Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Bản điều lệ Doanh nghiệp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (69.29 KB, 2 trang )

Bản điều lệ Doanh nghiệp
Nhằm giúp các nhà đầu tư hiểu sâu hơn về Luật Doanh nghiệp để
hành xử trong công việc kinh doanh, kỳ này Luật sư Nguyễn Ngọc
Bích sẽ phân tích về Bản điều lệ - vai trò, mục đích, tương quan giữa
nó với Luật Doanh nghiệp.
Mục đích của bản điều lệ
Luật Doanh nghiệp (LDN) của Việt Nam không định nghĩa bản điều lệ (BĐL) là gì mà chỉ liệt kê
các nội dung chính nó phải có (điều 15 LDN 2005). Luật công ty mẫu của Mỹ cũng không định
nghĩa. Còn từ điển về luật của họ thì giải nghĩa đó là những điều khoản hành chính do một tổ
chức lập nên để quy định công việc quản trị bên trong và giao dịch với bên ngoài của tổ chức ấy.
Nói nôm na thì đó là bản thỏa thuận giữa những người sáng lập công ty với các cổ đông và giữa
các cổ đông với nhau cùng được soạn căn cứ trên những khuôn mẫu chung của luật pháp (luật
doanh nghiệp, luật thuế, luật lao động...) để ấn định cách tạo lập, hoạt động và giải thể của một
doanh nghiệp. Trong ý nghĩa đó BĐL giống như một bản hợp đồng có “tính chất quy định”. Tuy
nhiên, vì công ty là “con người do luật pháp đặt ra” nên - khác với các bản hợp đồng thông
thường - BĐL có thể trưng ra được cho những người thứ ba và buộc họ phải chấp nhận (“tính
chất đối kháng”) khi giao dịch với công ty.
Do “tính chất đối kháng” của BĐL nên các ngân hàng và những người muốn mua công ty xem
BĐL kỹ lắm; thậm chí cả các văn bản mà đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị ban hành
theo các quy định của BĐL để biết công ty được làm gì hầu ràng buộc nó vào hành vi mà nó
muốn thực hiện với họ (vay tiền, hay bán mình đi).
Tương quan giữa bản điều lệ và Luật Doanh nghiệp
Như đã nêu, BĐL được soạn dựa theo các khuôn khổ của các luật khác nhau điều chỉnh sự hình
thành, phát triển, kể cả sự phá sản của “cỗ xe” mà những người sáng lập muốn dựng xây bằng
tiền của mình và của người khác. Luật điều chỉnh nhiều nhất trong phạm vi này là LDN. Thành ra
khi soạn thảo BĐL những người sáng lập công ty sắp xếp ý muốn của họ đi theo các khuôn khổ
luật định mà đã được cắt đẽo, thêm bớt theo nguyên tắc “không trái pháp luật” để thực hiện việc
đầu tư của mình. Những người ấy thực sự không muốn chia xẻ quyền quản lý và điều hành công
ty của mình với ai; nhưng vì cần tiền của người khác nên họ phải làm trái đi một cách bất đắc dĩ.
Vậy vấn đề là chia xẻ thế nào, nhượng bớt những gì để mình không mất nhiều mà những người
mình muốn họ hùn hạp chấp nhận và nằm trong khuôn khổ của luật pháp đã được vận dụng.


