Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Tài liệu Làm gì khi bị tăng huyết áp? pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.19 KB, 5 trang )

Làm gì khi bị tăng huyết áp?

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh phổ biến ở các nước phát triển cũng
như các nước đang phát triển. Bệnh tiến triển lâu ngày sẽ làm tổn thương các
mạch máu và gây ảnh hưởng xấu tới nhiều cơ quan như tim, não, thận, thậm
chí gây nhiều biến chứng nặng nề như chảy máu não, suy tim… ảnh hưởng
đến sức khỏe của bệnh nhân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Thế nào là THA?
Huyết áp được gọi là tăng khi huyết áp tâm thu lớn hơn hoặc bằng
140mmHg và huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90mmHg. Người ta không
chẩn đoán THA qua một lần đo. Khi người ta đo huyết áp của bạn và thấy từ
140/90mmHg trở lên, thì có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn trở lại đo huyết áp thêm 2
lần nữa trong thời gian 4 tuần mới có thể khẳng định là bạn có THA hay không.
THA là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, trong các bệnh viêm cầu thận
cấp và mạn tính; sỏi thận, viêm thận kẽ, hẹp động mạch thận. Các bệnh nội tiết
như u tủy thượng thận, Cushing, cường tuyến giáp, cường tuyến yên... Các bệnh
tim mạch như hẹp, vữa xơ động mạch, hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch
chủ... THA cũng có nguyên nhân do dùng thuốc, dùng cam thảo, ngộ độc thai
nghén.
Ai có nguy cơ THA?
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng trong gia đình có cha, mẹ bị THA thì
con cái có nguy cơ tăng huyết áp hơn những người không có cha mẹ mắc bệnh
này. Ở người bình thường, không có thừa cân - béo phì và những rối loạn chuyển
hóa mắc phải thì tuổi hay bị THA nhất là nam trên 55 tuổi, phụ nữ tuổi mãn kinh.
Các chất kích thích dễ làm huyết áp tăng nếu người ta sử dụng thường xuyên là
rượu, đặc biệt là nghiện rượu, mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng sự thật là sử dụng
thường xuyên cà phê có thể làm nhịp tim tăng và THA. Thuốc lá là một thủ phạm
gây tổn thương tim và mạch máu, do thuốc lá làm co thắt các mạch máu dẫn đến
làm hẹp lòng mạch là nguyên nhân gây THA. Thói quen ăn mặn (làm giữ muối và
nước gây tăng thể tích máu, gây áp lực động mạch lớn dẫn đến THA), thói quen
lười vận động cũng là những nguyên nhân gây ra THA.


Hầu hết THA đều gặp ở vòng luẩn quẩn của những người béo phì, đái tháo
đường, vữa xơ động mạch, rối loạn lipid máu. Bên cạnh đó thì một số thuốc chống
viêm có steroid cũng có thể dẫn đến THA.
Chu kỳ sinh học của huyết áp có thể gây đột quỵ
Hầu hết những người bị bệnh THA không có triệu chứng gì. Một số người
với huyết áp cao nhiều có thể có các triệu chứng như đau đầu, nhìn mờ... Một số
triệu chứng của các biến chứng: đau ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rung nhĩ, suy
thận, nhìn mờ... Các biến chứng của THA thường đi kèm với các bệnh khác như
vữa xơ động mạch, đau thắt ngực ổn định, nhồi máu cơ tim.
Điều đáng chú ý là mối liên hệ giữa chu kỳ sinh học của huyết áp và nguy
cơ đột quỵ. Huyết áp thường tăng cao vào buổi sáng sớm, khoảng từ 5 - 7 giờ. Đây
là thời gian người bệnh thường thức giấc, do vậy những tai biến rất dễ xảy ra do:
Người bệnh thay đổi tư thế đột ngột trong khi huyết áp đang ở mức cao nhất,
chóng mặt, nhìn mờ xuất hiện có thể làm người bệnh ngã. Các động mạch khi bị
THA thường có áp lực lớn nên rất dễ bị tổn thương nếu chỉ cần một va chạm nhẹ,
thậm chí chỉ cần thay đổi tư thế đột ngột. Nhiều trường hợp các cụ già dậy sớm tập
thể dục và bị tai biến mạch máu não.
Phòng và điều trị THA
Nếu huyết áp tăng ít thì cũng không cần điều trị nhiều, nhưng cần theo dõi
thường xuyên. Nếu huyết áp tăng nhiều, có thể phải nhập viện để điều trị. Thay
đổi lối sống là một biện pháp điều trị đầu tiên được các bác sĩ khuyến cáo đối với
bệnh nhân THA. Một số thuốc điều trị THA thường dùng là thuốc chẹn beta giao
cảm, thuốc chẹn anpha giao cảm, 2 dạng này ở dạng phối hợp, các thuốc lợi tiểu,
thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển...
Phòng bệnh THA: Luôn luôn giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh,
đáng lưu ý nhất là không nên ăn quá mặn. THA và xơ vữa động mạch thường song
hành thúc đẩy nhau làm bệnh nặng thêm nên chế độ ăn cần điều chỉnh để lượng
cholesterol không cao quá, nên thay thế mỡ động vật bằng dầu ăn thực vật. Duy trì
chế độ ăn đầy đủ lượng kali khoảng 90mmol/ngày, đặc biệt ở những bệnh nhân
cần dùng thuốc lợi tiểu để điều trị THA. Bảo đảm đầy đủ calcium và magnesium.

Không nên uống rượu bia, cà phê và đặc biệt là không hút thuốc lá. Tránh tình
trạng thừa cân, béo phì. Rèn luyện thể lực, thể dục thể thao. Bảo đảm ngủ đủ,
tránh stress. Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh THA thì
phải tuân thủ các chế độ trên chặt chẽ hơn, cần phải khám sức khỏe định kỳ hằng
năm và giải quyết các nguy cơ nếu có, đặc biệt khống chế các yếu tố dễ làm huyết
áp tăng cao đột ngột. Đối với những người đã mắc bệnh THA cần điều trị liên tục,
có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc.

×