Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Tài liệu THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VÀ THUẾ GTGT doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.94 KB, 6 trang )

- 1 -
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VÀ
THUẾ GTGT

Ngô Vi Trọng, Lê Hồ An Châu
Học Viện Ngân Hàng, PV – TpHCM
216 Hoàng Diệu, Q.Thủ Đức, Tp.HCM

Đông Á một lần nữa lại là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế
giới. Sau hai năm 1999 - 2000 nền kinh tế của phần lớn các quốc gia bị khủng
hoảng đều chuyển mình nhanh hơn mức dự đoán, thị trường tài chính được phục
hồi từ điểm sâu nhất của cuộc khủng hoảng. Chính sự phục hồi đó đã nhanh
chóng đưa khu vực thoát khỏi vực sâu của tình trạng đói nghèo gia tăng, mức
sống giảm và sự rối loạn dữ dội có hệ thống của khu vực sản xuất và tài chính.
Việt Nam mặc dù ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhưng cũng đã
rơi vào tình trạng trì trệ trong tăng trưởng kinh tế kèm theo giảm phát, thậm chí
giảm phát mạnh vào những tháng đầu năm 2000. Tuy vậy, Việt Nam vẫn đạt và
vượt tất cả các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2000, chặn được đà giảm sút về tốc độ
tăng trưởng kinh tế do nhiều yếu tố, đặc biệt là việc Luật Doanh nghiệp chính
thức có hiệu lực ngày 1/1/2000 và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí
Minh (TTGDCK) chính thức hoạt động ngày 20/7/2000… đã góp phần đáng kể
vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, đánh dấu một bước phát triển mới của
thị trường tài chính Việt Nam. Song, sau gần 7 tháng hoạt động, thị trường chứng
khoán Việt Nam gặp phải những vướng mắc nhất định trong đó chính sách ưu đãi
thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng cho thị trường chứng khoán gây không ít
tranh cãi.
- 2 -
Ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, nhất là các quốc gia Châu Âu,
thuế GTGT không đánh vào các dịch vụ tài chính nói chung và hoạt động kinh
doanh chứng khoán nói riêng. Bởi vì thật khó mà xác định GTGT phát sinh ở
mỗi giai đoạn khi dựa vào các hóa đơn thông thường của các dịch vụ về vốn và


tài chính, những dịch vụ có tính linh hoạt cao trong quan hệ mậu dịch quốc tế.
Việc đánh thuế GTGT cao có thể chuyển hướng đầu tư của dân cư từ lĩnh vực
đầu tư chứng khoán sang các lĩnh vực khác làm nhiều vấn đề trở nên phức tạp
trong khi nguồn thu đạt được không đáng kể. Chính vì vậy, thuế GTGT đánh vào
các dịch vụ tài chính thường được các nhà làm luật tránh né hoặc được giải quyết
bằng hướng khác như đưa ra một loại thuế có tên là “thuế đánh vào các dịch vụ
tài chính” (Financial service tax) với thuế suất thấp. Thực chất đây là một loại
thuế trực thu đánh trên lợi nhuận và tiền lương của các tổ chức tài chính. Như
vậy, liệu có công bằng hay không ở những quốc gia mà người có thu nhập thấp
phải trả thuế GTGT cho những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu trong khi người có
thu nhập cao không phải trả thuế GTGT cho việc sử dụng các dịch vụ tài chính?
Do vậy, đánh thuế GTGT vào các dịch vụ tài chính mới hợp lý. Tại Việt
Nam, việc đánh thuế này cần phải được hoãn lại trong một thời gian nhất định
nhằm tạo điều kiện hoàn thiện thị trường chứng khoán, cũng như giải quyết tốt
nhu cầu về vốn đầu tư cho đất nước, một bài toán khó trong quá trình phát triển
kinh tế hiện nay.
Xuất phát từ lập luận đó, Quyết định số 39/2000/QĐ–TTg của Thủ tướng
Chính phủ được ban hành ngày 27/3/2000 và Thông tư số 74/2000/ TT–BTC của
Bộ Tài chính ban hành ngày 19/7/2000 hướng dẫn việc tạm thời ưu đãi về thuế
đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán là một chính sách hoàn toàn phù hợp.
Nhà nước sẽ tạm thời không đánh thuế GTGT đối với các hoạt động kinh doanh
của công ty chứng khoán trong thời gian 3 năm (từ 1/1/2000 đến hết 31/12/2002)
bao gồm: hoạt động môi giới, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát
hành, tư vấn đầu tư chứng khoán. Thiết nghĩ vấn đề đặt ra ở đây là thời gian ưu
đãi thuế GTGT như vậy đã hợp lý chưa? Sau thời gian ưu đãi, hoạt động kinh
- 3 -
doanh chứng khoán có thuộc diện chịu thuế GTGT không? Nếu có thì thuế suất
bao nhiêu là hợp lý? Chế độ hóa đơn, chứng từ và quá trình hoàn thuế cần thực
hiện như thế nào?
Thứ nhất, thời gian ưu đãi của thuế GTGT như trên là chưa phù hợp với

