Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Đối thoại và độc thoại trong tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (125.26 KB, 7 trang )

JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE

Social Sci., 2011, Vol. 56, No. 2, pp. 62-68

ĐỐI THOẠI VÀ ĐỘC THOẠI
TRONG TIỂU THUYẾT BƯỚM TRẮNG CỦA NHẤT LINH

Đào Đức Doãn

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

1.

Đặt vấn đề

Trong tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh, đối thoại và độc thoại là một
trong những phương thức, phương tiện nghệ thuật hết sức độc đáo. Hai phương
thức này giúp cho đời sống tâm lý ý thức của con người cá nhân khép kín được thể
hiện rất thành công và khiến tác phẩm trở thành “một tiểu thuyết hiện đại” [4;118],
một “thành tựu của một văn tài đã chín” [6;151]; một “cuốn truyện phân tích tâm
lý căn bản có thể vượt không và thời gian” [7], một đại diện tiêu biểu cho loại hình
tiểu thuyết tâm lý ý thức khép kín trong văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.

2.

Nội dung nghiên cứu

2.1.

Đối thoại


Sự độc đáo đó thể hiện trước hết ở đối thoại, vì ở đây, đối thoại xuất hiện
dưới hình thức rất đa dạng, phong phú, vừa có lời đối thoại mang tính chất độc
thoại (những lời đối thoại mà người nói vừa hướng về phía người nghe, vừa hướng
vào con người bên trong của chính mình, tự nói với bản thân mình), vừa có lời đối
thoại thuần tuý (lời đối thoại mà người nói chỉ hướng về phía người nghe).
2.1.1.

Đối thoại mang tính chất độc thoại

Lời đối thoại mang tính chất độc thoại chiếm một khối lượng không đáng kể,
chỉ xuất hiện 5 lần trong cả tác phẩm, với chỉ có 29 câu trong tổng số 938 câu nhân
vật nói trong toàn tác phẩm, nghĩa là chỉ chiếm 0,3%, nhưng rất có ý nghĩa trong sự
thể hiện tâm lý, tính cách nhân vật. Nhân vật nói với người khác nhưng bằng tiếng
“nói thầm”, “nói một mình”, “nói chỉ cốt cho một mình mình nghe”. Độc đáo nhất
trong những lời đối thoại mang tính chất độc thoại của tác phẩm là đoạn đối thoại
giữa Trương với Mùi [8;169,170,171]. Nhân vật “vừa nói vừa nghĩ ngợi, cố phân tích
lòng mình kể ra và như thế chỉ cốt cho một mình mình nghe” [8;169]. Đoạn đối thoại
này rất quan trọng trong sự thể hiện tâm lý và tính cách nhân vật. Những dằn vặt,
62


Đối thoại và độc thoại trong tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh

tự ý thức, tự lên án, tự mổ xẻ và những giằng xé nội tâm hết sức chân thành được
phơi bày thông qua đối thoại vừa khiến cho người đọc không sao tránh khỏi sự xót
thương và trân trọng, vừa thể hiện tâm lý nhân vật như một hành trình vô cùng
phức tạp. Trương nói với Mùi - một gái giang hồ - không phải để cầu mong sự chia
sẻ, sự cảm thông, mà “nói để cho nhẹ bớt gánh nặng”, nói “như một tín đồ xám hối
với Đức Chúa Trời trước khi nhắm mắt” [8;169]. Chàng đem hết các tội lỗi, các nỗi
đau khổ ra kể lể với Mùi. Lời đối thoại của Trương đôi khi ngắt quãng. Trương vừa

