Nằm gai, nếm mật
"Nằm gai nếm mật" do chữ "Ngọa tân thường đảm".
Đời Xuân Thu (722-479 trước D.L.), hai nước Ngô và Việt đánh nhau. Sau trận đại bại tại Cối Kê, vua Việt là Câu
Tiễn phải mình trần sang lạy vua Ngô là Phù Sai xin hàng. Ngô vương bắt vợ chồng Câu Tiễn phải sang Ngô làm con
tin, có quan Tướng Quốc là Phạm Lãi theo hầu. Cả ba đều bị giam trong ngục đá.
Hằng ngày vợ chồng Câu Tiễn và Phạm Lãi phải cắt cỏ, hốt phân ngựa, gánh nước rửa dọn chuồng ngựa, kiếm củi nấu
cơm... Suốt thời gian ba năm, chúa tôi sống một cách vô cùng vất vả cực nhọc, những vẫn bền chí đợi thời.
Một hôm vua Ngô đau, Câu Tiễn nghe theo lời của Phạm Lãi là chịu nếm phẩn của vua Ngô để được vua Ngô tin kẻ
hàng giữ dạ trung thành. Nhờ đó mà cả ba được phóng thích về nước.
Được trở về cố quốc, nhớ đến nỗi thất bại nhục nhã và bị giam cầm làm nô lệ, Câu Tiễn vô cùng căm uất, lòng canh
cánh mưu toan báo thù. Tướng quốc Phạm Lãi nói:
- Chúa công chớ lúc nào quên cái nhục ở ngục đá thì mới có cơ báo thù được nước Ngô.
Câu Tiễn đáp:
- Xin vâng lời dạy bảo!
Bấy giờ giao quốc chính cho Văn Chủng, giao quân chính cho Phạm Lãi, nhà vua tôn hiền đãi sĩ, kính người già,
thương kẻ nghèo, đối xử trăm họ như anh em nên được mọi người mến phục.
Đến mùa làm ruộng, Câu Tiễn cũng vác cày đi càỵ Vương phi Câu Tiễn cũng chăm việc dệt cửi. Cùng đám dân chia sự
lao khổ, ăn mặc rất tiết kiệm.
Muốn gấp báo thù, Câu Tiễn cố sức chăm chỉ làm việc suốt ngày đêm. Khi nào buồn ngủ thì lấy cỏ lục (rau răm) xoa
vào mắt cho cay làm mắt phải mở. Chân lạnh muốn co thì dầm nước lạnh. Mùa đông lạnh thì ôm giá. Mùa hè nóng nực
thì ngồi bên lửa. Bỏ cả giường nệm, lấy gai lấy củi lót nằm. Quả mật luôn luôn treo ở chỗ ngồi, chỗ nằm, thỉnh thoảng
lại nếm một ít như để nhắc lại nỗi tủi nhục, khổ đau. Đêm nào cũng sùi sụt khóc. Khóc chán lại thở dài. Hai chữ "Cối
Kê" lúc nào cũng lẩm nhẩm ở miệng.
Theo 7 kế phá Ngô của Văn Chủng, mới thi hành được 3 thì nước Việt hưng thịnh, nước Ngô suy. Cuối cùng nước
Việt báo được thù, thôn tính nước Ngô, và vua Ngô tự tử.
Trong bài "Văn tế trận vong tướng sĩ" của Nguyễn Văn Thành đời vua Gia Long, có câu: "Nằm gai nếm mật chung nỗi
ân ưu; mở suối bắc cầu riêng phần lao khổ".
"Nằm gai nếm mật" có nghĩa chịu những việc lao khổ để trả thù cho kỳ được là do điển tích trên.
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Thanh Minh là tên một thời tiết, tức là một khoảng thời gian phân định sẵn trong lịch Tàu.
