TỔNG HỢP VỀ PHIM CÂM
Phim câm là những bộ phim không có tiếng động hoặc lời thoại đồng bộ
với hình ảnh, đó có thể là các bộ phim được chiếu hoàn toàn không có âm thanh
hoặc những bộ phim được chiếu kèm với âm thanh tạo ra bên ngoài (từ dàn nhạc,
người đọc thoại, bộ phận tạo tiếng động hoặc các phần thu âm tách rời).
Kỷ nguyên phim câm hay điện ảnh câm được bắt đầu từ khi anh em
Lumière khai sinh ra nền điện ảnh hiện đại vào năm 1895 và bắt đầu suy tàn nhanh
chóng sau sự ra đời của bộ phim có tiếng đồng bộ đầu tiên, The Jazz Singer (1927).
Mục lục:
1. Lịch sử phim câm
o 1.1 Kỹ thuật điện ảnh ra đời
o 1.2 Phim câm xuất hiện
o 1.3 Sự bành trướng của điện ảnh
o 1.4 Nghệ thuật thứ bảy
o 1.5 Kỷ nguyên vàng của phim câm
o 1.6 Phim câm biến mất
2. Kỹ thuật phim câm
o 2.1 Intertitle
o 2.2 Nhạc sống và âm thanh
o 2.3 Tốc độ khung hình
o 2.4 Kỹ thuật diễn xuất
3. Một số nhân vật nổi bật của thời kỳ phim câm
o 3.1 Đạo diễn
o 3.2 Diễn viên
4. Một số bộ phim tiêu biểu của thời kì phim câm
1. Lịch sử phim câm:
1.1. Kỹ thuật điện ảnh ra đời:
Từ giữa thế kỉ 19, một số nhà phát minh đã tập trung vào việc ghi lại các
hình ảnh chuyển động. Năm 1888, Étienne-Jules Marey, một người Pháp đã đưa ra
phương pháp chụp ảnh với tốc độ nhanh (nhiều khung hình một giây), đặt cơ sở
cho sự ra đời của kỹ thuật điện ảnh.
Tại Hoa Kỳ, nhà sáng chế nổi tiếng Thomas Edison cũng bắt đầu lãnh đạo
việc thiết kế Kinetoscope, một thiết bị cho phép người xem quan sát các hình ảnh
chuyển động liên tiếp. Năm 1895, Anh em Lumière đã đánh dấu bước ngoặt của
quá trình này khi cho ra đời Cinématographe, thiết bị cho phép quay và trình chiếu
các đoạn phim ghi lại hình ảnh chuyển động.
1.2. Phim câm xuất hiện:
Ngày 28 tháng 12 năm 1895 tại Paris, trong tầng hầm của Phòng Ấn Độ
(Salon Indien) của quán cà phê Grand Café, Anh em Lumière đã tổ chức buổi trình
chiếu rộng rãi có thu tiền những đoạn phim ghi lại bằng thiết bị cinématographe.
Buổi chiếu bao gồm 10 cuộn phim rất ngắn (mỗi cuộn dài 17 mét) trong đó có
những đoạn phim nổi tiếng như la Sortie de l'usine Lumière à Lyon (Buổi tan ca
của nhà máy Lumière ở Lyon) và l'Arroseur arrosé (Tưới cây). Buổi trình chiếu
này cho đến nay được coi như thời điểm đánh dấu sự ra đời của nền điện ảnh nói
chung và phim câm nói riêng.
Trong chừng một thập niên tiếp theo, phát minh của nhà Lumière trở nên
nổi tiếng và được đem đi trình chiếu hoặc bắt chước ở khắp thế giới. Hàng nghìn
đoạn phim ngắn quay lại những cảnh sinh hoạt đời thường được thực hiện để phục
vụ cho các buổi trình chiếu trong các hội chợ hoặc các tiệm cà phê. Nhà điện ảnh
tiên phong Georges Méliès cũng bắt đầu thử nghiệm việc áp dụng các kỹ thuật dàn
dựng của sân khấu cho các đoạn phim để tạo nên các bộ phim điện ảnh thực sự, bộ
phim Le Voyage dans la Lune (1902) của Méliès với những kỹ thuật dựng phim
đột phá này đã thành công vang dội và mở đường cho việc áp dụng Kỹ xảo điện
ảnh.
1.3. Sự bành trướng của điện ảnh:
Từ năm 1905 đến năm 1910, điện ảnh, từ chỗ chỉ là một trò giải trí mới lạ,
đã dần phát triển thành một ngành công nghiệp thực sự, công nghiệp điện ảnh. Tại
Pháp, anh em nhà Pathé và Léon Gaumont bắt đầu sản xuất hàng loạt các bộ phim
hài ngắn, với các diễn viên như Rigadin, Boireau và Léonce Perret. Max Linder,
ngôi sao phim hài đầu tiên trong lịch sử điện ảnh (với bộ phim Max et sa belle,
1910) cũng xuất thân từ những bộ phim kiểu này, Max Linder chính là nguồn cảm
hứng lớn cho Vua hề Charlie Chaplin.
Tại Hoa Kỳ, với tham vọng bá chủ nền công nghiệp mới ra đời, Thomas
Edison, sau cuộc chiến về bản quyền, đã giành lấy hầu hết các bằng phát minh
quan trọng nhất về kỹ thuật điện ảnh và qua đó trở thành người có thế lực nhất, có
quyền gây sức ép với toàn bộ các công ty điện ảnh ở bờ Đông nước Mỹ. Để đối
phó với tình trạng này, nhiều nhà điện ảnh đã rời bờ Đông đến California để xây
dựng những nền tảng đầu tiên cho trung tâm điện ảnh lớn nhất thế giới sau này ở
Hollywood. Chính tại Hollywood, điện ảnh Mỹ đã phát triển bùng nổ và chứng
kiến sự xuất hiện của những nhà điện ảnh lớn đầu tiên như D.W. Griffith.