hình tình thực tế. Thị trường chứng khoán Việt Nam khai trương vào 20/7/2000
nếu tính đến hết ngày 31/12/2002 thì thị trường này hoạt động chưa tới 3 năm.
Việc đánh thuế GTGT sớm sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của thị
trường chứng khoán.
Bởi vì đến những tháng đầu năm 2001, các phiên giao dịch trên thị trường
chứng khoán mới bắt đầu gia tăng mạnh. Điều đó có nghĩa là doanh thu của các
công ty chứng khoán tăng một cách khả quan. Cùng với sự gia tăng doanh thu
môi giới, số lượng cổ phiếu lưu ký, số lượng tài khoản và tổng giá trị tiền ký quỹ
của khách hàng tại các công ty chứng khoán đang biến thiên theo chiều đi lên.
Tuy nhiên, mức độ tăng doanh thu môi giới hàng chục phần trăm vẫn chưa thể
cứu các công ty chứng khoán thoát rỏi tình trạng thua lỗ như hiện nay, vì xuất
phát điểm của sự gia tăng đó còn quá thấp. Thực trạng này được dự báo có thể
kéo dài trong một thời gian nữa vì những lý do chủ yếu sau:
− Hoạt động chính của các công ty chứng khoán tại Việt Nam chỉ
gồm tư vấn và môi giới kinh doanh chứng khoán bởi vì các công ty chứng khoán
chưa có điều kiện để triển khai tối đa các nghiệp vụ chức năng mà họ được phép
thực hiện. Tư vấn niêm yết cổ phiếu thì các doanh nghiệp chưa mặn mà với việc
niêm yết, tư vấn cổ phần hóa thì không thể cạnh tranh nổi với các ban ngành của
chi cục tài chính doanh nghiệp địa phương, các công ty kiểm soát. Trong khi chi
phí bỏ ra để đầu tư trang thiết bị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực chuyên
nghiệp phục vụ cho thị trường chứng khoán của các công ty môi giới chứng
khoán là khá lớn. Do đó, hầu hết các công ty chứng khoán Việt Nam đều rơi vào
tình trạng thu chưa đủ bù chi mặc dù đã cố gắng tăng doanh thu và giảm thiểu tối
đa chi phí để giữ khách hàng.
- 4 -
− Điều kiện niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam khá khắt
khe, hệ thống giao dịch OTC (Over The Counter) của Việt Nam chưa được đưa
vào vận hành, các công ty chứng khoán lại tập trung chủ yếu tại Tp. Hồ Chí
Minh nên chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư, làm áp lực giao dịch tại TTGDCK
cao, hành vi gian lận, tình trạng đầu cơ quá mức vẫn nằm ngoài sự quản lý của

