Tải bản đầy đủ (.pdf) (10 trang)

Một số đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa Việt trong truyện cười hiện đại Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (510.72 KB, 10 trang )

Hoàng Ngọc Diệp / Một số đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa Việt trong truyện cười hiện đại Việt Nam

MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ - VĂN HÓA VIỆT
TRONG TRUYỆN CƯỜI HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
Hoàng Ngọc Diệp
Trường Đại học Vinh
Ngày nhận bài 17/02/2020, ngày nhận đăng 7/4/2020
Tóm tắt: Bài viết tập trung làm nổi bật một số đặc trưng ngôn ngữ - văn hoá Việt
thể hiện trong truyện cười hiện đại Việt Nam. Đó là: 1) tâm thức cười của người Việt
trong hoạt động giao tiếp; 2) thói quen tư duy, lối nói vòng vo, ẩn ý để thể hiện tiếng
cười châm biếm, buộc người khác phải suy ý, suy nghĩ; 3) cách nói nhẹ nhàng nhưng
nội dung châm biếm sâu sắc, mang tính nhân văn.
Từ khóa: Đặc trưng; văn hóa; truyện cười; Việt Nam; hiện đại.

1. Đặt vấn đề
1.1. Trước hết, chúng tôi hiểu văn hóa là hệ giá trị mà con người, hay cộng đồng
người ý thức được từ những hoạt động và những sản phẩm vật chất, tinh thần do con
người sáng tạo ra trong tất cả các quan hệ con người tương tác với tự nhiên, xã hội và với
chính mình. Theo đó, nhìn trên bề mặt, văn học không chỉ là một thành tố của văn hóa,
thuộc văn hóa tinh thần, mà còn nhìn từ chiều sâu, thì thuộc tính của văn học là một biểu
hiện của văn hóa, mang chứa chức phận văn hóa. Cũng như âm nhạc, hội họa, sân khấu,
điện ảnh… văn học là một nghệ thuật, nhưng văn học là một loại hình hoạt động nghệ
thuật ngôn từ nên có tính đặc thù mà không có loại hình hoạt động nào của con người
thay thế được nó; bởi ngôn ngữ cũng chính là thành tố quan trọng nhất của văn hóa, đồng
thời là phương tiện thể hiện văn hóa nên văn học mang chứa giá trị xác lập và phản ánh
đời sống văn hoá tinh thần con người.
1.2. Sáng tạo văn học là một loại giải pháp văn hóa tinh thần của con người trước
những tình huống cuộc sống khác nhau. Tình huống sáng tạo là một thực tế khách quan,
như một quyền lực thực tiễn buộc nhà văn phải chấp nhận, lựa chọn. Muốn chứng tỏ tác
phẩm là một sinh thể văn hóa, còn phải tiếp cận nó từ nhiều góc độ khác nhau. Thứ nữa,
tác phẩm văn học là một sinh thể văn hóa, kết quả của hoạt động sáng tạo của nhà văn


bằng ngôn từ. Do đó, muốn lý giải được cái sinh thể văn hóa ấy phải tiếp cận ngôn từ của
tác phẩm, phải bắt đầu từ hoạt động sáng tạo ngôn từ của nhà văn thể hiện trong tác
phẩm. Sự sáng tạo của văn học là đa dạng và dường như không có giới hạn. Mỗi thể loại
văn học có một cách tiếp cận, phản ánh cuộc sống bằng một cách khác nhau, với chất
liệu ngôn từ, phương thức phản ánh thể hiện khác nhau. Đặc trưng bản chất của tác phẩm
văn học là tái sản xuất giá trị văn hóa của cái đẹp. Giá trị này được thể hiện trong toàn bộ
thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Do đó, cần phải mở rộng những biên độ năng động để
tái sinh ý nghĩa cho tác phẩm; trong đó, hướng tiếp cận cấu trúc, ngôn ngữ tác phẩm là
cốt yếu. Gút lại, những điều trình bày trên đây là cơ sở lý luận để chúng tôi lý giải và làm
sáng tỏ đặc trưng văn hóa Việt được thể hiện trong truyện cười hiện đại.
1.3. Truyện cười là một dạng thể của trào phúng. Có hai loại truyện cười, truyện
cười dân gian và truyện cười hiện đại. Tuy có một số điểm khác nhau nhưng cái chung
của hai loại này đó là tiếng cười mỉa mai, châm biếm được sử dụng để chế nhạo, chỉ
Email:

22


Trường Đại học Vinh

Tạp chí khoa học, Tập 49 - Số 1B/2020, tr. 22-31

trích, phê phán, tố cáo, phản kháng những cái tiêu cực xấu xa, lỗi thời trong xã hội. Vì
thế, tiếng cười trong tuyện cười gắn với thể loại trào phúng, gắn liền với phạm trù mĩ học
cái hài. Truyện cười chứa đựng cái hài, dùng cái hài làm phương tiện chủ yếu để thực
hiện chức năng phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu và phần nào đó là giải trí. Như vậy,
tiếng cười trong truyện cười mang giá trị thẩm mĩ, giá trị xã hội, giá trị văn hóa.
2. Đặc trưng văn hóa Việt trong truyện cười hiện đại
2.1. Tính “trạng” hóm hỉnh
Trước hết, tính “trạng” là muốn nói đến tính vui vẻ, là tiếng cười hóm hỉnh của

