Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Nuốt khó - Biểu hiện bệnh đáng báo động docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (176.95 KB, 5 trang )

Nuốt khó - Biểu hiện bệnh
đáng báo động...

Nuốt khó là tình trạng cần nhiều thời gian và nỗ lực để đưa thức ăn hay
nước uống từ miệng xuống dạ dày, đôi khi là không nuốt được. Nuốt khó thường
kèm theo nuốt đau. Triệu chứng có thể đôi khi xuất hiện khi nhai không kỹ và ăn
quá nhanh, nhưng khi nuốt khó thường xuyên lại là dấu hiệu đáng báo động. Nuốt
khó thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi và việc điều trị phải căn cứ vào
nguyên nhân.
Động tác nuốt là một quá trình phức tạp trong đó có sự tham gia của các
thành phần từ miệng, lưỡi, hầu, thực quản; các cơ và thần kinh. Nuốt qua 3 giai
đoạn: Giai đoạn đầu thức ăn được làm mềm và nhỏ nhờ nước bọt và động tác nhai,
cuối giai đoạn này lưỡi tập trung thức ăn để chuẩn bị cho động tác nuốt. Giai đoạn
hai bắt đầu khi thức ăn được đẩy vào thành sau miệng kích hoạt phản xạ nuốt đẩy
thức ăn qua hầu xuống thực quản, trong giai đoạn này thanh quản đóng chặt để
ngăn chặn thức ăn lọt vào phổi. Giai đoạn cuối cùng, thức ăn được vận chuyển từ
thực quản xuống dạ dày.
Tỷ lệ nuốt khó rất khó xác định, tuy vậy ước tính có tới 35% người trên 50
tuổi có cảm giác nuốt khó ít nhất một lần trong tuần. Có rất nhiều nguyên nhân
gây nên nuốt khó, trong đó bất kỳ tình trạng nào gây ra thương tổn cơ hoặc thần
kinh tham gia vào động tác nuốt đều có thể gây ra triệu chứng này.
Nguyên nhân nào gây nên?
Các nguyên nhân nuốt khó do thực quản có thể gặp như: Bệnh tâm vị
không giãn (achalasia) do cơ thắt ở đoạn dưới thực quản không giãn đúng cách để
thức ăn vào dạ dày, bệnh thường kèm theo yếu cơ thành thực quản. Hẹp thực quản
do sẹo thường do sau biến chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày-thực quản, hoặc
các khối u, polyp chèn ép. Rối loạn co bóp thực quản là một rối loạn hiếm gặp,
thường xuất hiện từng đợt và nặng dần theo thời gian. Các khối u thực quản, ung
thư thực quản thường nuốt khó tăng dần, lúc đầu nuốt khó với thức ăn sau với
nước uống, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy khó. Nuốt khó cũng thể do có các túi
thừa ở hầu, thực quản là nơi thức ăn có thể đọng lại. Nuốt khó do dị vật mắc kẹt


trong thực quản thường gặp ở người già có răng giả, khả năng nhai kém; trẻ nhỏ
hay gặp dị vật như kim băng, mảnh đồ chơi, đồng xu...
Nuốt khó do nguyên nhân miệng hầu chủ yếu là các rối loạn và thương tổn
về thần kinh như bệnh parkinson, đột quỵ não hoặc các thương tổn vùng cột
sống... Nuốt khó cũng có thể do các ổ nhiễm khuẩn, sưng tấy làm hẹp lòng hầu,
thực quản.
Nuốt khó do bệnh xơ cứng bì, đây là bệnh hệ thống gây thương tổn nhiều
cơ quan trong đó gây xơ cứng da và các cơ quan trong đó có thực quản, gây yếu
cơ thắt thực quản, giảm vận động cơ thành thực quản, gây ra các triệu chứng gần
như bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản.
Ở trẻ nhỏ thường phát hiện động tác nuốt khó trên trẻ đẻ non, nhẹ cân hoặc
có các dị tật bẩm sinh như hở màn hầu...
Cần lưu ý, rất nhiều bệnh nhân có cảm giác nuốt khó mà không có thương
tổn thực thể, một số có cảm giác vương vướng như có dị vật ở cổ họng hoặc sau
xương ức, trên thực tế khi thăm khám thường không phát hiện thấy thương tổn.
Cảm giác nuốt khó này xuất hiện không thường xuyên và thường liên quan tới các
stress tâm lý.
Nguy cơ và biến chứng
Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ gây nuốt khó. Trẻ đẻ non do sự phát triển
các cơ quan chưa hoàn thiện, trong đó có hệ tiêu hóa đặc biệt là thực quản. Một số
tình trạng rối loạn sức khỏe, đặc biệt là các rối loạn về hệ thần kinh, tâm thần có
thể gây ra trạng thái nuốt khó.
Nuốt khó không được tìm căn nguyên để điều trị hay gây ra các biến chứng
như suy dinh dưỡng, rối loạn nước và điện giải do bệnh nhân không ăn uống được.
Các biến chứng về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm đường hô hấp
trên... Nuốt khó do ung thư thực quản không được phát hiện và điều trị sớm thì
nguy cơ tử vong rất cao.
Điều trị và phòng ngừa

Tắc thực quản.

Khi cảm thấy nuốt khó, đặc biệt là các trường hợp nuốt khó kéo dài, dai
dẳng, tăng dần, bệnh nhân cần đi khám để được bác sĩ phát hiện sớm các nguyên
nhân. Trong quá trình đánh giá cần khai thác tiền sử kỹ càng và thăm khám một
cách hệ thống.
Các xét nghiệm thường được chỉ định là chụp Xquang thực quản cản
quang, đo áp lực thực quản, độ pH thực quản 24 giờ, siêu âm nội soi... Ngày nay
nội soi tiêu hóa phát triển rất có giá trị trong việc đánh giá các bệnh lý thực quản,
ngoài việc giúp chẩn đoán chính xác còn giúp can thiệp điều trị kịp thời như cắt
polyp thực quản qua nội soi, nong đoạn thực quản bị hẹp bằng bóng...
Điều trị nuốt khó phụ thuộc vào nguyên nhân. Nuốt khó liên quan tới bệnh
lý trào ngược dạ dày - thực quản, co thắt thực quản có thể được chỉ định điều trị
nội khoa. Nuốt khó do nguyên nhân miệng hầu cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa
tai mũi họng, thần kinh. Nuốt khó do nguyên nhân thực quản ví như hẹp tâm vị có
thể nong bằng bóng qua nội soi, trong trường hợp phát hiện các polyp, khối u có
thể cần làm thủ thuật hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp đã xác định chắc chắn
không có tổn thương thực thể mà bệnh nhân vẫn có cảm giác nuốt khó cần quan
tâm điều trị các rối loạn về tâm lý.
Mặc dù triệu chứng nuốt khó có thể khó phòng ngừa với các nguyên nhân
do thương tổn thần kinh, nhưng có thể được giảm thiểu bằng cách ăn chậm, nhai
kỹ, phát hiện sớm và điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản, phát hiện sớm
các dấu hiệu nguy hiểm để khám và điều trị kịp thời.

×