Lệch chênh, vũ trụ này là thế!
(Phần 1)
Nguyên lý 80/20 là gì? Nguyên lý 80/20 cho chúng ta biết rằng trong bất cứ
một nhóm nào cũng đều có một số đối tượng có một vai trò quan trọng hơn những đối
tượng khác rất nhiều. Một mức chuẩn hoặc giả thuyết phù hợp là 80% những kết quả
hoặc sản phẩm được sản sinh ra từ 20% những nguyên nhân, và nhiều khi từ một tỷ lệ
nhỏ hơn nhiều những động lực có sức tác động lớn.
Business Word Portal xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “Nguyên
lý 80/20”
về hiện tượng “bất thường” này trong cuộc sống kinh doanh.
Lời ăn tiếng nói thường nhật là một minh họa rất rõ cho thực tế này. Issac
Pitman, người phát minh ra tốc ký, khám phá ra rằng chỉ có 700 từ thông dụng mà đã
chiếm đến 2/3 các từ ngữ dùng trong những cuộc nói chuyện trao đổi qua lại giữa
chúng ta với nhau. Pitman nhận thấy rằng, những từ ngữ này, kể cả những từ ngữ phái
sinh của chúng, chiếm 80% trong lời ăn tiếng nói thông thường. Trong trường hợp
này, không tới 1% từ ngữ (bộ từ điển New Oxford Shorter Oxford English Dictionary
tập hợp nửa triệu từ) được sử dụng trong 80% lượng thời gian. Chúng ta có thể gọi đây
là nguyên lý 80/1. Tương tự, trên 99% những trao đổi, chuyện trò sử dụng không tới
20% vốn từ: chúng ta có thể gọi đây là nguyên lý 99/20.
Điện ảnh cũng có thể sử dụng để làm một minh họa cho nguyên lý 80/20. Một
nghiên cứu mới đây cho thấy rằng 1,3% các bộ phim đem về 80% tổng doanh thu từ
vé xem phim ở rạp, và ta có thể xem đây là quy luật 80/1.
Nguyên lý 80/20 không phải là một công thức huyền bí gì. Nhiều khi mối quan
hệ giữa kết quả và nguyên nhân gần tỷ lệ 70/30 hơn là 80/20 hay 80/1. Nhưng có một
thực tế là ít khi nào xảy ra trường hợp 50% các nguyên nhân dẫn đến 50% kết quả.
Chúng ta có thể thấy được vũ trụ này không cân đối, không bằng cân. Một thiểu số lại
đóng một vai trò quan yếu.
Những con người và tổ chức thật sự có hiệu quả đều biết bám sát, tận dụng một
số ít những động lực quan trọng có thể phát huy hiệu quả trong lĩnh vực, thế giới của
họ và chuyển chúng thành những lợi thế của họ.
Các bạn hãy tiếp tục đọc những trang sách sau đây để tìm hiểu xem các bạn
cũng có thể học hỏi và làm như thế nào để cũng được như những người ấy...
Dẫn nhập về Nguyên lý 80/20
Trong một thời gian dài, định luật Pareto [Nguyên lý 80/20] cứ lừng lững tồn
tại trong lĩnh vực kinh tế như một tảng đá bất trị không mời mà đến trên một khoảng
sân đã ngăn nắp đâu vào đó, một định luật thực chứng không ai có thể giải thích nổi.
Nguyên lý 80/20 có thể và nên được áp dụng bởi mọi con người thông minh
trong cuộc sống thường nhật của họ, bởi mọi tổ chức, đơn vị, và bởi mọi nhóm và hình
thái xã hội. Nguyên lý này có thể giúp các cá nhân và tổ chức đạt được nhiều kết quả
hơn nhiều với lượng công sức ít hơn nhiều. Nguyên lý 80/20 có thể làm cho con người
ta hiệu quả hơn và hạnh phúc hơn. Nó có thể nhân lên gấp bội mức độ lợi nhuận của
các công ty và tính hiệu quả của bất cứ tổ chức nào. Thậm chí nó còn đóng một vai trò
quan yếu trong việc nâng cao chất lượng và số lượng những dịch vụ công ích trong khi
cắt giảm chi phí. Cuốn sách này, công trình đầu tiên bàn về Nguyên lý 80/20,2 được
viết ra từ một niềm xác tín cháy bỏng, đã được kiểm nghiệm và thực chứng qua kinh
nghiệm kinh doanh và cá nhân, rằng nguyên lý này là một trong những phương cách
tốt nhất để giải quyết và vượt qua được những áp lực của cuộc sống hiện đại.