người Việt Nam, tiếng cười Việt Nam, thể hiện một nét ưu trội của tâm thức, cách sống
Việt được khúc xạ đậm nét trong truyện cười hiện đại.
Có thể nói, cùng với tiếng nói, tiếng cười là một đặc ân mà tạo hóa đã ban tặng
cho con người và chỉ dành riêng cho con người. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh, cách ứng
xử, tính cách từng dân tộc mà tiếng cười có những nét khác biệt. Nét khác biệt bao trùm
của tiếng cười Việt Nam là bên cạnh ngôn ngữ, người Việt thường trực ứng xử bằng nụ
cười, tiếng cười trở thành một phương tiện giao tiếp ở mọi nơi mọi lúc, mọi hoàn cảnh,
biến cố trong đời sống nhân sinh. Nụ cười người Việt luôn thường trực trên môi; bởi thế
nào cũng cười, được khen cũng cười nhưng bị chê cũng cười; hay dở, phải quấy cũng toe
toét cười hoặc gượng cười làm cho mọi việc bớt đi tính nghiêm trang. Không gian tiếng
cười Việt rộng khắp, đa phương; tiếng cười xuất hiện ở mọi nơi; đâu đâu có sự sinh hoạt,
có cuộc sống, có sự quy tụ con người là ở đấy có tiếng cười cất lên. Chúng ta cũng có thể
gặp tiếng cười ở mọi hoàn cảnh: trong sự giao tiếp với nhiều người trong xã hội, trong
các ngành nghề cao thấp, sang hèn, chốn nông thôn, nơi thành phố, nơi đô hội đông
người cho đến chốn cách trở, heo hút. Người Việt còn dùng tiếng cười để chào nhau,
thay các hình thức ứng xử như bắt tay, ôm nhau, ôm hôn của người phương Tây; một
kiểu ứng xử đặc biệt trong giao tiếp của người Việt.
Các kiểu, cách cười, các cung bậc của tiếng cười Việt Nam đều được định danh
trong từ vựng tiếng Việt. Về bảng từ vị tiếng cười Việt, Nguyễn Tuân là người đầu tiên
thực hiện (Nguyễn Đăng Mạnh, 2002) và Vũ Ngọc Khánh (1996) thống kê khá đầy đủ
với 250 kiểu cười. Với 250 từ ngữ chỉ tiếng cười đủ biết cái cười Việt luôn luôn được cất
lên từ mọi cảnh ngộ, mọi hình thức sinh hoạt đời sống, sinh hoạt xã hội. Còn nữa, trong
tiếng Việt còn có nhiều thành ngữ, tục ngữ nói về tiếng cười, thể hiện các sắc độ tiếng
cười Việt. Đặc biệt, tiếng cười đã đi vào ca dao, có mặt trong văn chương bác học, làm
thành truyện cười dân gian và truyện cười hiện đại. Do đó, tìm hiểu truyện cười là tìm
hiểu tiếng cười dân tộc, là phân tích, lý giải nhằm góp phần làm sáng tỏ tâm thức cười,
một biểu hiện của văn hóa dân tộc.
So với truyện cười dân gian, không gian tiếng cười trong truyện cười hiện đại
rộng lớn hơn, xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh, nhiều đối tượng. Vậy nên, lần tìm những
không gian cười mới thấy hết sự phong phú, đa dạng của tiếng cười Việt Nam thời nay.

Không chỉ cái gì cũng cười mà quan trọng hơn là đâu đâu cũng cười, gồm: các địa hạt
cười, các vùng cười, các làng cười, cười mọi nơi mọi chốn.
Trước hết, tiếng cười được cất lên từ không gian hẹp nhất, đó là không gian gia
đình. Trả lời con trai, ông bố khẳng định, trong nhà, bố là người chỉ huy cao nhất thì từ
dưới bếp, bà vợ chạy lên, trợt mắt quát “ông vừa nói cái gì thế?”. Ông bố im thin thít;

23


Hoàng Ngọc Diệp / Một số đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa Việt trong truyện cười hiện đại Việt Nam

nhưng khi bà vợ nguôi giận, đi xuống bếp, ông bố bình tĩnh giải thích cho cậu con trai: “Bố
mới chỉ nói nhỏ một câu mà mẹ con đã gầm lên như hổ rồi” (Truyện cười hiện đại, Uy
quyền, tr. 293). Ông bố đối đáp bằng cách đánh lạc hướng, dùng cách nói ngược để đánh
tráo tình thế, từ chối địa vị thực tế của mình. Tình thế của truyện làm cho tiếng cười cất lên
hết sức tự nhiên, đưa đối tượng cười (ông bố) tự thân trở thành sự cười đùa, cười giễu.
Trong không gian gia đình, tiếng cười còn được cất lên từ phòng khách, bàn ăn,
thậm chí, trong phòng ngủ vợ chồng. Người vợ đánh thức chồng giữa đêm kêu lạnh, lại
kêu nóng, phàn nàn khó ngủ và giải thích việc khó ngủ “vì thiếu đàn ông” thì ông chồng
hết sức lo lắng “kiếm đâu ra đàn ông giữa đêm khuya thế này” (Truyện cười hiện đại,
Chồng ơi là chồng, tr. 270). Những yêu cầu (hành động) của người nói thứ nhất (Speaker
1, viết tắt là Sp1) như một gợi ý, một đòi hỏi kín đáo, “lịch sự” chuyện tình dục vợ chồng
thì người nói thứ hai (Speaker 2, viết tắt là Sp2) quá thật thà, ngu ngơ. Tiếng cười được
cất lên từ sự tương tác hội thoại giữa Sp1 và Sp2, nhưng chủ yếu từ Sp2; một sự thật thà,
ngu ngơ đáng cười, đây là tiếng cười khúc khích, pha chút cười chê.
Rất nhiều tiếng cười được cất lên trong không gian nhà trường, từ phổ thông đến
đại học, từ đối tượng học sinh, sinh viên cho đến các thầy cô, các giảng viên. Tiếng cười
bật ra từ các lớp học, các phòng thi cho đến từng khu ký túc xá hay các nhà trọ sinh viên.
Những tình huống bất thường xẩy ra một cách “hồn nhiên” trong giờ học, những câu
chuyện đối đáp giữa thầy cô và học sinh là mạch nguồn vô tận của tiếng cười, làm nên

