ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI
HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
==================
HOÀNG DIỆU LINH
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI VÀ VIỆC THỰC HIỆN
SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Chủ nghĩa xã hội khoa học
Hà Nội - 2014
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
==================
HOÀNG DIỆU LINH
CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI VÀ VIỆC THỰC HIỆN
SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Chủ nghĩa xã hội khoa học
Mã số: 60 22 03 08
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Phạm Ngọc Thanh
Hà Nội - 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả
nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ
công trình nào khác.
Tôi xin cam đoan rằng các thông tin trích dẫn trong luận văn đã được chỉ
rõ nguồn gốc.
Trong quá trình thực hiện luận văn không thể tránh khỏi còn những thiếu
sót rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến đa chiều để luận văn có thể phát
triển các hướng nghiên cứu tiếp theo trong thời gian tới.
Tác giả luận văn
Hoàng Diệu Linh
LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình thực hiện luận văn tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm,
giúp đỡ và động viên của quý thầy cô, gia đình và bạn bè.
Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới người hướng dẫn khoa
học cho tôi: PGS.TS Phạm Ngọc Thanh về những ý kiến đóng góp, sự chỉ dẫn tận
tình, đặc biệt nhất là những lời động viên đầy ý nghĩa của Thầy đã giúp tôi thực hiện
tốt luận văn này.
Xin cùng bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các thầy giáo, cô giáo trong khoa
Triết học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội
đã cung cấp cho tôi những tri thức nền tảng quý báu trong suốt quá trình học tập,
nghiên cứu đồng thời đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành luận văn đúng thời
hạn.
Cuối cùng, xin gửi lời cảm ơn chân thành tới gia đình, bạn bè, những người
đã luôn bên cạnh động viên, khích lệ và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và
hoàn thiện luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 12 năm 2014
Tác giả luận văn
Hoàng Diệu Linh
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU............................................................................................................................................ 3
1.Tính cấp thiết của đề tài....................................................................................................... 3
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài.............................................................. 4
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu................................................................................... 9
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.................................................................................... 9
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu.................................................................. 10
6. Đóng góp của luận văn....................................................................................................... 10
7. Cấu trúc của luận văn......................................................................................................... 10
NỘI DUNG...................................................................................................................................... 11
Chương 1: BẢN CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN
HIỆN ĐẠI......................................................................................................................................... 11
1.1. Bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại.................................................................... 11
1.1.1. Nguồn gốc ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại............................................. 11
1.1.2. Đặc điểm và bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại..................................... 18
1.2. Đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản hiện đại.................................................. 21
1.2.1. Hệ thống chính trị...................................................................................................... 21
1.2.2. Nền kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại........................................................ 32
1.2.3. Đặc điểm xã hội của chủ nghĩa tư bản hiện đại............................................... 37
Chương 2: THỰC HIỆN SỨ MỆNH LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN
TRONG ĐIỀU KIỆN CỦA CHỦ NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI........................................ 47
2.1. Lý luận chung về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân................................. 47
2.2. Giai cấp công nhân hiện đại: khái niệm và đặc điểm........................................... 51
2.2.1. Khái niệm giai cấp công nhân hiện đại............................................................... 51
2.2.2. Đặc điểm chủ yếu của giai cấp công nhân hiện đại......................................... 56
2.3. Một số vấn đề của quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại.................................................... 60
2.3.1. Những nhân tố khách quan của quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân......................................................................................................... 60
1
2.3.2. Những nhân tố chủ quan của quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân................................................................................................................. 83
2.3.3. Một số xu hướng chủ yếu của việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai
cấp công nhân trong các nước tư bản phát triển......................................................... 91
KẾT LUẬN..................................................................................................................................... 100
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................. 103
2
MỞ ĐẦU
1.Tính cấp thiết của đề tài
Vào những năm đầu của thế kỷ XXI, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học
công nghệ nhất là công nghệ thông tin, chủ nghĩa tư bản đã mang trong mình những
nội hàm mới khác với những phiên bản trước kia của nó. Chính sự thay đổi nội tại
của nó làm chúng ta buộc phải có những cách nhìn nhận mới về chủ nghĩa tư bản
hiện đại. Mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại giờ đây nhờ cơ chế tự điều
chỉnh đã không quyết liệt đến mức dẫn tới tình thế cách mạng bạo lực như nhận định
của các nhà kinh điển triết học Mác – Lênin trước đây.
Trước tình hình ấy, một số người đã cho rằng, sự dự báo về buổi hoàng hôn của
chủ nghĩa tư bản là quá sớm, những giải thích về sự tiêu vong của nó là sai lầm. Cũng
có người lại coi những biến động của chủ nghĩa xã hội, cũng như những thay đổi của
chủ nghĩa tư bản hiện nay là ngẫu hứng của lịch sử.
Thực ra, nếu tính đến những kinh nghiệm lịch sử và những thực tế đang diễn ra
của thời đại, thì mọi biểu hiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại đều có thể cắt nghĩa.
Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã có nhiều thay đổi, đã phát triển lên một
trình độ mới. Nhưng những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản vẫn tồn tại,
nhưng biểu hiện của mâu thuẫn ấy đã có những hình thức mới. Những vấn đề chính
trị - xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện đại cho thấy những bất ổn tiềm tàng ẩn
chứa bên trong của chính chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Trong lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học, vấn đề giai cấp công nhân và sứ
mệnh lịch sử của nó là vấn đề lý luận cốt lõi. Nghiên cứu những biến đổi trong quan
niệm về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong điều kiện ngày nay là một phần
rất quan trọng của việc phát triển học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội. Chính
những đổi thay đến từ phía chủ nghĩa tư bản đã làm tình hình thế giới có những diễn
biến phức tạp và mới mẻ. Dù muốn hay không, dù trực tiếp hay gián tiếp thì việc chủ
nghĩa tư bản hiện đại với những nét mới trong quá trình phát triển của mình đã tạo ra
những nhân tố mới cho phong trào cách mạng thế giới, cũng như quá trình đấu tranh
của giai cấp công nhân, vì mục tiêu chung của toàn xã hội hiện
3
đại. Thêm vào đó là sự biến đổi của chính giai cấp công nhân hiện đại đã góp phần
tạo ra cả những nhân tố chủ quan, khách quan thúc đẩy sự phát triển của phong trào
công nhân. Tạo ra cho phong trào công nhân những xu hướng đấu tranh mới hướng
tới vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội.
Vậy những đặc điểm chủ yếu nào của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã góp phần tạo
ra những nhân tố khách quan, nhân tố chủ quan và xu hướng vận động của giai cấp
công nhân hiện đại nói riêng và của phong trào công nhân nói chung. Mối liên hệ
giữa chủ nghĩa tư bản hiện đại và sự biến đổi của nó đã tạo ra cho quá trình thực hiện
sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân những biểu hiện mới ra sao. Trên cơ sở
nghiên cứu những vấn đề đó, có thể phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác –
Lênin vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam trong điều kiện ngày nay.