Nguyên lý 80/20 là gì?
Nguyên lý 80/20 khẳng định rằng một thiểu số nguyên nhân, “nguyên liệu đầu
vào”, hoặc công sức thường dẫn đến một đa số những kết quả, “sản phẩm đầu ra”,
hoặc những thành quả. Hiểu theo nghĩa đen, điều này có nghĩa là, chẳng hạn, 80%
những gì các bạn đạt được trong công việc của mình là kết quả của 20% lượng thời
gian các bạn đã bỏ ra. Như vậy, có thể nói 4/5 những nỗ lực mà các bạn đã bỏ ra –
chiếm một tỷ lệ rất lớn – đều chủ yếu là không đem lại hiệu quả mong đợi. Thực tế
này trái ngược với những gì người ta thường nghĩ.
Như vậy Nguyên lý 80/20 khẳng định rằng tự trong nội tại quan hệ giữa nguyên
nhân và kết quả, “nguyên liệu đầu vào” và “sản phẩm đầu ra”, và giữa công sức và
thành quả thu được đã có một tình trạng mất cân đối. Một chuẩn mức rất rõ cho tình
trạng mất cân đối này có thể thấy qua quan hệ 80/20: công thức điển hình sẽ cho thấy
rằng 80% những “sản phẩm đầu ra” kết tựu từ 20% những “nguyên liệu đầu vào”; rằng
80% các kết quả xuất phát từ 20% các nguyên nhân; hoặc rằng 80% những thành quả
có được từ 20% công sức đã đầu tư. Hình 1 minh họa cho mối quan hệ này.
Trong kinh doanh, nhiều ví dụ minh họa cho Nguyên lý 80/20 đã được kiểm
chứng. 20% các sản phẩm thường chiếm 80% doanh số tính theo đô-la Mỹ; và 20%
các khách hàng cũng có một tầm quan trọng tương tự. 20% các sản phẩm hoặc khách
hàng thường chiếm khoảng 80% lợi nhuận của đơn vị.
Trong xã hội, 20% các tội phạm chiếm 80% giá trị của tất cả các tội phạm. 20%
người lái xe gây ra 80% số tai nạn. 20% số người kết hôn cấu thành 80% số người ly
dị (những kẻ cứ tái hôn rồi lại ly dị đã làm méo lệch các con số thống kê, gây ra một
cảm giác bi quan sai lệch về mức độ chung thủy trong hôn nhân). 20% các học sinh
sinh viên nắm giữ 80% những bằng cấp, chứng chỉ được phát ra.
Trong cuộc sống gia đình, 20% những tấm thảm trải trong nhà thường xuyên có
những bước chân giẫm lên. 20% số quần áo được đem ra mặc trong 80% lượng thời
gian. Và nếu các bạn có gắn một chuông báo trộm, 80% những vụ báo trộm nhầm là
do 20% những nguyên nhân khả hữu.
Động cơ đốt trong là một minh họa tuyệt vời cho Nguyên lý 80/20. 80% lượng
năng lượng bị bỏ phí trong quá trình đốt nhiên liệu và chỉ có 20% là được chuyển
thành năng lượng đẩy cho bánh xe chạy; số 20% “nguyên liệu đầu vào” này tạo ra
100% “sản phẩm đầu ra”!
