Làm sao tránh được lời nguyền tài nguyên?
SGTT - Lời nguyền tài nguyên là cách nói chua chát nhằm vào những quốc gia sa đà vào
đào bới của cải dưới lòng đất hòng tạo ra bước đột phá về kinh tế. Nó đã trở thành đề tài
được giới học giả thảo luận sôi nổi trong nhiều thập kỷ gần đây.
Tại sao Sudan và một số nước Tây Phi giàu dầu mỏ, kim cương mà các chỉ tiêu về mức
sống, giáo dục, tuổi thọ… lại thuộc loại thấp nhất thế giới? Tại sao Arập Saudi xuất khẩu
dầu mỏ nhiều nhất thế giới lại có đến 17% người dân thất học? Tại sao nội chiến triền miên
luôn gieo lên đầu những người dân châu Phi khốn khó, trong khi chính họ mới là chủ nhân
đích thực các kho báu ẩn giấu dưới lòng đất? Ỷ lại vào tài nguyên thiên nhiên chẳng những
sẽ thất bại mà càng lún sâu vào tụt hậu.
Lời nguyền tài nguyên – bức tranh hiện hữu trên thế giới
Nhìn ra thế giới trong vài thập kỷ gần đây, có mấy nước nhờ đào bới tài nguyên thiên
nhiên mà nhanh chóng bứt phá lên phía trước. Ngược lại, có khi chính vì thiếu than đá, dầu
mỏ, quặng sắt..., mà một số nước Đông Á lại hoá rồng. J. Sachs, A. Garner và một số học
giả khác qua phân tích ngót 100 nền kinh tế trên thế giới trong hai thập kỷ 1970 – 1980 đã
chứng minh rằng những nước có tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên trong GDP cao thường có
xu hướng tăng trưởng chậm, không đầu tư đúng mức cho giáo dục khiến có ít trẻ em được
cắp sách đến trường.
Thực chất, đằng sau nghịch lý nói trên là những hậu quả nặng nề cho đất nước khi tài
nguyên thiên nhiên bị lạm dụng bởi những nhóm lợi ích trong một đất nước thiếu tri thức
khoa học – công nghệ lại có thể chế yếu kém và thiếu minh bạch. Sự giàu có quá dễ dàng
của họ chính là nguồn gốc gây ra tham nhũng, tình trạng tù mù trong hệ thống nhà nước,
gia tăng phân hoá giàu nghèo, tàn phá môi trường, sự tụt hậu về giáo dục – khoa học –
công nghệ, cả nội chiến và bất ổn chính trị...
Ngày nay trong bối cảnh hội nhập và khủng hoảng năng lượng toàn cầu, bản đồ quyền lực
thế giới đã được vẽ lại. Một số nước cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên lại nắm được tri thức
khai thác, chế biến chúng, có lực lượng khoa học – công nghệ hùng hậu trong nhiều lãnh
vực. Trong khi đó, nhiều nước khác có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú lại yếu
kém cả về tri thức lẫn thể chế, không làm chủ được nguồn tài nguyên của mình. Họ dễ bị
chinh phục, không phải bởi pháo hạm như ngày xưa, mà bởi các tấm séc ngân hàng. Chính
đồng tiền do bán rẻ tài nguyên thiên nhiên đã mang lại bất công và khổ đau cho đa số
người dân, mất độc lập tự chủ cho đất nước.
Các nước phát triển cũng không khỏi lao đao nếu không chú ý đến mặt trái do những
nguồn tài nguyên mới khám phá mang lại. Căn bệnh Hà Lan (Dutch disease) phản ánh tình
trạng khủng hoảng ở Hà Lan và Anh vào những năm 1970, khi những mỏ khí và dầu trữ
lượng lớn được phát hiện ở Biển Bắc. Nguồn thu từ dầu khí đã làm lệch cơ cấu kinh tế và
tăng giá trị thực đồng nội tệ. Cuối những năm 1970, từ chỗ nhập khẩu dầu mỏ, cỗ xe kinh
tế đồ sộ Anh quốc bỗng thừa dầu để xuất khẩu. Đồng bảng tăng giá trị thực, xuất khẩu
hàng chế biến đình đốn, công nhân đình công đòi tăng lương, kinh tế rơi vào suy thoái.
