Hiệu quả hoạt động của DATC - Sự khẳng định từ thực tế: Công ty Mía
Đường Sơn La - Điểm sáng thực thi chính sách "tam nông"
Truyền thông › Báo chí với DATC
Ngày đăng: 11/09/2009
Công ty Mía đường (CTMĐ) Sơn La được thành lập trong giai đoạn thực
hiện Chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ, và là một trong những
điểm nhấn của Chương trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh Sơn La, góp phần giải quyết
tái định cư cho các hộ gia đình trong quá trình xây dựng thủy điện Sơn La.
Xác định rõ cây mía là một trong 4 cây trồng chính của tỉnh nên Sơn
La đã có chủ trương, chính sách phát triển cây mía nguyên liệu, và Nhà máy
đường Sơn La được xây dựng với tổng mức đầu tư cuối cùng là 127 tỷ đồng
(năm 1997). Sau khi xây dựng nhà máy, để giải quyết những vấn đề phát
sinh, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định đầu tư chiều sâu cho Nhà máy với
tổng mức đầu tư thêm là 39,593 tỷ đồng, và riêng dây chuyền sản xuất
đường - sản phẩm chính của DN - đã có công suất 1000 tấn mía cây/ngày
được nhập đồng bộ từ Trung Quốc, sau đó được nâng cấp lên 1500 tấn mía
cây/ngày ở một số hạng mục và dây chuyền này được cải tiến, bảo dưỡng
định kỳ hàng năm.
Tuy được đầu tư bài bản nhưng qua 9 vụ sản xuất liên tục, DN đều bị
lỗ, và khoản lỗ lũy kế đến 30/6/2006 đã lên tới 246,86 tỷ đồng. Nguyên liệu
thiếu, không vay được vốn lưu động là nguyên nhân cơ bản gây khó khăn
cho Công ty trong nhiều năm; và sau 10 năm từ khi xây dựng đến năm 2007,
tồn tại về tài chính của Đường Sơn La quá lớn: nợ vay lũy kế đến thời điểm
30/9/2006 là hơn 356 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 240 tỷ đồng. Mặc dù đã
áp dụng triệt để các giải pháp xử lý về tài chính theo quy định của Nhà nước
thì vẫn âm vốn chủ sở hữu trên 100 tỷ đồng.
Với thực trạng tình hình tài chính nói trên, CTMĐ Sơn La không đủ
điều kiện để tiến hành cổ phần hóa theo các quy định hiện hành, do đó sẽ
phải chuyển sang thực hiện theo các hình thức chuyển đổi khác. Theo đó,
CTMĐ Sơn La chỉ còn lựa chọn giữa bán hoặc phá sản DN (và thực tế là
DN Đường Sơn La đã được định giá bán nhưng lại vướng mắc do người
mua - nhất là đại đa số CBCNV của DN - không đủ tiềm lực tài chính để
thanh toán mua khoản nợ và xử lý các tồn tại về tài chính). Chính thời điểm
đó, với những quy định của Nhà nước trao cho, DATC đã thỏa thuận với
DN, cơ quan chủ quản, UBND tỉnh Sơn La để chuyển đối hình thức sở hữu
cho CTMĐ Sơn La thông qua hoạt động mua bán nợ.
Sau khi phương án chuyển đổi sở hữu CTMĐ Sơn La đã được thống
nhất, để xử lý âm vốn chủ sở hữu để DN đủ điều kiện chuyển đổi sở hữu,
DATC đã đàm phán mua lại các khoản nợ tồn đọng của các ngân hàng chủ
nợ, cam kết giảm trừ trách nhiệm trả nợ cho DN. Để xử lý vấn đề này,
DATC đã xử lý số nợ tương ứng số âm vốn chủ sở hữu theo hồ sơ xác định
giá trị DN. Tiếp theo việc xử lý âm vốn chủ sở hữu, DATC giúp DN xử lý
các vấn đề tài chính phát sinh trong giai đoạn từ thời điểm xác định GTDN
đến thời điểm thành lập CTCP, và trở thành cổ đông chi phối của CTCP Mía
đường Sơn La thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp.
Tiếp đó, DATC tiến hành lựa chọn cổ đông chiến lược để cùng DN
phát triển sản xuất. Các đối tác này phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản
(có năng lực tài chính, có kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành mía
đường, có khả năng về KH&CN, kỹ thuật sản xuất, có trình độ quản trị DN,
quản lý công nghệ và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn bó lợi ích
lâu dài với DN), và DATC mời được CTCP mía đường Lam Sơn - một DN
đầu đàn trong ngành công nghiệp mía đường Việt Nam - và Công ty Thực
phẩm Miền Bắc tham gia vốn cổ phần vào CTCP Mía đường Sơn La. Ngoài
ra, việc bán cố phần lần đầu của CTCP cũng được DATC bàn bạc kỹ với
DN, với địa phương, trong đó chú trọng tới quyền lợi của người lao động
trong DN và hướng tới mục tiêu sau chuyển đổi CTCP có lợi nhuận sẽ vận
động người trồng mía trong vùng nguyên liệu của Nhà máy tham gia mua cổ
phẩn để tạo sự gắn kết trách nhiệm và quyền lợi của người trồng mía với nhà
máy, từ đó đảm bảo sự ổn định cho vùng mía nguyên liệu, tạo dựng và duy
trì niềm tin với các hộ trồng mía. Đây cũng là một việc làm cần thiết để thực
hiện phương án tái cơ cấu tài chính đã được phê duyệt, theo đó có mục tiêu
là ngay sau vụ sản xuất đầu tiên niên vụ 2007 - 2008, khi CTCP đã đi vào
hoạt động ổn định, có hiệu quả thì sẽ có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ
đồng lên 70 - 80 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuẩt.
