Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Lửa – dục tình trong truyện ngắn Isaac Bashevis Singer

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (98.11 KB, 6 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 27-32
This paper is available online at

DOI: 10.18173/2354-1067.2015-0005

LỬA – DỤC TÌNH TRONG TRUYỆN NGẮN ISAAC BASHEVIS SINGER
Vũ Minh Đức
Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tây Bắc
Tóm tắt. Lửa là một trong những cổ mẫu độc đáo, tiêu biểu nhất trong thế giới truyện
ngắn Isaac Bashevis Singer. Ông nhen lửa trong mỗi tác phẩm của mình. Từ những tầng
sâu thẳm của vô thức con người, nhiều lớp ý nghĩa được khơi mở. Trước hết, Lửa dục tình
trong truyện ngắn I.B. Singer là lửa của nguồn sống với những khát khao, đam mê. Lửa
còn hủy diệt và thiêu trụi hạnh phúc con người trong đam mê tội lỗi.
Từ khóa: Cổ mẫu, Isaac Bashevis Singer, lửa, lửa tình, đam mê, Do Thái, vô thức.

1.

Mở đầu

Isaac Bashevis Singer (1902 – 1991), nhà văn sáng tác bằng tiếng Do Thái đầu tiên đạt giải
Nobel văn học. Trong số những cổ mẫu Sáng thế như Đất, Nước thì cổ mẫu Lửa chiếm vị trí quan
trọng trong sáng tác của ông góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm cũng như khẳng định
phong cách truyện ngắn đạt tới bút pháp ma thuật của nhà văn, đúng như các nhà phê bình gọi ông
là Pháp sư truyện kể - Magician story.
Lửa là cổ mẫu in sâu trong nếp gấp vô thức nhân loại. Từ kí ức vô thức xa xưa, Lửa chính là
động lực của sự sống. Tìm ra Lửa là phát minh vĩ đại đưa loài người thoát khỏi cuộc sống dã man
để bước sang thời đại văn minh. Lửa giúp con người sưởi ấm, Lửa làm chín thức ăn và đồng thời
Lửa thiêu trụi thời ấu thơ của loài người trước ngưỡng cửa văn minh. Lửa vừa đem lại nguồn sáng,
sưởi ấm cho con người và giúp nấu chín thức ăn nhưng đồng thời còn là Lửa hủy diệt, Lửa thiêu
cháy và phá hủy. Lửa có mặt ở mọi nơi trong đời sống con người với những ý nghĩa khác nhau.


Cổ mẫu (Archetype) đôi khi được chuyển ngữ thành những tên gọi khác như: siêu mẫu, mẫu
gốc, nguyên sơ tượng, mẫu cổ, nguyên mẫu, nguyên tượng. . . Khái niệm này liên quan trực tiếp
tới lí thuyết vô thức tập thể của nhà Tâm phân học người Thụy Sĩ Carl Gustave Jung. Đó là “cấu
trúc tinh thần bẩm sinh” [5;927] được lưu lại trong vô thức tập thể của cộng đồng nhân loại.
Trong Hindu giáo, Lửa được biểu hiện ở ba dạng thái cơ bản là: Lửa thông thường (gồm
Agni, Indra, Surya) Lửa xuyên thấu hấp thụ Vaishvanara, Lửa hủy diệt (mặt khác của Lửa Agni).
Thần thoại Veda giải thích về sự hình thành của Lửa xuất phát từ cuộc hôn phối giữa cha Trời và
mẹ Đất. Nghĩa là, Lửa là kết quả của sự chung đụng thể xác hai giới. Bởi vậy, Lửa còn là Lửa đam
mê, Lửa tình. Trong Từ điển biểu tượng văn hóa, Lửa được ghi nhận như sau: “Tình yêu là giả thiết
khoa học đầu tiên về sự tái tạo khách quan của lửa, và trước khi là đứa con của gỗ, lửa đã là con
Ngày nhận bài: 15/10/2014 Ngày nhận đăng: 29/3/2015
Liên hệ: Vũ Minh Đức, e-mail:

27


Vũ Minh Đức

của con người. . . Phương pháp cọ xát xuất hiện như một phương pháp tự nhiên vởi vì con người
đạt đến đó bằng bản chất của riêng mình. Qủa là lửa đã được lấy từ trong chúng ta, trước khi lấy
từ trên trời xuống” [3;547].
Từ Lửa nói chung tới Lửa trong truyện ngắn I. B. Singer đã có sự biến hóa đa dạng, Lửa
hiện lên trong những khuôn mặt khác nhau: Lửa trong bếp mỗi nhà, Lửa từ những ngọn đèn, Lửa
trong lễ hội ánh sáng Hanukhah và súng đạn, bom, khói. . . đến những hình tượng ma quỷ đều là
biến thể khác của Lửa. Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu tìm hiểu Lửa – dục tình, một lớp ý
nghĩa quan trọng của cổ mẫu Lửa trong truyện ngắn I. B. Singer. Ở đó, bản thân cổ mẫu Lửa hiện
lên đa dạng, phức tạp về tính chất, những cực đối lập và thống nhất cùng tồn tại thống nhất làm
nên ý nghĩa cô mẫu Lửa – dục tình: Lửa là nguồn sáng nuôi dưỡng tình yêu, đồng thời Lửa thiêu
trụi tình yêu của con người.


2.

Nội dung nghiên cứu

1. Lửa là sản phẩm của tình yêu, là kết quả của sự chung đụng thể xác. Lửa là hiện thân cho
tình yêu, khát khao xác thịt. Giải thích về nguồn gốc hình thành Lửa, các nhà khoa học thường
lí giải: lấy hai cành củi khô, hai viên đá. . . cọ sát vào nhau thì sinh ra Lửa. Tuy nhiên Gaston
Bachelard đã tỏ ra hoài nghi luận thuyết trên của các nhà khoa học. Đặc biệt ông tranh luận với
quan điểm giải thích nguồn gốc sinh ra Lửa của Max Miller cho rằng: “Lửa là con của hai mẩu gỗ”
(It was the son of two pieces of woods). Ông đặt ra câu hỏi tại sao con người biết kết quả của sự cọ
sát sẽ sinh ra Lửa. Bằng cách phân tâm Lửa, Gaston Bachelard đã lí giải nguồn gốc của Lửa là kết
quả của sự cọ sát hai thân thể, là Lửa dục tình. Từ những trải nghiệm thực tế và sự quan sát đời sống,
con người đem áp dụng cho việc cọ hai thanh củi khô. Ông gọi đó là phức cảm Novalis của Lửa
(Novalis Complex). Trong chương Phân tâm học và Tiền sử: Phức cảm Novalis (Psychoanalysis
and Prehistory: The Novalis Complex), ông viết: “Hành động làm tình là giả thuyết khoa học đầu
tiên về sự sinh sản khách quan của lửa (the objective reproduction of fire)”. Từ cái nhìn đó, Gaston
Bachelard coi vị thần Prometheus trong thần thoại Hi Lạp, người đánh cắp Lửa của Zeus đem
cho loài người, là một tình nhân gian díu: “Prometheus là người tình cường tráng hơn là một triết
gia thông tuệ, và việc trả thù của Zeus là hành động báo thù của một người chồng ghen tuông”
[1;23-24].
I.B. Singer nhen Lửa trong những truyện ngắn bằng những mối tình của các nhân vật. Tình
yêu và đam mê xác thịt trở thành ngọn Lửa thiêu đốt cõi lòng các nhân vật của ông. Tình yêu là
một đề tài phổ biến có mặt trong hầu hết các truyện ngắn của I.B. Singer. Trong Những bài nói
chuyện với Isaac Bashevis Singer (Conversations with Isaac Bashevis Singer), I.B. Singer đã chia
sẻ: “Tôi rất quan tâm đến mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Đây là một chủ đề mà tôi không
bao giờ thấy nhàm chán. Mỗi người đàn ông và đàn bà là một cá thể khác nhau. Và mỗi ngày cùng
một người đàn ông là một người khác và mỗi người đàn bà lại thành một người khác. Vì thế mà
chúng ta có một kho báu vô tận cho trí tưởng tượng của mình” [2]. Tìm hiểu đề tài tình yêu trong
truyện ngắn I.B. Singer từ phương diện nhân vật, Nguyễn Thị Thanh Giang khẳng định: “Quả thực
hiếm có câu chuyện nào của Singer lại không đề cập đến một vài khía cạnh của tình yêu. Trong

