Lơ là nông nghiệp, thế giới sẽ điêu đứng
Nguồn: nongnghiep.vn
Từ ngày 8-12/10 năm sau, Bộ NN- PTNT cùng IRRI và AsiaCongress Events,
sẽ đồng tổ chức Đại hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần 3. Đây là lần đầu tiên một
Đại hội nghị Lúa gạo Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam. NNVN đã trò
chuyện với TS Tô Phúc Tường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lúa
gạo Quốc tế (IRRI).
Đại hội nghị tổ chức 4 năm một lần. Hai lần trước đã diễn ra ở những nước SX lúa
gạo nhiều nhất thế giới là Trung Quốc (2002) và Ấn Độ (2006). Việt Nam hiện
đứng hàng thứ 5 trên thế giới về SX lúa gạo (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,
Bangladesh). 10 năm qua, Việt Nam là nước thành công nhất trong việc đưa
những tiến bộ KHKT xuống đồng ruộng để nâng cao năng suất lúa và quay vòng
thời vụ.
Bởi thế, sẽ là công bằng khi IRRI chọn Việt Nam làm nơi tổ chức Đại hội nghị lần
3 với mục đích để các đại biểu đến dự thấy được hàng loạt thành công của Việt
Nam.
Chủ đề của Đại hội nghị lần 3 là gì, thưa ông?
Là “Cây lúa vì thế hệ tương lai”. Khác với hai Đại hội nghị trước đây, những
thông điệp mà Đại hội nghị lần 3 đưa ra sẽ không phản ánh những thành tựu hiện
tại mà hướng tới những biện pháp cho tương lai, hướng tới người SX lúa và người
tiêu dùng lúa gạo những thế hệ tới.
Với chủ đề nói trên, Đại hội nghị lần 3 sẽ tập trung vào những hoạt động then
chốt, gồm: Hội nghị quốc tế về phát triển KHKT trong SX lúa; Hội nghị quốc tế
về thương mại, mậu dịch lúa gạo; Triển lãm quốc tế máy móc và trang thiết bị
phục vụ SX lúa gạo. Đây cũng là dịp để Chính phủ các nước SX lúa gạo châu Á
cùng bàn bạc về vấn đề hợp tác vùng trong lúa gạo.
Ông đánh giá tương lai ngành lúa gạo thế giới thế nào- lạc quan hay bi quan?
Gần đây, có hiện tượng giá lương thực tăng cao và bất ổn, mà điển hình là đợt tăng
giá gạo rất mạnh năm ngoái. Có người đổ cho những nguyên nhân ngắn hạn như
giá xăng dầu, đất lúa bị chuyển sang trồng các loại cây khác, thiên tai ở nhiều
nơi…Nhưng tôi khẳng định, nếu không có những nguyên nhân trên thì giá lương
thực vẫn có thể được đẩy lên vì sự tăng sản lượng không theo nổi đà tăng dân số.
Đây là một vấn đề lớn, mà nguyên nhân chính là trong 2 thập kỷ qua,
đầu tư cho
SXNN ở nhiều nước đã giảm mạnh. Gần đây, nhiều nhà lãnh đạo quốc gia đã nhận
thức ra, nếu lơ là nông nghiệp thế giới sẽ điêu đứng. Đại Hội nghị sẽ bàn nhiều về
thương mại, mậu dịch lúa gạo. Theo đó, giá lúa gạo ở các nước phải ở mức vừa
không để cho người tiêu dùng nghèo bị ảnh hưởng, mà lại vẫn giúp cho người SX
lúa có lợi nhuận đủ để họ vẫn gắn bó với cây lúa.
Người nghèo luôn mong giá gạo rẻ, trong khi nông dân lại muốn giá lúa cao. Làm
sao để làm hài lòng cả hai?
Để giải quyết được điều này cần đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ KHKT nhằm tăng
năng suất lúa, tăng hiệu suất sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào- tóm lại là giảm
giá thành. Chẳng hạn, năng suất lúa trung bình ở Việt Nam hiện 4,8 tấn/ha. Nếu
tăng lên 6 tấn/ha, giá lúa gạo có thể hạ mà nông dân vẫn có được lợi nhuận tốt
hơn. Bên cạnh đó, việc tích tụ ruộng đất SX lớn, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng giúp hạ
giá thành SX lúa gạo.
Là chuyên gia cao cấp người Việt làm việc lâu năm cho IRRI, theo ông có cách gì
nâng cao năng suất lúa tại Việt Nam?
Ở những nơi đã có năng suất lúa rất cao, thì thực tế đồng ruộng vẫn có sự chênh
lệch đáng kể năng suất giữa mảnh ruộng này với mảnh ruộng kia. Còn ở những
nơi đã có năng suất trung bình cao thì cần làm cho năng suất giữa các mảnh ruộng
trở nên đồng đều. Còn ở những nơi năng suất lúa đang thấp, cần áp dụng ngay
những tiến bộ KHKT mới.
IRRI đang có những giống lúa có thể bị ngập chìm trong nước 2- 3 tuần lễ mà vẫn
phát triển tốt và không bị ảnh hưởng tới năng suất. Những giống này có thể sử
dụng để nâng cao năng suất cho các tỉnh miền Trung hoặc miền núi phía Bắc Việt
Nam, là những nơi hay bị lũ trong mùa mưa. IRRI cũng đã có được những giống
lúa chịu được mặn với độ mặn lên đến 6- 7 phần ngàn, mà năng suất lúa vẫn tốt,
Việt Nam nên đưa về các vùng ven biển.