh vật trên
trái đất. Đời sống sinh vật của con người có mối liên hệ mật thiết với văn hoá,
nhưng văn hoá do học tập mà có, chứ không phải di truyền theo kênh sinh
học.
Ở phương Đông, từ văn hóa đã có trong đời sống ngôn ngữ từ rất sớm.
Trong Chu Dịch, quẻ Bí đã có từ văn và hóa: Xem dáng vẻ con người, để hóa
thiên hạ (Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ - giải nghĩa: Truyện của
Trình Di: Văn vẻ của người tức là bậc của đạo người. Xem văn vẻ của người
để giáo hóa thiên hạ, thiên hạ thành được lễ học, đó là đạo dùng quẻ Bí củ
đấng thánh nhân. Bản nghĩa của Chu Hy: Đoạn này cực nói về sự lớn lao của
đạo quẻ Bí. Ngô Tất Tố dịch và chú giải, Đại cương triết học Trung Quốc,
Kinh Dịch, trọn bộ, tái bản, Nxb Tp HCM, 1991, tr 328). Người sử dụng từ
văn hóa sớm nhất có lẽ là Lưu Hướng (năm 77–6 trước công nguyên), thời

Tây Hán với nghĩa như một phương thức giáo hóa con người – văn trị giáo
hóa (gọi tắt là văn hóa). Văn hóa ở đây được dùng đối lập với vũ lực (phàm

6


dấy việc võ là vì không phục tùng, dùng văn hóa mà không sửa đổi, sau đó
mới thêm chém giết).
Ở phương Tây, để chỉ đối tượng mà chúng ta nghiên cứu, người Pháp,
người Anh có từ culture, người Đức có từ kultur, người Nga có từ kultura.
Những chữ này lại có chung gốc La tinh là chữ cultus animi là trồng trọt tinh
thần. Vậy chữ cultus là văn hóa với hai khía cạnh: trồng trọt, canh tác. Theo
nghĩa mở rộng của từ này, về sau, khoảng thế kỉ XVII–XVIII, nó được hiểu là
giáo dục rèn luyện các phẩm chất năng lực của con người.
Vào thế kỉ XIX thuật ngữ “văn hóa” được những nhà nhân loại học
phương Tây sử dụng như một danh từ chính. Nhấn mạnh vào tính thống nhất
trong quá trình tiến hóa về văn hóa của nhân loại, các nhà tiến hóa luận đơn
tuyến về văn hóa mà tiêu biểu là E.B. Tylor (1832-1917) cho rằng: “văn hóa
hiểu theo nghĩa rộng là toàn bộ phức thể bao gồm hiểu biết, tín ngưỡng, nghệ
thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và những khả năng và tập quán khác mà
con người có được với tư cách là một thành viên của xã hội” (Văn hóa nguyên
thủy, 1871).
Ở thế kỉ XX, khái niệm “văn hóa” được rất nhiều học giả Âu- Mỹ bàn
thảo, tuy nhiên theo quan điểm của tổ chức UNESCO, khái niệm này được
Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở Vơ-ni-dơ (I-ta-li-a)
năm 1970, UNESCO đã thừa nhận khái niệm do Ph.Mây-ơ (F. Mayor) nguyên Tổng Giám đốc của tổ chức này đưa ra là khái niệm chung, chính
thức của cộng đồng quốc tế về văn hóa: “Văn hóa bao gồm tất cả những gì
làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện
đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”.
Theo quan niệm của UNESCO có 2 loại di sản văn hóa:

Một là, những di sản văn hóa vật thể (Tangible) như đình, đền, chùa,
miếu, lăng, mộ, nhà sàn v.v…
Hai là, những di sản văn hóa phi vật thể (Intangible) bao gồm các biểu
hiện tượng trưng và “không sờ thấy được” của văn hóa được lưu truyền và

7


biến đổi qua thời gian, với một số quá trình tái tạo, “trùng tu” của cộng đồng
rộng rãi… Những di sản văn hóa tạm gọi là vô hình này theo UNESCO bao
gồm cả âm nhạc, múa, truyền thống, văn chương truyền miệng, ngôn ngữ,
huyền thoại, tư thế (tư thái), nghi thức, phong tục, tập quán, y dược cổ truyền,
việc nấu ăn và các món ăn, lễ hội, bí quyết và quy trình công nghệ của các
nghề truyền thống…
Hơn nửa thế kỷ trước, trong một số ghi chép ở trang cuối cùng của tập
thơ Nhật ký trong tù lãnh tụ Hồ Chí Minh viết “ý nghĩa của văn hóa: Vì lẽ
sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát
minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn hóa,
nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các
phương thức sử dụng, toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn
hóa”. Từ nhận thức ấy, Hồ Chí Minh đưa ra khái niệm về văn hóa: “Văn hóa
là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà
loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và
đòi hỏi của sự sinh tồn”1. Có thể nói, đây là một cách tiếp cận văn hóa từ ý
nghĩa khái quát, đặc trưng nhất của nó, một định nghĩa cô đọng và chính xác
về văn hóa.
Có thể thấy, khái niệm này của UNESCO về văn hóa có nội dung cơ
bản như nội dung khái niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cái khác nhau của
hai khái niệm này là ở chỗ, khái niệm của ông Ph.Mây-ơ chỉ nhấn mạnh đến
tính đặc thù của các giá trị văn hóa, tức là “cái làm cho dân tộc này khác với

dân tộc khác”. Còn trong khái niệm của Hồ Chí Minh về văn hóa, văn hóa
không chỉ là cái tạo nên tính đặc thù của dân tộc, mà còn là những giá trị
nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. “Nhu
cầu đời sống” của con người luôn phát triển cũng như “đòi hỏi của sự sinh
tồn” của xã hội loài người luôn luôn nâng cao, hoàn thiện. Cũng có nghĩa, nói
đến văn hóa là nói đến giá trị, nhưng là những giá trị kết tinh lao động sáng
1

