1.001 NỖI KHỔ THIẾU PHIM TRƯỜNG
Nước ta có một phim trường lớn nhất thế giới. Bởi khi cần một bối cảnh nào,
từ một ngôi biệt thự hay một cánh đồng bao la, hoặc một khu chế xuất, chỉ cần đạo
diễn chấm xong, lập tức tổ chủ nhiệm có ngay phương án, kế hoạch năn nỉ, ỉ ôi là
xem như đoàn phim có một phim trường như ý.
Cảnh phim "Người Mỹ trầm lặng"
Dân gian có câu: "Trên đời có bốn cái ngu: làm mai, mượn nợ, gác cu, cầm
chầu" nhưng, đối với nhiều người, cái ngu nhất trên đời là có nhà mà cho đoàn làm
phim mượn. Vì sao? Bởi đoàn làm phim có những chuyên gia năn nỉ rất hay những lời
hứa tốt đẹp đó tan vỡ ngay nếu như gặp một đoàn làm phim thiếu ý thức.
Chủ quán Khánh Hà vốn là người hâm mộ nghệ sĩ. Khi nghe một anh nhà báo
giới thiệu đoàn làm phim tới quay những cảnh đẹp trong nhà, ông đồng ý. Khi xin
phép, họ nói chỉ quay một phân đoạn ngắn. Nhưng đoàn làm phim kéo đến gần 40
người. Họ ăn uống thoải mái, nhân viên phục vụ từ 7h00 - 4h00 sáng. Đến lúc đoàn
làm phim quay xong, hậu quả khôn lường.
Nhiều người ăn uống không trả tiền. Chủ nhiệm bảo ai ăn người đó trả. Cây
cảnh trong vườn bị ánh sáng của đèn cao áp chiếu vào héo úa. Cây gì vướng vào ống
kính bị đoàn làm phim ngắt, chặt hoặc bẻ bỏ. Một số vật dụng trưng bày trong quán
không cánh mà bay.
Không chỉ chủ quán khổ, đoàn làm phim cũng khổ vì thiếu phim trường. Đoàn
làm phim Ba Người Đàn Bà của đạo diễn Hồ Nhân cần bối cảnh là một căn nhà cổ để
quay cảnh nhà bà Nhiên bị hoang tưởng.
Ngày đầu chủ nhân cũng vui vẻ nhưng khi thấy nghệ sĩ Tường Vân diễn xuất
kêu gào, la hét trong đêm, đã vậy còn để hình người chết trên bàn thờ càng khiến chủ
nhà chết khiếp.
Họ nhất định không cho quay vì không ai muốn có điềm xấu trong nhà mình.
Đạo diễn phải chọn phương án hai, tìm một căn nhà khác quay nội cảnh, còn ngoại
cảnh cứ lấy đỡ sân nhà đó mà xài.
Mới đây, trong phim Hai Mảnh Đời của đạo diễn Hồ Ngọc Xum, cảnh quay cần
phải di chuyển cái bàn thờ nhỏ trong nhà để thế bằng một cái bàn thờ khác cho hợp.
Dù mọi thứ chuẩn bị xong, gia chủ dứt khoát không cho dời. Đạo diễn trổ tài ngoại
giao, mời chủ nhà vài ly và cùng nhau tâm sự nỗi khổ của mình.
Chủ nhà quyết định cho dời bàn thờ bất chấp sự can ngăn của con với một câu:
"Vợ tao, tao di chuyển. Hà cớ gì tụi bây can. Phải biết hy sinh vì nghệ thuật chứ". Hai
đạo diễn Tường Phương, Phương Nam đi chọn cảnh ở Đồng Tháp. Lên chi tiết từng
bối cảnh phim nhưng khi đoàn làm phim đến, toàn bộ khu doang dã này là một khu đô
thị mới.
Phim Duyên Phận của đạo diễn Lê Cung Bắc quay tại khu cư xá Bắc Hải hai
ngày đầu ngon lành. Đến ngày thứ ba, chủ nhà nhậu xỉn rồi về quậy. Ông cầm một con
dao yêu cầu đoàn làm phim đem hết đồ ra ngoài và cấm mọi người vào nhà.
Cả đoàn làm phim phải đứng ngoài đường ăn bánh mì cho đỡ tủi thân. Sau đó,
họ phải nhờ công an tới làm việc chủ nhà mới tỉnh rượu. Nhiều trường hợp chi phí cao
chóng mặt vì thiếu phim trường. Đoàn làm phim Người Mỹ Trầm Lặng bỏ ra gần hai
triệu đô la để quay cảnh hai quả nổ nằm ngay trên con đường Đồng Khởi. Họ chấp
nhận mua đứt các cửa hàng ở khu vực xung quanh.
