LÝ LUẬN VỀ KẾ TOÁN BÁN HÀNG VÀ XÁC ĐỊNH KẾT QUẢ KINH
DOANH TẠI DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI
1.1. Đặc điểm kế toán bán hàng trong các doanh nghiệp thương mại
1.1.1 Bán hàng trong doanh nghiệp thương mại
1.1.1.1 Khái niệm và vai trò của bán hàng
* Khái niệm:
Bán hàng là khâu cuối trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh
nghiệp thương mại, là quá trình trao đổi thông qua các phương tiện thanh toán
để thực hiện giá trị của hàng hóa dịch vụ. Nó gắn liền với quá trình chuyển giao
quyền sơ hữu hàng hóa, dịch vụ từ người bán, người cung cấp sang người mua,
người sử dụng dịch vụ. Quá trình bán hàng được hoàn tất khi hàng hóa được
chuyển giao cho người mua và doanh nghiệp thu được tiền bán hàng hoặc khách
hàng chấp nhận thanh toán.
Về mặt kinh tế:
Bản chất bán hàng là sự thay đổi hình thái giá trị hàng hóa. Hàng hóa của
doanh nghiệp chuyển từ hình thái hiện vật sang hình thái tiền tệ và doanh nghiệp
kết thúc chu trình kinh doanh,
Về mặt hành vi:
Có sự thỏa thuận trao đổi diễn ra giữa người mua và người bán. Người bán
đồng ý bán, người mua đồng ý mua, người bán xuất giao hàng bán cho người
mua, người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền cho người bán.
Về mặt nguyên tắc:
Chỉ khi nào hàng hóa được chuyển giao cho người mua và người mua thanh
toán hoặc chấp nhận thanh toán thì mới được coi là bán hàng.
* Vai trò:
Bán hàng có vai trò quan trong không chỉ với riêng doanh nghiệp mà nó còn
có vai trò to lớn đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế - xã hội.
Đối với bản thân doanh nghiệp, hoạt động bán hàng là điều kiện để cho
doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Nó thể hiện ở chỗ, thông qua hoạt động
bán hàng đem lại doanh thu cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thu hồi lại vốn
kinh doanh, đồng thời giúp doanh nghiệp kiếm được lợi nhuận.
Đối với nền kinh tế, sẽ giúp nền kinh tế hoạt động sôi động hơn, tạo ra nhiều
giá trị hơn cho xã hội. Hoạt động bán hàng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành
phần trong xã hội. Nhà nước sẽ nhận được các khoản thuế và lệ phí. Doanh nghiệp
sẽ thu được lợi nhuận và người lao động sẽ được nhận lương và các khoản ưu đãi.
Người dân sẽ được thỏa mãn lợi ích sử dụng các mặt hàng mình cần. Ngoài ra, hoạt
động bán hàng còn tạo điều kiện kết hợp chặt chẽ giữa lưu thông hàng hóa với lưu
thông tiền tệ được diễn ra thuận lợi.
1.1.1.2 Các phương thức bán hàng và thanh toán
* Phương thức bán hàng
a>Phương thức bán buôn hàng hóa
Là phương thức mà hàng được bán với khối lượng lớn, giá bán biến động tùy
theo vào khối lượng hàng bán và phương thức thanh toán. Về bản chất hàng hóa
trong phương thức bán buốn thì chưa được đưa ra sử dụng mà nó vẫn nằm trong
lưu thông. Bao gồm 2 hình thức sau:
- Bán buôn hàng hóa qua kho: là phương thức bán buôn hàng hóa mà hàng hóa
được xuất ra từ kho của doanh nghiệp. Nếu bên mua nhận hàng trực tiếp từ kho của
doanh nghiệp thì được gọi là bán buôn qua kho trực tiếp. Trường hợp hàng được
chuyển từ kho của doanh nghiệp đến kho của bên mua hoặc là địa điểm do bên mua
quy định thì được gọi là hình thức bán buôn qua kho theo hình thức vận chuyển
hàng. Với hình thức này hàng hóa sẽ thuộc quyền sở hữu của bên mua nếu bên mua
thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán.