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t 3, tr 431

8


tạo của con người trên các bình diện hoạt động nhằm cải tạo tự nhiên, cải tạo
xã hội và cải tạo chính bản thân mình, hướng tới chân, thiện, mỹ, tức là hướng
tới sự tốt đẹp, nhân văn và không ngừng hoàn thiện của nhân loại. Nói đến
văn hóa không chỉ là nói đến những giá trị tĩnh, kết tinh ngưng đọng, mà còn
là sự vận động, phát triển và hoàn thiện những giá trị ấy trong thời gian và
không gian.
Khái niệm văn minh
Văn minh là danh từ Hán – Việt (văn là vẻ đẹp, minh là vẻ sáng), chỉ
một trạng thái phát triển rực rỡ của văn hóa (Quẻ Kiền trong Kinh Dịch có
câu:Hiện long tại điền thiên hạ hữu văn minh – như con rồng hiện ra trên mặt
cánh đồng lùa lúc thiên hạ văn minh; Trong Kinh Lễ cáo câu: Tình thâm nhi
văn minh – Lòng cảm động càng sâu thì vẻ ngoài mới sáng tỏ)
Trong tiếng Anh, Pháp, từ civilisation với nội hàm nghĩa văn minh, có
từ căn gốc La tinh là civitas với nghĩa gốc: đô thị, thành phố, và các nghĩa
phái sinh: thị dân, công dân.
Từ điển Bách khoa Triết học Xô Viết cho rằng: “Văn minh có ý nghĩa
bao trùm là chỉ một trình độ phát triển nhất định của xã hội về mặt vật chất và

tinh thần”. Văn minh là trình độ phát triển nhất định của văn hóa về phương
diện vật chất, đặc trưng cho một khu vực rộng lớn, một thời đại, hoặc cả nhân
loại.
Mặc dù giữa văn hóa và văn minh có một điểm gặp gỡ nhau, đó là do
con người sáng tạo ra nhưng văn minh khác với văn hóa ở ba điểm:
Thứ nhất, văn hóa có bề dày của quá khứ, văn minh chỉ là một lát cắt
đồng đại.
Thứ hai văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất lẫn tinh thần, văn minh
chỉ thiên về khía cạnh vật chất, kĩ thuật.
Thứ ba, văn hóa mang tính dân tộc rõ rệt, văn minh thường mang tính
quốc tế (siêu dân tộc), nó đặc trưng cho một khu vực rộng lớn (cả nhân loại).

9


Khái niệm văn hiến
Từ đời Lý (1010) người Việt đã tự hào nước mình là một “văn hiến chi
bang”. Đến đời Lê (thế kỉ XV) Nguyễn Trãi viết “Duy ngã Đại Việt chi quốc
thực vi văn hiến chi bang”– (Duy nước Đại Việt ta thực sự là một nước văn
hiến). Từ văn hiến mà Nguyễn Trãi dùng ở đây là một khái niệm rộng chỉ một
nền văn hóa cao, trong đó nếp sống tinh thần, đạo đức được chú trọng.
Văn hiến (hiến= hiền tài)– truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp.
Cuốn Hán-Việt từ điển của GS Đào Duy Anh (1932) định nghĩa văn hiến là
“sách vở và nhân vật tốt trong một đời”. Nói cách khác văn là văn hóa, hiến
là hiền tài, như vậy văn hiến thiên về những giá trị tinh thần do những người
có tài đức chuyên tải, thể hiện tính dân tộc, tính lịch sử rõ rệt.
Khái niệm văn vật
Văn vật là khái niệm hẹp để chỉ những công trình hiện vật có giá trị
nghệ thuật và lịch sử. Khái niệm văn vật cũng thể hiện sâu sắc tính dân tộc và
tính lịch sử. Khái niệm văn hiến, văn vật thường gắn với phương Đông nông

nghiệp trong khi khái niệm văn minh thường gắn với phương Tây đô thị.
1.2. Đặc trưng của văn hóa
Văn hóa luôn mang hai hàm nghĩa tĩnh và động, nói cách khác là mang
yếu tố bất biến và yếu tố khả biến. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt
Nam là rất coi trọng văn hóa, khẳng định văn hoá là nền tảng tinh thần có từ
NQTW 4, Về một số nhiệm vụ văn hoá văn nghệ những năm trước mắt, ngày
14/1/1993 (khoá VII), đến văn kiện ĐH VIII và NQ TW5 (khoá VIII) nhắc
lại.
Bởi vậy, văn hóa có tác động trực tiếp đến giới tự nhiên và việc xây
dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
Văn hóa là một loại sức sản xuất đặc thù. Văn hóa ảnh hưởng và chế
ước các hoạt động kinh tế một cách tích cực, năng động bằng các hiệu năng
tổng hợp các quan niệm, hành vi, và trên một mức độ nhất định, đã trở thành
lực lượng cấu thành nội tại của hoạt động kinh tế. Thông qua hành vi của các

10


chủ thể văn hóa, văn hóa thẩm thấu và phát huy tác dụng của nó một cách sâu
sắc xuyên suốt toàn bộ quá trình lao động vật chất và lao động tinh thần của
con người.
Văn hóa và sức sản xuất có mối quan hệ biện chứng. Lịch sử phát triển
xã hội đã chứng minh rằng, sức sản xuất cùng một lúc giải quyết được sự biến
đổi vật chất giữa con người và mang hình thái vật hóa thâm nhập sâu vào quá
trình biến đổi của tinh thần con người, bao trùm là hệ thống quan niệm, giá trị
và các dạng thức, hành vi của văn hóa, thúc đẩy văn hóa phát triển, mở rộng.
Vì thế, văn hóa và sức sản xuất trong toàn bộ thực tiễn xã hội chủ yếu là trong
hoạt động kinh tế, chúng luôn thẩm thấu, thúc đẩy lẫn nhau và luôn đạt được
sự thống nhất nội tại. Xét từ quan điểm sức sản xuất lớn thì văn hóa là sức sản
xuất. Xét từ quan điểm đại văn hóa thì sức sản xuất cũng là văn hóa.

