Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết "
Rừng Na Uy " của Haruki Murakami
Phạm Thị Hạnh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Luận văn Thạc sĩ ngành: Văn học nước ngoài; Mã số: 60 22 30
Người hướng dẫn: GS.TS. Nguyễn Đức Ninh
Năm bảo vệ: 2012
Abstract. Khái quát tiền đề cho sự xuất hiện kiểu nhân vật kiếm tìm trong sáng tác
của Haruki Murakami. Nghiên cứu kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng
Na-uy của Haruki Murakami dưới góc dộ so sánh đối chiếu văn hóa và văn học trên
cả hai phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm. Nghiên cứu hình tượng
nhân vật kiếm tìm trong không gian - thời gian nghệ thuật, từ đó thấy được những
quan niệm mới của nhà văn về cuộc sống và về con người.
Keywords. Văn học nước ngoài; Tiểu thuyết; Văn học Nhật Bản
Content
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
1.1. Hơn một phần tư thế kỉ hoạt động và viết lách, tên tuổi và sự nghiệp của Haruki
Murakami thu hút sự quan tâm, mến mộ của giới nghiên cứu và công chúng tri thức toàn cầu.
Mỗi trang viết dù về tiểu thuyết, truyện ngắn, du ký hay tiểu luận đều gây nên những cuộc
tranh luận làm sôi động đời sống văn hóa tinh thần của độc giả cả trong và ngoài nước
Nhật.Trong các tác phẩm của mình, phần lớn cốt truyện được Haruki Murakami khai thác từ
đời sống giới trẻ Nhật những năm sáu mươi của thế kỷ XX, nhưng nguồn cảm hứng trước tác
ấy đến nay vẫn giữ nguyên được tính chất hậu hiện đại: chúng đặt ra cho văn học một loạt
những vấn đề đầy hiệu năng, kích thích tinh thần tìm tòi, sáng tạo, nhận thức và nhận thức lại
không ngừng trong đời sống xã hội.
1.2. Nét độc đáo tạo nên cái “duyên ngầm” trong sáng tác của Murakami chính là sự lan
tỏa một sức hút mới từ văn học, văn học phương Tây hòa quyện với mỹ học thiền và triết lý
nhân sinh Nhật Bản đặc sắc vô cùng quyến rũ. “Murakami bằng cách này hay cách khác
chính là hình vóc của văn chương thế kỷ XX… Văn ông không thuộc trường phái nào nhưng
lại có tính chất gây nghiện của một lại văn chương tuyệt hảo nhất” (New Statesman).
1.3. Haruki Murakami trong tác phẩm của mình và đặc biệt trong Rừng Na-uy luôn đưa
nhân vật của mình đi đến cái tột cùng của cuộc hành trình khám phá; buộc nhân vật phải
hướng đến sự tìm kiếm sự chân thực thuần khiết bên trong của cái tôi, tình yêu, tìm thấy cảm
xúc nhục thể hay lối thoát trong tiềm thức bằng mặc cảm và cái chết,… Và ẩn sau lớp phủ ấy,
tiểu thuyết Haruki Murakami phản ánh những khát khao về một sự tồn tại đích thực, sự bình
yên trong cuộc sống, sự thăng hoa trong tình yêu hay sự đồng điệu giữa bản thể và tha nhân.
“Rừng Na-uy sẽ là cuốn sách thanh xuân bất diệt bầu bạn với giới trẻ thế hệ này qua thế hệ
khác”
1.4. Việc đi sâu tìm hiểu các tác phẩm của một tác giả nổi tiếng hàng đẩu trong nền văn
học Nhật Bản như Haruki Murakami là cần thiết để có được một cái nhìn toàn diện và sâu
rộng hơn về nền văn học, văn hóa xứ Phù Tang, khẳng định giá trị và vai trò của nhà văn
trong tiến trình văn học Nhật Bản. Vấn đề Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng Na-
uy của Haruki Murakami vừa có ý nghĩa khoa học phục vụ thiết thực cho công việc giảng
dạy bộ môn văn học Nhật Bản ngày càng được chú trọng trong các trường đại học ở Việt
Nam. Hơn thế nữa, trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra sôi nổi những năm trở lại đây,
khi mối quan hệ giao lưu của hai nước Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được mở rộng, thì
việc đẩy mạnh nghiên cứu văn hóa, văn học Nhật Bản ngày càng góp phần tăng cường, thúc
đẩy tình hữu nghị, hợp tác phát triển giữa hai dân tộc Việt-Nhật.
2. Mục đích nghiên cứu.
Qua việc khảo sát một số Kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng Na-uy của
Haruki Murakami, chỉ ra những đặc trưng của kiểu nhân vật này và ý nghĩa của nó trong việc
thể hiện tâm thức Nhật Bản qua chân dung giới trẻ hiện đại. Từ đó thấy được những quan
niệm mới của nhà văn về cuộc sống và về con người.
3. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.
Sự xuất hiện mang đầy hơi thở thời đại của Haruki Murakami trên văn đàn thế giới được
xem là một hiện tượng của văn học. Các tác phẩm của ông luôn được xem là một sự phá cách
đầy táo bạo, là một thách thức cho các nhà nghiên cứu không chỉ riêng ở Nhật Bản mà còn ở
trên toàn thế giới. Tên tuổi của Haruki Murakami dành được không ít lời khen ngợi trên
những tờ tạp chí danh tiếng, hàng loạt các bài viết, đánh giá của các tác giả khác về ông và
những tác phẩm của ông cũng đồng loạt xuất hiện.
Những công trình viết về Murakami và đặc biệt là tác phẩm Rừng Na-uy tính đến thời
điểm hiện nay: Khiêu vũ với cừu: Đi tìm sự đồng nhất trong tiểu thuyết của Haruki
Murakami của Matthew Carl Strecher (Trung tâm Nhật Bản, Đại học Michigan, 3/ 2002), đến
Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ của Jay Rubin (Nxb Vintage, 1/2005),…
Ở Việt Nam, Riêng về Rừng Na-uy, ta có thể kể đến một số bài viết: Rừng Na-uy, sex
thuần túy hay nghệ thuật đích thực của Phan Quý Bích đăng trên báo Văn Nghệ số 34
(26/8/2006), Rừng Na-uy và dấu nối quá khứ với hiện tại của Kiều Phong đăng trên Website
, các bài viết của Nhật Chiêu, Trần Tiễn Cao Đăng, Rừng Na-uy đã
được đạo diễn Trần Anh Hùng dựng thành phim, được báo giới ca ngợi là - phiên bản hình
ảnh đẹp của tiểu thuyết.
Càng có nhiều sự quan tâm của độc giả và các nhà nghiên cứu càng chứng tỏ
Murakami đã nắm bắt được nhịp đập của thời đại.
4. Giới hạn vấn đề nghiên cứu và văn bản sử dụng.
Trong luận văn này, chúng tôi dựa vào bản dịch của dịch giả Trinh Lữ, Nxb Hội Nhà
Văn, Hà Nội, 2008 làm văn bản gốc và các nguồn tư liệu quý báu của những bậc tiền nhân
(cả bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài) để làm nổi bật vấn đề quan tâm.
Vấn đề xem xét trong luận văn là các Kiểu nhân vật kiếm tìm với những biểu hiện cụ thể
của nó trong tổ chức không thời gian nghệ thuật trong tác phẩm Rừng Na-uy.
5. Phương pháp nghiên cứu.
Luận văn này chúng tôi sử dụng hương pháp phân tích tổng hợp, thống kê, so sánh đối
chiếu, phương pháp thi pháp học. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp tục sử dụng phương pháp
nghiên cứu liên ngành và đa ngành: tìm hiểu truyền thống tư tưởng, nghiên cứu về tâm lý,
phong tục tập quán của giới trẻ Nhật Bản, Nghiên cứu kiểu nhân vật kiếm tìm dưới góc độ
so sánh đối chiểu văn hóa và văn học trên cả hai phương diện nội dung và hình thức tác
phẩm.
6. Bố cục luận văn.
Ngoài mở đầu và kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo luận văn được kết cấu thành 3
chương:
Chương 1: Tiền đề cho sự xuất hiện kiểu nhân vật kiếm tìm trong sáng tác của
Haruki Murakami.
Chương 2: Những kiếm tìm khác nhau của kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu
thuyết Rừng Na-uy của Haruki Murakami.