những cung bậc cười. Trong giờ học tiếng Việt, nhiều câu chuyện cười chảy nước mắt.
Chẳng hạn, về chính tả “i ngắn”, “y dài”, cô giáo hỏi Nam, vì sao tay viết y dài còn tai
viết i ngắn thì Nam hồn nhiên trả lời “vì tay dài hơn tai ạ” (Truyện cười hiện đại, Khác
biệt, tr. 23). Trong các cách khai thác tiềm năng của tiếng Việt để tạo lập tiếng cười thì
dạng thức chơi chữ nói lái là đặc hữu nhất. Chẳng hạn, tiếng cười trong Giống nhau và
khác nhau thật là sảng khoái, cười bể bụng. Mặc dù cô giáo và người bố đều khẳng định
bổn và bản giống nhau, nhưng cậu học trò vẫn cho là khác nhau; bởi vì “hôm trước, bố
em sai em ra cửa hàng bà Hòa mua cái bản lề. Em nói với bà Hòa bán cho bố cái bổn lề
thì bà ấy chửi em là đồ mất dạy, đồ con nhà không có giáo dục” (Truyện cười hiện đại, tr.
289). Trong truyện này, nếu từ bổn lề trong lời đáp của cậu học trò mà nói lái thì không
thể nhịn được cười. Một tiếng cười sảng khoái bật lò xo mà tung lên (Nguyễn Đăng
Mạnh, 2002).
Còn nữa, từ hỏi bài cũ cho đến các bài kiểm tra, bài thi và trong các phòng thi
cũng bật lên những tiếng cười nghịch ngợm để chế giễu những hạn chế về kiến thức,
những hiểu biết ngu ngơ của học sinh, sinh viên. Các truyện cười như Đưa bệnh nhân
đến, Hỏi bài, Quê hương, Nếu nó tan, Từ đồng nghĩa, Chắc chắn, Bao nhiêu cái, Trà
trộn vào đám đông, Khó, Tội lừa dối, Lẫn, Nếu không ai chết, … đều chứa đựng những
tiếng cười vui nhộn, hóm hỉnh, pha chút chế giễu nhẹ nhàng trong chuyện học hành, thi
cử của học sinh, sinh viên. Chưa hết, tiếng cười còn cất lên từ các khu ký túc xá, các
phòng trọ sinh viên trong các truyện Đời sinh viên, Cứ đứng đấy, Mặc lộn quần, Rất
hợp lý, … Không gian tiếng cười Việt có tính lan toả, rộng khắp, đáp ứng bản tính
thích cười, nhu cầu giao tiếp bằng tiếng cười của người Việt. Từ các điểm không gian
như quán ăn, nhà hàng, cửa hàng, siêu thị cho đến các không gian rộng hơn như trên
đường phố, trong công viên, vườn bách thú, các điểm du lịch… đâu đâu cũng vang lên
tiếng cười, ở đâu ta cũng dễ dàng bắt gặp những nụ cười sinh hoạt, chủ yếu thể hiện các
sắc thái vui tươi, cười đùa pha chút châm chọc nhẹ nhàng, tinh tế. Chẳng hạn, trong

24



Trường Đại học Vinh

Tạp chí khoa học, Tập 49 - Số 1B/2020, tr. 22-31

truyện Size, khi nữ khách hàng xin xem cái áo size 29 (tiếng Anh, phiên âm là sai) thì
được nhân viên bán hàng chia sẻ rất chân thành: “Em ngốc quá! Áo mà nhiều chỗ sai
như thế thì mặc không đẹp đâu!” (Truyện cười hiện đại, Size, tr. 51). Truyện cười trên
khai thác hiện tượng đồng âm trong tiếng Việt để gây cười. Cửa hàng kinh doanh mà
nhân viên nhầm lẫn size có nghĩa là “cỡ” và sai trong đúng sai tiếng Việt thì những
tràng cười vỡ bụng sẽ vang lên, hàm ý châm chọc sự ngu ngơ, quê mùa của nhân viên
bán hàng. Cuộc sống muôn màu là thế, và vì muôn màu cuộc sống nên tiếng cười Việt
cũng lắm vẻ, nhiều kiểu. Với các không gian rộng hơn như trên đường phố, tiếng cười
nô đùa, tinh nghịch theo chân những người đồng hành, đặc biệt là những người trẻ.
Chẳng hạn, hai người trẻ Bình và Lan chạy trên đường phố; Bình chạy theo Lan và nói:
“Lan nè, cho Bình nay tắm nhé!”. Sau mấy phút ngỡ ngàng, Lan thẹn đỏ mặt vì cái từ
nay tắm trong lời trao của Bình và ngượng ngùng cho Bình nắm tay cùng đi!” (Truyện
cười hiện đại, Nay tắm, tr. 276). Tính đặc trưng trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt là tiền
đề của phép nói lái và hình thành dạng thức chơi chữ nói lái tạo nên nhiều bất ngờ, thú
vị. Nét văn hoá này, các ngôn ngữ biến hình châu Âu không bao giờ có được. Các
không gian khác như trong công viên, các điểm tham quan, du lịch, tiếng cười vui
nhộn, cười hả hê cũng thường xuyên cất lên. Chẳng hạn, tại một điểm tham quan, một
ông khách ngồi lên hiện vật là chiếc giường của nhà vua; khi được nhân viên nhắc nhở
thì ông khách bình tĩnh nói: “Tôi biết chứ! Khi nào nhà vua tới, tôi sẽ trả lại ngay. Có
sao đâu!” (Truyện cười hiện đại, Khi ông ấy đến tôi trả, tr. 97). Hành động và lời nói
của ông khách thật “hồn nhiên”, đáng cười, cái cười đùa bỡn, hàm ý chế giễu sự lố bịch
cả trong hành động và lời nói của vị khách tham quan.
“Gặp nhau là cười” là cách ứng xử trong văn hoá giao tiếp của người Việt. Tiếng
cười có thể cất lên từ phòng khám sức khoẻ, bệnh viện cho đến phòng kê khai hồ sơ, đồn
công an, nơi tuyển quân… Có khi, cười chỉ để mà cười, cười cho vui, cười xoà. Chẳng
hạn, trong bệnh viện, khi cô hộ lý bế hai đứa trẻ sinh đôi trao cho người bố trẻ và nói lời

