KINH NGHIỆM QUỐC TẾ TRIỂN VỌNG VÀ
GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU
THAN KHOÁNG SẢN VIỆT NAM TRONG THỜI
KỲ TỪ NAY ĐẾN 2015
Chương 3.
Kinh nghiệm quốc tế, triển vọng và giải pháp đối với hoạt động xuất khẩu
Than khoáng sản Việt Nam trong thời gian từ nay đến 2015
3.1. Các quy định của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động kinh
doanh xuất khẩu Than khoáng sản
Than là một trong những tài nguyên khoáng sản quý giá của quốc gia,
đấy là nguồn lợi mà quốc gia có được nên mọi hoạt động liên quan đến khai
thác, sử dụng và đặc biệt là xuất khẩu đều được quản lý, giám sát chặt chẽ của
Nhà nước. Đối với hoạt động khai thác, chế biến và xuất khẩu của ngành Than
cũng nằm trong tầm kiểm soát như thế, các chiến lược phát triển đều được tính
đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tránh tình trạng phát triển của một
ngành mà lại ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác trong khu vực địa phương
và cả nước. Trước yêu cầu đó, ngoài Bộ Luật khoáng sản, Chính phủ và Bộ
ngành liên quan đã có những Quyết định, thông tư hướng dẫn và chỉ đạo điều
hành công tác khai thác, kinh doanh và xuất khẩu đối với sản phẩm Than của
ngành Than khoáng sản Việt Nam.
Trong vấn đề khai thác và kinh doanh Than mỏ, năm 2007 Bộ công thương
đã ban hành Thông tư 04/2007/TT-BCN ngày 22/10/2007 về Hướng dẫn điều
kiện kinh doanh Than. Trong Thông tư đã xác định rõ một số điểm như: Điểm a
khoản 2 mục I quy định “Than: là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy
định tại Điều 7 Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của
Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh
doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, bao gồm tất cả các loại
Than hoá thạch và Than có nguồn gốc hoá thạch dưới dạng nguyên khai hoặc đã
qua chế biến” Và điểm b khoản 2 mục I “Than được khai thác, chế biến bởi tổ
chức, cá nhân có giấy phép khai thác, giấy phép khai thác tận thu, giấy phép chế
biến Than do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật
Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản
năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005”. Các điều kiện về
kinh doanh Than mỏ cũng được quy định rõ tại Mục II: Điều kiện kinh doanh
Than của Thông tư này.
Hộp 1: Trích dẫn Thông tư số 04/2007/TT-BCT
Hướng dẫn điều kiện kinh doanh than
2. Giải thích từ ngữ
a) “Than” là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 7
Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy
định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế
kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, bao gồm tất cả các loại than hoá thạch
và than có nguồn gốc hoá thạch dưới dạng nguyên khai hoặc đã qua chế biến.
b) “Than có nguồn gốc hợp pháp” là than được khai thác, chế biến bởi tổ
chức, cá nhân có giấy phép khai thác, giấy phép khai thác tận thu, giấy phép chế
biến than do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của Luật
Khoáng sản năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng
sản năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản năm 1996 và
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005; than được
nhập khẩu hợp pháp; than bị tịch thu do phạm pháp và được phát mại theo quy
định của pháp luật.
(Trích Thông tư số 04/2007/TT-BCT: Hướng dẫn điều kiện kinh doanh than)
Để hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động xuất khẩu Than, Bộ Công thương
cũng đã ban hành các Thông tư liên quan đến hoạt động xuất khẩu như Thông
tư 05/2007/TT-BCN về Hướng dẫn xuất khẩu Than được ký ngày 22 tháng 10
năm 2007 và bắt đầu từ ngày 1/11/2007. Thông tư đã quy định rõ các khoản
mục đối với hoạt động xuất khẩu Than, trong mục I đã đưa ra các quy định
chung về Than xuất khẩu, đó là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp có
được sự đồng ý của Nhà nước về hoạt động xuất khẩu của mình. Than chỉ được
phép xuất khẩu khi thỏa mãn đồng thời 2 điều kiện: (1) Có nguồn gốc hợp pháp
theo quy định tại điểm b khoản 2 Mục I Thông tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22
tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương hướng dẫn điều kiện kinh doanh Than.
