Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Tài liệu Kỹ thuật nuôi cua biển bằng lồng bè pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (126.51 KB, 4 trang )

Kỹ thuật nuôi cua biển bằng lồng bè

Nguồn: vietlinh.com.vn
1. Thiết kế ô lồng nuôi cua
- Loại lồng nhỏ (hình khối hộp vuông): Dùng để nuôi cua bột lên cua giống.
Lồng làm bằng nhựa dẻo tổng hợp, kích thước ô lồng: dài 20 cm, rộng 20 cm, cao
40 cm. Xung quanh lồng và hai mặt đáy có các lỗ thoáng hình tròn hoặc hình
vuông có diện tích 0,5 - 1 cm2/lỗ thoáng; kích thước các lỗ thoáng hình chữ nhật
0,9 x 0,7 cm. Khoảng cách giữa các lỗ thoáng 0,7 cm. Mặt đáy có ít lỗ thoáng hơn.
- Loại lồng lớn (hình khối chữ nhật): Dùng để nuôi cua thương phẩm (cua
thịt, cua lột và cua gạch). Lồng làm bằng nhựa dẻo tổng hợp. Kích thước: dài 27
cm, rộng 20 cm, cao 40 cm. Kết cấu, tương tự loại lồng nhỏ.
Việc thiết kế lỗ thoáng mặt đáy là hình chữ nhật có tác dụng làm giảm
cường độ chiếu nắng của mặt trời, lưu thông nước và hạn chế sự rơi lọt thức ăn ra
khỏi lồng. Mặt đáy trên khoét một lỗ khoảng 2,5 - 3 cm2 dùng để đưa thức ăn vào
lồng nuôi cua.
- Cách ghép các lồng thành bè nuôi cố định trên mặt nước:
+ Dùng hai ống nhựa hoặc hai thanh tre thẳng (gọi là khung giàn lồng nuôi
cua) để cố định các lồng thành bè lồng, khung có đường kính 2 cm, có chiều dài
sao cho buộc được 9 - 10 lồng thành một bè. Mỗi cạnh bên của lồng được buộc
với khung bè, khoảng cách giữa các lồng được buộc cách nhau 10 - 20 cm.
+ Giàn lồng được cố định sao cho cách đáy biển hoặc đáy đầm nuôi 15 cm.
Ghép 7 - 10 giàn lồng thành một bè lồng, khoảng cách giữa hai giàn liên tiếp 20 -
25 cm.
Các bè nuôi được cố định chắc chắn bằng cọc tre và dây neo tạo thành một
hệ thống các bè nuôi.
2. Chuẩn bị ao đầm
- Trước khi nuôi, tháo cạn nước, tu sửa bờ đầm, nạo vét bùn xung quanh và
đáy của đầm nuôi. Bón vôi để khử chua/phèn, diệt tạp trong đầm nuôi. Lượng vôi
bón trong đầm tùy theo độ pH của nền đáy và loại vôi. Phơi đầm 5 - 7 ngày, sau
đó lấy nước vào ngâm thêm 3 - 5 ngày.