thế giới nghệ thuật của ông, thậm chí ở một tác phẩm, luôn tồn tại nhiều kiểu tình yêu khác nhau.
Có thứ tình yêu hòa hợp, thủy chung, có khả năng cứu rỗi con người, nhưng lại cũng có tình yêu
xuất phát từ những cuộc tình tay ba, đầy đam mê và cả sự điên rồ” [3;38].
2. Lửa tình khơi dậy khát khao và đam mê, thắp lên tình yêu cuộc sống ở mỗi nhân vật.
Tình yêu có sức mạnh phi thường đem con người vươn tới thế giới hạnh phúc, thiên đường mơ ước
28


Lửa – dục tình trong truyện ngắn Isaac Bashevis Singer

khi những người yêu nhau gắn bó và hài hòa cả thể xác lẫn tinh thần. Tình yêu, trong quan niệm
của I.B. Singer, không chỉ thuộc về phần bản năng của con người mà nó có ý nghĩa khẳng định sự
khác biệt giữa con người với các sinh vật khác. Con người nồng nàn trong tình yêu để thắp Lửa
cuộc sống cho chính mình là ý nghĩa của Lửa tình: Thứ sáu ngắn ngủi, Tình già, Spinoza của Phố
chợ, Chạy trốn văn minh, Những người hàng xóm, Lên đồng. . .
Tình yêu ở tuổi già của những người từng trải qua đổ vỡ và mất mát, bi quan là chủ đề
phổ biến trong các sáng tác I.B. Singer. Tình yêu là điểm tựa bền vững giúp họ vững bước trong
những tháng ngày cuối đời. Những tình nhân già, họ nương tựa vào nhau trong dáng xiêu xiêu,
mong manh song tình cảm lại vô cùng mãnh liệt. Tình yêu, dẫu ở lứa tuổi nào, luôn nồng nàn, cháy
bỏng bởi “Xuân không tuổi và tình không ngày tháng”. Trong Những người hàng xóm, Morris
Terkeltoyb và Margit Levy từng có những hiểu nhầm và cãi vã do sự bất đồng ngôn ngữ. Điều kì
lạ xảy đến ngoài sức tưởng tượng của người kể chuyện, sau chuyến đi dài ngày, trở về, hai người
hàng xóm ấy thân thiết và yêu thương nhau, tay trong tay dìu nhau vượt qua khó khăn đời thường
khi cả hai người đang mắc bệnh. Morris Terkeltoyb dang rộng vòng tay và mở lòng yêu thương
Margit Levy khi bà bị chính người họ hàng bỏ rơi. Hai con người vốn lạc lõng, mang theo mình
những câu chuyện thần bí, những kì tích trong quãng đời đã qua khó có thể tin là đã xảy ra, họ sát
lại bên nhau chia sẻ tâm tình. Hai thế giới bí ẩn trước đây như ốc đảo cô đơn giờ được vắt ngang
nhịp cầu yêu thương nối liền vực thẳm ngăn cách của nỗi đau và cô đơn. Hai trái tim cô đơn và
đầy thương tổn tìm đến nhau xoa dịu những bỏng rát còn hằn in. Tình yêu giúp họ hiểu nhau hơn,
giúp mỗi người mở lòng hơn với cuộc đời. Margit Levy cố gắng hết sức để thực hiện tâm nguyện