chúc mừng thì bố trẻ liền nói: “Nếu cô không phản đối thì tôi chỉ lấy đứa ở giữa thôi!”
(Truyện cười hiện đại, Nếu được, tr. 68). Khi ốm đau, bệnh tật, người Việt cũng cười, rồi
khi gặp rủi ro, vi phạm pháp luật, phải đương đầu với nhà chức trách người Việt cũng
cười, cười theo kiểu cười trừ, cười gượng. Chẳng hạn, cô gái bán dâm bị bắt vào đồn
công an, trả lời với cán bộ là vì nghèo nên đành phải làm nghề này. Nhưng khi được hỏi
nếu giàu, có làm nghề này nữa không thì cô gái trả lời: “Tôi sẽ cho không người ta chứ
bán làm gì!” (Truyện cười hiện đại, Bán làm gì, tr. 289). Chưa biết được kết quả xử phạt
như thế nào nhưng người đọc thấy buồn cười cho số phận của cô gái; cái cười ẩn dấu
chút xót thương đối với hạng người làm cái nghề mua vui cho người khác.
Trên các phương tiện giao thông, hành khách cũng thoải mái cười đùa vui vẻ.
Chẳng hạn, trên chuyến xe khách Hà Nội - Vinh, thiếu phụ có đứa con nhỏ ngồi bên cạnh
chú bộ đội, đến giờ cho đứa nhỏ bú nhưng nó cứ đùa nghịch thì người mẹ trẻ nói:
“Không bú thì mẹ cho chú bên cạnh bú đấy”. Mấy phút sau, chú bộ đội nói rất nghiêm
trang: “Chị ơi, chị nói với cháu quyết định đi, xe đã qua nhà tôi mấy cây số rồi đấy!”
(Truyện cười hiện đại, Tưởng bở, tr. 297). Hay, một vị linh mục chuẩn bị làm thủ tục lên
máy bay thì một cô gái xinh đẹp đút viên kim cương vào túi nhờ qua cửa hải quan.
Không kịp từ chối, khi qua cửa hải quan, nhân viên hỏi có vật gì cần khai báo thì linh
mục vui vẻ nói: “Phía trên thắt lưng tôi chẳng có gì nhưng phía dưới có một vật quý mà
phụ nữ ai cũng thích”. Nhân viên hải quan cho rằng cha rất vui tính và mời đi qua

25


Hoàng Ngọc Diệp / Một số đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa Việt trong truyện cười hiện đại Việt Nam

(Truyện cười hiện đại, Linh mục vui tính, tr. 69). Điều thú vị là các tiếng cười trong hai
truyện trên có màu sắc giống nhau, đều cười tủm tỉm, thậm chí phì cười và cùng sử dụng
một phương cách gây cười, đó là cách nói phóng đại.
Văn hoá cười của người Việt còn lan toả đến các công sở, các cơ quan quản lý
nhà nước như phòng kê khai hồ sơ, phòng tổ chức cán bộ, văn phòng công ty, phòng họp

cơ quan cho đến phòng xử án, nhà giam… Chẳng hạn, cuộc họp hội đồng quản trị của
công ty nọ đang cãi vã ồn ào thì một người đứng dậy nói lớn: “Bàn cãi mãi cũng vô ích
vì một nửa thành viên của hội đồng là ngu dốt”. Chủ tịch hội đồng đề nghị người nói phủ
định lại ý kiến của mình thì được ông ta trả lời: “Vậy thì, một nửa thành viên của hội
đồng không ngu dốt” (Truyện cười hiện đại, Phủ định lại, tr. 297). Dùng cách diễn đạt
đồng nghĩa, một mặt, người nói vẫn bảo lưu ý kiến của mình, mặt khác, trên hình thức,
người nói đang thực thi yêu cầu của chủ tịch hội đồng là “phủ định lại” ý kiến của mình.
Truyện này thật buồn cười, nhưng tiếng cười ở đây là cười buồn.
Khó mà miêu tả cho hết không gian tiếng cười Việt, bởi nó xuất hiện và lan toả
khắp nơi, từ nông thôn đến thị thành, từ đồng bằng, miền biển cho đến miền sơn cước xa
xôi, từ chỗ đông người cho đến những nơi thưa thớt dân cư đâu đâu cũng bắt gặp những
nụ cười xã giao, những tiếng cười nhiều vẻ, đủ các cung bậc cảm xúc - tình cảm được thể
hiện trong chuỗi các cuộc thoại giữa con người với con người gắn với từng khung cảnh
Việt. Đó là tiếng cười hồn nhiên, vô tư của tầng lớp học sinh, sinh viên, tiếng cười tủm
tỉm, cười tươi của những người lớn tuổi trong cuộc sống hôn nhân và gia đình; là tiếng
cười hóm hỉnh, thâm trầm của tầng lớp trí thức; là tiếng cười cởi mở, thật thà và sảng
khoái của những người nông dân; là tiếng cười khúc khích của cán bộ, công chức, tiếng
cười giòn giã, cười hả hê của bộ đội; là tiếng cười đùa, cười nắc nẻ của các em nhỏ và
những người già. Còn nữa, người Việt không những thời nào cũng có những nhân vật
cười mà còn có những vùng cười, làng cười ở nhiều nơi như Hội Thống (Nghi Xuân, Hà
Tĩnh), Yên Huy (Can Lộc, Hà Tĩnh), Vĩnh Hoàng (Quảng Trị)… Tiếng cười ở đây là
tiếng cười hoà hợp, cười để kết nối các làng xóm với nhau nhằm gia tăng tình đoàn kết
cộng đồng. Do đó, đối với người Việt “một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ” (Tục
ngữ), và “Chẳng tham nhà ngói rung rinh/ Tham vì một nỗi em xinh miệng cười” (Ca
dao). Nhưng người Việt cũng nằm lòng: “Cười người xin chớ cười lâu/ Cười người hôm
trước hôm sau người cười” (Ca dao). Tóm lại, không gian tiếng cười Việt, các kiểu/cách
cười của người Việt và cách ứng xử đối với tiếng cười như phần nào đã miêu tả trên đây
là riêng có ở người Việt, và là một biểu hiện sinh động về văn hoá Việt.
2.2. Tính trí tuệ, uyên bác
Xem xét tính trí tuệ, uyên bác trong truyện cười hiện đại, chúng tôi mong muốn

