Thận trọng với những nhân tố rủi ro
Bốn nhân tố rủi ro đòi hỏi phải có sự quan tâm thích đáng của các
nhà hoạch định chính sách trong những năm tới.
Jonathan Pincus & Vũ Thành Tự Anh
Nền kinh tế Việt Nam đang diễn biến nhanh và ngày càng trở nên phức
tạp. Việc chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đầu năm nay đã tạo nên một
làn sóng hứng khởi, được phản ánh trong hầu hết các chỉ số kinh tế quan trọng. Giá cổ phiếu
tăng vọt, đầu tư trực tiếp của nước ngoài có thể tăng tới 60% so với năm 2006, xuất khẩu tăng
19,4% và sản lượng công nghiệp tăng 16,9% trong sáu tháng đầu năm. Kết quả là ở thời điểm
này, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở Việt Nam hiện đang có rất nhiều cơ hội, và dường như mọi người đều đồng ý rằng triển vọng
trung hạn của nền kinh tế là rất khả quan. Tuy nhiên, chính trong lúc này chúng ta cần phải cảnh
giác trước những nhân tố rủi ro tiềm ẩn trong trung và dài hạn.
Việt Nam là một nước nhập khẩu vốn. Đây là một đặc điểm vĩ mô quan trọng của nền kinh tế.
Trong những năm gần đây, Việt Nam duy trì được một tỷ lệ đầu tư rất cao. Tuy nhiên, khác với
Trung Quốc, đầu tư của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tiết kiệm nước ngoài dưới hình thức đầu
tư trực tiếp (FDI), đầu tư gián tiếp (FPI), các khoản vay, và các khoản chuyển giao khác.
Rủi ro từ vay thương mại
Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng rất cao nhưng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu
còn cao hơn. Điều này là tự nhiên và sẽ không trở thành một nhân tố rủi ro nếu như vốn được
nhập khẩu vào dưới dạng FDI, vì khi ấy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gánh chịu hầu hết mọi rủi
ro kinh tế.
Tuy nhiên, nếu như một phân lượng lớn vốn nhập khẩu vào dưới dạng các khoản vay thương
mại thì Việt Nam có thể rơi vào tình huống mà các nhà kinh tế học gọi là vấn đề “tích lượng - lưu
lượng” (“stock-flow” problem). Khi các doanh nghiệp nội địa và chính phủ vay nợ nước ngoài, họ
phải chịu gần như tất cả các rủi ro kinh tế. Nếu tỷ lệ hoàn vốn nhập khẩu không đủ cao để bù đắp
chi phí thì khi ấy để có đủ ngoại tệ trả nợ Việt Nam sẽ phải thắt chặt tiêu dùng nội địa, đồng thời
lãi suất sẽ tăng. Điều này sẽ dẫn tới suy giảm tăng trưởng kinh tế và gây khó khăn cho các
doanh nghiệp và người lao động.
Rủi ro này thậm chí còn có thể lớn hơn nữa khi các chủ thể kinh tế trong nước vay bằng ngoại tệ,
như đô la Mỹ chẳng hạn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997, hầu hết các doanh
nghiệp của châu Á không còn mặn mà với việc vay đô la Mỹ nữa, trừ phi họ có thể phòng vệ
(hedge) các rủi ro tỷ giá trên các thị trường tương lai. Vì Việt Nam chưa có thị trường tương lai
nên khi Chính phủ và doanh nghiệp vay bằng đô la, họ sẽ phải chịu toàn bộ rủi ro về tỷ giá. Nếu
tiền đồng của Việt Nam giảm giá so với đồng đô la Mỹ thì Chính phủ và doanh nghiệp sẽ gặp khó
khăn trong việc thanh toán các khoản nợ này.
Như vậy, rủi ro đầu tiên mà Việt Nam có thể gặp phải là khả năng nó tích lũy quá nhiều và quá
nhanh nợ ngoại tệ. Điều này có thể làm tăng xác suất của việc lợi nhuận từ các khoản đầu tư
này không đủ để trả lãi cho các khoản nợ đã tích lũy. Khi các doanh nghiệp lớn nhất của Việt
Nam đang tích cực tham gia vay vốn từ thị trường vốn quốc tế, họ cần đảm bảo rằng các khoản
đầu tư của họ ở thị trường nội địa đem lại lượng ngoại tệ đủ lớn để có thể trả nợ. Vì tất cả các
doanh nghiệp này đều là doanh nghiệp nhà nước, và vì những khoản vay này thường được bảo
lãnh (công khai hay ngầm) của Nhà nước nên Nhà nước có thể mất đi sự linh hoạt ở mức độ
nhất định trong việc điều hành chính sách vĩ mô.
