Một số vấn đề xã hội hoá và xã hội hoá hoạt động ngân hàng
Đề cập đến chủ đề xã hội hoá (XHH) là cả một vấn đề rộng lớn, rất phong phú và đa dạng,
trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến một số vấn đề về xã hội hoá và xã hội hoá
hoạt động ngân hàng.
I. Khái niệm về xã hội hoá
Nghiên cứu về XHH, có nhiều quan điểm đưa ra khái niệm khác nhau. Trong giáo trình Bộ
môn Xã hội học trong quản lý (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) có viết: “Trước đây,
khái niệm xã hội hoá được sử dụng gần như được đồng nhất với khái niệm giáo dục. Ngày
nay, xã hội hoá được hiểu theo hai nghĩa. Một là, xã hội hoá (xã hội) là sự tham gia rộng rãi
của xã hội (cá nhân, nhóm người, tổ chức, cộng đồng ) vào một số hoạt động mà trước đó
chỉ được một đơn vị, một bộ phận hay một ngành chức năng nhất định thực hiện. Hai là, xã
hội hoá cá nhân. Khái niệm này để chỉ quá trình chuyển biến từ con người sinh vật trở thành
con người xã hội.
Như vậy, khái niệm xã hội hóa được hiểu theo hai nghĩa, xã hội hoá về mặt xã hội và xã hội
hóa về con người. Nhưng trong điều kiện hoàn cảnh nhất định, hai ý nghĩa này lại phải đặt
trong một mối quan hệ biện chứng – tác động lẫn nhau, bổ khuyết cho nhau.
Ở đây chúng tôi đề cập đến khái niệm xã hội hoá (xã hội) là sự tham gia rộng rãi của xã hội
(bao gồm cá nhân, nhóm người, tổ chức, cộng đồng ) vào một hoạt động nhất định, mang lại
lợi ích thiết thực cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng, mà trước đó chỉ được một đơn vị, bộ
phận hay một ngành chức năng thực hiện.
Khái niệm xã hội hoá biểu hiện ở 3 nội dung chính sau: Một là, có sự tham gia rộng rãi của cá
nhân, nhóm người, tổ chức, cộng đồng. Hai là trước đó đã có một số ít người, bộ phận, ngành
chức năng thực hiện. Ba là, mục tiêu đạt được của việc thực hiện xã hội hoá”.
Để tìm hiểu sâu hơn về xã hội hoá, chúng tôi đơn cử một số hoạt động xã hội hóa và một số
hoạt động, dưới dạng xã hội hoá sau:
II. Một số hoạt động xã hội hoá ở nước ta.
Đề cập về xã hội hoá tư liệu sản xuất, trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt xuất bản năm 1998 có
nêu: Xã hội hoá: là làm cho thành của chung xã hội (về tư liệu sản xuất, trang 1848). Sau khi
đã hoàn thành cách mạng dân tộc, đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, Đảng, Nhà nước ta
có chủ trương đẩy mạnh công cuộc xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đã tuyên
truyền vận động những người làm ăn cá thể vào làm ăn tập thể, đó là phong trào vận động
vào hợp tác hoá nông nghiệp
Hợp tác hoá: là làm cho sản xuất cá thể trở thành sản xuất tập thể, bằng các vận động những
người sản xuất riêng rẽ vào hợp tác xã (HTX) (trang 464 Đại từ điển tiếng Việt năm 1998).
Thực hiện chủ trương trên trong vòng hơn 2 năm từ năm 1959 – 1960), các cấp, các ngành,
đoàn thể đã ra sức tuyên truyền vận động nông dân vào HTX, đã có trên 90% hộ gia đình trên
miền Bắc làm đơn tự nguyện vào làm ăn trong các HTX.
Trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước ta đề ra chủ trương xã hội hoá
y tế, văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao
Gần đây, một số ngành chức năng, một số địa phương chủ trương đưa ra các hoạt động xã
hội hóa, như: xã hội hoá vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội; xã hội hoá ngành điện; xã
hội hoá hoạt động tín dụng cho người nghèo
Một số lĩnh vực hoạt động dưới dạng xã hội hoá
Cơ giới hoá nông nghiệp: Đó là quá trình sử dụng máy móc vào sản xuất nông nghịêp thay thế
một phần hoặc toàn bộ sức người, sức vật nhằm giảm nhẹ cường độ lao động và tăng năng
xuất lao động.
Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp Đảng ta chủ trương tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá
nông nghiệp, nông thôn. Đó là quá trình đưa nền sản xuất công nghiệp hiện đại vào sản xuất
trong nông nghiệp, giải phóng sức lao động, tăng năng xuất lao động, tạo ra nhiều của cải cho
xã hội, biến nông thôn thành thành thị, có cuộc sống văn minh hiện đại
Khái niệm xã hội hoá được Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng, các địa phương vận
dụng rất đa dạng, phong phú trên mọi mặt của đời sống xã hội. Có thể nói, mỗi lĩnh vực, mỗi
chương trình dự án ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương khác nhau đều có thể có những chủ
trương thực hiện xã hội hoá các hoạt động, nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Xã hội
hoá cũng có thể thực hiện trong một địa phương (tỉnh), khu vực hay cả nước, đồng thời cũng
có thể thực hiện trong một ngành, một lĩnh vực. Xã hội hoá là một quá trình nhận thức qua
việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân, đơn vị tổ chức xã hội, đoàn
thể, các cấp các ngành tham gia thực hiện trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, nhằm đạt
được mục tiêu nhất định.
Đối với ngành ngân hàng, có thể nói là huyết mạch của nền kinh tế quốc dân, các hoạt động
của ngân hàng tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến toàn bộ đời sống xã hội nước ta. Đặc
biệt trong cơ chế thị trường, giai đoạn bước vào hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, hoạt
động của các ngân hàng nếu không theo kịp các nước trong khu vực sẽ bị tụt hậu, ảnh hưởng
đến sự phát triển kinh tế xã hội nước ta. Vì vậy, cần phải thực hiện xã hội hoá các hoạt động
ngân hàng.
III.Xã hội hoá hoạt động ngân hàng
1.Sự cần thiết phải thực hiện xã hội hoá hoạt động ngân hàng
Một đất nước phát triển đồng nghĩa với một nền tài chính ngân hàng vững mạnh. Điều đó là
hiển nhiên, nhưng nhiều người dân và ngay cả một số nhà lãnh đạo các cấp vẫn chưa nhận
thức đầy đủ, chưa thấy được vị trí, vai trò đòn bẩy kinh tế của tài chính ngân hàng; tức là
chưa làm cho mọi tầng lớp nhân dân biết về ngân hàng trên các lĩnh vực mà trong đó tiện ích
và tạo thói quen qua việc thực hiện các dịch vụ ngân hàng còn hạn hẹp.
Một điều rất cơ bản là sự bất cập về kiến thức, phương tiện, dịch vụ tức là một nền tảng
kiến thức tạo thành thói quen, tập tục trong đời sống xã hội liên quan đến sinh hoạt, sản xuất,
đời sống thông qua đồng tiền còn xa lạ với nhiều người dân trong xã hội.
Như vậy xã hội hoá hoạt động ngân hàng là sự cần thiết khách quan đối với ngành tài chính
ngân hàng và đối với toàn xã hội.
2.Mục đích thực hiện xã hội hoá hoạt động ngân hàng
- Về phía ngân hàng: Để thực hiện được xã hội hoá hoạt động ngân hàng, làm cho mọi tầng
lớp nhân dân, các nhà lãnh đạo hiểu biết được các hoạt động của ngân hàng, nắm bắt và thụ
hưởng các dịch vụ tiên tiến, hiện đại và tiện ích của nó, như: Dịch vụ thanh toán trong nước
và quốc tế, chuyển tiền kiều hối; các dịch vụ thẻ, thư tín dụng, thẻ thông minh, thẻ du lịch và
thẻ giải trí ; các dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thuê mua; dịch vụ uỷ thác cá nhân, ký thác, uỷ thác
di sản, bảo quản trọn gói; dịch vụ ngân hàng tại nhà; dịch vụ môi giới tài chính hoặc môi giới
ngân hàng; dịch vụ qua thùng thư; dịch vụ bảo quản an toàn; dịch vụ chứng khoán; dịch vụ
đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, dịch vụ thương mại: dịch vụ vàng bạc; dịch vụ ngân hàng cơ
bản; ngân hàng trực tuyến mỗi ngân hàng thương mại hiện đại có thể sử dụng tới gần 3000
sản phẩm dịch vụ, đáp ứng đầy đủ mọi tiện ích cho mọi người dân, từ những người có mức
thu nhập thấp đến các nhà đại tỷ phú trong xã hội.