Chính vì những lý do nói trên tôi đã lựa chọn đề tài “Chủ nghĩa tư bản hiện
đại và việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân” để nghiên cứu nhằm
làm rõ hơn một số đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản ngày nay đồng thời từ đó
có những cách nhìn nhận toàn diện hơn về sự thay đổi của giai cấp công nhân và sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trước những biến động của chủ nghĩa tư bản.
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng như vấn đề sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân đã trở thành đối tượng nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học, các nhà hoạch
định nhằm mục tiêu lý giải những biến đổi nội tại của nó và ảnh hướng của điều đó
tới tất cả các quốc gia trên thế giới dù quốc gia đó đang tồn tại dưới hình thái kinh tế
xã hội nào. Đã có một số công trình nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản hiện đại và sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân như:
- Cuốn “ Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0” , Peter Barnes (2007), Nxb Trẻ. Cuốn
sách đề cập đến vấn đề công sản của xã hội hiện đại, đó chính là thiên nhiên, văn hóa,
khoa học, cộng đồng… những thứ thuộc sở hữu của mọi người. Thế nhưng những thứ
đó đang dần bị đánh cắp mà chúng ta không hề hay biết. Qua cuốn sách tác giả nhấn
mạnh rằng: những quyền đương nhiên của con người không chỉ có quyền sống, quyền
tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Con người còn đương nhiên có quyền không bị ô
nhiễm, quyền thưởng thức văn hóa và hưởng các tiến bộ khoa
4
học không giới hạn, quyền được chữa bệnh, quyền được có những nền tảng công
bằng để bước vào đời. Không những thế tác giả còn vạch ra những quyền đương
nhiên có mà các thế hệ tương lai dù hiện chưa có mặt vẫn có quyền đòi hỏi chúng ta
phải đảm bảo cho họ: quyền được nhận từ chúng ta một môi trường sống đầy đủ và
nguyên vẹn như khi chúng ta nhận từ cha ông chúng ta. Tất cả những vấn đề này sẽ
được giải quyết theo đúng quy luật thị trường trong hệ điều hành kinh tế nâng cấp của
Chủ nghĩa tư bản 3.0 do tác giả đề xuất.
- Cuốn “ Chủ nghĩa tư bản những điều chỉnh mới”, Nguyễn Thị Quy (chủ biên)
(2000), Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia – Viện Thông tin Khoa học
xã hội. Cuốn sách là sự tập hợp các bài viết của các tác giả Việt Nam và nước ngoài
được dịch sang tiếng Việt như: Chủ nghĩa tư bản hiện đại những tìm kiếm mới (Minh
Hiền), Hệ thống thế giới mới (Michel Albert), Các thị trường tài chính và tinh thần
của chủ nghĩa tư bản (Nicolas Baverez), Cuộc suy thoái châu Á: Một cuộc khủng
hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu (Nick Beam), Hệ thống tư bản chủ nghĩa thế
giới – củng cố hạt nhân và trở về với bạo lực (G.K. Shirokov, A.I.Salicki),…
- Cuốn “Chủ nghĩa tư bản đương đại mâu thuẫn và vấn đề”, PGS. TS. Nguyễn
Khắc Thân (1996), Nxb Chính trị quốc gia. Cuốn sách phân tích ngắn gọn, có cơ sở
khoa học, cung cấp nhiều tài liệu phong phú về chủ nghĩa tư bản hiện đại. Vận dụng
chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết hình thái kinh tế xã hội, tác giả đã làm sáng
tỏ: chủ nghĩa tư bản ngày nay được duy trì và tồn tại nhờ sử dụng những thành tựu
của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đang gia sức điều chỉnh các quan hệ xã hội
và quan hệ sản xuất trong phạm vi chế độ tư bản chủ nghĩa. Mặc dù vậy bản chất bóc
lột giá trị thặng dư, lao động không được trả công của công nhân và các hình thức
bóc lột có tính chất thực dân trong quan hệ kinh tế quốc tế là không thay đổi. Sự vận
động của những mâu thuẫn và những giới hạn vốn có trong bản thân chế độ tư bản
nhất định đi đến sự thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa
cộng sản.
- Cuốn “Chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XXI”, Đồng chủ biên: PGS.TS. Đỗ Lộc
Diệp, TS. Đào Duy Quát, PGS.TS. Lê Văn Sang (2003), Nxb Khoa học xã hội.
5
Cuốn sách gồm 3 phần, 8 chương. Phần một gồm 3 chương xem xét những mâu
thuẫn và sự thích ứng nội tại của chủ nghĩa tư bản trong phạm vi quốc gia cùng với
sự phát triển lực lượng sản xuất quốc tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Phần hai gồm
4 chương xem xét những mâu thuẫn và sự điều chỉnh các quan hệ quốc tế của chủ
nghĩa tư bản hiện đại. Phần 3 gồm 1 chương xem xét địa vị lịch sử của chủ nghĩa tư
bản hiện đại thông qua nghiên cứu khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng chung của
chủ nghĩa tư bản hiện đại.
- Cuốn “Thế giới thời hậu chiến tranh lạnh”, của tác giả Nguyễn Trường do Nhà
xuất bản Tri thức ấn hành năm 2010. Nội dung tác phẩm được chia thành năm phần:
Phần 1: Hoa Kỳ và thế giới. Đề cập tới vai trò và ảnh hưởng của Hoa Kỳ tới các nước
trên thế giới kể từ sau khi Liên Xô tan rã. Phần 2: Trung Quốc siêu cường đang lên.
Phần 3: đề cập tới khu vực Nam Á, Trung Đông và Mỹ La tinh. Phần 4: Nói về cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu. Phần 5: đề cập tới vấn đề chính trị năng lượng, về vai
trò của nguồn năng lượng đối với kinh tế và chính trị của thế giới trong giai đoạn hiện
nay.
- Cuốn “Giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển từ sau chiến tranh lạnh
đến nay thực trạng và triển vọng” của hai tác giả Nguyễn Thị Quế và Nguyễn Hoàng
Giáp. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Hà Nội ấn hành năm 2010. Cuốn sách tập
trung phân tích những biến động của giai cấp công nhân ở các nước tư bản phát triển
thuộc G7, Bắc Âu và Nam Âu về cơ cấu, số lượng, chất lượng; sự thay đổi về mục
tiêu, nội dung, phương pháp đấu tranh của giai cấp công nhân các nước tư bản phát
triển trên thế giới trong giai đoạn từ sau chiến tranh lạnh đến nay. Bên cạnh đó đề
xuất một số kiến nghị về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và tăng cường mối
quan hệ giữa Đảng cộng sản và giai cấp công nhân Việt Nam với các đảng cộng sản
và công nhân ở các nước tư bản phát triển.