- Bán buôn hàng hóa vận chuyển thẳng: là phương thức bán buôn hàng hóa mà
trong đó hàng hóa bán ra khi mua về từ nhà cung cấp không đem về nhập kho của
doanh nghiệp mà giao bán ngay hoặc vận chuyển bán ngay cho khách hàng. Bao
gồm 2 hình thức là bán buôn vận chuyển thẳng theo hình thức giao hàng trực tiếp
và bán buôn vận chuyển thẳng theo hình thức gửi hàng. Trong hình thức này thì
doanh nghiệp có thể chỉ đóng vai trò là người mô giới hưởng hoa hồng mà không
tham gia thanh toán.
b>Phương thức bán lẻ hàng hóa
Là phương thức hàng được bán trực tiếp cho người tiêu dùng với số lượng
thường ít và giá bán thường ổn định.
c>Phương thức bán hàng đại lý
Là phương thức bán hàng mà hàng hóa được giao cho các cơ sở đại lý bán
trực tiếp. Các cơ sở đại lý sẽ bán hàng và nộp tiền bán được cho doanh nghiệp và
được hưởng hoa hồng. Trong hình thức này thì hàng hóa vẫn thuộc quyền sở hữu
của doanh nghiệp thương mại cho đến khi được cơ sở đại lý nộp tiền hoặc chấp
nhận nộp tiền về số hàng bán được.
d>Phương thức bán hàng trả góp, trả chậm
Là phương thức mà doanh nghiệp thương mại chấp nhận cho người mua trả
tiền hàng trong nhiều kì. Trong trường hợp này doanh nghiệp thương mại sẽ được
hưởng khoản chênh lệch giữa giá bán trả góp với giá bán theo phương thức trả tiền
ngay. Phần chênh lệch này sẽ được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính
theo nhiều kì sau bán hàng.
* Phương thức thanh toán
Sau khi chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và được bên mua
chấp nhận thanh toán thì doanh nghiệp có thể cho phép bên mua áp dụng những
hình thức thanh toán khác nhau. Điều này phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa 2 bên
và sự tín nhiệm của doanh nghiệp với bên mua. Bao gồm các phương thức sau:
- Phương thức thanh toán ngay: là phương thức mà doanh nghiệp sẽ được thanh
toán ngay sau khi chuyển giao hàng hóa cho bên mua. Với hình thức này bên mua
có thể trả trực tiếp cho bên bán bằng tiền mặt, hàng hóa, sec... hoặc có thể bằng tiền
gửi ngân hàng.
- Phương thức thanh toán trả chậm: là phương thức mà bên mua có thể thanh toán
chậm so với thời điểm nhận được hàng.
1.1.2 Doanh thu và các khoản giảm trừ doanh thu
a. Doanh thu
Doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế doanh nghiệp thu được trong kì
kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp
phần làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. ( chuẩn mực kế toán số 14)
Trong doanh nghiệp thương mại thì doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
là số tiền mà doanh nghiệp thu được từ việc tiêu thụ sản phẩm hoặc cung cấp các
dịch vụ cho khách hàng.
Doanh thu = Số lượng sản phẩm tiêu thụ . giá bán đơn vị sản phẩm
Trong đó giá bán đơn vị sản phẩm sẽ được tính tùy vào phương pháp tính
VAT mà doanh nghiệp áp dụng. Nếu doanh nghiệp tính VAT theo phương pháp
trực tiếp thì giá bán ghi nhận vào doanh thu là giá bán bao gồm cả thuế có thuê.
Nếu doanh nghiệp tính VAT theo phương pháp khấu trừ thì giá bán ghi nhận vào
doanh thu là giá bán chưa có thuê.