Lịch cổ nước Tàu chia một năm ra làm 8 tiết, gọi là "Bát tiết": lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân
phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
Lịch Kim (tức là lịch đời Hán trở lại) của Tàu thì chia năm ra làm 24 Khí hoặc Tiết. Cứ ba ngày là một Hậu; 5
Hậu là một Khí hoặc Tiết. Một năm có 24 Khí hoặc Tiết. Mỗi tháng chia làm 2 Khí. Khí nhằm vào những
ngày đầu tháng thì gọi là Tiết Khí. Khí nhằm vào giữa tháng thì gọi là Trung Khí. Tiết Khí và Trung Khí
thường gọi tắt là Tiết và Trung.
Đầu thời Hán lấy tiết Kinh trập làm "Chính nguyệt trung" (tức là khí vào giữa tháng giêng), lấy Vũ thủy làm
"nhị nguyệt tiết" (tức là khí vào đầu tháng hai). Cuối đời Hán, Lưu Hầm làm Tam thống đổi Kinh trập làm
"Nhị nguyệt tiết" (khí vào đầu tháng hai), Vũ thủy làm "Chính nguyệt trung" (khí vào giữa tháng giêng), Cốc
vũ là "Tam nguyệt tiết" (khí đầu tháng ba); Thanh minh làm "Tam nguyệt trung" (khí giữa tháng ba).
Lịch Tàu ngày nay tức là sau đời nhà Hán thì chia Thanh minh làm Tam nguyệt tiết (khí vào đầu tháng ba).
Hai mươi bốn tiết khí trong một năm là:
Mùa xuân: Lập Xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ.
Mùa hạ: Lập Hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.
Mùa thu: Lập Thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng.
Mùa đông: Lập Đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.
Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả cảnh Thanh minh có câu:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
"Thanh minh trong tiết tháng ba" là do câu "Thanh minh tam nguyệt tiết" nghĩa là: Tiết thanh minh đầu tháng
ba.
Theo cách dùng thuật ngữ của Tàu thì chỉ nói "Tiết tháng ba" hay "Tam nguyệt tiết" tức "Tam nguyệt khí tiết"
là người ta hiểu ngay là nói đầu tháng ba. Vì tiết đây là tiết khí nói tắt, mà tiết khí nghĩa là thời tiết nhằm đầu
tháng. Vậy thì "trong tiết tháng ba" có nghĩa là "vào đầu tháng ba".
Tục Tàu, nhân tiết Thanh minh, người ta tổ chức lễ thăm mộ gọi là "Lễ tảo mộ", tức là lễ quét tước sửa sang
mồ mả. Và, nhân lễ tảo mộ ngoài đồng, mà tự nhiên có hội gọi là "hội đạp thanh" tức là hội giẵm trên đám cỏ
xanh ở ngoài đồng.
Cổ thi của Tàu có bài:
Xuân du thanh thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm huỳnh hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
LÁ THẮM CHỈ HỒNG
Thành ngữ "lá thắm chỉ hồng " biểu thị cái duyên số tiền định của vợ chồng,là lời nói hộ tình yêu cho những lứa
đôi.Thành ngữ này được hình thành từ sự giao kết giữa hai câu chuyện tình thuở xưa.
Lá thắm: Do chữ Hồng diệp. Vu Hựu, đời Đường, một hôm đi chơi, bắt được chiếc lá đỏ trôi trên ngòi nước từ cung
vua chảy ra. Trên lá có đề một bài thơ, Vu Hựu bèn để lại hai câu thơ vào chiếc lá đỏ khác, rồi đem thả nơi đầu ngòi
nước, cho trôi vào cung vua. Hàn thị, người cung nữ thả lá đỏ khi trước, lại bắt được lá đỏ của Vu Hựu. Về sau, nhờ
dịp vua phóng thích cung nữ, Vu Hựu lấy được Hàn thị.Về sau,Vu Hựu thấy chiếc lá có bài thơ của mình trong hộp đồ
trang sức của vợ.Ngay lập tức,chàng lấy chiếc lá thắm có bài thơ của người cung nữ đưa cho Hàn Thị xem.Hai vợ
chồng hết sức ngạc nhiên trước sự ngẫu nhiên hiếm có này.Anh trai họ của Hàn Thị tổ chức tiệc rượu,ép Hàn Thị làm
thơ tả lá thắm.Bài thơ được ứng tác rất nhanh:
Câu thơ tuyệt diêu theo dòng nước
Ôm hận mười năm ngỏ với ai.