Đồng thời, để phát triển diện tích trồng mía và động viên bà con
nông dân thâm canh, tăng năng suất, Công ty đã có những chính sách đầu tư
và hỗ trợ đầu tư kịp thời với chủ trương hướng vào nông dân trồng mía.
Ngoài ra DN còn có chính sách thưởng khuyến khích cho các hộ có năng
suất, sản lượng cao, diện tích lớn, và đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa chữa
nâng cấp, cải tạo đường giao thông trong vùng nguyên liệu, giúp làm thay
đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần của nông dân vùng trồng
mía, góp phần cho sự tăng trưởng KT - XH cho địa phương. Bên cạnh việc
sắp xếp, cơ cấu lại tình hình tài chính, để hoạt động có hiệu quả, CTCP cần
phải được sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý và lao động. Theo đó, số lao
động CTCP không có nhu cầu sử dụng được giải quyết theo chế độ hiện
hành, còn bộ máy quản lý, đội ngũ lãnh đạo của DN cũng được tái cấu trúc
lại để phù hợp hơn với điều kiện SX - KD mới.
Kết quả của những cố gắng không mệt mỏi đó là chỉ sau hơn 1 năm
phục hồi SX - KD, chuyển đổi thành CTCP, CTCP Mía đường Sơn La đã
khẳng định trở lại một DN chuyên về lĩnh vực sản xuất và chế biến đường
với thị trường ổn định, hệ thống đại lý và hệ thống khách hàng lớn, dần
khẳng định thương hiệu đường Sơn La trên thị trường. Sau hơn một năm
hoạt động theo mô hình mới, tình hình tài chính của Công ty đã có sự tăng
trưởng, hoạt động SX - KD có hiệu quả. Đây là năm đầu tiên DN kinh doanh
có lãi sau khi được sự hỗ trợ tích cực từ DATC và các nhà đầu tư chiến lược.
Điều đáng chú ý là ngoài sản xuất mía đường, để đa dạng hóa sản phẩm, DN
còn thành lập thêm 3 xí nghiệp thành viên, phát triển thêm ngành nghề kinh
doanh mới như kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phát triển hệ thống kinh
doanh xăng dầu.. bên cạnh việc chú trọng mở rộng địa bàn tiêu thụ đường
trong tỉnh và các đại lý tiêu thụ đường tại các tỉnh Tây Bắc, Hải Phòng, Hà
Nội, Vĩnh Phúc.
Năm 2008 - 2009 này, khi tổng diện tích mía cả nước giảm 12% và
năng suất mía giảm 8%, dẫn đến tình trạng có khả năng sản lượng mía giảm
gần 19%, làm cho các nhà máy đường không thể phát huy hết công suất.. thì
diện tích trồng mía của CTCP Mía đường Sơn La vẫn tiếp tục duy trì và phát
triển. Điều này đã cùng với việc giá bán đường trong nước liên tục tăng kể
từ đầu năm và dự kiến có thể tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện này
sẽ giúp hoạt động SX - KD của Đường Sơn La sẽ tiếp tục ổn định, đạt lợi
nhuận và mức trả cổ tức dự kiến. Công tác đầu tư từ năm 2009 cũng được
Công ty đặc biệt chú trọng, dự kiến sẽ đầu tư góp vốn vào các DN khác để
tạo sự liên kết, tăng hiệu quả cho SX - KD của CTCP như dự kiến sẽ tham
gia góp vốn vào Công ty Nông nghiệp Tô Hiệu khi công ty này cổ phần hóa,
và DN cũng đã có nghị quyết tham gia góp vốn vào Công ty sản xuất thức ăn
gia súc Thiên Lộc (thuộc Tổng công ty Khoáng sản Hà Tĩnh) để phát triển
lĩnh vực kinh doanh chế biến nông sản (cung cấp ngô, rỉ mật và tiêu thụ thức
ăn chăn nuôi) và đầu tư góp vốn vào một số công ty mía đường khác được
DATC tái cơ cấu. Theo lộ trình, trong năm 2009 Công ty sẽ xúc tiến các thủ
tục để đăng ký giao dịch trên sàn UpCom và tiến tới niêm yết trên sàn chứng
khoán vào năm 2010. Những tín hiệu này đã hiện hữu, và mở ra những hy
vọng mới tràn trề nhựa sống cho CTCP Mía đường Sơn La./.