Những bản nhạc hay từ
sân khấu kịch thuở xưa
Valse triste, cũng như nhiều bản nhạc hay từ sân khấu kịch
nói thuở xưa, đã có một đời sống riêng trong các phòng hòa nhạc cổ
điển và đĩa thu âm thời nay.
Ngày nay nếu cần sử dụng âm nhạc khi dàn dựng một vở kịch nói
trên sân khấu thì xu hướng phổ biến là chọn dùng những băng đĩa nhạc
thu âm sẵn có. Nhưng ở các thời đại trước đây người ta phải nhờ cậy
đến một nhà soạn nhạc cổ điển để soạn ra bộ nhạc nền dành riêng cho
việc trình diễn vở kịch nói dự kiến.
Một bộ nhạc nền như vậy thường bao gồm một overture (khúc
mở màn) và các tiết mục khí nhạc và thanh nhạc khác phù hợp với nội
dung vở kịch nói. Dàn nhạc và các ca sĩ sẽ biểu diễn để làm nền cho các
diễn viên kịch nói thể hiện tài năng. Về sau nếu phần âm nhạc có giá trị
thì sẽ được biểu diễn độc lập trên sân khấu hòa nhạc dưới dạng các tiết
mục đơn lẻ hoặc cả một tổ khúc.
Rất nhiều tác phẩm nổi tiếng trên sân khấu hòa nhạc cổ điển có
nguồn gốc từ những bộ nhạc nền kịch nói. Khúc hát nàng Solveig và hai
tổ khúc "Peer Gynt" của nhà soạn nhạc Na Uy Edvard Grieg xuất phát
từ nhạc nền cho vở kịch Peer Gynt của nhà viết kịch Henrik Ibsen.
Ludwig van Beethoven có các overture nổi tiếng như Egmont;
Coriolan; Vua Stephen; Tàn tích của thành Athens ... vốn được viết cho
các vở kịch nói cùng tên của Goethe, Collin và Kotzebue...
Jean Sibelius (ảnh chụp ở Berlin năm 1890)
Vở kịch đề tài tình yêu Pelléas và Mélisande của tác giả Bỉ viết
tiếng Pháp Maurice Maeterlinck (giải Nobel Văn chương năm 1911) đã
tạo cảm hứng cho không ít hơn bốn kiệt tác âm nhạc cổ điển: một opera
Ấn tượng chủ nghĩa của Claude Debussy; một thơ giao hưởng của
Arnold Schoenberg; một tổ khúc của Gabriel Fauré rút từ nhạc nền cho
vở kịch và nhạc nền cho vở kịch này do Jean Sibelius viết.
Fauré đã viết nhạc nền cho vở kịch nói của Maeterlinck khi nó
lần đầu được dàn dựng ở Luân Đôn năm 1898, theo một hợp đồng mà
Debussy đã từ chối (phiên bản dàn dựng trong đó nữ diễn viên Patrick
Campbell đóng vai Mélisande). Bản nhạc Sicilienne trích từ tổ khúc
"Pelléas và Mélisande" của Fauré đã trở nên rất quen thuộc với người
yêu nhạc cổ điển chẳng kém gì Khúc hát nàng Solveig trích từ tổ khúc
"Peer Gynt" của Grieg.
Sibelius không biết tới vở kịch nói Pelléas và Mélisande cho đến
khi được yêu cầu viết nhạc nền cho một phiên bản dàn dựng tại
Helsinki năm 1905 và âm nhạc của ông chủ yếu nhằm vào việc nắm bắt
những tình cảm của các nhân vật chính bằng cách phản ánh chúng theo
phong cảnh vây quanh họ.
Trong tiết mục đầu tiên của bộ nhạc nền viết cho vở kịch nói
Pelléas và Mélisande, chương nhạc có tên "Ở cổng lâu đài", Sibelius
gây hiệu quả bằng sự phối hợp những hợp âm của dàn dây và bộ gỗ mô
tả lâu đài mênh mông trong đó bi kịch tự nó diễn ra sau đó. Đài BBC đã
sử dụng bản nhạc này làm nhạc hiệu cho chương trình nổi tiếng về thiên
văn học The Sky at Night (Bầu trời đêm) và nó trở nên quen thuộc với
hàng triệu người dù họ có thể chẳng liên hệ nó với vở kịch Pelléas và
Mélisande chút nào.
Valse triste (Điệu valse buồn thảm), tiết mục đầu tiên của bộ
nhạc nền mà Jean Sibelius viết cho vở kịch Thần chết ra mắt năm 1903
của anh vợ mình, tác giả Phần Lan Arvid Järnefelt, cũng trở thành một
tiết mục hòa nhạc độc lập và rất được thính giả nhạc cổ điển yêu thích.
Valse triste, tựa như một thơ giao hưởng thu nhỏ, đã giúp danh tiếng
của Sibelius lan rộng khắp các phòng trà châu Âu và Mỹ lúc ông sinh
thời. Việc một đoạn ngắn của Valse triste có thể được tìm thấy ở cuối
bản Giao hưởng No. 7 (năm 1924) của Sibelius cho thấy ảnh hưởng lớn
lao của tiểu phẩm này nên sự nghiệp của nhà soạn nhạc.
Trong lúc soạn Valse triste chắc chắn Sibelius phải tưởng tượng
ra cảnh một bà cụ già ốm yếu nằm mơ thấy mình nhảy valse và bị kiệt
sức giữa điệu valse đó. Theo yêu cầu của truyện kịch, âm nhạc cần phải
gợi nên niềm vui của bà cụ khi được hội ngộ với người chồng quá cố từ
lâu của mình đồng thời khiến khán giả xem kịch thêm phần hồi hộp vì
biết rằng chính thần chết đang ở dưới hình dạng của người chồng để tới
đón bà cụ đi. Valse triste kết thúc bằng ba hợp âm ảm đạm do bè
violon diễn tấu tượng trưng cho ba tiếng gõ cửa của thần chết.
Valse triste, cũng như nhiều bản nhạc hay từ sân khấu kịch nói
thuở xưa, đã có một đời sống riêng trong các phòng hòa nhạc cổ điển và
đĩa thu âm thời nay. Valse triste còn trở thành linh hồn của một vở
ballet hiện đại vào năm 1985, khi biên đạo múa Peter Martins và Nhà
hát ballet thành phố New York dàn dựng vở ballet Valse triste với phần
âm nhạc là hai bản Valse triste và Cảnh với đàn sếu của Sibelius đều
trích từ nhạc nền cho vở kịch Thần chết.