Thế giới tuyệt vời của thai
nhi qua siêu âm!
Bạn có thể nhìn được mắt, mũi, trán, cằm, cái miệng bé xíu… của sinh linh
mấy tháng tuổi trong bụng mình. Bạn cũng có thể biết được thái độ của bé với cái
nhăn nhó hay thích thú, sự hài lòng hay cáu kỉnh… để điều chỉnh chính bản thân
mình, sao cho tạo ra cho con một môi trường tuyệt vời nhất… Giờ đây, người ta
còn kỳ vọng là sẽ giao tiếp được với thai nhi vẫn nằm gọn gàng trong lòng mẹ…
Tất cả đều có thể làm được nhờ kỹ thuật siêu âm hiện đại
Từ hình dáng bên ngoài
Với kết quả chụp được từ những máy siêu âm thế hệ 2 chiều (2D), ngoài
các hình ảnh đen trắng hoặc vàng đỏ, chúng ta chưa thể nhận biết được hết các chi
tiết cụ thể.
Theo thời gian, các máy siêu âm thế hệ 3D ra đời, đáp ứng nhu cầu của các
bác sĩ lẫn sản phụ muốn nhìn thật rõ hình dạng bên ngoài của thai nhi như mặt
mũi, chân tay, các ngón chân, ngón tay, “hành vi” đạp bụng mẹ… như thế nào.
Tận mắt được thấy con mình đang “sinh sống” trong bụng mình ra sao - đó chính
là mong muốn chính đáng của các bà mẹ.
Máy siêu âm 3D cho phép chúng ta nhìn được hình bề mặt và hình nổi của
thai nhi, cụ thể giúp các bác sĩ lâm sàng thấy rõ sọ thai nhi, nhìn rõ các đường
khớp, các thóp; mặt của thai nhi, thấy rõ độ cao của mũi, các chỗ lồi lõm trên mặt,
dễ dàng phát hiện các trường hợp sứt môi, hở hàm ếch…; các bất thường ở chân
tay (không có chi dưới, biến dạng, ngắn…), ở cột sống (cong, vẹo) cũng như ở
bụng, hệ tiết niệu và sinh dục…
Thời gian dựng ảnh chỉ khoảng 1 giây, đó là ưu điểm nổi bật nhất của máy
3D. Theo đó, người ta có thể ghi được gần như tức thời các động tác của thai nhi
như vươn vai, co duỗi chân tay, thậm chí chụp được động tác thai nhi xòe rộng các
ngón chân, rồi từ từ khép lại; bàn tay của nó nắm lấy dây rốn trong phút chốc rồi
lại thả ra.
Đến diễn biến hành vi…
Tuy vậy, xét cho cùng, tốc độ dựng hình 1 giây vẫn chưa đáp ứng được rất
nhiều yêu cầu của các nhà nghiên cứu sinh học. Bởi bạn chưa chắc ghi được cái
nhếch mép, bĩu môi của thai nhi, bởi nó chỉ xuất hiện trong vòng không tới 1 giây!
Và sau một thời gian nghiên cứu, thế hệ máy siêu âm 4D xuất hiện với tốc độ ghi
hình kỷ lục: 1/12 giây!
Máy siêu âm thế hệ mới này cho phép các nhà nghiên cứu thấy được các
diễn biến “hành vi” của thai nhi theo trục thời gian; do vậy siêu âm 3D không
gian, mở thêm chiều thời gian được gọi là siêu âm 4 chiều, gọi tắt là 4D. Siêu âm
4D theo dõi được chi tiết “hành vi” của thai nhi, cho phép chúng ta “giao tiếp”
được với thai nhi.
Siêu âm 5D là sự kết hợp các ưu điểm của nhiều thế hệ siêu âm. Hình ảnh
của loại siêu âm này là kết quả của sự trộn hình của 4D và các hình ghi được của
nhiều loại siêu âm Doppler. Chúng ta đã biết, siêu âm Doppler (được dùng trong
chẩn đoán các bệnh tim mạch) cho hình ảnh màu của các chuyển động chất lỏng
(ghi hình các dòng máu trong động mạch, tĩnh mạch). Thai nhi sống trong lòng
một khối chất lỏng (dịch ối), thường uống nước ối, đôi khi lại… phun ra, có lúc
còn… tè vào trong dịch ối. ảnh chụp động học, nổi kèm với chuyển động của dòng
dịch, liên quan đến nó (như dịch ối…) là sản phẩm của siêu âm 5D.
Và cùng giao tiếp
Rõ ràng, các máy siêu âm thế hệ 3D đã cho chúng ta nhìn thấy những biểu
lộ nhỏ nhất về tình cảm của thai nhi. Và giờ đây người ta có ý chờ đợi những cuộc
giao tiếp giữa “người ngoài” và “người trong” để sớm đề xuất những phương án
tối ưu cho cuộc sống của thai nhi được đầy đủ hơn. Có nhiều điều nhận biết được
qua hình ảnh siêu âm sẽ bổ sung hoặc đính chính lại một số kiến thức của chúng ta
về y sinh học.
Điều đáng quan tâm và độc đáo hơn nữa là đời sống của thai nhi trong túi
ối. Dịch ối trong túi luôn đổi mới và chính thai nhi cũng góp phần vào sự biến đổi
nó. Siêu âm cho thấy, thai nhi lướt nhẹ nhàng với trạng thái không trọng lượng
trong dịch nước ối. Đối với bé, tất cả đều dịu dàng, êm trôi theo dòng chuyển dịch
của nước ối. Thai nhi hoàn toàn thoải mái và hạnh phúc với cuộc sống này. Bé
không phải dùng sức để chống lại sức hút của Trái đất.
Thân thể của bé, không chịu một va chạm nào đáng kể vì khối nước quanh
là một tấm đệm làm giảm các rung động từ bên ngoài. Thực thú vị khi quan sát sự
di chuyển của thai nhi: Bé dùng vừa đủ lực của cơ bắp để chuyển động chân, tay,
uốn éo theo nhiều động tác mềm dẻo để gấp duỗi thân mình. Kỳ thú hơn nữa là dù
ngập chìm, rong ruổi trong khối dịch ối mà thai nhi vẫn không hề bị sặc, ngạt.