Từ những luận giải trên, các nhà nghiên cứu về văn hóa trong và ngoài
nước đã đúc kết thành nhiều đặc trưng của văn hóa, trong đó nổi bật bốn đặc
trưng cơ bản sau:
Thứ nhất, tính hệ thống. Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị về
văn hóa vật chất, xã hội và tinh thần của cộng đồng người. Từ những thành tố
căn bản này đã nảy sinh và bao gồm những tập hợp nhỏ nhiều tầng bậc khác
nhau tạo thành một tổng thể phức tạp, phong phú.
Thứ hai, tính giá trị. Văn hóa bao gồm các giá trị (giá trị vật chất và giá
trị tinh thần) trở thành thước đo về mức độ nhân bản của xã hội và con người.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại có giá trị của văn hóa để tồn tại và có
giá trị của văn hóa để phát triển.
Thứ ba, tính lịch sử. Văn hóa bao giờ cũng được hình thành qua một
quá trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ, là những thành tựu do cộng đồng
người trong quá trình tương tác với môi trường tự nhiên - xã hội sáng tạo và
luôn hướng tới sự hoàn thiện để đạt đến tính giá trị.
Thứ tư, tính nhân sinh. Văn hóa là hiện tượng thuộc về xã hội loài
người, gắn liền với hoạt động thực tiễn của con người, là những giá trị do một

11


cộng đồng người sáng tạo ra, thuộc về con người, ở trong con người và mang
dấu ấn người. Điều đó cho thấy, con người vừa là chủ thể của văn hóa, đồng
thời là khách thể của văn hóa, lại vừa là sản phẩm văn hóa.
Căn cứ vào điều kiện địa lý trong khu vực Đông Nam Á, môi trường
thiên nhiên ở Việt Nam nảy sinh và phát triển văn hóa nông nghiệp lúa nước.
Văn hóa Việt Nam sớm có xu thế giao lưu, hội nhập, tiếp biến, nhờ thế Việt
Nam có nền văn hóa đa ngôn ngữ, giàu bản sắc. Nền văn minh Đại Việt được
xếp là một trong 34 nền văn minh đầu tiên của nhân loại. Nhiều học giả thống
nhất rằng, bản sắc văn hóa Việt Nam được tạo ra ở vùng lúa nước sông Hồng

cách đây hơn 4 nghìn năm, được tôi luyện và khẳng định trong 2 nghìn năm
chống và đối thoại với Trung Quốc đã đủ tầm cỡ để tiếp biến văn hóa thành
công. Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 400 năm tiếp biến văn hóa Việt Nam
với phương Tây dưới nhiều hình thức, vừa có cưỡng bức, vừa có đối thoại văn
hóa, có thời điểm vừa chống lại, vừa tiếp thu, nhưng văn hóa Việt Nam vẫn
vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa hiện đại hóa.
Văn hóa Việt Nam có những nét mang tính đặc trưng phổ biển của văn
hóa nói chung và có những đặc trưng riêng biệt, đặc thù. Những đặc trưng cơ
bản riêng biệt này được hình thành, đúc kết, bảo lưu, phát triển từ điều kiện
địa lý tự nhiên, lịch sử, chính trị - kinh tế - xã hội của Việt Nam. Nhiều học
giả, nhà nghiên cứu chuyên ngành Việt Nam học, Văn hóa học, Văn hóa Việt
Nam đã có nhiều ý kiến đa chiều về đặc trưng văn hóa Việt Nam, tạo nên bức
tranh phong phú, nhiều màu sắc, đôi khi là tương phản, nhưng tổng hợp lại,
văn hóa Việt Nam có những nét chung tương đối khái quát, thể hiện ở 5 đặc
trưng sau2:
Một là, tính cộng đồng làng xã, thể hiện rõ ở 6 phẩm chất: Tính đoàn
kết, giúp đỡ; Tính tập thể thương người; Tính dân chủ, làng xã; Tính trọng thể

2

Lê Văn Toan (2015), « Những đặc trưng của văn hóa Việt Nam » , Tạp chí Lý luận chính trị số 7,
/>Thứ tư, 16 Tháng 3 2016 09:16

12


diện; Tình yêu quê hương, làng xóm; Lòng biết ơn. Bên cạnh những phẩm
chất tốt, tính cộng đồng làng xã cũng để lại nhiều tật xấu trong văn hóa: Thói
dựa dẫm; Thói cào bằng, chụp mũ; Bệnh sĩ diện, háo danh; Bệnh thành tích;
Bệnh phong trào; Bệnh hình thức v.v..

Hai là, tính trọng âm. Bảy phẩm chất tốt được biểu hiện trong tính
trọng âm là: Tính ưa ổn định; Tính hiền hòa, bao dung; Tính trọng tình, đa
cảm; Thiên hướng thơ ca; Sức chịu đựng, nhẫn nhịn; Lòng hiếu khách. Bên
cạnh đó, tính trọng âm cũng là mảnh đất hình thành những bệnh xấu như:
Bệnh thụ động, khép kín; Bệnh lề mề, chậm chạp; Bệnh tủn mủn, thiếu tầm
nhìn; Bệnh sùng ngoại v.v..
Ba là, tính ưa hài hòa, thể hiện ở bốn phẩm chất: Tính mực thước; Tính
ung dung; Tính vui vẻ, lạc quan; Tính thực tế. Tuy nhiên, tính ưa hài hòa cũng
gây mặt hạn chế, như: Bệnh đại khái, xuề xòa; Bệnh dĩ hòa vi quý; Bệnh
trung bình chủ nghĩa; Bệnh nước đôi, thiếu quyết đoán...
Bốn là, tính kết hợp, thể hiện ở hai khả năng: Khả năng bao quát tốt;
Khả năng quan hệ tốt. Mặt trái của tính kết hợp này cũng tạo ra những hậu
quả xấu như: Thói hời hợt, thiếu sâu sắc; Bệnh sống bằng quan hệ…
Năm là, tính linh hoạt. Biểu hiện của tính linh hoạt được thể hiện ở 2
phẩm chất tốt: Khả năng thích nghi cao; Tính sáng tạo. Tính linh hoạt nhiều
khi cũng dẫn đến hậu quả xấu như: Thói tùy tiện, cẩu thả; Bệnh thiếu ý thức
pháp luật…
Tổng hợp 5 đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam ta thấy phẩm chất,
giá trị cốt lõi tốt nhất là lòng yêu nước; tinh thần dân tộc; lòng nhân ái,
thương người; tính cộng đồng làng xã; tính tinh tế.
Văn hóa, đặc trưng của văn hóa không phải là phạm trù bất biến, mà
luôn vận động, phát triển cùng với sự biến đổi của điều kiện tự nhiên và sự
phát triển của xã hội loài người. Trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu
hóa cùng với sự tác động và nảy sinh của các yếu tố bên ngoài và nội tại xã
hội Việt Nam, sự xung đột về hệ giá trị giữa văn hóa nông nghiệp - nông thôn

