Tải bản đầy đủ (.docx) (5 trang)

Phân tích bài thơ Từ ấy

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (60.58 KB, 5 trang )

TỪ ẤY
__Tố Hữu__
Tố Hữu được coi là cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam. Suốt cả
cuộc đời gắn bó với cách mạng, những trang viết của Tố Hữu luôn ánh lên tinh thần
cách mạng, lòng tự hào dân tộc cùng với những tư tưởng lớn, tình cảm và lẽ sống lớn.
Nhắc đến ông, ta không thể không nhắc đến những tập thơ nổi tiếng như: Từ ấy, Việt
Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa… trong đó tập thơ đầu tay Từ ấy là tập thơ tiêu biểu
cho phong cách thơ của Tố Hữu,mang ý nghĩa mở đầu cũng như là tuyên ngôn về lẽ
sống của người chiến sĩ cách mạng được giác ngộ với lí tưởng của Đảng.
Tập được Tố Hữu viết vào năm 1938, đó là thời điểm Tố Hữu được kết nạp vào
Đảng Cộng Sản Đông Dương. Tập thơ này gồm 71 bài thơ được chia làm 3 phần: Máu
lửa, xiềng xích, giải phóng. Trong đó bài thơ “Từ ấy” được rút từ phần 1, phần Máu lửa,
được coi là bài thơ hay nhất, ấn tượng nhất trong tập thơ. Bài thơ là niềm vui sướng, say
mê mãnh liệt của nhà thơ Tố Hữu trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cuộc sống. Bài thơ còn
thể hiện quá trình vận động của tâm trạng cũng như nhận thức của người thanh niên trí
thức tiểu tư sản sang người trí thức cách mạng giàu lòng yêu nước.
Khổ 1: diễn tả niềm vui sướng, say mê của tác giả khi bắt gặp lí tưởng của Đảng
Cộng Sản. Ở khổ thơ đầu có sự kết hợp hài hòa giữa hai bút pháp Tự sự và trữ tình.
Hai câu thơ đầu được tác giả viết theo bút pháp tự sự. Lời thơ như một lời kể về một kỉ
niệm không thể nào quên trong cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng trẻ.
Mở đầu bài thơ là tiếng reo vui của người thanh niên yêu nước được giác ngộ lí
tưởng cách mạng:
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi như một vườn hoa lá
Rất đậm hương và đậm tiếng chim”.
Hai tiếng ‘Từ ấy’ lại vang lên với vai trò không chỉ mở đầu cho một câu thơ, một
khổ thơ mà là sự khởi đầu cho cả một mạch cảm xúc. ‘Từ ấy’ là một phiếm định về thời
gian, một mốc thời gian không hề cụ thể nhưng đặt trong hoàn cảnh sáng tác của bài thơ
thì nó lại giữ một vai trò vô cùng quan trọng. “Từ ấy” – cột mốc thời gian đặc biệt trong
cuộc đời cách mạng và trong cuộc đời thơ Tố Hữu. Đó là khi Tố hữu được giác ngộ lý


tưởng Cách mạng, được kết nạp vào Đảng Đông Dương đấu tranh cho một mục tiêu cao
đẹp. Đó là một kỉ niệm mang ý nghĩa sâu sắc với người thanh niên ấy nên ông đã mạnh
dạn bộc lộ sự hân hoan, niềm vui sướng của mình khác hoàn toàn với Tố Hữu của trước
đây:
“Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một hay để dòng nước trôi”


