Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Tài liệu Ai là người kéo cờ trên Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.46 KB, 3 trang )

Ai là người kéo cờ trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945?
22:02 | 28 - 08 - 2009
TP - Bà Lê Thi tên khai sinh Dương Thị Thoa, chính là người con gái Hà Nội đã có vinh
dự kéo lá cờ đỏ sao vàng tại Quảng trường Ba Đình trong buổi lễ trọng thể Chủ tịch Hồ
Chí Minh đọc văn kiện lịch sử tuyên bố trước toàn thế giới thành lập nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa.
Trong dịp làm cuốn phim tài liệu “Người kéo cờ độc lập” của Đài Truyền hình Trung ương
chiếu trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay, tôi có dịp hỏi chuyện bà Lê Thi, nguyên
Viện trưởng Viện Triết học, Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Gia đình và Giới.
Lá cờ Tổ quốc trên quảng trường Ba Đình ngày
2/9/1945 Ảnh tư liệu
Trước đây, nước ta chỉ có cờ của các triều đình phong kiến. Từ 2/9/1945, Việt Nam mới có
quốc kỳ, lá cờ đỏ sao vàng, tượng trưng chính khí dân tộc hồn thiêng sông núi tung bay
như vẫy gọi tất cả mọi người dân Việt đoàn kết chung một chí hướng đấu tranh cho Tổ
quốc độc lập nhân dân tự do, hạnh phúc.
Chị Dương Thị Thoa nhớ lại:
Hôm ấy tôi đi trong đoàn phụ nữ cứu quốc Hà Nội. Tôi dẫn đầu, đi ở ngoài hàng, vừa đi
vừa hô khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, chị em hô theo: “Muôn năm! Muôn
năm!”. Vừa tới vườn hoa Ba Đình (*) thì có một anh trong ban tổ chức đến gọi: Các cô cử
một người lên kéo cờ. Chị em cùng nói: Thi lên đi, lên đi. (Lê Thi là bí danh của tôi trong
những ngày hoạt động bí mật).
Khi được dẫn lên đứng dưới chân cột cờ tôi đã thấy một chị nữ giải phóng quân mặc áo
chàm chờ sẵn. Hai chúng tôi chào nhau, cả hai đều ý thức được trách nhiệm nên chỉ biết
tập trung tư tưởng vào công việc trọng đại mình sắp làm. Nhìn lá cờ khá to, tôi nói ngay:
- Chị thấp, chị nâng cờ, tôi cao, để tôi kéo cờ.
Chị Dương Thị Thoa ngừng kể, nhớ lại chút kỷ niệm xa xưa: Là học sinh trường nữ sinh
Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương, Hà Nội), chị đã nhiều lần được gọi lên kéo cờ
trong lễ chào cờ đầu tuần. Cờ Pháp, quốc ca Pháp.
Ghét thực dân Pháp xâm lược nước ta, nên có những lần các chị kéo rất chậm, để cờ nghẽn
ở lưng chừng cột, có lần giả vờ tuột tay cho cờ rớt xuống đất. Bà hiệu trưởng người Pháp
giận lắm nhưng không thể phạt vì mấy chị đều là học trò “ngoan”, học giỏi.