Xu hướng hiện nay các ngân hàng hiện đại trên thế giới thường chuyển sang kinh doanh đa
năng, tổng hợp với nhiều loại hình khác nhau tuỳ theo trình độ phát triển của mỗi ngân hàng
và trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Để có thể triển khai đầy đủ các loại hình dịch vụ tiến
tới kinh doanh đa năng, các ngân hàng thương mại thường tăng cường cơ sở vật chất kỹ
thuật hiện đại vào các hoạt động; tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ,
nhân viên, thu hút nhân tài, chất xám; mở rộng màng lưới, đặc biệt coi trọng công tác quảng
cáo, tuyên truyền tiếp thị đưa ra nhiều hoạt động: thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị trường,
thị phần. Như vậy, chất lượng hiệu quả, an toàn trong hoạt động ngân hàng càng bền vững và
phát triển
3.Một số kết quả bước đầu thực hiện xã hội hoá hoạt động ngân hàng ở tỉnh Nam Định.
Xã hội hoá hoạt động ngân hàng với nhiều mặt, nhiều nội dung phong phú, thể hiện ở nhiều
cách làm khác nhau, với lộ trình khác nhau.Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ xin nêu
một khía cạnh nhỏ được coi là thành công ở Nam Định trong 7 năm qua. Đó là xã hội hoá
hoạt động ngân hàng đối với Hộ nông dân thông qua tổ vay vốn - tiết kiệm dưới sự hỗ trợ,
giám sát của chính quyền, đoàn thể địa phương để minh chứng cho luận cứ đã nêu.
Từ những năm 1990 của Thế kỷ trước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NHNNo&PTNT) Nam Định đã xây dựng ý tưởng, chương trình kế hoạch, biện pháp và từng
bước thực hiện xã hội hoá hoạt động tín dụng ngân hàng.Trước hết ở việc xây dựng mô hình
tổ vay vốn - Tiết kiệm (TVV- TK) ở 100% thôn, xóm (đội sản xuất) trong toàn tỉnh.
Đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp về ý nghĩa, mục đích, nội dung, lợi
ích việc xây dựng TVV-TK đối với mỗi người dân và đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa
phương. Qua đó, đã cuốn hút được sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các đồng chí lãnh
đạo Đảng, chính quyền các cấp vào hoạt động tín dụng ngân hàng thông qua hoạt động của
TVV-TK. Đây là sự tham gia có ý nghĩa về mặt chính trị của các nhà lãnh đạo, sự tham gia
công khai tự nguyện, làm cho hoạt động của TVV- TK ngày càng chất lượng.
Hoạt động của TVV-TK, mà nòng cốt là Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh tham
gia ngày càng phát triển, đồng thời làm cho hoạt động của các Hội đoàn thể phát triển cả về
số lượng và chất lượng.Có thể nói sinh hoạt Hội đoàn thể cũng là sinh hoạt của TVV-TK và
ngược lại. Điều đó khẳng định, hoạt động tín dụng ngân hàng phục vụ nông nghiệp, nông thôn
và nông dân ở tỉnh Nam Định trong những năm qua đã gắn kết được với những hoạt động
của các tổ chức chính trị - xã hội và đã chiếm lĩnh được thị trường nông thôn, tiếp cận được
với nông dân tạo thuận lợi cho mọi người dân tham gia gửi tiền nhàn rỗi hoặc vay vốn phát
triển sản xuất, kinh doanh, xoá bỏ phiền hà, ngăn cách.