Trong những ngày tháng ấy, cũng giống như những thanh niên tiểu tư sản khác,
ông là người có trong mình nhiệt huyết sục sôi tinh thần dân tộc nhưng chưa có được
đường đi đúng đắn. Vậy nên lí tưởng Cộng sản như thứ ánh nắng rực rỡ bừng lên trong
họ. Thứ ánh nắng được tác giả nhắc đến không phải là ánh nắng của mùa xuân ấm áp
cũng không phải ánh nắng dịu nhẹ của mùa thu mà là ‘nắng hạ’- ánh nắng chói chang và
rực rỡ. Nó có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn nhạy cảm của thi nhân, nó giúp xé tan cái
tối tăm, u ám nặng trĩu trong lòng người bấy lâu nay. Không chỉ là “nắng hạ” mà với Tố
Hữu lí tưởng Cách mạng còn là “mặt trời chân lí”. Chân lí vốn là những điều đúng đắn,
được mọi người công nhận ở đây lại gắn liền với “mặt trời” cùng nhau làm nên một
hình ảnh đầy mới lạ. Nó thể hiện được thái độ trân trọng của nhà thơ với lí tưởng của
Đảng. Nếu như mặt trời của thiên nhiên mang đến ánh sáng, hơi ấm và sự sống cho vạn
vật trên thế gian này thì lí tưởng Cách mạng soi đường, dẫn dắt tác giả lựa chọn được
đường đi đúng đắn cho cuộc đời mình. Lí tưởng ấy cứ “bừng sáng” rồi lại ‘chói qua tim’
– nơi giao thoa mọi cung bậc cảm xúc, khiến cho mạch cảm xúc của thi nhân cứ thế mà
dâng trào như những đợt sóng dồn dập, mạnh mẽ. Lí tưởng ấy đã không chỉ tác động tới
lí trí mà còn tới tình cảm của nhà thơ. Người thanh niên đã đón nhận ánh hào quang ấy
bằng cả trái tim, bằng cả tấm lòng cùng nhận thức đúng đắn: chỉ làm đúng khi có lí
tưởng Cách mạng chiếu rọi. Lí tưởng đã làm thay đổi một con người, một cuộc đời để
rồi:
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
Khéo léo, hài hòa và nhuần nhuyễn trong việc vận dụng nghệ thuật so sánh cùng

bút pháp lãng mạn nhà thơ đã ví von hồn mình như “một vườn hoa lá”. Nó giúp cho
khái niệm “hồn tôi” vốn vô hình lại trở nên hữu hình,cụ thể. “Đậm hương” và “rộn tiếng
chim” là hai “nét vẽ” cơ bản được chêm xen vào để làm nổi bật lên khung cảnh của
vườn hoa lá. Nơi đây mang một sắc màu tươi tắn, cảnh vật hấp dẫn, tràn đầy năng
lượng: mảnh vườn nở rộ những chùm hoa, cỏ ngàn tỏa hương thơm ngát, có âm vang
rộn rã của tiếng chim làm xao xuyến lòng người. Dường như cái nhộn nhịp, vui tươi ấy
ta cũng từng bắt gặp trong những vần thơ sôi nổi của Xuân Diệu:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si”
Phải chăng lòng người cũng đang đắm say, ngây ngất trong niềm vui, niềm say mê
và phấn khởi khi được vinh dự góp mình vào hàng ngũ của Đảng và Cách mạng cũng
như hoa kia đang tràn trề sức sống khi được tắm mình trong ánh mặt trời lan tỏa. Cách
mà tác giả tiếp nhận lí tưởng của Đảng cũng như cách mà cỏ cây vươn mình ra đón
nhận ánh mặt trời để sinh sôi, nảy nở. Đối với Tố Hữu, lí tưởng cách mạng không chỉ
khơi dậy một sức sống mới mà còn mang lại một cảm hứng sáng tạo mới cho hồn thơ.


Đó là nhà thơ say mê ca ngợi nhân dân, ca ngợi đất nước, say mê hoạt động cống hiến
cho cách mạng.
Có thể nói đây là khổ thơ hay nhất, đậm đà màu sắc lãng mạn nhất trong thơ Tố
Hữu. Ngoài việc sáng tạo hình ảnh ẩn dụ, hình ảnh so sánh tác giả còn rất tinh tế trong
việc lựa chọn và sử dụng những từ ngữ hình tượng, gợi cảm. Trong bối cảnh những năm
1938, khi đất nước ta rơi vào vòng nô lệ thì việc được giác ngộ lí tưởng của Đảng là một
lối thoát trong ngõ cụt và giờ đây những người thanh niên này đã tìm thấy ánh sáng của
niềm hi vọng làm chủ chính quê hương của mình nên tâm trạng vui sướng của nhà thơ
cũng chính là tâm trạng vui sướng của một thế hệ.
Khổ 2: Những nhận thức mới về lẽ sống:
Từ niềm vui sướng ấy mà trong Tố Hữu đã có những sự thay đổi về nhận thức, tư