làm sáng tỏ những nét riêng trong cách tri nhận thế giới xung quanh, về “bức tranh ngôn
ngữ về thế giới”, một biểu hiện văn hoá Việt được khúc xạ trong truyện cười hiện đại.
Biểu hiện dễ nhận thấy nhất, bức tranh được “vẽ” ra phản ánh những đặc điểm của thực
tế đời sống văn hoá của người Việt, đó là truyện cười hiện đại khai thác khá triệt để
phương thức chơi chữ để tạo nên tiếng cười, một “trò chơi” trí tuệ của người Việt trong
việc khai thác những tiềm năng sẵn có, riêng có của ngôn ngữ dân tộc như nói lái, đồng
âm, đảo, điệp, đồng nghĩa, đồng âm và đồng nghĩa, trái nghĩa, chữ viết. Có 7 dạng thức
chơi chữ được sử dụng trong 1045 truyện cười hiện đại; đó là: đồng âm, mô phỏng,
nghịch nghĩa - nói ngược, tách từ, nói lái, đảo từ - đảo cú, đồng nghĩa; gồm 119 trường

26


Trường Đại học Vinh

Tạp chí khoa học, Tập 49 - Số 1B/2020, tr. 22-31

hợp, chiếm 11,39%. Đó là kết quả của một trí tuệ sắc sảo, một sự liên hệ nhanh giữa chủ
đề cần diễn đạt (trong từng truyện cười) với một trong những đặc điểm của âm tiết tiếng
Việt đã được định hướng, lựa chọn để thực hiện chơi chữ, một phương cách làm bật lên
tiếng cười. Có thể nói, phần lớn các truyện cười hiện đại dùng chơi chữ làm phương thức
gây cười đều có hiệu quả cao: vừa bật cười hóm hỉnh, vừa sâu sắc về trí tuệ, triết lý.
Chẳng hạn, truyện Xã hội - tự nhiên kết hợp sử dụng hai dạng thức chơi chữ là đồng âm
và mô phỏng. Từ tự nhiên trong lời mời của chủ nhà (Sp1) có nghĩa là “thoải mái, không
cần khách sáo”, nhưng lại được thầy giáo trẻ (Sp2) “hiểu” là “giáo viên dạy các môn
toán, lý, hoá, sinh”, nên mới “cãi” lại “nhưng chúng cháu là giáo viên xã hội”. Tình thế
thật bất ngờ nhưng hợp lý và rất thú vị. Nếu truyện dừng lại ở dạng thức chơi chữ đồng
âm thì tiếng cười khúc khích cũng đã bật lên rồi; nhưng lại xuất hiện thêm một bất ngờ
nữa: chủ nhà (Sp1) tiếp thu “góp ý” của khách, “sửa” lại lời mời “Mời các thầy cô xã hội
tự nhiên!” (Truyện cười hiện đại, tr. 134), một lời nhại (mô phỏng) tức thời, đúng lúc,

đúng chỗ và cũng rất tự nhiên, hóm hỉnh. Thế là tiếng cười cứ như “bật lò xo mà tung
lên”, hết sức sảng khoái, thể hiện chất trí tuệ sắc sảo của người Việt.
Kiểu tư duy của người Việt không chỉ thể hiện trong chơi chữ mà còn được thể
hiện đậm nét qua cách nói ngụ ý, hàm ý, ẩn ý để dấu kín suy nghĩ của mình. Khi gặp
những điều khó nói, ngại nói, người Việt thường nói lấp lửng, hay nói bóng gió xa xôi,
theo kiểu “ăn nói nửa chừng”, buộc người nghe phải dò dẫm ý tứ của người nói, phải suy
ý bên ngoài câu chữ. Kiểu nói hàm ý, ẩn ý, ngụ ý ấy, các nhà Ngữ dụng học gọi là hàm
ngôn, là “những hiểu biết có thể suy ra từ nghĩa tường minh và tiền giả định, đây là ý
nghĩa đích thực mà người nói muốn hướng đến người nghe” (Đỗ Thị Kim Liên, 2005, tr.
252). Cũng theo các nhà Ngữ dụng học, nghĩa của phát ngôn hành chức trong văn bản
gồm hai loại là nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn. Trong truyện cười hiện đại, bên cạnh
những truyện có nghĩa tường minh thì đa phần là những truyện có nghĩa hàm ẩn, phải suy
ý thì mới nhận ra. Cách xác lập nghĩa hàm ẩn trong truyện cười hiện đại phản ánh kiểu tư
duy vòng vo, cách nói bóng gió xa xôi, thể hiện một nét đặc hữu của văn hoá Việt. Do
đó, khi nghe hay đọc truyện cười hiện đại, phải suy ngẫm một chút thì mới thấy buồn
cười, rồi mới bật ra tiếng cười. Chẳng han, truyện Ai nói, qua các cặp trao đáp giữa chị
giúp việc (Sp1) và bà chủ (Sp2) ta thấy chị giúp việc là người có bản lĩnh, can đảm, dám
đi tới tận cùng của sự thật. Nhờ sự dũng cảm, thẳng thắn và sắc sảo, từ địa vị con ở - chủ
nhà, từ chỗ là người có lỗi, chị giúp việc giành thế chủ động, thế quan toà vạch rõ chân
tướng sự việc, phơi bày nội tình nhà quan chức có những mối quan hệ lăng nhăng, quan
hệ bất chính theo kiểu “ông ăn chả bà ăn nem”. Đòn tấn công của chị giúp việc đối với bà
chủ thực hiện theo phương châm “tương kế tựu kế” và đã thành công. Người đáng cười
trong truyện không phải chị giúp việc mà chính là bà chủ, mặc dù “Người ta còn nói,
người ta ngủ với tôi thích hơn ngủ với bà” (Truyện cười hiện đại, tr. 273). Thế bề trên
của bà chủ, vẻ đạo mạo, đoan chính bề ngoài đều rơi đâu hết, trơ ra một người đàn bà
phẩm cách không hơn một người giúp việc. Một tiếng cười buồn, cười cợt, cười mỉa
được cất lên bên ngoài câu chữ của truyện.
Có nhiều cảnh huống, nhiều sự tình trong quan hệ vợ chồng được phản ánh trong
truyện cười hiện đại; từ đó, nhiều cung bậc của tiếng cười được cất lên. Chẳng hạn,
người vợ trong truyện Còn tệ hơn rơi vào tình cảnh “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” rất đáng

