Bí kíp giúp bạn tránh cảm giác lạc lõng ở nơi
đông người
Theo các nghiên cứu khoa học dưới đây, bạn sẽ không phải
bấm *101# ở điện thoại và tự mỉm cười một mình giữa chốn
đông người để "ra vẻ" có ai đó quan tâm
Trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua cảm giác rụt rè, tự ti khi mới bước vào môi trường với
nhiều điều lạ lẫm. Đó là cảm giác cô đơn, lạc lõng - thứ phản ứng tự nhiên của con người, đặc
biệt là khi chúng ta phải tiếp xúc với một không gian mới lạ, xung quanh toàn những người
không hề quen biết.
Các nhà khoa học tìm hiểu và đưa ra một vài bí kíp giúp chúng ta chiến đấu, chống lại sự khó
chịu ấy…
Cô đơn, lạc lõng là gì?
Về cơ bản, có thể định nghĩa sự cô đơn, lạc lõng của con người là cảm xúc khó chịu của con
người, phản ứng lại sự cô lập cá nhân hay thiếu các liên kết cộng đồng ở hiện tại cũng như tương
lai. Hiểu một cách đơn giản, khi thiếu các mối quan hệ, không có sự giao tiếp với xung quanh, cơ
thể bạn phản ứng lại bằng trạng thái tâm lý gọi là sự cô đơn, lạc lõng.
Vì sao ta thấy cô đơn khi ở chốn đông người?
Có thể chia trạng thái cảm xúc này ra làm nhiều loại, tùy theo phương pháp và mục đích tiếp cận.
Ở đây, có một dạng cô đơn thường xuyên gặp phải: đó là cô đơn khi ở chốn đông người. Điều
này phần lớn chúng ta đều gặp phải vào những ngày đầu tiên cắp sách tới trường, khi mà xung
quanh toàn là người xa lạ.
Căn nguyên của vấn đề nằm ở hormone oxytocin trong cơ thể người. Các chuyên gia đã tiến
hành một thí nghiệm với hai nhóm đối tượng khác nhau. Một nhóm toàn người quen và một
nhóm toàn người lạ, tất cả cùng hít giả dược chứa oxytocin và tham gia một trò chơi tập thể.
Kết quả là hormone này làm tăng sự gắn kết, tin tưởng giữa những người quen thân, nhưng
ngược lại làm giảm sự hợp tác khi chúng ta bắt gặp người xa lạ.
Chính việc làm giảm sự hợp tác của hormone oxytocin nên khi bước vào một môi trường lạ lẫm,
chúng ta cảm thấy nhút nhát, thiếu tự tin và không dám bắt chuyện với bất kỳ ai. Hệ quả dẫn tới
là sự thiếu các mối liên kết cộng đồng trong thời gian nhất định. Điều tất yếu, cơ thể sẽ phản ứng
lại bằng cảm giác cô đơn, lạc lõng, một mình giữa vũ trụ bao la.
Đặc biệt, theo nhà tâm lý học John Cacioppo thuộc Đại học Chicago, sự cô đơn có liên kết với
các yếu tố di truyền. Đó là lý do vì sao cảm giác này ở mỗi người là khác nhau, có người thậm
chí sợ hãi trước đám đông, trong khi người khác lại dễ dàng thích nghi, hòa đồng.
Hậu quả đáng sợ
Sự cô đơn ở chốn đông người rõ ràng là nhất thời, nhưng nó có thể kéo theo những hệ lụy xấu
nếu lặp đi lặp lại trong một thời gian dài.
Ở góc độ tâm lý, các chuyên gia khẳng định, có mối liên hệ mật thiết giữa cô đơn và căn bệnh
trầm cảm. Cô đơn một lần, hai lần, ba lần có thể dẫn tới cô đơn kinh niên, nặng hơn có thể dẫn
đến chứng nghiện rượu, tự kỷ, thậm chí là tự tử.
Cô đơn có thể là nguyên nhân gây ra chứng nghiện rượu
Người hay cô đơn có sức khỏe không tốt. Nghiên cứu năm 2006 của Trung tâm khoa học thần
kinh nhận thức và xã hội thuộc Đại học Chicago cho thấy những người thường xuyên cảm thấy
cô đơn sẽ có huyết áp cao hơn 30 điểm so với người bình thường.
Cũng theo nhà tâm lý học John Cacioppo, cô đơn gây suy yếu ý chí và nhận thức, làm thay đổi
ADN sao chép trong tế bào miễn dịch, gây ảnh hưởng tới sức khỏe rất nhiều.
Cảm giác cô đơn không đơn giản, nó đôi khi là căn nguyên của một căn bệnh chết người!
Bí kíp chống cô đơn ở nơi đông người
Để thoát khỏi tình trạng trên, bạn hãy bắt đầu ngay với những tuyệt chiêu được khuyến cáo bởi
các nhà khoa học dưới đây.
Bắt đầu từ việc “biết mình biết người”. Bạn cần thấu hiểu xem bản thân mình cần gì, muốn gì và
điều gì ngăn cản bạn đứng dậy bắt chuyện với những người xung quanh. Thiếu tự tin, nhút nhát
hay bạn quen với việc được chăm sóc, cung phụng nên không có kỹ năng? Hãy tìm ra vấn đề
trước khi cố gắng giải quyết nó.
Cuộc đời rất đẹp, hãy tìm ra điều mà bản thân mình luôn mong muốn.
Tiếp theo, hãy tự lẩm nhẩm từ “lạc quan” và chờ ai đó bắt chuyện với mình. Bạn yên tâm, đó là
điều chắc chắn sẽ xảy ra. Và khi nó đến, hãy tiếp chuyện chứ đừng lơ đi, hay không thoải mái
với suy nghĩ: “Mình không quen, không có gì để nói cả!”.
Nếu ai đó chủ động bắt chuyện, hãy mở lòng mình nhé!
Thường xuyên nói chuyện với bác sĩ tâm lý cũng là ý kiến rất hay. Lý do là bởi, đơn giản, cô đơn
cũng là một bệnh và bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn điều trị, chữa khỏi căn bệnh đó.
Cuối cùng, cũng là bước khó làm nhất: Hãy trở nên nhạy cảm và mở lòng với xung quanh. Chỉ
cần tinh ý một chút, bạn sẽ biết những người ngồi cạnh bạn trên bến xe bus, tàu điện đang cảm
thấy như thế nào. Bắt đầu một câu chuyện đúng “chỗ ngứa” của đối tượng là cách tuyệt vời để
tiêu diệt sự cô đơn của bản thân.
Chỉ một chút tinh ý, bạn sẽ nhận ra được những người xung quanh đang cảm thấy thế nào và
biết rằng họ đang cần bạn.
Tạm kết: Cô đơn hay không tùy thuộc tất cả vào cách bạn suy nghĩ và hành động. Đừng bao giờ
tự nói với bản thân rằng mình luôn cô đơn, lạc lõng bởi khi ấy, bạn sẽ chỉ "luẩn quẩn" trong suy
nghĩ đó mà thôi. Trong mọi hoàn cảnh, hãy mở rộng lòng mình và đón nhận mọi thứ với một nụ
cười thật tươi, chắc chắn bạn sẽ thấy thế giới xung quanh mình muôn màu và đáng yêu biết
chừng nào.