(2) Đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc tương đương tiêu chuẩn chất lượng theo Phụ
lục 2 về Danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng Than xuất khẩu ban hành
kèm Thông tư này.
Hộp 3: Thông tư số: 05/2007/TT-BCT
Hướng dẫn xuất khẩu than
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Than chỉ được phép xuất khẩu khi đảm bảo đồng thời 2 yêu cầu:
- Có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Mục I Thông
tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương
hướng dẫn điều kiện kinh doanh than.
- Đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc tương đương tiêu chuẩn chất lượng theo
Phụ lục 2 về Danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng than xuất khẩu ban
hành kèm Thông tư này.
(Trích dẫn Thông tư số 05/2007/TT-BCT: Hướng dẫn xuất khẩu than)
Trên cơ sở danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn chất lượng Than xuất khẩu
do Bộ Công thương quy định; căn cứ vào khả năng cung ứng thực tế để xuất
khẩu của nguồn cung cấp Than hợp pháp. Các doanh nghiệp kinh doanh trong
ngành Than tiến hành thực hiện các hoạt động xuất khẩu Than theo quy định
của Nhà nước và các Bộ ngành có liên quan. Bên cạnh phải đáp ứng các điều
kiện trong khi xuất khẩu đối với nguồn Than ở trong nước và nguồn Than nhập
khẩu để xuất khẩu (tạm nhập tái xuất) thì các thương nhân trong lĩnh vực xuất
khẩu Than khi làm thủ tục xuất khẩu Than, ngoài các chứng từ theo quy định
của pháp luật về hải quan thì các thương nhân phải trình cho cơ quan hải quan
giấy kiểm định chất lượng, số lượng của từng lô hàng xuất do cơ quan có chức
năng kiểm định cấp. Qua đây thấy được hoạt động quản lý xuất khẩu Than được
Nhà nước phối hợp với các Bộ thực hiện rất chặt chẽ nhằm quản lý hiệu quả
nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia.
3.2. Kinh nghiệm quốc tế về xuất khẩu Than khoáng sản
Than khoáng sản là tài nguyên quý giá của mỗi quốc gia, đấy là nguồn tài
nguyên có hạn và không thể tái tạo được, các quốc gia trên thế giới có nguồn tài
nguyên quý giá này luôn tìm mọi cách để khai thác nguồn lợi này một cách hợp
lý nhất mà không lãng phí hay ảnh hưởng xấu đến các ngành hay lĩnh vực khác.
Lịch sử khai thác và kinh doanh trên thị trường quốc tế của Than đã có từ lâu
đời, để nhìn nhận được hoạt động khai thác và xuất khẩu Than của Việt Nam
trên góc độ chung của nền kinh tế toàn cầu thì chúng ta phải đặt nó trong sự
phát triển của thế giới và khu vực. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới
trong hoạt động điều tiết xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường hay tối đa hóa lợi
nhuận là một bài học lớn cho ngành Than của Việt Nam nói riêng và của cả
ngành Than thế giới nói chung. Trong giới hạn bài nghiên cứu này, tác giả trình
bày một số kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu Than của các
quốc gia phương đông như Trung Quốc, Inđônêxia… bởi những quốc gia này là
láng giềng của Việt Nam và có điều kiện tương đồng nhau nên dễ có sự đối
chiếu và học tập trong đó.