Nay được vui vầy loan cánh phượng
Khen thay lá thắm mối manh tài.
Trong truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có câu:
Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.
Chỉ hồng: Do chữ xích thằng (sợi dây đỏ) theo sách Tục U quái lục: Vì Cố, người đời Đường, đi cầu hôn, vào nghỉ
quán trọn, gặp một ông già ngồi dưới bóng trăng, mở cái túi vải, đang kiểm sổ sách. Vi Cố hỏi, ông già trả lời: Đây là
sổ sách hôn nhân, và chiếc túi vải này dùng đựng những dây đỏ (xích thằng) dùng để buộc chân đôi vợ chồng.Cụ già
phán với chàng rằng số chàng phải lấy một cô bé lúc này mới lên ba thường theo mẹ bán rau ở chợ.Sợi chỉ ấy đã buộc
chân chàng với cô bé kia.Dù ghét bỏ ,xa cách nhau đên mấy cũng phải lấy nhau.
Về nhà ,chàng thuê người đi giết cô bé nhưng sự chẳng thành.
Về sau chàng lấy vợ,là con một ông quan trong triêu.Lấy vợ được mười năm,chàng mới nhận ra vợ mình là cô bé bán
rau ngày xưâ và nay đã trở thành con nuôi của viên quan trong triều.Rõ là Vi Cố không thoát được sự ràng buộc chân
của sợi chỉ hồng trong túi cụ già ngày xưa.
Do điển này mà có những danh từ: "chỉ hồng", "tơ hồng" để chỉ việc nhân duyên vợ chồng, và "Nguyệt lão" (ông già
dưới trăng), "Trăng già", "ông Tơ", để chỉ người làm mối mai. Tục xưa: khi cưới vợ, thường làm lễ Tơ hồng, tức là tế
ông Nguyệt lão xe dây đỏ đó.
BÁ NHA, TỬ KỲ
Trên đường đi sứ từ nước Sở trở về, quan Thượng Ðại phu Bá Nha, đời Tống (Trung Quốc) qua vàm sông
Hàn Dương, trên bờ là núi Mã An, trăng trung thu sáng tỏ; ông truyền lệnh dừng thuyền lại để ngắm cảnh
đẹp. Bá Nha chơi đàn tuyệt hay, ai nghe cũng ngơ ngẩn, cây cỏ đắm say, song ông vẫn buồn và cảm thấy cô
đơn; có ai hiểu hết tiếng đàn cao đẹp sâu xa của ông. Ông gửi vào tiếng đàn lý tưởng cuộc sống, tình yêu,
khát vọng, giấc mơ. Dưới trăng thu, Bá Nha ôm cây đàn, lựa dây gẩy một khúc. Khúc nhạc đang ngân vang
rộn rã thì đàn đứt một dây. Ông ngạc nhiên thầm nghĩ: '' Lạ lùng thật, ở nơi vắng vẻ, thâm u này lẽ nào có
người biết nghe đàn ta khiến dây đàn ta phải đứt. Hay là có kẻ độc ác nào manh tâm hại ta, nên đàn đứt dây?
