Tổng quan về quyền chọn (Bài 2)
Bài này thuộc sự kiện/chuyên đề: Thực trạng thị trường quyền chọn ngoại tệ và
chứng khoán ở Việt Nam hiện nay
Sau khi xem xét khái niệm và các đặc tính để phân loại quyền chọn. Ta hãy tìm
hiểu các chủ thể tham gia thị trường quyền chọn cũng như tầm quan trọng của
quyền chọn và thị trường quyền chọn.
3. Các chủ thể tham gia thị trường quyền chọn
Các chủ thể tham gia thị trường giao dịch quyền chọn rất đa dạng, bao gồm các
doanh nghiệp, các cá nhân, các tổ chức hoạt động tài chính như ngân hàng thương
mại, ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán…Dựa vào các mục đích tham gia thị
trường của mỗi đối tượng, ta có thể phân ra thành các nhóm sau:
Những người phòng ngừa rủi ro: Là những tổ chức tài chính và phi tài chính hay
những cá nhân, tham gia thị trường quyền chọn do có nhu cầu giao dịch các loại
tài sản cơ sở như ngoại tệ, chứng khoán, vàng, lãi suất…và có những lo ngại về sự
biến động của giá cả hàng hóa, tỉ giá, lãi suất…làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt
động kinh doanh, lợi ích của họ. Thông thường, họ tham gia thị trường với tư cách
là những người mua các quyền chọn để bảo hiểm các rủi ro về sự biền động của
giá cả, tỉ giá, lãi suất…Họ sẵn sàng bỏ ra một khoản phí cho hợp đồng quyền chọn
để đổi lấy một mức tỉ giá, giá cả, lãi suất cố định.
Các nhà đầu tư, đầu cơ: Là các cá nhân, các tổ chức tài chính và phi tài chính,
tham gia vào thị trường với mục đích đầu cơ vào sự chênh lệch tỉ giá, giá cả, lãi
suất … họ thường dựa vào các công cụ phân tích kỹ thuật để đưa ra các dự đoán
về xu hướng tỉ giá, giá cả, lãi suất …Từ đó, thực hiện mua bán các quyền chọn
thích hợp để thu lợi nhuận.
Các tổ chức tài chính trung gian: Bao gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng
đầu tư, công ty chứng khoán…Ngoài mục đích tham gia vào thị trường cũng với
tư cách là các nhà đầu tư hoặc những người có nhu cầu về bảo hiểm rủi ro. Ở các
nước phát triển, nơi mà các giao dịch quyền chọn hầu như chỉ diễn ra trên các sàn
giao dịch tập trung, với tư cách là các thành viên của sở giao dịch quyền chọn, họ
đóng vai trò như một nhà môi giới các giao dịch quyền chọn trên thị trường, chỉ
một số ít các tổ chức tài chính lớn như các tập đoàn tài chính khổng lồ mới có khả
năng tự đứng ra phát hành quyền chọn cho thị trường.
Đối với Việt Nam chúng ta, nơi mà một sàn giao dịch quyền chọn tập trung vẫn
chưa hình thành, các tổ chức tài chính (ngân hàng thương mại, công ty chứng
khoán…) thường tự đứng ra phát hành quyền chọn khi có nhu cầu từ khách hàng,
hoặc đóng vai trò như một trung gian tài chính cung cấp các hợp đồng quyền chọn
cho khách hàng từ các nhà phát hành quyền chọn chính thức ở trong nước và nước
ngoài để thu một khoản phí dịch vụ.
4. Tầm quan trọng của quyền chọn và thị trường quyền chọn
Thị trường quyền chọn rất đa dạng, phong phú do các tài sản cơ sở của chúng rất
đa dạng. Do phạm vi đề tài chỉ nghiên cứu về quyền chọn ngoại tệ và quyền cổ
phiếu nên chúng tôi chỉ tập trung phân tích tầm quan trọng của hai loại quyền chọn
này, đặc biệt là trên thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán.
a. Đối với doanh nghiệp:
Quyền chọn như công cụ để quản trị rủi ro do nó có thể có mức tỉ giá, giá cả, lãi
suất ở một mức cố định phù hợp với mỗi nhà đầu tư, là công cụ để phân phối lại
rủi ro giữa các nhà đầu tư. Các cá nhân hay tổ chức với mức ngại rủi ro cao, có thể
sử dụng options để chuyển phần lớn rủi ro này tới các nhà đầu cơ.
Mỗi một biến động hay thay đổi của giá cả, tỉ giá, lãi suất đều sẽ gây ra các biến
động cho chi phí đầu vào cũng như lợi nhuận đầu ra của doanh nghiệp, gây ra
nhiều khó khăn cho việc hoạch định các dòng tiền ra vào doanh nghiệp, do sự
không chắc chắn về giá cả, tỉ giá, lãi suất trong tương lai, tạo ra nhiều rủi ro cho
các hoạt động sản xuất kinh doanh nếu chúng biến động theo chiều hướng bất lợi
cho doanh nghiệp.
Hiện nay ở Việt Nam, việc quản trị rủi ro dù đã được nhiều doanh nghiệp quan
tâm đến, nhưng hầu như các doanh nghiệp vẫn chưa quy định nghĩa vụ, trách
nhiệm cụ thể cho những người đứng đầu doanh nghiệp khi những thiệt hại, hậu
quả xảy đến cho doanh nghiệp hoặc chỉ xử lý chung chung, khiến nhiều vị đứng
đầu doanh nghiệp sao nhãng vấn đề quản trị rủi ro cho tổ chức của mình, điều này
sẽ càng trở nên nguy hại khi nước ta đã gia nhập WTO, cạnh tranh giữa các doanh
nghiệp ngày càng gay gắt. Doanh nghiệp thiếu hoặc có hệ thống quản lý rủi ro
lỏng lẻo sẽ như là một anh lính ra ngoài trận mạc mà không có một tấm áo giáp
bảo vệ hay mang trên mình tấm áo giáp rách rưới, mỏng manh, rất dễ dẫn đến tử
trận trước những anh lính hùng mạnh với tấm áo giáp dày khác. Ở các nước, quản
trị rủi ro là một trong những nhiệm vụ hàng đầu cho sự sinh tồn, phát triển của
doanh nghiệp, và trách nhiệm, uy tín của người lãnh đạo doanh nghiệp thường gắn
với khả năng quản trị rủi ro của anh ta.