- Cuốn “ Những chặng đường lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức
công đoàn Việt Nam: 1929 - 2011” do NXB Lao động xuất bản và phát hành nhân
hướng tới ngày truyền thống công đoàn Việt Nam 28/7/1929 – 28/7/2011. Cuốn sách
gồm có 6 phần. Phần 1 bàn đến vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân
và công đoàn Việt Nam. Phần 2 nói về quá trình hình thành và phát
6
triển của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam. Phần 3 chỉ ra mười mốc
son lịch sử của công đoàn Việt Nam. Phần 4 xem xét nội dung đại hội X công đoàn
Việt Nam và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của công đoàn nhiệm kỳ 2008-2013.
Phần 5 bàn tới việc đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác giữa công đoàn Việt Nam với công
đoàn các nước. Phần 6 xem xét các quy định mới nhất về Pháp luật lao động và Công
đoàn.
- Cuốn “ Đảng lãnh đạo xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn hiện nay”
. Nguyễn Văn Giang (chủ biên), (2009), NXB Chính trị quốc gia Hà Nội. Làm rõ cơ
sở lý luận của vấn đề Đảng cộng sản Việt nam lãnh đạo xây dựng giai cấp công nhân
Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đánh giá thực trạng Đảng lãnh đạo giai cấp công
nhân và rút ra nguyên nhân kinh nghiệm đồng thời đề xuất một số giải pháp chủ yếu
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam giai
đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều công trình nghiên cứu là luận văn thạc sĩ, luận án
tiến sĩ, các bài báo trên các tạp chí như:
- Luận văn thạc sĩ triết học : “Vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong
công cuộc đổi mới đất nước” , Nguyễn Thị Thanh Hương (2009), Đại học Khoa học
xã hội và nhân văn – Đại học quốc gia Hà Nội. Luận văn trình bày tình hình chung về
giai cấp công nhân Việt Nam và quan niệm về vai trò của giai cấp này trong công
cuộc đổi mới của đất nước. Nghiên cứu thực trạng vai trò của giai cấp công nhân Việt
Nam trong công cuộc đổi mới của đất nước, đánh giá những thành tựu đạt được,
những hạn chế còn tồn tại của thực trạng trên. Đề xuất một số nhóm giải pháp về
nhận thức đối với giai cấp công nhân và vai trò của nó trong công cuộc đổi mới của
đất nước; đào tạo nghề và giáo dục ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong công
cuộc đổi mới đất nước; cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giai cấp
công nhân trong công cuộc đổi mới đất nước; tổ chức của giai cấp công nhân trong
công cuộc đổi mới…, nhằm tiếp tục phát huy vai trò của giai cấp công nhân Việt
Nam trong công cuộc đổi mới đất nước.
- “Phê phán sự phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân”, Nguyễn
Quốc Phẩm, (2008) Tạp chí lịch sử Đảng, số 1, trang 45-52. Đưa ra vấn đề sứ mệnh
7
lịch sử của giai cấp công nhân theo chủ nghĩa Mác-Lênin là quyết định sự thành công
của Chủ nghĩa xã hội trong cuộc cải biến cách mạng. Từ sau khi hệ thống các nước
Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, nhiều quan điểm xuyên tạc, phủ định sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân xuất hiện. Phân tích những quan điểm phê phán luận điểm của
Mác-Lênin: quan điểm của Toffler, phương Tây…
- “ Xây dựng phát triển toàn diện giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đổi
mới”, Nguyễn Hòa Bình, (2007), Tạp chí cộng sản, số 778, trang 46-49. Trình bày về
vấn đề Đảng luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của giai cấp công nhân trong cuộc
đấu tranh dành chính quyền và trong công cuộc đổi mới hiện nay. Một số đường lối,
chủ trương của Đảng nhằm xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân
- “Tư duy mới về giai cấp công nhân và Đảng cộng sản”, Quang Cận, Tạp chí
cộng sản, số 778 (2007), trang 40-45. Bài viết phân tích bản chất, khả năng và yêu
cầu của giai cấp công nhân hiện đại; đồng thời khẳng định tính trí tuệ, tính hiện đại
của chính đảng giai cấp công nhân. Cơ sở chính trị - xã hội của Đảng cộng sản phải là
giai cấp công nhân trong quá trình phát triển từ văn minh công nghiệp sang văn minh
trí tuệ; Tư duy mới về giai cấp công nhân phải gắn liền với tư duy mới về chủ nghĩa
xã hội hiện đại. Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng mang bản chất của giai cấp công
nhân Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam
- “Chủ nghĩa tư bản trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Nguyễn Hoàng Giáp, Tạp chí
cộng sản, số 810 (2010), trang 101-105. Bài viết đề cập tới những diễn biến của chủ
nghĩa tư bản trong bối cảnh toàn cầu hóa. Chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn
độc quyền, vẫn diễn ra các cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ và mối quan hệ với các
nước đang phát triển
- “Một số điểm khác nhau về khủng hoảng kinh tế chu kỳ của chủ nghĩa tư bản cổ
điển và chủ nghĩa tư bản hiện đại”, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Thùy Chi, Tạp chí Lý
luận chính trị và truyền thông, số 3 (2009), trang 59-61. Bài báo chỉ ra: Nghiên cứu chủ
nghĩa tư bản Các Mác cho rằng: nguyên nhân khủng hoảng chu kì của chủ nghĩa tư bản là
do mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa sản xuất với hình thức thức chiếm hữu tư bản tư
nhân về tư liệu sản xuất. Sự khác nhau cơ bản về chu kỳ khủng hoảng kinh tế của chủ
nghĩa tư bản cổ điển và chủ nghĩa tư bản hiện đại: Khoảng cách
8
giữa các chu kỳ ngắn dần, ranh giới cũng mờ dần...Có 2 thời kỳ nói chung tư bản tài
chính vừa là nguồn gốc vừa là động lực chủ yếu để thoát ra khỏi khủng hoảng.
Và còn khá nhiều những bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước trong thời
gian gần đây khi tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động xung quanh chủ nghĩa
tư bản hiện đại và việc quay trở lại với học thuyết Mác – Lênin như việc tìm tới một
liều thuốc cho căn bệnh khủng hoảng trầm kha của chủ nghĩa tư bản. Nhìn chung các
công trình nghiên cứu kể trên đã nêu lên được những vấn đề mới của cả chủ nghĩa tư
bản hiện đại cũng như vấn đề sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong thời đại
mới. Tuy nhiên, những công trình đó hoặc chưa có hoặc có nhưng còn ít đề cập tới
những thay đổi của chủ nghĩa tư bản hiện đại đã làm việc thực hiện sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân có những biểu hiện mới như thế nào.
