Những vấn đề lý luận về chuyển dịch
cơ cấu kinh tế nông thôn
1. Các khái niệm.
1.1 Khái niệm về cơ cấu kinh tế.
Cơ cấu kinh tế là một tổng thể hệ thống kinh tế bao gồm nhiều yếu tố có
quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong những không gian
và thời gian , trong những điều kiện kinh tế xã hội nhất định. Nó thể hiện cả về
mặt định tính và định lượng, cả về số lượng và chất lượng, phù hợp với mục
tiêu được xác định của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế không có tính chất cố định
mà luôn vận động, thay đổi để phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế
trong từng thời kỳ phát triển, nhằm tăng trưởng kinh tế nâng cao hiệu quả
kinh tế - xã hội.
Cơ cấu kinh tế muốn phát huy được tác dụng cần có một quá trình, một
thời gian nhất định, quá trình ấy dài hay ngắn phụ thuộc từng hình thức
chuyển dịch và các chính sách kinh tế vĩ mô về ngành của Nhà nước...
Vì vậy cơ cấu kinh tế không mang tính ổn định lâu dài, mà từng thời kỳ
phải có một chính sách về cơ cấu kinh tế tương ứng thích hợp với sự biến động
của điều kiện tự nhiên ,kinh tế , xã hội.
Sự duy trì quá lâu hoặc thay đổi quá nhanh chóng cơ cấu kinh tế mà
không dựa vào những biến đổi của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đều gây
nên những hại về kinh tế.
Vì vậy có nên chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay không ? chuyển dịch nhanh
hay chậm không phải là sự mong muốn chủ quan, mà phải dựa vào mục tiêu,
các quy luật kinh tế để làm cơ sở cho quá tình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của
mỗi nơi, mỗi vùng và trong doanh nghiệp .
1.2. Khái niệm về cơ cấu kinh tế nông thôn:
Kinh tế nông thôn là một trong hai khu vực kinh tế đặc trưng của kinh tế
quốc dân: khu vực kinh tế nông thôn và khu vực kinh tế thành thị. Khu vực kinh
tế nông thôn có vị trí quan trọng, trước hết là khu vực sản xuất cung cấp
lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội tồn tại và phát triển. Nó còn cung cấp
ngày càng nhiều các nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, cung cấp nguồn lao
động phong phú cho khu vực thành thị đó là thị trường rộng lớn để tiêu thụ
sản phẩm công nghiệp bao gồm cả tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng. Trong
giai đoạn đầu của công nghiệp hoá, do có lợi thế tuyệt đối và tương đối có thể
khai thác nguồn nông - lâm - thuỷ sản để tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thêm
nguồn tích luỹ của đất nước, góp phần phát triển khu vực nông thôn, cùng với
sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khu vực thành thị, tỷ trọng
sản phẩm thuộc khu vực kinh tế nông thôn giảm xuống, chủ yếu là sản phẩm
nông - lâm- ngư nghiệp. Nhưng không vì thế mà vị trí của nó giảm, xuống mà
khu vực này vẫn giữ vị trí là nơi sản xuất và cung cấp những sản phẩm chủ yếu
không thể thay thế được. Vì thế cơ cấu kinh tế nông thôn đóng vai trò to lớn nó
tồn tại, phát triển gắn liền với tổng thể các quan hệ kinh tế nhất định. Cơ cấu
kinh tế nông thôn luôn vận động và thích ứng với sự phát triển của lực lượng
sản xuất và sự phân công lao động xã hội ở từng giai đoạn.
Như vậy cơ cấu kinh tế nông thôn được hiểu một cách đầy đủ là một
tổng thể các mối quan hệ kinh tế trong vùng nông thôn, có mối quan hệ gắn bó
hữu cơ với nhau theo tỉ lệ nhất định về mặt lượng và liên quan chặt chẽ về
chất, chúng tác động qua lại lẫn nhau trong những không gian và thời gian
nhất định, phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định tạo một hệ
thống kinh tế nông thôn, một bộ phận hợp thành không thể tách rời của hệ
thống kinh tế quốc dân.