của ông, lưu lại những dòng chữ của người tình, một nhà văn Do Thái vĩ đại song cô đơn trong văn
giới đương thời, một nhà văn nói tiếng nói lạc giọng. Đôi tình nhân già tìm tới nhau yêu thương
chia sẻ, người này làm điểm tựa cho người kia để cùng nhau đi nốt năm tháng còn lại: “Người ta
già đi chứ không ai trẻ ra, khi anh ốm, anh cần một người đem giúp anh một tách trà” [4;533].
Tình yêu đôi khi chỉ đơn giản là thế! Vẫn là mối tình ở tuổi xế chiều, Tình già là câu chuyện
tình tuyệt đẹp cho thấy sức mạnh tình yêu giúp con người qua nỗi buồn chán thất vọng. Người góa
phụ đến với Harry, khơi lên trong ông khát khao từng rạo rực sôi nổi và cháy bỏng nay đã nguội
tắt. Harry, một ông già ở tuổi tám mươi, mang trong lòng nỗi đau đớn kể từ khi người vợ mất ở
tuổi ba mươi cùng đứa con trai. Ông không thiết lập các mối quan hệ với những người hàng xóm
tại nơi ở mới. Harry khóa lòng mình trước cuộc sống, hoài nghi và chán nản. Ethel, góa phụ năm
mươi bảy tuổi, vượt lên nỗi đau sống tin tưởng ở cuộc đời. Bà mang thiên chức của thiên thần vỗ
nhẹ đôi cánh vào trái tim của Harry và tái sinh ngọn Lửa tình trong ông: “Họ ôm và hôn. Ông siết
chặt lấy bà và những ham muốn thời trẻ trở lại rạo rực trong ông” [4;384]. Ethel gieo mình qua
cửa sổ, để lại cho ông một bức thư với những lời lẽ yêu thương và chân thành: “Harry yêu quý, hãy
tha thứ cho em. Em phải tới chỗ của chồng em. Nếu không quá phiền lòng, hãy đọc cho em bài
kinh Kaddish. Em sẽ cầu chúc cho anh ở nơi em đến” [4;387]. Ethel ngang qua cuộc đời ông như
ánh sáng của tia chớp, thoáng qua nhưng đủ làm thức dậy trong ông tình yêu và sự cảm ngộ. Ông
trở nên trách nhiệm hơn, mở lòng yêu thương đón nhận những mảnh đời khác. Harry tự nguyện là
điểm tựa cho Sylvia, con gái của Ethel, nâng đỡ và vực dậy niềm tin, lòng yêu đời của cô gái: “Vì
sao Sylvia chạy trốn xa như vậy? ông tự hỏi. Phải chăng cái chết của người cha đã đẩy Sylvia vào
tuyệt vọng? Sao cô không thể ở bên mẹ? Hay cô đã ở cái tuổi nhận ra sự hư vô của mọi nỗ lực nhân
sinh và quyết định trở thành người ở ẩn? Phải chăng cô đang nỗ lực khám phá bản thân hay Chúa.
Một ý nghĩ mạo hiểm thoáng qua tâm trí ông già: bay tới British Columbia tìm người phụ nữ trẻ ở
nơi hoang vu, an ủi cô, trở thành cha cô, và có thể cố gắng cùng nhau suy ngẫm vì sao con người
29


Vũ Minh Đức

sinh ra và rồi lại chết đi” [4;387].