Chương 3: Nhân vật kiếm tìm trong không gian – thời gian nghệ thuật.
Chương 1: Những tiền đề cho sự xuất hiện kiểu nhân vật kiếm tìm trong sáng tác
của Haruki Murakami.
1.1. Tiền đề xã hội.
1.1.1. Yếu tố hậu hiện đại nảy sinh trong lòng xã hội Nhật Bản.
Xã hội xuất hiện của những khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại”,tâm thức hậu hiện đại”,
“hoàn cảnh hậu hiện đại” vào những năm 60 của thế kỷ XX với các đại diện tiêu biểu là
J.F.Lyotard, P.Anderson, T.Eagleton,… như là một sự phản ứng lại chủ nghĩa hiện đại, phản
ứng lại những gì là cố hữu và định sẵn.Từ tư tưởng mới mẻ này, xuất hiện những chuyển biến
mới mẻ trong xã hội hiện đại, nhất là về mặt cảm quan tư tưởng.
Văn học lấy hiện thực cuộc sống làm chất liệu, làm đối tượng phản ánh thì đứng trước
những chuyển biến lớn lao to lớn đó tất yếu phải có những thao tác làm mới mình trên tất cả
mọi phương diên từ chủ đề, đề tài, nhân vật, cốt truyện,… đặc biệt trên phương diện thủ pháp
nghệ thuật.
Sự cắt lớp, phân tách những hiện tượng tinh thần phức tạp của con người theo chiều sâu
tâm lý ngày càng trở thành đề tài thú vị cho các nhà văn. Chính trong hoàn cảnh ấy, những
vấn đề tính dục, tha hóa, vấn đề hiện sinh hay kiểu nhân vật kiếm tìm về với những giá trị
nhân bản trở thành những hiện tượng văn học hấp dẫn và độc đáo.
Qua hàng loạt các sáng tác của Murakami, người ta có thể chỉ ra rất nhiều yếu tố hậu
hiện đại trên các phương diện khác nhau kể cả về nội dung tư tưởng lẫn giá trị thẩm mỹ. Con
người mà Murakami theo đuổi trên từng trang sách, không gì khác là con người của thời đại
này với chiều sâu bản thể xuất phát từ quan niệm của một nhà văn hậu hiện đại. Đọc
Murakami để trải qua cái kinh nghiệm lo ngại, lạc hướng, khiến anh cảm thấy trống rỗng
không thể tả nổi.
1.1.2. Tâm thức Nhật Bản sau chiến tranh.
Sau đại chiến thế giới lần thứ hai, bằng những chính sách phù hợp, một lý trí đáng khâm
phục người Nhật Bản đã từ những đống tro tàn để lại sau cuộc chiến vươn lên thành siêu
cường quốc, trở thành bài học về ý chí và phẩm chất con người. Xứ sở anh đào cũng rộng
lòng đón nhận văn hóa Tây phương một cách hồ hởi. Trong một thời gian dài, người ta quên
đi một Nhật Bản diễm lệ của trà đạo, Geisha lao mình vào những vòng xoáy điên cuồng của
đồng tiền, của Tây hóa,… Đến lúc nào đó, người Nhật bừng tỉnh và thấy mình xa lạ với chính
minh. chơi vơi trong tâm thức. Thế là sự kiếm tìm xuất hiện, người ta tìm những gì người ta
thiếu. đó là tình yêu, bản ngã, tính dục, hay thậm chí là cái chết để xác lập cảm giác xác thực
về sự tồn tại,…
Tâm thức ấy đi vào văn chương của Mishima, Abe kobo, Y.Kawabata,… và như một sự
tiếp nối sáng tạo nghệ thuật Haruki Murakami cũng xây dựng cho mình một cuộc hành trình
của những lữ khách luôn luôn kiếm tìm. Nhưng điều khác biệt là các nhân vật Murakami
không phải là những lữ khách phiêu lẵng kiếm tìm vẻ đẹp tâm hồn trong văn hóa truyền
thống. Ngược lại họ dấn thân vào hành trình kiếm tìm bản thể trong cái đa thể cô đơn, trong
tâm trạng khát khao yêu đương trong những mối quan hệ chằng chịt, khát khao nhục thể
trong cuộc sống tình dục thác loạn và đi tìm sự cứu rỗi trong tình yêu
Đã đến lúc người ta cảm thấy một chiếc Mercedes và một cái máy tính mới không làm
họ hạnh phúc. Mọi người rút vào yếm thế và đạo đức giả. Khi đó, sự kiếm tìm xuất hiện,
người ta tìm những gì người ta thiếu. Đó là tình yêu, bản ngã, tính dục, tình dục hay thậm chí
là cái chết để xác lập cảm giác xác thực về sự tồn tại,… Đấy mới thực sự là là tâm thức của
giới trẻ Nhật Bản luôn luôn kiếm tìm. Haruki Murakami đã nắm bắt được “sự đau đớn phổ
biến của trái tim và khối óc con người đương thời” (Jay McInerney).
1.2. Tiền đề mỹ học, triết học.
1.2.1. Triết học hiện sinh.
a. Sự hình thành chủ nghĩa hiện sinh.
Cuộc khủng hoảng của CNTB và CNĐQ gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc,
dẫn tới tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng là những nguyên nhân trực tiếp nhất làm
bộc phát hàng loạt những phong trào phản kháng, phủ định trên bình diện văn hóa nghệ
thuật. Chủ nghĩa hiện sinh ra đời trong bối cảnh đó và là một trào lưu phát triển mạnh cả
trong triết học và văn học mà Jean-Paul Sartre, cùng với Albert Camus là những gương mặt
lớn nhất, đại diện tiêu biểu nhất của chủ nghĩa hiện sinh Pháp . Sự ảnh hưởng rộng lớn và
sâu sắc của J-P. Sartre và Albert Camus không chỉ bao trùm trong đất nước và thời đại của
họ mà còn lan tỏa khắp hành tinh cho đến ngày hôm nay.
b. Văn học hiện sinh
Khái niệm Văn học hiện sinh được dùng để nêu lên một lý thuyết triết học và mỹ học
được du nhập và có ảnh hưởng rộng rãi nhất trong lý luận và sáng tác văn học ở Nhật Bản thế
kỉ XX. Chủ nghĩa hiện sinh đã nổi lên như là một trào lưu trong triết học và văn học thế kỷ,
với những gương mặt tiêu biểu là Martin Heidegeer, Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir,
Franz Kafka, Albert Camus, … Tất cả những chiêm nghiệm, suy tư của Heidegger về hiện
hữu cũng như lý luận về triết học hiện sinh của Sartre, Camus,… đã thổi vào văn học nhân
loại một cách nhìn, một cách suy tưởng về thân phận con người mang giá trị nhân đạo sâu
sắc, chúng ta bắt gặp trong Chuông nguyện hồn ai (Hemingway), Ruồng bỏ (Coetzee), Đời
nhẹ khôn kham (Kundera), Những người cùng khổ (Mikhailôvich Đôxtôiepxki), Số phận một
con người (Mikhain Sôlôkhôp ),… và trong đó có không ít cảc tác giả Việt Nam như:
Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Huỳnh Phan Anh, Tất cả là sự tổng hợp triết lý của
cuộc sống sinh tồn.
Ở Nhật Bản, qua sáng tác của rất nhiều nhà văn như F.Kafka, Abe Kobo, Oe Kenzaburo,
và rất nhiều nhà văn khác nữa trong đó có Haruki Murakami, quan điểm về triết học hiện sinh
cũng được biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng.
Văn học hiện sinh bao giờ cũng miêu tả cuộc sống như một thảm kịch, một hư vô, nhân
vật bị treo chơi vơi lơ lửng trên những bờ vực thẳm. Một cảm giác về sự trốn chạy hoặc kiếm
tìm được xác lập. Nhân vật trong sáng tác của Murakami luôn mải miết đi tìm những hạt
nhân hợp lý trả lời cho những câu hỏi “Vì sao?”.
1.2.1. Phân tâm học.
Phân tâm học ( Psychoanalysis) là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý
học có mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua tiến trình liên tưởng.
Nó được khởi thảo bởi Sigmund Freud, một bác sĩ người Áo. Phân tâm học chuyên sâu
nghiên cứu về con người. Phân tâm học chia bản năng con người ra làm ba phần: cái ấy (es),
cái tôi (ich) và cái siêu tôi (überich). Trong đó nói rõ con nguời luôn bị chi phối bởi bản năng
tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó.