13


truyền thống với văn hóa công nghiệp - đô thị hiện đại vẫn tiếp diễn. Những

năm gần đây, nhiều nhà khoa học đã và đang tập trung nghiên cứu, đề xuất
nhiều hướng đi, nhiều giải pháp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong
hiện tại và tương lai với mong muốn 5 đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt
Nam sẽ được bảo tồn và dịch chuyển theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.
Một số đề tài đã được công bố, trong đó nổi bật là đề tài cấp Nhà nước “Hệ
giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc
tế” thuộc chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm KX-04/11-15
Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015 do GS,TSKH
Trần Ngọc Thêm làm Chủ nhiệm. Trong đề tài này, khi bàn về đặc trưng văn
hóa Việt Nam, tác giả đề xuất chuyển đổi đặc trưng văn hóa Việt Nam đến
năm 2030 theo hướng sau:
Đặc trưng 1: Tính cộng đồng làng xã nên chuyển thành Tính cộng đồng
xã hội.
Đặc trưng 2: Tính trọng âm và Đặc trưng 3: Tính ưa hài hòa nên
chuyển thành Tính hài hòa thiên về dương tính.
Đặc trưng 4: Tính kết hợp nên chuyển thành Tác phong công nghiệp.
Đặc trưng 5: Tính linh hoạt nên chuyển thành Tính linh hoạt trong
nguyên tắc3.
1.3. Cấu trúc của văn hóa
1.3.1. Văn hóa sản xuất
Nhìn từ góc độ lao động sản xuất – nền tảng sự sống của cộng đồng,
chúng ta thấy một vấn đề bao trùm là sự hiện diện ở Việt Nam của một nền
văn minh nông nghiệp xóm làng với không gian định hình sinh tồn và phát
triển của nó là miền đồng bằng sông nước tựa núi và tiếp biển. Không gian
sinh tồn cụ thể và độc đáo này đã đào luyện nên tâm lí hóa thân vào đồng đất
và mở rộng bờ cõi với hướng chạy dọc theo các đồng bằng ven biển.
3

Xem Trần Ngọc Thêm (chủ biên): Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, Nxb Đại
học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2015, tr.56-77.


14


Trong việc trồng lúa nước ở nước ta, nước là yếu tố cần thiết số một,
song lại có lúc quá thiếu nước, lúc lại quá thừa nước ở đồng bằng. Vì vậy,
những biện pháp thủy lợi như be bờ, đắp đê, khơi mương, tát nước… đã ra
đời. Nhờ sự hiểu biết về thời tiết hai mùa khô – mưa và với nhu cầu tăng vụ,
người Việt đã đưa cây lúa lên cao, vào bãi, lên nương, và nhờ mưa để có đủ
độ ẩm cho cây sinh trưởng. Cây lúa cũng được trồng ở nơi đất trũng để về
mùa khô, úng ngập giảm đi, nó vẫn sống được.
Một loạt những chứng tích khảo cổ học như quy mô của những ngôi
nhà, kích cỡ của các đồ dùng sinh hoạt bằng gốm, phong tục mai tán đã làm
nổi bật lên vị trí của gia đình nhỏ như một đơn vị sản xuất cơ bản. Mối quan
hệ về quyền sử dụng của cá nhân và quyền sở hữu của làng xã đối với ruộng
đất, mối quan hệ tự nhiên giữa gia đình và họ mạc, làng xóm đối với đối
tượng và phương thức sống chính là đất đai - là động lực phát triển sản xuất
suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Đối với các nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, nung gốm, đục
đá, khắc gỗ, sơn chạm, đan lát,… được hình thành, phát triển và đạt đến một
số đỉnh cao về kĩ năng và nghệ thuật. Ở đây nổi lên một hiện tượng chung là
tất cả các lò thủ công này đều tồn tại ngay trong làng. Mỗi công xã nông thôn
vẫn gắn bó chặt chẽ với ruộng vườn, làng xóm. Nguồn sống chính phần lớn là
do làm ruộng. Các nghề thủ công chủ yếu chỉ làm vào thời kì nông nhàn,
tháng ba ngày tám. Khái quát này dựa trên sự phân tích tư liệu khảo cổ học ở
các khu cư trú. Ngay từ thời Phùng Nguyên - Đông Sơn đã hình thành một số
làng trong đó có vài ba gia đình chuyên làm nghề thủ công. Sau này số gia
đình chuyên làm nghề thủ công ngày càng tăng lên và người ta thường gọi đó
là làng nghề.
Mô hình sản xuất này được sinh ra và thích hợp đối với nền kinh tế tự

cung tự cấp, lấy sản xuất nông nghiệp làm nền tảng. Truyền thống này được
hình thành đã lâu, nhưng nó vẫn còn thích hợp cho sự phát triển kinh tế ở