Vì vậy, trên cơ sở kế thừa những thành tựu đã nghiên cứu, luận văn hướng tới
làm rõ hơn các vấn đề kinh tế, chính trị xã hội cơ bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại
đã có những biến đổi làm thay đổi giai cấp công nhân cũng như việc thực hiện sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân như thế nào, để từ đó khẳng định tính đúng đắn
và sáng tạo của học thuyết Mác – Lênin.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở làm rõ bản chất và đặc điểm của Chủ nghĩa tư bản hiện đại, luận văn
tập trung làm rõ những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử
của giai cấp công nhân trong các nước tư bản phát triển
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Làm rõ bản chất và đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
- Làm rõ đặc điểm của giai cấp công nhân hiện đại và việc thực hiện sứ mệnh
lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản hiện đại
ở các nước tư bản phát triển.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Chủ nghĩa tư bản hiện đại và việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân.
9
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ luận văn cao học chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học,
tác giả tập trung làm rõ những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại có ảnh hưởng
đến quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Đồng thời tác giả tập
trung làm rõ một số nhân tố tác động đến quá trình này và xu hướng của quá trình ấy.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử. Quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh,
quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội, sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là cơ sở phương pháp luận của luận văn.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp logic
– lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn góp phần làm rõ thêm những điểm chính yếu về đặc điểm và bản chất
của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nêu lên sự ảnh hưởng của những vấn đề này tới việc
thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong các nhà trường, và
các tổ chức quan tâm đến vấn đề nghiên cứu trong luận văn.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn
gồm 2 chương 5 tiết.
10
NỘI DUNG
Chương 1: BẢN CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA CHỦ
NGHĨA TƯ BẢN HIỆN ĐẠI
1.1. Bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại
1.1.1. Nguồn gốc ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại
Với tư cách cuộc cách mạng tư sản thứ hai trên thế giới sau cách mạng tư sản
Hà Lan, cách mạng tư sản Anh (năm 1640) được coi là mốc đánh dấu sự ra đời của
chủ nghĩa tư bản với tư cách một phương thức sản xuất xã hội mới ưu việt hơn, thay
thế cho phương thức sản xuất phong kiến như một tất yếu trong tiến trình lịch sử của
xã hội loài người. Nhìn lại tiến trình của lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng mỗi một
hình thái kinh tế - xã hội đều tồn tại hàng trăm năm thậm chí là hàng nghìn năm, chủ
nghĩa tư bản tồn tại đến nay mới được gần 500 năm nếu chúng ta lấy điểm xuất phát
của nó là giai đoạn công trường thủ công vào nửa cuối thế kỷ XVI, như vậy chưa
phải đã quá lâu. Nhìn nhận dưới góc độ đó chúng ta sẽ thấy được rằng ngay trong bản
thân sự phát triển không ngừng của chủ nghĩa tư bản thì nó lại ngày càng phải đối
diện với những mâu thuẫn mới phát sinh. Để từ chính những mâu thuẫn đó làm chủ
nghĩa tư bản không thể nào cứ chạy mãi trên một con đường mà buộc nó phải rẽ sang
con đường khác với những nấc thang mới cao hơn. Nhưng không có cái gì có thể phát
triển mãi, chủ nghĩa tư bản cũng vậy, đến một lúc nào đó nếu muốn điều hòa mâu
thuẫn để đi đến giải quyết mâu thuẫn sẽ vô tình từ bỏ bản chất của chính mình. Lúc
đó nó đã trở thành một sự vật mới, một hình thái kinh tế xã hội mới mà bản thân nó
dù muốn hay không cũng không thể làm khác được. Đó chính là quy luật tất yếu của
lịch sử.
Chủ nghĩa tư bản khi mới ra đời với tư cách là một phương thức sản xuất ưu
việt hơn so với phương thức sản xuất phong kiến, khi còn nằm trong phạm vi biên
giới của một quốc gia đã cho thấy sức mạnh và sự phát triển đáng kinh ngạc của nó.
Với sự thúc đẩy của động lực lợi nhuận, hàng loạt các phát kiến khoa học đã được áp
dụng rất mau chóng vào thực tế sản xuất, kinh doanh. “Có thể nói, sự phát triển của
chủ nghĩa tư bản từ lúc sơ khai cho đến giai đoạn chủ nghĩa tư bản hiện đại là
11
cả một quá trình phủ định đầy biện chứng. Khởi đầu với tuổi thanh xuân đầy sung sức
và hung hăng muốn đổi cả dòng lịch sử (giai đoạn chủ nghĩa đế quốc), rồi trả giá với
một giai đoạn lâm bệnh tưởng chừng khó qua khỏi (cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 –
1933, sự đe dọa của chủ nghĩa phát xít, sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa kiểu cũ và
hàng loạt những khủng hoảng chu kỳ các thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ hai),
chủ nghĩa tư bản vẫn duy trì được sự tồn tại, có nhiều khía cạnh phát triển với những
kết quả thực tế không thể phủ nhận.”[47, tr. 17]
Nhìn lại sự phát triển của chủ nghĩa tư bản chúng ta có thể thấy được rằng: chủ
nghĩa tư bản mỗi giai đoạn phát triển của nó đều gặp phải một trở ngại cản đường
buộc nó phải có những điều chỉnh thích hợp để tiến lên một trình độ cao hơn, để có
thể vượt qua bức tường cản trở và những khó khăn nó gặp phải. Tuy nhiên, mỗi lần
điều chỉnh thì lại làm xuất hiện những mâu thuẫn mới và tới một thời điểm nhất định
chắc chắn rằng sự điều chỉnh ấy không thể nào tiếp tục diễn ra và kết quả tất yếu là
nó phải bị thay thế bằng một cái mới tiến bộ hơn.
Hiện thực lịch sử cho thấy, chính vào những thời điểm hiểm nghèo nhất trong sự
tồn tại và vận động của chủ nghĩa tư bản, thì dường như cũng là lúc đánh dấu một
bước ngoặt mới trong sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Có thể nhận thấy
điều đó ở chính giai đoạn gần đây của chủ nghĩa tư bản.
