Chuyện Thúy Kiều, Thúy Vân thời hiện đại ở Thái Bình
Cập nhật: 28/07/2010
Ngày bà Rần sắp rời xa cõi trần, bà cầm
tay em gái trăng trối: “Chị mất thì em dọn
về, thay chị chăm sóc anh ấy và các cháu.
Chị có chết, cũng nhắm được mắt”.
Họ không phải hai chị em sắc nước hương trời, cũng không phải những con người tài hoa có
một không hai. Họ chỉ là hai người phụ nữ chân lấm tay bùn nhưng cuộc đời họ là những chuỗi
ngày hy sinh thầm lặng. Tôi được nghe câu chuyện chị “gửi chồng con” nhờ em chăm sóc ấy ở
xã Đông Quang, Đông Hưng, Thái Bình.
* Chuyện chàng thương binh nghèo và cô giáo mầm non
Đến xã Đông Quang, hỏi nhà ông Thuận bà Xuân từ người già đến trẻ nhỏ cũng có thể kể vanh
vách cho bạn nghe câu chuyện tình đầy cảm động của chàng thương binh nghèo và hai chị em
nhà họ Vũ.
Chàng thương binh ấy tên là Trần Văn Thuận, sinh năm 1948, trong một gia đình nghèo khó.
Phía bên kia dậu mùng tơi, có cô gái cũng con nhà nghèo. Hai đứa gắn bó từ nhỏ, chăn trâu,
cắt cỏ, tắm sông cùng nhau, cứ như anh em ruột thịt. Năm Thuận 18 tuổi, theo phong trào sôi
sục, anh đăng ký vào chiến trường. Ở bên nhau, chơi với nhau như anh em, nhưng lúc biết anh
Thuận sắp dấn thân vào nơi lửa đạn, trái tim cô hàng xóm Vũ Thanh Rần như rỉ máu. Ngày vào
Nam đến gần, rất tự nhiên, trong đêm trăng vằng vặc, hai đứa cầm tay nhau, rồi thề non hẹn
biển. Cha mẹ mang lễ ăn hỏi sang nhà hàng xóm hôm trước, hôm sau Thuận từ biệt người vợ
chưa cưới để lên đường.
Anh được điều động vào đơn vị C71, D25, Đoàn 559, rồi vào chiến trường phía Nam Quảng
Trị, nơi khốc liệt nhất thời bấy giờ. Nhiều năm trời làm lính trinh sát, ngang dọc dải miền Trung,
Thuận đã chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội đã tưới máu cho mảnh đất xác xơ bởi bom
đạn cày xới.
Rồi cái ngày định mệnh cũng đến với anh vào một ngày cuối năm 1971, khi cùng 2 đồng đội đi
làm nhiệm vụ ở khu vực Đường 9 - Nam Lào. Họ đã bị trúng mìn. Không rõ hai đồng đội còn
sống hay đã chết, nhưng lúc anh tỉnh dậy, chẳng rõ trời đất. Sờ lên mặt, thấy vải quấn kín mít.
Bác sĩ bảo, anh bị mảnh bom găm chi chít vào mặt, trúng cả hai mắt, nên phải múc hai mắt đi.
Thế là mù vĩnh viễn.
Chàng trai Thuận biết mình mù lòa sợ đối diện với gia đình, và nhất là cô vợ mới cưới. Thế là
anh ở biệt tại các trung tâm điều dưỡng, những mong cô vợ trẻ nghĩ mình chết mà đi tìm hạnh
phúc mới. Thế nhưng, một hôm đang ngồi hóng mát, anh thấy có tiếng khóc thút thít rồi một
Bà Xuân bên di ảnh chị
người phụ nữ ôm chầm lấy mình, thổng thức: “Trước thế nào, sau vẫn thế, em coi anh là chồng
từ ngày anh ngỏ lời với em rồi. Gia đình em cũng ủng hộ em, không ai ngăn cản gì cả”. Thế là,
chàng thương binh mù lên xe về Thái Bình cùng cô giáo mầm non.