Ông truyền lệnh cho quân lên bờ tìm bắt kẻ gian phi. Chỉ thấy một chàng tiều phu trẻ tuổi đang ngồi trên
phiến đá, bên gánh củi, đang đắm đuối trong một giấc mơ. Biết vậy, quan gọi lên bờ hỏi; chàng đốn củi đáp:
Thưa đại nhân, tôi đâu phải người độc ác; tôi gánh củi qua đây, thấy tiếng đàn hay tuyệt vời, nên đứng lại
nghe''. Bá Nha mỉm cười chế giễu: '' Người biết nghe đàn của ta? Nơi đây hoang vu, lẽ nào có một chú tiều
phu biết nghe đàn?''. Chàng trẻ tuổi nói: ''Thưa đại nhân, tôi nhớ người xưa bảo: Hễ trong nhà có quân tử, thì
ngoài cổng có quân tử đến chơi. Nếu nơi núi sông hoang vắng này không có người biết nghe đàn, thì hỏi tại
sao nơi đó lại có người biết đánh đàn?''. Ðể thử thật hư, Bá Nha hỏi: ''Vậy vừa rồi, ta gẩy đàn bài gì mà ngươi
dừng lại nghe?''. ''Dạ, tôi vừa nghe những tiếng đàn buồn bã. Ðàn kể chuyện Khổng Tử thương tiếc người
hiền Nhan Hồi còn trẻ mà tóc đã bạc, xách giỏ cơm bầu nước, sống cuộc đời trong sạch''. Bá Nha kinh ngạc
vô cùng; đúng như vậy, ông vừa chơi bản nhạc lấy cảm hứng ở cuộc đời thanh bạch của Nhan Hồi. Ông vội
xin lỗi chàng tiều phu và mời chàng xuống thuyền uống rượu, nghe đàn. Bá Nha thay dây đàn, rồi chìm đắm
trong cảm hứng cao siêu của một lý tưởng đầy tình nhân đạo, ông gảy một bản đàn réo rắt. Nghe hết bản
nhạc, chàng tiều phu reo lên: ''Ôi tuyệt, thật tuyệt, tiếng đàn cao vòi vọi lướt trên đỉnh núi'. Bá Nha giật mình
nhìn chàng: thật thế, ông vẫn mơ màng đến những ngọn núi cao. Ông lại say sưa đánh bản đàn khác, lấy cảm
hứng ở một giấc mơ rạo rực mênh mông. Chàng tiều phu lại reo: ''Ôi tuyệt, thật tuyệt, tiếng đàn cuồn cuộn
mênh mông như nước chảy''. Bá Nha kinh hãi, lệ quanh khoé mắt. Ông đứng dậy xốc áo và cầm tay chàng trẻ
tuổi nói: ''Xin chàng thứ lỗi và cho biết quý danh; từ nay xin kết bạn tri âm''. Chàng tiều phu, nét mặt hớn hở,
con mắt long lanh, xưng tên là Chung Tử Kỳ. Bá Nha quý người trai tài hoa, ngỏ ý mời chàng về thành đô;
đôi bạn sẽ cùng nhau vui sống. Tử Kỳ buồn rầu thưa: ''Tôi xin cảm tạ tấm lòng nhân ái của ngài, tôi còn cha
mẹ già, tôi phải ở lại phụng dưỡng''. Bá Nha hẹn đến ngày này sang năm sẽ trở lại nơi này, đón cả gia quyến
Tử Kỳ về kinh đô. Hai bên từ biệt nhau, vừa sung sướng vừa xúc động. Bá Nha tìm được người tri kỷ, Chung
Tử Kỳ được nghe đàn.
Mùa thu năm sau, đúng ước hẹn, Bá Nha đi thuyền trên sông Hàn Dương, dừng lại bên núi Mã an. Vẫn cảnh
tịch mịch hoang vu, vẫn vầng trăng tỏ. Song Bá Nha không thấy bạn cũ. Bá Nha lo lắng, một linh cảm khiến
ông bồn chồn, nhìn mấy gò đống trên bờ sông, ông cùng mấy người hầu vội vã lên bờ, tìm hỏi nhà Chung Tử
Kỳ. Ðến nơi, cửa nhà vắng vẻ. Một ông cụ chống gậy bước ra, đón khách vào ngồi trên chõng tre; ông cụ lau
nước mắt kể lại những ngày cuối cùng của Tử Kỳ con trai ông. Chung Công nói tiếp: ''Cháu dặn hai, ba lần
phải chôn cháu nơi bờ sông Hàn Dương, cạnh núi Mã An, để giữ lời hẹn năm ngoái''. Bá Nha thương xót vô
cùng. Ông cùng Chung Công ra mộ Tử Kỳ, khóc lóc rất thảm thiết. Ông lấy cây đàn, so dây to, dây nhỏ.