Nhưng đặt vấn đề ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam muốn quản trị, kiểm soát
rủi ro thì họ phải thực hiện như thế nào, đâu là các công cụ, phương tiện để họ
thực hiện điều đó khi nền kinh tế, tài chính Việt Nam còn non kém, nhận thức của
các doanh nghiệp nhìn chung còn nhiều hạn chế.
Do đó, việc thành lập và phát triển của thị trường options sẽ giúp các nhà đầu tư,
các doanh nghiệp có thêm một phương thức, công cụ hữu hiệu để thực hiện chiến
lược quản trị rủi ro của mình, giúp cố định được các chi phí đầu vào cũng như lợi
nhuận đầu ra, đảm bảo sự ổn định, dễ dàng cho việc dự báo, tính toán các dòng
tiền ra vào của doanh nghiệp, từ đó giúp cho việc lên kế hoạch, hoạch định các dự
án kinh doanh dễ dàng hơn, hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại cho doanh
nghiệp.
b. Đối với nhà đầu tư (các cá nhân và tổ chức)
Sử dụng quyền chọn như công cụ bảo hiểm:
Hợp đồng quyền chọn có thể được sử dụng như một công cụ bảo hiểm hiệu quả
đối với các rủi ro do sự biến động của tỉ giá, giá cả cổ phiếu.
Trên thị trường ngoại hối:
Đối với các nhà xuất nhập khẩu, một trong những điều làm họ lo lắng nhất là sự
biến động của tỉ giá. Nếu tỉ giá biến động theo hướng có lợi cho họ thì không nói
gì, nhưng thử đặt điều kiện ngược lại, nếu tỉ giá biến động theo hướng bất lợi cho
họ thì sao? Đôi khi những thiệt hại về tỉ giá khó mà ước lượng một cách chính xác
được, và nó cũng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ước
lượng dòng tiền, lợi nhuận để có biện pháp ứng phó thích hợp hoặc để dễ dàng cho
việc ra các quyết định kinh doanh.
Trong thời gian vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam gặp
phải khó khăn rất lớn do sự biến động tỷ giá đồng USD/VNĐ, việc tăng giảm đột
ngột của USD đã gây không ít khó khăn cho các nhà xuất nhập khẩu, giá USD có
lúc lên trên 18.000VNĐ/USD, thậm chí là 19.000VNĐ/USD, lúc lại sụt giảm
mạnh xuống dưới 16.500VNĐ/USD. Một số doanh nghiệp xuất khẩu rất hạn chế
trong việc xuất khẩu do sợ đồng USD tiếp tục mất giá gây nguy cơ thua lỗ, phá
sản. Ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu lại lo ngại tỉ giá USD/VNĐ gia tăng,
làm đội chi phí nhập khẩu của họ.
Với các tác động nhiều phía từ tình hình thế giới cũng như trong nước, rất khó để
ước lượng được tỉ giá sẽ diễn biến như thế nào, và các biến động về tỉ giá sẽ gây ra
rất nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có thể làm đảo lộn mọi hoạt
động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy doanh nhiệp phải làm thế nào để ứng phó
với những nguy cơ, rủi ro này?
Trên thị trường chứng khoán
Tương tự như thế, kể từ khi Trung tâm giao dịch chứng khoán thành phố ra đời
vào ngày 20-7-2000 (hiện nay là HOSE), hoạt động của thị trường chứng khoán
trở nên sôi động và mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, đặc biệt là quá trình cổ
phần hoá các doanh nghiệp nhà nước được tiến hành thuận lợi hơn như
Vietcombank, Bảo Việt, Sabeco…. Tuy nhiên, cho đến nay, sau 8 năm thành lập,
thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những dấu hiệu hết sức lo ngại, chỉ số
VN-Index sau một thời gian tăng nhanh, tăng nóng đến mức đỉnh trên 1100 điểm,
thị trường đã liên tục giảm khá sâu ngoài dự tính của tất cả mọi người, kể cả các
chuyên gia trong ngành, dù đã phục hồi phần nào trong thời gian gần đây, nhưng
chỉ còn xấp xỉ quanh ngưỡng 300 điểm (giảm gần 80% giá trị). Do bị tác động của
những khó khăn trong nước giai đoạn quí nửa đầu năm 2008 và ảnh hưởng từ cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Những cổ phiếu chủ chốt của thị trường như FPT, REE, SSI, STB … có thời điểm
giá lần lượt lên tới 600.000, 280.000, 200.000, 80.000 đồng/CP thì nay chỉ còn có
giá khoảng 50.000, 22.000, 30.000, 19.000 đồng/CP. Trong thời kì ảm đạm đó,
các nhà đầu tư thua lỗ nặng, kể cả các quĩ đầu tư nước ngoài có vốn lớn, có kinh
nghiệm đầu tư lâu năm, cầu chứng khoán suy giảm mạnh, thị trường trở nên èo
uột, buồn tẻ… Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào? Có biện pháp gì để bảo
vệ nhà đầu tư khi giá chứng khoán liên tục giảm hoặc giảm đột biến như thời gian
vừa qua.