5 năm thực hiện kế hoạch hành động VSTBPN giai đoạn 2006-2010:
Phấn đấu mỗi cơ sở GD có ít nhất một lãnh đạo là nữ
(GD&TĐ)-Sáng nay (30/12), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Hội nghị
tổng kết 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành GD
giai đoạn 2006-2010 đã diễn ra tại TP.Đà Nẵng. Hội nghị còn có sự tham gia của lãnh đạo các Sở
GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ trong cả nước và gần 100 đại biểu có thành tích trong công tác
VSTBPN.
Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: gdtd.vn
Ông Trần Kim Tự, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD&ĐT), Phó Ban thường trực Ban VSTBPN cho
biết: Từ sự chỉ đạo và triển khai chương trình hành động VSTBPN trong ngành GD giai đoạn 2006-2010
của Bộ GD&ĐT, về cơ bản các đơn vị đã đạt được 5 mục tiêu đề ra và có một số chỉ tiêu vượt mức; nâng
cao được sự nhận thức về công tác VSTBPN của các cấp lãnh đạo, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể
trong nhà giáo và lao động; thực hiện các quyền bình đẳng giới, công tác cán bộ nữ ngày càng đầy đủ, sâu
sắc và toàn diện. Hoạt động VSTBPN, nữ công của ngành GD đã bám sát nhiệm vụ chính trị, đặc trưng
công việc, đặc điểm của từng cơ sở GD…Do đó, đã phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng
đóng góp cao nhất của từng tập thể và cá nhân trên các lĩnh vực quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học
và phục vụ. Đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành GD ngày càng trưởng thành về mọi mặt, đóng góp to
lớn cho ngành và khẳng định được vị thế đối với toàn xã hội.
Phó Vụ trưởng Trần Kim Tự đặc biệt nhấn mạnh kết quả thực hiện các mục tiêu về quyền bình đẳng của
phụ nữ trong lĩnh vực lao động và việc làm, trong lĩnh vực GD&ĐT và chăm sóc sức khỏe.
Trong 5 năm qua, đội ngũ nữ nhà giáo và lao động có bước phát triển toàn diện cả về số lượng và chất
lượng. Tính đến cuối năm 2009, trong tổng số 1.044.035 nhà giáo trực tiếp giảng dạy thì có đến 814.558
giáo viên nữ (chiếm tỉ lệ 74,8%), có 96% nữ giáo viên đạt chuẩn đào tạo GD phổ thông và trên chuẩn 25%.
Trong các trường ĐH, HV, CĐ có 29.116 nữ giảng viên (46,6%)…Tại nhiều địa phương, đơn vị (như tỉnh
Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Phú Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang…) nữ cán bộ, giáo viên được đi đào tại
lại về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng lý luận chính trị đạt trên 40%.
Phó Vụ trưởng Trần Kim Tự cũng nêu ra một số chỉ tiêu chưa có khảo sát đánh giá cụ thể, khó lượng hóa,
như chỉ tiêu “Tạo điều kiện để các nữ giáo viên được trang bị đầy đủ điều kiện để tiếp nhận công việc khác
khi không đủ khả năng tiếp tục giảng dạy”; “Có ít nhất 40% số tuyển mới của tất cả các loại hình đào tạo
cho người lao động là nữ (trong đó, ít nhất 25% số tuyển mới của đào tạo nghề là nữ)”; chỉ tiêu “Có ít nhất
60% số tuyển mới hàng năm hệ trung học y tế thuộc ngành sản khoa là nữ”.
Đây cũng là những vấn đề được nêu ra trong nội dung của hơn 20 bài báo cáo tham luận từ các đơn vị tại
Hội nghị. Ngoài ra, các đại biểu còn đưa ra ý kiến tập trung làm rõ những vấn đề hoạt động của Ban
VSTBPN ở cấp cơ sở, những khó khăn trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, đồng thời, tiến hành xác
định nguyên nhân và nêu lên những bài học kinh nghiệm, giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện kế
hoạch hành động VSTBPN.