Ngay từ cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX hàng loạt các
công nghệ có tính chất đột phá đã xuất hiện như công nghệ số, công nghệ cáp quang,
công nghệ lade, công nghệ di truyền, công nghệ sinh học,…dẫn tới sự ra đời của hàng
loạt ngành công nghiệp mũi nhọn như: máy tính, thiết bị viễn thông, máy bay dân
dụng, vật liệu mới, công nghệ gen, vi sinh học,… và đặc biệt là sự bùng nổ thông tin
toàn cầu. Những thành tựu đó đã dẫn tới những thay đổi lớn lao trong bức tranh kinh
tế toàn cầu, đặc biệt là quá trình chuyên môn hóa và phân công lao động. Chúng ta đã
có thể thấy ngay trong giai đoạn “bình minh của thế kỷ XXI” hiếm có một sản phẩm
công nghệ cao nào được sản xuất ra chỉ thuần túy trong một hãng, thậm chí trong một
quốc gia. Không có gì khó hiểu khi mua về một chiếc máy tính hiệu Compaq nhưng
khi mở ra thì bên trong lại thấy màn hình được sản xuất tại Trung Quốc, đĩa cứng tại
Singapo với bộ vi xử lý của Intel…
12
Sự thay đổi còn trở nên rộng lớn và kỳ diệu hơn ở trong lĩnh vực thương mại và
tài chính. Nhờ sự kết nối của các mạng thanh toán toàn cầu giữa các thị trường mà
tổng lượng tư bản quốc tế hợp thành một khối khổng lồ lúc nào cũng chuyển động
vòng quanh toàn hành tinh. Tư bản vượt qua biên giới quốc gia, đại dương, sa mạc
chỉ trong vài phần nghìn của giây. Nó đầu tư cùng lúc vào tất cả các thị trường trên
hành tinh, không ngừng lại và cũng không nghỉ ngơi tạo nên một nền kinh tế toàn
cầu.
Tất cả những thay đổi chóng mặt ấy của chủ nghĩa tư bản đã đánh dấu một bước
chuyển sang giai đoạn mới của chính nó đó là giai đoạn của chủ nghĩa tư bản hiện
đại. Tuy nhiên, cách nhìn nhận cũng như đánh giá về giai đoạn mới này của chủ
nghĩa tư bản ở nhiều phương diện cơ bản chưa phải là sự thống nhất cao ngay trong
giới nghiên cứu lý luận mác xít. Vì vậy, việc đưa ra khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện
đại cũng có nhiều sự tiếp cận với những bình diện khác nhau và đều có cơ sở nhất
định. Trong khuôn khổ của luận văn này tôi cũng xin đưa ra một cách tiếp cận trong
số rất nhiều cách tiếp cận khác nhau về chủ nghĩa tư bản hiện đại nhằm nói lên được
phần nào nguồn cơn và bản chất của cái gọi là: Chủ nghĩa tư bản hiện đại trong bối
cảnh ngày nay.
Có thể tiếp cận với chủ nghĩa tư bản hiện đại từ cách tiếp cận phân kỳ của chủ
nghĩa tư bản nói chung trên chặng đường phát triển của nó kể từ khi nó ra đời sau
cách mạng tư sản Anh năm 1640 với các giai đoạn phát triển đó là: chủ nghĩa tư bản
giai đoạn tự do cạnh tranh, chủ nghĩa tư bản độc quyền, chủ nghĩa tư bản độc quyền
nhà nước - chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa tư bản hiện đại. Mặc dù có những giai
đoạn phát triển khác nhau nhưng ở giai đoạn nào thì chủ nghĩa tư bản cũng quan tâm
tới và được hình thành trên cơ sở các yếu tố bao gồm: vốn, lao động và máy móc.
Ở giai đoạn tự do cạnh tranh: Với học thuyết chi phối là thuyết Bàn tay vô hình
của nhà kinh tế học người Scotland – Adam Smith: Sự phát triển của nền kinh tế tư
bản chủ nghĩa giai đoạn này là theo quy luật của thị trường, phát triển một cách tự
thân theo quy luật của chính nó. Theo Adam Smith thì "Bàn tay vô hình" có nghĩa là:
Trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia muốn tối đa hóa lợi
13
nhuận cho mình. Ai cũng muốn thế cho nên vô hình chung đã thúc đẩy sự phát triển
và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng.
Ông dùng thuật ngữ này mô tả khả năng của cơ chế thị trường trong việc điều
chỉnh cung cầu trên thị trường. Và ví sức mạnh của cơ chế thị trường như bàn tay vô
hình định hướng người bán và người mua, phân bố nguồn lực kinh tế nhằm đạt được
hiệu quả xã hội lớn nhất mà không cần sự can thiệp của chính phủ. Theo quan điểm
của Adam Smith chính phủ chỉ nên giữ chức năng quản lý. Bởi, chính bàn tay vô hình
với tư cách là cơ chế tự cân bằng của thị trường cạnh tranh làm cho phúc lợi cá nhân
và hiệu quả kinh tế đạt tối đa. Trong khi chạy theo lợi ích riêng của mình, con người
phụng sự xã hội nhiều hơn anh ta chủ trương làm điều đó. Có nghĩa rằng khi lợi ích
của bản thân nhà tư bản được thỏa mãn thì đồng nghĩa với lợi ích của xã hội cũng
được tăng lên dù nhà tư bản có muốn hay không vì đó là quy luật.
Tư tưởng của Adam Smith thích hợp với chủ nghĩa tư bản trong một thời kì dài
- thời kì tự do cạnh tranh. Nhưng về sau này, khi vấp phải những cuộc khủng hoảng
kinh tế sâu sắc thì những nhà kinh tế học khác lại kêu gọi đến bàn tay hữu hình của
Nhà nước để điều chỉnh kinh tế.