Rủi ro biến động tỷ giá
Rủi ro tiềm tàng thứ hai là sự biến động của tỷ giá tiền đồng so với đồng tiền của các đối tác
thương mại quốc tế. Khi tiền đổ vào Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải theo dõi
lượng cung tiền trong lưu thông thật cẩn thận để tránh tình trạng lạm phát giá và tăng tỷ giá thực.
Tỷ giá thực là giá trị của đồng tiền sau khi đã điều chỉnh sự khác biệt giữa tỷ lệ lạm phát giá trong
nước và quốc tế.
Vấn đề của việc tăng tỷ giá thực nằm ở chỗ nó làm cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trở
nên đắt hơn, đồng thời làm sản phẩm nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Vì vậy, khi tỷ giá thực của tiền
đồng Việt Nam trở nên mạnh hơn, các công ty của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu hơn, còn người
tiêu dùng nội địa lại được lợi nhờ hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Kết quả là làm trầm trọng thêm
tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai, và do vậy sẽ cần nhập khẩu vốn nhiều hơn nữa.
Tỷ giá thực của Việt Nam so với đồng đô la Mỹ đã biến động đáng kể trong những năm qua. Quỹ
Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính rằng tỷ giá thực của tiền đồng đã tăng khoảng hơn 30% trong giai
đoạn 1992 - 2000, sau đó giữ ổn định trong vài năm sau đó. Như có thể thấy từ đồ thị, mặc dù
giá trị danh nghĩa của tiền đồng Việt Nam khá ổn định, nhưng sự chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát
giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ đã và đang được nới rộng. Điều này có nghĩa là tỷ giá thực
của tiền đồng so với đô la Mỹ đã tăng khoảng 15% trong thời gian 2002-2007. Hơn nữa, có nhiều
lý do để tin rằng tỷ lệ lạm phát công bố của Việt Nam thấp hơn tỷ lệ lạm phát thực tế.
Rủi ro về bong bóng tài sản
Một vấn đề khác khi tỷ giá thực tăng là nó khuyến khích các tổ chức và cá nhân Việt Nam thực
hiện các khoản vay bằng ngoại tệ, vì khi ấy chi phí vay có vẻ rẻ hơn so với khi vay bằng tiền
đồng. Nếu các công ty Việt Nam vay ngoại tệ để mua tài sản như đất đai và chứng khoán thì
bong bóng đầu tư có thể phình to, đẩy giá tài sản lên cao tới mức không còn bền vững nữa.
Bong bóng tài sản rất nguy hiểm cho nền kinh tế vì khi bong bóng nổ, giá tài sản sẽ giảm và
nhiều con nợ mất khả năng trả nợ, còn các ngân hàng nội địa sẽ bị ảnh hưởng nếu họ cho vay
đầu tư vào những tài sản này.
Sự phát triển của bong bóng tài sản vì vậy là rủi ro tiềm tàng thứ ba của nền kinh tế Việt Nam.
Bằng chứng trực quan cho thấy rằng nhiều công ty của Việt Nam đã và đang đổ tiền vào hoạt
động đầu cơ đất đai, bất động sản và chứng khoán thay vì tập trung vốn cho hoạt động kinh
doanh truyền thống. Thị trường đất đai ở các thành phố lớn của Việt Nam vẫn còn khá nóng,
trong khi thị trường chứng khoán mới giảm nhiệt đôi chút. Vấn đề của bong bóng tài sản là ở chỗ
nó có xu hướng tự củng cố. Khi giá tài sản tăng, tiền tiếp tục được đổ vào hoạt động đầu cơ và
đẩy giá lên cao nữa.
Đầu cơ còn làm chuyển hướng dòng vốn ra khỏi các hoạt động đầu tư sản xuất. Là một nước
nhập khẩu vốn, Việt Nam không thể chịu đựng mãi tình trạng một lượng tiết kiệm lớn luẩn quẩn
trong các hoạt động đầu cơ không tạo ra việc làm, không làm tăng trưởng xuất khẩu và không
giúp tăng cường năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Rủi ro kinh tế trong những dự án lớn về hạ tầng
Cuối cùng, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (CSHT) mới như
sản xuất điện, làm đường, xây cảng. Điều đáng lo ngại là hiện nay giá thành CSHT của Việt Nam
cao hơn đáng kể so với nhiều nước khác, và việc lựa chọn các dự án đầu tư nhiều khi không
dựa trên những cân nhắc kinh tế cẩn trọng.