Các mối quan hệ trong cơ cấu kinh tế nông thôn phản ánh trình độ phát
triển sự phân công lao động trong lãnh thổ, khi sự phân công đạt đến trình độ
cao, thì cơ cấu kinh tế nông thôn càng đa dạng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
1.3. Khái niệm về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đó là quá trình làm thay đổi cấu
trúc và các mối quan hệ của hệ thống kinh tế nông thôn theo một tỷ lệ và mục
tiêu nhất định, nghĩa là đưa hệ thống kinh tế nông thôn đến trạng thái phát
triển tối ưu, đạt được hiệu quả cao. Thông qua các tác động điều khiển có ý
thức của con người, trên cơ sở nhận thức và vận dụng đúng đắn các quy luật
khách quan.
2. Các nội dung của cơ cấu kinh tế nông thôn
2.1. Cơ cấu ngành:
Trong quá tình phát triển loài người đã trải qua 3 lần phân công lao
động xã hội: chăn nuôi tách khỏi trồng trọt; thủ công nghiệp tách khỏi nông
nghiệp; dịch vụ lưu thông tách khỏi sản xuất.
Như vậy sự phân công lao động theo ngành là cơ sở hình thành cơ cấu
ngành, sự phân công lao động phát triển ở trình độ cao, càng chặt chẽ thì sự
phân chia ngành càng đa dạng và sâu sắc. Cùng với sự phát triển của lực
lượng sản xuất và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đặc biệt sự phát triển của
công nghiệp hiện đại, cơ cấu kinh tế nông thôn được cải tiến nhanh chóng theo
hướng công nghiệp hóa và hiện đại hoá.
Cơ cấu kinh tế nông thôn bao gồm 3 nhóm: nông nghiệp (nông - lâm -
ngư nghiệp), công nghiệp nông thôn (bao gồm công nghiệp khai thác, chế biến,
tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp truyền thống) và dịch vụ nông thôn (bao
gồm dịch vụ sản xuất và đời sống). Trong từng nhóm ngành được phân theo
nhỏ hơn chẳng hạn như trong nông nghiệp (theo nghiã hẹp) được phân theo
như trồng trọt, chăn nuôi. Trong ngành trồng trọt được chia tiếp thành: cây
lương thực, cây công nghiệp, cây rau đậu, cây ăn quả, cây dược liệu ...
Phân công lao động thực hiện càng sâu sắc thì cơ cấu ngành càng được
phân chia càng tỉ mỉ và đa dạng.Tiền đề của sự phân công lao động là năng
suất lao động nông nghiệp, chủ yếu là năng suất lao động của khu vực sản xuất
lương thực, phải đạt ở mức nhất định, đảm bảo số lượng và chất lượng lương
thực cho xã hội mới tạo nên sự phân công lao động giữa người sản xuất lương
thực với người sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp, chăn nuôi... tạo nên sự
phân công lao động giữa những người làm nông nghiệp và những người làm ở
các ngành khác... Có những quốc gia không thể làm giàu bằng nông nghiệp mà
phải làm giàu bằng công nghiệp và dịch vụ. Nhưng muốn làm giàu bằng công
nghiệp và dịch vụ có hiệu quả thì trước hết phải coi trọng nông nghiệp, Nghĩa
là nông nghiệp phải đảm bảo phát triển đến mức độ nhất định tạo tiền đề và là
điều kiện quan trọng cho sự phát triển công nghiệp và dịch vụ với nhịp độ cao
và ổn định.
2.2. Cơ cấu vùng lãnh thổ:
Sự phân công lao động theo ngành kéo theo sự phân công theo lãnh thổ.
Đó là 2 mặt của một quá trình gắn bó hữu cơ với nhau. Sự phân công lao động
theo ngành bao giờ cũng diễn ra trên vùng lãnh thổ nhất định.Nghĩa là cơ cấu
vùng lãnh thổ là nơi bố trí các ngành sản xuất và dịch vụ theo không gian cụ
thể nhằm khai thác mọi ưu thế tiềm năng sẵn có. Xu thế chuyển dịch của cơ cấu
vùng lãnh thổ theo hướng đi vào chuyên môn hoá và tập trung hoá sản xuất và
dịch vụ, hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn, tập trung có hiệu quả
cao, mở rộng các mối quan hệ với các vùng chuyên môn hoá khác, gắn với cơ
cấu kinh tế của từng khu vực với cả nước. Trong từng vùng lãnh thổ cần coi
trọng chuyên môn hoá kết hợp với phát triển tổng hợp và đa dạng. Theo kinh
nghiệm lịch sử ,để hình thành cơ cấu vùng lãnh thổ hợp lý trước hết cần hướng
vào các khu vực có lợi thế so sánh. Đó là những khu vực có điều kiện đất đai
khí hậu tốt, vị trí địa lý, giao thông thuận lợi đó là những vùng gắn với các trục
đường giao thông cửa sông, cửa biển, gần các thành phố, khu công nghiệp lớn
sôi động có điều kiện phát triển và mở rộng giao lưu kinh tế với các vùng bên
trong và bên ngoài, có khả năng tiếp cận và hoà nhập nhanh chóng vào thị
trường hàng hoá và dịch vụ. Tuy nhiên so với cơ cấu ngành thì cơ cầu vùng
lãnh thổ có sức ỳ hơn. Vì vậy cần đánh giá và xem xét để quy hoạch sao cho
hiệu quả kinh tế cao nhất.
