Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Bài soạn Một số cách bình giảng thông thuờng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (94.61 KB, 5 trang )

Một số cách thức giảng bình quen thuộc
Xin giới thiệu tới quí thầy cô một số phương pháp bình giảng áp dụng trong giảng dạy các tác phẩm
văn học.
(1) Lời bình có thể bằng hình thức một lời tâm sự, một hồi ức hay một câu
chuyện tưởng là chủ quan nhưng chứa đựng cảm xúc và đánh giá thẩm mĩ có ý
nghĩa khái quát và có sức gợi rất sâu xa. Chẳng hạn, bình hai câu thơ “Sống
trong cát chết vùi trong cát / Những trái tim như ngọc sáng ngời” của Tố Hữu,
Hoài Thanh viết: “ Khi đọc đến câu “Sống trong cát chết vùi trong cát”, tôi tưởng
chừng như nghe lại câu nói ghê người của Kinh Thánh đạo Gia Tô : “Thân cát
bụi trở về cát bụi”, một câu nói đè nặng lên đời sống của hàng triệu người trong
hàng nghìn năm và đã đè nặng lên đời sống của tôi trong những năm dài thê
thảm. Tôi có cảm giác lại như sắp rơi vào vực thẳm của những tư tưởng chán
chường tuyệt vọng. Tôi không ngờ tiếp theo đó lại là câu : “Những trái tim như
ngọc sáng ngời”. Bàn tay rất khỏe của nhà thơ đã giữ tôi cùng đứng lại với anh
trên miệng vực. Thiếu nhiệt tình, thiếu lạc quan cách mạng, không thể đứng
vững như thế này ở nơi biên giới giữa thiên đường và địa ngục”.
Giảng bình hai câu thơ “Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc ; / Nhà ngặt, đèn xanh,
con mắt xanh.” của Nguyễn Trãi, Xuân Diệu viết: “Năm 1957, khi Quốc âm thi
tập vừa được phát hiện lại, [...] bản thân tôi đã hào hứng đem ngay thơ Nguyễn
Trãi vào quần chúng, giới thiệu những bài, những câu hay nhất. Khi ấy, với thiện
chí rõ rệt, nhưng rõ ràng là tùy tiện, muốn cho hai câu thơ trên đọc êm tai, được
thính giả chóng lĩnh hội và dễ thích ngay, tôi đã chữa đi, đọc thành “Tuổi già, tóc
bạc, chòm râu bạc…” và tự đắc ý với sự “cải tiến” đó. Hai tuần sau, tôi nằm
chiêm bao tưởng thấy Ức Trai tiên sinh trong mộng, Ức Trai bảo tôi: “- Này, đồng
chí Xuân Diệu, ai cho đồng chí chữa thơ tôi ? Tôi già bao giờ, mà đồng chí bảo
là tôi già. Đồng chí là một người cộng sản, mà đồng chí chấp nhận sự già của
tâm trí à ? Tôi nhiều tuổi, thì tuổi tôi nó chất lên, nó cao, chứ tuổi tôi không già!...”
Ức Trai mới nói tới đó, thì tôi chợt tỉnh dậy và tôi nghĩ tiếp: Lại còn sự dốt nát mà
tùy tiện của mình nữa, dám đổi “cái râu bạc” thành ra “chòm râu bạc”. Ôi! Nếu
Nguyễn Trãi “tuổi già, tóc bạc, chòm râu bạc”, thì Nguyễn Trãi vừa khom lưng
bước vừa vuốt chòm râu một cách bùi ngùi an phận, một cách đầu hàng, thì bọn


