Cây Trầm
Tên Việt Nam: Cây TRẦM HƯƠNG
Tên khác: Cây Gió, Trầm hương, Kỳ nam
Tên khoa học: Aquilaria crassna Pierre
Họ thực vật: Thymeleaceae
Tên thương phẩm: Santal wood
Đặc điểm sinh thái
Theo Viện Điều tra quy hoạch rừng (Bộ Lâm nghiệp), Nhà xuất bản Nông
nghiệp, Hà Nội năm 1981, tập IV, trang 178, cây trầm là loài “ Cây gỗ lớn thường
xanh, cao 15 – 25 mét, đường kính 60 cm. Vỏ ngoài nhẵn, màu xám có vết nhăn
dọc, thịt vỏ màu trắng, có tơ mịn, dày 2 – 4 mm. Cành non phủ lông mềm màu
vàng xám.
Lá đơn mọc cách, dai. Phiến lá hình mũi mác thuôn, dài 6 – 11cm, rộng 3 –
4cm, đỉnh có mũi nhọn, gốc hình nêm rộng, mép nguyên mặt trên màu lục, mặt
dưới màu xanh xám; gân hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, hợp lại ở mép. Cuống
lá dài 2 – 5 mm, có lông mềm.
Cụm hoa hình tán, có nhiều hoa. Hoa có cuống; đài hình chuông màu trắng
có 5 thùy và 10 vảy đính ở họng đài. Nhị 10, đính thành 2 hàng, chỉ nhị nhẵn đính
ở gốc ống đài, trung đới khá rộng, bầu hình trứng có lông dày, 2 ô. Quả mang hình
trứng ngược, dài 3 – 5cm, có lông xám dầy. Hạt chín màu nâu đen.
Phân bổ địa lý – sinh thái
Trầm phân bố ở Việt Nam, Lào, Ấn Độ . . . Ở Việt Nam đã gặp Trầm ở
Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam Đà Nẳng, Gia Lai, Kom Tum
. . .
Cây mọc trong các rừng ẩm nhiệt đới. Có thể gặp ở độ cao 1.000 mét,
nhưng tập trung ở độ cao dưới 700m. Trầm là cây chịu nóng, tái sinh tự nhiên tốt,
ưa đất thịt pha cát tầng đất dầy. Mùa hoa tháng 7 – 8. Quả chín tháng 9 – 10.
Giá trị kinh tế
Gỗ màu vàng nhạt, mặt cắt dọc màu trắng vàng, chất gỗ mềm và nhẹ (tỷ
trọng 0,395). Gỗ kém chịu mục và mọt nên ít được sử dụng.
Cây cho loại nhựa quý là trầm hương được dùng làm thuốc. Vỏ có thể sản
xuất sợi bông hoặc giấy đặc biệt. Ở tỉnh An Giang, cây trầm hương phân bổ tự
nhiên chủ yếu trên núi Cấm thuộc huyện Tịnh Biên và núi Dài thuộc huyện Tri
Tôn. Thường mọc ở những nơi có độ ẩm cao, thích nghi với độ cao khoảng trên
300 mét so với mặt nước biển. Hiện nay, những cây lớn trong tự nhiên còn lại
không bao nhiêu. Trong những năm gần đây, nhờ có chương trình nghiên cứu của
tổ chức Rừng mưa nhiệt đới, đã cung cấp một số ít cây giống cho nhân dân hai
huyện Tri Tôn và Tịnh Biên trồng. Nhưng do giá trị kinh tế rất cao của nhựa cây
trầm, mà bà con nông dân tự gây trồng, mạnh nhất bắt đầu từ năm 2003 đến nay.
Với hy vọng sẽ đổi đời bằng loài cây đẻ ra vàng.