Cơ cấu kinh tế nông thôn của mỗi vùng thường có những đặc trưng rất
khác nhau và phụ thuộc vào hai nhóm nhân tố chính:
- Thứ nhất: yêu cầu của thị trường tác động đến cơ cấu vùng.
- Thứ hai: Khả năng điều kiện riêng của từng vùng nhằm tìm kiếm
những lợi thế trong sản xuất kinh doanh để thoả mãn đáp ứng nhu cầu của thị
trường.
2.3. Cơ cấu thành phần kinh tế.
Cơ cấu thành phần kinh tế là nội dung quan trọng của quá trình
chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu kinh tế nông thôn nói riêng ở
nước ta. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI đã khẳng định chuyển nền kinh tế nước
ta từ nền kinh tế chỉ huy bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý
Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và rất coi trọng phát triển
nhiều thành phần kinh tế. Từ đó đến nay sự tham gia của các thành phần
kinh tế vào nền kinh tế quốc dân ngày càng đông, trong đó hộ tự chủ là đơn
vị sản xuất kinh doanh là lực lưọng chủ yếu trực tiếp tạo ra các sản phẩm
nông - lâm - thuỷ sản cho toàn xã hội. Trong kinh tế hộ đã từng bước giảm
số hộ thuần nông tăng tỷ lệ số hộ kiêm và các hộ chuyên làm thủ công
nghiệp, dịch vụ. Để có sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn chúng ta không
dừng lại ở kinh tế hộ mà phát triển lên xây dựng kinh tế nông trại rồi qui mô
liên hộ. Tỷ trọng khu vực quốc doanh trong nông nghiệp nông thôn có xu thế
giảm dần, vì vậy cần rã soát lại sắp xếp lại và củng cố để các đơn vị kinh tế
quốc doanh trong nông nghiệp nông thôn phát triển có hiệu quả.
Đối với khu vực kinh tế hợp tác chúng ta cần đổi mới các hợp tác xã kiểu
cũ, khuyến khích mở rộng và phát triển các hình thức hợp tác xã kiểu mới và
trình độ khác nhau, hợp tác xã và hộ nông dân cùng tồn tại, phát triển trên cơ
sở tự nguyện của các hộ thành viên và đảm bảo lợi ích thiết thực.
2.4. Cơ cấu kỹ thuật:
Cơ cấu kỹ thuật là quan hệ tỉ lệ về lượng giữa các yếu tố của quá tình sản
xuất, theo thời gian và điều kiện môi trường nhất định.
Cũng như cơ cấu thành phần kinh tế, trong thời gian dài cơ cấu kỹ thuật
trong nông thôn nước ta mang nặng tình cổ truyền và nông nghiệp truyền
thống lạc hậu phân tán, manh mún, và bảo thủ. Về kỹ thuật chủ yếu là dựa vào
kinh nghiệm qua các thế hệ của từng hộ nông dân. Vì vậy, sản xuất nông
nghiệp phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên.
Ngày nay dưới sự tác động của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và sự
phát triển mạnh mẽ của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã làm
phá vỡ các hình thức, các phương thức sản xuất cổ truyển. Điều này đã làm
cho cơ cấu kỹ thuật ở nông thôn nước ta trong những năm qua có những
chuyển biến chưa từng có.
3. Đặc trưng của cơ cấu kinh tế nông thôn
* Cơ cấu kinh tế nông thôn mang tính khách quan và được hình thành do
sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội chi phối, ở
một trình độ phát triển nhất định sẽ có một cơ cấu kinh tế cụ thể tương ứng
trong nông thôn. ĐIều này khẳng định rằng việc xác lập cơ cấu kinh tế nông