* Thúy Kiều và Thúy Vân thời hiện đại
Hai vợ chồng cưới nhau năm 1972, năm 1973 sinh đứa con trai đầu lòng. Nỗi đau vỡ òa khi
nhìn thấy đứa con trai dị dạng và chết 1 năm sau đó. Lúc này, ông Thuận mới biết mình bị
nhiễm chất độc màu da cam. Nhưng họ vẫn thử vận may. Người con trai thứ hai da dẻ trắng
toát, người đầy lông lá, 30 tuổi mà như ông lão 70. Người con thứ 3 may mắn là phát triển bình
thường, nhưng đứa con gái thứ 4 của hai người lại mắc bệnh ngớ ngẩn.
Với đồng lương ba cọc ba đồng, bà Rần phải oằn mình nuôi chồng và mấy đứa con tật nguyền.
Những tưởng không còn bất hạnh nào lớn hơn, nhưng một nỗi đau nữa lại ập đến với họ. Năm
2003, bà Rần mắc bệnh ung thư não giai đoạn cuối.
Ngày nằm trên giường chờ tử thần mang tên “K não” đưa đi, bà Rần chợt nhớ đến cô em út tên
Vũ Thanh Xuân. Khi đó, bà Xuân đang ở Điện Biên. Ngày sắp ra đi, bà Rần nắm tay em gái dặn
dò: “Các cụ có câu sảy cha theo chú, sảy mẹ bú dì. Chị cũng không sống được mấy ngày nữa.
Chị em mình chẳng phải Thúy Kiều, Thúy Vân, nhưng thương chị, em cứ coi anh ấy như Kim
Trọng. Chị mất thì em dọn về, thay chị chăm sóc anh ấy và các cháu. Chị có chết, cũng nhắm
được mắt”.
Nghe lời trối trăng của người chị gái, bà Xuân ở lại chăm sóc anh rể và đàn con. Thể theo
nguyện vọng của bà Rần, cũng như của toàn thể gia đình hai bên, bà Xuân và ông Thuận đã
làm vài mâm cơm, báo cáo gia đình, tổ tiên để được làm vợ làm chồng. Sự gắn kết của họ là
bởi hai chữ trách nhiệm và tình thương, còn cái gọi là tình yêu thì chẳng biết thế nào nữa. Câu
chuyện của họ, đã lấy đi bao nước mắt cảm thương của xóm làng. Chẳng ai nghĩ rằng, đó là
chuyện tranh chồng đoạt vợ, mà đó là câu chuyện về tình thương, lòng nhân ái.
Đang một mình nuôi một đứa con, dù không nhàn hạ, song cũng không đầu tắt mặt tối, từ ngày
về chăm anh rể, rồi làm mẹ của mấy đứa cháu, bà Xuân lại lặn lội thân cò như chị. Bản tính
tháo vát, chăm chỉ, nên bà Xuân cắt đặt công việc đâu ra đấy. Ai thuê việc gì cũng làm, kể cả
phu hồ, bốc vác. Có chỗ đất trống nào, bà cũng gieo hạt để có rau ăn, thừa thì đem bán, đổi
mớ tép, miếng đậu.
Điều kỳ diệu là câu chuyện đặc biệt của bà, đã làm cô thôn nữ Nguyễn Thị Tâm trong xóm cảm
động, coi đó là tấm gương sáng ngời về đạo lý. Chị Tâm thường xuyên cấy gặt đỡ đần giúp bà
Xuân. Rồi những buổi tâm tình, đã khiến chị Tâm có một quyết định bất ngờ: tình nguyện làm
vợ anh Tộ, chàng trai bị nhiễm chất độc da cam. Ông trời không cướp đi của ai tất cả. Câu
chuyện tình cảm động đến thương tâm đã đơm hoa kết trái khi một cậu bé ra đời và hoàn toàn
khỏe mạnh, bình thường, lại ngoan ngoãn, học giỏi.
Người con trai thứ hai cũng đã tìm được vợ và hiện đang sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ
xinh xắn. Còn cô cháu gái Vũ Thị Điệp, bà Xuân xác định phải chăm lo suốt đời. Bà vẫn mong
có một phép màu nào đó, nhưng quả thực, trái tim Đan-Kô của bà, dù thắp sáng một con
đường, cũng khó có chàng hoàng tử nào đưa cô gái lọ lem kia đến xứ sở cổ tích. Nhưng ai biết
được, lại có một phép màu khác.