15


nông thôn nước ta ngày nay, nó tận dụng được thời gian và sức lao động dư
thừa, nâng cao mức sống của các hộ nông dân thuần túy.
1.3.2. Văn hóa vũ trang
Có thể nêu ra hai trường hợp tác động của hai loại yếu tố vào sự hình
thành truyền thống đấu tranh của người Việt. Đặc điểm nổi bật trong nghệ
thuật chiến đấu của người Việt là cơ động bằng thuyền – thạo thủy chiến và
dùng dân binh hỗ trợ quân binh. Hình những đoàn thuyền chiến được khắc
trên các trống đồng, thạp đồng Đông Sơn cho biết những con thuyền này vận
động chủ yếu trên các mặt sông và ven biển, mang tính chất phòng thủ tự vệ
hơn là dùng để vượt biển trong các cuộc viễn chinh. Với điều kiện địa hình và
sông ngòi miền Bắc nước ta thì giao thông bằng đường thủy là thuận tiện hơn
cả. Điều kiện khách quan đó đã tạo tiền đề cho sự ra đời, phát triển kĩ thuật và
phương tiện chiến đấu trên sông nước.
Không gian sinh tồn mà người Việt tạo dựng là một miền đất có vị trí
ngã ba của các đường giao lưu, tiếp xúc văn hóa và tộc người, cũng là miền
đất có nhiều đặc sản hiếm quý, hấp dẫn người từ phương khác. Lịch sử đã sắp
xếp quê hương người Việt bên cạnh một cộng đồng tộc người lớn gấp bội, ở
phương Bắc có thiên hướng bành trướng. Yếu tố xã hội khách quan này buộc
người Việt – để tồn tại và phát triển cần tận dụng tối ưu sức mạnh của cả cộng
đồng mình. Khi có biến động, ngoài đội quân thường trực mới hình thành còn
ít ỏi về số lượng và sức chiến đấu có hạn, thì phải động viên tối đa sức mạnh
ở mọi thành viên của cộng đồng.
Khi phân tích các ngôi mộ thuộc tầng lớp bình dân hay quý tộc, ngoài
đồ dùng sinh hoạt và những trang sức cá nhân ra còn có vũ khí và công cụ sản

xuất được chôn theo: lưỡi cày – bên cạnh lưỡi rìu xéo, lưỡi đục – bên cạnh
ngọn giáo… Đó là một minh họa sống động về ý thức thường trực trong thế
ứng xử của người Việt: lao động và đấu tranh, dựng nước và giữ nước là hai
mặt cơ bản bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng.

16


1.3.3. Văn hóa sinh hoạt
Ăn, mặc, ở là điều kiện sống tiên quyết để lao động và sản xuất, là
động cơ và mục đích của lao động sản xuất. Những phương tiện và phương
thức sinh hoạt hàng ngày như ăn, mặc, ở, đi lại được thể hiện trong các món
ăn, đồ mặc, nhà ở, đồ dùng. Nó được quy định và trở thành lối sống cho từng
cộng đồng, từng gia đình và từng cá nhân.
Người Việt ban đầu cư trú trên các doi đất cao dọc hai bên những con
sông hoặc quanh các đầm hồ, cũng như các cồn cát cao ven biển và thường là
ở ngã ba những con sông, nơi hội tụ của nguồn thức ăn thủy sản và đầu mối
giao thông nối liền và tỏa đi các hướng. Ở mỗi một tiểu vùng nổi lên một
hoặc vài ba trung tâm được xem như là những điểm cư trú hạt nhân có sức hút
quy tụ các điểm cư trú khác hoặc như những điểm xuất phát, phân nhánh đến
các địa điểm cư trú nhỏ hơn. Quy mô của mỗi khu di tích thường khoảng vài
ba hécta, trong đó cư trú vài ba chục gia đình với số dân khoảng vài ba trăm
người. Thường là trong một đơn vị cư trú như vậy gồm có các ngôi nhà ở của
mỗi hộ gia đình nhỏ và có một ngôi nhà lớn dùng để sinh hoạt chung cho cả
cộng đồng.
Căn cứ vào vết tích lúa gạo phát hiện được qua các di chỉ khảo cổ, ta
biết được người Việt cổ dùng cả gạo nếp và tẻ làm lương thực hàng ngày,
trong đó ưu thế thuộc về gạo tẻ. Ngoài ra, còn tìm thấy xương các động vật
lớn và cả vết tích từ thức ăn đạm thủy sản trong các di chỉ khảo cổ học. Môi
trường sông biển luôn là nguồn cung cấp và khai thác dễ dàng các thức ăn

như cua, cá, ốc, tôm… Họ sử dụng các nồi để đun nấu phù hợp cho một gia
đình nhỏ và có các bát đựng thức ăn lớn hơn bát canh ngày nay để dùng
chung trong bữa ăn. Từ đó ở họ hình thành thói quen ăn chung “ăn cùng mâm,
ngồi cùng chiều mà không quen chia thức ăn ra thành từng khẩu phần riêng.
Họ cũng đã trồng được nhiều loại cây ăn quả như trám, na, vải, cau…
Trong cách làm đẹp, người Việt hay cắt tóc ngắn, tết tóc thành bím
hoặc búi tóc hình củ hành. Việc cắt tóc ngắn là để phù hợp trong điều kiện

17


không gian có nhiều cây cối rậm rạp. Đàn ông thường cởi trần, đóng khố; đàn
bà mặc váy và áo ngắn. Phổ biến nhất trong cách trang điểm của cư dân Việt
cổ là tục xăm mình.
Do môi trường sống là môi trường sông, biển nên đường thủy là tuyến
giao thông chủ yếu và con thuyền là phương tiện chuyên chở, đi lại phổ cập.
Trên bộ, con voi là động vật dùng thích hợp tối ưu trong giao thông vận tải.
Voi có thể chở kéo được các đồ vật nặng, có thể vượt sông, vượt suối và sử
dụng trong chiến đấu. Sau voi phải kể đến trâu với tính chất là đầu cơ nghiệp”
của nhà nông dùng để kéo cày, làm đất v.v…
Đời sống tinh thần: âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, ca múa, lễ hội, phong
tục, tín ngưỡng, tâm linh, tư duy là những mảng hết sức quan trọng trong đời
sống văn hóa sinh hoạt, nó thể hiện cái chuốt, cái tinh, cái thần ở phương diện
thẩm mĩ khi thể hiện cảm xúc về cái đẹp với phong cách chung là mềm mại,
dịu nhẹ và trầm lắng. Người Việt thường ưa thích màu xanh lơ, xanh lá mạ,
vàng nhạt, tím nhạt…
Tín ngưỡng phồn thực thể hiện đậm đà và quán xuyến, đa dạng và độc
đáo trong đời sống tâm linh người Việt. Tư chất, tính cách và tâm lí Việt Nam
thể hiện rõ trong “nguyên lí Mẹ”. Từ cái nền chung của chế độ mẫu hệ, trong
thời kì lịch sử chuyển sang một quan hệ xã hội mới – khi vai trò và vị trí xã