nói vừa bóp mạnh vào cổ tay Mùi mỗi khi tự thấy mình đốn mạt quá, rồi nhích mép
nhe răng như đùa với trẻ con. Tâm hồn Trương như mê loạn. Hai con mắt Trương
dữ tợn. Chàng đưa hai tay bóp lấy cổ Mùi. Mùi sợ hãi cười nịnh và cố lấy giọng âu
yếm để nói với chàng. Chàng cười to lên mấy tiếng rồi chính mình lại cảm thấy ghê
sợ khi nghe tiếng cười của mình. Cả một đời sống nội tâm dữ dội, hoảng loạn, vừa
tỉnh táo vừa điên khùng được phơi bày trong một đoạn đối thoại pha lẫn độc thoại
vô cùng độc đáo, cho thấy tâm lý nhân vật là một quá trình tự thân.
Trong một vài tình huống giao tiếp, lời đối thoại mang tính chất độc thoại
được thể hiện bằng lời hai nghĩa: nghĩa tường minh dành cho người nghe, nghĩa
hàm ẩn dành cho bản thân người nói. Chẳng hạn, sau khi đã đưa cho Thu bức thư
bày tỏ tình yêu, mặc cảm về sự đe dọa của cái chết khiến Trương nhận thấy tình
yêu “chỉ xui chàng đương làm hại đến đời Thu một cách độc ác không ngờ”. Chán
nản, Trương đi lên một quả đồi và nghĩ đến việc tự tử. Khi chàng trở về, Thu hỏi:
“Anh đi xa tới đâu?”. Trương đáp: “Tôi không đi tới đâu cả”. Chàng nói tiếp: “Thấy
trời đẹp thì cứ đi, chứ cũng chẳng biết là đi đến chỗ nào” [8;67].
Đằng sau nghĩa tường minh là chỉ việc đi lên đồi, lời đối thoại này hàm chứa
một lời độc thoại: Tình yêu của ta chỉ là tình yêu vô vọng (không đi tới đâu cả,
chẳng biết là đi đến chỗ nào).
Hay, Trương nói với ông chú về việc bán đất: “Thôi, chú cứ bán theo cái giá
ấy, không cần nài thêm nữa. Cháu cần ngay và như thế cũng đủ rồi, để lâu sợ chậm
việc của cháu mà lúc đó bán được giá cao, cháu cũng không biết dùng tiền làm gì...”
[8;84].
Lời đối thoại trên đây hàm chứa một lời độc thoại: Ta sắp chết, số tiền như
thế cũng đủ tiêu dùng trong những ngày còn lại trên đời rồi.
Trong Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, dạng lời đối thoại hàm chứa lời độc
thoại như thế này chưa hề có.
2.1.2.

Đối thoại thuần tuý


Ngược lại với đối thoại mang tính chất độc thoại, hầu hết ngôn ngữ đối thoại
trong tác phẩm là lời đối thoại thuần tuý, tức là lời nói “hướng vào nhau và tác động
vào nhau trong giao tiếp” [9;224]. Lời đối thoại này được sử dụng như một công cụ
sắc bén để diễn tả chiều sâu nội tâm của con người cá nhân khép kín trong thế giới
63


Đào Đức Doãn

của ý thức bản thân, với tất cả những tính đa dạng, phức tạp của nó. Xem xét lời
đối thoại thuần tuý trong Bướm trắng, chúng tôi nhận ra một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, do sự chi phối của con người ý thức khép kín, ngoài những lời nói
thầm, nói một mình, v.v... như vừa dẫn ở trên, các nhân vật trong Bướm trắng
thường hay nói nhỏ, nói khẽ, nói rất khẽ, nói trong hơi thở, nói như thỏ thẻ bên tai
v.v... Hiện tượng này lặp đi lặp lại trong cả tác phẩm đến 27 lần: “Mai nói nhỏ...”
[8;85]; “Nhan nói trong hơi thở...” [8;91]; “Thu khẽ nói...” [8;113]; “Trương nói thật
khẽ...” [8;120], v.v...
Thứ hai, do sự chi phối của con người ý thức khép kín, lời đối thoại trực tiếp
nhiều khi biến thành lời đối thoại ngầm. Trong cả tác phẩm, lời đối thoại ngầm xuất
hiện cả thảy đến 18 lần. Ví dụ: “Chàng hạ lông mi xuống một chút và tưởng như
đó là một lời nói Thu có thể hiểu: “Anh yêu em lắm”. Chàng thấy Thu cũng bắt
chước hạ lông mi làm hiệu như có ý trả lời: “Em đã hiểu anh định nói với em điều
gì” [8;133].
Thứ ba, phổ biến trong ngôn ngữ đối thoại của tác phẩm là lời nói đùa, nói
dối, nói lấp lửng, nói mập mờ, nói nửa đùa nửa thật, nói chữa, nói lảng, nói vớt
vát, v.v... nghĩa là nói sai lệch (hoặc che giấu) con người bên trong. Trong tổng số
938 câu nhân vật nói ở toàn tác phẩm, chỉ có 40 câu nhân vật tự thể hiện đúng suy
nghĩ, ý muốn, tâm trạng bên trong (chiếm 0,4% tổng số câu nói). Nhân vật Trương
nói cả thảy 507 câu, trong đó, 323 câu chào hỏi xã giao hoặc nói về sự việc bên
ngoài; 148 câu nói đùa, nói dối, nói mập mờ, nói lảng, v.v... trong khi đó, chỉ có