Ngoài ra còn phải tính đến chủ trương của luật kia; nó đứng về phe nào trong số các đối tượng
được điều chỉnh. Chẳng hạn, LDN năm 2005 chủ trương bảo vệ cổ đông ít vốn, và làm mạnh
hơn luật năm 2000 nhiều. Khả năng xoay trở trong khuôn khổ “không trái pháp luật” mà những
người sáng lập có thể làm được nằm ở cách thức và thời gian góp vốn, cơ cấu tổ chức của công
ty, thủ tục họp hành, thể thức quyết định... để làm sao đạt được mục đích của mình.
Vì lẽ trên, BĐL phải du nhập vào nó những điều khoản của LDN đã “được cắt gọt” để những
người sáng lập vận hành được “cỗ xe”. Nó là sự cụ thể hóa LDN vào hoàn cảnh cụ thể của một
doanh nghiệp. Công việc ấy đòi hỏi người sáng lập phải thực tế, hiểu biết lòng người để đừng
dại dột trói tay mình chặt hơn luật đòi hỏi. Thí dụ, luật bảo muốn ngưng buổi họp đại hội giữa
chừng thì phải có 51% cổ phần của những người hiện diện chấp thuận thì BĐL đừng lý tưởng
hóa lòng tốt của con người để nâng lên thành “của toàn thể cổ đông hiện diện”; hoặc luật bảo cổ
phần của người từ trần sẽ được chuyển sang cho người thừa kế thì các cổ đông sáng lập có thể
suy nghĩ “không trái luật” rằng: “chơi với nó thì biết chứ chơi với con hay cháu nó thì biết thế
nào”; vậy họ sẽ bàn bạc để ghi trong BĐL rằng “cổ phần của người từ trần sẽ được bán lại cho
công ty”. Vậy BĐL lặp lại LDN, nhưng trong một số vấn đề mà những người sáng lập quan tâm,
nó đi sâu hơn, chi tiết hơn LDN. Cũng chính vì việc “đi sâu hơn” này mà các cổ đông sáng lập
còn ký kết với nhau hợp đồng góp vốn trước khi ký BĐL, bởi vì có những điều họ muốn nhưng
không thể ghi vào BĐL. Thí dụ A,B,C góp vốn, họ đồng ý là A sẽ luôn luôn là chủ tịch. Trong
BĐL, theo LDN, họ chỉ có thể ghi “hội đồng thành viên bầu một thành viên làm chủ tịch” chứ
không thể ghi một cách thẳng mực tàu là A được. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề nữa mà các cổ
đông sáng lập phải làm nhưng không thể ghi vào BĐL. Thí dụ một số việc phải làm trước khi
công ty thành hình nhưng sau này công ty không thành lập được. Vì những rắc rối của cuộc đời
mà LDN không thể tiên liệu được cho nên một BĐL muốn đạt mục đích “quy định” và “đối kháng”
của nó thường phải mở rộng luật bằng cách vận dụng luật. Do vậy, một BĐL làm theo mẫu do cơ
quan đăng ký kinh doanh đề nghị thì không bao giờ đủ, chưa kể đến việc trong đó có những điều
khoản phục vụ lợi ích của cơ quan quản lý nhiều hơn là cho lợi ích của những người bỏ tiền! Và
không ít lần lại ép phải dùng nữa bằng cách từ chối đăng ký! Một môi trường đầu tư thuận lợi
hơn nằm nhiều ở chỗ tôn trọng quyền lợi của người đầu tư khi luật pháp được áp dụng chứ
không phải ở chỗ luật thông thoáng. Luật thông thoáng nhưng đến tay các viên chức có trách
nhiệm mà họ bịt lại thì muôn năm môi trường đầu tư sẽ tốt đẹp trên... lời nói!

Vai trò của bản điều lệ khi có tranh chấp trong nội bộ công ty
BĐL là sự cụ thể hóa LDN vào từng doanh nghiệp nhất định. Tính chất này cũng giống như khi
hai thương gia ký hợp đồng mua bán cho một vụ giao dịch dựa trên luật thương mại hay dân sự.
Trong mua bán, khi có tranh chấp thì nguyên đơn sẽ thưa rằng bị đơn vi phạm một điều nào đó
trong bản hợp đồng (luật cụ thể) chứ không phải theo điều số mấy của luật thương mại (luật tổng
quát). Khi xét xử, chỉ khi nào luật cụ thể thiếu hay không rõ tòa mới chiếu vào luật tổng quát, và
nếu luật ấy thiếu tòa sẽ chiếu vào tập tục. Nguyên tắc này ai học luật cũng biết. Trong tương
quan giữa BĐL và LDN thì nó cũng giống hệt như hợp đồng mua bán đối với luật thương mại.
Vậy khi các cổ đông cãi nhau thì họ tranh chấp về một điều khoản nhất định nằm trong BĐL chứ
không phải trong LDN. Đối với LDN, họ bị buộc phải tuân thủ. Họ tranh cãi với nhau về một điều
khoản trong BĐL mà họ đã đồng ý với nhau là sẽ tuân giữ và đã ký tên vào đó. Họ không hề ký
để nói rằng chúng ta cùng tuân thủ LDN! Bởi thế cho nên, khi các cổ đông của một công ty tranh
chấp thì phải căn cứ vào BĐL trước hết để xem xét ai đúng ai sai, nếu BĐL thiếu thì mới xem
đến LDN.
Tất nhiên, ở ta việc ban hành và áp dụng LDN chỉ mới có 16 năm. Chúng ta chưa quen và chưa
nhuần nhuyễn trong việc áp dụng; vì thế, căn cứ pháp lý muốn sử dụng cho đúng có khi cũng
không làm được. Ngoài ra, mọi việc làm còn đòi hỏi sự đồng bộ. BĐL không du nhập LDN vào thì
làm sao mà có thể chỉ căn cứ vào nó? Mục đích của bài này là nêu lên một vấn đề về nhận thức:
vấn đề phải như thế và cần như thế cho sự tiến bộ của chúng ta.
Bản điều lệ là sự cụ thể hóa Luật Doanh nghiệp vào hoàn cảnh cụ thể của một doanh nghiệp. Và
khi các cổ đông của một công ty tranh chấp thì phải căn cứ vào bản điều lệ trước để xem xét ai
đúng ai sai, nếu bản điều lệ thiếu thì mới xem đến Luật Doanh nghiệp.
Admin (Theo
TBKTSG
)

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×