thương. Chuyện chồng trẻ vợ già cũng dễ bị đàm tiếu trước đám đông. Dĩ nhiên, mọi
người chỉ châm chọc cho vui chứ không ác ý, không xúc phạm đối tượng, nghĩa là không

27


Hoàng Ngọc Diệp / Một số đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa Việt trong truyện cười hiện đại Việt Nam

“đùa quá trớn”. Trên chuyến xe buýt ấy, nếu mấy bà ngồi phía sau tỏ thái độ kinh ngạc
và “băn khoăn” xác định lại quan hệ, từ vợ chồng thành “cứ như là chị của ông chồng
không bằng” - câu đùa còn chấp nhận được thì câu đùa của bà khách đồng hành “Này
cậu, tại sao cậu lại để cho người ta xúc phạm mẹ cậu như vậy hả” (Truyện cười hiện đại,
tr. 150-151) thì hơi quá quắt. Mặc dù, truyện dùng cách nói lộng ngữ để gây cười nhưng
tiếng cười trong truyện này thật ngậm ngùi, chua xót. Người trao dùng cách nói khẳng
định, lại còn dùng hành động trách móc làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng, buộc
người đọc phải suy nghĩ về cái điều người nói muốn nói ngoài câu chữ. Chê người ta già
mà theo kiểu gọi người ta là mẹ con như bà khách đồng hành trong truyện trên thì hơi
quá đáng. Do đó, tiếng cười trong truyện cũng là cười gượng, cười buồn, có cái gì đó hơi
bất nhẫn.
Xét nét, đố kị cũng là những thói xấu thường tình của con người. Khi một đứa trẻ
có biểu hiện thông minh thì người lớn cần động viên, khuyến khích để trẻ phát huy thiên
hướng bẩm sinh. Nhưng đôi khi, người lớn có thể vô tình, có thể ác ý đưa ra những nhận
xét không đúng về trẻ con thì sẽ nhận được trái đắng, trở thành trò cười như bà hàng xóm
trong truyện Thông minh. Người Việt có kiểu hành xử “ăn miếng trả miếng”, hay “vỏ
quýt dày có móng tay nhọn”. Kiểu hành xử này có trong truyện cười trên. Bà hàng xóm
xét nét, đố kị, không muốn thừa nhận một cậu bé thông minh, đưa ra một suy luận thiếu
thiện chí “Nào đã chắc gì. Cái trò mà trẻ thông minh thì về sau sẽ ngu độn mà thôi” nhận
lấy một sự đáp trả hết sức thông minh của đứa trẻ 7 tuổi: “Chắc lúc bé bác thông minh
lắm phải không?” (Truyện cười hiện đại, tr. 282). Dùng ngay suy luận của bà hàng xóm,
cậu bé đưa ra một nhận xét thật đích đáng và rất hóm hỉnh: bà hàng xóm là một người

ngu độn mà thôi. Từ nghĩa hàm ẩn của truyện, tiếng cười được cất lên nhưng là cười chê,
cười giễu bà hàng xóm rơi vào tình thế “gậy ông đập lưng ông”.
Mỗi truyện cười hiện đại đều đều có mục đích riêng. Tính hướng đích này làm
cho truyện cười không những có giá trị khái quát, trở thành tiếng cười xã hội, vượt lên
trên tiếng cười sinh học, mà còn thể hiện cách tư duy của người Việt: luôn đi sâu vào mọi
ngõ ngách của đối tượng, phát hiện sự tình từ những điều nhỏ nhất để làm phong phú
mạch nguồn của tiếng cười. Chẳng hạn, truyện Tác dụng của biển hiệu, nếu suy ý bên
ngoài câu chữ ta sẽ nhận ra ý nghĩa của tiếng cười và sẽ tủm tỉm cười, hay cười một
mình. Nói tục là để hoá giải cái bực bội, tỏ thái độ bất bình với ai đó hay điều gì đó.
Chuyện nói tục là phổ quát của loài người mà người Việt không là ngoại lệ. Trong các
phương cách gây cười, người Việt văng tục trong nhiều truyện cười. Ở truyện trên, tham
thoại đáp của thầy T không hàm ý muốn thoát ly sự bực bội mà thể hiện một thái độ dứt
khoát, quyết liệt trong cách lý giải vì sao không đặt tên quán là Vợ tôi. Có nhiều trường
hợp, chủ quán, nhà hàng lấy ngay những khuyết tật của mình đặt tên để gây sự chú ý,
thoả mãn sự tò mò của khách hàng như Thọ Gù, Chín Lé, Vân Mập, Hùng Lùn, Thanh
Còi, … Cũng vậy, các tên quán như Chị tôi, Em tôi, Bạn tôi thì những chị, em, bạn lỏng
lẻo về sở hữu đối với tôi, do đó, khách hàng, nhất là các chàng, mỗi lần vào quán, ngoài
chuyện ăn uống hút xách còn “đò đưa”, tán tỉnh chủ quán, chủ yếu cho vui nhưng có khi
vẫn giăng mắc chuyện tình cảm. Do đó, nếu tên quán là Vợ tôi thì sở hữu rõ ràng, tên
quán như một biển cấm ai mà dám vào. Như vậy, truyện Tác dụng của biển hiệu ta có
tiếng cười tức thì kiểu phì cười do sử dụng yếu tố tục trong tham thoại đáp của thầy T
“Đặt tên quán là Vợ tôi thì chó nó đến à” (Truyện cười hiện đại, tr. 298) và tiếng cười
kiểu cười mỉm từ ý nghĩa “còn gì mà hy vọng nữa” được xác định bằng thao tác suy ý.