Lý thuyết về phân tâm học lý giải vì sao, trong văn học hậu hiện đại, kiểu nhân vật đắm
mình triền miên trong dòng chảy tâm thức và kiểu nhân vật luôn khát khao yêu đương, tìm về
với cái tôi và ham muốn nhục cảm trở nên đông đảo hơn bao giờ hết
Lẽ dĩ nhiên, trong bất cứ thời đại nào, các nhà văn, đặc biệt là các nhà văn bậc thầy
không bao giờ chịu ảnh hưởng của một hay vài học thuyết tư tưởng, nhưng chắc chắn vẫn có
những học thuyết, tư tưởng được xem là chủ đạo. Với những sáng tác của Haruki Murakami,
và đặc biệt là với kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu thuyết Rừng Na-uy hay Kafka bên bờ biển
,… cảm thức truyền thống của văn học Nhật Bản và lí thuyết phân tâm học Freud đã làm nên sức
cuốn hút kì diệu của những cuốn tiểu thuyết “ẩn chứa nhiều tham vọng nhất và cũng thành công
nhất của Haruki Murakami cho đến nay”.
1.3. Chủ thể sáng tạo.
1.3.1. Thể tài tiểu thuyết trong sự nghiệp của Haruki Murakami.
Khởi nghiệp từ năm 1979 với tiểu thuyết đầu tay Lắng nghe gió hát, Xứ sở lạnh lung và
nơi tận cùng thế giới (1985), Rừng Na-uy (1987), Phía nam biên giới phía Tây mặt trời
(1992). Biên niên ký chim vặn dây cót (1995), Người tình Sputnik (1999), Kafka bên bờ biển
(2002). gần đây nhất là hợp tuyển Bí ẩn Tokyo (2005) và IQ84 (2009),… Cứ mỗi một tác
phẩm ra đời, Haruki lại ngay lập tức nhận được sự yêu mến, trông đợi của độc giả. Ông đã trở
thành nhà văn quan trọng nhất ở Nhật Bản và trên toàn thế giới. Và với câu chuyện thời quá
khứ, mất mát và tính dục, Rừng Na-uy đã gây ra một cơn địa chấn lớn đưa Murakami trở
thành một tiểu thuyết gia tinh tế nhất thế giới.
Ở tiểu thuyết của Haruki Murakami, cùng những trăn trở của đất nước và thời đại, tác
phẩm của ông ngày càng khơi sâu, khơi đúng vào những địa tầng phức tạp của tâm hồn con
người. Chính vì vậy, nó trở nên hiện thực hơn, nhân bản hơn, phong phú đa dạng hơn và cũng
hiện đại hơn. Tất cả những điều đó vừa là để khẳng định vị trí then chốt của tiểu thuyết trong
sự nghiệp của Murakami. Chừng nào nhân loại vẫn khát khao đi tìm câu trả lời cho sự tồn tại
của kiếp nhân sinh, khát khao tự do, khát khao kiếm tìm những cá tính nghệ thuật độc đáo…
chừng đó tiểu thuyết của Murakami vẫn là “một thứ gây nghiện của loại văn chương tuyệt
hảo nhất”.
1.3.2. Con người trong tư tưởng nghệ thuật của Haruki Murakami.
Nhân vật văn học là con người. Để hiểu nhân vật văn học, không thể nào không tìm hiểu
quan niệm về con người của tác giả cũng như của thời đại và sự chi phối của quan niệm ấy
đến việc khắc hoạ nhân vật. Trong sáng tác của Murakami, đó là nỗi buồn ẩn hiện thông qua
những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, vắng lặng; là những ám ảnh về sự cô đơn, về sự sống,
cái chết trong cuộc đời dằng dặc, vô định và phù phiếm, là khúc bi ca sầu tư và hài hước về
đời sống tình dục, là những khoảnh khắc hiện sinh ngắn ngủi thấm đượm triết lý về những gì
bất biến vẫn tồn tại trong cuộc đời con người. Nói cách khác, nỗi buồn bi cảm ấy thoát thai từ
sự cô đơn trống vắng khi con người muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, tình yêu,
tình dục và cái chết.
Toàn bộ sáng tác của nhà văn đều hướng đến thể hiện một cái nhìn mới về thế giới,
về vị trí và vai trò của con người trong vũ trụ. Nhân vật của ông hóa thân cho những hoàn
cảnh thực hoặc tình huống cụ thể và là biểu tượng cho những thái độ cốt lõi của con
người trong cuộc sống. Nhân vật của Murakami “vặn vẹo” cốt truyện tiểu thuyết cổ điển
bằng cách xóa bỏ những đặc điểm kịch tính trong những chi tiết được coi là chứa đựng
nhiều kịch tính. Cho dù sự có mặt của những thành tố kịch tính, thì cốt truyện vẫn nằm
trong phạm vi của việc thể hiện những thái độ của nhân vật trong cuộc hành trình: đó là
sự chối bỏ xã hội tiêu thụ, cái khiếp sợ tồn tại, nỗi nhớ quê hương cội nguồn. Những chủ
đề vốn được coi là quan trọng trong tiểu thuyết: tình yêu, tình dục, tham vọng về sự
nghiệp được phản ánh nhưng ở mức độ đơn giản, sơ lược.
Sự thành công của Haruki Murakami trong việc khắc họa nhân vật trong thế giới nghệ
thuật theo tư tưởng riêng của mình là một cách nhìn toàn diện và nhân đạo về con người (cả
con người bản năng và con người thân xác). Các quan niệm đó từ các góc độ khác nhau nắm
chặt lấy sự sinh tồn cảm tính và sự tồn tại của con người.
Chương 2: Những kiếm tìm khác nhau của kiểu nhân vật kiếm tìm trong tiểu
thuyết - Rừng Na-uy của Haruki Murakami.
2.1. Nhân vật, kiểu nhân vật và kiểu nhân vật kiếm tìm nhìn từ góc độ lý thuyết.
2.1.1. Nhân vật và kiểu nhân vật.
Nhân vật với tư cách là một trong những thành tố quan trọng cấu tạo tiểu thuyết nói
chung và là chủ thể tiến hành những cuộc hành trình trong tiểu thuyết của Murakami nói
riêng, trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà phê bình và nghiên cứu văn học.
Văn học không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái
quát hiện thực một cách hình tượng. Thông qua nhân vật, nhà văn thể hiện nhận thức của chủ
thể sáng tạo nghệ thuật đối với hiện thực khách quan. Nhân vật chính là người dẫn dắt người
đọc vào một thế giới riêng của đời sống lịch sử nhất định nào đó.
Những mối quan hệ trong cùng một tác phẩm thể hiện thái độ hòa nhập hay không hòa
nhập của nhà văn với cuộc sống.
Các tác giả cận đại, hiện đại và đặc biệt là hậu hiện đại có ý thức về xây dựng cá tính cho
nhân vật, qua đó biểu hiện cá tính trong sáng tác của nhà văn. Từ đó khái niệm “Kiểu nhân
vật” xuất hiện. Đó là sản phẩm của thời kỳ phát triển cao của văn học.
2.1.2. Nhân vật kiếm tìm
Trong văn học, không ít lần chúng ta bắt gặp những nhân vật kiếm tìm. Đó là cuộc hành
trình kiếm tìm chân lí cuối cùng của Đông Juăng được Giorgio Bairơn thể hiện thành công
qua cuốn tiểu thuyết cùng tên; cuộc hành trình tìm về với bản sắc văn hóa truyền thống Nhật
Bản trong tiểu thuyết của Yasunari Kawabata hay cuộc hành trình tìm về với lương thiện,
kiếm tìm lại nhân hình và nhân tính của Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao,…
Tất cả những cuộc hành trình ấy đều mưu cầu những giá trị chân lý mà nhà văn đặt ra cho
đứa con tinh thần của mình. Cũng từ Đông Juăng, những nhân vật của Kawabata, Chí
Phèo,… hình thành nên một nhận thức của nhà văn đối với hiện thực khách quan, khi đó kiểu
nhân vât kiếm tìm hình thành.
