Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (251.87 KB, 5 trang )

Đề bài: Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao
Dàn ý 
A/ Mở bài: Giới thiệu nhà văn Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo
B/ Thân bài
– Nam Cao phác họa chân dung của giai cấp bóc lột một cách đầy đủ nhất so với các nhà  
văn đương thời. Bá Kiến được đặt vào một vị  trí trang trọng trong xã hội, khi nhà văn  
phác họa nên lai lịch của một kẻ già đời trong nghề bóc lột: gia đình bốn đời làm tổng lý, 
bản thân Bá Kiến từng là lý trưởng, chánh tổng; cha truyền con nối trong thủ đoạn đè đầu  
cưỡi cổ  người khác. Uy quyền của Bá Kiến không phải chỉ  bó hẹp trong phạm vi của 
một làng, mà “cụ Bá” là “bá hộ, tiên chỉ, chánh hội đồng kì hào, huyện hào, Bắc Kì nhân  
dân đại biểu” – đại biểu cho cả một bộ máy thống trị tay sai thực dân. Một nhân vật như 
thế, không thể là một kẻ hợm hĩnh và ngu dốt như Nghị  Quế (“Tắt đèn” – Ngô Tất Tố) 
hay chỉ có tàn bạo và tham lam như Nghị Lai (“Bước đường cùng” – Nguyễn Công Hoan).
– Nam Cao đã phác họa bản chất Bá Kiến bằng những chi tiết khó quên từ bên ngoài đến 
bên trong:
+ Cụ Bá có tiếng quát “rất sạng” để  “nắn gân người khác”, có kiểu cười Tào Tháo giòn 
giã và “bản thân cụ cũng tự hào hơn đời ở cái tiếng ấy”.
+ Bên trong vẻ  sang trọng là một con quỷ  dâm ô, có tới bốn bà vợ  mà còn đi cướp vợ 
người – khi còn làm lý trưởng đã không bỏ lỡ cơ hội ve vãn vợ Binh Chức.
+ Nhưng điều nguy hiểm nhất ở Bá Kiến là tội ác đã được hắn nâng lên thành một nghệ 
thuật cai trị kẻ khác: “mềm nắn, rắn buông”, “dùng thằng đầu bò trị thằng đầu bò”, “nắm 
lấy đứa có tóc”, đặc biệt là những thủ  đoạn rất nham hiểm: “Hãy vứt người ta xuống  
sông rồi hãy vớt nó lên để  nó đền  ơn, hãy đập bàn đập ghế  đòi cho được năm đồng, 
nhưng được rồi hãy vất trả lại năm hào vì “thương anh túng quá”.
+ Với tất cả các thủ thuật trị người ấy, Bá Kiến quả là một kẻ “khôn róc đời” và đã phá 
tan cơ  nghiệp của biết bao gia đình, đập nát hạnh phúc của bao người. Đáng sợ  nhất là 
chính những nạn nhân của Bá Kiến lại bị hắn biến thành những công cụ đắc lực của tội  
ác: Năm Thọ, Binh Chức – với bản tính lưu manh và đỉnh điểm là Chí Phèo – đã thành con 
quỷ dữ của làng Vũ Đại.



– Để Chí Phèo đến nhà Bá Kiến vào chính giờ phút “cụ Bá” đan ghen với lũ trai trẻ vì “bà  
Tư  phốp pháp, hai má hây hây…” và cụ  đang có ý định “bỏ  tù hết mấy thằng trai trẻ”,  
đoạn văn quả có thể làm chúng ta bật cười vì sự ghen tuông của một ông lão đã ngoài sáu  
mươi, nhưng ta bỗng giật mình vì chứng tích của sự ghen tuông đáng buồn cười ấy bỗng  
hiện ra: một thằng điên, một thằng say, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại, sẵn sàng đâm 
chém bất cứ ai – ngày xưa nó cũng là một thằng trai trẻ…
C/ Kết bài
Tình huống tất yếu phải xảy đến đã được Nam Cao dày công chuẩn bị cho nhân vật của 
mình. Khi sự thâm hiểm và tàn bạo đã bị bóc trần, khi những tiếng cười và tiếng quát rất 
sang của cụ Bá không còn nắn gân người khác như mọi khi được nữa, đó cũng là khoảnh  
khắc thức tỉnh lương tri của một con người. Chí Phèo trong cơn say có những hành động  
thật đáng sở. Nhưng có một điều, tiếng nói vang lên “dõng dạc” lại là của một con người 
hoàn toàn tỉnh táo, của một anh Chí đang đòi lại quyền “làm người lương thiện” đã bị 
bọn cường hào như Bá Kiến tước đoạt. Sự thật được nói lên khiến Bá Kiến phải run sợ,  
“dịu dọng” để  lảng tránh. Mặt nạ  rơi xuống, Bá Kiến hiện nguyên hình là con quỷ  dữ 
nham hiểu và hèn nhát đang cố trốn chạy sự trừng phạt của lương tri thức tỉnh. Nam Cao  
đã để cho Chí trong giờ phút ấy cất lên những lời đau đớn: “Ai cho tao lương thiện? Làm 
thế nào để mất những vết mảnh chai trên mặt này?”. Đó là nỗi đau đớn của một người đã 
bị  chặn mất nẻo về  với thế  giới thân thuộc của Con Người, bởi những định kiến khắt  
khe của xã hội. Muốn trở về, Chí “chỉ còn một cách” là giết chết con quỷ dữ trong chính  
anh. Giờ phút Chí vung dao lên kết liễu đời Bá Kiến là hành động tất yếu phải xảy ra, sau 
đó chính anh phải tự sát đã là một câu trả lời của Nam Cao giải đáp rõ nguyên nhân bi kịch 
của người nông dân nghèo trong xã cũ – sự bế tắc, quẩn quanh vẫn đè nặng lên cuộc sống 
của họ.
 Bài làm 
Nhà văn Nam Cao có phần đã dựa vào những người thật việc thật  ở quê hương mình để 
xây dựng truyện ngắn Chí Phèo. Đại diện cho giai cấp thống trị ở làng Vũ Đại chính là Bá 
Kiến. Qua nhân vật này, bộ mặt xấu xa tàn bạo của bọn cường hào, địa chủ bị phơi bày 
rất rõ nét.



