Tình yêu trong thơ ca dân gian Mông
Đó là tiếng nói từ trái tim yêu thương của các cô gái trẻ với người bạn tình nơi vùng cao.
Các chàng trai, cô gái Mông hát giao duyên trong hội xuân. (Ảnh: Sùng Đức Hồng)
Bằng thể thơ dân tộc, kết hợp chặt chẽ với nhạc điệu thơ ca dân gian Mông tồn tại đến
ngày nay dưới dạng các làn điệu dân ca, ca dao tục ngữ và phong phú cả về nội dung lẫn
hình thức bởi nó đề cập đến tất cả các mặt đời sống – xã hội của cộng đồng. Song có lẽ
đặc sắc và độc đáo nhất vẫn là tình yêu, đề tài làm đắm say và bận lòng những người
thưởng thức và nghiên cứu nó.
Thơ ca dân gian Mông chứa đựng mọi cung bậc và trạng thái tâm hồn. Từ bắt đầu làm
quen, ướm lòng đến lúc xe tơ, kết tóc. Rồi cả những éo le ngang trái mang đến cho những
trái tim đời người biết bao đau thương, tủi hờn. Nơi này nam thanh niên bày tỏ tình yêu
mỗi khi xuống chợ, trong lễ hội, hay những buổi lấy củi bên rừng. Họ gặp nhau trong lao
động và nhờ lao động mà phát hiện phẩm chất tốt đẹp của nhau. Đây chính là những
thước đo và điều kiện để xây dựng hạnh phúc lứa đôi:
…”Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu
Trai khỏe không biết làm nương cũng hèn…”
Khi đã tâm đầu ý hợp:
…”Nắm tay em hát lời yêu
Lòng ước mơ, em chỉ nhớ mình anh…”
(Lòng tôi – Cú xìa)
Rồi ao ước:
…”Giá hai đứa lấy được nhau
Sẽ cố làm đủ ăn, đủ mặc…”
(Mong ước – Xi mùa ni)
Có hiểu chính con người và sinh hoạt của dân tộc Mông mới cảm nhận sâu sắc nét đẹp và
cách thức biểu hiện tình yêu của họ. Mùa xuân là lúc để họ thể hiện tình yêu qua tiếng
đàn môi, tiếng kèn lá, qua tiếng sáo ngang, sáo dọc.
… “Anh ngắt chiếc lá đặt lên môi
Lá kêu tiếng thật hay
Em mới nhẹ bước tới đây
Em mới nhẹ bước tới nơi này…”
(NXB Văn hóa Dân tộc 1998)
Với người Mông, tình yêu càng đẹp khi hai người tình nguyện thủy chung:
… “Đôi ta dù ai cấu, đẹp trăm chiều
Đã nói yêu, một dạ cứ yêu…”
(Văn hóa Mông – Trần Hữu Sơn)
Từ đấy, chàng trai, cô gái mãi chờ, mãi đợi, mãi yêu:
… “Kìa, tiếng sáo gọi em lưng đồi
Vầng trăng lên sáng rồi
Gọi em mãi, em ơi…”
(Nhớ em H’ chà mùa mái)
Hình ảnh vợ đi trước, chồng trên lưng ngựa theo sau cho thấy họ hạnh phúc đến nhường
nào. Tư thế “đi sau” của người đàn ông Mông khẳng định vị trí, vai trò chủ nhân trong
gia đình. Họ là người luôn che chở, bảo vệ vững chắc cho mọi thành viên – Trước hết là
bạn tình. Chả thế trước khi thành vợ, thành chồng họ hứa:
… “Anh mà lấy được em
Anh sẽ cho em đi trước…”
(NXB Văn hóa Dân tộc 1998)
Rõ ràng, đây không phải là viễn cảnh xa xôi mà bằng hiện thực
“Cho em đi trước mãi mãi…”. Cách nói đơn giản nhưng sâu xa như tâm hồn, trái tim
người Mông vậy!
Tình yêu trong thơ ca dân gian Mông đả động đến cả lúc chết:
… “Nếu gầu Mông chết đi
Hãy làm khóm mai khóm trúc
Cho tôi làm con bướm, con chim
Bay đến làm nơi trú ngụ…”
(NXB Văn hóa Dân tộc 1998)
Với xã hội xa, tình yêu trai gái Mông đâu có dễ dàng. Thơ ca dân gian cũng đã dành khá
nhiều về đề tài này.
Éo le, ngang trái, bất hạnh là những tiếng kê bi thương của bao mối hận tình.
… “Giận mẹ cha nỡ đem gả bán
Chín bạc sừng cùng bạc nén
Để thân nàng thành dâu, kiếp ngựa trâu…”
Trong bài thơ “Không lấy được nhau” (Chi pâu xi dùa) phản ánh.
… “Từ đây ta cũng chim trời bầu bạn
Lòng nặng đau, ngày anh rời bản
Còn đâu tình ta…”
Tình yêu bị xã hội xưa tước bỏ. Cùng đường, chỉ có “thế giới âm” là có thể tự do:
… “Gầu Mông vẫn sợ ăn lá ngón
Ăn lá ngón thật đắng
nhưng lá ngón tan, gầu Mông tắt thở…”
(Dân ca Mông – Đình Quý)
Tóm lại, tình yêu trong thơ ca dân gian Mông không chỉ đẹp về nội dung mà còn ở
phương thức thể hiện. Điệp từ, điệp ý, thơ ca dân gian Mông không bị pha trộn, lẫn lộn
với các loại thơ ca dân gian của các dân tộc khác.
Cho dù hoàn cảnh nào, tình yêu trong thơ ca dân gian Mông vẫn hiện hữu, vẫn tồn tại.
Riêng ở Yên Bái, người Mông Trạm Tấu, Mù Cang Chải một số xã vùng cao Văn Chấn,
Văn Yên… vẫn còn duy trì trên dưới 300 bài, nội dung vô cùng phong phú, đặc sắc, nhất
là nói đến tình yêu lứa đôi:
… “Anh gặp em, chiếm cả lòng em
Mãi mãi yêu anh mất rồi…”
(Cú dúa pang cầu)
Bùi Huy Mai