hội của người đàn ông ngày càng tăng thì ở nhiều chế độ phụ hệ đã đẩy người
phụ nữ xuống địa vị thấp hèn, cùng cực. Trong điều kiện lịch sử chung ấy, ở
xã hội người Việt, nguyên lí Mẹ vẫn được đề cao và thấm sâu vào đời sống
mọi mặt. Yếu tố quyết định đặt người phụ nữ vào địa vị cao chính bởi năng
lực làm nên giá trị cuộc sống của họ, không kể cái năng lực sáng tạo ra của
cải vật chất của họ cũng rất to lớn. Họ cùng đàn ông tham gia vào việc cày,
bừa, vỡ đất, be bờ, đắp đập, tát nước và các công việc khác như chăm sóc cây
lúa, làm cỏ, gặt hái thu hoạch mùa màng, bảo quản và chế biến… Lao động
của người phụ nữ rất nổi trội và có tính chất quán xuyến. Trong quan hệ kinh
tế, cái thực tế “của chồng công vợ” nói lên vai trò không thể bỏ qua của phụ

18


nữ. Ngay trong lĩnh vực đấu tranh xã hội, phụ nữ Việt Nam cũng có rất nhiều
công lao, đó là hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu, các nữ tướng chống giặc ngoại
xâm…
Nguyên lí Mẹ ăn sâu trong tâm trí và biểu hiện thành các chuẩn mực
ứng xử. Khái niệm Mẹ được dùng để chỉ những gì lớn lao vô tận: Sông Cái,
Đường Cái, Rễ Cái, Củ Cái…
Do điều kiện thiên nhiên, nơi mà cư dân chúng ta sống vừa ưu ái vừa
hà khắc, vừa êm ả lại vừa dữ dằn, nên sản sinh ra một cảm quan nước đôi,
một thứ lưỡng tính nhất thể, dung hóa mạnh hơn loại trừ, khoan hòa hơn là
thù nghịch. Việc trồng lúa theo thời vụ đòi hỏi một nắng hai sương để kịp thời
vụ (cày bừa, gieo trồng, gặt hái…), mặt khác lại tạo ra nhiều thời gian thư
giãn, nông nhàn. Vậy là trong nhịp sống có lúc khoan, lúc nhặt để đẻ ra cái
tâm lí, tính cách vừa hững hờ, khoan thai, êm ả, vừa hối hả, mạnh mẽ, sôi
động – nhưng cái ôn hòa dường như là quán xuyến. Các cư dân trong một
cộng đồng làng xã Việt ngày xưa vẫn phải tuân theo một hệ thống các lệ làng
gọi là hương ước, có thể coi đó là một hệ thống luật tục. Hương ước hàm

chứa những điều giáo huấn về một lối sống gọi là thuần phong mĩ tục”. Nó đề
ra các hình thức trừng phạt đối với những việc làm trái với lệ làng và đề ra
những hình thức khen thưởng đối với những việc làm tốt, có ích cho làng.
Hương ước được xây dựng trên cơ sở những mối quan hệ giữa các thành viên
của cộng đồng làng xã với nhau, giữa mỗi thành viên với cộng đồng, giữa các
cộng đồng nhỏ trong làng và cộng đồng làng. Nó không đối lập với luật pháp
nhà nước mà tồn tại song song với luật pháp nhà nước và phần lớn nội dung
của nó được nhà nước xét duyệt và công nhận vào thế kỉ XIX. Có bốn loại
quy ước chủ yếu trong các bản hương ước: 1 – Những quy ước về chế độ
ruộng đất; 2 – Những quy ước về việc khuyến nông, bảo vệ sản xuất, bảo vệ
môi trường; 3 – Những quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các
chức dịch trong làng; 4 – Những quy ước về văn hóa tinh thần và tín ngưỡng.

19


1.4. Chức năng của văn hóa
Trong giới nghiên cứu, sự trình bày chức năng của văn hóa không phải
đã thống nhất hoàn toàn4. Chúng tôi quan niệm văn hóa có những chức năng
chính bao gồm.
Chức năng giáo dục là bồi dưỡng con người, hướng lí tưởng, đạo đức
và hành vi của con người vào “điều hay lẽ phải, điều khôn, lẽ thiệt”, theo
những khuôn mẫu, chuẩn mực mà xã hội quy định.
Văn hóa bao giờ cũng hình thành trong một quá trình và được tích lũy
qua nhiều thế hệ, mang tính lịch sử và tạo cho văn hóa một bề dày, một chiều
sâu. Nó được duy trì bằng truyền thống văn hóa, tức là cơ chế tích lũy và
truyền đạt kinh nghiệm trong cộng đồng qua không gian và thời gian. Nó là
những giá trị tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới
những khuôn mẫu xã hội được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người và
được cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp,

dư luận… Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục (giáo dục truyền thống)
không chỉ bằng những giá trị ổn định mà còn bằng những giá trị đang hình
thành. Các giá trị đã ổn định và những giá trị đang hình thành tạo nên một hệ
thống chuẩn mực mà con người hướng tới. Nhờ nó, văn hóa đóng vai trò
quyết định trong việc hình thành nhân cách ở con người, trồng người, dưỡng
dục nhân cách. Một đứa trẻ được sống với cha mẹ sẽ được giáo dục theo
truyền thống văn hóa trong gia đình mình được sinh ra; còn nếu bị rơi vào
rừng, đứa trẻ ấy sẽ mang hành vi, tính nết của loài thú. Không phải ngẫu
4 PGS.TS Tạ Văn Thành trình bày văn hóa có các chức năng chính của văn hóa là chức năng giáo dục và