Việc triển khai cho vay qua TVV-TK, đến nay đã đi vào đời sống kinh tế xã hội ở nông thôn
tỉnh Nam Định, đã và đang thể hiện tính xã hội hoá cao, được sự đồng tình ủng hộ của nhân
dân, của các cấp chính quyền địa phương, thu hút được trên 80% số hộ dân có quan hệ với
NHNo. Bình quân trong 7 năm, mỗi năm có 59.200 lượt hộ thành viên vay vốn, doanh số cho
vay bình quân 597 tỷ đồng/năm.
Kết quả đến 31/12/2005 đã thành lập 3.123 TVV ở 100% thôn xóm (đội sản xuất) trong toàn
tỉnh; đã kết nạp được 204.942 Hộ sản xuất kinh doanh là thành viên của TVV. Đến nay có
93.564 Hộ thành viên vay vốn còn dư nợ 1.238 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 57,5% trong tổng dư nợ
toàn chi nhánh.
Hiện nay để nâng cao và phát triển xã hội hoá hoạt động ngân hàng hơn nữa, ở Nam Định
còn tổ chức bộ máy để hỗ trợ cho ngân hàng, đó là việc thành lập Ban chỉ đạo đầu tư vốn
NHNo ở huyện, Phòng đại diện ở các xã và đại lý tiết kiệm ở tất cả các TVV-TK, do chính
quyền tổ chức thành lập, có Quy chế hoạt động và điều hành công việc.
4. Bài học kinh nghiệm
- Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương; biết phối hợp với các
ngành, đoàn thể, nhất là ở các cơ sở: xã, xóm (thôn). Tập hợp được lực lượng cùng trực tiếp
tham gia, cùng nêu cao trách nhiệm: Ngân hàng, Chính quyền thôn, xã, các tổ chức đoàn thể
(HND, HPN, HCCB) và quần chúng hộ nông dân, nên chủ trương xã hội hoá hoạt động tín
dụng ngân hàng đã đi vào cuộc sống của người dân ở nông thôn.
- Ngân hàng phải tiếp cận trực tiếp, tìm đến dân, công khai hoá (từ tuyên truyền, tiếp thị đến
kết thúc các giao dịch và cung ứng dịch vụ) vận dụng quy chế dân chủ trong thực hiện chính
sách tín dụng, nhất là khâu cho vay ở từng làng, xóm: thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm
tra là phương châm cơ bản, vừa mở rộng tín dụng, dịch vụ, vừa nâng cao chất lượng hiệu
quả, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hoạt động tín dụng.
- Một bài học có ý nghĩa lớn đó là: Thông qua TVV đã giải quyết được sự quá tải khối lượng
công việc cho CBTD trong cho vay và quản lý hộ vay; công tác ngân hàng được xã hội hoá
chấm dứt được tiêu cực trong cho vay và đi vay. Tạo được lòng tin của dân với Đảng, với
chính quyền và NHNo.
- Tăng cường lực lượng cho cơ sở, biết tập trung lực lượng vào những chỗ yếu nơi yếu theo
từng thời điểm; phát hiện đón bắt kịp thời những xu hướng xấu để xử lý ngăn chặn, không để
xảy ra những sai phạm, những điểm nóng, gây thất thoát tài sản của nhà nước.
- Bài học bao trùm nhất là đổi mới tổ chức quản lý hoạt động tín dụng ngân hàng, là cơ sở cho
việc mở rộng tín dụng và dịch vụ an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh
theo phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định.
Hoạt động xã hội hoá ngày nay được các ngành, các cấp đề cập đến khá nhiều, được Đảng,
Nhà nước, các ngành, các cấp quan tâm ủng hộ. Ngành Ngân hàng là một trong những ngành
kinh tế huyết mạch, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội cần được
xã hội hoá, rất mong Nhà nước, các ngành, các cấp ủng hộ để hoạt động Ngân hàng góp
phần đắc lực thúc đẩy nền kinh tế - xã hội nước ta ngày càng phát triển.
Phạm Hồng Cờ/NHNNo tỉnh Nam Định