Ở giai đoạn chủ nghĩa đế quốc: khi mà thuyết “Bàn tay vô hình” vấp phải
những trở ngại mới do nền kinh tế trong giai đoạn mới đặt ra, đó là sản xuất phát triển
quá mạnh mẽ, đòi hỏi không chỉ sử dụng lực lượng trong khuôn khổ một quốc gia mà
yêu cầu sự kết hợp của một hệ thống trên toàn thế giới, vượt ra khỏi khuôn khổ quốc
gia. Từ yêu cầu đó nền kinh tế thế giới đã tạo ra một hệ thống thuế quan chung, các
quốc gia tiến hành quá trình xuất khẩu tư bản và khai thác thuộc địa trên toàn thế
giới. Dần dần nhà nước can thiệp ngày một sâu sắc vào nền kinh tế đồng thời cấu kết
với tập đoàn tài chính công nghiệp tạo ra thị trường siêu quốc gia. Không những thế
để tiến hành xâm lược thuộc địa thì đã có sự kết hợp của các lực lượng quân sự tạo
thành tổ hợp: nhà nước - quân sự - tập đoàn tài chính. Từ đây tạo ra sự độc quyền,
lũng đoạn, tự đặt giá cả cho thị trường. Từ thuyết “bàn tay vô hình” chủ nghĩa tư bản
đã đổi khác với diện mạo mới mà nguồn cơn chính từ “bàn tay hữu hình” là nhà
nước. Trong giai đoạn này chứng kiến hai cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất và lần
thứ hai làm chúng ta càng thấy rõ hơn chính trị là sự nối dài
14
của kinh tế, chiến tranh chẳng qua là để mở rộng thị trường kinh tế. Nhưng tới chừng
mực nào đó chính trị sẽ quay trở lại chi phối kinh tế. Giai đoạn chủ nghĩa đế quốc tất
nhiên sẽ dẫn tới những hậu quả về chính trị. Minh chứng là khi chiến tranh thế giới
lần thứ nhất kết thúc đã làm xuất hiện một nước xã hội chủ nghĩa, điều này chủ nghĩa
tư bản cũng không lường trước được. Quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản tạo ra
những mâu thuẫn, những chỗ yếu của dây chuyền chủ nghĩa tư bản. Chiến tranh thế
giới lần thứ hai nhằm lật đổ chủ nghĩa xã hội, lập lại trật tự thế giới mới nhưng lại
thất bại khi chứng kiến sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, tạo nên
một thách đố lớn nhất với chủ nghĩa tư bản trong lịch sử phát triển của nó.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 chủ nghĩa tư bản rơi vào khủng
hoảng thừa tạo nên nguy cơ chủ nghĩa tư bản lâm vào đại khủng hoảng mà theo
Keynes tác giả của lý thuyết “Bàn tay hữu hình” thì nếu nhà nước không can thiệp
vào nền kinh tế thì chủ nghĩa tư bản sẽ có nguy cơ diệt vong. Lý thuyết này đã tác
động lớn tới sự thay đổi của chủ nghĩa tư bản. Nhà nước đã cân bằng nhu cầu xã hội
và đưa ra kế hoạch vĩ mô cho hoạt động của thị trường, điều tiết được thị trường ở
tầm vĩ mô. Nhưng khi nhà nước can thiệp quá mức vào nền kinh tế và chiếm một
phần tài sản kinh tế để trở thành một ông chủ kinh tế với quyền lực to lớn điều tiết giá
cả, điều tiết quy luật phát triển của thị trường chứ không đơn thuần là một cơ quan
thuần túy chính trị nữa thì tất yếu thị trường sẽ không thể phát triển một cách bình
thường được. Sự can thiệp quá sâu của nhà nước một lần nữa làm chủ nghĩa tư bản
phải tự tìm cách thoát ra khỏi sự can thiệp ấy để tìm đến sự hài hòa giữa nhà nước và
thị trường.
Tiếp sau đó tới cuộc khủng hoảng 1972 – 1973, đó là cuộc khủng hoảng về khai
thác tài nguyên thiên nhiên không hợp lý, gần như lặp lại giai đoạn trước mà đòi hỏi
chủ nghĩa tư bản nếu không vượt qua nó sẽ đứng rất gần bên bờ diệt vong. Cuộc
khủng hoảng này tiếp tục làm thay đổi rất nhiều nét ở nền kinh tế của chủ nghĩa tư
bản.
Sau năm 1973 bắt đầu xuất hiện những xung lực mới của thế giới mà đặc biệt là
cách mạng khoa học công nghệ - cứu cánh cho chủ nghĩa tư bản thoát ra khỏi ngõ
cụt. Trên bình diện phát triển người ta hy vọng một nền kinh tế dựa trên những
15
ngành công nghiệp sản xuất ra hàng hóa có hàm lượng chất xám cao sẽ cho phép
tránh được những nguy cơ lại xuất hiện những cuộc khủng hoảng mới của chủ nghĩa
tư bản. Và người ta cũng hy vọng từ sự chuyển biến đó sẽ làm xuất hiện một hình thái
kinh tế mới đó là chủ nghĩa tư bản hiện đại. Hình thái kinh tế này sẽ giải quyết được
một cách cơ bản những thách thức mà mô hình chủ nghĩa tư bản cổ điển không có
khả năng vượt qua. Tuy nhiên, liệu sự ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại có thực sự
giải quyết được triệt để những vấn đề muôn thuở của chủ nghĩa tư bản hay không thì
sự thật lịch sử cho tới nay đã phần nào thể hiện được. Sự thật, sự ra đời của nền kinh
tế chất xám không làm thay đổi bản chất lợi nhuận của nền kinh tế tư bản. Chỉ có
phương cách dành lợi nhuận là thay đổi. Lợi nhuận từ chỗ được sinh ra trực tiếp từ
đầu tư tư bản nay nó được sinh ra gián tiếp qua đầu tư chất xám. Và tất nhiên, một khi
lợi nhuận vẫn là động cơ thúc đẩy và mục đích quyết định của quá trình sản xuất thì
cho dù là hiện đại, “chất tư bản” trong chủ nghĩa tư bản vẫn không hề phai nhạt. Điều
này sẽ tiếp tục được bàn tới ở phần sau khi đề cập tới bản chất của chủ nghĩa tư bản
hiện đại.
Xét tới cùng thì chính chặng đường phát triển của lực lượng sản xuất đã làm
thay đổi các hoạt động của con người trong từng phiên bản của chủ nghĩa tư bản từ
khi mới ra đời cho tới giai đoạn hiện nay. Với sự ra đời của máy hơi nước năm 1776
gắn hoạt động của con người với cơ khí hóa, tới năm 1881 với sự ra đời của nhà máy
điện con người bước vào giai đoạn điện khí hóa và tới những năm 80 của thế kỷ XX
với sự phát triển như vũ báo của công nghệ thông tin, của internet con người đã bước
vào thế giới tự động hóa. Chặng đường phát triển của lực lượng sản xuất làm thay đổi
hoạt động của con người và tự động hóa đã làm thay đổi rất lớn phương thức hoạt
động của nhân loại với khả năng to lớn để thay đổi cho phương thức sản xuất đại
công nghiệp dựa trên nền kinh tế tri thức.
Như vậy: Chủ nghĩa tư bản hiện đại là một giai đoạn phát triển cao của chủ
nghĩa tư bản. Nó ra đời gắn liền với sự chuyển biến từ xã hội công nghiệp sang xã
hội hậu công nghiệp, gắn liền với kinh tế tri thức, “thế giới phẳng”, cách mạng khoa
học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Nhà nước buộc phải chuyển từ thống trị
xã hội sang phục vụ xã hội nhiều hơn.