Bước sang văn học hậu hiện đại, những kiểu nhân vật kiếm tìm lại mang những sắc diện
mới, đa dang, phong phú, phức tạp và nhiều chiều hơn. Đó là những nhân vật kiếm tìm tình
yêu, kiếm tìm cảm giác tồn tại bằng sự thỏa mãn nhục thể, hay những nhân vật dấn thân vào
cái chết chỉ để thấy được bản ngã của chính mình. Tất cả những kiểu nhân vật kiếm tìm đó, ta
đều có thể bắt gặp trong những sáng tác của Murakami, và nó đặc biệt in đậm trong tác phẩm
Rừng Na-uy.
2.2. Nhân vật tìm về hiện sinh là xu hướng kiếm tìm và xác lập lại bản ngã của con
người.
2.2.1. Kiếm tìm bản ngã đích thực.
Theo M. Heidegge, Tồn tại là cái cho phép ta xác định chân tướng (theo nghĩa rộng) một
con người. Con người có thể hiện hữu nhưng chưa hẳn đã Tồn tại. Các nhân vật của
Murakami chính là những Hiện hữu đánh mất Tồn tại. Nhân vật của Haruki Murakami luôn
cảm thấy xa lạ, lạc lõng trước cuộc sống, thậm chí xa lạ với chính mình. Và tất yếu, họ luôn
nảy sinh tâm trạng bất an và đi tìm sự hiện hữu, kiếm tìm sự hiện hữu và những gì đã mất và
cũng là để trả lời cho câu hỏi “ Tôi là ai ? ”
- Cái bản ngã của Toru giống như một lỗ mở đen ngòm vào lòng đất, nó chỉ là một cái lỗ,
“một cái miệng rộng ngoác đã bị thời gian bào mòn ngả một màu trắng nhem nhuốc lạ lùng.
Chúng nứt nẻ, vỡ nát, cái bản ngã ấy cũng sâu đến độ không thể đo được và đầy chặt bóng
tối, như thể toàn bộ bóng tối của thế giới đã được nấu chảy và lèn vào đó đến tận cùng đậm
đặc của chúng” [20; tr.29]. Chàng ghì chặt lấy ký ức như là cách níu giữ lại cái bản ngã đã
mất của mình.
- Chính Nagasawa, một người tưởng như hoàn hảo cũng sống trong cõi địa ngục của
riêng mình, con tim hắn khô héo giữa một đầm lầy cô độc. Hắn chỉ có một cách xác nhận sự
hiện diện của chính mình bằng những cuộc tình chớp nhoáng với những cô gái. Hắn đong đầy
cái “tôi” của mình trong sự đụng chạm của xác thịt.
- Naoko không chối bỏ mà tìm cách quen dần với những méo mó của bản thân, chấp
nhận và công khai thừa nhận những méo mó ấy. Cuối cùng cô đã tìm thấy bản ngã của mình
khi biết một điều rằng: “cái làm cho chúng tôi bình thường nhất chính là biết mình không
bình thường ”[20; tr.280].
- Midori đã phải đấu tranh từng ngày từng giờ để sống đúng với bản chất con người
mình, làm những việc theo đúng sở thích của mình, dẫu có phải trả giá bằng sự đau khổ và
nước mắt.Tất cả đều chỉ nhằm một điều: được sống thực với những buồn vui, xấu tốt của bản
thân.
Những nhân vật trong Rừng Na-uy, họ là những nhân vật đi tìm chính mình và do đó
thường khi rơi vào bi kịch bởi vấp phải những quán tính trơ lì của cái „„tôi‟‟ mê man lạc lối.
Nhưng trên tất cả, niềm khát khao ấy đã vượt ra khỏi hơn 500 trang sách của ông để trở thành
niềm khát khao vượt thoát của những ai đang còn căng tràn nhựa sống, trở thành lý tưởng và
cái đích kiếm tìm của những con người trẻ tuổi.
2.2.2. Hòa nhập cái “tôi” với cái “ta” và trở thành nhân vật trung tâm của thời đại.
Dẫu khát khao được là một cái tôi hoàn toàn dị biệt với tha nhân (luôn giữ cho mình sự
cô đơn và hạnh phúc với sự cô đơn) nhưng điều đó không có nghĩa là Turo, Naoko, Midori,
Reiko và ngay cả con người đầy kiêu ngạo như Nagasawa… luôn cô độc. Ta luôn tìm thấy sự
cộng hưởng, đồng điệu giữa những con người cô độc đó. Một trong những lý do là bởi
Murakami đã khéo léo tạo nên cả một cộng đồng người cô độc và dùng nó như một thủ pháp
kéo người lại gần người hơn. Bản ngã của họ luôn cần được nuôi dưỡng trong vòng tay ấm áp
của mọi người.
- Naoko tìm đến khu an dưỡng Ami. Đối với Naoko, hành trình đến khu an dưỡng Ami
cũng là cách mà Naoko từ bỏ cái “tôi” cô đơn tìm đến với cái “ta” rộng lớn của cuộc đời và
cũng là cách trở về với chính tâm hồn mình. Đó là cách mà Naoko “vượt khỏi thung lũng đau
thương đến cánh đồng vui”
- Toru luôn muốn sống với cảm xúc của chính mình nhưng cũng phải cay đắng thốt lên
rằng: “Tớ chẳng thấy okê nếu chẳng ai hiểu mình. Tớ có những người mà tớ muốn hiểu và
được họ hiểu mình.”
- Một Reiko, sau nhiều đau khổ đã quyết định “ném mình ra ngoài” trở về với cuộc sống
bình thường với hi vọng “một cuộc sống mới sẽ mở ra với chị thì sao”[20; tr.193].
Nhân vật trong Rừng Na-uy luôn muốn cái “tôi” ấy phải vươn cao trở thành nhân vật
trung tâm của thời đại.
- Cuộc thi vào bộ ngoại giao được Nagasawa coi như một cuộc chơi, ở đó anh thử khả
năng của mình. “xem mình leo cao được đến đâu, có quyền lực đến đâu, xem mình làm được
gì trong cái thế giới khổng lồ nghiệt ngã ngoài kia” [19;118],…
- Hình ảnh cô gái Midori có vẻ đẹp sống động, cuồng nhiệt, dám thách thức và đương
đầu với mọi trớ trêu của tạo hóa chính là hiện thân của cái đẹp, là biểu hiện của cái tôi trung
tâm, tuổi trẻ của thời đại.
Tất nhiên, trong luận văn này, nhấn mạnh những biến đổi tâm lý trong việc “nhập cuộc”
của các nhân vật hòa nhập cái “tôi” với cái “ta” và trở thành nhân vật trung tâm của
thời đại trong tác phẩm của Haruki Murakami không có nghĩa là phủ nhận cái cô đơn của
nhân vật trong sáng tác của ông. Họ là con người nhận thức rất rõ sự cô đơn của mình, biết
“sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo – Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da”, thèm khát “ đầu ngả,
miệng cười, tay riết” (Xuân Diệu). Vẫn giao tiếp, cảm nhận thế giới bằng mọi giác quan
nhưng cuối cùng họ đều bế tắc. Sự cô đơn của những con người trong sáng tác của Murakami
không nhẹ nhàng, thanh nhã như trong sáng tác của Banana Yoshimoto mà nó đa dạng, táo
bạo và ám ảnh sâu sắc tới con người. Chúng tôi cho rằng đấy chính là cái được của Murakami
so với những nhà văn Nhật Bản cùng thời.
2.3. Đi tìm sự cứu rỗi trong tình yêu và những khát khao nhục thể.
2.3.1. Nhân vật đi tìm sự cứu rỗi trong tình yêu.
Tình yêu, con người ta buồn vì nó mà hạnh phúc cũng vì nó. Cũng chính nó trở thành đề
tài muôn thủa cho văn chương khắp chốn. Trong Rừng Na-uy, tình yêu là nơi chú ngụ duy
nhất và là nơi có thể sao chép lại những mảnh vỡ tâm hồn rơi rụng vì đau khổ, thất lạc và
cũng là nơi con người tìm đến sự cứu rỗi.
-Toru và Naoko tìm đến với nhau cũng là bởi hai người đã bị tổn thương quá nặng nề sau
cái chết của Kizuki, tình yêu và sự giải phóng thân xác bao bọc lấy nó, làm cho người đàn
ông và người đàn bà có thể yêu nhau với tất cả những gì có thể có trước cuộc đời ngắn ngủi
và quý giá. Tình yêu của họ thật dai dẳng và đong đầy nước mắt, mất mát, đau khổ. Rốt cuộc
nó cũng chỉ là những cuộc hành trình kiếm tìm vô vọng. Kết quả cuối cùng mà họ nhận được
chỉ là sự tan biến và nỗi đau “rần rật đến tê dại”. Nó méo mó nhưng ở một nơi nào đó, nơi
“cái không gian rộng lớn và khoáng đạt chưa ai động đến” nó trong vắt, dịu dàng và yên tĩnh
vô cùng, nơi ấy trong trái tim chàng chỉ dành cho Naoko.