tưởng và lẽ sống:
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Như một sự tự nhiên, một lẽ thông thường, từ khi bắt gặp lí tưởng của Đảng
nhà thơ đã thay đổi hoàn toàn quan niệm sống cũng như tinh thần và trách nhiệm cá
nhân. Con người cá nhân đã nhòe đi, tan biến dần đi nhường chỗ cho cái tôi rộng lớn –
cái tôi hướng đến cuộc đời, hướng đến những con người. Những ích kỉ, hẹp hòi ngăn
cản cái tôi cá nhân đến với cuộc đời không còn nữa, con đường hòa nhập mỗi lúc lại
được mở rộng, nâng cao. Tình yêu của Tố Hữu lớn lao lắm! Tình yêu ấy không dành
riêng cho riêng ai mà nó đã được nâng lên thành tình cảm với toàn dân tộc. Đó là sự gắn
bó bền chặt với ý thức tự nguyện và quyết tâm cao độ của Tố Hữu - “buộc” – nhà thơ
muốn vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống chan hòa với mọi người với “bao
hồn khổ”. “Trang trải” - tâm hồn của nhà thơ đang trải rộng với cuộc đời: tạo ra khả
năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể. “Buộc” và “trang trải”
tưởng chừng như là hai động từ trái nghĩa nhưng thực chất khi đặt vào hai câu thơ liên
tiếp chúng lại mang tới sự đồng nhất. Nó khiến cho câu thơ cụ thể hóa được sự giao
hòa, giao cảm, gắn bó đến hết thảy mà Tố Hữu dành đến hết thảy cho những người lao
động cần lao:
“Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”
Hai câu thơ với hai hình ảnh ẩn dụ khác nhau. Nếu như “hồn khổ” được nhắc đến
là hình ảnh của những con người thấp cổ bé họng, những mảnh đời bất hạnh thì “khối
đời” lại gợi nhắc đến khối người đông đảo, cùng cảnh ngộ, cùng chung một lí tưởng,
đoàn kết với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng phấn đấu vì một mục đích chung: đấu
tranh giành lại quyền sống và quyền độc lập dân tộc. Cùng với hai hình ảnh ẩn dụ, sự


góp mặt của biện pháp nghệ thuật điệp cấu trúc “để…” đã giúp đẩy sự gắn bó lên cao