Chị Thoa kể tiếp:
Không khí Hà Nội sôi sục trong những ngày giành chính quyền. Chiều 19/8, tôi trực tiếp
tham gia đánh chiếm trại Bảo an binh (nay là trụ sở Tổng cục Cảnh sát).
Đã nhiều lần đi biểu tình dưới cờ đỏ sao vàng và cùng chị em trong đoàn thể hát Tiến quân
ca nên ngày 2/9, khi nhạc Tiến quân ca vừa dứt thì cờ đỏ sao vàng cũng lên tới đỉnh cột,
tung bay phấp phới. Chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, cùng lui về phía sau, khi nghe giới
thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập.
Lại thêm một kỷ niệm sâu sắc mà suốt đời chị Thoa không thể nào quên.
- Nhìn Cụ Hồ, tôi hết sức ngạc nhiên. Lúc ấy, tôi cứ băn khoăn sao Chủ tịch nước mà Cụ
không mặc com lê, thắt ca vát? Đến lúc Cục dừng lời, hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ
không? Thì cũng như tất cả mọi người, tôi trào nước mắt cảm động.
Sao Cụ Hồ bình dân, dễ gần đến thế! Giữa Cụ và mọi người hòa chung một khối, không có
gì cách biệt, xa lạ. Cũng từ đấy, không chỉ các em thiếu nhi mà người trong cả nước đều
gọi “Bác Hồ” yêu quý, thân thương…
Tôi hỏi chị Thoa:
- Có một chi tiết thú vị, lúc nãy chị kể “được dẫn lên đứng dưới chân cột cờ”, vậy chị còn
nhớ cột cờ hôm ấy dựng ở chỗ nào?
- Ở trên lễ đài. Chúng tôi phải đi lên, qua nhiều bậc, Bác Hồ và các vị đại biểu cũng bước
lên lễ đài qua những bậc cầu thang ấy, cầu thang gỗ, rất chắc chắn…
- Chứ không phải cột cờ dựng trên mặt đất, trước lễ đài?
- Cột cờ dựng trên lễ đài nên càng vững chãi, giống như Cột Cờ Hà Nội dựng trên bệ gạch
bề thế trang nghiêm. Vì vậy, cột cờ cao thêm vài mét, khi lên tới đỉnh cột, cờ được gió, bay
tung, mọi người đứng xa đều nhìn rõ màu đỏ, năm cánh sao vàng!
Tôi hỏi tiếp:
- Đến bao giờ, chị và người con gái áo chàm hôm ấy gặp lại nhau?
- Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi chia tay, cũng chẳng kịp hỏi tên, địa chỉ của nhau. Rồi
kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng miền Bắc, chi viện chiến trường miền Nam…
Cho đến 44 năm sau, rất tình cờ, trong cuộc họp mặt truyền thống tổ chức tại Bảo tàng
Lịch sử Quân sự Việt Nam 22/12/1989, chúng tôi mới được giới thiệu, nhận ra nhau, ôm
chầm lấy nhau. Chị là Đàm Thị Loan, dân tộc Tày, vợ cố Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Bà Đàm Thị Loan và Dương Thị Thoa năm nay đều 82 tuổi, cùng sống ở Hà Nội. Sức
khỏe bà Thoa tốt hơn. Bà, tức giáo sư khoa học nhân văn Lê Thi vẫn tiếp tục nghiên cứu,
giảng dạy. Chồng bà là ông Lê Hồng Hà, nguyên chuyên viên ngành Lao động thương binh
xã hội. Hai ông bà vừa tổ chức đám cưới kim cương mừng 60 năm hạnh phúc bền chặt bên
nhau.
Cũng lại là một kỷ niệm đẹp đẽ: đôi bạn tình quen nhau trong ngày lễ Độc lập 2/9/1945.
Hôm ấy chị Dương Thị Thoa kéo cờ đỏ sao vàng còn anh Nguyễn Văn Quỳ tức Lê Hồng
Hà học sinh trường Đỗ Hữu Vị, là đội viên tự vệ chiến đấu, cầm súng lục, cùng đồng đội
đứng bảo vệ dưới chân lễ đài.
(*) Đây là khu đất rộng, có vườn hoa, bồn nước cạnh phủ Toàn quyền Đông Dương cũ, tên
Ba Đình do ông thị trưởng Trần Văn Lai đặt sau ngày 9/3/1945, cùng dịp kéo đổ tượng
toàn quyền Pôn-be, đặt lại tên một số đường phố Hà Nội (tên các tướng tá thực dân xâm
lược nay thay bằng tên danh nhân Việt Nam). Từ sau 1975 mới gọi là Quảng trường Ba
Đình.

×