- Nhưng đến tình yêu của Wantanabe với Midori lại có một sức mạnh vô hình không thể
cưỡng lại được và nhất định sẽ cuốn chàng đến tương lai. Nhưng quan trọng hơn, với Turu
tình yêu giữa chàng và Midori còn là sự cứu rỗi của một trái tim đã nhiều lần nhói đau và rỉ
máu bởi “tớ đã sống được đến lúc ấy là nhờ tớ có cậu ở trên đời”
Bằng những lý lẽ riêng vượt ra khỏi quan niện xấu, tốt ở đời, cuộc hành trình kiếm tìm
tình yêu của những nhân vật trong Rừng Na-uy đã khiến cho độc giả thấy được giá trị cao
nhất của tình yêu - nơi bám víu duy nhất của con người trước cuộc đời, trước sự sống và cái
chết. Với ý nghĩa đó, mối tình tay ba Naoko – Toru – Midori đã lay động hằng chục triệu độc
giả trên toàn thế giới trong một tác phẩm được coi là tuyệt bút của Murakam
2.3.2. Kiếm tìm những khát khao nhục thể- thông điệp về sự giải thoát nỗi cô đơn.
Chịu ảnh hưởng rất lớn từ quan niệm của Freud khi bàn về vô thức, trong Rừng Na-uy
của Murakami sự hòa hợp của thể xác, hành vi tính mang tính bản năng, những cuộc nói
chuyện về tính dục diễn ra rất nhiều lần. Với nhân vật của Murakami, tình dục giống như
một chiếc chìa khóa dẫn vào tâm linh.
- Turu Wantanabe cảm thấy phải ngủ với bất kì ai nhằm giải tỏa Stress. “kể từ khi Kizuki
chết tôi không biết mình đang ở đâu trong thế giới này. Tôi bắt đầu ngủ với một người trong
đám bạn gái ở trường” [9;63]. Và trong suốt thời đại học, Toru ngủ với khoảng mấy chục cô
gái. “Bởi vì nhiều lúc tớ thèm mùi người ấm áp, … có những lúc nếu không có được cái ấm
áp như của da thịt đàn bà, tớ thấy cô đơn không thể chịu nổi” [9;380].
-Nagasawa không thể nhớ anh ngủ với bao nhiêu cô gái. Tám mươi hay một trăm? Bởi
đó là cách duy nhất hắn quên đi chính mình. Sex không phải một thứ tồn tại bên ngoài mà là
một phần tự nhiên bên trong.
-Những sinh viên trong khu học xá “bọn con trai đứa nào cũng thủ dâm xoành
xoạch”[9;324]. Trong sự cô đơn không đạt đến cực cảm với Kizuki, Naoko lại tìm thấy nó
trong sự hòa hợp với Toru. Midori với những suy nghĩ cá biệt về tình dục. Reiko với cuộc
kiếm tìm thể xác để xác nhận về giới tính và chỉ thực tìm thấy người đàn bà trong mình khi
hòa hợp thể xác mình với Toru,…
Murakami cùng lúc chỉ ra tính nước đôi của tính dục : một bên là sự ham muốn và một
bên là sự kinh tởm chính mình. Cuộc truy tìm bản thể trở nên bi đát hơn bao giờ hết khi họ
biết nó thành cuộc truy tìm khoái lạc. Nhân vật Rừng Na-uy sau những cuộc ân ái điên loạn
ấy còn lại là sự chấp chới, vô vọng. Họ lại mải miết trong cuộc kiếm tìm của mình để xác
nhận sự tồn tại và giải thoát sự cô đơn.
Tác phẩm của Murakami chưa bao giờ dừng lại ở cái khoái cảm bản năng. Ông diễn tả
một cách chi tiết những cảnh làm tình bởi chính trong đời sống tính dục bản chất con người
được bộc lộ rõ nhất. Tình dục càng tự do bao nhiêu, số lượng những cô gái mà Toru và
Nagasawa càng nhiều bao nhiêu thì giá trị của nó càng thấp bấy nhiêu. Đó là cái mà nhà văn
phát hiện ra mặt trái của cuộc đời: cơn khủng hoảng của cái gọi là hậu hiện đại. Tình dục
càng tự do nhiều bao nhiêu thì nó lại gặm nhấm, thậm chí bóp chết tình người bấy nhiêu. Và
tất yếu tình yêu cũng rất khó tìm được đất sống. Hạnh phúc chỉ có trong sự hòa hợp của thể
xác và tình yêu. Murakami dụng sex ở đây như một sự cứu cánh cho nỗi cô đơn.
Murakami đã sử dụng sex ở đây như một sự cứu cánh cho nỗi cô đơn, nó giúp người đọc
mở cánh cửa khóa kín bên trong nhân vật và có khi là cả bên trong người đọc.
2.4. Nhân vật tìm đến cái chết.
Lạc vào cõi Rừng Na-uy người ta bắt gặp những suy nghĩ chân xác về sự sống và cái
chết của kiếp người.Với họ “Sự chết không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự
sống” [9;495]. “Ở nơi ấy, sự chết không phải là yếu tố quyết định làm chấm dứt sự sống. Ở
đó, sự chết chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành nên sự sống”[9;494].
Kizuki, chị gái Naoko và cả chính Naoko “sự sống với cái chết trong con người
họ”[9;494]. Tự tử chỉ là một bước chân cuối trên hành trình kiếm tìm mà họ theo đuổi. Thậm
chí “Nhân vật chính Wantanabe trong kết thúc truyện giống một cây đứng sừng sững giữa
rừng cây dày đặc, có thể thể nghiệm những chứng tích của sự cô độc là do sau khi Kizuki tự
tử, sau khi ân ái với ReiKo, đã bị hai sức mạnh cực đoan kia hủy hoại rơi vào trong hố sâu
của rừng Na uy, một linh hồn bị phủ kín cũng chẳng khác nào một linh hồn đã chết”[78; tr.3].
Cái xưa cũ bị tàn hủy, thay vào đó là một thứ hổ lốn xấu xí và vô xỉ. Bên trong vỏ vật chất
hào nhoáng là cảm giác vỡ mộng, chia cắt và hoang mang.
Trong tác phẩm của Haruki Murakami có nhiều cái chết nhưng nó không tạo nên một
không khí bi thương chán nản mà nó dường như làm nổi bật khát vọng yêu đương và sống
còn, tựa như phải có nhiều bóng tối thì mới thắp sáng được hoa đăng. Cũng vì thế mà những
đoạn kết buồn thảm kiểu Nhật dường như đã trở nên nhẹ bẫng trong các câu chuyện của ông.
Cuối cùng, cũng đến lúc chúng ta phải đối diện với cái chết, “mọi chuyện sẽ đến nơi chúng
phải đến nếu ta để cho chúng đi theo đường của mình. Và dù có cố đến mấy thì người ta vẫn
cứ đau khổ khi đã đến lúc họ phải đau khổ”[20; tr.488]. Cuộc sống có quá nhiều cái tất yếu.
Con người sinh ra là một tất yếu, được sống, được yêu và được chết,…; bà mẹ tạo hóa đã vẽ
ra chúng ta ở trên đời, thì cũng có thể cuốn chúng ta đi. Hãy hạnh phúc đi như lời Reiko nói.
Vì nếu cứ cố bắt cuộc đời vừa khít theo cách sống của mình, chúng ta sẽ lại khổ đau.
***
Ở mỗi kiểu nhân vật, chúng tôi đã chỉ ra những dụng ý mà tác giả sử dụng cũng như ý
nghĩa tư tưởng của nó. Từ đó không thể phủ nhận được rằng: tiểu thuyết của Murakami đã
đạt được những giá trị nghệ thuật to lớn phản ánh những vấn đề lớn lao tồn tại trong xã hội
hậu hiện đại Nhật Bản và thế giới. Nhà văn chỉ ra tình trạng vô thức tập thể của nước Nhật
mới. Chỉ ra nguyên nhân và chỗ đứng của nó trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Từ ngòi bút
của nhà văn, người đọc nhìn thấy thực trạng chung của những lớp người vô thức, luôn nghi
ngờ về sự tồn tại của bản thân, luôn cô đơn, bế tắc và lạc lối; những nhân vật đắm chìm trong
mặc cảm, trống rỗng và bất an,… Những nhân vật của Murakami, mỗi người tự chọn cho
mình một phương thức khác nhau, mục đích khác nhau để kiếm tìm những gì mình đang
thiếu. Chẳng ai trọn vẹn vì chúng ta là những con người bất toàn trong một thế giới bất toàn.