Tiếng đàn cất lên nỉ non kể cuộc gặp gỡ thần kỳ năm ngoái. Nước mắt Bá Nha rơi lã chã. Ðàn xong, ông đập
đàn vào một tảng đá; đàn vỡ tan nát. Từ ngày ấy không ai nghe thấy thiếng đàn của Bá Nha nữa.
Rằng: ''Nghe nổi tiếng Cầm đài,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ''
(Truyện Kiều)
Than rằng: ''Lưu thuỷ cao san,
Ngày nào nghe động tiếng đàn tri âm...''
(Lục Vân Tiên)
''Nước non'', ''lưu thuỷ'', ''cao san'' nhắc đến những lời bình của Chung Tử Kỳ khi nghe Bá Nha đánh đàn dưới
thuyền. ''Bá Nha, Chung Kỳ'' chỉ tình bạn tri kỷ.
Nghiêng nước nghiêng thành
Đời Vũ Đế nhà Hán (140-86 trước D.L.), có một người phường chèo tên Lý Diên Niên múa hát rất giỏi.
Được hầu trong nội điện, cung vi của nhà vua, Lý Diên Niên được nghe vua thường than thở:
- Trẫm lập đền Minh Quang, kén hai ngàn mỹ nhân ở vùng Yên Triệu. Nhỏ nhất 15 tuổi, quá 30 tuổi sa thải
cho lấy chồng. Thế mà, trong chốn dịch đình có trên 10 ngàn mỹ nhân vẫn chưa thấy ai đẹp cho vừa lòng
trẫm. Thật là thiên hạ thiếu giai nhân tuyệt sắc.
Lý Diên Niên có một em gái sắc đẹp tuyệt trần, thường ra vào hầu hạ Bình Dương công chúa. Một hôm, nhân
dịp múa hát chầu Vũ Đế, Lý Diên Niên hát:
Phương bắc có giai nhân
Tuyệt vời đứng riêng bực,
Một liếc, người nghiêng thành.
Hai liếc, người nghiêng nước.
Lẽ nào không biết được
Người đẹp thành nước nghiêng,
Người đẹp khó tìm gặp.
Nguyên văn:
Bắc phương hữu giai nhân
Tuyệt thế nhi độc lập.
Nhất cố khuynh nhân thành;
Tái cố khuynh nhân quốc
Khởi bất tri
Khuynh thành dữ khuynh quốc
Giai nhân nan tái đắc.
Nghe hát, Hán Vũ Đế thở dài, than:
- Thế gian lại có người đẹp đến thế chăng?
Bình Dương công chúa nhân đứng hầu bên cạnh nhà vua liền tâu:
- Diên Niên có người em gái đẹp tuyệt trần, còn hơn người trong bài hát ấy nữa.
Nhà vua truyền đòi người đẹp vào cung, xem mặt. Quả là một bực giai nhân tuyệt sắc, lại giỏi nghề múa hát,
làm cho nhà vua càng mê mẩn tâm thần, liền phong làm phu nhân. Từ ấy, nhà vua chỉ say sưa đắm đuối bên
mình nàng, không còn tha thiết đến một ai nữa. Năm sau, nàng hạ sinh được một con trai.
Một hôm, nàng lâm bịnh nặng, Hán Đế đến tận giường bịnh thăm hỏi. Nàng kéo chăn che kín mặt, tâu:
- Thiếp đau từ lâu, hình dung tiều tụy, không dám đem cái nhan sắc ủ dột tàn phai ra mắt đấng quân vương.
Thiếp chỉ xin gởi lại nhà vua một đứa con bé nhỏ và mấy người anh em của thiếp.
Hán Đế ngậm ngùi bảo:
- Phu nhân bịnh nặng không thể qua khỏi được thì hãy giở chăn cho ta nhìn mặt, há chẳng làm cho ta được
thỏa lòng sao?
Nàng vẫn che kín mặt, từ tạ:
- Theo lẽ quân thần, phu phụ, đàn bà mặt không sạch, không được ra mắt quân phụ. Vậy thiếp xin nhà vua tha
thứ cho.
Nhà vua cố nài nỉ. Nàng vẫn thở dài úp mặt vào trong, không nói năng gì, vẫn giữ chặt lấy chăn.