● Trung Quốc
Theo đáng giá của BP trong báo cáo BP Statistical Review 2004, trữ
lượng Than còn lại trên thế giới khoảng 984 tỷ tấn (50% là Than Antraxit và
50% là Than nâu), trong đó Trung Quốc có trữ lượng Than chiếm lớn nhất thế
giới, hơn 50%. Là một quốc gia nghèo dầu mỏ nhưng lại giàu Than nên Trung
Quốc đã cố gắng tìm mọi cách để phát huy tối đa nguồn lợi từ Than của mình
phục vụ công nghiệp năng lượng trong nước và hạn chế nhập khẩu dầu mỏ của
thế giới khi mà tình hình an ninh năng lượng thế giới gặp nhiều bất trắc. Trung
Quốc đã đẩy mạnh hoạt động khai thác các mỏ Than trên lãnh thổ quốc gia và
tiến hành hoạt động xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Năm 2005, Trung
Quốc đã khai thác được 2.190 triệu tấn Than thương phẩm, xuất khẩu 72 triệu
tấn Than, giảm so với 2 năm 2003 là 87 triệu tấn và 2004 là 92 triệu tấn. Bên
cạnh hoạt động xuất khẩu thì Trung Quốc cũng tiến hành nhập khẩu những sản
phẩm Than còn dư cầu trong nước và Than chất lượng cao nhằm phục vụ các
ngành công nghiệp chiến lược, năm 2005, Trung Quốc nhập khẩu tổng tất cả
26,2 triệu tấn Than, bao gồm: 7,2 triệu tấn Than nâu, 12,8 triệu tấn Than
Antraxit và 6,2 triệu tấn là các sản phẩm Than khác… Lượng nhập khẩu Than
vào thị trường Trung Quốc không ngừng tăng lên, khi năm 2006 lượng Than
nhập khẩu là 38,2 triệu tấn và chủ yếu vẫn là Than Antraxit tới 22,6 triệu tấn.
Nhưng trong những năm gần đây, xu thế của Trung Quốc là giảm sản lượng
Than xuất khẩu và tăng sản lượng Than nhập khẩu đó là vì nguyên nhân chính
là phục vụ nhu cầu trong nước đang tăng lên.
Hiện nay, Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu Than trong tương lai do
sản lượng Than khai thác trong nước suy giảm trong khi nhu cầu lại tăng lên
nhanh chóng. Trong năm tới, Trung Quốc sẽ đưa vào hoạt động một loạt nhà
máy điện và thực hiện dự án sản xuất nhiên liệu lỏng phục vụ cho giao thông
trên quy mô lớn trên việc sử dụng quá trình khí hóa Than, đây được đánh giá là
dự án tham vọng nhất thế giới trong lĩnh vực này từ sau chiến tranh thế giới II
đến nay. Như thế, có thể thấy rõ được rằng nhu cầu tiêu thụ Than nội địa của
Trung Quốc là rất lớn nhưng quốc gia châu Á này vẫn tiến hành xuất khẩu Than
và nhập khẩu Than chất lượng cao đối với công nghiệp năng lượng, đây là một
bài học lớn cho Việt Nam trên thị trường kinh doanh thế giới, nhằm tối đa hóa
lợi ích cho sự phát triển nền kinh tế đất nước.
● Inđônêxia
Inđônêxia là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á với Việt Nam, có
nhiều điểm tương đồng đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong nhiều năm qua,
Inđônêxia cũng được biết đến là một trong những quốc gia xuất khẩu Than tại
khu vực Đông Nam Á với Việt Nam. Theo báo cáo thăm dò Than tại Inđônêxia
thì trữ lượng Than hiện nay vào khoảng 7 tỷ tấn, tập trung chủ yếu ở phía nam
đảo Sumantra, phía đông và phía nam Kalimanta, trong đó trữ lượng Than
Antraxit chỉ chiếm có 2%, còn lại chủ yếu là Than non.