Sau những cuộc trải nghiệm, sau những hành trình tìm kiếm, những lữ khách có thể đau khổ,
mất mát, thậm chí hi sinh cả tính mạng, nhưng cũng có những con người tìm đến được cái
hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình để hòa hợp với thời đại. Ý nghĩa đích thực của câu
chuyện nằm ở trong tiến trình tìm kiếm, ở chuyển động theo đuổi. Nhân vật khác đi, không
còn như lúc khởi đầu câu chuyện, đó mới là điều đáng nói. “Đọc Murakami để trải qua cái
kinh nghiệm lo ngại, lạc hướng, khiến anh cảm thấy, vâng, trống rỗng không thể tả nổi”[20;
tr.4]. Chúng ta đều băn khoăn, nhân cách nào sẽ được hình thành trong tương lai của nước
Nhật và thế giới?. Ẩn ngữ nào tồn tại trong tiểu thuyết của ông? Haruki Murakami để dành
câu trả lời đó cho người đọc.
Chương 3: Nhân vật kiếm tìm trong không gian – thời gian nghệ thuật.
3.1. Các cấp độ thời gian.
3.1.1. Về niên biểu của Rừng Na-uy.
Thời gian văn bản khoảng hơn 500 trang (505 trang bản dịch của Trịnh Lữ) cho một cốt
truyện chính kéo dài khoảng trên dưới 3 năm. Như vậy ta có tỉ lệ 168 trang/1 năm sự kiện.
Từ đó có thể thấy nhịp kể của truyện không liền mạch và chứa đựng rất nhiều trăn trở.
Rừng Na-uy chia tách thời gian quá khứ và hiện tại không rành mạch, nó đan móc vào
nhau giống như việc Murakami để cho hai hình ảnh Naoko và Midori ẩn hiện quanh cuộc đời
của Toru vậy. Những ám ảnh đó tồn tại trong ngôn ngữ, thói quen, lối sống, hành động của
những nhân vật kiếm tìm, nó khiến nhân vật mất phương hướng và mục đích. Thời gian văn
bản dày đặc với mật độ hơn 500 trang cho một cốt truyện 3 năm. Tính chất hồi cố, trăn trở
“như một dòng thác vọt ra từ khe đá” đong đầy trong nhịp kể và ở đó thời gian truyện kể
luôn lấn át thời gian sự kiện.
Niên biểu trong Rừng Na-uy thực ra không khó nhận ra nhưng đã bước đầu phá vỡ trật tự
niên biểu, phá vỡ cấu trúc thời gian tuyến tính để phù hợp và logic với hồi ức và kỷ niệm.
Hơn nữa, Murakami là người đã chịu ảnh hưởng rất lớn của tiểu thuyết hiện đại phương Tây
khi thời gian nằm trong tầm nắm bắt của con người, nhà văn chỉ ra trạng thái bất phân của
nhân vật trước thực tại cuộc sống và nhiệm vụ kiếm tìm của mình.
3.1.2. Trật tự niên biểu.
Bằng việc sắp xếp các lớp theo thứ tự A, B, C theo thứ tự 11 lớp kể, thời gian quá khứ xa
nhất được tính bằng số 1 và thời hiện tại gần nhất tương ứng với số lớn nhất. Mỗi lớp đều
được tóm tắt nội dung và thời gian tương ứng của nó. Từ đó thấy được những năm tháng cụ
thể qua chỉ dẫn của văn bản. Có thể đưa ra kết luận như sau :
- Tuy cũng có những đoạn ngoái lại khoảng thời gian trước đó, nhưng sự kiện chính
diễn ra trong 11 chương, hơn 500 trang văn quanh các nhân vật chính.
- Nhìn trên tổng thể càng về cuối tác phẩm càng diễn tiến theo trật tự niên biểu. B1
là điểm xuất phát của truyện kể (A11 là đoạn hồi cố, mang tính chất dẫn dắt). Sự sắp xếp này
cho thấy lối viết truyền thống vẫn còn chứa đựng trong ngòi bút Murakami.
- Nhưng trên đây chỉ là cái nhìn mang tính tổng quan. Tiểu thuyết của Murakami
hàm ẩn nhiều hơn thế, trong từng chương lại có sự ngoái lại, xen kẽ, giữa quá khứ và hiện tại,
giữa thực và mộng, giữa hạnh phúc và nỗi đau.
Trong luận văn, chúng tôi tiếp tục đi sâu khảo sát một lớp nữa: Chương 6 của tác phẩm
để chỉ ra cho người đọc thấy rõ sự sai trật niên biểu trong dòng hồi ức giăng mắc, đan cài của
nhiều cái “tôi” tự truyện. Chúng ta cũng có thể nhìn thấy rất rõ sự chằng chéo của hai yếu tố:
hiện tại và quá khứ, sự trộn lẫn của thực và ảo. Quá khứ là điều không thể phủ nhận. Nhưng
vị thế chủ chốt vẫn là thời gian thực – thời gian hiện tại năm 1970. Đó là sự gặp gỡ của 14/18
lớp kể, chiếm 77,8% dung lượng chương. Như vậy, có thể thấy, bằng việc tạo ra những hiện
thực nối dài trong tác phẩm của mình một cách sinh động như chính những gì đang diễn ra
quanh ta, cái thế giới nghệ thuật đầy hư ảo của ông thật hơn bao giờ hết. Tuy hiển hiện nhưng
rất khó nắm bắt. Bởi trong nó ẩn chứa những mạch ngầm văn bản đan xen liên tục quá khứ -
hiện tại – quá khứ; quá khứ gần, quá khứ xa; hiện tại chập chờn, đầy bất trắc, ảo ảnh, mộng
mị; quá khứ ám ảnh, đông đặc… Dưới ngòi bút của nhà văn, những nhân vật kiếm tìm được
chia làm nhiều mảnh. Và để hiểu được điều đó, người đọc phải cần mẫn lật mở từng lớp màu.
3.1.3. Tuổi của nhân vật.
Bàn về tuổi của nhân vật là cách nhà văn để họ “đời” hơn, để người đọc nhìn thấy rõ hơn
bức chân dung đẹp và buồn của tuổi trẻ Nhật Bản, để chúng ta soi vào người, vào mình.
Đồng thời, đây cũng là cách tiếp cận trung thành với hiện thực của nhà văn. Từ những dẫn
dắt của người kể chuyện. Người đọc dễ dàng làm được một phép tính trừ đơn giản để tìm ra
tuổi của các nhân vật. thông qua sự thống kê tỉ mỉ này, chúng tôi muốn làm rõ một vấn đề lớn
mà tác giả của nó gửi gắm. Murakami bằng ngòi bút sắc sảo và tài hoa với chút hài hước
đáng mến đã dựng lại chân thực cuộc sống của giới trẻ Phù Tang. Trong cuộc hành trình của
mình, họ nhận ra giới hạn của cuộc sống cá nhân. Đời người ngắn ngủi, khát vọng lại vô
cùng. Vì vậy phải mau mau chiếm đoạt hương sắc của cuộc đời.
Chịu ảnh hưởng rất lớn từ Triết lý hiện sinh, Murakami để cho những nhân vật kiếm tìm
của mình thỏa sức thể hiện nhu cầu hưởng thụ những năm tháng đẹp đẽ nhất của cuộc sống,
tận hưởng tình yêu, sự giao hòa giao cảm. Họ nhận ra rằng cuộc đời chỉ đẹp nhất, đáng quý,
đáng yêu nhất khi người ta còn trẻ. Mỗi khi tuổi trẻ đã qua, cuộc sống coi như chấm dứt
Và khi không thể đạt được mục đích trong cuộc hành trình, cái chết đến với họ như một
lựa chọn tất yếu để níu giữ tuổi xuân. Những cánh hoa anh đào tàn rơi khi đang ở độ rực rỡ
nhất của đời hoa.