Không giống một số  nhân vật địa chủ  trong những tác phẩm khác của Nam Cao,  ở  Chí 
Phèo, Bá Kiến hiện lên với tư  cách là một nhân vật điển hình hoàn chỉnh. Khi xây dựng 
nhân vật địa chủ nghị Quế keo kiệt, thô lỗ; Ngô Tất Tố đã miêu tả khá tỉ mỉ gia cảnh, rồi 
kể  đến những hành động và ngôn ngữ  của hắn trong Tắt đèn. Nhưng đối với Bá Kiến, 
nhà văn Nam Cao không hề  tả  diện mạo, chỉ nói đến tiếng quát “rất sang” và “cái cười  
Tào Tháo” mà y vẫn tự  phụ hơn đời.  Chỉ  đơn sơ  vài chi tiết nhưng ông đã  tạo cho Bá 
Kiến một bề  ngoài khá độc đáo, khiến người đọc khó quên. Tuy vậy, nhân vật này trở 
thành sống động cơ bản còn do tài miêu tả nội tâm sắc sảo, chân thật của tác giả.
Nam Cao để  cho Bá Kiến xuất hiện lần đầu tiên trước độc giả  đúng lúc Chí Phèo say 
rượu, đến cổng nhà hắn rạch mặt, kêu làng ăn vạ. Cảnh tượng thật huyên náo, hỗn loạn.  
Vừa thấy Chí Phèo “nằm dài, không nhúc nhích rên khẽ như gần chết”, “thoáng nhìn qua",  
lão “đã hiểu cơ sự”; lão nhanh chóng tìm ra được kế sách thích hợp nhất để ứng phó. Với  
sự từng trải, lão biết rõ tác hại của đám đông này. Bố con lão  thêm mất mặt, nếu để dân  
làng chứng kiến hành động thô tục của Chí Phèo. Lão cũng thừa biết tâm lý của thằng  
“đầu bò”, đám đông kia chính là hậu thuẫn kích thích để nó hung hăng hơn. Và, cũng cần  
phải có ít nhiều thời gian để  Chí Phèo giã rượu, đỡ  táo tợn. Vả  lại, trước đám đông 
người, Bá Kiến khó có thể diễn thành công mánh khóe, mua chuộc, dụ dỗ. Muốn dụ dỗ, 
ắt phải nhún nhường. Đường đường là một cụ Bá hét ra lửa, mà để  đám dân đen chứng 
kiến cảnh phải ngọt nhạt với một thằng cùng đinh thì còn ra thể thống gì? Bởi vậy, việc 
đầu tiên, Bá Kiến tìm cách giải tán đám đông. Trước hết, lão “quát mấy bà vợ”, và đuổi 
họ  vào nhà. Chắc những người “tuôn đến xem” nghe tiếng quát “rất sang” này đủ  hiểu:  
cụ  Bá muôn đuổi khéo mình. Tiếp theo “quay sang bọn người làng”, Bá Kiến dịu giọng  
hơn một chút “cả  các ông các bà nữa, về  đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại thế  này?”. Đến  
đây, tất nhiên, “không ai nói gì, người ta lảng dần di”. Cho dù vừa tò mò, vừa hả  hê,  
nhưng họ vẫn nể, vẫn sợ cụ Bá. Vả lại, ngay vợ của cụ cũng phải giở giọng đường mật, 
gọi đầy tớ  cũ của mình, nay như  đã biến thành con vật gớm ghiếc bằng “anh”, vồn vã  
mời Chí Phèo “vào nhà uống nước”. Chưa đủ, cụ “tiên chỉ làng Vũ Đại”, “khét tiếng trong  
hàng huyện”, còn nhận có họ hàng với anh cùng đinh này “rồi giết gà mua rượu cho hắn  
uống, xong lại đãi thêm đồng bạc để  về  uống thuốc..”. Chỉ  cần Chí Phèo ngồi lên, Bá 