gian nịnh dưới thời Lê Thái Tông đã để cho Nguyễn Trãi sống, đâu cần đem ra
mà giết. Chính tại vì Nguyễn Trãi không công nhận tuổi mình già, mà nó chỉ
“cao” thôi, và đáng lẽ câu thơ muốn đúng bằng trắc, phải là “chòm râu bạc”, thì
Nguyễn Trãi đang tiến bằng êm ả xuôi lơ, lại đặt tiếng trắc ; cái râu bạc, tức là
vừa vuốt râu, vừa hất hàm quắc mắt và lắc đầu ; à! Nhà ngươi cứng đầu à, cái
đầu ngang bướng chống lại chúng tao, chúng tao đưa ra chặt, và chặt đầu cả ba
họ! Ôi, văn chương gắn liền với tính mạng, “cái râu bạc” của Nguyễn Trãi hiên
ngang biết chừng nào, mà lại hiên ngang đến từng mỗi một sợi, can trường ngạo
nghễ đến mức bọn gian thần phải quyết liệt phủ định! Sao lại đem một “chòm râu
bạc” tội nghiệp, thảm hại, mà thay vào!”
(2) Lời bình cũng có thể là một lời khen, chê trực tiếp nhưng có ý nghĩa khái
quát về giá trị bài văn, bài thơ. Chẳng hạn, khi bình mấy câu thơ trong bài Việt
Bắc của Tố Hữu, Hoài Thanh nhận xét : “Hãy cùng nhau đọc lại một ít câu trong
phần đầu bài Việt Bắc:
Mình đi có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai
Mình về rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng măng mai để già
Lời thơ cứ tự nhiên đi vào tâm trí ta như những gì vốn rất xưa trong đời sống
của dân tộc. Nhưng thực ra không có một cái nhìn mới về cuộc đời, về con
người, không thể có những lời thơ ấy. Cho nên xưa mà mới. Mới thực sự, không
phải mới một cách rẻ tiền và lộ liễu.”
Bình về một bài thơ trong “Nhật kí trong tù”, Xuân Diệu nhận xét: “Khi người bạn
tù của Hồ Chủ tịch đắp một cái chăn bằng giấy, Nhật kí có hai câu thơ trần trụi
mà xót xa : “Sách xưa, sách cũ bồi thêm ấm, / Chăn giấy còn hơn chẳng có
chăn”. Một vài câu thơ giản dị như thế mà sâu thăm thẳm một lòng nhân đạo, rất
mực yêu thương trân trọng con người, đó là cái chất lớn trong thơ Nhật kí trong
tù”.

(3) Giảng và bình có thể theo hình thức so sánh, đối chiếu. Chẳng hạn,
bình mấy câu thơ thề ước dưới trăng trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Hoài
Thanh viết: “Trong Truyện Kiều có cái cảnh đêm thề ước xưa nay nhiều người
thích :
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Cảnh thề ước trong quyển truyện của Thanh Tâm Tài Nhân không có trăng.
Cảnh thề ước trong Hoa Tiên có trăng. Nhưng trăng trong Hoa Tiên khác :
Chứng trên vặc vặc vầng trong
Lại ghi Hương Nguyệt trên dòng cuối trang.
Trăng trong Hoa Tiên chỉ đóng vai trò làm chứng, chỉ làm một thứ công
việc hành chính. Câu thơ Hoa Tiên khép chặt. Câu thơ Truyện Kiều, với vần
“trời” ở cuối, ngân mãi không thôi. Nó mở ra cả một khoảng trời bát ngát. Giữa
cảnh trời đất bao la ấy, một đôi thanh niêm nam nữ cố dựa vào nhau, gắn bó với
nhau để giữ lấy cái hạnh phúc to lớn vừa chợt đến với họ như trong một giấc
mơ. Nhưng trời đất bao la quá mà họ thấy mình bé bỏng quá. Nguyễn Du cũng
thấy họ bé bỏng quá. Trong cái thiết tha gắn bó với nhau như đã có cái đau xót
trước những cảnh tan vỡ, điêu linh không thể nào tránh được”.
Xuân Diệu bình hai câu thơ trong “Truyện Kiều” sau đây cũng bằng hình
thức so sánh, đối chiếu:
“Cùng xuất phát ở hai câu thơ chữ Hán :
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Truyện Kiều viết:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Hoa tiên viết:
Mừng xuân đào hãy ngậm cười,
Vẻ hồng trơ đó, mặt người nào đâu ?
Đúng Nguyễn Du là tay thầy! Trong nguyên văn, cả bốn câu thơ là xây