36 câu nói bộc lộ tâm trạng, cảm giác, suy nghĩ, đánh giá.. thật của mình (chiếm
0,7%).
Thứ tư, trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật, lời nói của con người ý thức
chiếm giữ phần chủ yếu, trong khi lời nói của con người vô thức chỉ chiếm một khối
lượng không đáng kể.
Lời nói của con người vô thức là lời nói tự nhiên, xuất hiện do tác động của
những rung cảm tự nhiên mà người nói không kiểm soát được. Trong cả tác phẩm,
lời nói này chỉ xuất hiện cả thảy 14 lần và đều được sử dụng để thể hiện trực tiếp
những trạng thái tâm lý vô thức bên trong của nhân vật. Trong cả 14 lần xuất hiện,
lời đối thoại này đều chỉ là những lời rất ngắn, có khi là một câu nói trọn vẹn, có
khi chỉ là một từ mà nhân vật “thốt ra” [8;21], “buột miệng nói” [8;40], “bật miệng
nói” [8;40] ra trong những tình huống “không nhịn được nữa” [8;99], “không thể giữ
nổi” [8;183], “không giữ được nữa” [8;202], .v.v... nhưng qua mỗi câu hay từ đó, ta
thấy hé mở cả một thế giới bên trong tâm hồn vô cùng tinh tế và phong phú.
Chủ yếu trong ngôn ngữ đối thoại của nhân vật là lời nói của con người ý
thức. Những hiện tượng nhân vật thường hay nói nhỏ, nói thầm, nói khẽ, nói dối,
nói đùa... ở trên cho thấy nhân vật rất có ý thức kiểm soát về mục đích, nội dung
và cách thể hiện lời mình nói. Đó chính là lý do giải thích vì sao đọc Bướm trắng,
64


Đối thoại và độc thoại trong tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh

người đọc thường bắt gặp hiện tượng nhân vật vừa nói vừa nghĩ thầm, vờ chưa nghe
thấy và nói, nói xong nhìn dò xét, nói xong hối hận, toan nói lại thôi, v.v... Cộng
thêm với nói khẽ, nói nhỏ, nói đùa, nói dối, v.v... như vừa nói ở trên, cả tác phẩm
có đến 88 lần nhân vật sử dụng lời nói của con người ý thức. Nghĩa là nhiều gấp
hơn 6 lần sử dụng lời nói của con người vô thức.

2.2.