- Sau khi cấp nước 5 - 10 ngày thấy tảo phát triển, cấp thêm nước, mỗi lần
cấp 20 - 30 cm nước. Bón phân gây màu (phân urê và khoáng tổng hợp NPK) liên
tiếp trong 3 - 5 ngày. Sau khi bón phân 4 - 7 ngày, thả cua giống vào các ô lồng
nuôi cua.
3. Kỹ thuật chọn cua giống
Cá thể trong đàn phải đồng đều về kích cỡ. Đối với nuôi cua thương phẩm,
đàn giống có nhiều cua đực càng tốt, vì cua đực thường phát triển nhanh hơn cua
cái. Cua phản xạ tốt, định hướng nhanh, vận động linh hoạt, không có dấu hiệu lạ
trên cơ thể, cua nguyên vẹn, cứng vỏ, màu sắc tươi tự nhiên, không có dị tật,
không có dấu hiệu của bệnh và không bị các sinh vật bám ở vỏ ngoài.
4. Kỹ thuật thả giống
- Trước khi thả cua vào lồng nuôi phải kiểm tra độ mặn của đầm nuôi cua
giống. Nếu độ mặn của đầm nuôi cua giống xấp xỉ độ mặn vùng thu mua thì không
phải thuần dưỡng cua nuôi, nếu độ mặn ở hai vùng này có sự chênh lệch trên 5‰
nhất thiết phải thuần dưỡng cua giống. Nếu tăng độ mặn thì mỗi lần chỉ tăng 1 -
3‰ và cứ sau 2 - 3 giờ lại tăng độ mặn một lần.
- Thực hiện thả cua giống: Mở từng lồng nuôi, cho cua giống vào một lồng
rồi tiến hành buộc chặt hai nửa lồng lại với nhau bằng dây thép không gỉ hoặc dây
nilon. Kiểm tra mối buộc để cua giống không thoát ra ngoài.
Vì cua giống hiếu động, bản năng tự vệ cao nên các thao tác bắt cua giống
thả vào lồng phải nhanh, chuẩn xác, không để cua cắp phải bất cứ vật gì để có thể
làm rụng mất chân càng cua. Thời gian thả cua giống càng nhanh càng tốt, tránh
cua bị mất nước.
- Thả giàn lồng xuống đầm nuôi: Trước khi thả giàn lồng cua giống xuống
đầm nuôi nên phun nước của đầm vào các lồng nuôi, thời gian phun nước khoảng
3 - 5 phút để cua thích nghi với môi trường (nhiệt độ) nước của đầm.
- Chuyển nuôi cua giống sang nuôi cua thương phẩm: Sau 1 - 2 tháng nuôi,
cua giống lúc này có trọng lượng 25 - 35 gam, chiều dài mai đạt trên 4 cm thì có
thể chuyển cua giống sang nuôi cua thương phẩm.
5. Vận chuyển cua giống sang đầm nuôi cua thương phẩm

Đầm nuôi cua giống và đầm nuôi cua thương phẩm nên bố trí gần nhau để
thời gian vận chuyển cua ngắn, tránh trường hợp cua có thể cắp lẫn nhau làm gẫy
càng hoặc chết trong quá trình vận chuyển. Để hạn chế cua cắp lẫn nhau trong quá
trình vận chuyển, có thể trói những con cua giống có kích thước lớn bằng dây cói,
dây xơ chuối ngâm nước hoặc dây nilon mềm.
6. Chăm sóc và quản lý cua thương phẩm
- Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ lồng nuôi cua, dùng bàn chải nhựa cọ nhẹ
mặt ngoài ô lồng, tránh làm cua sợ và làm đục nước vùng nuôi cua.
- Thay nước đầm nuôi theo thủy triều: mỗi lần thay 20 - 30% lượng nước
trong lồng. Thường xuyên kiểm tra độ mặn.
- Thức ăn có 2 loại: Thức ăn tự nhiên là sinh vật phù du được tạo bằng cách
bón phân gây màu nước. Thức ăn chế biến là nguồn thức ăn chính, bao gồm các
loại bột, cám, thịt, cá tạp, tép moi... xay nhỏ, sau đó tạo thành viên. Khẩu phần
thức ăn chế biến có thành phần dinh dưỡng theo hàm lượng đạm đã được xác định.
Đối với cua lột: trước khi thả cua lột, áp dụng một số kỹ thuật kích thích lột
xác, cho cua ăn đủ số lượng và chất lượng, cua tích lũy các chất dinh dưỡng và sữa
khi lột xác, các phần phụ bị tổn thương sẽ được phục hồi.
Đối với cua gạch: khẩu phần thức ăn của cua gạch hàng ngày lớn hơn 20%
trọng lượng cua, mỗi ngày cho cua ăn 2 - 3 lần vào sáng sớm, chiều mát và lúc
đêm.
7. Thu hoạch
Khi trọng lượng cua đạt cỡ 200 gam/con trở lên có thể thu hoạch. Nên chọn
những giàn lồng có cua đủ tiêu chuẩn kích thước theo yêu cầu thị trường Dùng
dây chuối ngâm nước, dây cói dập ngâm nước hoặc dây nilon mềm để buộc 2 càng
và chân cua, không cho cua cử động và cắp lẫn nhau, xếp các con cua đã buộc vào
lồng tre, bên trên phủ bao gai, rong biển hay vải ướt để giữ cho cua được mát và
ẩm.

×