Th.S Nguyễn Thị Anh Phương -Trưởng Ban VSTBPN, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng, nêu ý kiến: Kế
hoạch hành động nên chú trọng và thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe, môi
trường làm việc của cán bộ nữ, GV, học sinh nữ ở vùng sâu, vùng xa. Đa dạng hóa các loại hình hoạt động
chăm lo đời sống của nữ nhà giáo và lao động trong ngành bằng việc xây dựng các loại quỹ. Theo đó, để
nâng cao nôi lực của mỗi cá nhân, động viên chị em phấn đấu trong công tác thì cần xem trọng khâu kiểm
tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động.
Th.S Đoàn Thị Bảy, Phó Giám đốc-Trưởng ban VSTBPN ngành GD&ĐT tỉnh Cà Mau, đưa ra đề xuất: “Phải
tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức về giới và VSTBPN cho tất cả các đối tượng là CB, GV, NV, và
HS bằng nhiều hình thức khác nhau. Đối với các thành viên của Ban cần được trang bị những kỹ năng, tiến
hành tập huấn, bồi dưỡng các kiến thức để thực thi nhiệm vụ. Bởi vì, hiện nay các thành viên của Ban đang
làm việc chủ yếu bằng kinh nghiệm và tùy tiện, nhiều khi còn phó mặc cho nữ công”.
Bà Phạm Thị Trinh Phó Giám đốc-Trưởng ban VSTBPN ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum, đề xuất: “Bên cạnh
quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, thì kế hoạch hành động cần cung cấp
thêm kinh phí và giải quyết vấn đề mà các thành viên của Ban khi hoạt động mà bị chi phối bởi công tác
chuyên môn”.
Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao những kết quả thực hiện kế hoạch hành
động VSTBPN mà toàn ngành GD&ĐT thực hiện trong 5 năm qua. Qua đó, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT,
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa sẽ tiếp thu và báo cáo với cấp ủy Đảng về ý kiến phát biểu đề xuất, kiến nghị
của các đại biểu. Từ việc rút kinh nghiệm trong công tác thực hiện các mục tiêu của kế hoạch hành động
VSTBPN ngành GD&ĐT giai đoạn 2006-2010, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề ra những nhiệm vụ cụ thể
trong giai đoạn 2011-2015, với những nội dung:
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá
nhân. Ảnh: gdtd.vn
Công tác VSTBPN trong ngành cần tập trung tham mưu, nghiên cứu từ các đơn vị để Ban cán sự Đảng bộ
ban hành chủ trương để thực hiện tốt Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong toàn ngành Luật Bình đẳng giới; luật Phòng chống bạo lực gia đình,
Công ước CEDAW và các kế hoạch hành động VSTBPN giai đoạn 2011-2015 của Ủy ban Quốc gia
VSTBPN. Vận động nữ nhà giáo và lao động trong ngành tiếp tục thực hiện phong trào học tập, nâng cao
trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị…
Phấn đấu đến hết giai đoạn 2011-2015, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý cấp Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ;
các Sở, đơn vị trực thuộc Sở; các ĐH quốc gia; trường ĐH, CĐ, TCNN có ít nhất 01 đồng chí là nữ. Đồng
thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động VSTBPN hằng năm. Phát hiện ra những khó
khăn, vướng mắc để có kế hoạch giải quyết, tháo gỡ nhằm thực hiện thành công các chỉ tiêu kế hoạch
hành động VSTBPN của toàn ngành GD&ĐT.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng bày tỏ sự chia sẽ, cảm thông sâu sắc đến với đội ngũ nữ CB, GV. NV,
HS đang công tác tại các vùng sâu, vùng xa và những vùng khác có điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn,
thiếu thốn.
Kết thúc Hội nghị, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trao tặng Bằng
khen cho 39 tập thể và 46 cá nhân đã có nhiều thành tích trong việc triển khai thực hiện kế hoạch hành
động VSTBPN ngành GD&ĐT giai đoạn 2006-2010.
Phan Đại Thắng
,