5 từ ngữ “tối kỵ” trong quảng cáo
Một quảng cáo tuyệt vời rõ ràng là một quảng cáo không có các câu nói sáo
rỗng cùng những lời hứa rập khuôn. Những gì thực sự quan trọng đối với các khách
hàng đó chính là hành động của bạn chứ không phải lời nói. Tuy nhiên, có không ít
doanh nghiệp đã mắc phải sai lầm trong quảng cáo khi cho rằng, cứ "nện" những lời
lẽ thật kêu thì khách hàng sẽ mua sản phẩm của mình. Thực tế không hề đơn giản vậy.
Kể từ thời điểm các hoạt động quảng cáo tiếp thị bắt đầu diễn ra, các chuyên gia
phân tích ngôn ngữ luôn đóng vai trò quan trọng trong bộ phận tiếp thị. Họ là những
người phân tích các từ ngữ giúp công ty dễ dàng mở hầu bao của khách hàng.
Trong kỷ nguyên Internet, nếu vào Google và gõ cụm từ “những từ ngữ kỳ diệu
trong quảng cáo”, bạn sẽ có được hàng nghìn kết quả. Sẽ không quá khó khăn để bạn
thấy được những lời khuyên kiểu như cần sử dụng các từ ngữ “bạn”, “dễ dàng”, “đảm
bảo”, “miễn phí”, “trợ giúp tin cậy”,... để tạo ra các doanh số bán hàng tăng mạnh.
Tuy nhiên, nếu là một doanh nhân thông minh, bạn có thể biết rằng một tấm
huân chương luôn có hai mặt, đặc biệt trong một thị trường tràn ngập các quảng cáo
như hiện nay.
Và chắc chắn có một điều bạn nên biết: Không chỉ không tồn tại những từ ngữ
kỳ diệu mà còn có cả những từ ngữ sẽ thực sự chống lại bạn nếu được sử dụng trong
quảng cáo tiếp thị. Và vấn đề chính là ở chỗ bạn đang sử dụng ít nhất một trong số
chúng trong các quảng cáo hiện tại của bạn.
Dưới đây là 5 từ ngữ quảng cáo bạn không bao giờ nên sử dụng để có được một
quảng cáo hiệu quả và lôi cuốn:
1. Chất lượng
Đây có lẽ là từ ngữ được sử dụng nhiều nhất trong các quảng cáo hiện nay và
chính là nguyên nhân tại sao bạn nên tránh xa nó. Từ “chất lượng” có ý nghĩa chính
xác là gì? Tại Lexus, nó mang ý nghĩa là những hoàn thiện bằng tay, chiếc ghế êm dịu
và lái xe êm ái. Tại Hyundai, nó thiên về thời hạn bảo hiểm gia tăng.
Luận điểm chính ở chỗ những sản phẩm đáng mua là những sản phẩm có chất
lượng. Nó có thể là chất lượng giá cao hay là chất lượng giá thấp, nhưng dù thế nào nó
cũng là chất lượng.
Điều đó có nghĩa rằng mọi công ty tin rằng họ có thể sử dụng nó trong các
quảng cáo. Song sử dụng càng nhiều, có mặt ở mọi nơi mọi lúc, kết quả lại càng rõ
ràng rằng hai chữ “chất lượng” trở nên ngày một sáo rỗng.
2. Giá trị
Cũng như từ “chất lượng”, hai chữ “giá trị” cũng sẽ mất giá trị khi được sử
dụng quá mức. Quay trở lại với ví dụ Lexus và Hyundai - chiếc xe nào có giá trị hơn?
Rõ ràng nó phụ thuộc vào người mua, vào cơ hội mua sắm và vào những đặc tính cùng
các lợi ích theo nhận định của từng khách hàng. Cả hai chiếc xe đều mang những giá
trị tuyệt vời phụ thuộc vào hoàn cảnh mua sắm.
Hay trong lĩnh vực bán lẻ: Wal-Mart cung cấp nhiều giá trị cho khách hàng,
song hãng Tiffany cũng vậy. Giá trị, cũng như chất lượng, luôn nằm trong mắt của các
khách hàng.
Và mọi sản phẩm hay dịch vụ đều có những giá trị như nhau. Việc nói rằng
“chúng tôi cung cấp những giá trị tốt nhất” vì thế hoàn toàn không mang bất cứ ý
nghĩa nào cả.
3. Dịch vụ
Bạn đã từng bao giờ nghe thấy một quảng cáo nói rằng dịch vụ của họ là kém
cỏi? Chắc hẳn là không. Do vậy, đây là lý do tại sao việc rao giảng về một giá trị tốt
chắc chắn sẽ không gây dựng được bất cứ ấn tượng nào cả.