16
Có thể thấy rằng, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với sự sụp đổ của
Liên Xô và Đông Âu, những thành tựu của cuộc cách mạng tin học đã thúc đẩy sâu
rộng xu thế toàn cầu hóa. Với nền kinh tế chất xám đã được định hình ở một số nước
công nghiệp phát triển đã đặt chủ nghĩa tư bản vào xu hướng chung là toàn cầu hóa
kinh tế thế giới trong bối cảnh của nền kinh tế tri thức, điều này đã tạo ra một hiện
thực lịch sử mới cho chủ nghĩa tư bản. Xét với tư cách một giai đoạn phát triển kế
tiếp của chủ nghĩa tư bản thì chủ nghĩa tư bản hiện đại là sự ra đời trên thực tế của
một nền kinh tế chất xám sau khi nền kinh tế hàng hóa thế hệ hai bị thay thế dần dần,
triệt để và toàn diện bởi nền kinh tế hàng hóa thế hệ ba. Tuy nhiên, với tư cách một hệ
thống đương đại phổ biến, khái niệm chủ nghĩa tư bản hiện đại lại hàm
ý đó là một hệ thống trong đó đồng thời tồn tại cả ba thế hệ hàng hóa cùng xoay
quanh trục lợi nhuận và trong một môi trường duy nhất – thị trường toàn cầu. Sự tồn
tại đồng thời này không khó để giải thích. Các nước tư bản phát triển không muốn từ
bỏ ngay nền công nghiệp của thế hệ thứ hai bởi nó vẫn tồn tại như một trụ cột thực tế
đang chống đỡ cho toàn bộ nền kinh tế tư bản, vì lúc này chiếc cột mới là nền công
nghiệp dịch vụ thế hệ thứ ba vẫn trong giai đoạn xây dựng chưa hoàn công. Hơn nữa,
mục đích của chủ nghĩa tư bản là sự tìm kiếm lợi nhuận, do đó khi lợi nhuận vẫn
được sinh ra từ tổ hợp phức hợp của nền kinh tế ba thế hệ, thì lẽ dĩ nhiên chủ nghĩa tư
bản không thể loại bỏ bất kỳ một cái nào khi nó vẫn còn giá trị tạo lợi nhuận.
Chính những điều đó đã làm cho chủ nghĩa tư bản hiện đại có những đặc trưng
mới khác so với các phiên bản cổ điển của nó. Tiêu biểu là việc bước vào thời kỳ tự
động hóa với nền kinh tế thế hệ thứ ba đã làm thay đổi hoạt động của con người. Tự
động hóa có khả năng to lớn để làm thay đổi phương thức sản xuất đại công nghiệp
dựa trên nền kinh tế tri thức, với những sản phẩm được kết tinh từ tri thức: chẳng hạn
như các phát minh, sáng chế có thể bán được. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng
dù thay đổi như thế nào thì bản chất của chủ nghĩa tư bản dù là cổ điển hay hiện đại
vẫn là sự bóc lột, áp bức và bất công, bởi mục tiêu cuối cùng của tư bản vẫn là thu về
lợi nhuận cao nhất có thể, chứ không phải mục đích của nó là vì cuộc sống hạnh phúc
và sung túc của những người dân lao động, bản chất của giai cấp tư bản mọi thời đại
vẫn là giai cấp bóc lột.
17
1.1.2.
Đặc điểm và bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại
Đối với phần lớn các nhà nghiên cứu trên thế giới hiện nay, những biến đổi đã,
đang và sẽ diễn ra ngay bên trong chủ nghĩa tư bản là điều không cần phải bàn cãi
nữa. Nhưng đứng trước vấn đề chủ nghĩa tư bản đến nay thay đổi có còn là nó nữa
hay không thì vẫn còn nhiều điều phải bàn cãi. Liệu chăng luận điểm cho rằng: “dù
chủ nghĩa tư bản có những thay đổi đến mấy đi nữa thì đó vẫn là chủ nghĩa tư bản,
với một mệnh đề kèm theo: nó không thay đổi về bản chất”[33, tr. 5] có phải là luận
điểm đúng đắn.
Cho tới nay, chưa có một nhà nghiên cứu nào đề xướng ra một khái niệm khác
có thể thay thế khái niệm “chủ nghĩa tư bản” từng tồn tại vài trăm năm nay. Người ta
thường ghép nó với các tính từ khác nhau để chỉ những hình thái, những giai đoạn
phát triển khác nhau của nó, hoặc để chỉ những tính chất khác nhau theo những biến
đổi nội tại của nó trong không gian và trong thời gian nhất định. Đúng là chủ nghĩa tư
bản không thay đổi về bản chất nếu nó được hiểu như một hình thái kinh tế xã hội
trong đó những sự đầu tư và kinh doanh bằng tiền nhằm mục đích làm tăng thêm khối
lượng tiền đưa vào đầu tư và kinh doanh. Nhưng nếu chỉ dựa vào cách hiểu ấy thì sẽ
rất khó giải thích những biến đổi ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản với tư cách là một
hình thái kinh tế xã hội, để cho nó vẫn là thế nhưng lại không phải là như thế.
Từ những phân tích về nguồn gốc ra đời của chủ nghĩa tư bản hiện đại chúng ta
có thể rút ra một số đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại
Một là, chủ nghĩa tư bản trong xu thế toàn cầu hóa còn khả năng phát triển kinh
tế - xã hội, nhất là chuyển sản xuất sang chiều sâu. Sở hữu tư nhân, lợi ích tư nhân
vẫn còn là động lực lâu dài của phát triển kinh tế nói chung trong chủ nghĩa tư bản.
Hai là, sự thích ứng của chủ nghĩa tư bản thông qua những điều chỉnh về nhiều
mặt, không vượt được giới hạn lợi ích tư sản. Kinh tế - xã hội phát triển được một
bước thì mâu thuẫn tư bản và lao động lại bộc lộ ra có quy mô rộng lớn hơn và đi vào
chiều sâu hơn, không thể có cách giải quyết triệt để trong khuôn khổ chủ nghĩa tư
bản.
Ba là, chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa tạo ra được nền kinh tế tri thức, chuyển
18
mạnh được sản xuất ở trình độ cơ khí sang tin học hóa và từ đây quá trình toàn cầu
hóa kinh tế ngày càng phát triển. Nhưng toàn cầu hóa, bên cạnh mặt tích cực, thì do
sự gia tăng khống chế của chủ nghĩa tư bản lũng đoạn toàn cầu với mạng lưới đồ sộ,
vươn rộng khắp hành tinh của các tổ chức tư bản độc quyền xuyên quốc gia, thực sự
là một quá trình đầy mâu thuẫn, hàm chứa sự bất bình đẳng mà phần bất lợi đang
thuộc về các nước đang phát triển với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa.
Bốn là, chủ nghĩa tư bản thực hiện được một bước phát triển thì cũng tạo ra
những gì không dung được với chính nó. Từ góc nhìn này, chủ nghĩa tư bản toàn cầu
hóa thực sự là "chủ nghĩa tư bản chống chủ nghĩa tư bản", là "chủ nghĩa tư bản hướng
tới hậu tư bản, phi tư bản". Chiến tranh, môi sinh, bất bình đẳng, phát triển vì con
người... biết bao nhiêu vấn đề có tính sống còn phải khắc phục trong các lĩnh vực
trên, và sự khắc phục này về cơ bản là khắc phục chính chủ nghĩa tư bản toàn cầu
hóa.
