Nguyên nhân làm biến tướng hệ đào tạo tại chức
(Dân trí) - Nói rằng hệ tại chức là “nồi cơm” của các trường đại học, điều đó
đúng nhưng chưa đủ. Các lớp tại chức được mở một cách tùy tiện như hiện
nay còn làm giàu cho các cơ sở liên kết ở địa phương và làm nghèo cho xã
hội.
Được tham gia giảng dạy tại chức hàng chục năm nay, đi dạy ở hầu hết các tỉnh từ bắc
vào nam, người viết bài này thực sự ngạc nhiên về tốc độ giầu lên một cách nhanh
chóng không chính đáng của nhiều cán bộ phụ trách tại chức ở các trường đại học và
lãnh đạo, cán bộ, giáo viên ở các cơ sở liên kết.
Nghịch lý mà xã hội đang lên án một cách mạnh mẽ là khi “nồi cơm” được bung ra,
người làm tại chức ở đại học và cơ sở liên kết giầu lên, đời sống của giảng viên đại học
được cải thiện thì chất lượng đào tạo của hệ này ngày càng tệ hại.
Học để lấy bằng hay mua bán bằng?
Mọi học viên đã học tại chức đều khẳng định rằng đi học tại chức bây giờ như đi chợ, ai
có tiền đều có thể lấy được bằng đại học, thậm chí cả bằng đại học chính quy (hệ liên
thông?), muốn ngành nào cũng có, không phải tốn nhiều
công sức, không phải vất vả lặn lội đến tận trường đại học ở
Hà Nội hay các đô thị lớn khác; thi cử đã có người lo, bằng
thật 100%, chỉ cần đến “đại lý kinh doanh” là các trung tâm
giáo dục thường xuyên cấp tỉnh thì sẽ thực hiện được.
Vì đào tạo tại chức là siêu lợi nhuận nên các trường đại học thi nhau về địa phương mở
lớp. Có trường đại học ở Hà Nội rải lớp khắp từ Bắc đến Nam. Đặc điểm chung của các
lớp này là sĩ số của lớp không hạn chế, giảng viên được thuê từ nhiều nguồn, trong đó
không ít người chưa đạt chuẩn, thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Học viên tại chức muốn
học kiểu gì, đến lớp hay không đến lớp, muốn kết quả như thế nào cũng có thể được đáp
ứng. Hiện nay có một hệ đào tạo rất lạ hút khá nhiều học viên đó là hệ liên thông từ
trung cấp lên đại học mở tại địa phương, học hành thi cử không khác các lớp tại chức,
được quảng cáo là hệ chính quy, chưa biết thật giả ra sao mà cũng nhiều người lao vào.
Đã từ lâu Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý được các lớp tại chức nên các trường
đại học tha hồ tung hoành, một mình một chợ.
Cơ chế liên kết đào tạo sinh ra nhiều tiêu cực nghiêm trọng
Thi đầu vào của hệ tại chức dù là đề thi của trường đại học hay của Bộ GD-ĐT và được
tổ chức thường xuyên trong năm như trước đây hay theo đợt như hiện nay thì vẫn bị các
trường đại học và các cơ sở liên kết phối hợp thao túng. Ngoài các khoản tiền phải nộp
có phiếu thu theo quy định của trường đại học như tiền mua hồ sơ, lệ phí tuyển sinh,
tiền ôn tập thì thí sinh sẽ phải nộp “tự nguyện” cho các “cai đầu dài” tại cơ sở liên kết
một khoản kinh phí kha khá, họ sẽ có trách nhiệm giúp thí sinh bài vở trong khi thi, bạn
có thể không cần đến lớp ôn tập cho mất thời gian và chắc chắn điểm thi đầu vào của
Lê Duy Linh 1981
bạn sẽ rất cao vì các bài thi đều được chép từ một nguồn và được cung cấp một cách có
tổ chức.
Quá trình học tập được bắt đầu sau ngày khai giảng tại các cơ sở liên kết. Đây là thời
gian kéo dài vài năm. Năm bẩy lớp, thậm chí hàng chục lớp, mỗi lớp có thể trên trăm
học viên tại các cơ sở liên kết do một “cai đầu dài” quản lý. Gọi là “cai đầu dài” vì
những người này đa phần không phải là giáo viên thực thụ và làm nhiệm vụ chủ yếu là
thu các khoản tiền của học viên của lớp. Địa điểm học được thay đổi hàng ngày vì các
cơ sở liên kết đều thiếu phòng học. Các thày cô đại học từ Hà Nội về hay di chuyển từ
một cơ sở khác đến, đi lại khó khăn nên bỏ lớp là chuyện thường xuyên. Chương trình
học được các thày cô cắt xén tối đa. Khi lên lớp thày chỉ dạy qua loa, đại khái vài ngày
là xong một môn học. Phương pháp dạy chủ yếu là đọc chính tả cho học viên chép lấy
tài liệu phục vụ thi. Dù thày dạy hay dở thế nào thì học viên cũng chấp nhận, không có
ý kiến phản hồi vì họ chỉ cần điểm, không cần kiến thức. Tiền giờ của thày bao giờ
cũng được nhận đủ theo giấy báo giảng và kèm theo tiền bồi dưỡng do học viên “tự
nguyện” đóng góp. Không phải tất cả học viên đều đang đi làm nhưng vì là lớp tại chức
nên các thày không yêu cầu cao. Học viên đi học như đi chơi, nếu có việc riêng thì có
thể thuê học hoặc thuê thi một cách dễ dàng, điều quan trọng nhất là anh chị phải nộp
“quỹ lớp” cho đầy đủ để cán bộ lớp chi tiêu. Khi thày về dạy, lớp phải chăm sóc thày
chu đáo, cán bộ lớp phải mời thày những món đặc sản của địa phương, khi thày mệt thì
đưa thày đi tẩm quất cho lại sức và quan trọng nhất phải phong bì đưa thày kha khá để
thày cho đáp án môn thi.