3. Nếu tình yêu đam mê với sự hài hòa thể xác lẫn tinh thần cũng như một mực tôn kính
lời răn của Chúa là Lửa từ thiên đàng, thì tình yêu tội lỗi, mê đắm là Lửa từ địa ngục hủy diệt và
thiêu cháy những kẻ sa vào lưới tình được dệt bởi vô vàn sợi đam mê hướng ác. Tình yêu tội lỗi,
vi phạm những điều răn của Chúa chiếm tỉ lệ lớn hơn rất nhiều trong chủ đề viết về tình yêu trong
truyện ngắn I.B. Singer: Phản đồ Israel, Gimpel thằng ngốc, Yentl nam sinh trường dòng, Vương
miện muông thú, Taibele và con quỷ của cô, Một trích dẫn từ Klopstock, Quý ông từ Cracow, Bò
cái khát khao, Chuyện chị em, Sự diệt vong của Kreshev. . .
Những ám ảnh quá mức về tình dục và ham muốn thể xác đẩy các nhân vật tới sự vi phạm
những quy định được ghi trong Kinh Thánh, những điều người Do Thái không được phép làm.
Quan niệm về hôn nhân và hạnh phúc của dân tộc với những con người của Kinh Thánh: hôn nhân
một vợ một chồng. Cũng như chỉ được phép tôn thờ một Chúa thì cũng chỉ được phép lấy một vợ.
Koppel Mitzner trong Phản đồ Israel vượt quá giới hạn của những khao khát và ham muốn. Cùng
một lúc ông sống với bốn phụ nữ và hứa hẹn với cả bốn rằng sẽ cưới họ làm vợ: một người sống
ở Krochmalna Street, một người ở Smocza Street, một người ở Praga, một người ở Wola. Tại giáo
đường Do Thái, giáo sĩ đã phán xử buộc Koppel Mizner phải quay về với người vợ của mình chứ
không phải những cô nhân tình. Koppel Mizner không hối cải, trái lại, ông tiếp tục trượt dài trên
con dốc sa đọa, rời khỏi vòng tay Chúa và rơi vào địa ngục. Ông cùng với người vợ trẻ nhất bỏ
trốn tới một nơi nào đó, Paris hay New York: “Ông ruồng bỏ ba người vợ kia, và cả ba sẽ không
được phép tái hôn”. Có lẽ hành vi này là tội lỗi lớn nhất của Koppel Mitzner. Đam mê không đem
lại khoảng trời hạnh phúc, nó đẩy con người vào lò nung của Lửa. Nhân vật chết bởi sự thiêu đốt
tự bên trong.
Elka, người đàn bà phóng đãng trong Gimpel thằng ngốc, buông mình theo tiếng gọi thuần
túy bản năng. Sự khao khát thiêu trụi mảnh hồn Elka khô cằn và luôn khát chờ một cơn mưa dục
tình làm dịu đi ngọn Lửa bản năng cháy rực trong cô. Cũng bởi vậy, Elka ngoại tình với biết bao
người đàn ông. Elka lừa dối Gimpel cả khi đã lấy anh. Cô lừa dối anh phải nuôi những đứa con
của người tình và ngoại tình trên chính chiếc giường của hai người. Khi Gimpel trở về, anh nhìn
thấy và tỏ ý nghi ngờ, cô bảo đó là bóng của chiếc xà. Lửa dục tình hủy hoại chính cuộc đời Elka,
biến cuộc đời cô trở nên vô nghĩa. Tưởng như cái đích của cuộc đời cô, sống là để lừa dối Gimpel.
Song thực chất Elka đã lừa dối chính mình, tự hủy hoại cuộc sống và để nó sa vào tay quỷ dữ.
Trong Sự hủy diệt của Kreshev, Lise, người con gái thông minh, mộ đạo và có một tình yêu

thánh thiện. Trước hai người con trai cầu hôn, Lise chọn chàng trai học thức tới từ Warsaw chứ
không phải người tới từ Lublin giàu có nhưng thiếu hiểu biết. Điều ấy chứng tỏ, Lise yêu bằng tình
yêu rất mực trong sáng, không chút vụ lợi hay tính toán. Tình yêu, với Lise, là khao khát về sự hòa
hợp về tinh thần. Tình yêu có sức mạnh thần kì, cảm biến một cô gái nhút nhát và sợ hãi trở thành
người cởi mở và khao khát. Song, tiếng gọi của quỷ mê hoặc dụ dỗ cô vào tình yêu tội lỗi. Quỷ
gieo rắc trong Lise sự hoài nghi về những điều răn của Chúa. Cũng như cùng lúc tôn thờ cả Chúa
lẫn Satan, Lise ngoại tình với người đánh xe ngựa Mendel dẫu chồng cô là Shloimele. Ngoại tình
là việc làm bị cấm mà chính cô cảm thấy được sự nguy hiểm của nó. Lise đã từng cảnh báo với
Shloimele: “Hãy coi chừng! Anh đang đùa với lửa” [4;103]. Lửa dục vọng là ngọn Lửa tội lỗi, Lửa
hủy diệt: “Anh yêu lửa. Anh khao khát một sự hủy diệt” (I love fire! I love a holocaust) [4;103].
Tội lỗi của Lise làm dấy lên ngọn Lửa địa ngục, giáng tai họa xuống cả cộng đồng. Kết cục, Lise
tự treo cổ, tự trừng phạt chính những lầm lạc.
Đừng đùa với Lửa bởi Lửa không đùa với chúng ta là thông điệp được phát đi trong nhiều tác
30