các chức năng khác như: + Chức năng nhận thức. + Chức năng định hướng đánh giá, xác định chuẩn mực
điều chỉnh cách ứng xử của con người. + Chức năng giao tiếp. + Chức năng đảm bảo tính kế tục lịch sử. +
Một số thành tố của văn hóa còn có cả chức năng riêng của nó. Chẳng hạn nghệ thuật, thể thao, trò chơi, hội
hè v.v… có chức năng giải trí, hoặc nghệ thuật có chức năng thẩm mĩ.
PGS, TSKH. Trần Ngọc Thêm, lại xuất phát từ các đặc trưng sau đây của văn hóa mà ông đề xuất để khẳng
định những chức năng sau đây của văn hóa:
– Chức năng tổ chức xã hội.– Chức năng điều chỉnh xã hội.– Chức năng giáo dục. Chức năng phái sinh là
đảm bảo tính kế tục của lịch sử.
Giáo trình Văn hóa xã hội chủ nghĩa của khoa Văn hóa xã hội chủ nghĩa, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh, lại trình bày chức năng của văn hóa gồm các chức năng sau:  Chức năng bao trùm là chức năng giáo
dục. – Chức năng nhận thức. – Chức năng thẩm mĩ.– Chức năng dự báo.– Chức năng giải trí.

20


nhiên mà trong các ngôn ngữ phương Tây khác nhau, thuật ngữ “văn hóa”
(culture, cultura) đều có chứa một nghĩa chung là chăm sóc, giáo dục, vun
trồng… Chức năng giáo dục của văn hóa đảm bảo tính kế tục của lịch sử. Nếu
gien sinh học di truyền lại cho các thế hệ sau hình thể con người thì văn hóa
được coi là một thứ “gien” xã hội di truyền phẩm chất con người lại cho các

thế hệ mai sau.
Do là một hiện tượng xã hội, là sản phẩm hoạt động thực tiễn của con
người, văn hóa có tính nhân sinh đậm nét và trở thành một công cụ giao tiếp
quan trọng thông qua ngôn ngữ. Nếu như ngôn ngữ là hình thức của giao tiếp
thì văn hóa là nội dung của nó. Điều đó đúng với giao tiếp giữa cá nhân trong
một dân tộc, lại càng đúng với giao tiếp giữa những người thuộc các dân tộc
khác nhau và sự giao tiếp giữa các nền văn hóa khác nhau.
Bằng chức năng giáo dục, văn hóa tạo cho lịch sử nhân loại và lịch sử
mỗi dân tộc một sự phát triển liên tục. Chức năng tổ chức xã hội và sự phát
sinh của chức năng này là văn hóa có chức năng điều chỉnh xã hội, định
hướng các chuẩn mực, các cách ứng xử của con người. Gần đây, UNESCO
cũng như Đảng, Nhà nước ta cho rằng văn hóa là động lực của phát triển,
chính là đề cập tới chức năng này.
Chức năng giáo dục của văn hóa phải được thực hiện thông qua các
chức năng khác.
Chức năng nhận thức là chức năng liên quan tới mọi hoạt động văn
hóa, thiếu nó, không thể nói tới chức năng nào khác. Nhận thức là cánh cửa
để mở mang dân trí. Nhận thức luôn gắn với giáo dục – đào tạo, khoa học –
công nghệ. Khi nhận thức không thay đổi, không tiến bộ thì không có cơ sở
để văn hóa phát triển dù ở bất cứ khía cạnh nào.
Chức năng thẩm mĩ là một chức năng rất quan trọng của văn hóa,
nhưng cũng là chức năng hay bị bỏ quên, bị coi nhẹ, khi xem xét, điều hành,
quản lí văn hóa. Cùng với nhu cầu hiểu biết, con người còn có nhu cầu hưởng
thụ, hướng tới cái đẹp. Con người nhào nặn hiện thực theo quy luật của cái

21


đẹp như Các Mác từng khẳng định, cho nên văn hóa nghệ thuật phải có chức
năng này. Xét cho cùng, văn hóa là sự sáng tạo của con người theo quy luật

của cái đẹp.
Chức năng giải trí không tách rời chức năng giáo dục và không đi ra
ngoài mục tiêu hoàn thiện con người. Bởi lẽ, trong cuộc sống, con người,
ngoài hoạt động lao động, còn có nhu cầu giải tỏa tinh thần, tâm lí, sự mệt
mỏi cơ bắp v.v… Họ tìm đến với các hoạt động văn hóa, Câu lạc bộ, bảo
tàng, lễ hội, v.v… nói khác đi là tìm sự giải trí. Trong một chừng mực nhất
định, sự giải trí ấy là bổ ích, cần thiết. Chẳng hạn, sau một vòng quay mùa vụ
của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, đi hội, xem hội, mở hội làng là nhu
cầu của người nông dân, không chỉ đơn thuần là sự giải tỏa tâm linh mà còn là
sự giải trí. Vấn đề là hiểu cho đúng chức năng này của văn hóa. Nhận biết các
chức năng của văn hóa, chính là khẳng định rõ ràng hơn mục tiêu cao cả của
văn hóa là vì con người, vì sự hoàn thiện và phát triển của con người.
1.5. Loại hình văn hóa
Theo cách nhìn truyền thống, văn hóa có hai phần rất đơn giản là văn
hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Cấu trúc này mới là cấu trúc cơ sở, đơn
giản, tuy không sai nhưng không thấy hết được sự phong phú và phức tạp của
hệ thống văn hóa. L.White thì phân chia văn hóa thành ba tiểu hệ: công nghệ,
xã hội và tư tưởng. GS. Đào Duy Anh thì dựa theo F.Sartiaux mà chia văn
hóa thành ba bộ phận: sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt xã hội và sinh hoạt tri thức.
GS. Văn Tân thì lại phân biệt văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh
thần. M.S.Kagan cũng chia văn hóa thành ba thành tố là văn hóa nghệ thuật,
bên cạnh văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. GS, TS. Ngô Đức Thịnh lại
nói đến bốn thành tố như văn hóa sản xuất, văn hóa xã hội, văn hóa tư tưởng
và văn hóa nghệ thuật, hoặc GS. Nguyễn Tấn Đắc lại chia văn hóa thành hoạt
động sinh tồn, hoạt động xã hội, hoạt động tinh thần, hoạt động nghệ thuật.
Mỗi nền văn hóa đều là tài sản của một cộng đồng người nhất định –
một chủ thể của văn hóa. Trong quá trình tồn tại và phát triển, cộng đồng