Vũ Đế tức quá, đứng phắt dậy ra về.
Nhiều người sợ nhà vua giận, nên có ý trách nàng. Nàng trả lời:
- Đàn bà là kẻ chỉ hay lấy nhan sắc thờ chồng. Nhan sắc kém, tình duyên sẽ phai nhạt, và tình yêu sẽ kém.
Nhà vua quyến luyến ta chỉ vì nhan sắc xinh đẹp lúc mạnh. Nay ta đau, nhan sắc suy kém, so với thiên hạ ta là
kẻ xấu xa. Nhìn mặt ta, nhà vua sẽ chán thì khi nào còn tưởng nhớ đến ta mà ban ân huệ cho anh em ta nữa.
Sau đó nàng chết. Vua Vũ Đế chôn cất nàng rất hậu, lại truyền họa sĩ vẽ hình nàng treo ở cung Cam Tuyền,
phong cho anh em nàng quan tước cao.
Ngày tháng qua nhưng hình bóng người đẹp vẫn lởn vởn trước mắt, và mối tình thương nhớ vẫn canh cánh
bên lòng... mà nhà vua không tìm thấy thú vui, người đẹp nào bằng người đã khuất.
Đời nhà Đường (618-907), vua Đường Minh Hoàng dắt Dương Quí Phi thưởng hoa mẫu đơn ở đình Cẩm
Hương, sai người vời Lý Bạch đến bắt dâng ngay ba bài "Thanh Bình điệu". Lý còn say rượu nhưng cầm bút
viết luôn ba bài. Bài thứ ba có câu:
Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan,
Thường đắc quân vương đới tiếu khan.
Nghĩa:
Danh hoa nghiêng nước sánh đôi vui,
Để xứng quân vương một nụ cười.
Chữ "khuynh quốc" để chỉ cái đẹp tuyệt với của Dương Quí Phi.
Trong "Đoạn trường tân thanh", thi hào Nguyễn Du tả sắc đẹp nàng Kiều cũng có câu:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
"Nghiêng nước, nghiêng thành" xuất sứ ở bài hát của Lý Diên Niên.
Kết cỏ ngậm vành
Kết cỏ ngậm vànhĐời Xuân Thu (551-479 trước D.L.), tướng nước Tần là Đỗ Hồi, đem quân sang đánh
nước Tấn.
Hồi vốn là một lực sĩ, răng nhọn hoắc, mắt tròn xoe, tay cứng như đồng, mặt đen tựa sắt, râu xồm tóc quăn,
thân cao to lớn, chuyên sử dụng cây Khai Sơn đại phủ (búa to) nặng 120 cân, người giống Bạch Địch. Đã có
lần ở Thanh Mi Sơn, Đỗ đâm chết luôn 5 con hổ, lột da đem về. Và, cũng có lần, Đỗ chỉ huy 300 quân mà
phá vỡ được hơn 10 ngàn quân giặc ở Sa Nga Sơn. Uy danh càng lừng lẫy.
Tướng của nước Tấn là Ngụy Khỏa đem binh ra nghinh chiến. Đỗ Hồi dẫn 300 quân xông vào mặt trận, múa
cây Khai Sơn đại phủ tung hoành chém giết. Búa đến đâu là đầu rơi long lóc. Quân Tấn chết nằm ngổn ngang
như rạ.
Ngụy Khỏa vội vàng rút quân, đóng chặt cửa thành, giữ lấy thế thủ. Mặc cho Đỗ Hồi đến khiêu chiến, chửi
rủa thậm tệ suốt cả mấy ngày. Vừa lúc ấy có em của Ngụy Khỏa là Ngụy Kỳ vâng lịnh vua Tấn đem binh tiếp
ứng. Khỏa thuật cả việc lại. Kỳ không tin, hôm sau đem quân ra nghinh chiến.
Đỗ Hồi lại múa búa, tả xông hữu đột, chém giết quân Tấn tơi bời, máu chảy tợ suối. Ngụy Kỳ thua to. May
nhờ có Khỏa liều thân đem quân tiếp cứu mới về được thành.