Độc thoại

Phân tích ngôn ngữ nhân vật trong Bướm trắng, không thể không tiến hành
phân tích ngôn ngữ độc thoại nội tâm vì đây là hình thức nghệ thuật được tác giả
sử dụng với một khối lượng và với một ưu thế thể hiện tâm lý lớn hơn hẳn đối thoại.
Ở đây, nhiệm vụ của chúng tôi là chỉ ra hình thức ngôn ngữ này đã được sử dụng
như thế nào để thể hiện chiều sâu tâm lý ý thức của con người khép kín.
Trong Bướm trắng, độc thoại nội tâm được sử dụng với hai dạng chủ yếu là
độc thoại nội tâm thuần tuý và độc thoại nội tâm bằng lời nói nửa trực tiếp.
Độc thoại nội tâm thuần tuý là “ngôn từ trực tiếp không diễn tả thành lời của
các nhân vật” [5], là “nhân vật nghĩ, tự nhủ, hoặc nhân vật nói to với mình” [2;144],
là “lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm
lý nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy
trực tiếp của nó” [3;87]. Cả tác phẩm có 344 câu độc thoại bằng “ngôn từ trực tiếp
không diễn tả thành lời”, chủ yếu là độc thoại của Trương (299 câu), được thể hiện
bằng những tín hiệu báo trước như: nghĩ, ngẫm nghĩ, nghĩ thầm, tự nhủ, tự bảo...
Chủ yếu ngôn ngữ độc thoại nội tâm trong Bướm trắng là độc thoại bằng lời
nói nửa trực tiếp. Cả tác phẩm có đến 2159 câu độc thoại bằng lời nói nửa trực tiếp,
chiếm 58% toàn tác phẩm. Ở dạng này, tác giả trực tiếp mô tả và phân tích tâm lý
nhân vật. Diễn biến tâm lý nhân vật được thể hiện thông qua lời trực tiếp của tác
giả. Đôi khi, lời trực tiếp của nhân vật xen lẫn lời người kể chuyện, giọng tác giả
hòa vào giọng nhân vật, khiến ta khó lòng phân biệt.
Phân tích ngôn ngữ độc thoại nội tâm với cả hai dạng biểu hiện nói trên trong
Bướm trắng, chúng tôi nhận thấy hai đặc điểm nổi bật: 1) độc thoại trong tác phẩm
là lời độc thoại cô lập; và 2) độc thoại trong tác phẩm thực chất là tự đối thoại trong
độc thoại.
Với hai đặc điểm này, độc thoại nội tâm tỏ ra có ưu thế đặc biệt trong sự thể
hiện chiều sâu tâm lý ý thức của con người cá nhân khép kín.
2.2.1.


Độc thoại cô lập

Lời độc thoại cô lập là lời chỉ hướng vào bản thân mình mà không hướng tới
ai khác, chỉ quan tâm tới bản thân mà không quan tâm đến điều gì khác bên ngoài
mình. Nó là lời độc thoại cất lên trong cô độc. Trở đi trở lại trong suốt hơn hai
65


Đào Đức Doãn

trăm trang của tác phẩm, nhân vật luôn sống trong sự ám ảnh bởi sự đe dọa của
cái chết: cái chết về thể xác do căn bệnh hiểm nghèo và cái chết về nhân phẩm do
thói quen chơi bời, trụy lạc. Trong trạng thái một mình lặng lẽ với ý thức bản thân
của riêng mình, nhân vật triền miên trong độc thoại, khi thì trở về quá khứ để đắm
chìm trong những hồi ức, kỷ niệm, khi lại liên tưởng xa xôi để đến với thế giới mộng
ước, khi thì sống trong thực tại để hoặc là tự dằn vặt, ăn năn hối lỗi, hoặc là tự
lừa dối để biện minh, khi lại lạc vào trong hoang tưởng với những ác mộng khủng
khiếp, hãi hùng, v.v... Ngay cả khi đang ở giữa những người giao tiếp, nhân vật vẫn
thường tự tách mình ra và dường như chỉ giao tiếp với chính mình, “bỏ rơi” người
đang có mặt, cô lập khỏi những người đang có mặt để đắm mình trong độc thoại.
Lời độc thoại trở thành lời cất lên trong đơn độc và đối thoại thường bị ngắt quãng
vì độc thoại. Trong những trường hợp như vậy, đời sống tâm hồn sống động và nhạy
cảm của nhân vật được thể hiện tinh tế nhất. Chỉ một ánh mắt nhìn, một câu nói
vô tình, một cử chỉ ngẫu nhiên của chính mình hay của người tham gia đối thoại;
chỉ một tia nắng, một bông hoa, một cánh bướm, một mùi hương...thoáng qua đã
đủ kéo nhân vật ra khỏi cuộc đối thoại và ném nhân vật vào triền miên trong dòng
độc thoại. “Một cơn gió thổi bay lên mấy chiếc lá khô và một ít bụi trắng” đã đủ
“khiến Trương cảm thấy nỗi hiu quạnh của cuộc đời cô độc” [8;16]. Một câu nói đùa
cũng đã đủ để “thốt gợi chàng yên lặng, nhìn ra ngoài đường ngẫm nghĩ...” [8;39].