Doanh thu bán hàng thuần = Doanh thu bán hàng – Các khoản giảm trừ
doanh thu
*> Các khoản giảm trừ doanh thu
- Chiết khấu thương mại là khoản doanh nghiệp giảm giá đã niêm yết cho những
bên mua với khối lượng lớn.
- Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do hàng kếm phẩm chất,
sai quy cách hoặc lạc hậu so với thị yếu
- Giá trị hàng bán bị trả lại là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ
bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán.
- Các khoản thuế không được hoàn lại bao gồm: VAT tính theo phương pháp
trực tiếp, thuế TTĐB, thuế XK
1.1.3 Xác định giá vốn hàng bán
Giá vốn hàng hóa tiêu thụ là toàn bộ những khoản chi phí mà doanh nghiệp
bỏ ra để có được hàng hóa đó cho đến khi nó được tiêu thụ.
Giá vốn hàng bán = Giá mua thuần hàng hóa + Chi phí thu mua phân bổ
cho hàng hóa
Trong đó: - GVHH bao gồm giá mua ghi trên hóa đơn cộng các khoản thuế ở
khâu mua không được hoàn lại, trừ các khoản giảm trừ được hưởng ( CKTM,
giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại)
- Chi phí mua hàng bao gồm các khoản chi phí phục vụ cho quá
trình mua hàng như chi phí vận chuyển, bốc dỡ, bảo hiểm tiền lưu kho, hao hụt
trong định mức, chi phí công tác cho bộ phận thu mua...
Các phương pháp tính giá vốn hàng bán:
- Phương pháp giá thực tế đích danh
Phương pháp này phù hợp với những doanh nghiệp có điều kiện bảo quản
riêng từng lô hàng nhập kho, giá trị hàng xuất kho được tính theo giá thực tế
đích danh của lô hàng khi đó mua.
- Phương pháp nhập trước xuất trước
Theo phương pháp này, giá trị hàng hóa xuất kho được tính trên cơ sở giả
định là hàng nhập vào kho trước sẽ được xuất bán trước, vì vậy giá lượng hàng
xuất kho được tính theo giá thực tế lần nhập đó.
- Phương pháp nhập sau xuất trước
Theo phương pháp này, giá thực tế hàng hóa xuất kho được tính trên cơ sở
giả định lô hàng nhập kho sau sẽ được xuất dùng trước, vì vậy tính giá xuất kho của
hàng hóa được làm ngược lại với phương pháp nhập trước xuất trước.
- Phương pháp giá bình quân
Theo phương pháp này, căn cứ giá thực tế hàng hóa tồn đầu kỳ và nhập trong
kỳ kế toán xác định được giá bình quân của một đơn vị hàng hóa. Căn cứ vào lượng
hàng hóa xuất trong kỳ và giá đơn vị bình quân để xác định giá thực tế xuất trong
kỳ.
Giá thực tế của hàng xuất kho = Khối lượng hàng hóa xuất. Giá đơn vị bình
quân xuất kho
- Phương pháp giá hạch toán
Là phương pháp mà một loại giá ổn định nào đó trong kỳ được dùng để ghi
tạm, có thể là giá kế hoạch hoặc giá thực tế của kỳ trước. Vào cuối kỳ kế toán phải
điều chỉnh từ giá hạch toán và giá thực tế
Giá thực tế của hàng xuất kho = Giá hạch toán hàng hóa xuất kho . Hệ số giá
Hệ số giá được tính cho từng loại, từng nhóm, từng thứ hàng hóa tùy thuộc vào yêu
cầu và trình độ quản lý của doanh nghiệp.
1.2 Kế toán bán hàng
1.2.1 Chứng từ và tài khoản sử dụng
* Chứng từ hạch toán bán hàng
Bao gồm:
Hóa đơn GTGT
Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ
Phiếu xuất kho hàng gửi đại lý
Báo cáo bán hàng, bảng kê bán lẻ hàng hóa
Các chứng từ liên quan khác.....