Nghe có vẻ buồn cười nhưng nếu tinh ý một chút các khách hàng sẽ nhìn nhận
những công ty nào rao giảng về một dịch vụ tốt mà thường trên thực tế không thể cung
cấp một dịch vụ như vậy nên họ mới quảng cáo.
Đương nhiên, hầu hết các công ty đều thực sự có khuynh hướng cung cấp một
dịch vụ nổi bật và thường trích dẫn ví dụ tại hãng Nordstrom nổi tiếng như một hình
mẫu phấn đấu của họ. Nhưng Nordstrom là Nordstrom vì một lý do - nền văn hoá và
đặc tính công ty được xây dựng xuyên suốt xung quanh khái niệm dịch vụ.
Nordstrom là một ngoại lệ, phấn lớn các công ty khó có thể đạt tới mức độ đó,
và họ đơn giản hứa suông về những dịch vụ tuyệt vời mà trên thực tế không thể đảm
bảo.
4. Quan tâm
Bạn có thực sự tin rằng công ty của bạn quan tâm chăm sóc khách hàng nhiều
hơn so với các đối thủ cạnh tranh? Mọi thứ có thể tuyệt vời khi nói vậy, nhưng thực tế
các đối thủ cạnh tranh cũng như vậy. Nếu các đối thủ của bạn không quan tâm tới các
khách hàng của họ, họ sẽ không thể tồn tại trên thương trường.
Sẽ thật đặc biệt dễ dàng với các công ty dịch vụ để tự dối mình và dối khách
hàng về những sự quan tâm chăm sóc đặc biệt bởi vì họ không cung cấp những sản
phẩm hữu hình. Nhưng lời nói “chúng tôi quan tâm chăm sóc tốt hơn” - giả sử rằng
các đối thủ cạnh tranh kém hơn – luôn không thể minh chứng được. Các khách hàng sẽ
biết rõ điều này và không chỉ ngần ngại tin vào rao giảng của bạn mà họ còn có thể
xem nó như một sự dối trá.
Về cơ bản, tất cả 4 từ ngữ trên đều thất bại vì cùng một lý do. Không chỉ vì
chúng được sử dụng nhiều quá mức, mà chúng còn được dựa trên những biến số sẽ
khác biệt với từng người. Luôn có những nhận định riêng biệt về chất lượng/giá
trị/dịch vụ/quan tâm cho từng hoàn cảnh mua sắm cụ thể, và nó là một mục tiêu di
động không ngừng.
Nhưng từ ngữ thứ 5 nên tránh trong quảng cáo sẽ hết sức khác biệt. Nó không
là một biến số, nó là một yếu tố bắt buộc phải có.
5. Chính trực
Liệu một công ty có thể phát triển nếu không có sự chính trực? Liệu một công
ty có thể có được lòng tin của khách hàng nếu không trung thực? Chắc chắn câu trả lời
là không. Và các khách hàng sẽ rất dễ dàng nhận ra điều này tại mỗi công ty.
Khi một công ty nói về sự chính trực trong các quảng cáo, mọi người sẽ hiểu
theo hai lý do, không lý do nào trong đó là tốt cả: Thứ nhất, công ty đang nỗ lực lấp
đầy một sự thiếu sót về tính chính trực nào đó và thứ hai, công ty đang ám chỉ họ đảm
bảo một chuẩn mực cao nhất hơn mọi đối thủ cạnh tranh, còn các đối thủ là không
chính trực. Điều này hoàn toàn vô phép. Mọi công ty đều cần có sự chính trực. Không
công ty nào cần quảng cáo nó cả.
Bạn có mong muốn các khách hàng nhìn nhận sản phẩm và dịch vụ của bạn ở
một mức độ chất lượng cao và có nhiều giá trị tốt? Đương nhiên. Bạn có muốn các
khách hàng cảm kích dịch vụ chăm sóc và tính chính trực mạnh mẽ của bạn? Chắc
chắn rồi. Nhưng tất cả các công ty đều mong muốn như vậy. Những người thực sự
chiếm được trái tim và tình cảm của khách hàng sẽ không rao giảng, mà họ thầm lặng
thực hiện trên thực tế.
Những gì bạn nghĩ về công ty của bạn là không quan trọng. Điều quan trọng
chính là những suy nghĩ của các khách hàng. Lần tiếp theo bạn dự định sử dụng một
trong 5 từ ngữ trên trong quảng cáo, hãy dừng lại và suy nghĩ xem liệu có cách thức tốt
hơn để truyền tải cùng một nội dung thông điệp hay không.
Việc sử dụng những từ ngữ chung chung cùng các câu nói sáo rỗng không là
một con đường tắt dẫn tới đâu cả. Bởi vì bạn bán nó không có nghĩa là các khách hàng
sẽ mua nó.