Một lời đáp ngẫu nhiên cũng đã có thể khiến chàng “như thấy thấm vào người tất
cả nỗi buồn đìu hiu của thế gian. Chàng lặng người đi, lấy làm ngạc nhiên tại sao vì
một câu nói cỏn con lại có thể đau buồn đến như thế được” [8;42]. Chỉ “mấy ngón
tay thon để soãi ra và khẽ lên xuống theo nhịp thở” của Thu cũng đã đủ để Trương
phải cảm thấy “khổ sở” và “bùi ngùi như sắp khóc” [8;54]. Chỉ một tiếng “Ô hay”
của Thu cũng đã đủ khiến Trương phải “hiểu”, “tức”, “thất vọng”, “băn khoăn” và
“biết rằng Thu cũng đã bắt đầu đổi khác” [8;198], v.v...
Phổ biến trong Bướm trắng là kiểu độc thoại cô lập như vậy. Với kiểu độc thoại
này, nhân vật độc thoại chỉ hướng vào bản thân mình và lời độc thoại là lời cất lên
trong đơn độc. Đây là độc thoại thể hiện thành công nhất chiều sâu tâm lý ý thức
của con người cá nhân khép kín.
2.2.2.

Tự đối thoại trong độc thoại

Một nét độc đáo của kiểu độc thoại cô lập trong Bướm trắng giúp nhà văn tạo
chiều sâu tâm lý cho nhân vật, là sự phân thân của nhân vật trong độc thoại, biến
độc thoại thành tự đối thoại trong độc thoại. Những tính toán, cân nhắc, những đắn
đo lựa chọn, những băn khoăn, dằn vặt, những đấu tranh, giằng xé, tự mổ xẻ, tự
lên án và sám hối trở thành nội dung chủ yếu của độc thoại. Sống hay chết; yêu
hay không yêu; buông xuôi hay hành động, v.v... luôn giằng co với nhau trong độc
thoại, khiến cho tâm lý nhân vật được miêu tả như “những tư tưởng trái ngược”
[8;86]. Trong những trường hợp như vậy, độc thoại thể hiện một cách trực tiếp như
66


Đối thoại và độc thoại trong tiểu thuyết Bướm trắng của Nhất Linh

là tự đối thoại. Lời độc thoại tự phân thân thành hai lời đối thoại mâu thuẫn nhau,
chống đối nhau, và tâm lý nhân vật được thể hiện ra trong những đấu tranh, giằng