Đến kỳ thi tốt nghiệp thì lớp đã có đầy đủ kinh nghiệm nên đây là công việc nhỏ, mỗi
học viên sẽ phải tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí kha khá nữa là mọi chuyện sẽ
tốt đẹp cả. Quá trình mua bán điểm lại diễn ra như khi thi đầu vào, cũng với phong bì
nặng thì các thày sẽ cho nội dung thi, đề thi mở hoặc đóng không quan trọng vì đáp án
đã có sẵn. Với cách thi như vậy thì ngay cả với những học viên không nhớ đủ tên các
môn học cũng đỗ tốt nghiệp. Câu chuyện không đỗ tốt nghiệp 100% với điểm cao mới
là chuyện lạ.
Những hệ lụy từ kiểu đào tạo tại chức
Có tấm bằng tại chức với chất lượng quá tệ nhưng cũng có một số người được hưởng
lợi lớn, họ được tuyển dụng vào vị trí chủ chốt trong các cơ quan công quyền, được lên
lương, được cất nhắc, bổ nhiệm, thậm chí có người còn tiếp tục làm thạc sỹ, tiến sỹ?!.
Nhưng có rất nhiều con em dân lao động, nông dân nghèo mặc dù tốn khá nhiều tiền
của để có được vài tấm bằng thuộc loại này mà tương lai vẫn mờ mịt vì kiến thức và kỹ
năng chuyên môn không có.
Hệ tại chức được đào tạo như hiện nay gây nên những hệ lụy hết sức nghiêm trọng cho
mọi mặt của đời sống xã hội.
Đạo đức lối sống của một số ông thày xuống cấp, lạm quyền, đòi hỏi, hành học viên dẫn
đến tệ nạn phong bì mà thực chất là tham nhũng và hối lộ càng ngày càng gia tăng.
Với mức thu nhập bình quân đầu người như Việt Nam hiện nay thì tổng chi phí cho một
tấm bằng tại chức đối với người dân lao động là quá lớn, quá lãng phí.Nguồn nhân lực
được đào tạo từ hệ này quá kém về chất lượng.
Hệ tại chức đang nhuộm đen các hệ đào tạo khác: hàng loạt lớp được gọi là liên thông -
nhập nhằng giữa chính quy và tại chức được mở ra tại các cơ sở liên kết đang được đào
tạo một cách bát nháo theo kiểu tại chức như học hộ, thi hộ, gian lận thi cử, ... đang
đánh lừa được khá nhiều con em nhân dân lao động.
Nền giáo dục phổ thông bị ảnh hưởng lớn do hàng nghìn giáo viên các cấp học được
đào tạo từ hệ này mang theo tiêu cực trong khi học tại chức, dẫn đến nạn hối lộ, chạy
lớp, chạy trường diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành.
Ai chịu trách nhiệm về sự biến tướng của hệ tại chức?
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do Bộ Giáo dục - Đào tạo đã giao quyền cho các
trường đại học được liên kết mở lớp đào tạo tại chức với các trung tâm giáo dục thường
xuyên tỉnh là nơi không đủ các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và con người cho
việc đào tạo này. Bộ đã cho phép mở quá tràn lan các lớp như thế, thậm chí nhiều lớp
mang tính đặc thù nghề nghiệp cao cũng cho phép mở ngoài trường đại học và Bộ đã
thả nổi và buông lỏng hoàn toàn trong khâu giám sát và quản lý chất lượng.
Nguyên nhân thứ hai phải kể đến là các trường đại học và các cơ sở liên kết tại địa
phương quá coi trọng nguồn lợi từ các lớp tại chức nên đã cùng nhau “thương mại hóa”
tối đa việc mở lớp để tăng thu nhập, trong đó có nhiều nguồn thu bất chính bất chấp
những quy định ở tất cả các khâu trong quá trình đào tạo của hệ này.
Một nguyên nhân nữa không thể không kể đến là việc nhiều cơ quan công quyền đang
sử dụng và cất nhắc những con người chỉ với tấm bằng tại chức như hiện nay đã làm
cho nhiều người tìm cách mua nó bằng mọi giá không cần đến kiến thức và kỹ năng
tương xứng với nó.
Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng và xác lập đúng vai trò, vị trí của hệ đào tạo không
chính quy nói chung và hệ tại chức nói riêng trong giai đoạn mới xây dựng nền giáo dục
đại học đại chúng trong một xã hội học tập thì điều quan trọng trước hết phải kiên quyết
khắc phục những nguyên nhân làm biến tướng loại hình đào tạo tại chức hiện nay.
Trần Bảo
(Giảng viên đại học)