dựng trên cái tương quan : năm ngoái nhân diện đào hoa tương ửng hồng, mặt
người và hoa đào cùng ánh lẫn nhau mà hồng, cho nên sau mới nói “Chẳng biết
mặt người đâu vắng vẻ - Hoa đào như cũ cười gió đông”. Mình chỉ lấy cái tứ
“Hoa còn nở đó, người đã đi đâu” của người ta, cho nên Nguyễn Du để “Trước
sau nào thấy bóng người”, chuyển như thế là thanh nhã ; Hoa tiên cứ bị động
viết “mặt người nào đâu”, theo ý tôi là không thành. “Đào mới ngậm cười” là đào
mới nở hàm tiếu, dùng chữ “trơ” không hợp ; không nên vì buồn người năm
ngoái vắng mà thấy hoa đào đến nỗi trơ!”.
(4) Giảng và bình theo hình thức giả thiết, thay thế. Chẳng hạn, bình câu
thơ “Cậy em, em có chịu lời,” trong đoạn trích “Trao duyên” (“Truyện Kiều”), Lê
Trí Viễn viết:
“Cậy em, em có chịu lời,
Người ta hỏi : tại sao Nguyễn Du không dùng nhờ mà dùng cậy ? Không
dùng nhận mà dùng chịu ? Chính vì giữa các từ ấy có một sự sai biệt khá tinh vi.
Đặt nhờ vào chỗ cậy, không những thanh điệu câu thơ sẽ nhẹ đi, âm thanh
không đọng ở chữ thứ nhất của câu thơ nữa, làm giảm đi phần nào cái quằn
quại khó nói của Kiều, mà ý nghĩa hi vọng tha thiết của một lời dối dăng, ý nghĩa
nương tựa gửi gắm của một tấm lòng tuyệt vọng, đồng thời cũng là ý nghĩa tin
tưởng thân mật ở một mối tình ruột thịt, những ý nghĩa đó sẽ gần như mất đi.
Còn giữa chịu và nhận thì dường như có vấn đề tự nguyện hay không tự nguyện
nữa. Nhận lời có lẽ là có nội dung tự nguyện ở trong, hay ít ra cũng là có ý kiến
của người nhận lời. Chịu lời thì hình như chỉ có một sự nài ép phải nhận vì
không nhận không được. Trong tình thế của Vân bấy giờ chỉ có chịu lời chứ làm
sao có thể nhận lời được”.
Bình câu thơ “Trên án sẵn có con dao,” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn
Du, Xuân Diệu có nhận xét: “Cũng là cái án thư ấy, nhưng ở trong phòng Kim
Trọng, thì Nguyễn Du gọi là trên yên, theo âm thanh bằng, nghe xuôi và êm ; còn
ở trong nhà Vương ông, lúc Kiều đã bán mình sắp dấn vào nơi vô định, lấy con
dao giấu vào người để đối phó về sau, thì Nguyễn Du lại gọi là án theo âm thanh
trắc, nghe ngược và tức:

Trên án sẵn có con dao,
Đó là câu thơ phá niêm bằng trắc duy nhất trong Truyện Kiều. Trên án,
sẵn có, hai dấu sắc ánh lên như ánh con dao sáng loáng, như ánh mắt nàng
Kiều sáng quắc, quyết định nếu sau này nhục quá thì sẽ liều thân tự tử! Nhà
bình luận Tản Đà không thấy có chỗ táo bạo ấy của Nguyễn Du lại chép là “Trên
yên sẵn có con dao”’ hóa ra bằng phẳng vô vị! yên thế nào được! đã vào sóng
gió rồi, không thể nào yên!”.
(5) Có khi lời bình được tiến hành theo hình thức liên hệ với thực tế cuộc
sống hay cuộc đời tác giả. Chẳng hạn, bình hai câu thơ “Quả cau nho nhỏ,
miếng trầu hôi, / Này của Xuân Hương mới quệt rồi.”, Lê Trí Viễn viết: “Miếng
trầu kia phải chăng chỉ là miếng trầu ? Cái “của Xuân Hương” kia cũng chỉ là
miếng trầu với công bửa cau, rọc trầu, quệt vôi, têm lại, và chỉ có thế ? Không,
đó còn là cái khác, sâu xa, quan trọng bội phần : đó là thân phận Xuân Hương,
con người, chiếc thân, tấm lòng, tình cảm. Nguyễn Hữu Tiến bảo nữ sĩ mặt rỗ
huê mè, (lấm chấm như hạt mè – hạt vừng), Nguyễn Văn Hanh cho nữ sĩ người
cao lớn, khỏe mạnh, đầy sức sống. (Hai vị chỉ bịa, chẳng có căn cứ gì). Điều có
thể tin là từ con người đến tình cảnh, bên ngoài, bên trong, Xuân Hương đánh
giá mình có lẽ cũng là loại quả cau nho nhỏ và miếng trầu hôi, và tí vôi thêm vào
cho đủ bộ cũng chỉ là quệt, đúng với lời dân gian gọi động tác ấy. Bình thường
mà mấp mé tầm thường. Không thấy thơ nào nói nữ sĩ có nhan sắc. (…) Xuân
Hương này không đẹp, không giàu, tài cũng may đủ hầu đôi ba vần với bậc tài
danh, tình cảnh thì xin miễn nói. Xuân Hương này chỉ có tấm lòng sẵn sàng rộng
mở, sẵn sàng mời mọc, đón nhận. Xuân Hương này luôn khao khát, luôn muốn
chia sẻ… Miếng trầu đã quệt vôi và têm rồi. Lòng này đã năm đợi bảy chờ. Ai là
khách đó, biết cho nhau không ?”.
Bình hai câu thơ “Non xa xa nước xa xa, / Nào phải thênh thang mới gọi
là…” của Hồ Chí Minh, Nguyễn Đăng Mạnh có nhận xét: “Cái thênh thang bát
ngát đã được nhận ra từ một địa điểm rất hẹp. Cái thú vị riêng của tứ thơ là như
thế. Mà ý nghĩa hùng vĩ của Pắc Bó cũng là như thế : hùng vĩ ở tầm nhìn bao
quát, chứ không phải ở phạm vi của nó ; hùng vĩ ở cái thế của cách mạng, cái

thế mở nước của Pắc Bó, chứ không phải ở địa bàn còn nhỏ hạp của vùng căn
cứ khi Bác mới trở về. Tứ thơ vút lên ung dung, sảng khoái từ thực tế đầy gian
khổ, từ điều kiện vật chất hết sức khó khăn, eo hẹp của người cách mạng. Đó là
chủ nghĩa lạc quan chiến thắng, là tư thế làm chủ lịch sử, làm chủ tương lai của
bậc lãnh tụ thiên tài. Bài thơ ra đời vào thời gian Bác chuẩn bị cho Hội nghị
Trung ương lần thứ tám thành lập Mặt trận Việt Minh (5 – 1941). Giữa lúc bọn
phát xít đang bành trướng từ Âu sang Á, tưởng chừng có thể nuốt chửng cả thế
giới, Hội nghị đã khẳng định dứt khoát : “Nếu trong cuộc chiến tranh thế giới thứ
nhất, Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, đã ra đời, thì trong cuộc chiến tranh
thế giới thứ hai này, sẽ sinh ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa khác”. Đặt trong
hoàn cảnh ra đời của nó, nhận định ấy chẳng phải là tứ thơ độc đáo của thời đại
“Nào phải thênh thang mới gọi là” đó sao ?”.

(Sưu tầm)

×