xé vô cùng phức tạp. Ví dụ:
- “Lúc nào chàng cũng chỉ nghĩ “đến khi khỏi bệnh” làm như sự khỏi bệnh là
một sự tất nhiên rồi; nhưng lần nào cũng vậy, một ý nghĩ khác ngầm đến (tác giả
nhấn mạnh) mà chàng muốn gạt đi ngay: “Thế ngộ mình không khỏi bệnh?”. Chàng
thấy nhói ở quả tim và ngửng nhìn lên” [8;17].
- “Trương thấy nảy ra một ý tưởng. Chàng ngồi lặng người suy nghĩ: “Hay là
ta hỏi Thu làm vợ? Bây giờ còn có thể được lắm. Ai biết. Mình bảo Hợp là đã khỏi
bệnh rồi, chỉ việc lấy giấy đốc tờ đưa cho Hợp xem mà lấy giấy ấy thì dễ như không.
Phải đấy. Tội gì, sung sướng với Thu một hai tháng rồi có chết thì chết....”. Nhưng
ngay trong lúc nghĩ vậy, chàng vẫn biết có một tiếng ngầm (tác giả nhấn mạnh) bảo
chàng: “Làm như thế xấu lắm” [8;86], v.v...
Sự trỗi dậy của những ý nghĩ ngầm, tiếng ngầm... làm cho độc thoại trở thành
tự đối thoại và nhân vật tự phân thân trong độc thoại. Sự phân thân này tạo điều
kiện cho nhân vật đối diện với chính mình, tự nhận ra mình mà không cần chờ đến
phản ứng của người khác. Đây là cách để nhà văn tạo chiều sâu tâm lý và tạo ra cho
tâm lý nhân vật những diễn biến bất ngờ - bất ngờ đối với chính bản thân nhân vật,
khiến cho nhân vật thường phải tự “lấy làm ngạc nhiên”, “không hiểu” chính mình,
thường “tự lấy làm xấu hổ”, “tự thẹn”, “tự mắng mình”, “thấy mình dối trá”, “thấy
mình không thành thực”, “thấy mình tầm thường”, “thấy khổ sở vô cùng”, v.v...
Ở một nhân vật không phải là tiêu biểu cho mô hình con người khép kín trong
đời sống tự ý thức, là nhân vật Nhan, ngôn ngữ nhân vật (đối thoại và độc thoại)
thể hiện rõ cách nói năng, suy nghĩ đơn giản, tự nhiên, mộc mạc, không che giấu
con người bên trong, không có ngầm ý, đôi khi hơi thô thiển, quê mùa. Những câu
chữa thẹn: “Gớm mỏi cả lưng...”, hay những câu đùa: “Nhờ trời cũng khơ khớ”...chỉ
có thể là lời nói của Nhan, một cô gái quê đơn giản, mộc mạc và vụng về với một
tình yêu “dễ dãi và bình thường”, không thể trộn lẫn với lời nói của bất cứ nhân vật
nào khác trong tác phẩm, nhất là với Thu, một tình yêu “quý giá”.
Sự khác biệt giữa Nhan và các nhân vật khác cho thấy trong Bướm trắng,
ngôn ngữ nhân vật đã có vai trò to lớn như thế nào trong sự thể hiện nghệ thuật về
con người khép kín trong đời sống ý thức.


3.

Kết luận

Đối thoại và độc thoại trong tiểu thuyết Bướm trắng thật sự là phương tiện
hữu hiệu nhất để thể hiện đời sống tâm lý ý thức của con người khép kín. Cùng
với các phương thức, phương tiện nghệ thuật khác (kết cấu, không gian, thời gian,
nghệ thuật trần thuật, v.v...), sự độc đáo của đối thoại và độc thoại trở thành một
67


Đào Đức Doãn

trong những dấu hiệu đặc trưng khiến cho Bướm trắng trở thành tiểu thuyết tiêu
biểu nhất trong loại hình tiểu thuyết tâm lý ý thức khép kín của văn xuôi Việt Nam
nửa đầu thế kỉ XX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bùi Xuân Bào, 1965. Le roman Vietnamien contemporain. Tủ sách nhân văn xã
hội, Sài Gòn.
[2] Nguyễn Hải Hà, 1992. Thi pháp tiểu thuyết L.Tônxtôi. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), 1992. Từ điển thuật ngữ
văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Đỗ Đức Hiểu, 1998. Đổi mới đọc và bình văn. Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
[5] T.Môtưlêva. Độc thoại nội tâm và dòng ý thức. Tài liệu dịch, Thư viện Khoa học
Xã hội.
[6] Mai Hương, 2000. Nhất Linh, cây bút trụ cột. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[7] Nhất Linh, 1972. Viết và đọc tiểu thuyết. Nxb Đời nay, Sài Gòn.
[8] Nhất Linh, 1996. Bướm trắng. Nxb Văn học, Hà Nội.
[9] G.N.Pôxpêlốp, 1998. Dẫn luận nghiên cứu văn học. Nxb Giáo dục, Hà Nội.

ABSTRACT
Monologue and dialogue in the novel White Butterfly by Nhat Linh
In the White Butterfly the language of dialogue is expressed in two main forms
: dialogue and pure natural monologues, monologue language is expressed in two
forms. Mainly inner monologue plain and interior monologues. The main language
of dialogue in the novel is pure dialogue, and is half verbal monologue directly.
Two salient features of the language is monologues in the novel: self-isolation and
monologue dialogue. Through analyzing the forms of the above languages, the paper
can prove the very unique character of the language with the depth psychology of
the individual human consciousness closed.

68



×