K
hám phá của Pareto: thiếu cân đối, một tình trạng xảy ra một cách có hệ
thống và có thể đoán trước được
Cơ sở nền tảng của Nguyên lý 80/20 được Vilfredo Pareto (1848-1923) – nhà
kinh tế học người Ý – khám phá ra năm 1897, cách đây đúng 100 năm. Khám phá của
ông cho đến nay đã có nhiều tên gọi khác nhau, như Nguyên lý Pareto (Pareto
Principle), Định luật Pareto (Pareto Law), Qui tắc 80/20 (80/20 Rule), Nguyên lý thiểu
công (Principle of Least Effort), và Nguyên lý bất cân bằng (Principle of Imbalance);
trong bộ sách này chúng ta sẽ thống nhất gọi là Nguyên lý 80/20. Qua cả một quá trình
ảnh hưởng ngấm ngầm đối với nhiều người thành đạt quan trọng, nhất là những người
làm kinh doanh, những người say mê máy tính, và những kỹ sư phụ trách về chất
lượng, Nguyên lý 80/20 đã góp phần tác động đến thế giới hiện đại. Tuy nhiên, nó hãy
còn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong thời đại chúng ta – và ngay cả một số ít
người biết và sử dụng Nguyên lý 80/20 cũng chỉ khai thác được một phần nhỏ nhoi
sức mạnh của nó.
Như vậy Vildredo Pareto đã khám phá ra cái gì? Ông đã tình cờ nghiên cứu
những quy luật về của cải và thu nhập ở nước Anh thế kỷ XIX. Ông nhận thấy rằng,
theo mẫu nghiên cứu của ông, hầu hết lượng thu nhập và của cải về tay một nhóm
người thiểu số. Có lẽ chuyện này cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Nhưng
ông cũng khám phá ra hai điều khác mà ông cho là rất có ý nghĩa. Một là, có một mối
quan hệ nhất quán, có tính toán học giữa tỷ lệ người (lượng phần trăm trong tổng số
đối tượng nghiên cứu đang xét) và lượng thu nhập hoặc của cải mà nhóm này được
hưởng.4 Nói đơn giản hơn, nếu 20% của nhóm đối tượng nghiên cứu hưởng 80%
lượng của cải,5 thì các bạn có thể đoán chắc rằng 10% sẽ hưởng, chẳng hạn như, 65%
lượng của cải, và 5% sẽ hưởng 50%. Điểm mấu chốt không phải ở chỗ các con số phần
trăm, mà là ở chỗ việc phân bố của cải trong một nhóm đối tượng có thể tiên đoán là
không cân đối.
Khám phá thứ hai của Pareto, một khám phá thật sự làm ông phấn khích, là quy
luật bất cân đối này lặp đi lặp lại một cách ổn định bất cứ khi nào ông xem xét những
dữ liệu liên quan đến những giai đoạn lịch sử khác nhau hoặc những quốc gia khác
nhau. Dù nghiên cứu nước Anh trong những giai đoạn đầu, hoặc bất cứ dữ liệu nào có
thể có được về những nước khác trong thời đại của ông hoặc trước đó, ông đều thấy có
một quy luật chung lặp đi lặp lại, nhiều lần, với một sự chính xác toán học.
Đây là một sự trùng hợp lạ kỳ, hay là một điều gì đó có một tầm quan trọng lớn
lao đối với kinh tế học và xã hội? Quy luật này có còn đúng không nếu áp dụng vào
những tập hợp dữ liệu có liên quan đến những vấn đề khác ngoài của cải hoặc thu
nhập? Pareto là một nhà cách tân đại tài, vì trước ông ta chưa có ai từng xem xét hai
tập hợp dữ liệu có liên quan với nhau – trong trường hợp này là so sánh phân phối thu
nhập hoặc của cải với số người có thu nhập hoặc chủ sở hữu tài sản – và so sánh tỷ lệ
phần trăm giữa hai tập hợp dữ liệu này. (Ngày nay phương pháp này đã trở nên bình
thường, và đã dẫn đến những bước nhảy vọt lớn trong các hoạt động doanh thương và
kinh tế).
Mặc dù Pareto đã nhận thấy tầm quan trọng và phạm vi áp dụng rộng lớn của
khám phá của ông nhưng, thật đáng tiếc, ông lại rất kém trong việc giải thích nó. Sau
đó ông tiếp tục đưa ra hàng loạt những lý thuyết xã hội học kỳ thú nhưng lan man,
chẳng đâu vào đâu, tập trung vào vai trò của bộ phận tinh hoa của xã hội, để rồi cuối
đời ông, những tư tưởng ấy đã bị những tên phát xít theo phe Mussolini lạm dụng và