Ủy ban chứng khoán Nhà nước và chưa tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các
nhà đầu tư trong cả nước.
− Trái phiếu Chính phủ, hàng hóa chủ đạo trên thị trường chứng
khoán trong giai đoạn đầu, thiếu sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và dân chúng
nên trong một thời gian dài vẫn không có khối lượng giao dịch nào được thực
hiện mặc dù giá trị lưu hành của nó lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Thêm
vào đó, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật để vận hành hệ thống giao dịch chứng
khoán chưa đồng bộ, thông tin cung cấp chưa đáp ứng được nhu cầu, số lượng
hàng hóa trên thị trường chứng khoán vừa ít về chủng loại vừa ít về giá trị niêm
yết… chưa đủ sức khơi dậy trong dân cư một kênh huy động vốn đầy tiềm năng
đồng thời các công ty chứng khoán cũng khó mà có thể cắt giảm thêm nữa chi
phí.
Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, Chính phủ nên tiếp tục gia hạn
thời gian ưu đãi thuế thêm 2 năm nữa tức là từ ngày 1/1/2003 đến hết ngày
31/12/2004 nhằm tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán ổn định, phát triển.
Thứ hai, chế độ hóa đơn, chứng từ và quá trình hoàn thuế GTGT hiện nay
chưa được thực hiện một cách khoa học, bỏ sót đối tượng nộp thuế, thời gian
hoàn thuế chậm… chưa phù hợp với những hoạt động kinh doanh phức tạp trên
thị trường chứng khoán.
Để được hưởng ưu đãi về thuế GTGT, các công ty chứng khoán phải hạch
toán riêng doanh thu hoạt động kinh doanh chứng khoán và sử dụng hóa đơn,
chứng từ theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính. Đối với doanh thu không
chịu thuế GTGT các công ty chứng khoán vẫn phải sử dụng hóa đơn GTGT, khi
- 5 -
lập hóa đơn thì dòng “thuế suất GTGT” và “tiền thuế GTGT” không ghi mà gạch
chéo. Điều này sẽ góp phần tạo thói quen sử dụng hóa đơn GTGT trong các giao
dịch hằng ngày, hạn chế tối đa hiện tượng sử dụng hóa đơn giả để moi tiền thuế
từ ngân sách nhà nước. Bởi vì những giao dịch chứng khoán trao tay ở Việt Nam
mặc dù chưa có một số liệu thống kê chính thức nào về doanh số nhưng con số
cũng không phải là nhỏ. Hoạt động này chưa phải nộp thuế và việc quản lý đăng

ký giao dịch cũng chưa được thực hiện. Nếu tiếp tục để thị trường này tự do phát
triển, không có một sự quản lý đồng bộ về thuế, thông tin thì chắc chắn rủi ro đối
với thị trường là lớn.
Hoạt động kinh doanh chứng khoán hiện nay không chịu thuế GTGT đầu
ra thì hiển nhiên không được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào đối với các hàng
hóa hoặc dịch vụ thuộc chi phí liên quan đến hoạt động không chịu thuế. Thủ tục
được hưởng ưu đãi về thuế GTGT của Nhà nước không phải là dễ dàng, chỉ có
những doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt
động theo quy định tại Nghị định số 48/1998/NĐ–CP của Chính phủ ban hành
ngày 11/7/1998 hoặc văn bản xác nhận niêm yết chứng khoán lần đầu của
TTGDCK (đối với tổ chức phát hành có chứng khoán được niêm yết).
Từ đó, vấn đề được đặt ra cho cơ quan thuế là cần phải hoàn thiện hơn nữa
tổ chức ngành thuế nhằm quản lý chặt chẽ các đối tượng nộp thuế, thiết kế một
qui trình hoàn thuế đơn giản, hiệu quả, tiến tới rút ngắn thời gian hoàn thuế cho
doanh nghiệp. Có như thế, khi thuế GTGT áp dụng đối với các dịch vụ tài chính
này thì vốn của các công ty chứng khoán mới không bị ứ đọng do bị chiếm dụng.
Thứ ba, thuế suất thuế GTGT áp dụng trong tương lai chưa được quan
tâm. Sau thời gian ưu đãi, để tạo ra sự công bằng trong quá trình phân phối lại
thu nhập, hoạt động kinh doanh chứng khoán phải chịu thuế GTGT. Mức thuế
suất thuế GTGT mà Chính phủ nên áp dụng đối với hoạt động kinh doanh chứng
khoán trong những năm tiếp theo (từ 1/1/2005 trở đi) là 5%. Với mức thuế suất
này, hệ thống thuế của Việt Nam có thể tiến đến hoàn thiện, phù hợp kế hoạch
năm 2006 áp dụng hai mức thuế suất GTGT 5% và 10%. Cách làm này vừa tạo
- 6 -
ra một nguồn thu nhất định cho ngân sách nhà nước vừa không gây ra những biến
động lớn trên thị trường chứng khoán vốn còn rất non yếu.
Thị trường chứng khoán, kênh bổ sung các nguồn vốn trung và dài hạn
cho Nhà nước và các doanh nghiệp, là một yếu tố hạ tầng quan trọng nhất đối với
các quốc gia phát triển theo cơ chế thị trường. Chính vì vậy, trong thời gian tới
để thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động hơn, thu hút nhiều đối tượng tham

gia hơn thì một chính sách ưu đãi thuế hợp lý là một trong những giải pháp quan
trọng nhằm đảm bảo công bằng xã hội, hoàn thiện thị trường chứng khoán Việt
Nam.

×