28


Trường Đại học Vinh

Tạp chí khoa học, Tập 49 - Số 1B/2020, tr. 22-31


Tóm lại, những truyện cười dùng phương thức chơi chữ và ý nghĩa hàm ẩn để bật
lên tiếng cười đều phản ánh kiểu tư duy của người Việt, đó là kiểu nói vòng nói tránh,
nói bóng gió xa xôi nhưng lại làm nổi bật bản chất sự việc, sự tình, vấn đề. Hay nói cách
khác, các kiểu cười trong truyện cười hiện đại khúc xạ một nét đặc trưng văn hoá Việt.
2.3. Tính châm biếm sâu sắc
Theo kiểu ứng xử “chê ta mà chê đúng là thầy của ta” trong cái mạch nguồn của
văn hoá phương Đông, người Việt cũng có kiểu ứng xử “thương cho đòn, ghét cho chơi”,
hay “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”; nghĩa là, yêu ghét phân minh, dứt
khoát. Đó cũng là triết lý sống “thương người như thể thương thân”; thương người thì
phải làm cho người thấy được những hạn chế, sai lầm, những yếu kém mà khắc phục, tu
thân, hướng thiện. Tinh thần nhân bản ấy được thể hiện từ trong truyện cười dân gian, và
được nhân lên gấp bội trong truyện cười hiện đại. Trong truyện cười hiện đại, tiếng cười
trong phần lớn các truyện được cất lên để từ chối cái xấu, cái thấp hèn, đề cao cái đẹp,
cái cao cả, khuyến khích hành động vì những điều tốt đẹp trong hiện tại và vì tương lai
tươi sáng. Do đó, tính châm biếm sâu sắc như là một biểu hiện văn hoá Việt trong truyện
cười hiện đại; nghĩa là, truyện cười hiện đại dùng tiếng cười để chế nhạo, đả kích cái xấu
là muốn con người hướng đến những điều tốt đẹp, sống có nhân cách.
Nếu tiếng cười châm biếm trong truyện cười dân gian chỉ hướng đến một số hạng
người trong xã hội như thầy đồ, thầy cúng, thầy bói, thầy chùa dốt nát, tham ăn, sợ vợ,
những hào lý trong làng xã, hàng tổng tham lam, hách dịch, những thầy đề, quan lại hàng
phủ huyện, hàng tỉnh dâm ô, hách dịch, đè nén dân lành, bọn phong kiến tay sai và thực
dân bóc lột, hà hiếp thì trong truyện cười hiện đại, tiếng cười châm biếm là “vô thiên
lũng” (Nguyễn Công Hoan) và đủ các cung bậc, sắc độ, bởi nó được cất lên từ các tầng
lớp người, mọi ngành nghề, khắp các vùng miền, xứ sở. Đó là tiếng cười pha chút chế
nhạo những khuyết tật của một số người như kẻ cao kều, người lùn tịt (Xỏ xiên), dáng vẻ
béo phì, vòng hai quá cỡ (Vòng), người đã đen, xấu lại lùn (Khen), con gái mà có râu (So
sánh), tật nói lắp (Hiểu nhầm)…
Tiếng cười châm biếm trong truyện cười hiện đại chủ yếu dành cho các ông
chồng nghiện rượu, say rượu, các bà vợ “đổ” việc nhà lên đầu các ông chồng; đặc biệt là

chuyện các bà vợ ngoại tình. So với truyện cười dân gian, truyện cười hiện đại có một số
lượng truyện khá lớn nói về chuyện ngoại tình của các bà vợ như Chuyện không bình
thường, Phản bội bao nhiêu lần, Bắn hộ, Tập kịch, Đổi gác, Tránh sát sinh nhiều, 80
năm vẫn chạy tốt, Bị uống cà phê quá nhiều, Lý do ăn nem, Ngoại tình, Chung thuỷ, Vợ
ngoại tình, Mày cũng chẳng có nữa là, Cách nào, Chẳng họ hàng gì, Không thể tin, Thôi,
Ai nói, … Mỗi truyện mỗi vẻ, mỗi tình thế đáng cười; có truyện, tiếng cười chảy nước
mắt. Chẳng hạn, truyện Ngoại tình có môtip giống với Nghêu Sò Ốc Hến nhưng cách giải
quyết sự tình hoàn toàn khác, có tính hiện đại hơn. Mặc dù, truyện trên dùng thủ pháp
phóng đại để gây cười nhưng từ diễn biến sự việc, đặc biệt, từ tham thoại của người vợ
“Anh ơi, chui ra đi, cả hai thằng ngốc đều chết cả rồi” (Truyện cười hiện đại, tr. 145146), ta thấy người vợ thật đáng chê trách, đáng lên án về tội lăng loàn, bất chấp đạo lý,
dẫm lên các giá trị đạo đức của một người phụ nữ Việt Nam.
Trong truyện cười hiện đại, tiếng cười phê phán, châm biếm còn cất lên từ lối
sống buông thả của một số gia đình mà cả vợ chồng đều chạy theo tình ngoài, kiểu “ông
ăn chả, bà ăn nem”. Đó là các truyện Giống ai, Đồng vợ đồng chồng, Có đi có lại, Ai nói,

29


Hoàng Ngọc Diệp / Một số đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa Việt trong truyện cười hiện đại Việt Nam