Chính phủ Việt Nam mới đây vừa phê duyệt một danh mục đầu tư CSHT đầy tham vọng với tổng
trị giá trên 67 tỉ đô la Mỹ từ nay cho đến 2020. Những khoản mục dự án quan trọng trong danh
sách này bao gồm đường cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, đường sắt cao tốc Hà Nội -
TPHCM, và một số cảng hàng không quốc tế.
Đầu tư ở quy mô như thế này đòi hỏi phải có những phân tích rất cẩn thận và khách quan về chi
phí và lợi ích trên các phương diện tài chính, môi trường, và xã hội, để đảm bảo việc phân bổ
vốn đạt hiệu quả cao nhất. Báo cáo của những phân tích này sau đó cần được công bố cho các
nhà chuyên môn và công chúng. Đồng thời, trong quá trình đầu tư, cần tiến hành các hoạt động
kiểm toán và theo dõi độc lập để đảm bảo rằng tiền đóng thuế của người dân và doanh nghiệp
được sử dụng một cách hiệu quả nhất và chống được lãng phí, thất thoát.
Rủi ro kinh tế của những dự án này không chỉ nằm ở việc chọn và quản lý dự án không tốt, mà
còn có thể nằm ở chỗ Chính phủ sẽ huy động vốn từ những nguồn nào để tài trợ hơn 67 tỉ đô la
Mỹ trong khi hiện giờ mới xác định được nguồn vốn trị giá hơn 4 tỉ cho những dự án đã có quyết
định đầu tư hoặc đã ký kết hiệp định vay vốn. Chính phủ sẽ tài trợ cho hơn 60 tỉ đô la còn lại như
thế nào trong vòng 12 năm tới? Nguồn vốn hỗ trợ chính thức sẽ cung cấp một số khoản vốn bổ
sung, nhưng chính bản thân các nhà tài trợ cũng đang gặp khó khăn trong việc giải ngân ở Việt
Nam do vướng phải một số quy định phức tạp của chính phủ nước họ. Người ta bắt đầu nói
nhiều tới sự hợp tác công - tư (public-private partnership) như hình thức xây dựng - vận hành -
chuyển giao (BOT). Thế nhưng phương pháp này còn mới đối với Việt Nam, và với những hạn
chế vốn có của hệ thống luật pháp của Việt Nam thì có lẽ còn phải mất một thời gian nữa mới có
thể vận hành thật suôn sẻ.
Như vậy, hai nguồn vốn tiềm năng quan trọng sẽ là vay nước ngoài và tăng trưởng tín dụng trong
nước. Có rủi ro của việc vay nợ nước ngoài quá mức. Và cũng phải hạn chế vay từ các nguồn
trong nước. Phát hành trái phiếu trong nước là một ý tưởng hay, tuy nhiên lãi suất tăng sẽ tạo
khó khăn lớn hơn cho việc trả nợ của khu vực công. Mặt khác, cho phép tín dụng trong nước
tăng trưởng với tốc độ cao sẽ dẫn tới lạm phát giá.
Phân tích này đưa chúng ta trở lại xuất phát điểm ban đầu. Vì là một nước nhập khẩu vốn nên
Việt Nam cần theo dõi cán cân tài khoản vãng lai thật chặt chẽ. Các dòng vốn chảy vào từ bên
ngoài sẽ rất tốt nếu như chúng được đầu tư một cách khôn ngoan và khi Việt Nam không phụ
thuộc quá nhiều vào nợ nước ngoài. Nhưng mặt trái của các dòng vốn này là thâm hụt tài khoản
vãng lai. Một chế độ quản lý tỷ giá thận trọng, một chính sách vay nợ cẩn trọng, và những chính
sách kiềm chế đầu cơ đất đai và một số tài sản khác sẽ giúp Việt Nam tăng cường khả năng
miễn nhiễm đối với các cú sốc từ bên ngoài như biến động tỷ giá và lãi suất trên thị trường quốc
tế.
Admin (Theo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
)