Có lẽ đây là bối cảnh phim trường tốn kém nhất từ trước đến nay. Quy mô hơn
cả phim Người Tình của Pháp khi thuê hai con đường ở khu vực chợ Lớn để làm
phim.
Nhiều nhưng không chuyên
Trước đây có phim trường của Hai Nhất nhưng chỉ được vài phim là đã xong
phim. Phần nội thất và bối cảnh quá đơn giản. Mãi đến sau này mới có phim trường
Mã Phi Hải, nằm trong một con hẻm trên đường Lê Văn Sĩ.
Tuy nhỏ nhưng, nhờ sự tháo vát của chủ nhân, vốn là hoạ sĩ phim trường, mọi
yêu cầu của các đoàn đều được đáp ứng. Khi làm phim 39 Độ Yêu, công ty BHD phải
thuê một nhà kho nằm trên đường Hoàng Văn Thụ với giá một tháng 30 triệu đồng.
Đó là chưa kể, đoàn làm phim phải dàn dựng, sửa sang thành 22 bối cảnh chính
của phim, chiếm gần 60% thời lượng quay. Đến khi quay phim Hồn Trương Ba, Da
Hàng Thịt, công ty chủ động mua một dãy nhà hoang, thực hiện một số bối cảnh quan
trọng cho phim một cách bài bản.
Với nhiều người, có phim trường là có thể chủ động mọi việc, tiết kiệm được
nhiều chi phí cho đoàn làm phim. Đoàn làm phim Mùi Ngò Gai của hãng phim Việt
Family kết hợp với công ty FNC ra đời từ một phim trường tại quận 9.
Đây là nơi đoàn làm phim sử dụng nhiều bối cảnh của phim. Chiến lược hơn,
hãng phim của Nguyễn Chánh Tín xây dựng một phim trường ở Hóc Môn trước khi
thành lập đoàn làm phim Dòng Máu Anh Hùng với nhiều dụng cụ ánh sáng và phương
tiện theo tiêu chuẩn của Hollywood.
Dù phim này phần nhiều là ngoại cảnh như Đà Nẵng, vịnh Hạ Long, v.v...,
nhưng cảnh quay ở phim trường vẫn là ưu tiên số một. Hãng phim TFS thuê được khu
du lịch của Củ Chi làm bối cảnh cho phim. Mở màn là phim Lục Vân Tiên. Các bối
cảnh sông nước, thuyền bè những con đường làng đều được tận dụng tối đa.
Hoặc khi chuyển qua quay kiểu sitcom như phim Lẵng Hoa Tình Yêu, một dãy
nhà được xây tạm lên trở thành hàng khối văn phòng của các công ty, vừa tiện lợi cho
việc thu hình, thu tiếng, đảm bảo tiến độ sản xuất phim theo đúng kế hoạch.
Phim trường lớn nhất và hiện đại nhất là phim trường Cánh Đồng Ước Mơ rộng
trên 10 ha của công ty truyền thông Trí Việt do kiến trúc sư Hàn Quốc thiết kế với
kinh phí lên tới 20 triệu đô la. Phim trường này có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, sản
xuất phim với một quy trình khép kín.
Phim trường ngoại - Ước mơ ngoài tầm tay
Phim trường ở các nước khác như Hàn Quốc kỳ vĩ đến mức ta không thể hình
dung nổi. Xe chạy gần nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa hết phim trường. Ngoại cảnh có
suối, sông, đồi núi, những dãy nhà cổ được bê nguyên xi từ những ngôi làng có thật.
Phim trường nội có đến sáu khu vực, đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất từ cần
cẩu, máy quay hiện đại, có thể xây cung đình hay thượng giới chỉ một đêm, cả việc
thay trời làm mưa cũng không có gì khó khăn.
Phim trường còn có nơi ăn chốn ở, có khu vực giải trí cho diễn viên. Một ngày
phim trường có thể tiếp nhận nhiều đoàn làm phim đến quay cùng một lúc mà không
hề ảnh hưởng đến bất cứ điều chi. Hoặc như ở ấn Độ, đến phim trường như một thánh
đường. Sau khi phim chiếu ra mắt, nơi ấy trở thành một điểm du lịch thu hút nhiều du
khách.
Ước mơ và hiện thực
Hiện nay, chúng ta tuy có nhiều phim trường nhưng liệu có đạt chuẩn hay
không? Ông Khải Hưng, giám đốc một hãng phim nhà nước, cho biết, phim trường
đang có hiện nay chẳng nơi nào đáp ứng được trọn vẹn việc sản xuất một bộ phim.