3.2. Đặt nhân vật trong không gian đa chiều của hiện thực.
3.2.1. Không gian vật thể.
Cũng như thời gian, không gian nghệ thuật vừa là hình thức tồn tại của hình tượng nhân
vật, vừa là một trong những lĩnh vực rất quan trọng thể hiện đặc điểm tư duy nghệ thuật và
chiếm lĩnh thế giới của văn học. Trong Rừng Na-uy đó là những không gian gắn với những
cảm xúc vui buồn của nhân vật và là dung môi, địa tầng cho những cuộc kiếm tìm. Từ những
không gian này, nhân vật dấn thân và thế giới của hình sắc và tạp niệm để đốn ngộ về chính
thể và tha nhân.
Nhìn chung lại, có thể nhận thấy hai đặc điểm trong cách xác lập không gian vật thể của
Murakami. Thứ nhất, trong tác phẩm của ông không gian vật thể xuất hiện một cách dày đặc,
luân chuyển tạo nên tính phức tạp ngổn ngang và đầy thử thách cho những cuộc kiếm tìm.
Thứ hai, từ sự thống kê không gian vật thể của Rừng Na-uy, những đứa con tinh thần của
Murakami đại đa số được đặt trong những không gian nhỏ hẹp, chật chội, u tối và như được
định sẵn, vừa khít với số phận và cuộc đời nhân vật. Đây là nguyên nhân vì sao những nhân
vật của ông luôn cô đơn, bế tắc, đánh mất chính mình, sự tìm đến cái “tôi”, tình yêu, khát
khao nhục thể, thậm chí là cái chết như một tất yếu không thể cưỡng lại được. Một không
gian khác được mở ra.
3.2.2. Không gian tâm tưởng.
Luôn chú ý phản ánh những hiện tượng tinh thần của nước Nhật bằng cách cho nhân vật
bước chân vào những cuộc hành trình của vô thức, tiềm thức hay bản năng. Murakami dụng
công xây dựng những dung môi mang tính suy tưởng để ở đó, nhân vật có cơ hội bộc lộ chiều
sâu tâm tưởng hay thể hiện một cách rõ nét những góc khuất trong tâm hồn. Không gian tâm
tưởng liên tục đến với anh, dẫn anh đến những hiện thực nghiệt ngã, kéo anh chìm vào những
bóng đêm của bức màn vô thức. Cũng có lúc nó lại bắt anh đối diện với bức màn vô thức của
cuộc đời. Nhưng khi nó định nhấn chìm anh, bắt anh chấm dứt cuộc hành trình của mình, sức
mạnh của tình yêu, của cái “tôi muốn tồn tại”, đã khiến chàng có đủ sức mạnh xuyên qua bức
tường sứa nhớp nháp, tăm tối, và đông đặc, xé tan bóng đêm, nhân vật của chúng ta đã đi
được đến đích của cuộc hành trình. Nơi đó, chàng tìm thấy được chính mình, tình yêu, sự
giao hòa, giao cảm với cuộc đời.
Bằng sự đan xen, lắp ghép, phối kết, hòa trộn những mảng màu hiện thực và tâm tưởng,
Murakami đã tạo ra những lộ trình cho nhân vật của mình. Khởi đầu bằng một thế giới của hư
ảo nhưng hiện thực cuộc sống lại kéo nhân vật trở về với hiện tại. Và khi hiện tại không còn
là bến đỗ an lành, một không gian tâm tưởng khác lại được mở ra cứu rỗi cho những linh hồn
cô đơn. Quẩn quanh trong hai trục thế giới, nhân vật đi hết từ tâm trạng này sang tâm trạng
khác, hiện thực này sang hiện thực khác, hành trình này sang hành trình khác. Mỗi một nhân
vật, một cuộc hành trình lại là một triết lý của nhà văn về cuộc đời. Nghe ra thì chẳng có gì
mới, song nhà văn lớn thường như vậy: đằng sau tất cả sự đồ sộ, phong phú và phức tạp của
họ là một thông điệp giản dị. Quan trọng nhất là họ truyền tải nó như thế nào. Murakami nói:
Ý nghĩa đích thực của câu chuyện nằm ở trong tiến trình tìm kiếm, ở chuyển động theo đuổi.
Nhân vật khác đi, không còn như lúc khởi đầu câu chuyện, đó mới là điều đáng nói.
KẾT LUẬN
1. Hơn 500 trang tiểu thuyết Rừng Na-uy cho thấy, nhân vật là một sáng tạo đỉnh cao
của nghệ thuật, nghệ thuật biểu hiện, trước hết ở hình thức chiếm lĩnh đời sống của nghệ sĩ,
thể hiện trình độ quan niệm, khả năng tưởng tượng sáng tạo của tác giả.
Xuất phát từ những chuyển biến lớn lao trong xã hội hiện đại, đón nhận một cách sâu sắc
lý thuyết của triết học hiện sinh, bằng tâm thức Nhật Bản và tài năng kiệt xuất của mình, nhà
văn đã xây dựng thành công hình tượng các nhân vật trên con đường tìm kiếm lời giải đáp
cho những băn khoan về cuộc sống, cuộc đời và ý nghĩa của sự tồn tại. Những nhân vật thâm
trầm, kiên nhẫn, tập trung và suốt đời luôn lạc vào thế giới riêng của mình, luôn đi tìm, đi tìm
cái tôi đích thực trong bản thể đa ngã của mình. Đối với họ, sống là kiếm tìm và khám phá
chính mình.
Toru Wantanabe, Naoko, Kizuki, Midori, Reiko, con bé 13 tuổi được Reiko dạy đàn,…
mười mấy nhân vật trong Rừng Na-uy cũng đang mải miết kiếm tìm câu trả lời hợp lý cho ý
nghĩa sự tồn tại hay bản chất đích thực của cuộc sống. Murakami để cho những đứa con tinh
thần của mình quanh co trong những địa tầng của thể xác và tâm lý. Nhưng tất cả không che
đậy được tâm trạng hoang mang, lo sợ mà giới trẻ Nhật Bản luôn phải chống chọi.
2. Bằng trí tuệ và năng lực siêu việt, Haruki Murakami đã tạo ra một thế giới nghệ thuật
với hàng loạt các biểu tượng. Qua tác phẩm của ông những vấn đề của triết học hiện sinh, của
phân tâm học đã trở nên gần gũi với đời sống hơn bao giờ hết. Điểm nhìn trần thuật miêu tả,
kỹ thuật dòng ý thức hay đạc biệt hơn là không gian, thời gian thực tại, quá khứ,… đều được
tác giả sử dụng hết sức hài hòa và tinh tế khiến người đọc thích thú. Murakami đã pha trộn
trong cả hình thức và nội dung tác phẩm văn hóa cao cấp lẫn đại chúng để làm nên những gì
của riêng Murakami và biến nó trở thành những gì của thời đại chúng ta.
***
Xác lập và khảo sát những thủ pháp nghệ thuật góp phần quan trọng vào việc tạo dựng
những mô hình nhân vật trong tác phẩm, người viết hi vọng có thể đưa ra một cách nhìn mới
mẻ về tiểu thuyết Haruki Murakami, góp phần lật mở những bí mật bên trong tác phẩm của
ông.
Trong mọi thời đại, người sáng tạo càng sâu sắc và độc đáo bao nhiêu thì những giá trị
nghệ thuật của tác phẩm càng cao bấy nhiêu. Và để cảm nhận được hết điều đó, người đọc
phải lao động như con ong hút mật từ hoa.
References
1. Nguyễn Thị Cẩm Anh, Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết "Đàn hương hình" của Mạc
Ngôn, .
2. Trần Hoài Anh, Vấn đề ứng dụng phân tâm học vào phê bình ở Đô thị niềm Nam 1954-
1975, tamlyhoc.net.
3. Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân (sưu tầm và biên soạn) (2003), Văn học hậu hiện đại
thế giới - Những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội nhà văn -Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông
Tây, Hà Nội.
4. Lại Nguyên Ân (tuyển chọn và giới thiệu, 1983), Số phận của tiểu thuyết, Nxb Tác
phẩm mới, Hội nhà văn Việt Nam.
5. Lại Nguyên Ân, Đào Tuấn Ảnh (2003 ), (biên soạn), Văn học hậu hiện đại thế giới, Nxb
Hội nhà văn, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây.
6. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịch và
giới thiệu), Nxb Bộ văn hóa thông tin, Hà Nội.
7. Bakhtin M. (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
8. Phan Quý Bích (2006), Rừng Nauy, sex thuần túy hay nghệ thuật đích thực, Báo Văn
Nghệ số 34, 26/8/2006.
9. Nguyễn Thị Bình (2010), Nhân vật trung tâm tìm kiếm thiên đường trong thời hiện đại,
10. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên, 2004), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb Thế giới.
11. Nhật Chiêu (1999), Nhật Bản trong chiếc gương soi, Nxb Giáo dục.
12. Nhật Chiêu (2000), Thế giới Kawabata Yasunari (hay là cái đẹp: hình và bóng), Tạp chí
Văn học, Hà Nội.
13. Nhật Chiêu (2000), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
14. Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học – lý luận và ứng dụng, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
15. Trương Đăng Dung (1998), Thế giới nghệ thuật của Franz Kafka, Tạp chí Văn học,
tr.59 - 65.
16. Trần Tiễn Cao Đăng, Tôi không muốn trở thành kẻ nghiện Murakami,
17. Hà Minh Đức (chủ biên, 2003) Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.
18. Gordon E. Bigelow (1961), Đôi nét về chủ nghĩa hiện sinh (Cao Hùng Lynh dịch),
19. Hoàng Cẩm Giang, Vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI,
20. Haruki Murakami, Rừng Na-uy, Trịnh Lữ dịch (2008), Nhã Nam và Nxb Hội nhà văn,
Hà Nội.
21. Haruki Murakami Biên niên ký chim vặn dây cót, Trần Tiễn Cao Đăng dịch(2006), Nhã
Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
22. Haruki Murakami Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời, Cao Việt Dũng dịch theo bản
tiếng Pháp có tham khảo bản tiếng Nhật (2007), Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà
văn, Hà Nội.
23. Haruki Murakami Kafka bên bờ biển, Dương Tường dịch( 2007), Nhã Nam và Nhà xuất
bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
24. Haruki Murakami Người tình Sputnik , Ngân Xuyên dịch ( 2008), Nhã Nam và Nhà xuất
bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
25. Haruki Murakami, Xứ sở diệu kì tàn bạo và chốn tận cùng thế giới , Lê Quang dịch
(2010), Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội.
26. Haruki Murakami, Ngầm - Trần Đĩnh dịch (2009), Nhã Nam và Nhà xuất bản Sài Gòn.
27. Hêghen (1999), Mỹ Học, hai tập, Nxb Văn học.
28. Trần Thanh Hà, Tính dục trong tiểu thuyết của Kundera, .
29. Trần Thanh Hà, Từ hiện tượng học đến triết học hiện sinh,
.
30. Vũ Thị Thu Hà, Phản ứng của giới trẻ về yếu tố sex trong tiểu thuyết "Rừng Nauy" của
Haruki Murakami, .
31. Thu Hà, Murakami yêu và cười thật nhẹ, tuoitre.vn.
32. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, 2006), Từ điển thuật ngữ
văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội
33. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, Nxb Giáo dục, Đà Nẵng
34. Vương Trung Hiếu, Con người trong tác phẩm văn chương,
35. Đỗ Đức Hiểu (1978), Phê phán văn học hiện sinh chủ nghĩa, Nxb Văn học, Hà Nội
36. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội
37. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên, 2001), Văn hóa Nhật những chặng đường phát triển, Nxb
Khoa học xã hội.
38. Jung, Carl Gustay, Sự đỏng đảnh của phương pháp- Về quan hệ của tâm lý học phân
tích đối với sáng tạo nghệ thuật (Ngân Xuyền dịch, 2005), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà
Nội
39. Thiên Lam, Văn học Việt Nam và Nhật Bản: Giao thoa để khởi sắc, baomoi.com.
40. Trần Thị Tố Loan, Kawabata trong tiến trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản,
41. Hoàng Long (2006), Truyện Ngắn Murakami (Nghiên Cứu Và Phê Bình), Nxb Tp Hồ
Chí Minh, HCM.
42. Nguyễn Trường Lịch (2002), Con mắt tiếp nhận văn chương, Nxb Văn học, Hà Nội.
43. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
44. Phương Lựu (2001), Lí luận và phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học,
Hà Nội.
45. Phương Lựu tuyển tập (2006), Lí luận văn học Mác – Lênin(tập 3), NxB Giáo dục.
46. Phương Lựu (2001), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học, Hà
Nội
47. Lyotar J. F. (2007), Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu
đính và giới thiệu), Nxb Tri thức, Hà Nội.
48. Meletinsky E.M. (2004), Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn –
Song Mộc dịch), Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
49. Nguyên Minh, Rừng Na-uy, phiên bản hình ảnh đẹp của tiểu thuyết,
50. Shigemi Nakagawa, Văn học Nhật Bản hiện đại và Nghiên cứu giới tính: Trường hợp
Murakami Haruki và Tawada Yoko, vienvanhoc.org vn
51. Luân Nguyễn, Yếu tố hậu hiện đại trong truyện ngắn H. Murakami, nhìn từ quan điểm
nghệ thuật con người, .
52. Vương Trí Nhàn (2007), Cây bút, đời người , Mặc cảm - tha hoá – phân thân và những
diễn biến tâm lý có thật, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
53. Hữu Ngọc (1991), Cảm nghĩ về văn hóa Nhật Bản, Tạp chí văn học số 4, Hà Nội.
54. Hữu Ngọc (1992), Nghĩ về cấu trúc văn hóa Nhật Bản, Tạp chí Văn Nghệ, Hà Nội.
55. Hữu Ngọc (2000), Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, Nxb Văn Nghệ, Hà Nội.
56. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Huế, 1984.
57. Trần Đình Sử, Lê Tẩm (dịch, 2002), Bốn bài giảng mĩ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà
Nội.
58. Jean-Paul Sartre,
59. Đỗ Ngọc Thạch, Sartre và văn học, Newvietart.com
60. Bùi Việt Thắng (biên soạn, 2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà
Nội.
61. Trần Nho Thìn, Tăng cường hơn nữa tinh thần đối thoại quốc tế trên nghiên cứu văn
học,
62. TS. Nguyễn Thị Bích Thúy, “Phức cảm Genji” trong tiểu thuyết "Kafka bên bờ biển"
của Haruki Murakami, vienvanhoc.org.vn
63. Ngô Minh Thủy – Ngô Tự Lập (2003), Nhật Bản – đất nước, con người, văn học, Nxb
Văn hóa thong tin, Hà Nội.
64. Lộc Phương Thủy (2005), Tiểu thuyết Pháp thế kỉ XX truyền thống và cách tân, Nxb
Văn học, Hà Nội.
65. Lộc Phương Thuỷ (chủ biên) (2008), Lý luận phê bình văn học thế giới
thế kỷ XX (2 tập), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
66. Phùng Văn Tửu, Người kể chuyện xưng “tôi” trong văn chương hiện đại,
67. Nhiều tác giả (1998), Văn học Nhật Bản, Nxb Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội.
68. Oe Kenzaburo, Về nền văn học Nhật Bản cận đại và hiện đại, Ngô Quang Vinh dịch từ
tiếng Pháp,vne xpress.net.
69. Kiều Phong , Rừng Na-uy và dấu nối quá khứ với hiện tại, đăng trên Website
.
70. Huỳnh Như Phương (2008), Những nguồn cảm hứng trong văn học, Nxb Văn nghệ.
71. Huỳnh Như Phương, Chủ nghĩa Hiện sinh ở Miền Nam Việt Nam 1954-1975 (trên bình
diện lý thuyết),
72. Kỷ yếu hội thảo khoa học (2007), Thế giới của Haraki Murakami và Bannana
Yoshimoto,
73. Kỷ yếu hội thảo khoa học (2011), Văn học Hậu hiện đại lý luận và tiếp
nhận, Khoa Ngữ văn – Đại học Khoa học Huế.
74. Ngân Xuyền trích dịch, Haruki Murakami: “Tôi là nhà văn ở giữa”, tuoitre.vn
75. Y. Kawabata (2005), Tuyển tập tác phẩm, Nxb Lao động & Trung tâm văn hóa ngôn
ngữ Đông Tây.
76. www.yume.vn, Cái phi lý trong “Kafka bên bờ biển” – Haruki Murakami.
77. www.tamlyhoc.net, Phân tâm học của S.Freud.