Lửa – dục tình trong truyện ngắn Isaac Bashevis Singer

phẩm của I.B. Singer. Nó không những hủy hoại bản thân mà còn làm những người chung quanh
gánh chịu hậu quả từ việc làm sai trái của chúng ta. Max Persky trong Một trích dẫn từ Klopstock,
chàng trai hai mươi bảy tuổi đem lòng yêu Thezera, góa phụ, giáo viên dạy văn học Đức ngoài năm
mươi tuổi. Sức mạnh tình yêu đam mê của chàng trai trẻ được nuôi dưỡng từ những vần thơ tình
rạo rực, sôi nổi, đắm say của Goethe và Heine. Thezera một lòng yêu và hi sinh hết lòng cho người
tình trẻ trung. Một buổi tối mùa đông, khi Thezera rời nhà để tới thăm người bác, Max Persky đã
gọi điện hò hẹn Nina tới nhà. Hai người cùng nhau ăn tối và Max Persky phản bội tình yêu với
Thezera. Sự phản bội của Max Persky khiến anh sa vào rắc rối với cô nhân tình trẻ. Cô đã chết trên
giường của Max Persky sau đêm ái ân. Chứng kiến sự phản bội của Max Persky song Thezera một
mực im lặng tìm cách phi tang xác chết, tránh rắc rối cho anh. Max Persky không chịu sự phán
xét của pháp luật nhưng anh không tránh khỏi sự trừng phạt cho hành vi ngoại tình. Chính Max
Persky là người hủy hoại tình yêu và hạnh phúc anh đang có. Thezera cũng rời xa anh và khi cô

mất mang theo bí mật về cái chết của Nina – tội lỗi của Max Persky. Sau nhiều năm, Max Persky
luôn day dứt và trăn trở sự bội phản và mãi không hiểu được sự bí ẩn trong tình yêu của những
người phụ nữ hơn tuổi: “Có điều gì đó ở những người phụ nữ lớn tuổi hơn mà những người tình
trẻ tuổi không thể nhận ra”. Phải chăng đó là sự hi sinh hơn là những ham muốn xác thịt một cách
đơn thuần. Và anh cũng nghĩ: “Trong tình yêu anh đừng ban ơn. . . Anh phải là chính mình hoặc là
kẻ khác, anh hủy hoại chính anh và người tình” [4;353].
Khi ánh ngày nhường chỗ cho bóng tối, tất cả chìm trong đêm đen tội lỗi. Đó cũng là thế
giới của quỷ dữ ngự trị, là thời khắc cái (bóng) tôi (vô thức) chìm khuất bên trong mỗi người lớn
mạnh và lên tiếng. Khi không được ánh sáng khai tâm, bao bọc và che chở, con người dễ sa vào
đam mê tội lỗi. Cái bóng trong mỗi người vượt thoát khỏi sự kiềm chế của lí trí, chạy theo bóng
(đen) của đêm. Toàn bộ cuộc hoan lạc mê đắm mà tội lỗi giữa Alchono và Taibele (Taibele và con
quỷ của cô) diễn ra trong đêm tối, khi Taibele đã tắt những ngọn nến. Sau này, Taibele có ý thắp
nến lên để được xem mặt con quỷ thì con quỷ (Alchono) yêu cầu cô không được thắp bất kì ngọn
nến nào. Tội ác ngự trị trong vương quốc bóng đêm. Bản năng xúi giục Alchono giả quỷ để ân ái
cùng Taibele khi anh nghe được câu chuyện Taibele nói với những người đàn bà góa bên giếng về
một con quỷ lén gian díu với một người đàn bà. Trong lời trò chuyện trên giường, Alchono nói cho
Taibele biết về cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối, cái ác và cái thiện, hình phạt cho tội lỗi của
con người sau khi chết sẽ bị thiêu đốt trong chảo Lửa: “Anh kể cho cô nghe về những người mắc
tội, đàn ông và đàn bà, bị tra tấn trong thùng hắc ín và vạc dầu sôi lửa, trên những chiếc giường
đóng đinh và dưới những hố tuyết và những Thiên thần Đen (Angels Black) quất lên người những
kẻ phạm tội bằng những chiếc roi lửa”. Sau những dằn vặt và lo sợ bị phát hiện, Alchono không
tới chỗ Taibele, anh tìm tới cái chết bằng cách gieo mình xuống giếng. Chỉ sức mạnh của nước
mới làm dịu đi ngọn lửa dục tình thiêu đốt nội tâm Alchono. Đó được xem như sự trừng phạt cho
những đam mê xác thịt phạm phải lời răn của Chúa. Người không hiện hữu ở một dạng xác định,
song Người có mặt ở khắp nơi và chứng kiến hành vi sai trái của con người. Một thế giới khác
mở ra khi những dòng cuối của câu chuyện khép lại. Người đọc hình dung thế giới bên kia, những
người chết, những tội đồ sẽ không đi thẳng tới thiên đàng mà có lẽ sẽ bị đem xuống địa ngục,
rồi ánh lửa hủy diệt sẽ bập bùng sôi réo trừng trị tội lỗi con người ở kiếp trước, như câu chuyện
mà Alchono đã kể cho Taibele nghe. “Có những bí mật mà trái tim không được phép thốt lên lời.
Chúng được chôn theo dưới mộ. Những lời thầm thì xót thương, lũ quạ gào réo, mộ chí âm thầm