Kiến biết là đã thắng. Tuy vậy, cụ  vẫn quát mắng lí Cường, sau khi đã “đưa mắt nháy 
con một cái”.
Với cách cư xử của lão, chứng tỏ  bá Kiến đã đi guốc vào bụng dạ  Chí Phèo lúc này: ưa  
phỉnh nịnh, ham cái lợi trước mắt… Rốt cuộc, Bá Kiến “khôn róc đời” đã đạt được cả hai 
mục đích: vừa tạm dập tắt ngọn lửa hờn căm trong con người Chí Phèo, vừa chuẩn bị 
biến Chí Phèo thành tay sai lợi hại. Trong mọi  tình huống tên cường hào này đều hiện rõ 
cái bản chất xảo quyệt lọc lõi , nó được thể  hiện một cách rất sinh động. Già đời đục  
khoét, đè đầu cưỡi cổ  nông dân, cụ  Bá đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm phong phú, 
trong “cái nghề  làm việc quan”. Phải biết “thế  nào là mềm nắn rắn buông”. Hãy ngấm  
ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi lại dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập  
ghế đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì vứt trả lại năm hào, “vi thương anh túng 
quá!”. Cụ có không ít thủ đoạn thâm hiểm “trị không được thì cụ dùng”. “Cụ nghĩ bụng:  
cũng phải có những thằng đầu bò chứ? Không có những thằng đầu bò. thì lấy ai trị những  
thằng đầu bò?”. Cái nham hiểm ghê tởm của nhân vật này là  ở  chỗ  tìm cách cho lũ đàn  
em, hoặc đám dân làng “sinh chuyện”­ tức là đốt phá, chém giết lẫn nhau, để lão “có dịp 
mà ăn!”
Bá Kiến đã vận dụng triệt để những kinh nghiệm đó để  biến Chí Phèo – một thanh niên 
chất phác, tự  trọng và khỏe mạnh thành “con quỷ  dữ  làng Vũ Đại”, sẵn sàng theo lệnh  
hắn để  đi đâm chém, rồi phải kết liễu cuộc đời mình một cách thảm khốc. Rõ ràng, bi 
kịch của Chí Phèo đã góp phần quan trọng hoàn thiện chân dung gian hùng của Bá Kiến.
Bên cạnh việc khắc họa sinh động sâu sắc bản chất lọc lõi, xảo quyệt. Nhà văn Nam Cao  
đã vạch trần nhân cách bỉ ổi của “tiên chỉ làng Vũ Đại” trong những mối quan hệ kín đáo.  
Và tác giả tài năng là ở chỗ: khi cần đặc tả sự lợi dụng đê tiện và thói dâm ô vô độ  của  
tên cường hào này, ông đã bỏ  qua nhiều chi tiết rất phong phú, rất cụ  thể  và sinh động 
của nguyên mẫu. Lý Bính  ở  làng Đại Hoàng. Ngay cái việc gỡ  gạc của cụ  lý đối với 
người đàn bà vắng chồng và có tiền, lẫn máu ghen tuông của hắn cũng chỉ được lướt qua.  
Tác giả  để  có mấy dòng tả  ý nghĩ cụ  Bá về  người vợ  trẻ  và đẹp… nhưng vẫn đủ  sức  
khắc sâu trong người đọc một nhân cách bỉ ổi và thảm hại.

Như  vậy, Bá Kiến vừa mang bản chất chung của giai cấp địa chủ  cường hào, vừa có  


những nét riêng biệt sinh động không giống bất kì một tên địa chủ  nào trong văn học. 
Điều đó giải thích vì sao hắn luôn được chúng ta nhắc đến, khi cần ám chỉ  một kẻ  có 
quyền lực, gian hùng và nham hiểm.
Bằng nhân vật Bá Kiến, nhà văn Nam Cao đã ghi nhận những thành công mới mẻ  trong  
việc xây dựng nhân vật. Điều này chứng tỏ sự tiến bộ đáng kể của ông nói riêng, phương 
pháp sáng tác hiện thực ở giai đoạn 1939 – 1945 nói chung.
 



×