hơn, thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc: sự gắn bó sâu sắc từ tận sâu trong đáy lòng ,
trong tâm hồn chứ không còn đơn thuần là sự gắn bó bề ngoài.
Như vậy, toàn bộ khổ thơ trên bằng lối sử dụng những từ ngữ chính xác, giàu ẩn ý,
nhà thơ đã gửi gắm một cách sâu sắc về tư tưởng, tình cảm của mình. Đó là tình yêu
thương con người của Tố Hữu gắn với tình cảm hữu ái giai cấp. Nó thể hiện niềm tin
của tác giả vào sức mạnh đoàn kết, câu thơ trên cũng là một lời khẳng định: khi cái tôi
chan hòa với cái ta, khi cá nhân hòa vào tập thể cùng lí tưởng thì sức mạnh nhân lên gấp
bội. Những câu thơ cũng là biểu hiện nhận thức mới về lẽ sống chan hòa cá nhân và tập
thể, giữa cái tôi và cái ta. Trong lẽ sống ấy con người tìm thấy niềm vui và sức mạnh.
Sự thay đổi nhận thức ấy, nó bắt nguồn sâu xa từ sự tự giác ngộ lí tưởng cảu nhà thơ Tố
Hữu.
Khổ 3: nhà thơ khép lại với sự chuyển biến của tình cảm trong nhà thơ Tố Hữu. Từ
thay đổi về nhận thức dẫn đến sự thay đổi về tình cảm.
Bên cạnh những nét chuyển biến về tư tưởng, lẽ sống Tố Hữu còn có những
chuyển biến trong tình cảm khá rõ rệt:
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ”
Đến đây, thêm một lần nữa nhà thơ đã tự mình vượt ra khỏi cái tôi cá nhân, vượt
qua sự hẹp hòi, ích kỉ của giai cấp tiểu tư sản để có được tình hữu ái giai cấp, tinh thần
ruột thịt với tầng lớp nhân dân lao động. Qua cách xưng hô: ‘con’, ‘anh’ và ‘em’, Tố
Hữu đã khẳng định “Tôi đã là con của vạn nhà” , xác định mình là một thành viên trong
đại gia đình quần chúng lao khổ. Lối diễn đạt trùng điệp cấu trúc “Là…của…” đồng
thời giọng thơ cũng trở nên sôi nổi, thiết tha hơn càng nhấn mạnh khẳng định trên của
tác giả. Thêm vào đó là các từ “đã là, là con, là em, là anh” lại giúp diễn tả tình cảm
đầm ấm, thân thiết gắn bó với “vạn kiếp phôi pha”, “vạn đầu em nhỏ”. Lời thơ dường
như xót xa hơn khi nhắc tới hình ảnh những em nhỏ “cù bất cù bơ”. Có thể nhận thấy
rằng: người chiến sĩ ấy không chỉ sống trong lòng nhân dân, được nhân dân yêu thương,
đùm bọc mà chính ông cũng bày tỏ lòng xót xa, đau đớn với những kiếp người nhỏ bé

trong xã hội lúc bấy giờ. Càng yêu thương, càng đồng cảm bao nhiêu ông lại càng căm
giận những ngang trái của cuộc đời bấy nhiêu để rồi từ đó nhận thức được trách nhiệm
của cá nhân nhà thơ lại càng hăng say hoạt động Cách mạng, nguyện được đứng vào
hàng ngũ những người “than bụi lầy bùn” để cùng nhau đấu tranh cho một ngày mai
tươi sáng.
Nhà thơ đã vượt qua giai cấp của mình đế đến với giai cấp vô sản với tình cảm
chân thành và điều này chứng tỏ sức mạnh cảm hóa mạnh mẽ lí tưởng cách mạng đối
với những người trí thức tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ cảm hóa Tố Hữu mà


còn thay đổi cả một thế hệ trí thức tiểu tư sản như Xuân Diệu, Huy Cận. Họ vốn là
những thi sĩ lãng mạn rồi trở thành những nhà thơ cách mạng, sáng tác phục vụ cho sự
nghiệp cách mạng. Nhưng quan niệm của các nhà thơ cách mạng, nhà thơ, nhà văn phải
là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Như Hồ Chí Minh đã viết:

“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Với cách sử dụng linh hoạt các bút pháp tự sự, trữ tình và lãng mạn, sử dụng linh
hoạt và hiệu quả các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, ngôn ngữ rồi sử dụng từ ngữ
giàu tình cảm, giàu hình ảnh. Bài thơ cũng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố
Hữu, có sự kết hợp hài hòa giữa trữ tình và chính trị, sử dụng nhuần nhuyễn các thủ
pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ ca truyền thống nhưng giàu hình ảnh và giàu nhịp
điệu lời thơ giản dị khiến nó dễ đi vào lòng người đọc.
Bài thơ đã thể hiện được một cách sâu sắc, tinh tế sự thay đổi nhận thức, tư tưởng,
tình cảm của một thanh niên ưu tú khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng và được vinh
dự đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng. Bài thơ cũng thể hiện những nhận thức mới
về lẽ sống, đó là lẽ sống gắn bó hài hòa giữa cái tôi riêng với cái ta chung của mọi
người. Cũng như sự chuyển biến sâu sắc của nhà thơ, bài thơ cũng có ý nghĩa mở đầu
cho con đường cách mạng, con đường thơ ca của Tố Hữu. Nó là tuyên ngôn về lẽ sống
của người chiến sĩ cách mạng và cũng là tuyên ngôn của nàh thơ chiến sĩ.




Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×