ĐỐ LÁ - MỘT NÉT SINH HOẠT
VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI MƯỜNG
Theo thư tịch cũ, ở đời Đường (Trung Quốc) có trò chơi "hiệp hí". Nhưng thực ra thì đó là "bói lá"
hơn là trò đố lá. ở đó, vào mùa xuân, người ta bẻ cành lá để tính xem số lá bẻ được là chẵn hay
lẻ để bói toán xem sự may rủi...
Trò đố lá của người Mường không phải như vậy .
Ở nước ta, trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu thơ :
May thay giải cấu tương phùng
Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa.
Rất tiếc là không đợc biết nội dung trò "đố lá" nói ở đây như thế nào ? Trò đố lá của người
Mường là một sinh hoạt văn hóa rất vui nhộn, trẻ trung và bổ ích nhằm tìm hiểu môi trường thiên
nhiên, bảo vệ thiên nhiên. Cụ thể ở đây là tìm hiểu cây cối và bảo vệ rừng. Trò đố lá này diễn ra
trong cả năm nhưng tập trung vào mùa xuân khi đất trời vừa qua cái rét mùa đông, sang xuân
ấm áp, cây cối nảy lộc ra lá. Tham gia trò chơi này gồm nhiều lứa tuổi, nhưng chủ yếu là lứa tuổi
từ 13 đến 17 tuổi. Đó là lứa tuổi bước đầu đã có quan sát chút ít thiên nhiên xung quanh, nhưng
còn chưa biết nhiều, cần phải có sự hiểu biết hoàn chỉnh hơn, trước khi bước vào tuổi thành
niên. Cách chơi trò đố lá rất linh hoạt về số người tham gia, có trọng tài hay không có trọng tài,
về thời gian dài ngắn không cố định, không gian chơi không cầu kỳ và cũng không cần rộng. Có
điều cái khó của trò chơi này là trong một thời gian nhất định buộc người tham gia cuộc chơi phải
tìm được nhiều lá về số lượng, nhưng không được trùng chủng loại và phải biết tên từng chiếc lá
cây một cách nhanh chóng. Như vậy, làm cho người tham gia trò chơi phải biết nhiều loại cây.
Rèn trí nhớ cho những ngời sắp bước vào tuổi người lớn cần hiểu biết thiên nhiên xung quanh
mình, yêu và bảo vệ cây rừng tốt hơn. Trò chơi đố lá này trước Cách mạng Tháng Tám đến
kháng chiến chống Pháp còn đang được thấy, ở tất cả các vùng Mường Thanh Hoá và Hoà
Bình. Rất tiếc rằng gần đây chỉ còn lác đác vài nơi biết chơi.
Cách chơi trò đố lá có thể tóm tắt như sau :
- Số người dự : Nếu chơi đơn, mỗi bên một ngời. Nếu chơi kép, mỗi bên một nhóm 2-3 ngời, có
thể một nhóm nam, một nhóm nữ nhưng cũng có thể xen kẽ nam nữ trong nhóm.
- Thời gian : Có 2 đoạn : thời gian đi trẩy lá độ 10 - 15 phút hoặc lâu hơn. Thời gian so lá kéo dài
đến khi một bên hết lá thì thôi. Người chơi chỉ được ngắt lá còn nguyên cuống, không được bẻ
cành.
- Địa điểm chơi còn gọi là áng chơi (sân chơi) : Một vạt đất bằng phẳng, dọn sạch sẽ, rộng từ 1 -
3m2.
- Trọng tài : Là một người lớn tuổi hơn trong số những người chơi, hiểu biết các loại lá và nắm
được luật chơi. Trọng tài có nhiệm vụ chọn địa điểm chơi, nơi có nhiều loại cây quyết định thời
gian đi trẩy lá, quyết định các hướng tìm lá cho mỗi bên dự cuộc chơi, quyết định cho bên nào
đưc ra lá trước, phân xử khi hai bên không thống nhất tên lá và tuyên bố kẻ thắng, người thua
cuộc...
Vào cuộc chơi không khí thật vui nhộn, hào hứng nhưng nghiêm túc. Sau khi trọng tài hú một
tiếng báo hết giờ trẩy lá, tất cả đều phải ngừng tay, nhanh chóng mang lá về sân chơi. Trong
sân, hai nhóm chơi ngồi hai bên đối diện với nhau bên cạnh đống lá vừa hái về. Trọng tài ngồi
chính giữa chếch lên phía trên hỏi : Đây là lá gì, bạn có không ? Bên kia có thể trả lời đúng tên lá
và tìm đúng loại lá vừa nêu. Như vậy không bên nào có điểm và lá đó bị loại ra. Đến lượt nhóm
thứ hai ra lá và gọi : Bạn có lá này không? Bên kia buộc phải lấy ra lá cùng loại và nói đúng tên
loại lá. Trường hợp đưa ra không đúng loại lá của bên gọi, nhưng không nói được tên thì lá đó
cũng bị loại bên gọi được điểm. Như vậy cũng có trường hợp một bên gọi tên lá, nhưng dấu lá
để bên kia tìm. Trong trường hợp có thể một bên ngẫu nhiên hái được lá, thực tế không biết tên
lá nhưng vẫn mang ra đố rồi lựa chiều nói dựa. Trường hợp đó, trọng tài phải kiểm tra bắt người
đố phải nói tên lá. Nếu không nói được, lá cũng bị dập đi, không được tính điểm. Lá được tính
điểm là bên kia không có lá cùng loại hoặc có nhưng không nói được tên. Đó là cách chơi có
trọng tài. Cách chơi không có trọng tài thì hai bên thỏa thuận thời gian hái lá, sân chơi và để một
bên trình lá trước theo cách như trên. Trong trường hợp hai bên không thống nhất được với
nhau về tên một loại lá nào đó bị loại, không ai được tính điểm.
Cũng như cách chơi có trọng tài, cách chơi không có trọng tài cuộc chơi tiếp tục cho đến khi một
bên hết lá hoặc cùng hết lá. Khi kết thúc, trọng tài cho đếm số lá được tính điểm mỗi bên, bên
nào được nhiều hơn số lá không bị loại là bên ấy thắng. Bên thắng có thể nhận được một phần
thưởng như hoa quả; nhưng cũng có thế chỉ được tiếng "thắng". Còn bên thua thường phải để
bên thắng vò đầu hoặc nhảy lò cò quanh sân chơi hay bị búng vào nắm tay. Có lẽ cũng vì vậy
mà người ta thường gọi trò chơi này là "trò chơi cỏ búng".
Cao Sơn Hải (dân tộc Mường)
(Theo Tạp chí Văn hoá các dân tộc, số 3-2001)