Song cũng có nhiều nước thành công nhờ
phát triển theo con đường khác. Trung
Quốc, Ấn Độ, Brazil, Chile, Malaysia... rất
giàu tài nguyên, dẫn đầu thế giới về sản
lượng than, đồng, chì, thiếc, vàng, đất
hiếm... nhưng những nguồn lợi ấy chỉ góp
phần nhỏ trong GDP vì họ tăng trưởng nhờ
phát triển nhiều ngành công nghiệp khác. Ở Iran, tuy dầu mỏ đóng góp đến 38% GDP,
nhưng họ biết sử dụng nguồn lợi ấy để ra sức phát triển khoa học – công nghệ, trong đó có
nhiều công nghệ mũi nhọn, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
Lời nguyền tài nguyên không phải là quy luật tất định, càng không phải định mệnh, đối với
những nước giàu tài nguyên. Song với tư cách là một quy luật thống kê, nó đủ độ tin cậy
để cảnh báo mọi người chớ đi theo vết xe đổ của một số nước, đừng hoạch định chính sách
phát triển quốc gia bằng cách trông chờ vào các kho báu còn ẩn giấu đâu đó dưới lòng đất.
Brazil, nước đông dân thứ năm trên thế giới, mới đây đã phát hiện mỏ dầu cực lớn trên
thềm lục địa. Thay vì hoan hỉ, Tổng thống Lula da Silva đã lôi đích danh bóng ma lời
nguyền tài nguyên ra để cảnh báo dân chúng: “Đừng để xảy ra lời nguyền tài nguyên như ở
nhiều quốc gia dầu mỏ khác. Nguồn lợi này sẽ phải được dùng để phát triển giáo dục, khoa
học công nghệ và xoá đói giảm nghèo... Chúng ta không nên trở thành một nước xuất khẩu
dầu thô đơn thuần, mà phải ra sức xây dựng một ngành công nghiệp hoá dầu hùng mạnh...”
Làm chủ KHCN - tiêu chí đích thực để tránh được lời nguyền tài nguyên
Làm chủ công nghệ hoá dầu, hay bất cứ một công nghệ khai thác, chế biến tài nguyên nào
khác cho đến những nấc thang giá trị gia tăng tột cùng, chính là chỗ khác nhau cơ bản giữa
những nước tránh được và không tránh được lời nguyền tài nguyên. Những nghiên cứu về
nguyên nhân dẫn đến lời nguyền tài nguyên thường chỉ ra sự mất cân đối trong cơ cấu kinh
tế (căn bệnh Hà Lan), sự yếu kém về thể chế (dân chủ, minh bạch, phân bố lợi tức), quản
lý nhà nước và luật pháp... Nhưng hầu như ít ai nhắc đến yếu tố làm chủ công nghệ.
Để làm rõ hơn vai trò của yếu tố khoa học – công nghệ, chúng tôi đã xem xét mối tương
quan giữa nguồn lợi thu được từ dầu mỏ với năng lực khoa học – công nghệ dựa trên số
công trình khoa học công bố trên quốc tế từ 30 nước đang phát triển có sản lượng dầu thô
cao hơn Việt Nam, 300.000 thùng/ngày. Kết quả nghiên cứu cho thấy có hai nhóm nước
“đối lập” nhau, những nước còn lại nằm xen vào giữa hai nhóm này. Ở một cực, điển hình
là Kuwait, Arập Saudi, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Angola, thu lợi từ dầu mỏ
rất lớn, chiếm 65 – 80% GDP, nhưng sản sinh ra rất ít công trình khoa học tính trên GDP.