… Chẳng hạn, truyện Đồng vợ đồng chồng có kết cục là vợ chồng đưa nhau ra toà li hôn.
Sự việc được kể lại, tình huống “giật mình la hoảng” trong giấc mơ của người vợ và hành
động “chui xuống gầm giường trốn” (Truyện cười hiện đại, tr. 158-159) ngay tại nhà
mình của người chồng như một vở bi hài kịch trớ trêu, trơ trẽn. Trước sự thật xấu xa tự
phơi bày từ người vợ, người chồng, tiếng cười bật lên nhưng là cười nhạo, cười chê lối
sống phóng đãng, buông thả của các nhân vật trong truyện.
Năng lực và phẩm chất của các bác sỹ, những “lương y như từ mẫu” trong các
bệnh viện cũng là đề tài cho nhiều truyện cười khai thác. Theo đó, tiếng cười châm biếm
cũng được bật lên; đây là những tiếng cười buồn; chẳng hạn truyện Yên tâm, kiểu trả lời
của Sp2 có vẻ hài hước, nhưng đằng sau cách nói tếu táo ấy là một thái độ vô trách

nhiệm đối với sinh mệnh của người bệnh (Truyện cười hiện đại, tr. 150-151). Hay truyện
hai ông bác sỹ chữa nhầm bệnh cho hai bệnh nhân: một người chữa ung thư nhưng khi
mổ mới biết bị một cái áp xe, còn một người chữa bệnh da vàng nhưng khi bệnh nhân
chết mới biết là người châu Á (Thần y); lại có bác sỹ chữa lành bệnh cho một bệnh nhân
nhưng khi biết người ấy rất giàu thì lại tiếc ngẩn ngơ vì mất đi cơ hội đào mỏ (Sai lầm
nghiêm trọng).
Tiếng cười châm biếm còn dành cho các quan chức trong bộ máy công quyền nhà
nước. Từ ông giám đốc N “xài” toàn bằng giả, lo sợ sắp có đoàn thanh tra nên bày trò
đăng quảng cáo trên truyền hình bị mất giấy tờ, trong đó có các văn bằng chứng chỉ
(Diệu kế), lại một ông giám đốc sợ người giỏi trong cơ quan khi có cơ hội sẽ thay mình
nên tìm cách thuyên chuyển đi nơi khác (Lo xa) đến ông Bộ trưởng không nhận quà biếu
của doanh nghiệp là một chiếc xe hơi vì “tôi rất liêm khiết”, nhưng khi doanh nghiệp đưa
ra phương án bán 50 triệu đồng thì xin mua hai chiếc (Liêm khiết).
Có thể nói, khá nhiều truyện cười hiện đại dùng tiếng cười để chỉ trích, phê phán
những thói hư tật xấu, những hành vi phản đạo đức của một bộ phận cán bộ, quan chức
trong bộ máy công quyền và trong nội bộ nhân dân. Dĩ nhiên, mục đích của tiếng cười
châm biếm là nhằm đẩy lùi cái xấu, cái thấp hèn, góp phần giáo dục nhân cách cho con
người, hướng con người vươn tới những điều tốt đẹp, cao thượng và nhân bản. Đó là triết
lý “thương cho đòn”, một biểu hiện của văn hoá Việt được thể hiện trong truyện cười
hiện đại.
3. Kết luận
Cũng như truyện cười dân gian, truyện cười hiện đại cũng phản ánh các giá trị
văn hoá tinh thần của người Việt. Trước hết, truyện cười hiện đại làm sâu sắc hơn tâm
thức cười của người Việt, chứng tỏ Việt Nam là một xứ sở cười, rằng tiếng cười Việt
Nam xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi cảnh huống. Tiếng cười trong truyện cười hiện đại
còn thể hiện nếp nghĩ, kiểu tư duy của người Việt; đó là kiểu tư duy trực quan, cụ thể,
giàu hình ảnh nhưng không hướng trực tiếp vào đối tượng mà thiên về kiểu nói lấp lửng,
vòng vo, ngụ ý, ẩn ý, hàm ý, buộc người nghe phải suy ý, ngầm hiểu rất uyển chuyển,
tinh tế. Tính thẩm mỹ của truyện cười hiện đại thể hiện ở chỗ, con người dùng tiếng cười
để phê phán, chế giễu những thói xấu, những hành vi phi đạo đức, vi phạm đến phẩm giá

của con người. Tính châm biếm của truyện cười hiện đại cũng xuất phát từ mạch nguồn
văn hoá của người Việt là “thương cho đòn”, một kiểu ứng xử giàu tính nhân bản của dân
tộc ta.

30


Trường Đại học Vinh

Tạp chí khoa học, Tập 49 - Số 1B/2020, tr. 22-31

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vũ Ngọc Khánh (1996). Hành trình vào xứ sở cười. Hà Nội: NXB Giáo dục.
Đỗ Thị Kim Liên (2005). Giáo trình ngữ dụng học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phan Ngọc (2000). Thử xét văn hoá, văn học bằng ngôn ngữ học. Hà Nội: NXB Thanh niên.
Trần Ngọc Thêm (2001). Tìm về bản sắc văn hóa Việt. Hà Nội: NXB Giáo dục.
Nguyễn Đăng Mạnh biên soạn (2002). Nguyễn Tuân toàn tập. Hà Nội: NXB Văn học.
Lê Văn Tùng (2019). Đi tìm văn hoá của văn học. Hà Nội: NXB Hội nhà văn.
Truyện cười hiện đại, Bản vi tính 300 trang A4, do tác giả tuyển chọn từ các ấn phẩm đã
xuất bản và tự sưu tầm, Nghệ An, 2019.

SUMMARY
SOME VIETNAMESE LINGUISTIC AND CULTURAL FEATURES
IN VIETNAMESE MODERN JOKES
This article focuses on highlighting Vietnamese linguistic and cultural features
manifested in Vietnamese modern jokes, which is identified through (1) deepening the
laughter cognition of Vietnamese people in communications; (2) demonstrating the
periphrastic, implicit thinking and speech of Vietnamese people to express sarcasm,
forcing others to presume and think of the implications; (3) stating the superficial-like
expression with deeply satirical but human implications.

Keywords: Features; cultural; jokes; Vietnamese; modern.

31



×