Cây trầm hương là loại cây rất dễ trồng, nhưng trong thiên nhiên để có
trầm thì đòi hỏi phải mất một thời gian dài và rất dài, cụ thể thì cũng chưa biết
chính xác là bao nhiêu năm để tạo trầm. Trầm hương được hình thành từ nhựa cây,
có mùi thơm đặc biệt, là một trong những loại hương liệu đặc biệt quý hiếm, chỉ
có vua chúa mới dùng hoặc những người có nhiều tiền mới dám sử dụng. Do
hương thơm và công dụng của nó, làm cho cây trầm trong thiên nhiên bị con
người săn lùng khai thác đến kiệt quệ.
Để giúp bà con có thêm thông tin về sản phẩm của cây trầm, theo Tiến sĩ
Lê Lương Đống, trầm hương tính ôn, vị thơm, cay; vào các kinh thận, tỳ, vị. Tác
dụng: Ôn trung, giáng khí, noãn (làm ấm) thận, tráng nguyên dương, giảm đau và
an thần; thường được dùng điều trị các chứng đau ngực, đau bụng, nấc, nôn, hen
suyễn, thận khí hư, bí tiểu tiện, nam giới tinh lạnh. Đây là loại đặc sản quý hiếm
của các vùng rừng núi nhiệt đới thuộc Nam Á và Đông Nam Á. Trầm được ngưng
đọng trong thân, rễ hoặc cành cây trầm lâu năm (khoảng trên 30 tuổi) theo những
hình thể khác nhau. Cũng có khi người ta tìm được trầm khi cây chết mục,mà trầm
vẫn tồn tại. Những nơi có trầm rục, sinh thái có những điểm khác biệt do ảnh
hưởng của trầm mà chỉ người tìm trầm có kinh nghiệm mới nhận thấy được. Có
loại “bắp” trầm gần như nguyên chất (màu đen nhánh, hoặc gồ ghề như cánh chim
ưng, từ đó có tên gọi: Gỗ chim ưng (bois d’aigle); có loại chỉ có ít nhựa nằm xen
trong gỗ mà người ta quy ước trầm loại 1, 2, 3. Trầm được dùng chữa bệnh thường
là loại trầm có hàm lượng cao, trầm loại pha tạp nhiều gỗ, ít trầm thường được để
làm hương (nhang), khi đốt lên có hương vị đặc biệt và quyến rũ, được các bậc
vua chúa, quyền quý, giàu sang dùng trong các dịp lễ tết, cúng giỗ.
Ngày nay, nguồn tài nguyên nhựa trầm trong thiên nhiên tại An Giang đã
biến mất, và trên thế giới cũng không còn nhiều.Nhưng nhu cầu vẫn tiếp tục cần
đến, và chưa có loại nào khác để thay thế sự quyến rũ của mùi hương thơm của
trầm. Vì vậy, ngày càng có nhiều nhà khoa học đầu tư nghiên cứu tạo trầm nhân
tạo, bằng nhiều biện pháp kỹ thuật như đưa hoá chất, hoặc đưa vật cứng vào thân
cây gỗ .v.v., để tạo sự tổn thương trên thân cây, nhằm kích thích quá trình tạo
nhựa trầm của cây. Thế nhưng, những nghiên cứu đó đã thành công đến mức nào
và biện pháp kỹ thuật nào tác động, thời gian là bao nhiêu năm sẽ tạo được trầm,
mỗi cây sẽ có bao nhiêu nhựa trầm . . . thì vẫn còn trong vòng bí mật tuyệt đối. Có
thể nói là một bí quyết, không dễ gì biết được.
Những năm gần đây, không chỉ có tỉnh An Giang có gây trồng cây trầm mà
nhân dân ở một số tỉnh miền Trung cũng tự trồng rất nhiều. Có nhiều cuộc hội
thảo trong nước và quốc tế về cây trầm. Có rất nhiều thông tin về giá cả mua, bán
các loại sản phẩm nhựa trầm. Song, tất cả hãy còn ở phía trước, vẫn đang chờ đợi
kết quả nghiên cứu tạo trầm nhân tạo, vẫn tiếp tục nuôi hy vọng để chờ ngày cây
sẽ đẻ ra vàng. Cuộc sống của bà con nông dân trồng trầm hương sẽ đổi đời trong
tương lai.