nói về họ bằng ngôn từ của đá. Ngày nào đó, người chết sẽ sống lại, nhưng những bí mật của họ sẽ
tuân theo Đấng Toàn năng và sự phán xét của Người cho tới chung cục các thế hệ (the end of all
generations) [4;132].
31


Vũ Minh Đức

3.

Kết luận

Nhìn chung, Lửa tình trong truyện ngắn I.B. Singer lấp lánh hai sắc thái ý nghĩa tương phản.
Hoặc ngọn Lửa tình yêu, đam mê và khát khao là ngọn Lửa của nguồn sống và hạnh phúc soi lối
cho con người trên hành trình vươn tới thiên đường ngưỡng vọng trong vòng tay yêu thương của
Chúa. Tuy nhiên, Lửa tình trong cái nhìn của nhà văn thường là ngọn Lửa của lòng khao khát xác
thịt nhiều hơn là sự hòa hợp tinh thần, là những ham muốn quá độ vượt giới hạn cho phép, trượt
dài theo tiếng gọi đơn thuần bản năng. . . khi ấy, chính ngọn Lửa làm nên hạnh phúc và tình yêu
lại thiêu cháy và hủy hoại chủ nhân của nó.
“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia
(NAFOSTED) trong đề tài mã số VII1.99-2012.18”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bachelard, Gaston, 1964. The Psychoanalysis of Fire. Translated by Alan C. M. Ross,
Routledge & Kegan Paul, London.
[2] Burni, Richard, Singer, 1986. Conversations with Isaac Bashevis Singer. Farrar Straus &
Giroux, New York
[3] Nguyễn Thị Thanh Giang, 2010. Nghệ thuật truyện ngắn Isaac Bashevis Singer. Luận văn thạc
sĩ khoa học Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
[4] Singer, Isaac Bashevis, 1982. Isaac Bashevis Singer Collected Stories. Farrar, Straus and
Giroix (ed), United States of America.

ABSTRACT
The sexual fire in short stories by Isaac Bashevis Singer
Fire is one of the most featured representative archetypes in world stories of Isaac Bashevis
Singer. The writer open fire in every stories. From deep unconscious of human, much layer of
meanings are opened. The first, sexual fire in I.B. Singer stories is fire of source of life with much
longing, passion. And fire still destruction and burned happiness of human by bad passion.
Keywords: Archetype, Isaac Bashevis Singer, firre, sexual fire, passion, jew, unconscious.

32



×