Phía bên kia là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Argentina với nguồn thu từ dầu mỏ chỉ chiếm
2 – 4% GDP nhưng số công trình tính trên GDP cao hơn gấp bội. Các nước này không ỷ lại
vào tài nguyên thiên nhiên mà phát triển nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ khác nhờ làm
chủ được KHCN. Trong số các nước xen vào giữa hai nhóm trên, đáng chú ý nhất là Iran,
thu nhập từ dầu mỏ chiếm đến 38% GDP, nhưng nền khoa học – công nghệ của họ mạnh
hơn hẳn các nước Hồi giáo vùng Vịnh thuộc cực thứ nhất.
Phạm Duy Hiển
Việt Nam có tránh được lời nguyền tài nguyên?
Làm chủ bất cứ một công nghệ khai thác, chế
biến tài nguyên nào cho đến những nấc thang
giá trị gia tăng tột cùng, chính là chỗ khác
nhau cơ bản giữa những nước tránh được và
không tránh được lời nguyền tài nguyên.
Nước ta giàu tài nguyên khoáng sản đến mức nào? Về việc này có lẽ nên nhắc lại một phát
biểu dựa trên khoa học địa chất và ý tưởng thống kê của A. P. Aleksandrov, nguyên chủ
tịch viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, theo đó trữ lượng khoáng sản của một nước nói
chung tỷ lệ thuận với diện tích của nước ấy.
Chả thế mà Nga, Trung Quốc, Mỹ, Canada, Ấn Độ, Australia, Brazil... luôn dẫn đầu thế
giới về sản lượng hầu hết các loại khoáng sản. Nước ta đất chật người đông, cho dù thượng
đế có ưu ái cũng không thể hoá phép để biến một nước có diện tích thứ 65 trên thế giới
(dân số thứ 13) trở thành cường quốc về tài nguyên thiên nhiên. Gần đây, bauxite Tây
Nguyên và cát đen chứa titan dọc theo ven biển miền Trung được xem như một lợi thế tài
nguyên lớn của đất nước. Song nhiều chuyên gia địa chất lâu năm lại tỏ ra dè dặt về những
con số trữ lượng dường như được thổi phồng, thậm chí họ còn nhắc nhở thêm: cái mà thế
giới cần, ta không có, còn cái ta có, thế giới lại không cần, hoặc họ có nhiều hơn.
Trên thực tế, hai mặt hàng khoáng sản lớn nhất của Việt Nam là dầu và than đá, dầu mỏ
đứng thứ 36 trên thế giới (hơn 300 ngàn thùng/ngày), than đá thứ 17 (41 triệu tấn). Xem ra,
chúng ta không nằm ngoài quy luật thống kê vừa nói trên. Năm 2008, xuất khẩu khoáng
sản của ta chỉ chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó 80% là dầu thô, 10% than
đá, và các khoáng sản khác chỉ chiếm 10%.
Có tài nguyên dồi dào mới chỉ là tiền đề, xử lý chúng thế nào mới là chuyện quyết định.
Liệu việc đào bới cát đen trong mấy chục năm qua đã sinh lợi cho ai, và nguồn lợi mà
Chính phủ thu được có thấm thía gì nếu muốn khôi phục lại vùng ven biển miền Trung đã
bị tàn phá hay không?
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite do TKV trình và được Chính phủ
phê duyệt tháng 11.2007, đã toát lên một tinh thần khẩn trương, chạy đua với thời gian để
năm 2015 đạt 6 – 8,5 triệu tấn alumina, và tăng tốc mạnh hơn nữa đến 15 triệu tấn vào năm
2025. Ngay đến Trung Quốc, nước hàng đầu thế giới cả về alumina lẫn aluminium (nhôm),
với tập đoàn Chalco hùng mạnh, khai thác khoáng sản khắp nơi trên thế giới, cũng chỉ sản
xuất hơn 8 triệu tấn alumina hàng năm. Trớ trêu hơn, toàn bộ sản lượng khổng lồ ấy của ta
lại phải xuất sang Trung Quốc, nước vừa cung cấp công nghệ vừa bao tiêu sản phẩm cho
hai nhà máy đầu tiên, Tân Rai và Nhân Cơ, và chắc chắn sẽ tiếp tục làm như thế cho các
nhà máy sau. Trong khi đề xuất một kế hoạch quá mạo hiểm như vậy, lại không hề nói rõ
bao giờ ta mới nội địa hoá và làm chủ được công nghệ chế biến alumina, một công nghệ
quá cổ điển, đã có từ cuối thế kỷ 19.