22



người – chủ thể văn hóa đó luôn có nhu cầu tìm hiểu và vì vậy, đã tích lũy
được một kho tàng kinh nghiệm và tri thức phong phú về vũ trụ và con người.
Mọi hệ thống văn hóa đều có quan hệ với môi trường xã hội. Vì vậy, giữa văn
hóa và môi trường xã hội có sự gắn kết sâu sắc. Đó là những vấn đề có liên
quan đến tổ chức xã hội vĩ mô như tổ chức nông thôn, quốc gia, đô thị và
những vấn đề có liên quan đến đời sống cá nhân như tín ngưỡng, phong tục,
tập quán, đạo đức, sự giao tiếp, ứng xử, nghệ thuật v.v… Mối quan hệ thứ hai
là quan hệ giữa văn hóa và môi trường tự nhiên (thiên nhiên, khí hậu, vấn đề
bản năng v.v…). Với mỗi loại môi trường đều có hai cách xử thế phù hợp với
hai loại tác động của chúng: tận dụng môi trường (tác động tích cực) và đối
phó với môi trường tự nhiên, có thể tận dụng để ăn uống và giữ gìn sức khỏe,
để mặc và làm đẹp con người, để tạo ra các vật dụng hàng ngày… Nhưng
đồng thời phải đối phó với thiên tai (trị thủy), với khoảng cách (giao thông),
với khí hậu và thời tiết (nhà cửa, kiến trúc)… Với môi trường xã hội, bằng
các quá trình giao lưu– văn hóa, tiếp xúc và biến đổi văn hóa, mỗi dân tộc đều
cố gắng tận dụng các thành tựu của các dân tộc, quốc gia lân bang để làm giàu
thêm nền văn hóa của mình; đồng thời, lại phải lo đối phó với họ trên các mặt
quân sự ngoại giao, chính trị… Văn hóa phải được xem xét trên cả hai khía
cạnh đồng đại và lịch đại, không gian (vấn đề địa lí – môi trường) và thời gian
(lịch sử dân tộc), khái quát và cụ thể. Ví dụ, dưới góc độ đồng đại, văn hóa có
thể phân biệt thành văn hóa dân gian và văn hóa chính thống, hoặc chia ba
loại văn hóa theo địa bàn cư trú là văn hóa biển, văn hóa đồng bằng và văn
hóa núi; hoặc có sự khác biệt giữa văn hóa Việt (Kinh) với văn hóa các dân
tộc ít người. Tóm lại, mô hình cấu trúc của hệ thống văn hóa sẽ cho ta thấy
những cái chung, cái đồng nhất trong tính hệ thống của các nền văn hóa, còn
loại hình văn hóa sẽ cho ta thấy cái riêng, cái khác biệt trong tính hệ thống
của chúng.
So sánh các nền văn hóa trên thế giới, người ta thấy chúng vô cùng đa
dạng và phong phú. Vì vậy, khi nói đến vấn đề này, người ta thường hay liệt


23


kê. Chẳng hạn, Arnold Toynbee kể ra 38 nền văn minh thế giới; trong đó văn
minh Việt Nam xếp cạnh văn minh Triều Tiên, Nhật Bản. Nhưng cũng từ lâu,
người ta đã nhận thấy giữa các nền văn hóa có không ít những nét tương
đồng. Để giải thích sự tương đồng này, có ba chủ thuyết lớn như sau:
- Cuối thế kỉ XIX ở Tây Âu đã phổ biến thuyết khuyếch tán văn hóa.
Đại biểu của nó là F.Ratsel, L.Frobenius, F.Giabner, W.Schmidt ở Đức, Áo;
G.Elliot Smith, W.Riers ở Anh… Quan điểm chủ yếu của họ là văn hóa được
hình thành từ một trung tâm rồi được truyền bá, lan tỏa ra các nơi khác bằng
cách mô phỏng hoặc do những cuộc thiên di của các dân tộc. Có lan tỏa toàn
bộ hoặc lan toả bộ phận (truyền bá những yếu tố riêng lẻ của một nền văn
hóa); lan toả tiên phát (trực tiếp từ nơi phát sinh) hoặc lan tỏa thứ sinh. Việc
cực đoan hóa thuyết này đã dẫn đến chỗ bị giới cầm quyền thực dân lợi dụng
để đề cao dân tộc này, khinh rẻ các dân tộc khác. Do vậy, nó từng bị kết án là
một “học thuyết tư sản”.
- Đầu thế kỉ XX, từ những ý kiến của F.Boas, các nhà nhân chủng học
Mỹ C. L.Wisler và A.L.Kroeber một mặt chống lại quan điểm tiến hóa đơn
tuyến và đơn giản của L.Morgan và E.B.Taylor, một mặt đã phản đối thuyết
khuyếch tán văn hóa và đề xuất thuyết vùng văn hóa. Trên cơ sở nghiên cứu
văn hóa các dân tộc da đỏ Mỹ, các tác giả khẳng định sự tồn tại của nhiều dân
tộc trên cùng một vùng lãnh thổ mà văn hóa của họ có những điểm chung.
- Sau này, từ cách tiếp cận vùng văn hóa trên cơ sở một đặc trưng hạn
hẹp, C.L.Wisler và một số tác giả khác đã đi đến kết luận về sự cần thiết lựa
chọn một tập hợp những đặc trưng tạo nên típ, hay loại hình văn hóa vùng.
Trên cơ sở quan điểm này, từ những năm 30; trong dân tộc học Xô Viết đã
hình thành thuyết loại hình kinh tế – văn hóa. Đại biểu của nó là N.N.
Chebôksarôp và một số tác giả khác. Họ cho rằng trong lịch sử văn hóa nhân

loại đã từng tồn tại ba nhóm loại hình kinh tế - văn hóa, loại hình kinh tế - văn
hóa liên quan đến những cư dân sinh sống bằng săn bắt, hái lượm và đánh cá;
loại hình kinh tế văn hóa liên quan đến những cư dân làm nông nghiệp dùng

24


×