1.4. Nghệ thuật thứ bảy:
Từ năm 1908, không dừng lại ở mức một ngành công nghiệp giải trí đơn
thuần, các nhà điện ảnh bắt đầu phát triển những bộ phim trở thành các tác phẩm
nghệ thuật thực sự. Với những nỗ lực sáng tạo của những đạo diễn tiên phong như
Georges Méliès hay D.W. Griffith, các bộ phim đã chuyển biến dần từ những
phim tài liệu quay cảnh đời thực đơn thuần trở thành các bộ phim điện ảnh có nội
dung và cốt truyện thực sự. Quá trình này được đánh dấu bằng sự ra đời của bộ
phim L'Assassinat du duc de Guise (1908) ở Pháp và đặc biệt là The Birth of A
Nation (1915) ở Mỹ. Ngôn ngữ điện ảnh bắt đầu hình thành, các thể loại phim dần
dần được phân biệt rõ ràng với những loạt phim hình sự nổi tiếng như Fantômas
(1913) của Louis Feuillade hay Dr. Mabuse, der Spieler (1922) của Fritz Lang.
Tại Đế quốc Nga, Yevgeni Bauer trở thành nhà điện ảnh lớn nhất của nước
này trước Cách mạng Tháng Mười với những kỹ thuật quay đột phá như các cảnh
quay dài (long take) hay di chuyển máy quay thay vì cố định một chỗ. Điện ảnh
Đan Mạch cũng bắt đầu phát triển các bộ phim nghệ thuật thực sự, tiêu biểu là các
tác phẩm của Urban Gad như l'Abîme (1910). Với truyền thống lâu đời về nghệ
thuật biểu diễn, những người Ý cũng nhanh chóng đi đầu trong việc phát triển
nghệ thuật điện ảnh với các bộ phim lịch sử như Gli ultimi giorni di Pompei
(1908) của Luigi Maggi hay Cabiria (1914) của Giovanni Pastrone.
1.5. Kỷ nguyên vàng của phim câm:
Sau một giai đoạn khủng hoảng vì chiến tranh giai đoạn 1914 - 1918, các
bộ phim câm bắt đầu được sản xuất hàng loạt, đồng thời với nó là sự vươn lên của
nhiều nền điện ảnh mới. Liên Xô nổi lên như một nền điện ảnh giàu sức sáng tạo
với đại diện tiêu biểu là đạo diễn huyền thoại Sergei Eisenstein, tác giả của Chiến
hạm Potyomkin (Броненосец Потёмкин, 1925), một trong những bộ phim câm
xuất sắc nhất.
Tại Hoa Kỳ, Hollywood bắt đầu trở thành kinh đô của điện ảnh Mỹ và thế
giới, khu công nghiệp điện ảnh này không chỉ thu hút các tài năng điện ảnh của
nước Mỹ mà còn là điểm đến của các nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng của châu Âu như
Stroheim và Sternberg của Áo, Lubitsch của Đức hay Mauritz Stiller của Thụy
Điển. Tuy vậy trụ cột của các hãng phim Mỹ lúc này vẫn là những ngôi sao bản
địa như các đạo diễn D.W. Griffith, Cecil B. DeMille, King Vidor hay các diễn
viên nổi tiếng Charlie Chaplin, Buster Keaton và Harold Lloyd.
1.6. Phim câm biến mất:
Hãng Warner Bros. của Hollywood là công ty đi đầu trong việc nghiên cứu
áp dụng kỹ thuật thu tiếng đồng bộ. Năm 1926 công ty này cho ra đời bộ phim
Don Juan khi lần đầu tiên phần nhạc được ghép trực tiếp vào cuộn phim. Và đến
năm 1927, chính Warner Bros. đã ra mắt công chúng The Jazz Singer, bộ phim có
tiếng đầu tiên trong lịch sử điện ảnh.
Với sự xuất hiện của việc thu tiếng đồng bộ, các bộ phim câm dần dần biến
mất khỏi các rạp chiếu bóng ngay giai đoạn đầu thập niên 1930 (trừ một số nền
công nghiệp điện ảnh như Nhật Bản). Phim câm ngừng sản xuất cũng đồng nghĩa
với sự lụi tàn của một loạt ngôi sao phim câm vốn không thể bắt kịp với xu hướng
điện ảnh mới, chỉ có một số người tiếp tục thành công và trở thành những huyền
thoại thực sự của điện ảnh thế giới, đó là Charlie Chaplin, Laurel và Hardy hay
Anh em nhà Marx.
2. Kỹ thuật phim câm:
2.1. Intertitle
Vì các bộ phim câm không có tiếng động hoặc lời thoại đồng bộ vì vậy để
dẫn chuyện hoặc thoại ở những cảnh phim quan trọng, người ta sử dụng các bìa
cứng có ghi chữ gọi là intertitle (bảng nội đề). Vì tầm quan trọng của các intertitle,
những bìa cứng này được thực hiện khá cầu kì về mặt thẩm mỹ, nhất là phông chữ,
khuôn hình, và trở thành một bộ phận không thể thiếu của các công đoạn sản xuất
phim câm.
2.2. Nhạc sống và âm thanh