Chính những thay đổi của chủ nghĩa tư bản hiện đại, những đặc trưng mới của
nó đã tố cáo bản chất tồn tại của hình thái kinh tế xã hội này. Bản chất ấy được thể
hiện trên mọi mặt của chủ nghĩa tư bản dù nó có đổi khác ra sao nhưng sự đổi khác
đó chỉ là bề ngoài mà thôi. Bản chất của chủ nghĩa tư bản thể hiện trước tiên và rõ nét
nhất chính là ở những mâu thuẫn xã hội đang tồn tại trong lòng chủ nghĩa tư bản hiện
đại.
Chủ nghĩa tư bản hiện nay đang phải đối mặt với những mâu thuẫn sâu sắc vốn
có và những mâu thuẫn mới trên nhiều bình diện khác nhau. Đó là mâu thuẫn cơ bản
vốn có : mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Cùng các mâu thuẫn phát sinh như mâu thuẫn giữa sản xuất và tiêu dùng, mâu thuẫn
giữa tư bản và lao động làm thuê, giữa tư bản và tư bản, giữa các nước tư bản và các
nước đang phát triển, cũng như các mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất có khả năng
phát triển vô hạn và sự giới hạn của tài nguyên, môi trường, giữa nhu cầu nhất thể
hóa và toàn cầu hóa với lợi ích của từng quốc gia và của toàn thể cộng đồng các
nước,….
Chủ nghĩa tư bản ngày nay vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột, sự áp bức, bóc
19
lột này được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau, tinh vi hơn so với những giai
đoạn trước đây. Các hình thức bóc lột cũng luôn luôn thay đổi. Với phương thức quản
lý mới nhằm phát huy tính sáng tạo của con người, các nhà tư bản đã khai thác được
trí tuệ của người lao động, bóc lột chất xám của đội ngũ trí thức, đó là lý do mà ngày
nay giá trị thặng dư mà nhà tư bản kiếm được phải được tính bằng cấp số nhân. Chủ
nghĩa tư bản ngày nay vẫn còn là chế độ bất bình đẳng với sự phân tầng xã hội có
nhiều điểm mới, số người thất nghiệp vẫn tăng lên và thất nghiệp vẫn là căn bệnh nan
giải, tệ nạn xã hội vẫn là thách thức, khủng hoảng chu kỳ trở thành bài toán khó giải
nhất của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Để giải quyết những vấn đề khó khăn của nó chủ
nghĩa tư bản hiện đại vẫn như vậy, không ngần ngại trà đạp lên quyền lợi của nhân
dân lao động chỉ để cứu lấy chính quyền tư sản và giai cấp tư sản.
Chủ nghĩa tư bản hiện đại mang bản chất tư bản. Nó tất yếu sẽ diệt vong nhưng
đó là một quá trình không đơn giản, không lập tức. Sự diệt vong hay thay thế của chủ
nghĩa tư bản được chuẩn bị từ chính những nhân tố bên trong của nó nhưng phải có
sự tác động, can thiệp chủ động bởi những lực lượng cách mạng tiên tiến đối lập chứ
không thể có chuyện ngồi chờ chủ nghĩa tư bản tự diệt vong.
Chủ nghĩa tư bản ngày nay đang tìm mọi khả năng để thích nghi với điều kiện
mới của thời đại, song chính những biện pháp để tạo ra sự thích nghi ấy lại chứng
minh rằng quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa không phù hợp với sự phát triển của lực
lượng sản xuất, không mở ra khả năng để kinh tế thị trường phát huy tác dụng với tư
cách là hình thức tổ chức kinh tế có hiệu quả. Đồng thời cũng chính những điều chỉnh
đó đã làm nảy sinh những nhân tố mới trái ngược với bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Điều đó khẳng định thêm rằng sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập của mâu thuẫn đang
ở vào thời điểm gay go, quyết liệt và tất yếu cái mới sẽ chiến thắng cái cũ theo quy
luật phủ định của phủ định.
Như vậy, những biện pháp điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản không làm thay đổi
bản chất của nó. Tuy nhiên, xu hướng vận động khách quan của chủ nghĩa tư bản
trong xu thế toàn cầu hóa tiếp tục chuẩn bị tiền đề không chỉ vật chất - kỹ thuật, mà
cả những nhân tố hợp lý trong thiết chế chính trị, nhà nước cho chủ nghĩa xã
20
hội. Trên góc nhìn này, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng chính là sự hiện thực hóa cái
lô-gic phát triển của lực lượng sản xuất và nền văn minh mà nhân loại đạt được trong
chủ nghĩa tư bản. Toàn bộ tình hình như đã nêu trên làm cho việc thay thế chế độ tư
bản để mở đường cho sự phát triển xã hội trở thành vấn đề thời sự của lịch sử đương
đại với bước đi tùy thuộc hoàn cảnh cụ thể, nhưng đó là xu thế lịch sử không thể đảo
ngược.
1.2. Đặc điểm chủ yếu của chủ nghĩa tư bản hiện đại
1.2.1. Hệ thống chính trị
Cùng với “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” do C. Mác và Ph. Ăngghen viết
chung, “Phê phán cương lĩnh Gô ta” của C. Mác, “Nguồn gốc của gia đình, của chế
độ tư hữu và của nhà nước” của Ph. Ăngghen, thì “Nhà nước và cách mạng” của
Lênin là một tác phẩm kinh điển xuất sắc về nhà nước. Trong lời tựa lần xuất bản thứ
nhất của tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”, V.I. Lênin đã chỉ rõ: “…vấn đề nhà
nước có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt về phương diện lý luận cũng như về phương
diện chính trị - thực tiễn.” Theo Lênin vấn đề nhà nước bao giờ cũng là vấn đề cơ bản
của mọi cuộc cách mạng, nó cũng là phần cốt lõi nhất của một hệ thống chính trị. Vì
thế việc nghiên cứu sự thay đổi trong hệ thống chính trị và cơ chế vận hành của chủ
nghĩa tư bản hiện đại sẽ giúp giai cấp công nhân hiện đại nhận ra đâu mới là bản chất
thực sự của nhà nước tư bản dù là nhà nước tư bản truyền thống hay là nhà nước tư
bản hiện đại. Xác định đúng vấn đề này giai cấp công nhân hiện đại mới không bị chủ
nghĩa tư bản dung dưỡng, làm mờ đi bản lĩnh chính trị của giai cấp mình.
Hệ thống chính trị tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ phân chia quyền lực với
nhiều kênh khác nhau để tác động vào các quá trình chính trị, xã hội, kinh tế là một
nhân tố quan trọng tạo nên bầu không khí chính trị - xã hội, tư tưởng thuận lợi cho
chủ nghĩa tư bản hiện đại thích ứng và phát triển trong điều kiện mâu thuẫn nội tại
của nó ngày càng trở nên khó giải quyết.
Cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị tư bản chủ nghĩa chính là bộ máy nhào
nặn nền văn hóa chính trị tư bản chủ nghĩa hiện nay. Những yếu tố cấu thành của nó
là chế độ phân chia quyền lực, tinh thần pháp luật và một hệ thống tư pháp
21