Trong năm 2006, lượng Than được đưa vào tiêu thụ của Inđônêxia đạt
khoảng 205 triệu tấn, trong đó có 171 triệu tấn là phục vụ hoạt động xuất khẩu,
tăng nhanh hơn hẳn 2 năm trước 2004 đạt 104 triệu tấn xuất khẩu và 2005 là
129 triệu tấn xuất khẩu. Thị trường chủ yếu của Inđônêxia cũng tương tự như
Việt Nam, chiếm chủ yếu vẫn là thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Đài
Loan… Tuy trong những năm trước sản lượng xuất khẩu của Inđônêxia tăng
nhanh so với năm trước đó, nhưng đến năm 2008, Chính phủ của Inđônêxia đã
có chính sách hạn chế xuất khẩu và giữ sản lượng xuất khẩu ở mức nhất định
hàng năm vào khoảng 150 triệu tấn. Việc làm đó của Inđônêxia nhằm mục đích
hạn chế xuất khẩu ồ ạt nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, đồng thời thúc
đẩy ngành năng lượng trong nước phát triển khi mà nhu cầu trong nước đang
một lượng Than lớn để cung cấp cho nhiều nhà máy điện sẽ được hoạt động lần
đầu tiên trong năm nay.
Qua hai trường hợp của 2 quốc gia lân cận với Việt Nam là Trung Quốc
và Inđônêxia trong hoạt động xuất khẩu Than khoáng sản đã có những chính
sách hạn chế xuất khẩu Than khoáng sản tại thời điểm hiện tại và tương lai với
mục đích đảm bảo nhu cầu tiêu thụ Than trong nước đang tăng cao để phục vụ
các ngành công nghiệp sử dụng nhiệt, mặt khác việc cắt giảm sản lượng Than
xuất khẩu của Than
3.3. Triển vọng xuất khẩu Than khoáng sản Việt Nam trong thời
gian tới
3.3.1. Dự báo thị trường xuất khẩu Than khoáng sản
Than khoáng sản là một mặt hàng xuất khẩu đặc biệt trong những mặt
hàng đặc biệt của các quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế, bởi đây là mặt
hàng có liên quan đến tài nguyên và an ninh năng lượng của các quốc gia nên
nhiều khi nó còn mang cả yếu tố chính trị trong đó; không những thế, hoạt động
khai thác Than lại phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên và sự phân bố của
các mỏ khoáng sản. Theo dự báo của các tổ chức trên thế giới về thì trường
Than những năm tới có nhiều biến động về giá và sản lượng xuất khẩu trên thị
trường.
Cùng với sự tăng lên của dân số thế giới, nhu cầu tiêu thụ Than khoáng
sản trong các nền kinh tế đều tăng lên đáng kể, theo dự tính của các chuyên gia
thì nhu cầu năng lượng nói chung đến năm 2030 tăng lên khoảng 27% so với
năm 2007, trong đó Than khoáng sản là nguồn năng lượng được ưu tiên sử dụng
trong khi nguồn dầu mỏ đang cạn dần. (xem biểu đồ). Với các quốc gia phát
triển có mức độ sử dụng Than lâu nay ổn định thì mức tăng lên trong giai đoạn
tới là không nhiều nhưng ngược lại, đối với các quốc gia có nền kinh tế đang
phát triển và mới nổi thì nhu cầu Than phục vụ cho nền kinh tế là rất lớn, điển
hình là Trung Quốc và sau là Ấn Độ.
Biểu đồ 3.1: Nhu cầu tiêu dùng Than khoáng sản của các nước trên
thế giới
(Nguồn: BP Statiscal Review 2007)
Qua kết quả dự báo của các chuyên gia như trên biểu đồ đã cho thấy nhu
cầu Than tăng tương đối ổn định trong các giai đoạn nhưng lại với tốc độ cao
trong mỗi năm. Trong thời gian từ nay đến năm 2030, tốc độ gia tăng sử dụng
Than toàn thế giới tăng lên 2,2%/năm, theo số liệu tuyệt đối thì mức tăng là
70% so với nhu cầu tiêu thụ Than của toàn thế giới năm 2006. Theo dự đoán thì
nhu cầu về Than khoáng sản trên thị trường thế giới vẫn tăng nhanh với tốc độ
không đổi.
Biểu đồ 3.2: Dự báo Thương mại Than khoáng sản thế giới