Chúng ta đã có quá nhiều bài học thất bại về làm chủ công nghệ. Sau hàng chục năm xây
dựng công nghiệp ôtô, mức độ nội địa hoá chỉ quanh quẩn 4 – 5%. Với 100 đôla xuất được
từ hàng may mặc ta phải nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu đến 80 đôla ngay từ các nước
láng giềng. Năm nay Việt Nam mới bắt đầu có sản phẩm lọc dầu nội địa, chậm hơn Thái
Lan và Malaysia đến vài chục năm. Song có nhà máy lọc dầu không đồng nghĩa với làm
chủ công nghệ hoá dầu. Tình trạng chậm tiến độ do trục trặc kỹ thuật tại nhà máy Dung
Quất gần đây cho thấy làm chủ công nghệ, ngay chỉ ở mức độ vận hành suôn sẻ những
công nghệ nhập từ nước ngoài, vẫn còn lắm gian nan.
Tại sao người Việt Nam không bước lên được quỹ đạo mà người Hàn Quốc đã ung dung
trên đó từ cách đây bốn thập kỷ?
Hàng trăm đề tài được nghiệm thu xuất sắc về chế biến quặng ilmenit để tạo ra bột TiO2,
zircon... , vẫn nằm trong ngăn kéo. Trong khi đó, qua chuyến khảo sát gần đây tại Bình
Thuận, nơi dự kiến có lượng ilmenit và zircon đến hơn 6 triệu tấn, chúng tôi được xác nhận
rằng cách có lời nhất là bán ilmenit sơ chế thô (qua khâu tuyển trọng lực) cho Trung Quốc,
rồi mua lại của họ các thành phẩm chế biến tiếp theo.
Cần phải nhận dạng cho đúng tại sao chúng ta thất bại, không làm chủ được công nghệ
trong rất nhiều ngành công nghiệp. Việc này sẽ giúp chúng ta đi dúng quỹ đạo công nghiệp
hoá – hiện đại hoá, để không sa lầy vào cái “bẫy thu nhập trung bình”. Nhưng cho dù có
những thất bại vừa qua, chúng ta không được phép hạ cái khẩu hiệu “khoa học – công nghệ
là then chốt” xuống trong khi rất cần trưng nó lên để hoạch định một ngành công nghiệp
hướng đến thương hiệu quốc gia dựa trên lợi thế tài nguyên thiên nhiên của mình.
***
Có tài nguyên không thể không khai thác. Nhưng không vội, không vơ vét, vì còn phải
dành cho con cháu mai sau, và vì phải có đủ thời gian để học làm chủ công nghệ. Nhất
quyết không bán rẻ tài nguyên cho nước ngoài. Cát đen không những chỉ chứa TiO2,
monaxit, đất hiếm mà trong đó còn có zircon, từ đó làm ra hợp kim zircaloy cho vỏ thanh
nhiên liệu trong nhà máy điện hạt nhân, còn có thorium, nguồn nhiên liệu tương lai có thể
thay thế cho uranium đang cạn dần. Vậy tại sao phải ra sức đào bới các đụn cát xinh xắn
mà thượng đế đã dày công vun đắp để chắn sóng, che gió, để từ nước mưa chắt lọc ra
những mạch nước mội ngay sát bờ biển... rồi đem cát đen ấy bán vội cho nước ngoài? Như
thế đâu phải là công nghiệp hoá – hiện đại hoá!
Có người phản biện: “Các nước ngày nay giàu có chính là nhờ vơ vét tài nguyên để công
nghiệp hoá trong hàng trăm năm qua, có còn gì dành lại cho con cháu họ đâu?” Xin thưa,
ít ra họ cũng còn truyền lại khối tri thức khoa học – công nghệ khổng lồ làm của hồi môn
cho con cháu.
Phạm Duy Hiển